Tuesday, July 16, 2019

S-400: Thổ Nhĩ Kỳ "cõng rắn Nga vào cắn gà nhà NATO" Trọng Nghĩa


Bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và tư lệnh lực lượng đồng minh châu Âu (SACEUR), tướng Mỹ Tod Wolters tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO ở Bruxelles ngày 26/06/2019.REUTERS/Francois Walschaerts


Bất chấp những lời khuyên can hay đe dọa của Mỹ và các đồng minh NATO, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh tiến trình triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 đặt mua của Nga. Phát biểu vào hôm qua 15/07/2019, tổng thống Erdogan đã xác nhận việc Mátxcơva bắt đầu giao vũ khí cho Ankara, đồng thời khẳng định rằng việc triển khai sẽ được hoàn tất vào tháng 04/2020.

Lời xác nhận này mang ý nghĩa đặc biệt khiêu khích đối với các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, đứng đầu là Mỹ, vốn rất lo ngại trước hậu quả khôn lường của việc vũ khí Nga nằm ngay giữa lòng hệ thống phòng thủ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Giới phân tích phương Tây thường mô tả việc Ankara mua S-400 của Mátxcơva bằng hình tượng « đưa sói vào bầy cừu », nói nôm na theo tiếng Việt là « cõng rắn cắn gà nhà » - ở đây rắn là Nga, còn gà nhà là NATO.

Trên bình diện ngoại giao và địa lý chính trị, riêng việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên quan trọng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, lại đi mua vũ khí của Nga, trên nguyên tắc là đối thủ của NATO, đã là một nghịch lý. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa Nga và Mỹ, nước đứng đầu NATO, việc Washington nổi giận đòi trừng phạt Ankara về tội mua vũ khí Nga cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên, mối lo ngại của Hoa Kỳ nói riêng, và NATO nói chung còn có thể được giải thích trên bình diện quân sự, với việc một nước sử dụng hệ thống vũ khí hoàn toàn khác biệt với phần còn lại của toàn khối, đặt ra vấn đề tương thích và phối hợp hành động.

Theo một số chuyên gia được đài truyền hình Pháp France 24 phỏng vấn, mối lo ngại lớn nhất của chính quyền Mỹ chính là với việc trang bị cho mình hệ thống tên lửa S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đã mặc 

Gustav Gressel, chuyên gia về quốc phòng và về Nga tại trung tâm nghiên cứu Hội Đồng Châu Âu về Quan Hệ Quốc Tế ECFR giải thích : « Trong thập niên 1960-1970, một quốc gia có thể đa dạng hóa nguồn vũ khí, chẳng hạn như dùng xe tăng Đức, máy bay Nga và tên lửa Mỹ, bởi vì tất cả các loại vũ khí đó vận hành trong một chu trình khép kín, nghĩa là các thiết bị này không liên lạc với nhau ».

Theo ông Gressel, ngày nay thì khác, các hệ thống vũ khí đều mở và tích hợp với nhau, chẳng hạn như một hệ thống phòng không sẽ lấy thông tin từ máy bay trinh sát, các đài radar, trung tâm chỉ huy, và tất cả các bộ phận này phải có khả năng làm việc cùng nhau.

Đối với với ông Gressel, việc tích hợp hệ thống S-400 của Nga vào hệ thống bố phòng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ - do NATO thiết lập – chẳng khác gì « mua máy tính hệ Mac trong khi mọi thứ còn lại đều chạy trên hệ Windows ».

Theo chuyên gia người Đức này, Mỹ cũng không hứng khởi khi phải trao quyền truy cập dữ liệu do các thiết bị NATO thu được, cho một thiết bị của Nga mà « chỉ có Mátxcơva có chìa khóa ». Đối với ông, hệ thống S-400 có thể chứa một phần mềm gián điệp nhỏ có thể truyền về Nga tất cả thông tin thu thập được.

Bên cạnh đó, tiến trình lắp đặt hệ thống S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi sự có mặt của các kỹ sư Nga, lo việc đảm bảo sao cho thiết bị của họ tương thích với phần còn lại của hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với ông Gressel, điều đó có nghĩa là « phía Nga sẽ yêu cầu quyền truy cập tất cả các dữ liệu có sẵn ». Trong trường hợp này, Mỹ đã quyết định đình chỉ việc giao chiến đấu cơ tàng hình F-35 bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, sợ rằng Nga có thể có được thông tin bí mật về loại máy bay mới nhất này của Mỹ.

Sau cùng, Hoa Kỳ cũng lo ngại trước việc Thổ Nhĩ Kỳ nêu gương xấu, thúc giục các nước NATO khác mua S-400 của Nga.

Theo ông Derek Averre, chuyên gia về quân sự Nga tại Đại Học Anh Quốc Birmingham, việc lan tràn hệ thống S-400 của Nga sẽ là một tin xấu cho Mỹ. Lý do là hệ thống này có khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa và thậm chí cả máy bay không người lái trong phạm vi rất rộng, lên đến 400 km. Trong kịch bản S-400 có mặt mọi nơi, Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Mỹ có thể thấy khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả bằng không quân của họ bị hạn chế.

Đó là chưa kể việc Nga có thể chào mời các khách hàng S-400 của họ mua thêm các loại thiết bị khác của Nga, như máy bay Sukhoi chẳng hạn, vốn được thiết kế để phối hợp với hệ thống phòng không.

Dẫu sao thì theo các nhà quan sát, trong thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua S.400, Nga đã thành công mỹ mãn. Nếu Ankara kiên định trong kế hoạch, Mátxcơva sẽ có thể chen chân về mặt quân sự vào khối NATO. Cho dù vì một lý do nào đó mà Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước, vụ S.400 dầu sao đã thành công trong việc gây căng thẳng trong nội bộ NATO. Trong mọi trường hợp, hệ thống phòng không S-400 đã chứng minh hiệu quả của nó, cả trên bình diện quân sự cũng như trong tư cách tác nhân gây rối.

No comments:

Putin fires intercontinental ballistic missile at Ukraine for FIRST time...

HSP : Trò Rung Cây Nhát Khỉ của  vượn người  Pootin.   Trêu vào Mỹ là đễ ăn hột nhơn lắm.  Hai hột tại Hiroshima và Nagasaki ...