TỔNG QUÁT
Trong những con sông dài nhất thế giới thì sông Amazon tại Nam Mỹ với chiều dài 6,992 km (4,345 dặm) là sông dài nhất. Tiếp đó là sông Nile chảy qua 11 nước phía Bắc châu Phi dài 6,650 km (4,132 dặm). Sông Dương Tử (dài 6,380 km) là sông dài nhất ở Châu Á và là sông dài thứ 3 trên thế giới. Sông Hoàng Hà (dài 5,400 km) là sông thứ 2 của Trung Quốc và thứ 6 thế giới. Đập Tam Môn Hiệp, hoàn tất năm 1960 trên sông Hoàng Hà và đập Tam Hiệp, hoàn tất năm 2003 trên sông Dương Tử là đập lớn nhất thế giới.
Hai dòng sông Hoàng Hà và Dương Tử của Trung Quốc
Là một đập thủy điện nằm chặn sông Trường Giang (hay sông Dương Tử: Yangtze) là sông dài thứ ba trên thế giới tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1994. Đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Hồ chứa nước của nó đã bắt đầu có nước vào ngày 1 tháng 6 năm 2003, và sẽ chiếm toàn bộ vị trí hiện tại của khu vực Tam Hiệp thơ mộng, nằm giữa các thành phố Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) và Bồi Lăng (thành phố Trùng Khánh). Đây là vị trí uốn khúc quanh co hiểm trở, nhưng sở hữu lượng nước dồi dào quanh năm.
Tôn Dật Tiên lần đầu tiên đề xuất xây đập trên sông Dương Tử đoạn qua tỉnh Hồ Bắc lẩn đầu từ năm 2019. Ông tin rằng, đập thủy điện được xây dựng ở đây có thể giúp bảo vệ các cộng đồng dân cư ở lưu vực sông khỏi lũ lụt nặng nề. Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, việc xây dựng đập Tam Hiệp không được bắt đầu cho tới 1993, 17 năm sau khi Mao Trạch Đông qua đời.
Đập Tam Hiệp được lấy tên từ 3 hẻm núi lớn từ Tây sang Đông: Hẻm núi Cù Đường (Qutang), Võ Hiệp (Wu Xia) và Tây Lăng (Xiling). Các hẻm núi này kéo dài khoảng 200 km dọc theo thượng và trung lưu của sông Dương Tử. Đập Tam Hiệp dài khoảng 2.3 km và cao 185 m, lớn gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ.
Vị trí đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang
Trừ âu thuyền, dự án này đã hoàn thành và vận hành đầy đủ các chức năng vào ngày 4/7/2012, khi các tuốc-bin chính cuối cùng bắt đầu cho điện. Mỗi turbine có công suất 700 MW. Thân đập được hoàn thành năm 2006. Ngoài 32 turbine chính còn có 2 máy phát điện nhỏ hơn (mỗi máy 50 MW) phục vụ cho nhà máy, tổng công suất phát điện của đập là 22,500 MW.
Giống như nhiều đập nước đang xây dựng khác, dự án này cũng gây ra nhiều ý kiến trái ngược về sự đúng sai trong và ngoài Trung Quốc. Các đề xuất xây dựng dựa vào các lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát ngập lụt và năng lượng từ thủy điện. Các ý kiến chống lại chủ yếu là do các e ngại về tương lai của 1.9 triệu người sẽ phải di chuyển chỗ ở do mực nước tăng lên, sự mất đi của nhiều địa điểm có giá trị khảo cổ học và văn hóa, các tác động tới môi trường cũng như sự ổn định của đập.
Vi trí đập Tam Hiệp
Thông số kỹ thuật: Được làm từ bê tông và thép, đập có chiều dài 2,355 m và đỉnh đập cao 185 m trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27.2 triệu m³ bê tông (chủ yếu cho thành đập), 463,000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel, đào 102.6 triệu m³ đất. Thành đập cao 181 m so với nền đá. Mực nước đập cao tối đa 175 m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110 m, vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km và rộng 1.12 km. Vùng hồ chứa có thể tích 39.3 km³ và tổng diện tích bề mặt nước 1,045 km². Khi hoàn thành, tổng diện tích đất bị ngập nước của hồ là 632 km², so với 1,350 km² diện tích bị ngập của đập Itaipu.
Khu vực: Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc
Độ cao: 181 m
Vốn đầu tư dự tính: 203.9 tỷ nhân dân tệ (24.65 tỷ USD)
Số người phải di chuyển: 2 triệu - có thể hơn
Công suất phát điện thiết kế: 18.2 Gigawatt
Chức năng: Kiểm soát lũ lụt, phát điện, cải thiện giao thông thủy lộ
Đập Tam Hiệp
Chính phủ Trung Quốc ước tính rằng dự án đập Tam Hiệp sẽ có giá 180 tỷ nhân dân tệ (22.5 tỷ USD). Đến cuối năm 2008, chi phí đã đạt 148.365 tỷ nhân dân tệ, trong đó 64.613 tỷ nhân dân tệ đã được chi cho xây dựng, 68.557 tỷ nhân dân tệ cho việc di dời cư dân bị ảnh hưởng và 15.195 tỷ nhân dân tệ về tài chính. Ước tính trong năm 2009, chi phí xây dựng sẽ được hoàn trả khi con đập tạo ra 1,000 terawatt/giờ (3,600 PJ) điện, năng suất 250 tỷ nhân dân tệ. Do đó, việc hoàn trả toàn bộ chi phí dự kiến sẽ xảy ra mười năm sau khi đập bắt đầu hoạt động hoàn toàn, nhưng toàn bộ chi phí của đập Tam Hiệp đã được hoàn trả vào ngày 20/12/2013.
Các nguồn tài trợ bao gồm Quỹ xây dựng đập Tam Hiệp, lợi nhuận từ đập Gezhouba, các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, các khoản vay từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, trái phiếu doanh nghiệp và doanh thu từ cả trước và sau khi đập hoạt động hoàn toàn. Các khoản phí bổ sung được đánh giá như sau: Mỗi tỉnh nhận được điện từ đập Tam Hiệp phải trả thêm ¥ 7,00 mỗi MWh. Các tỉnh khác đã phải trả một khoản phí bổ sung ¥ 4,00 mỗi MWh. Khu tự trị Tây Tạng không phải trả phụ phí.
NHỮNG CHI TIẾT CẦN BIẾT VỀ ĐẬP TAM HIỆP
Đập thuỷ điện lớn nhất thế giới - là một trong những dự án đầy tham vọng và gây tranh cãi nhất của Trung Quốc.
Đập Tam Hiệp ban đầu là ý tưởng của Tôn Trung Sơn: Lãnh tụ của Cách mạng Tân Hợi (1911) Tôn Trung Sơn đề xuất ý tưởng về đập Tam Hiệp từ đầu năm 1919.
Theo tờ Interesting Engineering, trong một bài báo có tiêu đề “Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp”, Tôn Trung Sơn đề xuất ý tưởng xây dựng một con đập không chỉ giúp kiểm soát lũ sông Dương Tử, mà còn thể hiện sức mạnh mới của Trung Quốc.
Hàng thập kỷ để trở thành hiện thực: Trong hàng chục năm, ý tưởng xây dựng một con đập đủ lớn trên sông Dương Tử dường như không khả thi. Sau khi Tôn Trung Sơn đề xuất ý tưởng xây đập năm 1919, vấn đề đập Tam Hiệp đã không được thảo luận cho đến năm 1944-1946. Trung Hoa dân quốc đã ký hợp đồng với Cục Cải tạo Liên bang Mỹ để thiết kế con đập vào năm 1946. Tuy nhiên, dự án này đã nhanh chóng bị hủy bỏ do cuộc cách mạng giành chính quyền ở Trung Quốc sau Thế chiến 2. Có nhiều nỗ lực để xây dựng con đập vào những năm 1950 và 1970, nhưng bất ổn xã hội luôn buộc dự án phải hoãn lại. Phải đến ngày 14/12/1994, đập Tam Hiệp mới chính thức được khởi công và đập vận hành vào năm 2009.
Quy mô khổng lồ: Mặc dù một số người cho rằng đập Tam Hiệp có thể nhìn thấy từ không gian, nhưng điều này không đúng. Tuy nhiên, quy mô của con đập này là khổng lồ. Được làm từ bêtông và thép, đập Tam Hiệp có chiều dài 2,355 m và đỉnh đập cao 185 m trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27.2 triệu m³ bêtông (chủ yếu cho thành đập), 463,000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102.6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 m so với nền đá.
Ba mục đích chính: Mặc dù đập Tam Hiệp gây tranh cãi vì những tác động tiêu cực đến môi trường, song con đập cũng có một số lợi ích tích cực đáng chú ý. Con đập được xây dựng với 3 mục đích chính là: kiểm soát lũ lụt, sản xuất năng lượng sạch và cải thiện giao thông đường thủy. Việc xây dựng đập Tam Hiệp được rút ra từ những sai lầm trong việc xây dựng đập Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà, con sông dài nhất Trung Quốc.
Ý kiến các đại biểu: Năm 1992, Quốc hội Trung Quốc chính thức phê duyệt dự án nhưng 1/3 số đại biểu bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng. Điều đáng chú ý là tuy rằng Trung Quốc ở trong chế độ toàn trị, số lượng 1/3 số đại biểu bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng đã nói lên sự chia rẻ sâu sắc đối với dự án này.
Bị trì hoãn ngay từ khi bắt đầu: Kể từ khi đập Tam Hiệp được công bố xây dựng, dự án liên tục gây tranh cãi và bị trì hoãn. Dự án ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2008 nhưng chi phí tăng vọt, quan ngại về môi trường, tham nhũng, các vấn đề tái định cư khiến tiến độ dự án bị chậm lại và đôi khi bị đình trệ, gây hại hơn là có lợi cho người dân địa phương.
Di cư ồ ạt: Trong quá trình xây dựng đập, 1,350 làng bị nước nhấn chìm, 1.2 triệu người đã buộc phải di dời và tìm nhà mới. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn đang di chuyển người dân ra khỏi khu vực và dự kiến sẽ di chuyển thêm hàng trăm nghìn người ra khỏi khu vực trong những năm tới.
Tốn kém: Ước tính tổng chi phí của con đập đã dao động từ 25 tỷ USD và đã tăng vọt lên tới 37 tỷ USD theo một số tính toán. Dự án thậm chí còn bị Quốc hội Trung Quốc phản đối vì chi phí khổng lồ, chưa kể 140 thị trấn, 13 thành phố và 1,600 khu định cư (trong đó có các danh thắng lịch sử) đã bị mất khi đập được xây dựng.
Thuỷ điện: Để tạo ra điện, dự án thủy điện cần cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Đập Tam Hiệp cung cấp điện cho hàng triệu người bằng 34 máy phát điện khổng lồ, tương đương với một nhà máy điện sử dụng 25 triệu tấn dầu thô hoặc 50 triệu tấn than.
Kiểm soát lũ tốt hơn: Lũ lụt theo mùa của sông Dương Tử là một nguyên nhân chính gây lo ngại cho người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên trong vô số năm. Sông Dương Tử là con sông dài thứ ba trên thế giới, dài 6,357 km trên khắp Châu Á. Đập Tam Hiệp giúp giữ nước trong mùa lũ, bảo vệ hàng triệu ngôi nhà và cuộc sống ở hạ lưu cũng như các thành phố quan trọng nằm liền kề với Dương Tử như Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải. Các hồ chứa của đập Tam Hiệp có diện tích khoảng hơn 1 triệu km².
Sản xuất điện: Đập Tam Hiệp tạo ra sản lượng điện gấp 11 lần so với đập thuỷ điện Hoover khổng lồ của Mỹ. Với sản lượng điện được tạo ra rất lớn, lượng nước của đập đủ khả năng sản xuất 22.5 triệu kilowatt điện, đập Tam Hiệp được cho là cung cấp phần lớn điện cho toàn bộ Trung Quốc.
Ô nhiễm nguồn nước: Một trong những tranh cãi lớn nhất xung quanh đập Tam Hiệp là mức độ thiệt hại mà con đập gây ra cho môi trường. Ước tính rằng 70% nước ngọt Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều. Đập Tam Hiệp nằm bên trên các cơ sở xử lý chất thải cũ và cơ sở khai thác mỏ. Chưa kể, 1 tỷ lít nước thải thô được lắng đọng ở sông Dương Tử mỗi năm.
Tác động môi trường tiêu cực: Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi cư ngụ của 6,400 loài thực vật, 3,400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn. Con đập không chỉ ảnh hưởng đến các loài này mà còn cả môi trường sống của chúng. Xói mòn hồ chứa đã gây ra lở đất và thậm chí đe dọa một trong những ngành ngư nghiệp lớn nhất thế giới. Con đập quá lớn đến nỗi nó đã tạo ra một vi khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực. Đập Tam Hiệp cũng như các hệ thống đập trên sông Lan Thương, thượng nguồn của sông Cửu Long. Trung Quốc dùng hệ thống đập này để khống chế các nước hạ nguồn.
Làm chậm nhịp quay của trái đất: Sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất hành tinh khiến trái đất quay chậm hơn. Bí mật đằng sau hiện tượng này là do mô-men quán tính. Khi mực nước ở mức cao nhất, tổng diện tích đất bị ngập là 632 km². Hồ chứa nước có sức chứa khoảng 39.3 km³ và lượng nước sẽ có khối lượng lên tới 42 tỷ tấn. Sự dịch chuyển của khối lượng có kích thước đó ảnh hưởng đến trái đất, làm tăng độ dài của một ngày thêm 0.06 micro giây.Trong những ngày vừa qua đã xuất hiện những lo ngại đập Tam Hiệp có nguy cơ vỡ do mưa lớn. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc phủ nhận thông tin này, tuyên bố kết cấu của đập Tam Hiệp vẫn nguyên vẹn.
KHUYNH HƯỚNG NGHI NGỜ VỀ SỰ AN TOÀN CỦA ĐẬP TAM HIỆP
Những suy đoán rằng thảm họa sẽ xảy ra với đập Tam Hiệp từ nhiều năm nay đã lan truyền trên mạng Internet cả trong và ngoài Trung Quốc.
Năm 2020, truyền thông chính thức của Trung Quốc CCTV cũng thông báo, do các trận mưa lớn gần đây, mực nước của đập Tam Hiệp ở sông Dương Tử đã vượt quá giới hạn kiểm soát lũ gần 2 m. Theo chuyên gia thủy lợi Trung Quốc Vương Duy Lạc, đập Tam Hiệp đang đối mặt với áp lực lớn chưa từng có, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mưa lớn, nguy cơ vỡ đập luôn luôn tồn tại. Ông Vương Duy Lạc phân tích rằng, có 3 lý do cho tỷ lệ vỡ đập cao ở Trung Quốc:
Thứ nhất, 50% là do lỗi thiết kế đập, trong đó sai lầm lớn nhất là thiết kế dung lượng lưu trữ nước quá nhỏ và tác động của mưa lớn bị đánh giá thấp. Ở đây có hai rủi ro đã được thống nhất xác định đối với đập; đó là mô hình trầm tích vẫn chưa được kiểm tra kỹ và đập này nằm trên đứt gãy địa chấn. Khi nói đến trầm tích, phải nói đến cả thượng nguồn và hạ nguồn. Trầm tích quá nhiều ở thượng nguồn có thể che lấp các cửa xả nước, và nó có thể gây tổn hại cho đập trong một số tình huống. Trong khi đó ở hạ nguồn lại không đủ trầm tích, tạo nên sự khô hạn. Các nhà môi trường cảnh báo, đập Tam Hiệp làm giảm 50% dòng chảy phù sa của sông Dương Tử cũng như tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái ven sông và ven biển. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự cố của đập Bản Kiều năm 1975 đã làm hỏng 61 đập nước khác và gây ra cái chết của hơn 200,000 người. Ngoài ra, trọng lượng của đập và hồ chứa nước về lý thuyết có thể sinh ra địa chấn cảm ứng, giống như đã xảy ra với đập Katse ở Lesotho.
Thứ hai, 40% là do chất lượng thấp, sự cố vỡ đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam năm 1975 là điển hình của vấn đề này, Việc xây dựng đập được báo cáo là có chất lượng kém, với các vết nứt lớn đã xuất hiện trong thân đập vào năm 2000, đã dẫn đến các chỉ trích trong tiên tri các thảm họa tiềm ẩn tương tự như đối với đập Bản Kiều năm 1975.
10% cuối cùng là do lỗi vận hành.
Vào năm 2019, một ảnh vệ tinh của Google Maps cho thấy đập có dấu hiệu bị cong, làm bùng lên lo ngại về khả năng nó bị rạn nứt. Nhà vận hành đập Tam Hiệp - công ty CTGC - khi đó khẳng định dữ liệu giám sát minh chứng đập hoạt động trong điều kiện bình thường, dự án an toàn và bảo đảm. Điều cần để ý về bức hình bên phải. Kỹ thuật Photoshop có thể làm biến dạng bức hình dễ dàng.
Đập Tam Hiệp bị biến dạng 2009 - 2019
Các kỹ sư Trung Quốc chia sẻ với tờ Hoàn Cầu rằng tất cả các công trình chịu lực gồm cầu, đường, đập ... trong quá trình vận hành sẽ có những biến dạng nhất định ở mức an toàn. Những biến dạng này có thể phục hồi và không phải là vĩnh viễn. Nhà khoa học thủy văn người Hoa Wang Weiluo, hiện sống và làm việc tại Đức, mới đây nêu nghi vấn về sự an toàn của đập Tam Hiệp, đồng thời cảnh báo con đập này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Trong báo cáo hàng năm tới Quốc hội Hoa Kỳ, Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng những người Đài Loan là "những người đề xuất các cú đánh vào đại lục dường như hy vọng rằng các đe dọa đối với dân cư đô thị Trung Quốc hay các mục tiêu có giá trị như đập Tam Hiệp sẽ làm giảm bớt sự áp bức quân sự của người Trung Quốc." Ý nghĩ cho rằng giới quân sự Đài Loan có thể tìm cách tiêu hủy đập Tam Hiệp đã gây ra phản ứng giận dữ từ các phương tiện thông tin đại chúng của đại lục. Tướng Liu Yuan của Giải phóng quân nhân dân đã phát biểu trên China Youth Daily rằng giải phóng quân nhân dân cần "nghiêm túc trong việc bảo vệ chống lại những đe dọa từ những kẻ khủng bố Đài Loan". Mặc dù có tuyên bố của thứ trưởng quốc phòng Đài Loan Thái Minh Hiền về sự ngược lại, phần lớn các nhà phân tích cho rằng người Đài Loan không có khả năng mà cũng không tìm kiếm các công nghệ để ném bom đập Tam Hiệp vì những đe dọa của Bắc Kinh về việc đáp trả bằng lực lượng quân sự áp đảo. Trong tháng 9 năm 2004 Thời báo Trung Quốc (China Daily) thông báo rằng một lực lượng vũ trang lớn đã được triển khai tại khu vực này để chống lại cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra, nhưng không nói rõ về những kẻ muốn tấn công đập.
TRẢ LỜI CHÍNH THỨC TỪ CHÍNH QUYỀN
Năm 2020, trong khi mưa lớn gây lũ lụt tiếp tục gây thiệt hại ở hơn 20 tỉnh của Trung Quốc Đại lục thì xuất hiện 2 khuynh hướng đối nghịch về sự an toàn của đập Tam Hiệp. Các chuyên gia Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn nghi ngờ về khả năng đập Tam Hiệp bị vỡ, nhấn mạnh con đập đến nay vẫn nguyên vẹn, trong khi mưa lớn tiếp tục hoành hành và mực nước hồ chứa vượt 2 m so với ngưỡng kiểm soát lũ - đạt 147 m tính đến ngày 21/6. Tờ Hoàn Cầu cho hay, lượng trữ nước tăng tại đập Tam Hiệp đã tạo cớ cho nhiều "tin đồn" về sự biến dạng cấu trúc và nguy cơ vỡ đập. Guo Xun, nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học Kỹ thuật thuộc Cục Quản lý Động đất Trung Quốc, khẳng định đập Tam Hiệp có khả năng trữ nước lớn hơn nhiều so với mức độ hiện nay. Ông Guo nói, đập Tam Hiệp được thiết kế để tiếp nhận mực nước lên đến 175 m (tương đương 70,000 m³/giây) - với rủi ro xảy ra chỉ là "ngàn năm có một". Do đó, mực nước 147 m (53,000 m3 nước/1 giây), xảy ra vào ngày 2/7/2020 là an toàn đối với công trình. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng mực nước trong hồ chứa vượt 2 m so với mức kiểm soát lũ cho thấy đập cần xả lũ để cân bằng dòng chảy và ngăn mực nước tiếp tục tăng lên - một thông lệ trong mùa mưa.
Từ đầu tháng 6/2020, Trung Quốc bước vào mùa mưa lũ nhưng năm nay có cường độ bất thường với cảnh báo mưa bão được ban hành liên tục 26 ngày, theo Tân Hoa xã. Con đập này đang đối mặt với áp lực thiên tai khủng khiếp, hôm 8/6, mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp được xả xuống còn 145 m để “chừa chỗ” cho mùa lũ đang tới, nhưng đến ngày 19/6 mực nước đo được là 147 m, cao hơn 2 m so với mức cảnh báo lũ trong khi lượng nước dồn về con đập tăng lên so với ngày trước đó.
Hãng tin Trung Quốc Tân Văn xã cho hay Ủy ban Thủy lợi Trường Giang thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết tính từ khi mùa lũ bắt đầu (1/6) đến ngày 21/7, hơn 45.52 triệu người tại 27 tỉnh ở Trung Quốc, trong đó có Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, Quý Châu, Quảng Đông, Trùng Khánh, Tứ Xuyên đã bị ảnh hưởng. Sau đó, đỉnh lũ thứ 2 (hình thành ngày 17/7) đã quét qua Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), nhưng mực nước ở Vũ Hán đã giảm. Ngày 27/7, đỉnh lũ thứ 3 đang hình thành trên sông Dương Tử ở Trung Quốc sau nhiều đợt mưa lớn ở thượng nguồn.
Truyền thông Trung Quốc chính thức lên tiếng đập Tam Hiệp đã tiến hành đợt xả lũ đầu tiên trong năm nay vào ngày 29/6, giữa bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng vỡ đập. Cụ thể, lưu lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp đã tăng từ 42,000 m3/s lúc 14h chiều 16/7 lên tới 50,000 m3/s lúc 10h sáng 17/7. Hình ảnh chụp tối 19/7 cho thấy 7 cổng xả lũ của Đập Tam Hiệp được mở. Vào lúc 20 giờ cùng ngày, mực nước hồ chứa của đập Tam Hiệp chạm tới 164.18 m, mức cao nhất kể từ khi đập được xây và vượt mức cảnh báo lũ gần 20 m, theo Tân Hoa xã. Sau khi thượng nguồn sông Dương Tử hứng trận lũ thứ 3 trong năm vào chiều ngày 26/7, giới chức Trung Quốc cảnh báo mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp sẽ tăng nhanh vào buổi tối. Giới chức Trung Quốc cho rằng đập Tam Hiệp có thể hứng chịu dòng nước lũ 70,000 m3/giây và mực nước trong hồ có thể lên tới 175 m.
Hãng tin Trung Quốc Tân Văn xã đưa tin vào tối ngày 19/8, lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới - đã lên tới 73,800 m3/giây, lớn nhất kể từ lúc con đập này được xây dựng vào năm 2003. Trước đó, dữ liệu từ Ủy ban Thủy lợi Trường Giang thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho thấy lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp đã đạt 72,000 m3/giây lúc 12h ngày 19-8, vốn đã vượt kỷ lục trước đó là 71,200 m3/giây vào ngày 24/7/2012. Trước áp lực từ nước lũ, đập Tam Hiệp đã mở 10 cửa xả lũ. Trước đây, khi lưu lượng nước đổ về đạt 50.000 m3/giây, con đập chỉ phải mở từ 3 hay 4 và có lúc 6 cửa xả lũ. Hiện lưu lượng xả lũ tại đây là 49.400 m3/giây, còn mực nước hồ chứa đập Tam Hiệp là 160.5 m. Theo Hãng tin Trung Quốc Tân Văn xã, lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp được dự báo sẽ còn lên tới khoảng 75,000 m3/giây vào ngày 20/8. Đây là trận lũ lớn nhất kể từ lúc đập Tam Hiệp bắt đầu hoạt động năm 2003.
Ảnh chụp từ trên cao ngày 19/8 cho thấy đập Tam Hiệp mở 10 cửa xả lũ - Ảnh: Chinanews
Hình ảnh lũ lụt chạm đến chân tượng Lạc Sơn Đại Phật đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc với hơn 91 triệu lượt truy cập. Bức tượng tựa vào núi Lăng Vân, là khu vực hợp lưu giữa ba con sông Mân Giang, Thanh Long Giang và sông Đại Độ, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây tỉnh Hồ Bắc, nơi đập Tam Hiệp được xây. Đây là lần đầu tiên nước chạm tới chân tượng Phật cao hơn 70 mét kể từ năm 1949, theo truyền thông địa phương.
Tượng Phật khổng lồ tại Tứ Xuyên
BÀI HỌC TỪ ĐẬP TAM MÔN HIỆP
Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai ở Trung Quốc, dài trên 5,400 km, bắt nguồn từ phía bắc tỉnh Thanh Hải, chảy qua nhiều tỉnh rồi đổ qua Bột Hải thuộc tỉnh Sơn Đông. Lưu vực sông Hoàng rộng hơn 752 nghìn km², là cái nôi của nền văn minh cổ đại Trung Quốc. Hoàng Hà chảy qua cao nguyên Hoàng thổ (đất màu vàng), độ cao trung bình 1,000 - 2000 m, nước chảy xiết lại chứa hàm lượng cát rất cao. Vùng hạ lưu sông tiến vào đồng bằng, nước chảy chậm, phù sa lắng đọng nhiều, lòng sông cao hơn hai bờ, hình thành "sông trên đất". Do đặc điểm như vậy, về mùa mưa Hoàng Hà thường xuyên gây ra nạn lụt gây nên nhiều tai họa thảm khốc trong lịch sử, như nạn lụt năm 1937 làm chết 3.7 triệu người, thiệt hại kinh tế không thể tính nổi.
Sông Hoàng Hà
Năm 1952, chính phủ Trung Quốc mời Liên Xô giúp lập dự án trị thủy Hoàng Hà, con sông thường xuyên gây nạn lụt lớn ở nước này. Tháng 10/1954, dưới sự chỉ đạo của đoàn chuyên gia Liên Xô, Ủy ban Quy hoạch Hoàng Hà (do Bộ Thuỷ lợi và Bộ công nghiệp nhiên liệu Trung Quốc là lực lượng chính) đã hoàn thành bản: "Quy hoạch lợi dụng tổng hợp Hoàng Hà". Đây sẽ là một công trình quy mô vĩ đại: trên dòng chính của sông sẽ xây dựng 46 đập nước lớn, trong đó Tam Môn Hiệp là lớn nhất; tổng công suất phát điện của các đập là 23 triệu KW, bình quân hằng năm sản xuất 110 tỷ kWh, gấp 10 lần sản lượng điện toàn Trung Quốc năm 1954; diện tích đất được tưới nước sẽ từ gần 17 triệu mẫu Trung Quốc lên 116 triệu mẫu, xà lan 500 tấn có thể chạy từ biển Đông vào đến tận Lan Châu (Lanzhou).
Tháng 9/1960, hồ chứa nước Tam Môn Hiệp hoàn thành. Từ năm thứ hai, 800 nghìn mẫu ruộng lúa hai bờ sông đều bị ngập, phải di dời cả một huyện; thành phố Tây An bị đe dọa nghiêm trọng. Từ năm 1972, Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy. Kể từ năm 1990, hằng năm bình quân Hoàng Hà có hơn 100 ngày không có nước. Hàng trăm nghìn nông dân Trung Quốc phải bỏ ruộng đất màu mỡ ở quê hương để dời đến các vùng đất cằn cỗi ở vùng sâu, vùng xa, một số người phải di dời nhiều lần mất sạch cơ nghiệp. Ngày nay, sau gần 50 năm, thủy thổ lưu vực Hoàng Hà ngày càng tồi tệ, nước sông phía hạ lưu hầu như chẳng còn lại bao nhiêu.
Đáng lẽ nhân dân Trung Quốc sẽ không phải gánh chịu hậu quả trên nếu biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhà khoa học thủy lợi danh tiếng Hoàng Vạn Lý - giáo sư Đại học Thanh Hoa. Dĩ nhiên, khi nhà nước đặt vấn đề xây dựng công trình thuỷ lợi Tam Môn Hiệp, ông là người đầu tiên được tham gia. Ngay từ đầu, Hoàng Vạn Lý đã phát biểu: Liên Xô có nhiều kinh nghiệm xây dựng thủy điện, nhưng họ chưa hiểu vấn đề của Hoàng Hà. Tam Môn Hiệp đã trở thành bài học đắt giá cho tất cả những nhà lãnh đạo chưa thực sự tôn trọng khoa học và dân chủ. Mặt khác, các nhà khoa học cũng cần hiểu rằng sự thiếu trung thực của họ có thể gây tai họa lớn đến chừng nào.
Nhưng cái giá phải trả là gì? Với cỗ máy nhà nước đẩy dự án đi, một số người cho rằng các sai phạm kỹ thuật đã được phớt lờ. Một số người chỉ trích nói rằng lượng nước trữ trong hồ chứa sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt trên thượng nguồn, ở tỉnh Tứ Xuyên. Cạnh đó là các tác hại tới hệ sinh thái địa phương, việc xóa sổ các địa điểm di sản vô giá. Rồi nguy cơ con đập trở nên không an toàn khi có các trận động đất xảy ra, nguy cơ gây thay đổi tầng địa chấn, gây đất lở từ lượng nước khổng lồ được trữ lại ... Năm 2004, một trong các kỹ sư tham gia thiết kế đập thừa nhận trên truyền hình Trung Quốc rằng con đập là "một sai lầm". Thế nhưng ngày nay, đập Tam Môn Hiệp vẫn tiếp tục hoạt động, như một người lính già ngang ngạnh quyết bám trụ một tiền đồn đã bị lãng quên.
Các dòng sông của Trung Quốc đang trong tình trạng ô nhiễm, bị phá hại, khai thác quá mức, bị lở bờ và nhiều yếu tố khác tác động. Công tác bảo vệ đập lơi lỏng tới mức gần như không có gì.
Đập Tam Môn Hiệp – Bài học đắng trong lịch sữ Trung Quốc
KẾT LUẬN
Xây đập ngăn nước trên sông Dương Tử là một trong những giấc mơ của Tôn Dật Tiên - người cha khai sáng ra nước Trung Quốc hiện đại. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã ra lệnh tiến hành những nhát đào đầu tiên. Cả hai ông đều nhìn nhận đập nước là một cách để kiểm soát các trận lũ tàn phá dọc hạ lưu sông Dương Tử và tạo ra một cột trụ cho quyền lợi quốc gia. Thủ tướng Lý Bằng trong tuyên bố ra hồi 1992 với nội dung phê chuẩn việc xây đập Tam Hiệp dường như khẳng định rằng Trung Quốc coi dự án này như một cuộc biểu dương ý chí chính trị, kinh tế và công nghệ của đất nước.
Trên các con sông lớn, Trung Quốc từ lâu đã thường xuyên hứng chịu lũ lụt. Hoàng Hà và Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử) là hai con sông lớn của Trung Quốc. Lưu vực sông Dương Tử hứng chịu trận lụt thảm khốc năm 1998, với các tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, Hồ Nam, An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tô, Hà Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên và Vân Nam bị ngập lụt nghiêm trọng. Hơn 100 triệu người bị ảnh hưởng, 3,700 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế khoảng 24 tỷ USD. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết thất thường hơn, những quốc gia như Trung Quốc cần phải chuẩn bị nhiều hơn để ứng phó với lũ lụt như vậy. Kể từ khi đập Tam Hiệp hoàn tất năm 2003 thì có những khuynh hướng đối nghịch về tác dụng đối với môi trường, khả năng chống lũ và sự vận hành an toàn của đập.
Kể từ tháng 6/2020, rất nhiều tin tức trên You Tube Tiếng Việt phần lớn ở quốc nội nói về nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp vì những cơn mưa liên tục trong suốt tháng 6/2020. Dù muốn dù không, các mạng này cũng chịu sự chi phối của chính quyền Việt Nam. Cho đến đầu tháng 9/2020, đập Tam Hiệp vẫn đứng vững dù rằng đã có lúc phải xả lủ tối đa. Trong những tháng gần đây, thiên tai lũ lụt cũng như dịch châu chấu và sâu bọ phá hoại mùa màng ở các khu vực khác, nơi các cánh đồng bị trơ trọi và ba cơn bão lớn tháng trước kéo vào vùng đông bắc Trung Quốc. Nạn thiếu lương thực trầm trọng, điều có thể gây ra một cạnh tranh chiến lược về an ninh lương thực, có tiềm năng gây rắc rối cho các nước trong khu vực. Cổ nhân đã có nói “Thuận thiên giả tồn – Nghịch thiên giả vong”. Nếu không có được những bằng chứng vững chắc thì có thể rằng phải dùng những suy nghĩ tâm linh để giải thích những gì sẽ xảy ra đối với đập Tam Hiệp nói riêng và tương lai Trung Quốc nói chung. Cứ nhìn lá quốc kỳ của Trung Quốc sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc thống nhất đất nước năm 1949. Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng. Tuy nhiên việc không công bố chính thức ý nghĩa của 5 ngôi sao nên điều này vẫn là điều bí ẩn và khiến mọi người hoài nghi, đồn đoán các giả thuyết. Cách giải thích thứ nhất về 5 ngôi sao tượng trưng cho sự đoàn kết của nhân dân cách mạng đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong đó bốn ngôi sao nhỏ tượng trưng cho lực lượng của cách mạng bao gồm giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị và tư sản dân tộc đứng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Hoa là ngôi sao lớn. Cách thứ 2 giải thích năm ngôi sao tượng trưng cho 5 dân tộc lớn ở Trung Quốc, ngôi sao lớn tượng trưng cho người Hán, 4 ngôi sao nhỏ tượng trưng cho 4 khu tự trị là Hồi, Mông, Tạng, Mãn. Cách giải thích thứ hai tượng trưng cho giấc mộng bành trướng của Trung Quốc.
Ngay cả nhóm Bách Việt phía nam sông Trường Giang, tên chung là Việt với nghĩa "một trăm bộ lạc Việt” với mỗi nhóm có các thị tộc của mình. Cổ sử Trung Quốc gọi tên là Việt lần đầu tiên trong lịch sử, Việt là tên một loại vũ khí độc đáo của các bộ tộc phía nam sông Trường Giang, đồng thời cũng có nghĩa là "vượt qua" (vượt sông Trường Giang xuống lưu vực phía Nam), chỉ phạm vi mà văn hóa Trung Hoa thời đó chưa vươn tới. Theo huyền sử hư cấu Việt Nam, một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ tiên của các dân tộc Lạc Việt với lãnh thổ nước Văn Lang (hay Lĩnh Nam) của các vua Hùng, theo huyền sử cũng trùng với vùng đất Lạc Việt. Như vậy, qua lịch sử, tất cả các nhóm Bách Việt đều bị Hán hóa ngoại trừ nhóm Lạc Việt trở thành dân tộc Việt Nam ngày nay.
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nghĩ đến lẽ trời khi trị nước cũng như đối xữ với lân bang và dân tộc Việt.
THAM KHẢO
Đập Tam Hiệp – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Đập Bản Kiều - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Bài viết “Siêu đập Tam Hiệp của Trung Quốc qua những con số” đăng trên mạng Lao Động ngày 2/7/2020.
Bài viết “Áp lực đang đè nén đập Tam Hiệp của Trung Quốc” đăng trên mạng Infonet ngày 29/06/2020.
Bài viết “Đập Tam Hiệp đẩy dân vào sợ hãi, hiểm nguy” đăng trên mạng vrwr.org.vn ngày 29/06/2020.
Bài viết “13 sự thật về đập Tam Hiệp khổng lồ gây tranh cãi của Trung Quốc” đăng trên mạng Lao Động ngày 27/6/2020.
Bài viết “Đập Tam Hiệp, dự án kỳ vĩ đầy tham vọng của Trung Quốc” đăng trên đài BBC ngày 2/7/2020.
Bài viết “Có gì bên trong con đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới?” đăng trên đài Zing.VN ngày 5/7/2020.
Bài viết “Trung Quốc đang trải qua trận lũ một lần trong một thế kỷ” đăng trên mạng Tuổi Trẻ Online ngày 21/7/2020.
Bài viết “Đập Tam Hiệp "biến dạng", có nguy cơ "bị vỡ"? Công ty vận hành lên tiếng đập tan mọi đồn đoán” đăng trên mạng Soha ngày 21/7/2020.
*****
No comments:
Post a Comment