Vào tháng 10 năm 1973, sau một năm phục vụ trên Trợ Chiến Hạm Đoàn Ngọc Tảng (HQ 228), tôi được chỉ định giữ chức vụ hạm trưởng Hải Vận Hạm Tiền Giang (HQ 405) thay thế Hải Quân Trung Tá Nguyễn Như Phú (Khoá 13 SQHQ/NT nguyên thuộc Khóa 16 VBQG/Đà Lạt). Giã từ HQ-228, với nhiều kỷ niệm buồn vui, từ những lần yểm trợ hải pháo, hộ tống thương thuyền đi Nam Vang, hộ tống chiến hạm tiếp tế cho căn cứ Năm Căn… Trên con tầu thân yêu này tôi được biết nhiều về Cửu Long Giang với Cổ Chiên, Hàm Luông mênh mông… những bình minh, hoàng hôn trên Tiền Giang, Hậu Giang bát ngát ngút ngàn…
Tôi sinh ra tại miền Bắc Việt Nam,lớn lên tại Hải Phòng. Năm 1954 khi đất nước bị chia đôi vì hiệp định Geneve, theo cha mẹ di cư vào Nam bằng đường thủy vào mùa thu năm đó. Tầu Hải Quân Pháp ủi bãi tại bến Lò Gạch (Hải Phòng) đưa những người di cư ra vịnh Hạ Long rồi chuyển sang tầu chuyên chở của Hải Quân Hoa Kỳ và đưa vào miền Nam; những người di cư gọi tầu của Hải Quân Pháp là tầu há mồm vì khi cửa đổ bộ mở ra trông như cái miệng! Đó là những Hải Vận Hạm (LSM – Landing Ship Medium) sau này của Hải Quân Việt Nam, những con tầu này được đặt tên của những giòng sông như Hát Giang, Ninh Giang, Hương Giang, Tiền Giang, Hậu Giang….
Dạo đó, khi vừa xuống tầu qua cửa đổ bộ, dù mới chín tuổi tôi đã thấy ngao ngán vì trông nó không giống các chiến hạm trong các phim chiếu bóng, đài chỉ huy tròn như cái ống ở bên phải của tầu.
Những người di cư để hành lý và ngồi trên sàn đổ bộ; tôi thấy mẹ tôi nước mắt lưng tròng, cha tôi buồn bã, im lặng. Tầu tách bến chừng hai giờ ra tới cửa biển, nghe người lớn nói là cửa Nam Triệu; tầu bắt đầu nhồi sóng, lắc lư như đưa võng, nhiều người trong đó có tôi bị ói mửa, nằm gối đầu trên chiếc va ly, cảm giác khó chịu của say sóng đã đến quá sớm với đời tôi. Nhìn lên phía trên, thấy nhiều thủy thủ người Việt Nam đứng trên sàn cao xen lẫn với những thủy thủ người Pháp nhìn những người di cư say sóng ở phía dưới, cười một cách thú vị! Cảnh tượng này tôi không quên được!
Sau khi nhận quyền chỉ huy HQ 405, trong lần nói chuyện đầu tiên với sĩ quan và thủy thủ đoàn trên chiến hạm, tôi kể lại những gì đã trông thấy mười chín năm trước trên chiếc Hải Vận Hạm của Hải Quân Pháp và nhắc nhở họ là tôi không muốn thấy cảnh đó trên Hải Vận Hạm Tiền Giang.
Ba ngày sau khi nhận quyền chỉ huy, chiến hạm đến căn cứ Hải Quân Nhà Bè để nhận hàng tiếp tế , những người quá giang của Vùng 5 Duyên Hải và Căn Cứ Hải Quân Năm Căn. Hải trình này không xa lạ với tôi vì thời gian làm hạm phó cho hạm trưởng Phạm Trọng Quỳnh (Khóa 11 SQHQ/NT) và hạm trưởng Bùi Trọng Kim (Khóa 9 SQHQ/NT) trên HQ230 và sau đó phục vụ trên HQ 618 và HQ 228, tôi đã quá quen thuộc với cửa Bồ Đề, sông Cửa Lớn và Căn Cứ Hải Quân Năm Căn.
Trong chuyến công tác thứ ba, trên hải lộ, chiến hạm nhận được tin về trận hải chiến Hoàng Sa. Về tới Sài Gòn ngày mồng bốn Tết âm lịch, sáng hôm sau, chưa được 24 giờ tại bến, tôi nhận được nghị định thăng cấp Thiếu Tá và công điện thượng khẩn của Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biển, trong đó ghi rõ hạm trưởng HQ 405 phải trình diện ngay để nhận lệnh.
Khi tới phòng họp, gặp Phó Đề Đốc Nguyễn Hữu Chí, phụ tá Tư Lệnh BTL/HQ Biển và HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê, Tham Mưu Trưởng BTL/HQ Biển. HQ 405 sẽ tham dự hành quân Trần Hưng Đạo 48 với nhiệm vụ chở Địa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Phước Tuy để chiếm đóng 5 đảo của quần đảo Trường Sa gồm các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa, Sinh Tồn và An Bang. Vào thời điểm này trong quần đảo Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa đã có quân đồn trú trên đảo Nam Yết. Sau khi Tầu Cộng dùng võ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, chính phủ VNCH đã tổ chức cuộc hành quân THĐ 48 để tái khẳng định chủ quyền trên trên quần đảo Trường Sa, cách Hoàng Sa ở phía Bắc chừng 500 hải lý và cách Vũng Tầu ở phía Tây chừng 300 hải lý.
Sau đó buổi thuyết trình về cuộc hành quân diễn ra tại phòng họp BTL/HQ Biển, ngoài Phó Đề Đốc Chí và Đại Tá Khuê còn có HQ Đại Tá Nguyễn Văn May là Chỉ Huy Trưởng Hành Quân Trần Hưng Đạo 48. Đại Tá May lúc đó đang giữ chức vụ Chỉ Huy Trưởng Hải Đội Tuần Duyên thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Các Tuần Duyên Hạm (PGM), Trợ Chiến Hạm ( LSSL) và Giang Pháo Hạm (LSIL) đều thuộc Hải Đội này. Trong buổi họp, khi nghe Đại Tá Khuê dự trù việc đổ quân lên các đảo bằng xuồng cơ hữu của HQ 405, tôi trình bầy với các thượng cấp rằng xuồng cơ hữu của chiến hạm đã bị phế thải từ lâu, đang chờ được thay thế. Trở ngại này sau được giải quyết ổn thỏa vì Công Binh cung cấp 2 xuồng máy lớn cho mỗi đảo.
Trở về chiến hạm tôi cho nhân viên đi chợ để có đủ thực phẩm dự trữ trong 20 ngày, tiếp tế dầu và nước được thực hiện trong vòng 24 giờ, sẵn sàng tách bến khi được lệnh.
HQ 405 rời SÀI GÒN sáng hôm sau, cập cầu Cát Lở lúc 3 giờ trưa cùng ngày, trình diện đại tá May, đặt Bộ Chỉ Huy hành quân trên Hộ Tống Hạm Đống Đa ( HQ 07 ) do HQ Trung Tá Vũ Quốc Công ( Khóa 10 SQHQ/NT) làm hạm trưởng . Ngoài ra, còn có HQ Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá (Khóa 11 SQHQ/NT) phụ tá cho Đại Tá May (chiến hạm của hạm trưởng Bá đang đại kỳ tại Sài Gòn). Địa Phương Quân thuộc Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 371 của Tiểu Khu Phước Tuy đã sẵn sàng trên cầu tầu. Cần trục trên bờ đưa những vật dụng cần thiết như lều trại, đạn dược, thực phẩm, nhiên liệu để dùng cho máy điện… Mỗi đảo được cấp 2 xuồng máy loại lớn, máy còn mới nguyên.
Hai sĩ quan của chiến hạm là HQ Trung Úy Trần Cao Vỵ và HQ Thiếu Úy Trần Kế Lý cùng một số sĩ quan khác phụ trách việc điều động, sắp xếp nhận hàng. Trung Úy Vỵ và Thiếu Úy Lý tốt nghiệp Khoá 25 và 26 võ bị Đà Lạt, thuyên chuyển qua Hải Quân, được huấn luyện hải nghiệp tại trường SQHQ/ Nha Trang. Vỵ là em của Trần Cao Hoài, bạn học của tôi thời trung học. Hoài tốt nghiệp Khoá 16 SQHQ/NT sau tôi một khoá. Cung cách chỉ huy, tinh thần kỷ luật và trách nhiệm của Vỵ và Lý làm tôi rất kính nể quân trường nơi xuất thân của hai vị sĩ quan này. Vỵ và Hoài đang ở Úc, Lý đã mất tích trong chuyến trốn khỏi trại tù. Về phía Bộ Binh, ngoài Đại Úy Doãn là Tiểu Đoàn Phó TĐ 371 ĐPQ, còn có Đại Úy Khang (khoá 18 võ bị Đà Lạt) và Đại Úy Công thuộc Công Binh Kiến Tạo đi theo chiến hạm để thám sát địa chất, vẽ sơ đồ cho việc xây cất căn cứ cho các đảo.
HQ 07 và HQ 405 bắt đầu cuộc hải hành tới quần đảo Trường Sa vào nửa đêm ngày 30/1/1974, HQ 07 đi trước, HQ 405 theo sau khoảng cách một hải lý tốc độ 12 hải lý/giờ. Nhân dịp này các sĩ quan và nhân viên ngành giám lộ có cơ hội thục tập hải hành thiên văn lúc bình minh và hoàng hôn, vào giưã trưa thực tập định vị trí chiến hạm lúc mặt trời qua kinh tuyến. Rạng sáng ngày 1 tháng 2 chúng tôi tới đảo Song Tử Tây sau hơn 24 giờ hải hành đầy sóng gió.
Sau khi thả neo, phải chờ lúc thủy triều cao mới bắt đầu đổ bộ, đảo Song Tử Tây rất gần với Song Tử Đông do quân đội Phi Luật Tân chiếm đóng, lệnh không được có những hành động thù nghịch với quân đội bạn. Trong lúc chờ đợi, nhân viên của chiến hạm hướng dẫn toán đổ bộ cách chạy máy điện, bảo trì, cách xử dụng và điều khiển xuồng. Tới lúc đó, họ đã phát giác ra một điều không vui vì các máy điện tuy còn mới nguyên nhưng không có giây điện.
Dù không nói ra nhưng mọi người đều hiểu các chiến sĩ chiếm đảo sẽ phải đối diện hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết cùng nỗi cô đơn xa đất liền. Quân số đồn trú trên mỗi đảo có chừng 20 người do một sĩ quan cấp bậc chuẩn úy hay thiếu úy chỉ huy. Nhìn những chiến sĩ ĐPQ chuẩn bị cho cuộc đổ bộ với vị sĩ quan chỉ huy còn rất trẻ, tôi rất cảm phục những chiến sĩ vô danh, can đảm và chịu đựng này. Tình chiến hữu sâu đậm và gắn bó đã được biểu lộ cụ thể trong hành động của thủy thủ đoàn HQ 405. Chúng tôi đã lo lắng từng phuy nước ngọt, từng gói thực phẩm … đồng thời cho họ biết chiến hạm HQ/VNCH có mặt thường trực tại Trường Sa để sẵn sàng yểm trợ khi cần đến.
Chiến hạm cho mở cửa đổ bộ hạ cửa ramp xuống; cửa này được giữ cao hơn mặt nước. Các xuồng được để lên cửa ramp,vật dụng được chất lên. Tới giờ bắt đầu đổ bộ, các chiến sĩ ĐPQ lên xuồng cùng sĩ quan chỉ huy, hai vị sĩ quan công binh có mặt trên chuyến đầu tiên. Cửa ramp hạ xuống thấp hơn mặt nước, các xuồng nổi lên và chạy vào đảo; phải chạy nhiều chuyến, công tác hoàn tất vào lúc nửa đêm.
Ngày hôm sau, HQ 07 và HQ 405 di chuyển tới đảo Sơn Ca. HQ 405 neo gần đảo, HQ 07 neo phía ngoài. Đảo này khi nước ròng có một vành san hô bao quanh, phải chờ thuỷ triều cao mới đổ bộ được. Cũng giống như đảo đầu tiên, công việc hoàn tất sau nửa đêm. Trên các đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, có nhiều ổ trứng con vít (một loại rùa biển ) và trứng chim hải âu. Khi HQ 405 tiến vào vị trí neo gần đảo, chim biển bay lên rợp trời.
Cũng vào thời điểm đầu tháng 2, Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng (HQ 5) do HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng, sau khi tham dự trận hải chiến Hoàng Sa được lệnh gia nhập Hành Quân Trần Hưng Đạo 48 bảo vệ Trường Sa. Mặc dù chiến hạm còn bị hư hại và chỉ được sửa chữa tạm thời, HQ 5 nhận lệnh công tác, từ Đà Nẳng trực chỉ Trường Sa.
Riêng phần HQ 405, sau khi đổ quân chiếm đóng 2 đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, tình trạng kỹ thuật không được khả quan vì thiếu nghỉ bến bảo trì sau nhiều chuyến công tác liên tiếp. Cơ Khí Trưởng của chiến hạm, Trung Úy Hoàng báo cáo hai máy điện và máy chánh hữu cần phải tạm ngưng để sửa chữa. HQ 405 cập hữu hạm của HQ 5 để xin trợ giúp. Gặp hạm trưởng Phạm Trọng Quỳnh (ông hạm cũ của tôi trên HQ 230), ông kể lại trận hải chiến Hoàng Sa, đồng thời chỉ cho tôi thấy những hư hại của con tầu trong trong trận hải chiến.
Trên hải lộ tới đảo Sinh Tồn cùng đi với HQ 07, tình trạng kỹ thuật của chiến hạm càng tệ hơn. Hai máy điện vẫn trục trặc, nhân viên phòng tai báo cáo hầm trống phía trước ngay phía dưới cửa đổ bộ bị ngập nước. Vì cấu trúc đặc biệt của loại chiến hạm đổ bộ có thể ủi bãi, các hầm trước mũi này luôn để trống. Sau khi bơm nước ra mới phát hiện một lỗ thủng nhỏ dưới mặt nước vì vỏ tầu quá cũ . Vì nhu cầu hành quân khẩn thiết và an toàn, HQ 405 được lệnh bàn giao phần còn lại của cuộc hành quân chiếm đảo cho HQ 15 đang có mặt trong vùng để xuất phái khỏi cuộc hành quân THĐ 48. Do tình trạng thiếu an toàn HQ 5 đi cùng với HQ 405 về Vũng Tầu. Khi gần ra khỏi vùng biển Trường Sa, đang đi ngang các bãi san hô, Cơ Khí Trưởng yêu cầu tắt hai máy chánh vì quá nóng. Tôi ra ra lệnh tiếp tục chạy vì ngưng máy tại đây, với biển động, sóng lớn sẽ đẩy chiến hạm vào các bãi san hô trong vòng hơn nửa giờ. Khi qua khỏi vùng nguy hiểm chừng hơn 10 hải lý, hai máy chánh của chiến hạm hoàn toàn bất khiển dụng, HQ 5 đã giòng HQ 405 về tới Vũng Tầu ngày hôm sau.
Nhân tiện đây, tôi muốn được trình bày sơ qua về những sĩ quan thuộc Khoá 15 SQHQ/NT giữ chức vụ hạm trưởng trong Hạm Đội. So với các bạn đồng khoá phục vụ tại các giang đoàn, duyên đoàn và các chức vụ tham mưu khác, chúng tôi thăng cấp Thiếu Tá chậm hơn rất nhiều ,khi nhận quyền chỉ huy HQ 405 tôi còn mang cấp bậc Đại Úy. Anh bạn cùng khoá, Song Nam 2 Nguyễn Văn Phước, hạm trưởng Trợ Chiến Hạm Nguyễn Đức Bổng (HQ 231), hải vụ nhiều nhất trong khoá, phục vụ hết tầu này qua chiến hạm kia ,vất vả ngập mặt, cuối năm 1974 hạm trưởng Phước vẫn còn mang cấp bậc Đại Úy! Nghe anh nói nghị định thăng cấp đầu năm 1975, hạm trưởng Phước mang cấp bậc thiếu Tá thực thụ, trong khi đó một số bạn trong khoá 16 và 17 /SQHQ/NT đã thăng cấp từ năm 1974!
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, như mây bay gió thoảng, như chuyện trong tiền kiếp. Tôi viết bài này để vinh danh những quân nhân tham dự cuộc Hành Quân Trần Hưng Đạo 48 xác nhận chủ quyền VNCH tại Trường Sa. Họ là các chiến sĩ Hải Quân VNCH phục vụ trên HQ 07, HQ 5, HQ 15 và HQ 405, các chiến sĩ Công Binh và nhất là các chiến sĩ Địa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Phước Tuy, những người lính vô danh đã đặt bia, dựng cờ xác nhận và bảo vệ chủ quyền của quốc gia tại những hải đảo xa xôi trên quần đảo TRƯỜNG SA.
Tài liệu tham khảo:
“Tái khẳng định chủ quyền quần đảo TRƯỜNG SA 02/1974” của THỀM SƠN HÀ
Song Nam Nguyễn Trường Yên
Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử – Cám ơn.
Vui lòng cho biết những sai sót để chúng tôi tu chỉnh. Email liên lạc với tác giả:
Posted by BIENXUA on OCTOBER 30, 2020
No comments:
Post a Comment