Wednesday, July 21, 2021

Lệ Khánh, Em là gái trời bắt xấu – Nguyễn Mạnh Trinh

Lệ Khánh, Em là gái trời bắt xấu – Nguyễn Mạnh Trinh – tvvn.org

Lệ Khánh.

Có một thi sĩ nổi danh viết về một người thơ nữ đã in những tập thơ có thể nói là tạo thành một hiện tượng thi ca: “Khi những người tuổi trẻ yêu, đừng bắt họ nhân danh Nghệ Thuật hay Chân Lý để làm thơ! Chính Lệ Khánh chẳng đã từng thú nhận: Lệ Khánh làm thơ, in thơ bán thơ, nhưng Lệ Khánh không “bán tim”… và hẳn Lệ Khánh không hề có tham vọng làm một nữ sĩ “chuyên nghiệp” chiếm riêng một chỗ ngồi trong Văn Học Sử ngày mai.

Lệ Khánh chỉ muốn làm một người tình nhân bé nhỏ, ngày hôm nay, có riêng một chỗ ẩn náu kín đáo ở… trong trái tim người yêu cho tiếng thơ thành khẩn của mình được một tấm lòng mến thương đón nhận, cho linh hồn bé bỏng của mình được một vòng tay khăng khít bao dung. Mà như vậy thì, dù muốn dù không, Lệ Khánh cũng đã tự nhiên là một thi sĩ! Một thi sĩ của tình yêu, hòa đồng chính đời sống cùng số phận mình vào Thơ, cũng như đem tất cả hoa hương mộng ảo của thơ dâng hiến cho Tình”.

Thi sĩ nổi danh trên là Đinh Hùng viết về một nhà thơ nữ mang tên Lệ Khánh, tác giả của những tập thơ với nhan đề gây thật nhiều ấn tượng mạnh “Em là Gái Trời Bắt Xấu”. Tập thơ đã gây xôn xao dư luận một thời và sau đó là 4 thi tập khác tiếp theo do nhà xuất bản Khai Trí in mang cùng nhan đề đã có số bán kỷ lục trên toàn miền Nam thời ấy.

Đặc biệt, ở Đà Lạt, thành phố sương mù, nơi sinh sống của Lệ Khánh, thì những người hâm mộ yêu thích thơ Lệ Khánh cũng rất nhiều, nhất là những người lính trẻ của các quân trường thời đó.

Tôi đã gặp một cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt khóa 16 kể về tập thơ đầy kỷ niệm này với ông và đã đọc hai bài thơ mà ông đã thuộc đến nằm lòng thời trước và đến nay là hơn nửa thế kỷ, qua bao nhiêu biến cố thời thế dập vùi, mà vẫn còn nhớ không sót một câu. Chính ông cũng tâm sự rằng ông không phải là người độc nhất như thế mà còn rất nhiều người cùng khóa đều mang chung ý nghĩ như vậy.

Ở Sài Gòn, năm 1962 có một sự kiện thơ văn khá lạ. Nhà văn Duy Năng kể:

“Khoảng cuối năm nhâm dần, một loạt sáu bài thơ của Lệ Khánh được đăng cùng trên một trang báo Văn Nghệ Tiền Phong. Không phải từ lúc ấy thơ Lệ Khánh mói bắt đầu xuất hiện, nhưng những tác phẩm khép nép, nhỏ nhoi kia của “người con gái trời bắt xấu” đã được nhiều người đọc đến từ lâu và cũng từ đó về sau này.

Khi 6 bài thơ được chăm sóc giới thiệu cùng một lúc tôi hiểu rằng đã có một cái gì khởi đầu. Tôi không nghĩ là thiên tài cũng không dám nghĩ là một vinh quang rồi sẽ rạng ngời và hiện tượng T.T.KH. của văn học mà tác giả chỉ được chiêm ngưỡng trong ảo tưởng hay như vì sao chợt sáng rồi chợt mờ, đã xui tôi dậy lòng lo âu để nghĩ rằng đừng bắt Lệ Khánh là vừng trăng mười sáu của một địa cầu bất động tuy với những bài thơ khai nguyên từ năm 15 tuổi tôi được nhận đọc, không chỉ với tâm hồn thi sĩ mà còn với tấm lòng thương yêu cháu gái.

Nhưng tôi hiểu, đã có một cái gì bắt đầu với lời thú nhận nghẹn ngào “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” ghi trong ngoặc dưới những bài thơ thảm trạng đó”

Trong thời giam ấy, đã có người nhận xét: “Lệ Khánh ở Đà Lạt “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” ra đời ở vùng Cao nguyên lạnh như băng này… Rồi tiếng thơ Lệ Khánh bay xa khỏi miền Cao Nguyên về vùng thành thị, tiếng nức nở ấy làm cho người thưởng ngoạn chợt bâng khuâng không biết ví von ra làm sao để diễn tả nổi cái buồn đau của Lệ Khánh… Nhưng khi ai đã đi một mình trong màn mưa phùn lâm râm, đang thèm khát một ly cà phê hay cảnh một gia đình, lúc ấy nhạc Chopin vọng tới, buồn vô cùng.. thì đấy thơ Lệ Khánh như vậy”.

Nửa thế kỷ, sau, những bài thơ dung dị, viết mà không muốn xác định vai trò của một người muốn chen chân vào ghế ngồi văn học sử, của “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” vẫn còn hiện hữu và vẫn còn sức sống. Ghé qua các trang mạng của tuổi học trò, những Hoa Cô Đơn, những Hạt Nắng, những Áo Trắng, những Cổng Trường Xưa,… vẫn thấy những câu hỏi về Lệ Khánh, hay chép cho nhau những bài thơ của “Em là gái trời bắt xấu”. Một thời gian dài như thế, thơ vẫn còn sức sống, vẫn còn được đọc, và ngôn ngữ thi ca của một thời còn hiển hiện. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Nếu có ai phân biệt thơ bình dị và thơ trí tuệ thì giải thích giùm sự kiện ấy? Hay là, có phải thơ gây được cảm xúc cho lòng người sẽ còn tồn tại lâu dài cho người yêu thi ca?

Đọc trên mạng những dòng chữ để thấy tâm tình của những người thế hệ sau: ”Dĩ nhiên ”nhan sắc” vẫn muôn đời là “nhan sắc” là cái vỏ bề ngoài do người ta tạo dựng lên bằng cái “ngôn ngữ của kẻ thống trị”. Mà kẻ ”thống trị” từ xưa đến nay có phải chỉ là quý ông?

Hãy nói về Lệ Khánh và “tiếng kêu thảng thốt” từ bên kia cực của Nhan Sắc. Tiếng kêu bi thảm “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” ngày ấy đã làm tôi thắc mắc và đã trợn tròn mắt hỏi chị “Em có thấy chị xấu đâu mà tại sao…”. Tại sao… chị đã chẳng trả lời, chị? Cúi đầu cảm nhận để cho những “kẻ thống trị” đánh giá mình bằng cái vẻ xấu đẹp theo những quan niệm và những nhận định phiến diện của riêng họ.

Và hãy nói về Nguyễn Thị Hoàng với cực bên này của Nhan Sắc là tứ đại, ngũ đại, thập đại… giai nhân. Chưa gặp cô, hình ảnh cô trong tôi là hình ảnh của cô Tôn Nữ Kim Phuợng “với ánh nắng mai lấp lánh trên áo len lông màu hoàng yến nhảy múa theo bước chân cô từ văn phòng đến lớp” và là hình ảnh của cô Kỳ Hương”..với nụ cười hiền hậu..” vậy mà khi gặp cô, rất gần, rất thật, chỉ cách một hàng ghế và nghe cô nói hơn một tiếng đồng hồ, những hình ảnh ấy vụt biến đi dù tôi đã cố giữ…

Tại sao tôi không hề thấy hay cảm được cái gọi là “ma lực” của cô Nguyễn Thị Hoàng mà lại bị ma lực của chị Lệ Khánh quyến rũ?

Cái gọi là Nhan Sắc vì thế có phải chăng chỉ là ảo ảnh, không hơn không kém. Cũng như “người yêu của đấng trời”, cũng như con cá đi lạc ra ngoài hồ nước của con bé lên ba… và có phải chị có niềm tin mới biến những ảo ảnh có đấy mà không có đấy để rồi niềm tin chính nó cũng chỉ là những ngụy biện không hơn không kém…”

Lệ Khánh đã in tập thơ đầu tiên “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” lúc vừa 20 tuổi. Và sau đó từ năm 1964 đến 1966 nhà xuất bản Khai Trí đã in liên tục từ tập 1 đến tập 5 và thơ của bà đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhà văn Thế Phong đã nhận xét: có thể nói Lệ Khánh được nhiều độc giả đọc nhiều, thuộc nhiều, nhắc nhở nhiều chẳng kém gì Nguyễn Bính thời tiền chiến. Tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” cả 5 tập có thể nói bán chạy nhất, hơn cả thi sĩ Nhất Tuấn thời ấy được coi là tác giả lục bát có thơ bán chạy”

Thơ của Lệ Khánh có nét riêng biệt ra sao và lý do gì mà thơ của bà được yêu thích nhất là đối với những chàng sinh viên sĩ quan Võ bị Đà Lạt thời gian ấy? Lệ Khánh làm thơ về những mối tình ngang trái về tâm tư đau buồn đầy nước mắt đầy bi lụy. Tình yêu của bà là những mối tình không thành tựu của những nhớ nhung luôn dằn vặt đời sống. Với tâm sự như thế, thơ của bà là những biểu hiện của nỗi đau có thực của tâm tư luôn đau khổ vì yêu. Trong cuộc đời thực, đã có lỡ làng, đã có chia phôi và kỷ niệm lúc nào cũng vẫn là những nỗi đau của vết thương tâm không liền da, liền thịt. Thơ cuả Lệ Khánh ngôn ngữ bình dị đời thường, hình ảnh biểu tượng thi ca cũng không có gì đặc biệt nhưng chính vì những nét đơn sơ bình dị của một người làm thơ nữ đã tạo ra được không gian thi ca tuy có nét hiện thực gần gũi cuộc sống nhưng lại có nét mong manh sương khói của những người có trái tim luôn đập nhịp dồn dập khôn nguôi để tạo thành một biển trời cảm giác.

Tôi đọc lại những bài thơ cũ trong “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” để cùng có chung cảm giác với những người đã một thời yêu những vần thơ của kỷ niệm, của những người có tình nhân là lính chiến, là những mơ mộng và những đớn đau trộn lẫn. Ai cũng yêu quý và trân trọng kỷ niệm của riêng mình, dù là những hằn dấu đớn đau hay có khi ngập tràn nước mắt.

Thí dụ như bài Áo Tím Ngày Xưa:

“Con đường này… kỷ niệm
ngày xưa (anh của em)
vẫn khung trời thương mến
và nhớ nhung trong tim
đó rừng xưa chơ vơ
đây hồn em cô quạnh
màu áo tím ngày xưa
sao giờ nghe buốt lạnh
bao năm rồi trở lại
Đà Lạt buồn lối quanh
Thương thương màu áo tím
Của ngày xưa… đâu anh?
Con đường Hồ Than Thở
Hoang sơ nấm mộ sâu
Người em áo tím nhỏ
Đi tìm anh… anh đâu?”

Những ai đã là sinh viên sĩ quan trường Võ Bị chắc không lạ gì với con đường Lâm Viên và mồ cô Thảo, một nơi chốn chứa đựng cả một trời tình sử. Lệ Khánh viết Đường Vòng Lâm Viên như một trao gửi đến người xưa về cảnh cũ:

“Em tìm đến con đường Lâm Viên nhỏ
nhớ ngày xưa… “đại lộ của thương anh”
vẫn quân phục với màu alpha đỏ
em vui cười sao nước mắt dâng nhanh
Đây chứng tích của ân tình đổ vỡ
Mộ hoang sầu cô Thảo ngủ thiên thu
Không nhang khói không cành hoa dại nở
Bên ven hồ hương tử khí âm u
Khi em chết cũng xin về an nghỉ
Cạnh bên nàng để rõi bước chân anh
Đường Lâm Viên …buồn như chiều phố thị
Mai anh về khi tắt lửa chiến tranh
Anh nhớ nhé về thăm thành phố cũ
Đường Lâm Viên cỏ úa mọc ven rừng
Nhiều kỷ niệm mà nói sao cho đủ
Đợi anh về em sẽ nói nhiều hơn”

Lệ Khánh sống ở Đà Lạt, có mối tình đầu với một sinh viên sĩ quan Võ Bị. Với bà, thành phố sương mù này là thành phố của tình yêu nhưng lại là nơi chốn của những mối tình đau khổ. Tràn đầy yêu thương, chất ngất cảm xúc nên đã viết được những bài thơ mang tâm trạng của mình nhưng gợi lại đến những kỷ niệm của nhiều người khác mà có người vì quá yêu thích nên đã gọi là những “bài thơ để đời”. Có thể có cả những người xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia nữa.

Có người không tin là nữ thi sĩ Lệ Khánh không có dung nhan khiêm nhường như bà đã tả trong thơ? Theo như nhà văn Hồ Nam thì: ”Điều làm mọi người kinh ngạc là Lệ Khánh xuất bản thơ với tựa đề “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” nhưng thật ra tác giả năm tập thơ mang nhan đề như trên lại là một cô gái Huế xinh đẹp từng làm nhiều chàng trai đất Quảng ngẩn ngơ chứ chẳng xấu một chút nào cả…”

Những mối tình của nữ thi sĩ ra sao mà có người như La Ngạc Thụy đã cho rằng vào những năm thập kỷ 60, trên diễn đàn văn nghệ xuất hiện một nhà thơ gây xôn xao dư luận có thể nói là ngang tầm với hiện tượng TTKH. là nhà thơ Lệ Khánh?

Theo nhà văn Hồ Nam thì: ”Người ta đồn rằng người tình đầu của Lệ Khánh là nhà thơ Nhất Tuấn nhưng Nhất Tuấn không xác nhận cũng chẳng phủ nhận tin đồn chỉ im lặng. Nhưng sự thực không phải như lời đồn đại. Người tình đầu thấp thoáng những khổ đau ly biệt dở dang trong thơ Lệ Khánh chính là Phạm H.Th., sinh viên sĩ quan khóa 17 Võ bị Đà Lạt sau khi mãn khóa đã được thuyên chuyển về binh chủng Biệt Động Quân. Mối tình dang dở gây ra cho Lệ Khánh khổ đau vì TH. đã lập gia đình với một người bạn gái của cô khiến cho Lệ Khánh có rất nhiều bài thơ về mối tình sướt mướt này. Một thời gian sau khi chia tay với người tình đầu Lệ Khánh có một mối tình với nhà văn nhà thơ Mũ Đỏ Hoàng Ngọc Liên. Thời gian đó Hoàng Ngọc Liên thường hay bay đi bay lại Sài Gòn – Đà Lạt hàng tuần và khi ông viết bài thơ “Kỷ Niệm Sinh Nhật Em” thì Lệ Khánh có ngay bài “Kỷ Niệm Sinh Nhật Anh” để đáp lại. Hai người cặp nhau một thời gian dài nhưng thời gian này Hoàng Ngọc Liên rất bay bướm có nhiều bồ nhí ở Sài Gòn, một ngày kia Lệ Khánh bắt gặp tại trận nên chia tay nhau. Sau đó người ta lại thấy Lệ Khánh có quan hệ tình cảm với nhà thơ kiêm nhạc sĩ Thục Vũ (Trung Tá Vũ Văn Sâm) một trong những nhà thơ quân đội khá nổi tiếng và cuộc tình này khá bền bỉ, bền tới khi Thục Vũ rời khỏi cõi hồng trần vẫn chưa dứt…”

Nhạc sĩ Thục Vũ đã phổ bài thơ của Lệ Khánh, bài “Tình Người Hậu Tuyến” rất nổi tiếng. Có lẽ vì tâm đầu ý hợp chăng? Cô công chức Tòa Hành Chánh thị xã Đà Lạt sau đổi về Tòa Tỉnh Gia Định, có những câu thơ đơn sơ được chuyển thành cung bậc âm thanh đi thẳng vào tâm tư thính giả:

“Hôm nay trời vào thu
Đà Lạt lắm sương mù
Cây khô buồn trút lá
Gió ven hồ bay xa
Mây thu lờ lững trôi
Lồng lộng gió lưng đồi
Xin anh đừng giận dỗi
Viết thư về thăm em…”

Cuộc đời tình ái của Lệ Khánh nhiều truân chuyên bi lụy nên có người đã ví TTKH như Đạm Tiên và Lệ Khánh như Thúy Kiều. Lệ Khánh yêu hết mình và đã để lại trong tâm những vết thương để có một hồn thơ thích hợp với khuôn trời thơ mộng mù sương Đà Lạt. Tình yêu đã tạo thành những câu thơ mà độc giả, dù đương thời hay về sau này, cũng cảm và thấy được nỗi bi thương của một người không may có những mối tình không bao giờ trọn vẹn. Thơ tình buồn thường hay gây ấn tượng cho người yêu thơ từ thuở xa xưa đến giờ…

Vào thời kỳ giữa thập niên 60, lúc Lệ Khánh bắt đầu nổi tiếng, tôi còn là một cậu học sinh trung học. Dù đang ngồi ghế nhà trường nhưng vẫn hay thường mộng mơ vói qua ngoài cửa lớp. Những bài thơ của tuổi học trò ngây thơ, của những thời xôn xao mới lớn hay đăng trên những phụ trang văn học của các tờ nhật báo được chúng tôi cắt dán hoặc chép lại trong những cuốn sổ bìa cứng và cứ thế suốt mấy năm trung học đã thành cuốn sách gối đầu giường vô cùng trân quí. Ở những bài thơ, mường tượng những người tình, có khi chỉ là thoáng qua, có khi chỉ là ảo tưởng, nhưng cũng tạo trong tâm tư những kỷ niệm khó quên. Giở lại những trang thơ ấy, là cảm giác đi về một chốn nào đã xa nhưng lại thật gần gũi. Ở đó, có tuổi trẻ, có kỷ niệm.

Với những nữ sinh, có lẽ thơ của Lệ Khánh có sức lôi cuốn và hấp dẫn nhiều hơn. Và, 5 tập thơ “Hoàng Ngọc Liên” cùng 2 tập “Vòng Tay Nào Cho Em” và “Nói Với Người Yêu” đã có số lượng độc giả khổng lồ là chính nhờ ở thành phần người đọc này.

Lệ Khánh có những người tình là lính nên ở trong thời buổi chiến tranh những cuộc tình ấy đầy chia ly và không có đoạn kết là chuyện dĩ nhiên.

Đề tài của tất cả 7 tập thơ đều nhất quán là chuyện lòng của người thiếu nữ thanh tân, lúc nào cũng đầy những khát vọng yêu đương. Ngôn ngữ cũng không lạ, cũng chỉ loanh quanh chữ buồn, chữ nhớ, chữ tủi, chữ sầu, nhưng dung lượng tình cảm thì nói hoài chưa đủ và nhắc hoài chưa hả. Hình như thơ Lệ Khánh là để giành riêng cho những kẻ yêu nhau bởi vì khi trái tim mở rộng theo nhịp dồn dập thì cả đất trời cũng nhỏ và trong thế gian dường như chỉ chứa đựng duy nhất khuôn mặt người tình. Thơ như bị cuốn vào trong cơn cuồng vọng của Tình Yêu và ngôn ngữ của tình yêu ấy dù là ngôn ngữ của sáo mòn, của những điều mà trước đây ngàn năm và sau này triệu năm những tình nhân đã thuộc nằm lòng. Yêu nhau, người ta mới hiểu được cái mênh mông của ý tình qua ngôn ngữ mà người chưa yêu hoặc không yêu chẳng thể nào hiểu thấu. Tôi nghĩ thơ Lệ Khánh đã vượt qua được cái cửa ải của thời gian nhờ sự thành thực bày tỏ tấm lòng đang yêu và dù đau khổ vẫn trân quí những điều mình bày tỏ. Thơ “Hoàng Ngọc Liên” không có một kỹ thuật nào để thăng hoa thi ca, không có một mới lạ được tìm kiếm nào cho con đường nghệ thuật. Những tập thơ vẫn là những phác họa chân thành của nỗi buồn tình yêu.

Nhà thơ Đinh Hùng cách nay hơn nửa thế kỷ đã nhận xét về Lệ Khánh và tới nay đã phần nào giải thích được tại sao “Hoàng Ngọc Liên” tới giờ này vẫn còn vị trí trong lòng những người yêu thi ca:

”Qua những tập thơ kế tiếp nhau như những phân đoạn của một khúc trường ca chưa dứt, trước sau, Lệ Khánh vẫn chỉ là một con người duy nhất, với một tâm trạng duy nhất, một giọng nói duy nhất. Chính đó là điều đáng quý, đối với một người thơ thuộc lứa tuổi trẻ dễ dàng giao động dễ dàng chuyển mình theo theo cái nhịp sống nhiều biến thái bất ngờ hiện thời. Giữa cái vô thường của cuộc sống và của lòng người, Lệ Khánh đã dám có một lẽ sống thường trụ, một thái độ không đổi rời. Lẽ sống của riêng mình và thái độ cũng của riêng mình mặc cho dòng đời luân lưu và lòng người chuyển biến.

Nếp sống tình cảm trước sau như một đó và thái độ chuyên nhất kia, có lẽ Lệ Khánh không dụng ý tạo nên nhưng từ trong bản chất người con gái “trời bát xấu” không ngờ chính đó lại là cái “duyên thầm” riêng biệt của Lệ Khánh, cái phong phú khác người của kẻ làm thơ mà cũng chính là cái vẻ đẹp riêng của người thiếu nữ tự nhận mình là xấu”.

Nguồn: https://www.tvvn.org/le-khanh-em-la-gai-troi-bat-xau-nguyen-manh-trinh/

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...