Hùng bắt buộc phải đến Nha Trang lần đầu tiên bằng đường biển. Từ ngoài khơi nhìn vào, Nha Trang quả là một bãi cát dài ngút ngàn, xa tít.
Dương vận hạm Cam Ranh, HQ 500, loại tàu lớn nhứt của Hải Quân Việt Nam lúc bấy giờ, ủi bãi trước vòng thành của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân sau hai ngày lênh đênh ngoài biển khơi. Cũng biết lờ mờ là Hải Quân Việt Nam có ba Trung Tâm Huấn Luyện chính. Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc ở Sàigòn là trường tu nghiệp dành cho các sĩ quan trung cấp và cao cấp. Trung Tâm Huấn Luyện Cam Ranh là trường đào tạo thủy thủ, lính tàu cơ bản. Và Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang gồm hai trường, thứ nhứt là trường Chuyên Nghiệp Sơ Đẳng và Cao Đẳng, trường tu nghiệp cho Hạ Sĩ Quan, và thứ hai là trường Sĩ Quan Hải Quân, trường đào tạo sĩ quan, quan tàu cơ bản. Còn trường thợ lặn, người nhái, trường ong biển (sea bees), trường gõ sét, trường chạy rùa … gì gì nữa ở đâu? Làm sao mà biết hết được!
Cửa đổ bộ mở ra và toàn khóa một trăm hai mươi tám tên, lên bờ xếp thành năm nhóm, năm trung đội. Cao trưóc thấp sau trên bãi cát xoai xoải dốc. Đầu óc còn lắc lư, mặt đất như còn nghiêng qua nghiêng lại.
-Anh đi tàu có vui không?
– Dạ vui.
– Anh có mệt không?
– Dạ mệt.
– Anh có cần tôi khênh hộ anh cái sac-marin không?
– Dạ không ạ. Cám ơn.
– Nè, anh uống miếng nước đi cho khỏe.
– Dạ…ực, ực … cám ơn anh.
Nghiêm. Đằng trước. Bước. Một hai ba bốn, một hai ba bốn … Hùng ngạc nhiên thấy đàn anh chăm sóc đàn em coi bộ tử tế quá, coi bộ tình nghĩa quá. Vậy mà nghe thiên hạ đồn cứ ra đây là sẽ bị quay nhừ tử, quay chết sống. Năm trung đội nối đuôi nhau băng qua đường, hiên ngang bước vô cổng trường, những bước chân coi như oai hùng nhưng uể oải, nặng nề vì cái sac-marin chất chồng trên vai. Sân cờ rộng rãi, sạch sẽ … Dậm chân tại chỗ. Bước. Một hai ba bốn, một hai ba bốn … Đứng lại. Đứng. Nghiêm. Nghỉ. Thao diễn nghỉ, tự do nghỉ.
Tất cả nhìn lên một cái khán đài nho nhỏ làm tạm bằng ván ép. Khóa đàn anh bây giờ hoàn toàn bao vây khóa đàn em vô giữa. Một số đông vẫn tiếp tục len lỏi vào trong hàng hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm về chuyến hải hành vừa qua. Rồi bỗng một tiếng hô quá lớn như xé bầu không khí:
– Nghiêm.
– Nghiêm mà anh còn nhúc nhích hả? Anh có biết đứng nghiêm là đứng thế nào không?
– Anh. Nghiêm mà anh còn cười hả? Anh dám giỡn mặt với đàn anh hả? Anh dám chống đối hả? Ở ngoài kia anh chuyên môn xách động, biểu tình, xuống đường phải không?
– Dạ. Đâu có.
– Dạ dạ cái gì …, chưa chi anh đã dám học sách xin xỏ rồi.
Ô hay, sao có vụ này. Tiếng nạt nộ, tiếng la hét của đám đàn anh thật tình có hơi lớn, hơi rộng họng, chát chúa bên tai. Thôi rồi, lời đồn quả không sai. Đám hùm hổ này sẽ quay mình như quay dế, quay cho sút càng gãy gọng, quay cho trầy vi tróc vảy, chưa chắc đã thôi. Bây giờ phải làm sao đây. Than vãn, run sợ cũng muộn rồi. Bạn bè sao mình vậy, chết chóc ai… Một giọng nói nhè nhẹ bên tai Hùng:
– Các anh yếu quá. Coi nè, … mới đụng nhẹ một cái là xiểng niểng rồi. Các anh đã thấy các anh hèn hạ chưa. Các anh đã làm nhục nhã Hải Quân rồi, toàn là bún thiu, tép riu.
Hùng đứng ngay ngắn trở lại, bực dọc lõ mắt nhìn thằng cha nhỏ xíu con mà dám nói mình riu riu. Ở Sàigòn mà phát ngôn bừa bãi kiểu này là bị ăn đòn rồi. Không hiểu sao Hùng chẳng dám hở môi. Một câu nhịn chín câu lành, chỗ này đâu phải là chỗ đấu lý, cái luận lý một chiều đó. Rồi như ai cũng hiểu thân phận mình, không bao lâu chỉ còn nghe toàn là câu hỏi mà không thấy câu trả lời. Bài diễn văn chào mừng đàn em không ai thèm nghe vừa chấm dứt, thì những câu nói gằn gằn như ra lệnh cũng bắt đầu vang dội.
– Tất cả khóa 17 nghe đây. Hôm nay các anh sẽ hân hạnh, được đàn anh các anh, chính thức long trọng đón tiếp.
– Long trọng đón tiếp. Anh nghe chưa, long trọng đón tiếp.
– Các anh biết các anh có tội,…
– Có tội, có tội, có tội.
– … đã để đàn anh các anh chờ đợi cả năm trời. Chờ đợi cả năm trời, chờ đợi cả năm trời, anh biết không?
Chỉ cần một người nói trên khán đài là đủ nghe rồi, đâu cần cái đám phụ đề, phụ diễn này đâu. Sao cứ nhai đi nhai lại nhức đầu nhức óc bên tai.
– Các anh không thể để đàn anh các anh thêm thất vọng, sau đây, để nêu cao giấc mộng hải hồ,…
– Giấc mộng hải hồ, giấc mộng hải hồ.
– … các anh sẽ chạy một vòng quân trường theo sự hướng dẫn của đàn anh các anh.
– Chỉ một vòng quân trường, một vòng quân trường.
– Tất cả sac-marin lên vai … Chạy.
Hùng không ngờ cái đám thân cao, cẳng dài phía trước phát vụt chạy như gió, chạy như muốn chạy đua nước rút với khóa đàn anh. Hùng mỏi mệt, lẹt đẹt phía sau. Mau lên, mau lên, yếu quá, yếu quá nghe lùng bùng bên tai. Hùng thấy hết, người vấp té, kẻ sút giày, đứa rơi mắt kiếng, thằng văng mũ cát-kết. Bỏ luôn. Chạy, chạy tán loạn, chạy lộn xà ngầu, chạy như điên. Một vòng quân trường mà sao chạy hoài không thấy hết. Cũng không ngừng lại được, mình như bị dòng nước lũ cuốn trôi đi, rán theo bầu bạn như chim theo đàn. Dồn hết sức tàn cho cuộc thử thách đầu tiên, không thể bỏ cuộc được. Cuối cùng Hùng cũng về đến mức ăn thua, nơi mà sau này Hùng mới biết là Thao Diễn Trường, thì anh em phần lớn đã ngay hàng thẳng lối. Hùng quăng cái sac-marin, bịch, xuống chân, đứng vô vị trí của mình. Mồ hôi nhỏ giọt, miệng khát khô. Sức nóng như lò than bốc lên từ mặt đất cát, đầy sỏi đá.
– Anh. Anh đã thấy mệt chưa?
– Dạ, thấy mệt rồi.
– Mệt à, anh làm cho tôi mười cái hít đất cho nó khỏe lại coi.
– Còn anh, anh thấy mệt chưa?
– Dạ, chưa?
– Tốt lắm. Anh ra đây nhảy thăng thiên độn thổ với tôi. Như vầy nè …, chừng nào tôi ngưng anh mới được ngưng nghe chưa.
Biết nói cách gì cũng không ổn rồi. Nhưng mà mới chạy về, thà là hít đất, nhảy xổm, đi chân vịt như tụi bị quay riêng đằng kia còn sướng hơn là đứng nghiêm kiểu trời trồng, không dám nhúc nhích như thế này. Không bao lâu trời đất quay cuồng, mấy đứa bịch bịch rồi mấy đứa ói mửa xung quanh, Hùng cố nhớ cái sac-marin của mình đang nằm ở phía bên nào để lỡ có ngã xuống cũng ngã cho êm thấm… Và Hùng mơ màng thấy mình đi về bệnh xá, bốn vó đưa lên trời, hai tay hai chân có bốn thằng bạn còn tỉnh cặp kè…
***
Cư xá sinh viên sĩ quan gồm bốn dãy nhà trệt lợp fibro cement có tên: alpha, beta, omega và xi. Dãy omega bị Việt Cộng pháo kích sập từ hồi khóa 14, một đống gạch vụn vẫn còn để y nguyên, chưa xây cất lại. Khóa đàn anh ở mặt trước, khóa đàn em ở mặt sau. Mười tên chung một phòng, hai giường bố loại khung sắt hai từng để sát hai bên vách cho tám tên, và hai giường gỗ để giữa phòng cho hai tên còn lại. Hùng được trả về phòng alpha 1 sau khi được chích cho một mũi thuốc khỏe và nằm nghỉ độ hơn một giờ. Bước chân vô phòng, thấy bạn bè để nguyên đồ trận nằm ngủ ngổn ngang dưới sàn xi măng. Hùng cũng chui vô trong góc làm một giấc. Đến chiều …
– Te, tít, tít. Te, tít, tít…
– Ê, dậy. Còi tập họp của mình kia. Tập họp, anh em. Tập họp.
– Phải hôn đó cha nội? Để nghe kỹ coi … Te, tít với te, tít, tít, cái nào của mình.
– Ừ, mày có ngon thì ở đó đi mà tít te, te tít.
Hùng ba giò bốn cẳng chạy ra sân không cần biết ai đúng ai sai, vì chưa nghe ai dặn tận mặt còi kêu sao là còi của mình. Thấy cả bọn nhốn nháo xếp hàng ngoài bãi cát trống. Những khuôn mặt bơ phờ lem luốc, những bộ đồ xốc xếch nhăn nheo, trong phút chốc, cả đám đã trở thành bệ rạc, tồi tàn như đám ăn mày. Không biết lũ đàn anh sẽ dở trò gì đây. Ăn cơm, phải, chỉ tới giờ ăn cơm thôi, còi tập họp đi ăn cơm. Đi hàng một vào phạn xá, đi bẻ góc vào bàn ăn kê khít khít nhau thành dãy, kéo ghế một lượt, ngồi xuống một lượt. Cá chuồn chiên, canh hầm ba rọi, mực xào bắp cải. Mới nhìn qua tưởng cơm quân trường chắc cũng hương vị lắm, ai ngờ đụng đũa vô món nào cũng tanh ói, nuốt vô muốn mửa trở ra. Rán ăn mà lấy sức, nếu kén ăn, không ăn được đồ ăn thì ăn đỡ cơm chan với nước trà cho bớt mùi hôi.
Sau bữa ăn nhạt nhẽo đầu tiên đó, tất cả về phòng căng dây bố cho giường của mình và xếp lại đồ đạc lặt vặt cho có ngăn nắp thứ tự… Mới ngày nào đi thi, mới ngày nào đi khám sức khỏe, mới ngày nào bạn bè tiễn đưa nhập trại Bạch Đằng 2, mới ngày nào xếp hàng lãnh quân trang, và mới ngày nào mới tập đi diễn hành một hai một hai, tất cả như hiện ra trước mặt Hùng. Bây giờ, tất cả như đã rơi vào một dĩ vãng quá xa xôi. Không còn Sàigòn, không còn những chiều đưa em dạo phố. Hùng thấy bữa nay mới như là ngày đầu tiên mình thật sự bước vào đời lính … Te, tít, tít. Te, tít, tít … tiếng còi tập họp như cắt gọn nỗi niềm suy tư của Hùng. Ủa, cái ngày đầu tiên này chắc đã chưa chịu chấm dứt.
Tất cả gấp rút mặc đồng phục, chạy ào ra bãi cát tập họp. Trời chiều đã sang mờ mờ tối.
– Tất cả khóa 17 nghe đây. Đêm nay, đối với các anh, sẽ là đêm không ngủ. Sẽ là đêm lửa trại để đánh dấu cái giây phút các anh tự nguyện rời bỏ cuộc đời dân chính, rời bỏ nếp sống sinh viên, để đi xây giấc mộng hải hồ.
– Giấc mộng hải hồ. Ha ha ha…
– Sau khi nghe tiếng còi, các anh ba mươi giây trở về phòng thay đồ tiểu lễ rồi trở ra tập họp lập tức. Anh nào chậm trễ sẽ được đàn anh các anh chăm sóc chu đáo. Te.
Chạy đi rồi lại chạy về. Hơn ba mươi giây sau:
– Khóa 17 nghe đây. Đàn anh các anh nhận thấy các anh di chuyển còn chậm chạp, dềnh dàng như hàng không mẫu hạm. Để cho các anh có thể tăng thêm vận tốc, sau khi nghe tiếng còi, các anh ba mươi giây trở về phòng mặc thêm đại lễ, rồi mặc thêm trây-di bên ngoài, tức khắc trở ra trình diện. Te.
Lại chạy và chạy. Cái cửa phòng sao nhỏ quá, chạy ra chạy vô muốn đạp lẫn lên nhau. Tiểu lễ bên trong, đại lễ bên ngoài, rồi trây-di bên ngoài nữa. Bung cái sac-marin tuôn hết mẹ nó lên giường, chụp cho lẹ mặc may còn đủ thì giờ. Hơn một phút sau:
– Tất cả nghe đây. Đàn anh các anh nhận thấy các anh chưa tiến bộ chút nào hết. Sau khi nghe tiếng còi, các anh được mười giây, lập lại mười giây, trở về phòng mang giày không vớ, theo kiểu mười giờ mười, như thế này …, hai chiếc giày như hai cây kim đồng hồ. Đồng thời mang tất cả quần áo civil đem ra đây lập tức. Te.
Mười giờ mười thì cũng không sao, kẹt cái không vớ, cát xúc vô giày cà nhắc cà nhắc, khó mà chạy mau được. Mà chậm trễ thì bị quay riêng. Sau mỗi hồi còi, Hùng thấy số trở ra tập họp coi như đúng giờ đúng giấc càng lúc càng thưa. Nhưng vẫn còn là số đông. Khôn hồn thì lẫn vào đám đông, người ta làm sao mình làm vậy, nổi quá cũng tiêu, chìm quá cũng ngủm, chỉ theo đạo trung dung mới còn cơ hội sống. Hùng thảy bộ đồ dân chính còn sót của mình vào đống đồ rồi trở về hàng, tự hỏi không hiểu mình có đủ sức để theo đám đông hay không. Mấy thằng to con lớn xác ngu quá, sợ gì mà sợ dữ vậy. Cứ nghe còi là làm liền như cái máy, không biết nghĩ suy. Phải từ từ mà hành động.
– Khóa 17 nghe đây. Sau khi nghe tiếng còi, các anh quỳ gối, hai tay để lên đầu. Te.
Đống áo quần bắt đầu lên dàn hỏa, tội cho mấy tên quá run sợ đem luôn mấy bộ đồ mới đi thiêu. Trong ánh lửa bập bùng mặt mày đàn anh tên nào trông cũng có nanh có gút.
– Tất cả lập lại theo tôi: “Tôi từ bỏ dân chính”.
– Tôi từ bỏ dân chính.
– Lớn lên.
– Tôi từ bỏ dân chính.
– Lớn lên nữa.
– Tôi từ bỏ dân chính.
– Tất cả khóc lên, khóc lớn lên. Te.
– Hu hu. Hu hu hu hu.
– Anh. Khóc mà anh dám cười hả. Khóc lên, khóc nữa lên.
– Hu hu. Hu hu hu hu.
– Pha-rô. Time out. Pha-rô. Để các anh được say sưa với giấc mộng hải hồ, bây giờ tất cả được phép nằm xuống, ngủa mặt lên trời, đếm sao đêm. Te. Đếm lên. Lớn lên. Te.
– Một, hai, ba, bốn…
– Năm, mười, mười lăm, hai mươi …
– Tất cả cười lên. Te.
– Ha ha. Ha ha ha ha.
– Khặc khặc khặc…
– Mấy anh dám giỡn mặt với đàn anh hả? Biểu mấy anh cười, mấy anh khóc. Biểu mấy anh khóc, mấy anh cười. Giỡn mặt với đại quan hả?
– Haha. Ha ha ha ha. Khặc khặc khặc.
– Pha-rô. Pharô. Tất cả quỳ gối, hai tay lên đầu. Te.
– Kể từ giờ phút này các anh được quyền gọi đàn anh các anh là niên trưởng và xưng tôi. Anh nào tiếp tục anh anh, em em theo lối dân chính sẽ được các niên trưởng chiếu cố nồng hậu. Và tiếp theo đây là phần giới thiệu 17 niên trưởng “đao phủ thủ” (danh xưng của đàn anh trong ban lo huấn nhục khóa đàn em) của các anh. Kể từ ngày mai, những vị đao phủ thủ này sẽ săn sóc các anh càng tận tình hơn nữa.
– Đệ nhứt đao phủ thủ, niên trưởng Võ Bửu Khai. Te. Khóc lên.
– Hu hu. Hu hu hu hu.
– Đệ nhị đao phủ thủ, niên trưởng Hà Quang Hải. Khóc lên.
– Đệ tam đao phủ thủ, niên trưởng Trịnh Xuân Tụng. Khóc lên.
– Đệ tứ đao phủ thủ, niên trưởng Dương Văn Tèo …
– Đệ ngũ đao phủ thủ, niên trưởng Lê Lương Ngô, khóc lên.
– Đệ lục đao phủ thủ, niên trưởng Huỳnh Quang Hưng…
– ….
– Đệ thập thất đao phủ thủ, niên trưởng Lý Ngọc Ẩn, khóc lên, khóc lên…
– Sau khi giải tán, tất cả đồ ăn thức uống dân chính mà các anh mang theo phải được thanh toán bằng mọi cách ngay trong đêm nay. Anh nào chừa lại, bất cứ món gì, là anh đó sẽ … “rách”. Không cờ bạc rượu chè, không cà phê thuốc lá gì cả. Rõ chưa?
– Rõ.
– Sau khi tan hàng các anh được phép lắc lư về phòng. Nghĩa là lăn về phòng. Rõ chưa?
– Rõ.
– Tan hàng.
– Cố gắng.
– Anh. Anh có nghe lăn về phòng hay không mà anh chạy. Lăn, nằm xuống, lăn. Anh dám xách động, chống đối đàn anh hả?
Lăn lóc, trầy trụa rồi cũng lắc lư về được phòng, may là bãi tập họp cũng gần cư xá. Cả bọn nhìn nhau phân vân cho số phần trước mắt của mình. Ngày mai, ngày mai rồi sẽ ra sao với đám đao phủ thủ, và còn phải chịu đựng cho biết đến bao giờ. Sống chết có nhau là huynh đệ chi binh, chi binh kiểu cốt nhục tương tàn này thì còn huynh đệ làm chi cho mất công. Bước đường cùng coi như đã đến, bốn phương tám hướng, chưa nhận ra phương nào là Đông, hướng nào là Tây, chưa biết đâu là bệnh xá, chưa biết đâu là nhà tắm, phòng vệ sinh. Làm gì hơn, đã lên lưng cọp rồi thì chỉ còn phải cỡi thôi.
– Ê, Hùng, đâu mày phụ tao làm hết mấy thứ này coi.
Việt – Trương Thanh Việt, thằng bạn nằm giường dưới của Hùng, vừa nói vừa lôi ra một đống lương khô, thịt hộp, sữa, đường, bánh ngọt … sắp đầy trên mặt bàn. Hùng trả lời dứt khoát:
– Trong cái cảnh thê lương này mà ăn với uống gì nữa mậy. Tiếc rẻ làm chi, đào lỗ chôn cha nó hết cho rồi, cho đỡ hoạn nạn.
Anh Nguyễn Thành Long, mới chịu có một tăng mà cái chân bắt đầu có tật, kéo xà lia xà lia đi vòng vòng hỏi thăm dầu nóng, cũng cười hề hề chêm vào:
– Thằng Hùng nó nói trúng đó. Không những chôn mà còn phải chôn cho thiệt kỹ nữa. Chôn không kỹ tụi nó thấy dấu, tụi nó moi lên thì càng chết sớm. Ở đây xứ cát cũng dễ, bươi tay chôn cũng được, nếu gặp đất giồng như giồng ông Tố thì bọn mình nguy to.
Nhóm bên kia vách còn có tiếng vọng qua:
– Còn mấy bao thuốc lá này thì sao.
– Thì mày rán thức suốt đêm mà hút cho hết. Tụi nó đâu có cấm hút thuốc được. Cấm như vậy mấy thằng ghiền chết mẹ nó hết sao. Đâu có tàn nhẫn dữ vậy.
– Đàn anh là cha mẹ mà, mày muốn được làm con cưng thì cứ giữ mà hút.
Mười giờ đêm. Còi tắt đèn. Chờ. Đến khi nào chỉ còn nghe tiếng ễnh ương, bù tọt, và tiếng nhà máy đèn chạy đêm rù rì đâu đây, cả bọn mới dám phân tán mỏng đi đào công sự, làm đám ma cho những cặn bã dân chính còn sót lại. Rồi như thấm mệt, tất cả lên giường lăn ra ngủ, chưa kịp nghĩ là suốt cả ngày nay đâu ai đã được đi tắm.
Te, tít, tít. Te, tít, tít. Năm giờ sáng. Tiếng còi tập họp, sáng này còn kiêm thêm tiếng còi đánh thức, bắt đầu nghe có vẻ ma quái, rùng rợn. Không biết lúc nào nó sẽ kêu, te, tít, tít, đơn giản như vậy mà là điềm bắt đầu của một chuyển động, một quay cuồng. Đàn anh bàn giao nhiệm vụ làm vệ sinh cho đàn em, thụt cầu tiêu, chùi la-va-bô, rủa phòng tắm. Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ làm việc này, bây giờ hôi thúi, chán quá. Hệ thống nước bị nghẹt, chảy tỏn ton như người ta đi đái. Phải ra giếng lấy nước cho lẹ, nón sắt đi nón sắt về chuyền tay nhau như dân làm đất đi đào kinh.
Te, tít, tít. Xếp hàng đi ăn sáng, bánh mì, chuối già, nước trà.
Te, tít, tít. Thể dục thể thao, chạy vòng vòng bãi tập, bãi cát trống giữa cư xá và bộ chỉ huy tiểu đoàn sinh viên sĩ quan. Một vòng, hai vòng, ba vòng, chạy trên cát bắt đầu thấy giống như chạy trên bùn. Bốn vòng, bước nào cũng thấy lún xuống sâu. Năm vòng, có mấy tên mặt mày tái xanh. Sáu vòng, có thằng ói mửa. Bảy vòng, ngã lịch bịch dọc đường. Tám vòng, nằm la liệt. Chín vòng, còn một số đi bộ. Mười vòng, mười một vòng, … chỉ còn mấy cán bộ đàn anh, mấy cán bộ không có nhiệm vụ quay:
– Yếu quá. Các anh yếu quá, phải chạy tối thiểu là hai chục vòng.
Sau đó đỡ hơn, tập đi thao diễn, một hai ba bốn, một hai ba bốn, cho đến trưa.
Te, tít, tít. Mô hôi như tắm mà vẫn phải xếp hàng đi vào phòng ăn, thứ tự từng trung đội, đi bẻ góc vô bàn ăn rất đàng hoàng, lịch sự. Bò ra-gu, canh rau muống, gà kho sả ớt, coi bộ có lý …
Te … Đàn anh bỗng dưng ở đâu túa ra đông nghẹt. Hùng linh tính như có chuyện chẳng lành. Cái gì nữa đây, trời đánh tránh bữa ăn nghen.
– Khóa 17 nghe đây. Tất cả kéo ghế ra. Te.
– Tất cả xoay bệ ghế vào trong. Te.
– Tất cả quỳ gối lên, hai tay lên đầu. Te.
Á, quỳ gối hai tay lên đầu. Đúng là đàn anh không sợ trời đánh. Một số còn tự nhiên len lỏi vào trong hàng ngũ đàn em hỏi thăm sức khỏe từng người.
– Trái này là trái gì, anh.
– Trái ớt.
– Trái này mà là trái ớ́t à. Trái này là trái chuối các anh biết không. Ai mà còn nói trái ớt là sẽ rách với tôi. Anh, trái này là trái gì?
– Trái chuối.
– Được lắm. Anh ăn trái chuối này cho tôi coi. Hả miệng ra.
– Anh có cần uống rượu khai vị không?
– Không.
– Anh, chén này là chén gì?
– Nước mắm.
– Ai dám nói với anh là nước mắm, là rượu khai vị của Hải Quân anh biết chưa. Anh uống vô cho tôi coi…
– Pha-rô. Sau khi nghe tiếng còi, tất cả ba mươi giây chun xuống bàn. Te.
– Sủa lên, sủa to lên. Te.
Vừa chật chội, vừa nóng nực, mà đứa này phải sủa vô mặt đứa kia. Mấy tấm drap trải bàn che khuất ánh sáng, mặt mày thằng nào trông cũng đen như lọ chảo. Sủa mậy, sủa đi mậy. Quấu quấu, quấu quấu. Quấu …
– Pha-rô, pha-rô.
– Tất cả chun ra ngồi vào ghế. Te.
– Tất cả bới cơm vào chén. Te.
Xoong cơm bây giờ thiệt đúng là xoong cháo heo. Lợi dụng lúc đàn em làm chó, đám đàn anh xấu bụng đã đổ hết mấy món ăn vô xoong cơm, trộn lộn xà ngầu. Trộn luôn mấy miếng vỏ chuối lai-sét, thấy bắt gớm.
– Tất cả phải ăn hết chén cơm trước mặt trong vòng ba mươi giây, anh nào chậm trễ sẽ lãnh phần còn lại. Te.
– Yếu quá. Khóa 17 yếu quá, có cái ăn mà cũng không xong. Yếu quá.
– Tất cả bới cơm vào chén. Te.
– Ăn. Te.
Được nửa chén thứ hai, Hùng muốn ói trở ra. Chịu thôi, phen này không theo nổi đám đông được rồi, phải chịu lãnh phần ăn hết nồi cơm thôi, Hùng buông đũa.
– Anh. Anh theo tôi ra đây. Anh dám chê cơm Hải Quân hả, vậy là anh không muốn sống rồi. Anh đi bằng đầu gối giáp vòng phòng ăn này cho tôi.
Được. Bị quay riêng như vầy còn sướng hơn là ăn cái đống hổ lốn đó nhiều. Chén thứ ba, có thêm mấy tên nữa đi đầu gối với Hùng. Chén thứ tư, gần nửa khóa. Chén thứ năm, còn lại có mấy thằng, bụng nào mà ăn dữ vậy. Chén thứ sáu … Rồi người cuối cùng là thằng Đỗ Văn Quả cũng phải tham gia công tác vừa đi đầu gối, vừa sủa ma trơi mà thôi. Mấy bà chị, mấy cô em làm trong phạn xá không cầm được nước mắt, khăn mù-soa sụt sùi.
Chắc thấy chưa đủ “dose”, đàn anh sau đó tập họp đàn em ngoài bãi tập. Toàn bộ 17 đao phủ thủ dàn hàng ngang trước mặt. Người mặc áo rằn ri, kẻ mặc đồ thái cực đạo, tên này vận quần đùi áo lính, tên kia quấn cái quần dài ở trần trùi trụi. Đội mũ lệch, đội mũ nghiêng, đội mũ ngược. Đằng đằng sát khí, không mặt nào giống mặt nào.
– Như đã hứa với các anh, hôm nay các anh sẽ được các đao phủ thủ tận tình săn sóc.
– Tận tình săn sóc.
– Để bắt đầu, các anh sẽ chạy đường trường vòng quanh sân tập. Anh nào tự động rời bỏ hàng ngũ sẽ, được tiếp đãi riêng rẽ. Te. Chạy. Te.
Mới ăn no mà bắt chạy thì không hợp vệ sinh chút nào hết. Hình như có kinh nghiệm buổi sáng, cho nên đám dẫn đầu chỉ chạy từ từ thôi. Năm vòng, chưa tên nào đào ngũ, mới đó mà tiến bộ thật. Sáu vòng, bắt đầu có người ngã ngựa. Rồi mấy vòng nữa tiếp theo, nhiều tên ói mửa lai láng, nằm rải rác khắp bãi cát, thoi thóp như chờ chết. Không biết tới vòng thứ mấy thì cả khóa đều bị quay riêng. Nguyên bãi tập gần ba trăm người, hễ thấy ai đứng thì biết là đàn anh. Đàn anh thì có ba tốp, tốp quay, tốp cứu bồ, và tốp cho nước. Đàn em thì chỉ có bò, trườn, lăn lộn, bơi ngửa, bơi xấp như một đàn siêu, hải cẩu, trong cái biển cát. Hải âu phi xứ, ngửa mặt lên trời vỗ cánh đếm sao trưa là sung sướng nhất, còn được cái cơ hội để nghỉ mệt, để lấy hơi.
Ở phía hàng rào trường Kỹ Thuật có mấy tên không biết chống đối đàn anh cỡ nào mà bị chôn sống chỉ còn ngo ngoe có hai cánh tay và cái đầu lòi ra trên mặt cát. Chỉ còn thiếu cái cày và cặp trâu nữa là xong. Ở phía câu lạc bộ của Đoàn Viên còn một nhóm đang lăn cái thùng phi, có một tên bị thụt đầu trong đó, quay vòng vòng như khúc gỗ. Một tên nữa đang biểu diễn một nghề mới của người hát xiệc, nghề “người đi trên thùng phi”. Nếu người hát xiệc không đóng được tuồng thì người hát xiệc sẽ trở thành khúc gỗ, bởi vậy dầu thùng phi lắc lư cách mấy cũng phải rán mà giữ mình, rán mà đi cho vững.
Vì lúc nào cũng bận rộn với những động tác ngoài ý muốn của mình, mà thời giờ qua mau. Lúc sắp tàn cuộc thì trời đã về chiều. Tất cả được tập họp bên cái giếng lớn, để làm lễ “chào đời”.
– Tất cả quỳ gối, hai tay lên đầu. Te.
– Kể từ giờ phút này, đàn anh tuyên bố cho các anh được làm lớp trứng mới, lớp “trứng thúi”.
– Trứng th … úi, thúi quá đi.
– Trong tương lai các anh tuần tự sẽ được nở ra nòng nọc, nòng nọc sẽ đứt đuôi thành nhái, mới được đi bờ, đi phố, đi Nha Trang.
– Úi chà, đi Nha Trang.
– Tất cả bắt đầu lạy. Ba lạy, một … hai … ba …
Những giọt nước mát, chảy từ đầu xuống cổ, vừa đủ thấm vào bâu áo, thấm vào da thịt như làm sống lại cái thân thể khô khan, gầy gò, bụi bậm. Đàn anh chỉ làm được có bao nhiêu đó rồi từ từ rút lui. Từng nón sắt một, rồi hàng chục, hàng trăm nón sắt nữa dội vào nhau tung tóe. Đàn anh đã đi xa, tiếng cười giỡn, chửi thề, văng tục như hiện về từ cõi chết, như được nghe lại lần đầu trong thế giới 17.
Bóng đêm đã về. Xong được ngày thứ hai. Được tắm rửa sạch sẽ, được nhìn lại mình trong gương, được cầm lược chẻ ngôi làn tóc, những động tác thường ngày mới đó mà tưởng chừng như xa lạ. Thả lưng lên giường thấy thỏa mãn làm sao. Chắc phải viết thư về nhà diễn tả cái cảnh nửa đau thương nửa thú vị này. Cuộc đời trong quân ngũ bắt buộc phải khác cuộc đời thường tục rồi. Ai nỡ bỏ lỡ cái cơ hội này.
Te, tít, tít. Te, tít, tít. Te, tít, tít.
Thôi rồi, ngày thứ hai này chắc cũng chưa đã chịu hết. Mới được sạch sẽ một chút, chẳng lẽ lại làm cho dơ trở lại. Đàn anh không chịu để mình yên. . Tập họp, tập họp, tập họp hoài. Nhưng, khác hẳn những lần trước, lần này cả khóa được hướng dẫn lên giảng đường 17. Vậy là đêm nay mình sẽ không bị hành tội, tưởng gì chớ đi học ca, học hát thì dễ rồi. Toán chiến sĩ hải quân ra khơi hôm nay. Trời nước Nam gió khơi nồng máu say. Ra đi không vương thê nhi, miền Bắc núi tuyết rét mướt, thân phơi trên Nam Băng Dương, trải trên ngàn trùng sóng … Ra khơi sóng vang rạt rào, mênh mông sóng va thân tàu, nghe âm u, ù ù, át tiếng máy, ầm ầm, quân ta reo, rầm rầm, tàu nhấp nhô. Mờ mờ xa mây núi, mờ mờ xa mây núi. Đi không vương bến bờ, chờ. Ra khơi trùng dương bát ngát. Ngày về tổ quốc ghi tên. Rồi tiếp theo, Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung. Trên trời xanh … rồi đến Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn, đoàn hùng binh … Bỗng nhiên đèn tắt tối mù, và những tiếng hô brimade, brimade vang dội như trời long đất lở. Tới nữa rồi, đàn anh tới nữa rồi. Cả bọn đang hồn vía lên mây, nhốn nháo như ong vỡ tổ, thì đèn bật sáng lên. Lại những tên đao phủ thủ.
– Te. Đàn anh nhận thấy các anh ca hát rất tồi. Các anh chỉ biết sủa thôi. Tất cả quỳ gối hai tay lên đầu. Sủa lên, sủa lớn lên. Te.
Sủa thì sủa, có hại ai. Tru cũng được. Mà nghe kia, có tiếng tru của đứa nào vừa lớn vừa trong, lanh lãnh không thua gì tiếng chó sói thiệt. Nghe rợn người, đã vậy còn có phần phụ diễn đèn màu, lúc cháy lúc tắt của đám đàn anh nữa.
– Chun xuống bàn và tiếp tục sủa. Te.
– Pha-rô. Tất cả chun ra đi đầu gối vòng vòng giảng đường. Te.
– Tất cả xăn ống quần khỏi đầu gối. Te.
Da người cạ với xi-măng làm sao khỏi mòn, khỏi đau. Vậy mà có một tên đàn anh chơi dại dám cầm một bụm cát rải rải trên lối đi. Trông như xác pháo tả tơi, vì mỗi bước đi đầu gối là mỗi tiếng nổ. Xổ ống quần phủ một đầu gối, để làm cây nạng chịu đựng, gánh gồng. Rồi cũng bị bắt xăn lên, rồi cũng lén xổ xuống.
– Anh. Anh có biết con này là con gì không?
– Con nhái.
– Anh mới chỉ là cái trứng thúi mà dám gọi con này là con nhái hả. Con này là ông nội của anh, anh biết chưa. Hôn ông nội anh một cái coi.
– Hôn kiểu gì kỳ vây, anh không biết nút lưỡi hả?
– Anh kia. Anh dám cười hả. Mút ông nội anh một miếng coi.
– Mút ông nội anh một miếng.
– Mút ông nội anh một miếng.
– Các anh làm quá ông nội hết xí quách rồi, trắng chạch mẹ nó rồi. Anh này, hả to họng ra. Nuốt luôn ông nội anh đi.
Đêm hôm đó trời đổ cơn mưa. Hùng tréo chân dựa lưng trên bệ của sổ ngó ra hàng thông mới trồng mà lòng thấy bâng khuâng. Những hạt mưa vô tình đã xóa tan dấu vết của chỗ chôn đô dân chính, thành một mặt cát phẳng. Ánh đèn vàng vọt từ phạn xá, từ bên kia hàng rào Kho Đạn, phản chiếu những giọt mưa đang trở thành lâm râm, càng làm bóng đêm thêm mờ ảo. Nha Trang buồn, Hùng nghĩ vậy, mặc dù chưa biết Nha Trang trong ruột như thế nào … Xong, kể như qua được ngày thứ hai.
– Hùng, nước trong phòng hết rồi, tới phiên mày đi lấy kìa.
Thằng Phước, Nguyễn Thành Phước tới giục Hùng như vậy.
Tới giờ đi ngủ rồi mà ăn với uống gì nữa mậy. Tuy miệng nói vậy nhưng Hùng cũng biết bổn phận, nhảy xuống lấy cái nón sắt chạy xuống nhà ăn. Nồi nước trà còn lưng lưng, ấm ấm. Hùng chụp cái gáo múc đổ vô nón liên tục, rồi ba chân bốn cẳng chạy về, cứ sợ gặp phải đàn anh. Nhưng chạy trời không khỏi nắng, vừa ra khỏi cửa thì nghe tiếng quát tháo:
– Anh kia, giờ này mà anh chạy đi đâu.
– Dạ, đi lấy nước cho anh em, niên trưởng.
– Chớ cái lũ đó không có chân không có tay hay sao mà anh phải lấy giùm. Anh giỏi lấy thì anh phải giỏi uống. Uống vô cho tôi coi.
– Uống hết?
– Còn chờ đợi gì nữa.
Kê miệng uống ở vành nón thế nào nước cũng chảy ướt áo, mà phải chịu ướt áo không thôi thì bể bụng. Phải biết hy sinh. Làm xong mhiệm vụ, Hùng chào đàn anh cái cụp, xách nón không chạy tuốt về phòng không dám ngó ngoái lại.
– Nước đâu mậy? Hết rồi hả?
– Còn. Mà nhịn khát đi ngủ đi. Hay là mày muốn uống thêm một cái nón sắt nữa như tao thì cứ đi thử coi.
Hùng vỗ cái bụng chông bốc, ướt nhẹp mấy cái rồi nhảy lên giường. Bây giờ mới thiệt là đã qua được ngày thứ hai.
Ngày thứ ba cũng bắt đầu bằng thụt cầu tiêu, chùi la-va-bô, rửa phòng tắm. Cũng ăn sáng, chuối già bánh mì nước trà. Cũng chạy thể dục thể thao vòng vòng bãi tập. Cũng đi diễn hành một hai ba bốn, một hai ba bốn, nhưng bây giờ có kèm thêm phần văn nghệ, vừa đi vừa hát. Toán chiến sĩ hải quân ra khơi hôm nay … Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung... Và chỉ học thêm được mỗi cái nghề đánh giày. Đánh ci-ra ướt với nước và bông gòn, không bóng không được đi ăn cơm. Bữa ăn trưa ngày thứ ba thiếu sót rất nhiều, không có rượu khai vị, không có cháo heo, không có lai-sét, và cũng không có chó gặm xương.
Đàn anh chắc đã thông cảm rồi. Đàn anh đã biết, huynh đệ chi binh là cùng chung đời lính yêu nhau khác chi nhân tình. Nhưng, đàn anh đàn em sinh viên sĩ quan hải quân yêu nhau một cách khác. Bảo đảm thấm thía hơn nhân tình nhiều. Sau buổi cơm trưa chừng nửa giờ thì đã nghe te, tít, tít. Đàn anh báo một tin buồn, anh Vũ Thế Tiệp đã chính thức đi vào lòng đại dương từ bệnh xá quân trường. Mặc dù mãi sau này anh em mới biết anh Tiệp chết vì bị ảnh hưởng của bịnh đái đường, nhưng cái chết của anh lúc đó đã làm tinh thần anh em bị chấn động, sa sút. Ai nấy đâm lo cho số phận của mình, không biết có nên bỏ cuộc nửa chừng, hay có nên chống báng cái đường lối huấn nhục hành hình kiểu kia. Nhưng nghĩ cho cùng, mình cũng không còn cái quyền chọn lựa.
– Các anh đã làm nhục Hải Quân, mới vào đây có hai ngày mà đã chết một người rồi. Các anh phải chết thêm mười sáu mạng nữa thì mới xứng đáng làm quan, quan tàu, các anh hiểu chưa.
Có người hy sinh, tưởng là mức độ quay sẽ được giảm xuống đôi chút nào ngờ giảm không giảm mà lại tăng, tăng vùng vụt. Từ đi đầu gối trên cát chuyển sang đi đầu gối trên vỉ sắt, rồi tới luôn, đi đầu gối trên vỉ sắt lật ngược. Từ đầu gối bọc quần chuyển sang đầu gối trần, một bước đầu gối một tiếng kêu… xèo … trên vỉ sắt nóng. Từ quần áo, giày vớ chuyển sang da thịt, tay chân, thân thể:
– Anh. Tại sao anh dám để râu của anh mọc lởm chởm vậy hả? Nè, tôi giao anh hai miếng ngói này, anh vừa nhảy thăng thiên độn thổ vừa kẹp và nhổ hết đám râu đó cho tôi.
– Còn anh. Râu anh cụt quá không nhổ được đâu. Anh lại nền xi măng đằng kia vừa hít đất vừa mài râu… nhẵn nhụi cho tôi coi.
– Móng tay nhọn? Mài luôn!
Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, cái câu này bây giờ nghe chán ngắt. Máu chưa chảy ruột sao mềm. Phải rồi, phải có máu chảy mới có đi bệnh xá, phải có đi bệnh xá mới có băng bó, phải có băng bó mới có miễn quay. Vậy mà sợ quá nghĩ không ra. Tàn trận nướng thân trên vỉ sắt, hết nửa khóa nối đuôi nhau đi thăm mấy cô y tá.
Đêm thứ ba đàn anh mũi lòng trước cảnh máu đổ thịt rơi, tự động ân xá đàn em. Để thay thế trò chơi brimade, đàn em sẽ trình diễn cống hiến đàn anh một đêm văn nghệ không ngừng, vì ngừng là bị quay tiếp. Đàn anh hôm nay sang hơn một chút, lên làm vua, làm chúa, làm đại thần. Kiệu vua, kiệu chúa, kiệu đại thần làm bằng mấy cái … giường sắt cũng có hoa có tụi bằng … drap trải giường, được hộ tống nghênh ngang ngoài bãi cát. Võng anh đi trước, võng nàng theo sau. Cũng có cung tần mỹ nữ mặc robe, iupe, cũng có vú bự vú nhỏ kèm theo kiệu cho mấy ngài. Thêm vài tên đấm bóp giả làm thái giám là đủ mặt bá quan văn võ triều đình.
– Nè anh kia. Anh kiếm đâu cái con tiện tỳ này nó hôi nách quá. Anh đuổi cổ nó đi cho tôi coi … đi đi cha. Anh kiếm cho đại quan một con khác coi.
– Tuân lệnh.
Đêm văn nghệ chửi nhỏ, chửi khéo, chửi xiên, chửi xéo đàn anh bị lộ tẩy cho nên chương trình bị bắt buộc phải ngưng ngang nửa chừng. Và đêm thứ ba cũng chấm dứt bằng một cơn quay nhừ tử .
Qua ngày sau, cả khóa đi chích TAB. Mấy ngày ăn cháo, mấy ngày đàn anh không dám động mình tới một cọng lông. Nhờ cánh tay đau nhức tăng tăng mà cái thân đỡ khổ. Lúc hết thuốc thì chương trình ôn toán đại cương, kèm thêm phần tam giác cầu của Hải quân đại úy Lê Phụng cũng bắt đầu. Vậy mà chương trình huấn nhục vẫn tiếp tục dài dài, xen kẽ với chương trình học. Đến ba tháng, cũng may là cường độ giảm dần, giảm dần.
Tuần thứ sáu đánh đấu bằng lễ nở ra nòng nọc, và tuần thứ mười hai đánh dấu bằng lễ nòng nọc đứt đuôi thành nhái. Cũng tại cái giếng lớn nhưng hai lần sau này không những có nước giếng mà còn có xà bông, kem đánh răng, ci-ra tri trét lên đầu. Nhưng, kỷ niệm ý nghĩa nhất có lẽ là lễ nhận “bố con”, Hùng có bố là đàn anh Lê Quang Trung hiền như cục bột. Tội cho những bác, chú bị tuyệt dòng không con, vì khóa 17 ít người hơn, phải nhận cháu, con của bạn. Đêm bố con là đêm làm giàu cho câu lạc bộ, bố phải đãi con, nhiều khi con lẫn cháu, một chầu. Ba tháng trời chỉ có cơm quân trường, đám con cháu nhìn món nào cũng thấy thèm thấy ngon, kêu món nào cũng thấy láng thấy hết, trong tíc tắc. Bố chỉ nhìn và thông cảm, vì đoạn trường này bố cũng đã qua cầu.
Một ngày di hành lên Hòn Chồng, và một chuyến hải hành ra Qui Nhơn, những tiết mục sau cùng trước ngày gắn alpha và đêm dạ vũ, cũng được tuần tự diễn ra theo đúng lịch trình. Gắn alpha, cánh của bước vào đời sĩ quan, Hùng cảm thấy … nó ngoạn mục làm sao.
Rồi chương trình học chính thức bắt đầu. Những môn căn bản của sĩ quan như: Hàng Hải Cận Duyên, Hàng Hải Viễn Duyên, Hàng Hải Thiên Văn, Vận Chuyển Đội Hình, Vận Chuyển Chiến Thuật, Hải Pháo (yểm trợ và phòng không), Ngư Lôi tức torpedo, Thủy Lôi là depth charge, Lãnh Đạo Chỉ Huy… v. v. Vì phải lãnh đạo chỉ huy nên sĩ quan cũng phải học sơ qua 14 nghề của thủy thủ: Phòng Tai (cứu hỏa), Cơ Khí, Điện Khí, Giám Lộ (cờ đèn), Ra-dar So-nar, Trọng Pháo, Truyền Tin, Vận Chuyển, Bí Thư, Tiếp Liệu, Ẩm Thực, Chiêu Đãi… Và những món ăn chơi như Khiêu Vũ, Thái Cực Đạo, Xã Giao Hải Quân … Thời gian huấn nhục đã đi sâu vào tiềm thức, thấy kính mến đàn anh vô bờ, thấy mình trở nên cứng rắn như sẽ không còn cảnh ngộ nào làm mình lay chuyển nản lòng, và như sẽ không còn biết thế nào là xúc động, rơi nước mắt.
… Rồi thời gian thấm thoát qua mau:
– Tất cả khóa 18 nghe đây. Te. Các anh phải biết là các anh có tội.
– Có tội, có tội.
– Đã để đàn anh các anh chờ đợi cả năm trời.
– Chờ đợi cả năm trời …, chờ đợi cả năm trời …
… Và, mười tám đao phủ thủ cho khóa đàn em cũng được trân trọng giới thiệu.
– Đệ tứ thập ngũ đao phủ thủ, niên trưởng Trịnh Xuân Tiểu.
– Khóc lên…
– Đệ tam thập lục đao phủ thủ, niên trưởng Nguyễn Bích Ngân.
– Khóc lên…
– Đệ nhị thập thất đao phủ thủ, niên trưởng Nguyễn Đức Nghĩa.
– Có ta đây …
– Đệ nhất thập bát đao phủ thủ, niên trưởng Nguyễn.. .
– Không đợi đọc hết tên, Hùng đã nhảy lên khán đài như một võ sĩ vô địch, chấp tay bái tạ cùng đất trời. Nguyện sẽ tận tình săn sóc đàn em, nguyện sẽ giữ gìn truyền thống Hải Quân như số phần đã định. Hùng rống lên vang dội:
– Ta là đệ nhất… thập bát đao phủ thủ…
Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/2021/09/14/mot-doi-de-hoc-nguyen-tan-hung/6/
No comments:
Post a Comment