Saturday, March 19, 2022

THÊM MỘT CÁI NHÌN VỀ NƯỚC NGA: NƯỚC NGA NHỮNG NGÀY NÀY NHỚ LẠI - Trần Anh Chương

Những suy nghĩ về nước Nga của tiến sỹ Trần Anh Chương khiến tôi buồn. Tuy nhìn dân tộc Nga khác bạn Chương, tôi vẫn xin chia sẻ bài viết này để bạn đọc thấy một cách nhìn về nguồn gốc bạo lực của cuộc chiến tranh do Putin phát động.(TN)
Mùa hè 1983 tôi đến Mạc Tư Khoa sau hai ngày đêm trên tàu từ Praha, qua Lvov, Kiev, Kharkov, xuyên suốt một vùng mênh mông của Ukraine. Đêm đầu tiên ngủ trên nền xi măng của căn phòng ký túc xá dơ bẩn của người bạn. 4 giờ sáng tỉnh giấc thấy bạn không có trong phòng. 7 giờ sáng bạn về với hai con gà còn lông vừa bị bẻ cổ. Người bạn dậy sớm ra một chợ trời ngoại ô mua tí thịt đãi bạn. Hôm đó vào Hồng Trường, cửa hàng bách hoá MGU nổi tiếng đối diện với điện Kremlin hầu như trống trơn, chỉ vài con gấu Misa nhồi bông, biểu tượng của Olympics Moskva 80, rất nhiều quạt tai voi, bàn ủi; Chỗ thực phẩm hầu như không có gì, mấy ổ bánh mì đen chỏng trơ.
Chúng tôi ngao ngán. Cỗ máy kinh tế của Liên Xô không còn vận hành nữa, cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ đã làm xơ cứng một xã hội ngập chìm trong khủng hoảng. Năm 91, nghe tin Liên Xô sụp đổ tôi chẳng lấy gì làm lạ. Người Nga đã chán ngấy với khẩu hiệu. Họ cần một mái nhà trên đầu, chút thịt cho bữa cơm, cái xe và vài bộ quần áo. Liên Xô không làm được điều đó.
Nước Nga đối với tôi thời đó vẫn còn nhiều bí ẩn lẫn thích thú. Thời nhỏ tôi đã bị mê hoặc bởi sự tàn bạo và dày vò trong „Tội Ác và Trừng Phạt“ của Dostoevsky, thổn thức với thân phận con người và tình yêu mong manh giữa những đối thay thời cuộc ở „Bác Sĩ Zhivago“ của Pasternak. Nhưng trên hết là sự tuyên truyền và suy tôn nước Nga ở Việt Nam sau năm 75 như một tương lai cho nhân loại, thế giới đại đồng. Trong trí óc tôi thời đó còn gờm gợn tại sao tại thiên đường xã hội chủ nghĩa lại có „Quần Đảo Ngục Tù“ của Solzhenitsyn.
Chuyến đi thăm Mạc Tư Khoa làm tôi thất vọng!
Sau nhiều năm sống ở Đông Âu, nơi người Tiệp, người Ba Lan, người Slovak nói cùng một giòng ngôn ngữ như người Nga, chả ai thích thú với người Nga. Trong các quán bia ở Tiệp và Đông Đức, quán rượu ở Ba Lan, sự chế diễu tính nhà quê của người Nga luôn là một để tài muôn thuở. Người ta nói chuyện vui rằng mật vụ Stasi của Đông Đức có thể bắt anh ở quán vì mọi chuyện nhưng chửi Nga thì không sao, họ còn phụ họa thêm. Nước Nga đã đóng góp cho kho tàng nhân loại từ văn học, hội hoạ, âm nhạc, khoa học những thành tựu tuyệt vời. Nhưng trong tâm khảm người Âu châu, người Nga luôn dùng vũ lực đem đến cho lục địa nhiều điều phiền muộn. Napoleon thất trận, những người Cossacks vào quán xá Paris, đập bàn dậm chân la hét ‘Bistro.‘ Bistro’ trong tiếng Nga nghĩa là nhanh lên, nhanh lên. Sau đó tiếng Pháp có thêm từ Bistro là quán ăn nhanh. Năm 45, người Anh Mỹ đối xử với những vùng tạm chiếm ở Đức một cách nhân đạo thì vùng Nga chiếm hàng trăm ngàn vụ hãm hiếp, trả thù . Năm 1953, xe tăng Nga dẹp loạn ở Đông Đức, 1956 đàn áp ở Budapest và Poznan, 1968 đàn áp ở Praha. Ba Lan chẳng bao giờ quên vụ thảm sát Katyn và những thế kỷ bị Nga đô hộ.
Vậy người Nga là ai?
Những người Nga tôi quen đều rất tốt và chân chất. Nhiều đồng nghiệp trong ngành giỏi tuyệt vời. Với một dân tộc có trí tuệ như vậy và một đất nước bao la tài nguyên trù phú, tại sao người Nga lúc nào cũng nghèo?
Câu trả lời đối với tôi có thể tìm thấy trong sự quay lưng và phản bội của giới cầm quyền và tinh hoa của Nga cho đại đa số nhân dân. Những người lính nông dân của Nga sau khi thắng Napoleon trở về vẫn mang thân làm kiếp nông nô, một dạng nô lệ cho giới quý tộc vốn chiếm hữu phần lớn đất đai. Giới quyền quý của Nga dùng tiếng Pháp trong giao tiếp nhiều như tiếng mẹ đẻ. Sự bất lực của Nga Hoàng về cải cách xã hội dẫn tới Cách Mạng Tháng Mười 1917 làm đổi thay cục diện thế giới. Dưới chế độ cộng sản, người Nga chẳng sống khá hơn. Nạn đói ở Ukraine và thanh trừng tàn bạo của Stalin cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người. Cuộc chiến tranh chống Quốc xã Đức cướp thêm hai mươi triệu người nữa. Thời hậu Stalin cũng bê bết trì trệ, người Nga buộc nhịn ăn để làm siêu cường, để viện trợ cho các quốc gia khác. Chịu không nổi, Liên Xô sụp đổ. Thời hậu Cộng sản, Putin lên cầm quyền, giới tài phiệt ăn theo bòn rút của cải quốc gia. Chỉ trong thời gian này người Nga mới bắt đầu biết đến thế giới, giới trung lưu có thể mua xe và đi nghỉ hè ở Ai Cập. Mạc Tư Khoa có McDonald và Starbucks nhưng GDP đầu người của Nga chỉ có 11 ngàn đô tức 1/6 của Mỹ và nền kinh tế Nga xấp xỉ Tây Ban Nha.
Người Nga vẫn nghèo! Sự sụp đổ của chế độ cộng sản có thể giúp đời sống tốt hơn chút đỉnh nhưng những giá trị về dân chủ và nhân quyền chẳng bám rễ ở Nga. Giới tính hoa thỏa hiệp với Putin, chia chác quyền lợi. Giáo hội chính thống giáo của Nga, vốn bị triệt tiêu trong thời cộng sản phải biết giá trị của tự do hơn ai hết lại ủng hộ Putin, xem Putin như cứu cánh của nền văn minh Nga, vốn bị Tây Phương xem như lạc hậu. Solzhenitsyn trở về Nga sau lưu vong, quay lưng lại với những giá trị nhân bản vốn đã cưu mang ông, ca ngợi Putin như người tìm lại được nước Nga cho người Nga. Nước Nga của Solzhenitsyn bao gồm Ukraine như một phần không thể tách rời của đất mẹ. Người học trò của ông, Putin mấy ngày trước khi xâm lược Ukraine đã lập lại luận điệu đó.
Trong những dân tộc đã mất rất nhiều mà chẳng đạt được hạnh phúc, người Nga và người Việt có thể chia xẻ cùng niềm bất hạnh. Hơn chục năm trước tôi có đến công tác ở Volgograd, tên mới của thành phố Stalingrad. Nơi đây cuối năm 1942, đầu năm 1943 đã diễn ra trận chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại giữa Phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô. Trên đồi Mamayev, nơi bức tượng Người Mẹ sừng sững là nơi đánh dấu cái chết của hơn 200 ngàn binh lính hai phía trong một vùng đất chưa đến một cây số vuông. Stalin nướng vào đây hàng chục sư đoàn, nướng sạch. Một người lính gởi vào đây sống trung bình 4 giờ. Sỏi trên đồi vẫn còn chứa mảnh vụn của xương người. Phía dưới Volgograd ngày nay tiêu điều. Hôm đó tôi liên tưởng tới Quảng Trị, Khe Sanh, Xuân Lộc, Vị Xuyên. Bao nhiêu mất mát và hy sinh chỉ để lại một nước Nga nghèo và một nước Việt nhược tiểu. Cả hai nước đều có một điểm chung là một nhóm tài phiệt cá mập giàu xụ trên đầu nhân dân.
Phần lớn giới tinh hoa của Nga qua bảo thế kỷ chẳng thích gì những giá trị của Tây Phương. Có thể là sự mặc cảm. Chính Thống Giáo Nga luôn cạnh tranh với Cơ Đốc Giáo. Sự thiếu vắng giá trị tự do trong xã hội làm người Nga luôn ngây ngất với lãnh tụ cho đến khi họ không có gì ăn vì những kẻ lãnh đạo điên rồ. Cứ nhìn năm 1917 và 1991 thì thấy rõ.
Cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine sẽ chỉ cho người Nga thấy rằng họ sẽ nghèo hơn rất nhiều trong những năm tới. Chẳng ai cạp đất mà ăn được cho dù đó là đất thánh của một đế quốc tuy mênh mông nhưng đã là quá khứ.
Trần Anh Chương
Maryland, March 13, 2022


(Từ facebook Tho nguyen)

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6