Friday, April 1, 2022

Ukraine giúp thế giới thức tỉnh 31/03/2022 - Ngô Nhân Dụng

Quang cảnh đổ nát ở Kyiv.
Dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu một mình chống lại những đoàn quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh. Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức.
Cuộc chiến Ukraine đã kéo dài gần bằng thời gian quân Thanh đánh Việt Nam năm Kỷ Dậu. Quân Thanh chiếm được Thăng Long; còn quân Nga bao vây thủ đô Kyiv cả tháng trời, mới tuyên bố sẽ rút đi. Vladimir Putin sẽ thất bại như Càn Long thời trước. Sẽ không có cảnh quan quân nhà Thanh tháo chạy “sập cầu trôi đầy sông” nhưng hình ảnh một đoàn quân xa Nga với thiết giáp cùng đại pháo tắc nghẽn trên quãng đường dài 60 cây số suốt bốn ngày sẽ ghi mãi trong lịch sử. Với 40,000 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến, 15,000 lính tử trận, trong đó có bảy tướng lãnh, quân Nga cũng thiệt hại nặng như quân Thanh năm 1789.

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với báo Economist, “Bọn xâm lược không bận tâm đến những binh sĩ tử trận; đó là điều tôi không hiểu nổi. [Vladimir Putin] đẩy đám lính ra trận như ném củi gỗ vào trong lò đầu máy xe lửa. Xác chết bỏ mặc trên đường phố không lo chôn cất.”

Zelensky ca ngợi quân đội Ukraine ở thành phố Mariupol, “sau 31 ngày bị vây hãm và pháo kích, họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Không phải vì họ được lệnh của Ông Zelensky mà vì họ ở lại để chôn cất các đồng đội tử trận và cứu những người bị thương...” Ông kết luận, “Đó là điều căn bản cho thấy hai phía trong cuộc chiến nhìn thế giới khác biệt với nhau thế nào.”

Cuộc chiến Ukraine, cuối cùng, là cuộc chiến giữa hai cách nhìn thế giới. Một bên tôn trọng giá trị của con người. Bên kia coi dân và lính như những dụng cụ vô hồn để đạt tham vọng quyền lực. Một bên chọn tự do dân chủ. Bên kia chuyên chế độc tài. Một bên thiện, một bên ác. Dân Ukraine đang làm gương cho nhân loại cùng thấy: Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng làm người?

Báo Economist kể chuyện anh Sasha, một người dân thủ đô Kyiv. Ngày quân Nga bắt đầu tấn công, anh nghe tiếng đại pháo nã vào phi trường Hostomel. Sasha lái xe đưa vợ và hai con ra khỏi thành phố, đi về phía biên giới. Vợ con chạy qua Ba Lan rồi, anh lái xe trở về Kyiv để chiến đấu. “Nếu tôi không quay về,” Sasha nói, “Tôi sẽ không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt các con tôi nữa.”

Loài người khắp nơi nức lòng chứng kiến những hình ảnh dũng cảm của dân Ukraine qua các mạng xã hội. Những thường dân Ukraine phất lá quốc kỳ leo lên trên các xe thiết giáp Nga. Hình ảnh dân Ukraine chơi nhạc giữa cuộc chiến tranh đáng nhớ nhất. Những giai điệu cất lên vừa có vẻ hư ảo, vừa bày tỏ chí bất khuất, vừa bình dị vừa ngạo nghễ.

Nhật báo The Washington Post tả cảnh một em bé gái đứng trong hầm tránh bom, hát bài “Let It Go” trong một phim của hãng Disney. Một nhạc sĩ hồ cầm (cello) ngồi trình tấu giữa các ngôi nhà đổ nát. Cả một ban nhạc mặc đồ lính trận cùng trình diễn với ca sĩ Ed Sheeran. Ở thành phố Kharkiv đã bị quân Nga bủa vây hàng tháng, video chiếu hình một ông mặc cái áo trùm đầu đứng hát trong ga xe điện ngầm. Những người tị nạn trong hầm trú ẩn đứng nghe rồi lần lượt hát theo, giống như trong một giáo đường.

Nhạc sĩ Sviatoslav Vakarchuk, biệt hiệu Slava, dẫn đầu ban nhạc Okean Elzy (Đại Dương Elza), là ban nhạc “Rock” nổi tiếng nhất nước. Ông đã đậu PhD về Vật lý học Lý thuyết, đã học thêm ở các Đại học Mỹ như Stanford và Yale, hai lần làm đại biểu quốc hội nhưng giã từ chính trị. Vakarchuk đang vào các bệnh viện hát cho thương binh nghe; hát trong các nơi tụ họp người tị nạn nghe, từ Kharkiv tới Lviv.

Thành phố hải cảng Odessa đã bị quân Nga tấn công ngay từ đầu, trên bộ và từ ngoài biển. Ban đồng ca đại nhạc kịch Odessa đứng ngoài trời hát opera của Verdi.

Đài BBC thuật lời Olexandr Proletarskyi, một nhà phê bình sân khấu ở Odessa: “Âm nhạc là đời sống. Khi không còn âm nhạc nữa, cái gì cũng có thể xảy ra. Âm nhạc là một phương pháp bảo vệ cái tâm mình. Tại thành phố bên bờ Hắc Hải này, các quán trên bờ biển, các tiệm ăn có hòa nhạc, các tiệm làm móng tay vẫn mở cửa, chứng tỏ người dân tự tin họ sẽ thắng.

Alexander Hodosevich, một tay trống trong ban nhạc ở quán “More Music club” nói: “Tôi thấy thành phố đang sống lại. Người ta đã bớt sợ. Dân chúng tin quân đội sẽ bảo vệ họ, họ cảm thấy bình an. Tôi không tin quân Nga có thể thắng.” Quán nhạc More Music mới mở cửa trở lại, trình diễn nhạc sống mỗi buổi chiều cho khách nghe trước giờ giới nghiêm phải về nhà. Người dân tin tưởng vì trong lịch sử nhiều đế quốc đã muốn đánh chiếm Odessa nhưng đều thất bại.

Odessa có một địa đạo dài 2,500 cây số, đào trong hai lần đại chiến thế giới thế kỷ trước, bây giờ lại được quét dọn để làm “hầm trú ẩn” tránh bom và pháo kích. Những tấm nệm, thực phẩm khô, chất đống trong những góc hầm tối tăm. Ông Maxim Baranestski, nhà sử học 46 tuổi, nhìn ra những chữ viết trên tường của dân tị nạn từ thời 1940. Ông chiếu đèn pin lên mặt tường đá cho thấy khẩu hiệu ‘Diệt Phát xít’ cho phóng viên BBC đọc.”

Cuối cùng, Thiện sẽ thắng Ác. Dân Ukraine đang chiến đấu cho cả loài người. Ông Andriy Yermak, một người bạn đang làm chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky nói với báo Economist, “Ukraine cần đứng vững và tồn tại. Nếu không, Putin sẽ không bao giờ ngừng.”

Tới giờ Putin vẫn chưa ngừng. Cuộc chiến còn tiếp tục. Quân Nga có thể phá nát các thành phố của Ukraine ở hai tỉnh phía Đông trong vùng Donbas, làm áp lực khi mặc cả chính sách ngoại giao của Ukraine đối với Âu châu và NATO trong tương lai.

Putin có thể chọn giải pháp ngưng bắn nhưng không rút quân, Ukraine sẽ bị chia cắt như Moldova và Georgia. Moldova đã mất Transnistria, Georgia mất Ossetia và Abkhazia, cả ba vùng “ly khai” đều còn quân Nga chiếm đóng. Ngày 30 tháng Ba, Anatoly Bibilov, tổng thống nước “Cộng Hòa Ossetia” tuyên bố sẽ bắt đầu các thủ tục để gia nhập Liên bang Nga. Putin có thể sẽ tổ chức trưng cầu dân ý gian lận, cho vùng này gia nhập Liên bang Nga. Vladimir Putin có thể tuyên bố với dân chúng rằng Nga đã thắng lớn! Nhưng sau đó sẽ phải gánh chịu việc tái thiết và cai trị vùng Donbas, kinh tế Nga khó lòng chịu đựng nổi. Và dân Ukraine sẽ không để yên cho ông Putin ca khúc khải hoàn.

Tổng thống Volodymir Zelensky chắc chưa hề đọc lịch sử Việt Nam, nhưng đã hành động giống như Trần Nhân Tôn, Lê Thái Tổ và Quang Trung. Sau khi đã đánh bại các đoàn quân xâm lược, cả ba vị vua Việt Nam đều “dâng biểu cầu hòa.” Như Nguyễn Trãi giải thích trong Bình Ngô Đại Cáo: “Ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.”

Suốt một tháng qua, ông Zelensky cũng luôn luôn cầu hòa, cho dân đỡ khổ. Ông đã nói với một nhà báo Nga: “Tôi hiểu không thể đánh cho quân Nga phải rút hết khỏi vùng Donbas.” Zelensky còn nói, “Đất đai quan trọng thật, nhưng cũng chỉ là đất đai thôi,” theo báo Economist.

Nhưng trước đó, Zelensky từng tuyên bố không chấp nhận để mất một mảnh đất nào của Ukraine. Bây giờ nếu ông muốn nhượng bộ thì dân chúng và quân đội sẽ phản đối. Quân đội và dân Ukraine đã chứng tỏ tinh thần dũng cảm và khả năng chiến đấu của họ. Sau một tháng cầm cự, được viện trợ thêm nhiều vũ khí mới, họ sẽ tiếp tục bền bỉ tấn công những đám quân Nga còn đóng lại, không bao giờ để yên. Hiện nay khối NATO và Mỹ chỉ giúp các vũ khí phòng ngự, nhưng trong tương lai các nước cộng sản Đông Âu cũ có thể gửi thêm các hỏa tiễn, thiết giáp và phi cơ chiến đấu do Nga sản xuất mà quân Ukraine quen sử dụng.

Dù Putin theo đường nào trong ba giải pháp trên, Zelensky cũng sẽ tiếp tục yêu cầu các nước tự do dân chủ phong toả kinh tế Nga – cho đến khi Putin rút hết quân về. Chính phủ Anh mới lập lại điều kiện đó: “Chỉ ngưng cấm vận khi Nga rút hết quân khỏi Ukraine.” Mỹ và các nước NATO cũng vậy; sẽ được các nước khác ủng hộ, từ Nhật Bản, Australia, đến Thụy Sĩ, Singapore.

Dân Nga đã bắt đầu thấm đòn cấm vận. Các ngân hàng thiếu ngoại tệ, các công ty ngoại quốc bỏ đi, hàng nhập cảng cạn dần, giá sinh hoạt tăng 15% và còn tăng mãi. Công ty nghiên cứu thị trường S&P tiên đoán trong năm nay kinh tế Nga sẽ sụt giảm 22%.

Trước đây thế giới đã đứng ngoài, để yên cho Putin đánh, chiếm đất đai của Georgia, Moldova từ năm 2008. Sau đó năm 2014 cũng chỉ trừng phạt nhẹ nhàng khi Putin chiếm Crimea của Ukraine. Thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” này chỉ khiến Putin nuôi thêm tham vọng phiêu lưu, bành trướng. Bây giờ Mỹ, các nước Âu châu nhất là Ba Lan, Tiệp, Slovakia, Hungary, các nước Á châu như Nhật Bản, Australia, chắc đồng ý phải duy trì áp lực.

Dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu một mình chống lại những đoàn quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh. Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức. Họ đang chịu thống khổ, nhưng đứng vững không khuỵu chân nên khiến loài người cùng thức tỉnh. Cần bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Ukraine để xác định lại quy tắc: Không một nước nào được đánh, chiếm, chia cắt đất đai của một nước nào khác.

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”