HÌNH ẢNH,
GETTY IMAGES
Hiếm có quốc gia bị tàn phá nặng nề sau Thế Chiến thứ Hai như Ba Lan.
Một phần năm dân số Ba Lan thiệt mạng và thủ đô Warsaw gần như bị quân Phát xít phá hủy hoàn toàn, phần lớn di sản văn hóa của nơi này đã bị cướp bóc hoặc hủy hoại.
Nhưng từ đống đổ nát đó, hi vọng về cuộc sống mới dần nảy mầm. Nơi này đã rũ bỏ quá khứ nặng nề và khôi phục lòng tự hào của quốc gia bị tan vỡ, và những vết thương xã hội từ lâu ám ảnh nơi này cũng dần kín miệng. Hoặc đó là điều mà nước Ba Lan cộng sản - vốn chiếm quyền kiểm soát quốc gia này vào năm 1948 và dưới sự kiểm soát của Joseph Stalin - hứa hẹn sẽ tái thiết đất nước, bằng lý tưởng kiên định rằng xã hội phải vươn lên từ đổ nát.
Hình ảnh biểu tượng của xã hội này là thành phố Hiện thực Xã hội Chủ Nghĩa có tên Nowa Huta, được thành lập vào năm 1949, nằm về phía đông Krakow được xây dựng trong vài thập niên sau đó.
Ở trung tâm thành phố là nhà máy thép Vladimir Lenin, với mục tiêu sản xuất ra lượng thép nhiều hơn cả quốc gia cộng lại từ thời trước chiến tranh.
Tên gọi Nowa Huta có nghĩa là "Xưởng Thép Mới" trong tiếng Ba Lan và nơi này được xây dựng để công nhân ngành thép đến sinh sống, là dự án phát triển đô thị tham vọng nhất của Ba Lan sau chiến tranh: một thành phố chủ nghĩa xã hội lý tưởng để cả quốc gia nhìn và học tập làm theo.
Năm đại lộ lớn tỏa ra từ Quảng trường Trung tâm khiến Nowa Huta có hình dạng 5 cánh đặc trưng và kiến trúc này nhấn mạnh tính chất biểu tượng của thành phố.
Nhưng cái chết của Stalin vào năm 1953 và quá trình phi Stalin hoá sau đó khiến cho phong cách Hiện thực Xã hội Chủ Nghĩa không còn được ưa chuộng nữa. Tòa thị chính khổng lồ và nhà hát ở Nowa Huta không bao giờ được xây dựng, phần còn lại của thành phố được xây ở quy mô khiêm tốn hơn nhiều.
Đến năm 1973, như một phần thưởng an ủi, tượng đài của Lênin với quy mô lớn nhất ở Ba Lan đã được dựng trên Đại lộ Hoa Hồng, phía bắc quảng trường chính.
"Đó là một thành phố được hoạch định nhưng lại không trở thành thứ mà người ta kỳ vọng," Tiến sĩ Katherine Lebow, tác giả của cuốn "Thế giới Lý tưởng Dang dở" (Unfinished Utopia) giới thiệu chi tiết về quá trình xây dựng và phát triển thành phố này, nói..
Tác giả Lebow viết rằng dù có động lực từ lý tưởng, những người hoạch định thành phố, trong số đó có những nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc sư hàng đầu Ba Lan thời đó, gần như không được hướng dẫn trực tiếp là thành phố sẽ trông thế nào.
Tuy nhiên, vì thành phố này là hình mẫu đô thị lý tưởng, thiết kế của họ nhấn mạnh xây dựng nhiều công viên và căn hộ có diện tích rộng, và đảm bảo mỗi khối nhà đều có những dịch vụ cần thiết.
Lý tưởng Hiện thực Xã hội Chủ Nghĩa chú trọng sử dụng các yếu tố phong cách bản địa và chủ nghĩa xã hội kết hợp, thể hiện trong mọi hình thái nghệ thuật hướng về tuyên truyền, bao gồm cả nghệ thuật kiến trúc. Các thành phố không chỉ nổi bật về vẻ bề ngoài, mà còn thể hiện chủ đề chủ nghĩa xã hội và đóng vai trò là không gian thể hiện cho các nghi thức chính trị.
Với nhiều người dân Nowa Huta di cư từ miền nông thôn Ba Lan lên, họ cảm thấy như bước vào một thế giới khác - thế giới mà chính họ góp công xây dựng.
"Xưởng thép mới là cách thể hiện hoàn hảo về cách thể hiện khuếch trương thời Xô Viết," Lebow viết, "một bức tượng thể hiện sức mạnh khai phá của chủ nghĩa xã hội thay đổi con người và thế giới."
Người ta vẫn đồn rằng địa điểm xây dựng thành phố Nowa Huta được chọn một cách cố ý để thể hiện sự khinh bỉ với giới trí thức tiểu tư sản và bảo thủ ở Krakow, sự hiện đại của nó tuân thủ những giá trị xã hội chủ nghĩa hoàn toàn đối nghịch với thủ đô thời trung cổ của Ba Lan.
Nhưng những ảnh hưởng phong cách kiến trúc từ phố cổ Krakow vẫn xuất hiện rõ nét ở Nowa Huta, với những kiến trúc vòng cung, quảng trường nội và những thiết kế khác bắt chước ở quy mô lớn. Cuối cùng, Krakow cũng được dịp phì cười khi thành phố này tiếp nhận Nowa Huta vào năm 1951.
Dù Nowa Huta thành công ở nhiều khía cạnh, số phận của nơi này không thể tách rời sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội. Vào thập niên 1990, thành phố Nowa Huta 200 ngàn dân mạnh mẽ đã trở thành nơi bị đánh đồng với tệ nạn ma túy, tội phạm, nghèo đói và những kẻ quá khích trong thể thao, nổi tiếng toàn quốc là một trong những thành phố tồi tàn nhất ở Ba Lan.
Nhưng nay mọi thứ đã khác. Ba Lan là một trong những câu chuyện thành công về kinh tế trong thời hiện đại, và người ta có thể cảm nhận điều đó rõ nét từ những trung tâm đô thị rộng lớn và cả ở những vùng ngoại vi một thời như Nowa Huta.
"Nowa Huta ngày càng trở thành một nơi đáng sống," Mateusz Marchocki, hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Anh làm việc ở Tổ chức Quảng bá Nowa Huta nói. Ông cho biết giá thuê nhà đã tăng chóng mặt trong những năm gần đây.
"Trước đây, tất cả hoạt động vui chơi về đêm diễn ra ở Krakow." Giờ đây Nowa Huta có cả nhà hàng, quán ăn nhỏ, cửa hàng bán kem, và xe bán thức ăn xuất hiện khắp nơi để phục vụ người dân thành phố. Marchocki quả quyết thậm chí các sàn trượt băng cũng mở cửa trong Mùa Vọng, vốn là điều không thể tưởng tượng được khi ông còn nhỏ.
Mười năm trước, du khách sẽ có rất ít thứ để vui chơi khi tham quan nơi này, nhưng Nowa Huta đã học cách kiếm tiền từ di sản cộng sản nơi đây.
Thành phố cho phép người nước ngoài và chính dân Ba Lan có thể có thêm góc nhìn về chủ nghĩa cộng sản trong quá khứ. "Người [Ba Lan] trẻ ngày nay không hề biết thời đó thế nào," Marchocki cho biết.
Bước vào một phần thành phố Nowa Huta cũng giống như bước vào thế giới của cha mẹ, ông bà: từ rạp hát Nhân Dân đã được cải tạo với phong cách thiết kế Hiện thực Xã hội Chủ Nghĩa lấy cảm hứng từ Ai Cập với đèn neon sáng, đến những tượng đài của phong trào Công Đoàn Đoàn Kết đã kết liễu chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan vào năm 1989, và khoảng 250 hầm tránh bom nguyên tử trong lòng thành phố, di sản một thời khi mọi người lo sợ thảm họa hủy diệt hạt nhân.
Ngoài phần lịch sử có thể tìm thấy ở Bảo tàng Nowa Huta mở cửa vào năm 2019 tại vị trí ngày xưa là rạp chiếu phim, du khách ngày nay còn bị thu hút bởi kiến trúc Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa.
Là một trong hai thành phố được lên kế hoạch và xây dựng trên thế giới, ngoài Magnitogorsk sâu trong nội địa nước Nga, Nowa Huta khác biệt với kiến trúc hiện đại nhạt nhòa và chủ nghĩa thô mộc xám xịt thường gợi nhắc hình ảnh Đông Âu Xã hội Chủ Nghĩa.
Ví dụ như các tòa nhà ở Quảng trường Trung Tâm - mỉa mai thay là đã đổi tên để vinh danh Ronald Reagan vào năm 2004 - phong cách chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ Nghĩa cũng hiện diện bên trong một số cửa hàng nguyên bản ở Nowa Huta.
Chẳng hạn, phần nội thất được trang trí cực kỳ đậm nét tại cửa hàng bán sản phẩm nghệ thuật dân gian có tên Cepelix, nằm ở phần đông bắc thành phố, do một trong những nhà thiết kế nội thất hàng đầu Ba Lan thời bấy giờ thiết kế.
Nhưng viên ngọc sáng của kiến trúc Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa ở Nowa Huta thực ra là Tòa nhà Quản Trị của Xưởng Thép, một công trình với phần ngoại thất giả Phục Hưng và nội thất sang trọng vẫn còn thể hiện lý tưởng trong phong cách.
Mặc dù tòa nhà này cơ bản là đóng cửa không cho công chúng vào, nhưng Tổ chức Quảng bá Nowa Huta vẫn mở chương trình tham quan đến tòa nhà, mà Marchocki mô tả là "một trong những tòa nhà biểu tượng nhất ở Nowa Huta." Trong vẻ lộng lẫy, tòa nhà là tuyên ngôn về tham vọng hướng đến thế giới lý tưởng đã khai sinh ra thành phố này - những tham vọng mà chính những công nhân sẽ thách thức.
Năm 1980, khi quốc gia này rúng động vì các cuộc biểu tình do Công đoàn Đoàn Kết kêu gọi, Xưởng Thép Vladimir Lenin ở Nowa Huta là nơi có chi nhánh công đoàn đoàn kết lớn nhất, với 97% công nhân gia nhập thành viên.
Nhà thờ Thiên chúa giáo kiên định ủng hộ công đoàn và các cuộc biểu tình, đẩy chế độ cộng sản cầm quyền vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi chống lại chính những công nhân mà nó đại diện.
Trong thời gian này, một giám mục trẻ của Krakow có tên là Karol Wojtyla - người sẽ trở thành Giáo hoàng John Paul II sau này - đã làm nên tên tuổi qua việc ủng hộ công nhân và cuộc đấu tranh của họ.
Thành phố được xây dựng theo chủ nghĩa vô thần của cả quốc gia, nên người ta cố ý không xây dựng nhà thờ nào ở đây. Nhưng các công nhân khao khát có một nhà thờ quá đỗi đến mức họ bắt đầu xây một nhà thờ trái phép bằng tay. Từng viên gạch một, không có máy móc cơ giới nào hỗ trợ, họ xây dựng nên nhà thờ đầu tiên ở Nowa Huta, nổi tiếng với tên gọi "the Lord's Ark" ("Chiếc Rương của Chúa") vì kiến trúc hiện đại độc đáo.
Ngày nay, nơi này là một trong những công trình kiến trúc thu hút du khách tham quan của thành phố, cùng với Nhà thờ Đức Mẹ Czestochowa có kiến trúc hình học ấn tượng. Người ta có thể quan sát thấy sự đối lập giữa thành phố từ trong ý tưởng đến khi nó trở thành hiện thực ra sao ở khắp nơi tại Nowa Huta: từ biển hiệu tên đường, nhà thờ, và thậm chí cả với số phận hiện đại của thành phố.
Thành phố này vẫn là biểu tượng sống động, nhưng không phải là biểu tượng cho thứ mà người ta muốn nó trở thành.
Từ sự hào hùng của quá trình tái thiết kiểu Stalin đến sự nổi loạn chống cộng sản trong sự sùng đạo đến sự kiệt quệ hậu xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là hồi phục trong lòng Ba Lan mới, số phận của thành phố Nowa Huta là tấm gương phản chiếu hình ảnh đất nước Ba Lan từ Thế Chiến II.
Nowa Huta đã tìm thấy cuộc sống mới. Giờ đây nơi này không phải hình ảnh lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà là một hình ảnh lý tưởng mới của nền tư bản dân chủ và của nước Ba Lan Châu Âu.
No comments:
Post a Comment