Hai ngày sau vụ nổ cầu Kertch, một trận bão hỏa tiễn ập xuống thủ đô Kiev và nhiều thành phố Ukraina, sự kiện này chiếm trang nhất tất cả các báo Pháp hôm nay. Le Monde chạy tựa « Nga tấn công ồ ạt vào Ukraina ». Libération đăng hình một phụ nữ lớn tuổi bị thương với dòng tít « Nga đánh vào Ukraina : Chiến lược khủng bố ». Tương tự, La Croix có ảnh trang bìa là những người dân trong căn nhà đổ nát, nhấn mạnh « Sự lựa chọn khủng bố ». Le Figaro và Les Echos gần như có cùng ý tưởng, khi chọn những chiếc xe đang bốc cháy hay những cột khói đen bốc lên trên đường phố thủ đô Kiev làm ảnh lớn trang nhất, với dòng tựa « Putin trả thù vào những thành phố Ukraina », « Ukraina : Sự trả thù của Putin ».
Thua trên chiến trường, Nga đánh vào người dân ở hậu phương
Phóng viên Le Figaro ở Kiev mô tả « Ngày vừa lên và ba hỏa tiễn ập xuống ». Chiến tranh bất thần quay lại ngay trung tâm thủ đô Ukraina, tấn công vào những mục tiêu không hề có giá trị quân sự hay chiến lược. Tám giờ sáng, mặt đất và những bức tường rung chuyển, điện bị cúp. Thủ đô rơi vào bóng tối của những căn hầm, chỉ được soi sáng bằng màn hình điện thoại, nơi hiện lên những tin nhắn báo động và những cuộc gọi của người thân. Trong nhiều tiếng đồng hồ, những tiếng nổ vang động. Hỏa tiễn Nga và drone Iran rơi xuống hàng loạt, chủ yếu vào những địa điểm sinh hoạt : vườn chơi trẻ em trong công viên Chevchenko vốn đông đúc, trường đại học cùng tên vào lúc sinh viên đến trường, một cây cầu dành cho người đi bộ và xe đạp...Số nạn nhân vẫn chưa được xác định.
Adrian lái xe gần trường đại học, bị một số vết thương nhẹ vì kính vỡ, nhưng chiếc xe thì tan thành từng mảnh vụn. Anh cho biết còi báo động còn chưa kịp nổi lên, thì hỏa tiễn đã bay đến, những chiếc xe chạy phía trước bốc cháy, thiêu đốt khoảng 10 người. Adrian nói : « Giờ thì quá rõ, Nga là một Nhà nước khủng bố. Ở đây chỉ có thường dân ». Một hố sâu đang bốc khói gần ngã tư, công nhân sửa chữa mặt đường, khách xếp hàng trước các quán cà phê, tiệm ăn mở cửa như thường lệ. Những bà cụ bình thản quét dọn đường phố, không phân biệt các mảnh vỡ hỏa tiễn và lá vàng.
Khả năng lập tức quay lại cuộc sống bình thường sau hàng loạt biến cố là đặc trưng của người Ukraina. Và chính sự kháng cự này mà Putin muốn triệt hạ. Zelensky nói ngay : « Nga có hai mục tiêu : cơ sở hạ tầng năng lượng và người dân ». Bị đánh bại trên chiến trường, Matxcơva muốn khủng bố hậu phương. Đến 15 giờ, lại báo động, người dân lại trú ngụ ở các trạm xe điện ngầm. Nhiều người đã chuẩn bị tinh thần từ sau vụ cầu Kertch : tránh xa cửa kiếng, mang theo thức ăn, nước uống, mền và pin dự phòng đến nơi trú ẩn.
Vũ khí phòng không cho Ukraina ?
Từ ngày 24/02, đã có 3.500 hỏa tiễn Nga bắn vào Ukraina. Hôm qua, Matxcơva dùng đến hỏa tiễn tầm trung như Iskander và Tochka-U, hỏa tiễn hành trình Kalibr, tấn công vào thủ đô Kiev và các thành phố Lviv, Ternopil, Jytomyr ở miền tây, Dnipro thuộc miền trung, Zaporijjia ở miền nam, Kharkiv ở miền đông.
« Họ muốn tận diệt chúng tôi trên mặt đất » - tổng thống Volodymyr Zelensky nói. Phương Tây tố cáo một sự « leo thang không thể chấp nhận được », từ ngữ của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Cuộc họp của nhóm ủng hộ Ukraina gồm khoảng 50 nước sẽ diễn ra vào ngày thứ Tư và thứ Năm tại Bruxelles, có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, và tiếp đến là hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO.
Phương Tây cần tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev, và phương tiện phòng không rất quan trọng. Bộ Quốc Phòng Ukraina cho biết đã chận được 52/83 hỏa tiễn hôm qua. Nếu có được hỏa tiễn địa-không, Ukraina sẽ chiếm được ưu thế. Đức sắp giao hệ thống phòng không Iris-T SLM, và Mỹ hứa viện trợ 8 hệ thống Nasams, trong đó có 2 sắp đến nơi. Trong giai đoạn ba của cuộc chiến, Kiev đang chiếm lợi thế, quân đội Ukraina tiếp tục tiến dọc theo sông Dniepr tuy có gặp khó khăn ở Bakhmut. Việc tham gia của Belarus có thể làm tăng sức mạnh cho Nga, trong khi lực lượng Ukraina phải rải ra trên nhiều mặt trận. Nhưng một nguồn tin quân sự cho rằng quân đội Belarus rất xoàng, không đáng ngại.
Litva : Belarus đã trở thành căn cứ quân sự của Nga
Thủ tướng Litva, bà Ingrida Simonyte khi trả lời Le Figaro nhận xét « Belarus đã trở thành căn cứ quân sự của Nga ». Bà nhấn mạnh, chế độ này đồng lõa với Matxcơva, dù Lukashenko có nói gì đi nữa, những cuộc tấn công đầu tiên vào Kiev là từ lãnh thổ Belarus, ông ta hỗ trợ hậu cần và có thể đã cung cấp vũ khí. Sở dĩ quân đội lâu nay không tham gia chiến đấu với Nga là vì cuộc xâm lược này bị người dân Belarus phản đối. Libération dẫn một số nguồn tố cáo Nga đang chuẩn bị một căn cứ không quân ở Belarus để từ đó dùng drone Iran tấn công vào phần lớn đất Ukraina.
Thủ tướng Simonyte cho rằng càng nhân nhượng thì Nga sẽ càng lấn tới, và sai lầm của phương Tây là đánh giá thấp quyết tâm vệ quốc của người Ukraina. Mọi người đều ngỡ rằng Kiev sẽ thất thủ chỉ sau vài ngày, thế nên nhiều nước không muốn viện trợ vũ khí, chỉ có vài quốc gia trong đó có Litva làm ngược lại. Và giờ đây những nước có khả năng nên tăng tốc yểm trợ cho Ukraina.
Matxcơva khó thể duy trì nỗ lực chiến tranh vài ba năm
Giảng viên Juline Théron của Sciences-Po trên Libération nhận định, Nga có thói quen tấn công vào thường dân, như ở Chechnya hay Syria. Hiến Pháp mới sửa đổi của Nga cũng đặt luật quốc gia lên trên luật pháp quốc tế kể cả vấn đề nhân đạo.
Về quân sự, ông đánh giá các cuộc phản công của Ukraina ở Kharkiv (đông bắc) và Kherson (nam) là rất ấn tượng, sẽ được giảng dạy trong sách sử. Hiện nay Ukraina cần có thời gian để bảo đảm an ninh tại những nơi tái chiếm, mở tuyến hậu cần mới hay tổ chức lại những đơn vị bị thiệt hại. Phía Nga muốn đưa quân ồ ạt ra mặt trận để câu giờ nhằm sản xuất thêm vũ khí. Với tốc độ xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy như hiện nay, Matxcơva khó thể duy trì chiến tranh trong hai, ba năm. Và quân càng đông thì càng phải lo nuôi lính, lo trang bị quân phục, súng đạn, phương tiện giao thông liên lạc...trong khi tinh thần quân Nga đang xuống rất thấp, so với những người lính Ukraina chiến đấu cho sự tồn vong của đất nước mình.
Ông Théron đưa ra hai khả năng chấm dứt chiến tranh. Hoặc chế độ Vladimir Putin sụp đổ - điều này khó xảy ra khi Nicolai Patrouchev làm chủ tịch Hội đồng An ninh và Alexandre Bortnikov đứng đầu FSB. Hoặc một bước ngoặt, như Nga dùng vũ khí nguyên tử chiến lược để dọa phương Tây, chẳng hạn gởi ngư lôi Poséidon, hỏa tiễn đạn đạo Iskander, oanh tạc nhà máy điện hạt nhân Zaporijia. Cũng không thể loại trừ vũ khí hóa học, như đã dùng khí sarin ở Syria.
Một lằn ranh đỏ cho vũ khí nguyên tử
Trong bài xã luận « Tái khẳng định lằn ranh đỏ về vũ khí nguyên tử », Le Monde đả kích việc bình thường hóa loại vũ khí khủng khiếp này, như Vladimir Putin vẫn thường xuyên nêu ra để hăm dọa. Bị lăng nhục trong vụ nổ cầu Kertch, vũ khí hạt nhân thường xuyên được phe diều hâu Nga nhắc đến trên truyền hình, và Putin thì gợi ra ngay từ ngày đầu cuộc xâm lược một cách hoàn toàn vô trách nhiệm. Các chuyên gia cũng thường bàn bạc về việc liệu Matxcơva có dùng đến bom nguyên tử chiến thuật hay không.
Ukraina và đồng minh đứng trước thế lưỡng nan, nên tránh đề cập hay lên tiếng để ngăn ngừa ? Joe Biden đã chọn cách thứ hai hôm 06/10. Tác động từ việc bi kịch hóa của ông Biden khiến Nhà Trắng sau đó phải trấn an, nói rằng không có « chỉ dấu » gì liên quan đến việc loại vũ khí này sắp được sử dụng. Theo tờ báo, không bao giờ nên coi vũ khí nguyên tử là một công cụ như bao vũ khí khác, có thể trao vào tay bất kỳ kẻ phiêu lưu nào. Một lằn ranh đỏ căn bản cần được các cường quốc tái khẳng định, vì đó là lợi ích cho tất cả mọi người.
Tấn công thường dân : Tội ác chiến tranh, lời thú nhận đang yếu thế
Libération nhận xét, Vladimir Putin muốn theo luật « mắt đổi mắt, răng đổi răng ». Nhưng vụ nổ chiếc cầu ở Crimée chỉ nhằm phá một công trình mang tính biểu tượng, còn trận mưa hỏa tiễn xuống Ukraina từ Chủ nhật là nhằm khủng bố thường dân, giết người vô tội vạ, cho thấy trình độ và thế yếu của con người đang ngự trị ở Kremlin. Loạt tấn công này chỉ đơn thuần để trả thù, không hề mang tính chiến lược quân sự vì trên chiến trường quân của Zelensky vẫn tiến lên. Và người Ukraina từ đầu cuộc chiến vẫn chứng tỏ nỗi sợ cái chết không làm họ phải thối lui mà còn làm tăng tính chiến đấu. Kirill Martnov, tổng biên tập Novaia Gazeta Europe cũng nhận thấy cuộc tấn công hoàn toàn vô nghĩa về quân sự.
La Croix cho rằng nếu đây là « một sự thay đổi sâu sắc tính chất cuộc chiến » - lời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thì có một điều không thay đổi. Đó là sự chọn lựa khủng bố, hoàn toàn phù hợp với tính cách của Vladimir Putin và quan niệm về quyền lực của ông : những ai chống lại phải bị đè bẹp. Phe trung thành với Putin được xây dựng trên nguyên tắc này, và tấn công thường dân cũng chỉ là một chọn lựa trong số nhiều phương án. Về mặt luật pháp, nó có tên hẳn hoi : « tội ác chiến tranh », còn về quân sự, chỉ là lời thú nhận yếu kém thay vì biểu dương sức mạnh.
Le Figaro nhận thấy giọng điệu của Putin lần này tuy vậy nhẹ hơn hẳn hôm tưng bừng mừng sáp nhập bốn vùng đất của Ukraina. Tờ báo mỉa mai, tổng thống Nga đã tránh cho chúng ta việc tổng động viên, thiết quân luật và đe dọa nguyên tử.
Tập hoàng đế có thể trị vì thêm vài nhiệm kỳ 5 năm, nếu muốn
Nhìn sang châu Á, Le Monde nói về sự áp đảo của Tập Cận Bình lên đảng cộng sản Trung Quốc. Đây là bài đầu tiên của loạt năm bài viết trong bối cảnh sắp diễn ra đại hội đảng lần thứ 20. Để đánh giá tầm vóc khuynh loát của ông Tập, nhật báo Pháp khuyên nên đến thăm một viện bảo tàng khổng lồ rộng đến 147.000 mét vuông, được khánh thành nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng.
Cầu thang rộng mênh mông trải chiếc thảm đỏ dày cộp dẫn lên tầng một, trình bày quá trình giành chính quyền từ 1921 đến 1949. Tầng hai dành cho những năm 1949-2007, Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh cho đến khi Tập Cận Bình trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính trị, trước khi bước lên ngôi cao nhất. Tuy đã hiện diện đầy khắp hai tầng này, nhưng ông Tập vẫn chiếm trọn tầng ba để phô trương những thành tựu của mình.
Một con người áp đặt được việc ca ngợi vinh quang của chính mình như thế, khó thể không ngự trị tiếp. Đại hội đảng chỉ là hồi cuối của một tiến trình được chuẩn bị từ hai năm trước, số 2.296 đại biểu ngồi đó chỉ để bỏ phiếu thông qua. Câu hỏi không phải là Tập Cận Bình có ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ ba hay không, mà là ông ta có muốn trị vì thêm nhiệm kỳ 5 năm thứ tư, thậm chí kỳ năm - đến tận 2032.
« Chống tham nhũng », chiêu bài để Tập Cận Bình khống chế đảng
Nhà sử học Mỹ David Shambaugh nhận định Tập Cận Bình là một « đại đế thời hiện đại », thích được sùng bái cá nhân. Ông ta quyền lực đến nỗi hồi tháng 11/2021 thông qua được một nghị quyết lịch sử tố cáo « việc quản lý yếu kém » của những người tiền nhiệm, dù họ vẫn còn sống sờ sờ, và trên lý thuyết thì vẫn còn ảnh hưởng. Trên thực tế, cả nước phải khom lưng.
Từ 2014, Tập Cận Bình đã cải cách sâu rộng quân đội, vốn được coi là Nhà nước trong Nhà nước. Hai tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) bị bắt giam, sau đó thêm 70 sĩ quan cao cấp. Bốn ban của Quân ủy trung ương bị chia thành 15 bộ phận nhỏ, trực tiếp dưới quyền trung ương, có nghĩa là Tập Cận Bình. Công an cũng bị chấn động vì chiến dịch chống tham nhũng. Việc bắt bộ trưởng Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) năm 2013 cho thấy « đả hổ » không chỉ trong quân đội. Ông Chu là người thân cận của Bạc Hy Lai (Bo Xilai), đối thủ của Tập Cận Bình đã bị bắt hồi 2012.
Tổng cộng 1 triệu rưỡi đảng viên đã bị kết án vì tham nhũng, năm con hổ bị « đả » nhưng tệ nạn này 10 năm sau vẫn không chấm dứt, cho thấy chống tham nhũng chỉ là phương tiện để củng cố quyền lực của Tập Cận Bình. Ở các tỉnh, ông bố trí những người thân tín, một số lên nắm quyền ở miền nam dù không nói được tiếng Quảng Đông, và lưu chuyển nhanh chóng khiến khó thể hình thành những phe nhóm. Việc tập trung quyền lực trong tay một cá nhân duy nhất ở đất nước cả tỉ người còn kéo dài bao lâu ? Ở viện bảo tàng nói trên, hãy còn ba tầng để trống, và lịch sử vẫn chưa kết thúc.
No comments:
Post a Comment