Sir Geoffrey Nice nói với BBC rằng ông Putin là "người có tội" vì đã tấn công các mục tiêu dân sự trong chiến tranh.
Vị trạng sư người Anh bày tỏ sự ngạc nhiên khi các công tố viên và chính trị gia không "nói tới điều này một cách tự do và cởi mở hơn nhiều".
Nga phủ nhận việc mình phạm tội ác chiến tranh.
Tuy nhiên, khi nói chuyện với chương trình Broadcasting House của kênh phát thanh Radio 4, Sir Geoffrey đã mô tả các hành động của Moscow trong cuộc xâm lược là "tội ác chống lại nhân loại" - vì các mục tiêu dân sự đang bị tấn công.
Tội ác chống lại nhân loại được coi là một trong những tội nghiêm trọng nhất theo điều được gọi là "quy tắc" chiến tranh.
Các luật này cấm tấn công dân thường - hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng đối với sự sống còn của họ - và được quy định trong các hiệp ước quốc tế như các Công ước Geneva.
Ví dụ, các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của Nga vào mạng lưới năng lượng Ukraine trong mùa đông đã được mô tả là tội ác chiến tranh vì gây thiệt hại cho dân thường. Nga khẳng định họ chỉ tấn công các mục tiêu quân sự.
Binh lính của Moscow bị cộng đồng quốc tế cáo buộc là đã thực hiện hàng ngàn vụ lạm dụng kể từ khi họ xâm chiếm toàn diện nước láng giềng, hồi tháng Hai năm ngoái.
Trưởng công tố ở Kiev cho biết cho đến nay, đã có hơn 62.000 tội ác chiến tranh đã được ghi nhận, trong đó có cái chết của hơn 450 trẻ em. BBC không thể xác minh những con số này.
Sir Geoffrey đã làm việc với Tòa Hình sự Quốc tế về Nam Tư Cũ (ICTY) trong thời gian từ 1998 đến 2006.
Ông dẫn đầu vụ kiện cựu lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic, người đã bị đưa ra xét xử ở The Hague năm 2002 vì những tội ác chiến tranh đã gây ra ở Croatia, Bosnia và Kosovo.
Ông Milosevic - từng được mệnh danh là "đồ tể vùng Balkan" - đã chết trong tù trước khi phiên tòa kết thúc.
Bình luận về cuộc chiến ở Ukraine, Sir Geoffrey cho biết vụ việc "không thể rõ ràng hơn" cho thấy ông Putin phạm tội, và "không nghi ngờ gì" về một hệ thống chỉ huy cho thấy người đàn ông này từ Điện Kremlin là người đã ra mệnh lệnh.
Điều này có nghĩa là "điều quan trọng nhất" là phải xét xử chính bản thân nhà lãnh đạo Nga chứ không phải những người lính cấp thấp, ông nói trong chương trình Broadcasting House.
Ông nói thêm rằng bất kỳ phiên tòa nào cũng "có thể diễn ra vào sáng mai, theo như tôi được biết" và phiên tòa đó nên được tổ chức bởi Ukraine, xét xử bằng tiếng Ukraine. Ông nói rằng bản thân ông Putin sẽ không cần phải có mặt.
Sir Geoffrey đã suy đoán về một lý do có thể khiến nhà lãnh đạo Nga cho đến nay vẫn không phải đối mặt với hành động cứng rắn - mà ông coi là cho thấy có thể đã có động thái trao cho ông Putin quyền miễn tố như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Ông cho biết Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) - cơ quan có quyền tài phán đối với Ukraine - "vẫn chưa đưa ra phán quyết về trách nhiệm của Putin đối với tội ác này".
Sir Geoffrey cho biết "sự miễn cưỡng" này đã đặt ra câu hỏi liệu có một loại "lợi ích chính trị" nào đó để không truy tố Tổng thống Nga hay không.
Nhưng ông nói rằng ý tưởng về bất kỳ giải pháp hòa bình nào theo đó ngăn cản việc xét xử ông Putin sẽ là một "viễn cảnh kinh hoàng", điều sẽ là "sự hoàn toàn khước từ công lý đối với người dân Ukraine".
Đáp lại, ICC bác bỏ mọi khẳng định về việc có "áp lực hoặc ảnh hưởng" đối với công tố viên, Karim Khan, nhằm trì hoãn bất kỳ cuộc điều tra nào.
Ông Khan đã "lặp đi lặp lại việc lập hồ sơ... nhằm chứng minh rằng việc quy trách nhiệm giải trình là điều bắt buộc phải đạt được", thông cáo của ICC nói.
No comments:
Post a Comment