"The principle of freedom cannot require that he should be free not to be free. It is not freedom to be allowed to alienate his freedom. (John Stuart Mill) (*)
Năm 2023 đánh dấu 175 năm sau sự ra đời của Tuyên Ngôn đảng Cộng sản của Marx và Engels và 165 năm sau của Bàn về Tự do của Mill. Chúng ta hãy thử so sánh và đánh giá lại hai tác phẩm chính trị quan trọng nầy.
On Liberty, Tự do luận, hay Bàn về Tự do, của John Stuart Mill (1859), xuất hiện khoảng một thập niên sau Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản của Karl Marx và Friedrich Engels (1848). Cả hai thiên khảo luận nầy đều nói về Tự do như là một thiết yếu tính đối với nhân loại. Trong khi Marx và Engels hướng đến chủ đề Tự do bằng trái tim, thì Mill dùng đầu óc để biện luận về nó. Trong khi Marx-Engels tuyên bố về Tự do qua mô thức Cộng sản như là một đấng tiên tri tuyên phán về một viễn cảnh kinh hoàng đang xuất hiện ở chân trời Âu châu, thì Mill nhẹ nhàng thong thả đi vào vấn đề như một giáo sư chính trị học. Trong khi Marx-Engels nói về Lịch sử như là một chuỗi dài đấu tranh giai cấp, thì Mill nóivề cuộc vật lộn giữa Tự do và Quyền lực. Khi Marx-Engels hô hào cho cứu cánh Đại thể, thì Mill lý luận về vị trí con người Cá nhân. Khi Marx-Engels cổ võ cho một năng lực Cách mạng dựa trên giá trị tập thể, thì Mill biện hộ cho quyền hạn cá thể độc lập và đặc thù.
HAI KHUYNH HƯỚNG Ý CHÍ LỊCH SỬ
Nếu đã đọc Tuyên ngôn của Marx-Engels thì phải đọc Tự do của Mill, và ngược lại. Và hai văn kiện nầy, nếu có thể gọi được như thế, là một thể loại văn chương chính trị của một Thời quán chuyển hóa Ý thức con người sang một nấc thang Tiến hóa mới. Trong khi ngôn ngữ Cộng sản là tiếng kèn xung trận cho Đại thể tính; văn chương trí thức Anh quốc là tiếng còi cảnh tỉnh xã hội về vai trò và giá trị cá nhân. Hai bộ chữ nầy đại diện cho hai khuynh hướng Ýchí: Ngôn từ Cộng sản là năng lực hướng ngoại, chủ động giao hoán Ngã thức cá thể cho nhu cầu Sử lý; văn chương của Mill thuộc dạng thụ động, muốn bảo toàn cho cá nhân một không gian làm người trong phạm vi riêng tư và tự chủ.
Khi Năng lực Thời Ý chuyển động, phong trào Cộng sản xuất hiện như là một Ý chí tích cực và duy phủ định cho một viễn cảnh Tự do ở từ dưới lên; còn của những trí thức Anh quốc như Bentham và Mill là một dòng ánh sáng Lý tính từ tầng trên dọi xuống cõi dưới.
Trên chiếc thập tự Sử tính ở nửa sau thế kỷ 19, hai năng lực Tự do nầy, một từ dưới lên của giai cấp Vô sản, hai là từ trên xuống của giai tầng ưu tú Tây Âu, chúng gặp nhau ở giao điểm ngã tư đường để phân hóa nhân loại thành hai thể trạng Ý chí: Một vế là Tự do như là một cứu cánh thế gian – nhân danh chức năng Đại thể - cho khối nhân loại bị vong thân và áp chế bấy lâu nay; vế kia là một thể trạng Tự do trên cơ bản Cá thể chủ quan, nhân danh con người, từng con người một, như là mỗi Thượng đế toàn năng và toàn thiện ở nơi chính họ.
Sự va chạm giữa hai khuynh hướng Ý chí Lịch sử đối nghịch ở ngã tư thánh giá này đã xô đẩy nhân loại ra hai phía trên cánh trục hàng ngang: Một đằng đi về phía trái, cánh tả, theo Marx-Engels; một bên đi theo Mill, Bentham về phía bên phải, cánh hữu. Từ hai khối ngôn ngữ Ý chí nầy của Marx-Engels và Mill-Bentham - như là một đại diện cho khúc rẽ Lịch sử ở Thời điểm đó - để rồi Thế giới bước vào thế kỷ 20 như là một chuỗi dài những ứng nghiệm của những gì đã được tiên tri bởi Marx-Engels và Mill-Bentham.
TIẾNG KÈN GỌI BÌNH MINH MỚI
Vì thế, bài học được rút tỉa từ Sử tính Ý thức: Hãy lắng nghe những gì giới trí thức chân chính đã nói và viết. Ngôn từ của họ là bước đi tiên phong, là tiếng kèn hiệu xuất quân, là tiếng còi tàu chuyển bánh, hú vang báo hiệu một Thời Ý mới mà trước hay sau, nhanh hay chậm, rồi cũng sẽ xuất hiện ở nơi chân trời Sử tính.
Đã có rất nhiều những phân tích, phê bình, hoặc ủng hộ hoặc chống đối, lý giải khách quan,về cuốn Bàn về Tự do nầy của Mill. Quá nhiều là khác. Nhưng tất cả, theo những gì mà tôi đã từng đọc được, vẫn chưa nói lên được nội hàm tinh hoa xét trên bình diện siêu hình của thiên khảo luận ngắn nầy đối với sự chuyển hướng của năng thức Sử tính của nhân loại. Nếu nói theo cách diễn đạt của Hegel rằng Lịch sử tự bản sắclà một hành trình của ý thức Tự do, thì tác phẩm của Mill, hay của Marx-Engels, hay của nhiều những tác giả trước và sau Mill, như Rousseau, Montesquieu, Locke, Bentham đều là những lời tiên tri về một khả thể Sử tính Sẽ-phải-là.
Khi một con lộ Hữu thể đang được hiện bày và mời gọi, Tự do xuất hiện như một Cám dỗ lớn, giới trí thức tiên phong đã - và sẽ còn - viết văn như bị con ma Thời Ý ám ảnh và cùng nhau lên đồng, xả thân vào từng trang giấy, từng dòng viết, để mỗi một cây bút đều có thể hành hoạt như là một cơ năng Thời Ý muốn thực tại hóa nội dung Ý chí nhân loại vào tim óc nơi mỗi cá nhân. Mỗi Thời đại sẽ được khiển phái và dẫn hướng bởi một khối Lịch sử mới, mà ở đó, năng thức lý tưởng sẽ đi kèm với Ý chí huỷ diệt, bước chân xác định cũng là bàn chân phủ định, cái mới sẽ là cái cũ được tái định nghĩa, cái đúng trở thành cái sai theo một viễn kiến từ một góc độ khác, và ngược lại.
Cơ năng tri kiến, như những gì mà Mill viết trong cuốn sách này, chỉ đóng một vai trò khiêm tốn, nhỏ nhoi trên bước chân Sử Ý của Thời đại – bởi lẽ chúng ta không nên quên rằng, từ cá nhân đến tập thể, điều xô đẩy chúng ta đi tới và tác hành theo thể dạng này hay chiều hướng khác hầu hết đều phát xuất từ năng lực tiềm thức cá nhân, từ vô thức cộng đồng, trong tổng thể của võng lưới nghiệp duyên trùng trùng muôn lớp.
Nếu ai nói rằng một hay vài cá nhân nào đã, hay có thể, chủ động được sinh mệnh của chính mình, hay của quốc gia, của dân tộc, thì người ấy chưa biết là mình đang nói gì. Con người - mỗi cá nhân - tựu chung thì chỉ là một con cờ gần như vô nghĩa trên bàn cờ Sử tính – nơi mà cơ năng Tiến hóa chuyển động theo một cơ trình mà tất cả chúng ta đều sẽ phải bị trôi dạt theo dòng Sử lý ngút ngàn đó.
CÁ THỂ ĐỐI VỚI ĐẠI THỂ: NIỀM CÁM DỖ VÔ VỌNG
Tư tưởng của Mill trong cuốn Bàn về Tự do, nhìn từ góc độ siêu hình học, là một ý chí xác định cho chức năng Cá thể một biên độ giới hạn đối với năng lực Đại thể -Individuality versus Universality- khi cái Ta từ nội hàm Ngã thể cá nhân –the Individual Selfhood- nắm được cứu cánh Lịch sử qua ý thức Tự do cho chính mình.
Tức là khi cái Ta cá thể đã vào tuổi trưởng thành, sẽ tự nhận lấy trách nhiệm cho chính mình, trên cơ sở tự chủ, độc lập, nhằm hiện thực hóa giá trị Đại thể từ chính mỗi đơn vị Ngã thức. Đó là hành trình chuyển hóa con người từ bình diện thuần Đại thể sang góc độ Cá thể để cả hai năng lực được dung hóa thành Một. Ở đây, tôi gọi là “Nhân thức Đại thể” - the Individuated Universal.
Đây là lúc mà Ta, qua ngôn từ của Mill, tuyên bố rằng, “Nếu cả nhân loại, trừ ra một cá nhân, có cùng chung một ý kiến, và chỉ có một cá nhân mang ý kiến trái ngược, thì nhân loại sẽ không có lý do để bắt cá nhân đó im lặng, cũng như là cá nhân đó, nếu có quyền lực, sẽ không có lý do gì để bắt cả nhân loại phải im lặng.” (Chương Hai).
Tức là trên bàn cờ Sử tính, xuất hiện hai bản sắc Ý chí - Đại thể và Cá thể - nay được dung hóa thành một thể trạng Ý chí mà ở đó Tự do đã trở nên một bản sắc tinh hoa cho Ngã thức. Ta sẽ chỉ hy sinh đời sống, sinh mệnh, gia đình, hạnh phúc bản thân cho lý tưởng quốc gia, dân tộc khi mà lý tưởng Đại thể đó dung hóa và đồng chia bản sắcTự do như là cứu cánh cho chính ta. Từ đó, hễ ngày nào mà cái Ta cá nhân còn nhìn đến nhu cầu Đại thể nơi quốc gia và dân tộc như là một thể tính tha hóa và đối nghịch với lý tưởng cá nhân, thì lúc đó, Tự do vẫn chỉ tốn tại thuần túy ở bình diện duy lý tưởng - một niềm Cám dỗ vô vọng.
Hễ còn lý tưởng thì thế giới sẽ vẫn còn biến động, còn mâu thuẫn, còn đấu tranh, còn tang thương. Quá trình Lịch sử, như Marx-Engels đã nhìn nhận như là lịch sử của đấu tranh giai cấp, là một diện mạo phản ảnh thể trạng bất cập giữa lý tưởng và thực tại của nhu cầu cá nhân đối với Đại thể.
Đã gần hai thế kỷ qua, kể từ lúc Mill viết những dòng chữ cho lý tưởng Tự do cá nhân, Marx-Engels viết cho ý chí Đại đồng, đã có biết bao nhiêu chiến sĩ mang lý tưởng Tự do, cả cộng sản lẫn dân chủ tư sản, đã phải bị treo lên thánh giá Sử lý, đóng đinh rỉ máu để phải la lên, Eli, Eli, lema sabachthani!- “Hỡi Đại thể Ngài ơi, sao lại bỏ ta như thế nầy?” - rồi gục chết đau đớn trong cơn khát khao lý tưởng cao vời. Lịch sử, từ xưa đến nay, nói như Hegel, là một lò mổ, một xa lộ bi vọng, mà ở đó, đừng mong gì có hạnh phước, bình an. Khi mà cá nhân chỉ là con chốt cho năng thức Đại thể, thì Sử lý vẫn chỉ là một cối xay thịt xương tang tóc.
Đối với Marx-Engels, sự đụng chạm, xung đột bạo hành đấu tranh giai cấp là quy trình dung giải giữa Ta và Xã hội để xóa bỏ hố sâu vong thân giữa Ta và khách thể. Trong khi đó, theo Mill, thì sự va chạm, tranh biện giữa những khối tư duy nhân văn, giữa cá nhân và xã hội, chính là nguồn mạch Chân lý.
Tự do của Marx-Engels là Tự do tập thể - Collective Liberty – trong Cứu cánh luận mang tính Sử lý - Historical Teleology; trong khi Tự do của Mill là thể trạng tiêu cực –Negative Freedom – đối với nhu cầu cứu vãn cá nhân ra khỏi sự áp chế của số đông hay bởi truyền thống, tập quán.
Theo Mill thì cá nhân sẽ được học hỏi và trưởng thành nhiều hơn và nhanh chóng hơn khi họ có cơ hội va chạm với tha nhân, với quần chúng, với số đông. Tha nhân, theo Mill, nếu biết tôn trọng và để dành một không gian vừa đủ cho cá nhân, thì sẽ không phải là địa ngục - mà là nguồn cứu rỗi cho Ta, ít nhất cũng là trên bình diện Ý thức và tri kiến. Theo đó, thì sự phát huy bản sắc và trình độ cá nhân là một điều kiện không thể thiếu đối với một xã hội trưởng thành và Tự do. Tức là cá thể khi giao thoa với Đại thể để đem bản sắc giới hạn và cục bộ của họ ra với biển lớn nhân loại để chuyển hóa chính mình (**).
KHI NGÃ THỨC CÁ NHÂN CHƯA TRƯỞNG THÀNH
Điều mà Mill đã không đề cập đến là nhu cầu phát huy Ý chí Ngã thể - the Self-Will- vốn phải cùng nằm trên một nấc thang chuyển hóa cho cá nhân khi đối diện với thử thách từ tha nhân và xã hội. Tri thức dù có phát huy rộng lớn bao nhiêu nhưng khi mà Ý chí Ngã thể vẫn chưa trưởng thành, vẫn còn non trẻ, yếu hèn, thì con khủng long Đại thể, nhân danh giá trị hoàn vũ và tập thể, sẽ tiếp tục cắn xé, nuốt chửng cá nhân.
Lịch sử Việt Nam trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, nhất là trong vòng một trăm năm qua, là biểu trưng cho tình trạng thiếu niên và yếu đuối nơi Ý chí Ngã thể cá nhân. Tang thương dân tộc Việt là tấn bi kịch lớn lao và dài lâu mà nguyên nhân là thể trạng bất quân bình và bất cập giữa cán cân Ngã thể cá nhân trong mối tương quan với năng lực và nhu cầu Đại thể. Bi kịch Sử tính dân tộc như thế sẽ không thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của chủ nghĩa và ý thức tập thể nếu Ngã thức cá nhân vẫn còn nuôi mãi bản sắc thiếu niên chưa trưởng thành. (***)
Theo Mill thì cá nhân phải được có cơ hội để phát huy chính mình - và cá nhân khi được trưởng thành sẽ là nền móng vững chắc cho một xã hội Tự do. Đây là điều không có gì mới mẻ hay khác lạ. Mill nhấn mạnh đến Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do lập hội như là những quyền hạn cơ bản - nhất là đối với Tư duy cá nhân thì gần như là những quyền hạn cơ bản tuyệt đối.
HIỂM HỌA PHONG HÓA XÃ HỘI
Về hiểm họa đối với Tự do cá nhân, Mill nhấn mạnh rằng nó sẽ không đến từ chính quyền hay chế độ chính trị - mà từ truyền thống, từ đám đông dân chúng, từ phong tục tập quán xã hội. Mill lặp lại điều mà Tocqueville đã từng cho là hiểm họa xuất phát từ tính chuyên chế đa số - the tyrany of the majority - còn nguy hiểm hơn là độc tài chính trị.
Đối với Mill, trường hợp Trung Hoa là một ví dụ đặc sắc. Đó là một nền văn minh lớn lao, từng rực rỡ qua nhiều thời đại - ở thời điểm khi mà Âu châu vẫn còn rờ rẫm trong bóng tối lạc hậu. Từ khi văn minh người Hoa trở thành một hệ thống hóa thạch, đóng khung trì trệ, sức nặng bảo thủ và chuyên chế từ bản chất phong hóa ù lỳ đã trở thành một năng lực trì trệ cứng ngắt, khổng lồ, thì Trung Hoa đã trở nên một khối văn minh lạc hậu và bảo thủ - cho đến thời gian gần đây, từ trong thế kỷ trước, khi người Cộng sản đem một năng ý Lịch sử mới về nước hòng lay chuyển khối đá tảng chuyên chế khổng lồ của phong hóa truyền thống.
Cái khác biệt giữa Âu châu và Trung Hoa khi đối diện với tình trạng văn minh hóa thạch là khi người Âu chuyển hóa bằng năng lực cá thể, bằng sự cổ võ cho tính đa dạng và đa nguyên văn hóa, bằng khả năng của những cá nhân thiên tài, thì Á châu, nhất là Trung Hoa, ngược lại, hoàn toàn dựa vào năng lực và giá trị tập thể để đồng nhất hóa tính khác biệt cá nhân với một mẫu số chung tập thể. Bởi thế, Tự do đối với người Hoa là hiện thân của một vị Hoàng đế, là nhân thể duy nhất được có chủ quyền đối với mình và đối với quốc gia. Và cá thể người Hoa chỉ là những khối thần dân mà linh hồn của họ đã bị tước đoạt bởi năng thức nòi giống và chủng tộc.
Nếu ta định nghĩa linh hồn cá nhân, như Aristotle đã, là một Nguyên lý năng động đối với Ý chí, thì các dân tộc Á đông chưa có linh hồn cá nhân - vì Nguyên lý Ý chí của họ đã bị tước đoạt bởi năng lực Đại thể. Nói theo Rudolf Steiner, một đạo sĩ Âu châu vào đầu thế kỷ 20, thì ở các quốc gia nơi mà cá nhân chưa phát huy được năng lực tự-Ngã một cách trưởng thành và độc lập, thì linh hồn của họ vẫn còn nằm ở bình diện tập thể, nơi linh hồn quốc gia, bản sắc dân tộc nòi giống – cũng giống như linh hồn muông thú vẫn còn nằm ở cõi ngoại thân, tức là ở cấp độ giống loại, species, bởi vì thú vật chưa phát triển đầy đủ linh hồn cá thể.
Bởi thế, quốc gia hay dân tộc nào mà vinh danh và tôn thờ Chân lý tập thể như là một giá trị tuyệt đối thì có nghĩa là chính thể quốc gia đó đã tước đoạt hết bản sắc linh hồn cá nhân. Từ đó, mặc dù Mill không nói đến một cách cụ thể, nhưng hễ dân tộc nào mà khai mở và vinh danh năng thức Ngã thể cá nhân, thì ở đó, cá nhân đã định tính hóa được bản sắc linh hồn cho chính mình qua Ý chí Chính trị Công dân.
Trong tổng thể vận hành của Ngã thức như là linh hồn cá thể, thì văn chương triết học chính trị của Mill là tiếng trống khai thức năng lực nội tại nơi cá nhân - đồng thời xua đuổi và đòi hỏi Tập thể phải nhường chỗ và tôn trọng linh hồn của cái Ta cá nhân đang được hình thành và lớn dậy.
Và trong gần hai thế kỷ qua, nhân loại đã từng được nghe hai văn bản sứ điệp khác nhau trước bàn thờ Tự do: Marx-Engels khấn lễ trong chiếc áo rộng của Đại thể tính từ Sử lý; trong khi đó, Mill lại tuyên đọc một văn sớ khích động linh hồn cá thể bằng chiếc áo Lý giải khá khiêm nhường. Một đằng thì nhân danh Tự do qua bình diện cấu trúc vật chất, kinh tế; một đằng thì vinh danh Tự do qua sự lớn dậy của nội thức tự-Ngã. Chân lý của duy vật biện chứng nằm ở bình diện Sử tính ngoại thân; còn đối với Mill thì chân lý chính trị nằm ở nơi cá nhân con người khi được để yên.
CÂU CHUYỆN VIỆT NAM
Chúng ta hãy thử đem lý thuyết Tự do của Mill áp dụng cho Sử tính và con người Việt Nam. Nói theo George Gurdjieff, một huyền nhân gốc Armenia ở đầu thế kỷ 20, thì tri thức và Ý chí cá nhân chỉ có thể vươn cao và phát triển đến tầm mức bản sắc Hữu thể - Being - của họ mà thôi - và không thể cao hơn được nữa. Mill cũng viết, “Không phải vì ái dục cá nhân quá mạnh khiến cho họ hành động sai lầm, mà chỉ vì lương tâm họ yếu đuối.” Tức là khi Ngã thức, tức là năng lực cá thể - là lương tâm và là một thuộc tính của Being - Hữu Thể - của con người Việt Nam chưa được phát huy và trưởng thành vững chắc thì từ cá nhân cho đến tập thể, tất cả đều sẽ đi từ sai lầm nầy đến sai lầm khác.
Khi nấc thang Tiến hóa cho cả dân tộc Việt chỉ mới ở vào tuổi mười lăm, mười sáu, thì dù có nhân danh giá trị nào đi nữa thì mọi tác hành đều sẽ chỉ đưa đến những hệ quả tiêu cực và sai lầm. Hãy đừng trách cứ một người nào, một hệ phái nào, một tổ chức hay phong trào nào, đã đưa dân tộc Việt Nam vào những sai lầm và khủng hoảng bi thảm. Tất cả đều là kết quả tất yếu của một tầm mức lương tâm và tánh khí còn non trẻ ở nơi mỗi một con người Việt Nam - cho dù trên bình diện trí thức, học vấn, chức vụ, tôn giáo, chính trị, công quyền, giáo dục, khoa bảng, cho đến văn học, nghệ thuật, cho dù họ có đạt đến đỉnh cao lý trí bao nhiêu đi chăng nữa thì hầu hết đều vẫn là những nhân cách thiếu niên còn nặng bản sắc bồng bột, chưa chín chắn xét trên bình diện năng thức Ngã thể. Nếu ai đã từng có kinh nghiệm tiếp xúc, làm việc, giao thoa với các tầng lớp, giai cấp con người Việt hiện nay, từ trong nước ra đến hải ngoại, chắc đều phải thành thật nhận chân điều đó. (****)
Vì thế cho nên, giá như những gì được nêu lên trong Bàn về Tự do của Mill đến được sớm hơn – ngay từ đầu thế kỷ 20 – và giá như đã trở thành kinh điển đối với ý thức chính trị Việt Nam – nghĩa là thiết yếu tính của Tự do Cá nhân như là điều kiện tiên quyết nhằm chuyển hóa Sử tính dân tộc - thì Sử tính Việt chắc đã không phải trải qua một quá trình, mà trong đó, con khủng long tập thể đã nhân danh Chân lý Đại thể ăn sống nuốt tươi và tiêu hóa hết khả thể chuyển hóa của Ngã thức cá nhân Việt.
THÀ TRỄ CÒN HƠN KHÔNG
Thà chậm còn hơn không. Sự ra đời bản Việt ngữ cho tác phẩm Bàn Về Tự Do, chuyển ngữ bởi Đặng Đức Hiệp, tiếp theo bản dịch trước và khác của Nguyễn Văn Trọng, 18 năm trước, thêm một lần nữa minh định nhu cầu chuyển hướng cần thiết cho mũi tên tâm thức Việt: Rằng đã đến lúc khi mà cá nhân Việt Nam cần đứng dậy để lớn lao và trưởng thành cho lý tưởng Tự do của mình. Và cũng trong tinh thần đó, ngược lại, quốc gia và dân tộc phải biết tôn trọng và khoan nhượng một không gian Tự do cho từng cá nhân Việt (*****).
Khi mà các tầng lớp trí thức Việt đang tìm đọc những tác phẩm vinh danh Tự do cá nhân, như cuốn Bàn về Tự do này của Mill, thì đó cũng là lúc mà khuông thức tư duy dân tộc đang chuyển hướng. Từ lề lối suy thức Không gian - trong truyền thống bận tâm về giang sơn, lãnh thổ, thân mạng, nòi giống – ngày nay tâm thức Việt đang bước sang khung thức Thời tính - với các phạm trù, khái niệm về Tự do, nhân phẩm, cá nhân, Hữu thể - thì đây có thể là một bước ngoặt chuyển hóa đối với cái Ta cá thể Việt Nam. Để từ đó, Tự do – trên bình diện cá nhân - không thể mãi vẫn cứ nằm trong thể trạng ước mong duy lý tưởng, hay chỉ là một niềm Cám dỗ mong manh, mà phải là một Thực tại chân hữu cho từng Ngã thể Việt Nam.
Bài thể hiện quan điểm riêng của TS Nguyễn Hữu Liêm, hiện sống ở San Jose, Hoa Kỳ.
Chú thích:
(*) Nguyên lý tự do không thể đòi hỏi rằng cá nhân được tự do đánh mất tự do của mình. Nó không là tự do khi cho phép cá nhân từ bỏ tự do của mình. (Chương V)
(**) Theo Rousseau thì, như Allan Bloom đã diễn giải, “Tất cả toàn bộ vấn đề chính trị có thể nói là để thiết lập mối quan hệ thích ứng giữa Ý lực cá nhân đặc thù và Ý chí Đại thể tổng quan. Sự chuyển hóa con người từ thể trạng thiên nhiên sang đến đời sống dân sự và năng lực khai mở Ý chí Tự do là một biến cố quan trọng đối với họ, và nhiệm vụ quan yếu nhất mà vốn là mối bận tâm của các chính khách là bảo đảm rằng sự chuyển hóa đó được duy trì.” (Strauss and Cropsey, Ed., History of Political Philosophy).
(***) Có lẽ điều không cần phải nói lên rằng chủ thuyết (về Tự do) nầy chỉ có thể áp dụng cho những con người trưởng thành… Chúng ta chắc phải loại bỏ việc áp dụng nó vào các xã hội man khai nơi mà giống dân vẫn được coi như là còn thiếu tuổi. (Dẫn nhập)
(****) Chính Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939), con người mà “đã đi qua giữa hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 với tấm lòng bình thản của một người thời trước” cũng phải bật kêu lên, “Dân hai nhăm triệu ai người lớn; Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. (Chú thích bởi Dịch giả Đặng Đức Hiệp).
(*****) Giá trị Quốc gia, trong chiều dài, là giá trị của những cá nhân làm nên nó; và Quốc gia nào trì hoãn quyền hạn phát huy và nâng cao trí thức để chỉ nhắm vào khả năng quản lý của họ, hay chỉ là tương tự như những tài nghệ trên thương trường; một Quốc gia mà chèn ép nhân dân để cho họ trở nên tay sai ngoan ngoãn ngay cả cho những chỉ tiêu ích lợi – sẽ thấy rằng với những con người nhỏ nhen thì không có gì lớn lao có thể được kiến tạo; và chỉ vì sự toàn hảo của bộ máy (hành chính) mà nó đã hy sinh tất cả, thì cuối cùng sẽ không đạt được gì khi mà nguyên khí quốc gia đã bị đánh mất để cho guồng máy công quyền được chạy trơn tru. (Chương V)
No comments:
Post a Comment