Sunday, March 17, 2024

Hồi ký của anh Nguyễn Nhật Cường (Khóa 5 OCS) trên HQ-505


 Chuyển đến quý vị một bài viết cũ của anh Nguyễn Nhật Cường, sĩ quan đương phiên trên Dương Vận Hạm Nha Trang HQ-505 kể về một lần chiến hạm hải hành trong đêm biển động vì cơn bão ập đến bất ngờ giữa hải trình Nha Trang - Qui Nhơn. Loi Chau.

Trong số quý anh trong mail này, có nhiều vị đã từng làm hạm trưởng LST hoặc phục vụ trên LST hay LSM đều biết nỗi hiểm nguy nhọc nhằn khi chiến hạm phải vật lộng ngả nghiêng theo từng con sóng dữ. Có anh đã từng phục vụ trên HQ.406 đã từng đi trong mùa biển động đã bị bão đánh văng cửa đổ bộ (ramp) thì biết cảnh con tàu chạy sóng ngược bị nhồi sóng như thế nào tưởng chừng chiến hạm bị gẫy làm đôi.

LST với đài chỉ huy mãi tận đàng sau, chạy sóng ngược cũng gian nan không kém. Với thủy thủ đoàn hơn trăm người mà chỉ còn 10% đứng vững lèo lái con tàu qua cơn bão tố là kinh nghiệm nhớ đời khi radar hầu như bất khiển dụng, hai chiếc LCVP treo bên hông đài chỉ huy bị nhồi sóng lắc lư qua lại và các quân xa trên boong tàu bị lỏng dây xích là những giờ phút kinh hoàng khó quên. 

Tác giả kể chuyện hải hành phỏng định trong đêm với 20 phút chạy hướng chếch xuôi rồi 20 phút quay đầu lại hướng chếch ngược, Lúc đó các đài kiểm báo đã thiết lập từ năm 1971 xin họ vị trí chiến hạm cũng dễ dàng thôi.

Tôi biết hai chiếc LST HQ.504 và HQ.505 nhận lãnh năm 1970 tại San Diego và 2 vị hạm phó K11 Đinh Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Lộc sau này đều trở thành hạm trưởng LST. Riêng chiếc HQ.505 của HT Lê Thuần Phong K6, có lẽ là con số bù nên gặp nhiều xui rủi trong những năm hoạt động tại vùng biển Việt Nam đúng như lời người bạn Nguyễn Cần đã bảo con số 505 giống hệt như chữ SOS. Năm 1971, chiến hạm này sau khi lãnh đầy một tàu đạn ra Đà Nẵng, trong đêm tối trên hải trình qua đèn hải đăng Mũi Kê Gà, vị sĩ quan đương phiên K19 đã làm chiến hạm chạy ngược chiều với chiếc Sealand và mũi chiếc thương thuyền đâm ngay vào ba con số 505 bên tả hạm làm thủng một lỗ lớn bằng hai tấm nệm giường. Chiến hạm vô nước suýt chìm phải chạy vào Cam Ranh sửa chữa tạm rồi mới lên đường ra Đà Nẵng. 

Do biến cố này mà các sĩ quan tốt nghiệp ra trường chọn đơn vị theo thứ hạng cao, ai nấy đều chọn LST số hiệu càng cao càng tốt nhưng lại né tránh HQ.505. Có lẽ quý anh này được đàn anh mách nước, đi LST sướng nhất trong Hạm Đội, chuyến công tác chỉ một tuần lễ hoặc 10 ngày là trở lại Sài Gòn, không phải hiểm nguy như ở các giang đoàn tác chiến, v.v và v.v.. 

Chúng ta có đọc vài hồi ký kể về Tháng Tư Đen với chiến hạm này, cũng như tác giả Nguyễn Nhật Cường cũng có bài hồi ký "Tháng Tư cả một đời người trước" và chị Điệp Mỹ Linh với bài "Con Tàu Máu". Tôi cũng được nghe kể mùa hè đỏ lửa năm 1972, HQ.505 đã từng có chuyến hải hành tiếp tế 900 quan tài ra Qui Nhơn để cung ứng cho chiến trường Quân Khu 2 với những trận đánh đẫm máu nơi đây đóng hòm ngày đêm không đủ. Nhận hàng tại bãi ủi Tân Cảng với những quan tài không nắp để chồng lên nhau như xuồng ba lá, nắp quan tài để riêng, trong đó có một số quan tài bọc kẽm bên trong chất đầy hầm chiến xa.

MX

Trong chuyến công tác Đà Nẵng, HQ505 rời Nha Trang sau khi tạm ghé để bốc thêm một số quân nhân bộ binh bổ sung cho miền Trung. Trời vào khuya, xa mịt mù bên ngoài hải phận vùng Hai, đang thong thả trên đường rong ruổi về hướng Bắc, chiến hạm nhận công điện cấp tốc
gọi về Qui Nhơn tránh bão. Cơn bão mang tên Hester, được quan sát từ hơn một ngày trước khi tâm bão đang di chuyển ra khơi, nhưng bỗng đổi hướng bất ngờ, ngoài sự tiên đoán của đài khí tượng. Trước nửa đêm, tôi lên nhận phiên hải hành của ca cách mạng từ 12 giờ khuya đến 4 giờ sáng, cùng với Cần, Bình và Triết, vào lúc mà những cơn gió đã trở mạnh bất thường. Bầu trời đen nghịt và chùng xuống như có thể với được. Rồi mưa tuôn ồ ạt. Cường độ gió nhảy vọt. Sóng cấp bốn, cấp năm và tiếp tục tăng cao. Gió đập từng hồi mãnh liệt, bật tung hết những tấm vải nhựa dày che gió gắn chặt quanh đài chỉ huy và nóc sân thượng bên dưới phòng lái. Từng đợt cuồng phong cuốn tới như muốn hất bung chiếc đài chỉ huy bé nhỏ khỏi phần thượng tầng kiến trúc. Chưa hơn nửa tiếng từ khi nhận công điện cấp báo, chiến hạm đã lọt hẳn vào lòng bão.
Sóng cao dần, chiến hạm lắc lư mỗi lúc một nhiều, dập dềnh tiến về trước với vận tốc chỉ còn bằng nửa lúc bình thường. Sóng đập từng cơn phũ phàng vào con tàu đang nghiêng ngả như chiếc lá con run rẩy trong vùng nước xoáy. Để giảm độ lắc, chiến hạm đổi hướng đi chéo góc 45 độ vào những cơn sóng bạc đang cuồn cuộn đổ dồn. Radar bất khiển dụng, không còn định được tọa độ trong cơn bão mịt mùng, chúng tôi đành cắt sóng đi khoảng 20 phút rồi quay 180 độ để đi ngược lại 20 phút. Tiếp tục hải hành phỏng định, ngược xuôi cùng trên một trục, một khoảng cách, để cố duy trì vị trí cho khỏi dạt vào núi hay đá ngầm.
Từng cơn sóng khổng lồ nâng bổng đầu chiến hạm lên cao, rồi sóng chuyền ra sau, mũi tàu bỗng chúi hẳn xuống, đẩy bật phần lái bung cao khỏi mặt nước. Tiếng cánh quạt chặt vào không khí nghe lạnh mình. Theo đà rơi xuống, cái đáy bằng của chiếc dương vận hạm dập mạnh vào mặt biển đã thụt sâu hẳn ở bên dưới, những chấn động của sự va chạm làm chiến hạm nẩy bật lên từng hồi. Đầu tàu với những ụ súng bốn mươi ly rung lên bần bật như chiếc đầu lân đang biểu diễn trong ngày tết. Những độ rung khủng khiếp uốn cong boong tàu dài trên trăm thước, tạo thành từng lằn sắt nổi tròn, chạy dài từ mũi ra sau lái trong những tiếng sắt nghiến kẽo kẹt vào nhau, một âm thanh kỳ quái, ghê rợn như con tàu sắp gãy làm đôi.
Nước biển chợt xoáy tròn. Giữa vùng tối mịt mù, chiến hạm hút theo từng cơn sóng lớn tụt xuống thật thấp, lọt hẳn vào một lòng chảo mà chung quanh là những bức tường nước khổng lồ cao hàng chục thước, chập chùng, đe dọa như sắp sửa đổ ụp xuống, chôn sống cả chiếc tàu vào đáy biển. Một chớp mắt sau, con nước lại nâng hẳn chiến hạm lên đầu ngọn sóng cả, cao vun vút. Những bức tường nước sừng sững của một phút trước chợt bỗng rút xuống thành một vùng sâu thăm thẳm, từ đài chỉ huy nhìn quanh chỉ thấy những thung lũng đen không đáy rợn người như một bàn tay khổng lồ vô hình vừa nhấc bổng con tàu, đặt hờ hững, cheo leo, lên một đỉnh núi cao. Trong khoảnh khắc kế tiếp con tàu lại tụt xuống, rồi trồi trở lên, theo cái chu kỳ kinh dị, kéo dài đến bất tận.
Tàu ngả nghiêng. Gió hắt từng cột nước lớn vào phòng lái, vào đài chỉ huy, đổ ồ ạt lên boong tàu. Nước tràn lan khắp nơi. Trên trời, dưới biển, đầy trong gió, cay trong mắt, ù trong tai, mặn chát trong miệng, thấm lạnh từng lỗ chân lông của hơn chục người còn đứng được trong số một trăm mười hai thủy thủ đoàn. Hai chiếc LCVP được giữ chặt bên hông phía sau phòng lái đã đứt dây cột, bật ra tự lúc nào. Như quả lắc đồng hồ, hai chiếc thuyền nhỏ liên tục tung ra,
đập ngược vào trụ cột. Tiếng va chạm, tiếng vỡ của fiber glass nghe rùng rợn như tiếng trống mọi của buổi lễ tế thần mà vật hy sinh là con tàu nhỏ bé với những sinh mạng cỏn con đang chiến đấu cho sự sống còn trong cơn bão kinh hoàng. Mười mấy chiếc quân xa đặt ngay ngắn trên bong, mỗi chiếc đã được siết chặt xuống sàn tàu ở bốn góc bằng những sợi dây xích thật căng to bằng cổ tay; giờ đang xốc xếch, quật qua, quật lại, chạy tới, giật lui theo từng cú nhồi, lắc của tàu. Vừa vận chuyển chiến hạm, chúng tôi vừa ngược xuôi lên xuống để đi tăng lại độ căng các sợi xích giữ xe, tung dây cột tạm hai chiếc LCVP bên hông để giảm bớt hư hại. Những nhân viên di chuyển, làm việc với áo phao trên người, dây thừng buộc nối vào nhau để khỏi văng xuống biển trong lúc con tàu đang nhào lộn, ngả nghiêng với những cơn sóng tàn bạo liên tiếp đập ào ạt, không ngưng.

Bốn giờ sáng, gió nhẹ dần, rồi chỉ còn những hạt nước nho nhỏ bay lất phất. Những đám mây đen đã tan theo ánh hồng của vầng thái dương đang vươn lên trên nền trời quang đãng. Biển bỗng thoắt lại yên tĩnh, xóa mất hẳn mọi dấu vết của cơn bão chợt đến, chợt đi. Chỉ còn lại chiếc chiến hạm tả tơi với đám thủy thủ đoàn tơi tả đang dật dờ trở vào hải cảng Qui Nhơn sau gần năm tiếng đồng hồ vùi dập dưới cơn thịnh nộ bất thường của thiên nhiên. Trên đường vào cảng, những con cá trắng xanh là lạ với lưỡi kiếm dài trước mũi, cánh xòe rộng hai bên, phóng cao khỏi mặt nước, bay tua tủa, đáp đầy cả boong tàu. Những chú cá mà có lẽ đã vào đây trước chúng tôi để tránh cơn bão đêm qua.
Bàn giao xong phiên hải hành, tôi xuống tìm hai chàng sĩ quan phụ tá đã biến mất tự lúc nào. Triết nằm ẹp trong phòng thám xuất từ lúc được gọi xuống quan sát tọa độ khi radar sửa chữa xong. Bình thì đang rên rỉ trong phòng ngủ: một cơn sóng nhồi đã đưa anh chàng trượt một phát sáu, bảy bậc thang, rớt thẳng xuống sàn sắt phía ngoài phòng lái, khi từ đài chỉ huy bước ra cầu thang. Tàu ủi bãi, tôi đi quanh kiểm điểm những thiệt hại để hoàn tất phần báo cáo trên sổ hải hành. Chiếc neo khổng lồ trước mũi đã tụt xuống khỏi ổ cả thước. Nhìn số tàu trầy trụa, méo mó thảm hại với đầy những dấu neo quật vào tôi không khỏi buồn cười khi nhớ những lúc con nhà Cần gọi đùa chiếc 505 là SOS. Bây giờ trông lại càng giống hơn và suýt nữa thì cả đám đã S.O.S. trong đêm hôm trước. Vào carré sĩ quan để ăn sáng, phòng ăn chỉ lèo tèo vài mạng, số lớn còn say sóng, nằm vật vã trong phòng. Hạm trưởng Nh., người đã đứng gần suốt đêm trên đài chỉ huy qua cơn bão, nhìn chúng tôi, ông cười khen mấy thằng chịu sóng tốt. Tôi đùa với ông rằng vì bận chống bão nên quên cả say sóng hay là bão dữ quá đã thổi văng luôn cả cái say sóng xuống biển, có lẽ phải chờ đến trận bão sau mới biết. Cần dặn đùa anh HS. Biếu là trong tủ lạnh phòng ăn SQ còn những món gì ngon cứ đem ra nấu hết cho ngày hôm đó để đỡ được nhiều đối thủ mà đa số còn đang trong tình trạng hôi cơm tanh cá, ốm nghén vì cơn bão biển. Những người lính bộ binh lên tàu từ Nha Trang đi Đà Nẵng đang nằm lăn như chết. Một số dậy nổi, bỏ lên bờ tìm xe đò để đi nốt quãng đường còn lại. Qua cơn thịnh nộ của biển cả, họ chấp nhận thà bị VC chận đường hơn là đi tiếp trên chiến hạm thêm hai ngày nữa. Một rủi ro thật đáng tiếc mà đã thực sự xảy ra cho vài người trong nhóm họ!

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...