Monday, November 28, 2011

Bắc Kinh bất ngờ trước chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ

Mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng đáng kể khi diễn tiến vừa qua tại các hội nghị thượng đỉnh vùng Á Châu-Thái Bình Dương chứng kiến quyết tâm mới của Mỹ kéo theo mối nghi ngại cùng phẫn nộ gia tăng của Bắc Kinh.


AFP Photo/ Saul Loeb
Từ trái, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Úc Julia Gillard tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Bali, Indonesia, 19/11/2011.

Quyết tâm có mặt tại châu Á

Trong chuyến công du Á Châu - Thái Bình Dương vừa rồi và gặp gỡ các lãnh tụ trong khu vực, kể cả các lãnh đạo Bắc Kinh, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama xem chừng như làm nổi bật “sắc thái và quyết tâm Thái Bình Dương” của Mỹ - chẳng hạn như tuyên bố rằng Hoa Kỳ vẫn là một cường quốc Thái Bình Dương và sẽ “trụ lại” ở đây.


Lên tiếng mới đây với Đài Á Châu Tự Do, GS Nguyễn Mạnh Hùng dạy môn Bang giao Quốc tế tại Đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ, cho biết:
“Trong vài tháng nay chúng ta đã thấy rõ là cả những nhà lãnh đạo cao cấp nhất bên ngoại giao, quốc phòng và tổng thống đều nói đến sự trở lại của Hoa Kỳ ở Á Châu và cam kết là sẽ có mặt ở đây như là một cường quốc Thái Bình Dương. Thì đó là một chuyển biến rất là quan trọng.”
Trong vài tháng nay chúng ta đã thấy rõ là cả những nhà lãnh đạo cao cấp nhất bên ngoại giao, quốc phòng và tổng thống đều nói đến sự trở lại của Hoa Kỳ ở Á Châu và cam kết là sẽ có mặt ở đây như là một cường quốc Thái Bình Dương.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Nhưng theo nhà bình luận Frank J. Gaffney của tờ Washington Times, trong thời gian cầm quyền vừa qua, chính Tổng thống Obama đã làm cho những quốc khách của ông có cảm tưởng rằng nước Mỹ ngày càng suy yếu, đồng thời làm họ hoài nghi về thiện chí của Wasington “bám trụ” ở vùng Á Châu - Thái Bình Dương một cách có chiến lược. Theo bình luận gia Gaffney, những cảm nhận như vậy góp phần làm vấn đề trầm trọng thêm khi trong những năm gần đây tại vùng Thái Bình Dương, nơi xứ Trung Quốc cộng sản ngày càng trổi dậy mạnh mẽ về mặt kinh tế và bá quyền về quân sự trong khi Hoa Kỳ lại lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế lẫn quân sự - tình hình khiến không những Trung Quốc mà Nga và cả Bắc Hàn lờn mặt.
Từ đó, bình luận gia Gaffney hình dung ra câu hỏi trong tâm trí của nhiều người dân tại vùng Thái Bình Dương đang không yên bình rằng liệu Tổng thống Obama lần này có thực sự thực hiện điều ông cam kết không? Hay chỉ là “nhãn hiệu: hy vọng và đổi thay” – hy vọng thì nhiều mà đổi thay thì từng trống vắng – khiến khó có thể bảo vệ được quyền lợi của Hoa Kỳ và đồng minh tại vùng Châu Á - Thái Bình Dương?
Tuy nhiên, theo chuyên gia Andrew Shearer, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Lowy về Chính sách Quốc tế của Úc, thì Hoa Kỳ chưa bao giờ thật sự rời vùng Thái Bình Dương.
Chuyên gia Shearer nhắc lại rằng, gần đây, người ta nói nhiều đến việc Hoa Kỳ chuyển sự quan tâm từ Trung Đông sang Châu Á. Ông cho rằng những gì Tổng thống Hoa Kỳ phát biểu trong thời gian gần đây là cách cam kết mạnh mẽ về sự can dự sâu hơn vào vùng này.

Không lường trước

obama-bali-2011-250.jpg
Tổng thống Miến Điện Thein Sein (giữa) ngồi gần Tổng thống Mỹ Barack Obama tại một cuộc họp của ASEAN tại Bali, Indonesia, 19/11/2011. AFP photo. 
 
Theo tờ South China Morning Post qua bài “Bắc Kinh kinh ngạc trước “hành động hung hăng” của Mỹ, thì hiện TQ bất ngờ sững sờ vì những hành động mới đây nhất của Washington, với phương cách cứng rắn lạ thường nhắm vào TQ, từ việc hình thành Thương ước Đối tác Xuyên TBD không bao gồm TQ, thỏa thuận với Úc cho trú đóng 2.500 thủy quân lục chiến ở căn cứ Darwin, tái xác nhận liên minh với Philippines cho tới nỗ lực cải thiện ngoại giao lịch sử với Miến Điện; và nhất là lãnh tụ Mỹ thẳng thừng nêu lên vấn đề tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông tại Thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia hồi tuần rồi khiến Bắc Kinh giận dữ, bất an.
Chuyên gia Shi Yinhong thuộc Đại học Renmin Trung Hoa cho biết cách đây dăm ba tháng, không ai nghĩ là Mỹ sẽ hành động như hiện giờ. Những học giả khác của Trung Quốc cũng nói là Hoa Lục hoàn toàn không ngờ trước những phản ứng mới đây của Mỹ và các nước trong khu vực.
Theo giới phân tích thì Bắc Kinh ngày càng xem Hoa Kỳ là mối đe dọa cho sự ổn định của họ. GS Shen Jiru thuộc Viện Kinh tế-Chính trị Thế giới tại Viện Hàn Lâm Khoa Học-Xã Hội Trung Quốc lưu ý rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, không bao gồm Trung Quốc, thực ra vượt ra ngoài khuôn khổ kinh tế, mang tính chính trị, qua đó, Washington tìm cách vận dụng những giá trị của Mỹ để liên kết vùng Á Châu - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh cũng cáo giác Hoa Kỳ xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc khi Washington xem “quyền lợi cốt lõi” Đài Loan của Trung Quốc như là đối tác kinh tế, an ninh quan trọng của Mỹ; can thiệp vào nội tình chính trị Hồng Kông…

Mỹ chứ không phải Trung Quốc

whitehouse-250.jpg
TT Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Honolulu, Hawaii, hôm 13/11/2011. Photo courtesy of whitehouse.gov 
 
Nhật báo Investor’s Business ở Mỹ hồi trung tuần tháng này có bài tạm dịch là “Á Châu tìm lại được thiện cảm dành cho Hoa Kỳ”, lưu ý ngay ở phần mở đầu đại ý rằng trong khi công luận mất nhiều công sức mô tả nỗi bất an giận dữ của Trung Quốc trước tuyên bố của Tổng thống Obama về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương, thì trên thực tế, chính toàn vùng này mới bất an trước hành động bành trướng của Trung Quốc – nên muốn Hoa Kỳ quay trở lại. Theo bài báo thì thực trạng cho thấy rằng những quốc gia Châu Á muốn Mỹ -chứ không phải Trung Quốc -đóng vai trò trọng tâm ở Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao sự hiện diện của Tổng thống Obama tại Hawaii, Úc và Bali vừa rồi được khắp vùng mở rộng vòng tay chào đón.
Bài báo phân tích rằng việc Bắc Kinh phẫn nộ là vô lý vì đó là một chính thể chuyên chế và hù dọa, xâm lấn những xứ láng giềng Á Châu, không phải là mô hình kinh tế đáng tin tưởng, gây nên tình trạng mất quân bình, không có thiện chí ‘sống chung hòa bình”, đó là chưa kể dùng vệ tinh theo dõi các nước Á Châu và bị cáo giác về hành động tin tặc.
Bài báo cũng lưu ý thêm rằng dù Trung Quốc có thích Hoa Kỳ hay không, lịch sử cho thấy Washington từng đóng vai trò quan trọng ở Á Châu trong 60 năm nay.
Theo bài báo thì việc Hoa Kỳ quan tâm trở lại Á Châu là nhằm đáp ứng nguyện vọng của những nước trong vùng vốn đã chứng kiến nhiều hành động gây hấn đáng ngại của Hoa Lục khi thiếu bóng dáng của Hoa Kỳ. Nên Á Châu mong muốn được trở lại với con đường phát triển và hòa bình của Hoa Kỳ.

Thanh Quang RFA

No comments: