Friday, March 2, 2012

Khoa học Trung Quốc: lượng và phẩm

Sinh Tồn chuyển
In Email
http://www.doctorlindstrom.com/wp-content/uploads/2011/03/china_science.jpgKhông còn nghi ngờ gì nữa: Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc khoa học. Nhưng đằng sau những con số về ấn phẩm khoa học là một mảng đen về phẩm chất thấp và gian dối trong khoa học. Có thể nói rằng ngày nay, nói đến TQ là người ta nghĩ ngay đến giả, dỏm.

Sự trỗi dậy của khoa học TQ là một thực tế mà ngay cả cá nhân tôi cũng cảm nhận được. Những tập san y khoa mà tôi bình duyệt hoặc phụ trách biên tập đều ghi nhận một xu hướng chung là số lượng bài báo từ TQ càng ngày càng gia tăng. Chẳng hạn như tập san Journal of Bone and Mineral Research (JBMR, tập san số 1 về loãng xương trên thế giới) năm ngoái trong một cuộc họp ban biên tập cuối năm, chúng tôi nghe báo cáo rằng số bài báo từ TQ tăng gần 2 lần so với 10 năm trước. Nhưng số bài được chấp nhận cho đăng thì chỉ đếm đầu ngón tay. Tổng biên tập đặt câu hỏi tại sao. Câu trả lời rất hiển nhiên: phẩm chất nghiên cứu quá thấp, và có vấn đề về y đức.
Lượng: ấn tượng!
Sự trỗi dậy của khoa học TQ có thể đánh giá qua con số ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế. Hai mươi năm trước, mỗi năm TQ “sản xuất” được khoảng 6000 bài báo khoa học (so với Việt Nam là khoảng 300 bài và Thái Lan 1000 bài). Nhưng đến năm 2011, con số ấn phẩm khoa học từ TQ tăng lên ~113,000 bài, chiếm ~10% tổng số ấn phẩm khoa học toàn cầu, chỉ đứng sau Mĩ (265,000 bài). Chỉ trong vòng 20 năm mà số ấn phẩm khoa học TQ tăng 18 lần! Chưa nước nào trên thế giới có khả năng “nhảy vọt” như thế.
Sở dĩ họ đạt được thành tựu đáng nể đó là do Chính phủ TQ có chính sách đúng. Chính phủ TQ khuyến khích các nhà khoa học công bố nghiên cứu mình trên những tập san tiếng Anh. Họ đặt ra những tiêu chuẩn đề bạt chức danh khoa bảng dựa vào ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế. Công bố quốc tế cũng là tiêu chuẩn để được xét duyệt tài trợ nghiên cứu. Do đó, TQ ngày nay đang phải làm quen với câu châm ngôn phương Tây publish or perish. Chính sách khoa học này đã gây áp lực các nhà khoa học TQ và hệ quả là số lượng bài báo khoa học tăng một cách ngoạn mục trong thời gian 20 năm qua.
Phẩm: thấp
Nhưng đó là phần lượng, còn phần “phẩm” thì là một bức tranh khác. Nói một cách ngắn gọn, phần lớn những nghiên cứu từ TQ có chất lượng thấp. Kinh nghiệm cá nhân tôi duyệt nhiều bài từ TQ thì từ chối nhiều hơn chấp thuận. D(ối với tập san JBMR tỉ lệ từ chối bài báo từ TQ là 95%, so với tỉ lệ từ chối trung bình là 75%. Những lí do từ chối chính là nghiên cứu thiếu cái mới, phương pháp sai, và tiếng Anh quá kém.
Một cách đánh giá chung về chất lượng nghiên cứu khoa học là chỉ số trích dẫn. Một công trình đã công bố và được nhiều đồng nghiệp trích dẫn là một dấu hiệu cho thấy công trình đó được chú ý. Được chú ý vì nhiều lí do, nhưng lí do chính là công trình có chất lượng cao. Chất lượng ở đây liên quan đến ý tưởng, phương pháp, và cách diễn giải. Theo dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier, chỉ số trích dẫn trung bình của các công trình xuất phát từ Trung Quốc là 2. Chỉ số này thấp hơn Ấn Độ (2.7), và càng thấp hơn so với các nước phương Tây (~6). Chỉ số trích dẫn của các công trình khoa học từ TQ còn thấp hơn Việt Nam và Thái Lan.
Một cách đánh giá chất lượng khoa học là tính tỉ trọng tần số trích dẫn toàn cầu. Theo dữ liệu của Hàn lâm viện Anh (Royal Society), năm 1999, tổng số lần trích dẫn các bài báo khoa học từ TQ gần 0% tổng số trích dẫn toàn cầu. Nhưng đến năm 2008 thì tỉ trọng này tăng lên 4%, đứng hạng 9 trên thế giới. Tuy nhiên, Mĩ vẫn đứng đầu với chất lượng nghiên cứu, vì các bài báo Mĩ chiếm gần 30% tần số trích dẫn toàn cầu.
Câu chuyện sau đây cho thấy chất lượng nghiên cứu của TQ có vấn đề nghiêm trọng. Trong một phân tích về hiệu quả của vaccine phòng chống viêm gan siêu vi A (hepatitis A), các nhà nghiên cứu cần phân tích những dữ liệu nghiên cứu trên khắp thế giới. Phần lớn những dữ liệu có xuất xứ từ TQ. Trong số 11 nghiên cứu về hiệu quả vaccine đối với viêm gan siêu vi A, chỉ có 4 nghiên cứu từ các nước phương Tây. Những nghiên cứu từ TQ được công bố trên các tập san tiếng Hoa, nhưng cũng có vài nghiên cứu công bố trên tập san tiếng Anh xuất bản ở TQ. Nhưng khi các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá chất lượng của các công trình này, thì họ đều đồng loạt đi đến một kết luận: chất lượng quá thấp. Thấp đến nỗi dữ liệu chẳng có giá trị khoa học gì, và không thể phân tích được.
Phần lớn những sai sót liên quan đến vấn đề phương pháp. Những nghiên cứu từ TQ thường có số lượng đối tượng rất lớn, có khi lên đến nửa triệu người. Các nước phương Tây không thể nào có khả năng làm nghiên cứu qui mô như thế. May mắn lắm, họ chỉ có thể tuyển được vài trăm bệnh nhân, chứ con số hàng ngàn chỉ là … mơ. Nhưng các nghiên cứu này được thực hiện một cách hết sức tuỳ tiện, chẳng có kiểm tra hay nhóm chứng. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ đơn giản tìm bệnh nhân trong bệnh viện là làm thống kê (một cách kiểm kê lâm sàng), chứ chẳng có hệ thống nào cả! Có khi họ hiểu sai khái niệm khoa học và dịch tễ học, nên trình bày dữ liệu mà không nhà nghiên cứu nào có thể diễn giải được. Cuối cùng thì tất cả dữ liệu từ Trung Quốc phải bị loại ra khỏi dự án phân tích về hiệu quả của vaccine chống viêm gan siêu vi A.
Một giáo sư y khoa ở Trung Quốc cho biết so với các nghiên cứu ở Mĩ và Anh, thì nghiên cứu y khoa từ TQ có chất lượng rất thấp. Đặc biệt là các nhà nghiên cứu TQ không biết thiết kế nghiên cứu và không biết phân tích dữ liệu. Giáo sư Zhidao Xia cho biết đây là hai vấn đề mấu chốt, làm cho nghiên cứu y khoa của TQ không sánh được với thế giới. Theo ông, những nghiên cứu xuất sắc của TQ là những nghiên cứu được công bố trên các tập san Âu Mĩ. Do đó, các cơ quan cung cấp tài trợ cho nghiên cứu của TQ căn cứ vào công bố quốc tế như là một tiêu chuẩn để đánh giá và tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
Sự yếu kém về phẩm chất là điều đáng tiếc, nhất là trong khi chính phủ TQ tiêu ra rất nhiều tiền cho khoa học. Tính từ đầu năm 2000, chi tiêu cho khoa học ở TQ tăng 20% mỗi năm. Hiện nay, ngân sách cho khoa học của TQ đã cao hơn 100 tỉ USD. Chính phủ TQ muốn nâng số tiền này lên 2.5% tổng GDP quốc gia. Trong chiến lược phát triển khoa học, Trung Quốc tập trung vào công nghệ sinh học như là một trong 5 “mũi nhọn” để đầu tư. Trong định hướng đó, TQ có tham vọng sẽ sản xuất thuốc, vaccine và làm chủ kĩ thuật di truyền phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Để thực hiện định hướng đó, TQ quyết tâm đào tạo nghiên cứu sinh ngành y sinh học như là một hướng ưu tiên trong đào tạo đại học và sau đại học. Thế nhưng chính phủ vẫn chưa quan tâm đến vấn đề chất lượng.
Và gian dối
Chẳng những chất lượng có vấn đề mà đạo đức khoa học càng có vấn đề. Đạo văn, gian lận trong nghiên cứu, và vi phạm các qui chuẩn nghiên cứu khoa học trở thành một vấn nạn ở TQ. Ngày 12/2/2011, TQ rút lại giải thưởng khoa học đã được trao cho Gs Li Liansheng (thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải) vì ông đã phạm tội chẳng những sửa đổi mà còn nguỵ tạo dữ liệu nghiên cứu. Nhưng đó không phải là trường hợp riêng lẻ. Kết quả cuộc điều tra xã hội năm 2009 do Hội khoa học và công nghệ TQ thực hiện trên 30078 nhà khoa học cho thấy phân nửa những người được hỏi nghĩ rằng gian lận trong khoa học ở TQ là phổ biến.
Tình trạng đạo văn và rút lại bài báo khoa học ở TQ càng ngày càng phổ biến. Có những vụ vệc làm người ta phải … chóng mặt. Chẳng hạn như năm ngoái một nhà khoa học TQ bị buộc phải rút lại 70 bài báo ông đã công bố vì ngụy tạo dữ liệu. Sự kiện vô tiền khoáng hậu này gây chấn động trong giới khoa học, và nhiều người không còn tin vào khoa học TQ. Có người cho rằng, đó là cái giá Trung Quốc phải trả cho vị trí số 2 về số lượng ấn phẩm khoa học.
Nói tóm lại, trong 20 năm qua, song song với kinh tế, TQ đã trỗi dậy về mặt khoa học. Hiện nay, con số ấn phẩm khoa học của TQ chỉ đứng sau Mĩ, và có xu hướng sẽ vượt qua Mĩ trong 10 năm tới. Tuy nhiên, chất lượng nghiên cứu khoa học TQ vẫn còn quá thấp. Càng đáng quan tâm hơn là tình trạng gian trá trong khoa học và đạo văn. Khoa học TQ khó “cất cánh” với xu hướng chạy theo phần lượng và xem nhẹ phần phẩm. Đó cũng là bài học cho nước ta.
NVT

No comments:

Bút ký PHIM HÀNH TRÌNH 50 NĂM do Thanh Tâm Film thực hiện

Khoảng 1977/1978, đọc tin tức trên nhiều báo Việt Nam, tôi nhận ra thân phận rất mong manh của thuyền nhân trong câu được “truyền tụng” lúc ...