Tuesday, February 10, 2015

Đảng Cộng sản 85 tuổi mà đã già? Nguyễn Giang

Thomas Jefferson, tổng thống Hoa Kỳ, từng nói: "Tôi yêu thích những giấc mơ của tương lai hơn là lịch sử của quá khứ."

Tôi cũng không ngờ 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam lại được khá nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam và nước ngoài chú ý.
Nhưng cũng phải nói luôn đa số các bình luận bạn bè chia sẻ trên Facebook đều ít hoan nghênh các hoạt động tuyên truyền nhân ngày 3/2.
Toàn là những câu như ‘già rồi đâm lú’, ‘mãi cái loa rè’ và một cô bạn còn than người phát ốm vì đập mắt vào tít trên một tờ báo ‘Đảng luôn tự đổi mới’.
Không chỉ người dân mà báo chí ở Việt Nam cũng đăng công khai những lời cảnh báo tới độ thách thức về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đâu phải đã già?

Nhắc lại một vụ quan chức ăn chặn của dân, trang Dân Trí ngay hôm sinh nhật Đảng có bài blog viết rằng “lợi dụng lợi ích để tham nhũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến mất quyền lãnh đạo của Đảng”.
Bài nêu chuyện ở Đồng Văn, Tân Kỳ, Nghệ An, nơi khoản tiền 280 triệu đồng hỗ trợ người dân sau một vụ mùa mất trắng bị quan chức chia nhau “ăn” tới 250 triệu đồng”.
Đảng như thế không còn kiểm soát được quan chức của mình và chuyện ‘Đảng mất quyền lãnh đạo’ đã đi vào ngôn từ chính thống, không có gì là cấm kỵ.
Sự lãnh đạo tiếp tục cũng chỉ mang tính điều kiện như chính các lãnh ̣đạo Đảng đã nói.
Nhưng tôi không đồng ý với nhiều bạn rằng chỉ vì đã 85 tuổi nên Đảng Cộng sản Việt Nam bị già và trì trệ.
So thế thì đảng Bảo thủ hiện đang cầm quyền tại Anh còn già hơn rất nhiều vì ra đời vào năm 1867.
Ông Obama và 'cậu bé tổng thống'
Tiền thân của nó, đảng Whig thì được lập ra khoảng năm 1783, tức là thời vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam.̣
Đảng Dân chủ Hoa Kỳ hiện có ông Barack Obama làm tổng thống lại còn cao niên hơn đảng Bảo thủ Anh vì được thành lập năm 1828.
Đảng này có gốc từ một đảng do Thomas Jefferson, James Madison lập ra từ 1792, thời vua Quang Trung ở Việt Nam.
Đảng Cộng hòa Mỹ cũng có tuổi từ năm 1854, khi vua Tự Đức đang bối rối với sức ép từ thực dân Pháp tới chiếm Việt Nam.
Như thế, so với họ thì Đảng Cộng sản Việt Nam còn ‘trẻ con’ lắm, phải gọi các đảng Anh và Mỹ bằng cụ.
Nếu tính tuổi cầm quyền thì Đảng Cộng sản Việt Nam, nắm quyền ở Bắc Việt Nam từ 1955 coi như cũng chỉ ngang vai với đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (1955) và đảng Nhân dân Hành động của Singapore (1959).
Vậy vấn đề của Đảng ở Việt Nam có phải là tuổi của lãnh đạo?
Thủ tướng David Cameron của Anh sinh năm 1966, tổng thống Barack Obama của Mỹ sinh năm 1961, đều trẻ hơn cả một thế hệ so với các vị trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Thật vậy, sức sống của đảng nào cũng đến từ sức trẻ và năng lực của ban lãnh đạo chứ không phải ngày thành lập.

Thay đổi để tồn tại

Với mọi tổ chức chính trị, hội đoàn, tính thích ứng cao với thay đổi là liều thuốc 'trường sinh'.
Ngay cả ở Anh, các bạn đừng nghĩ nền dân chủ nghị viện có hàng trăm năm thì mọi thứ cứ thế mà yên vị.
Vài năm qua, các vấn đề như di dân, xu hướng đòi ly khai, đòi nữ quyền, đòi bình quyền cho người đồng tính đều tăng làm chính trường Anh biến đổi nhanh chóng.
Trong nghị viện ở Westminster, từ mấy năm qua không còn là lưỡng đảng mà có ba đảng chính: Bảo thủ, Tự do Dân chủ và Lao động.
Nhưng tháng 5 tới, lần đầu từ nhiều năm cuộc đấu vào Quốc hội sẽ gồm 7 đảng, với Đảng Xanh, đảng Độc lập Scotland, đảng UKip ở Anh, các đảng nhỏ ở Wales, Bắc Ireland đều lớn mạnh hơn và sẽ đủ người, đủ phiếu ra tranh cử.
Đây là một thực tế Đảng Bảo thủ Anh hiện cầm quyền không thể chống lại, không thể kể công mình ‘sống lâu’ gần 150 tuổi, kể chuyện quá khứ Thủ tướng Winston Churchill đã kháng chiến chống phát-xít Đức thắng lợi ra sao.
Dư luận cũng muốn thấy các quyết định nhân sự cụ thể chứ không phải chỉ nói suông và khá khen cho ông David Cameron đã mạnh dạn thay đổi nhân sự để đáp ứng nguyện vọng của dân.
Hồi tháng 7/2014 ông đã cho một số bộ trưởng ra đi và cho vào nội các chính khách nữ, trẻ trung như Elizabeth Truss (38 tuổi), Nicky Morgan (41 tuổi) hoặc thuộc gốc thiểu số, bà Priti Patel (42 tuổi, gốc Ấn Độ).
Vì chính trị chẳng phải là chuyện chúng ta đòi ai đó giống mình họ cả về độ tuổi, giới tính, gốc tích làm đại diện trong chính quyền hay sao?
Giả sử người dân và chính khách cách nhau hàng chục năm tuổi hoặc một bên cứ nhìn vào quá khứ, một bên hướng tới tương lai thì làm sao có cùng tiếng nói được.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản bị chê không phải vì tuổi đã 85 mà vì nhiều năm qua chính sách và con người của Đảng xem ra không theo kịp sự trẻ hóa của xã hội.

'Bao giờ cho đến ngày xưa'

Một biểu hiện của tuổi già chính là cứ ‘kể công’ quá khứ, kiểu ‘bao giờ cho đến ngày xưa’.
Về công việc, bên chính phủ đã lo hết rồi nên bộ máy Đảng trên danh nghĩa chỉ 'kiểm soát' nên không nắm sát công việc và các ý kiến trở nên bất cập.
Thời thế đã biến đổi và không ai có thể nói chắc Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ còn cầm quyền một mình như thế này 10 năm, 20 năm hay 50 năm nữa.
Đảng Bảo thủ Anh không thể cứ kể công kháng chiến thời Churchill để thuyết phục dân
Xã hội nào cũng có ít nhất ba xu hướng thiên tả, trung dung và thiên hữu.
Người Việt Nam cũng không phải là loài ở hành tinh khác nên xã hội của họ cũng sẽ có đủ các nhóm chính trị phản ánh những dòng ý thức hệ như trên thế giới.
Để sống lâu như các đảng ở Anh ở Mỹ thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cần phải tính cả đến vai trò của mình trong một xã hội đa nguyên của ngày mai.
Tương lai luôn là mới mẻ và chỉ đáng sợ khi người ta tự hạn chế tầm nhìn và hướng mắt về quá khứ.
Thomas Jefferson, tổng thống Hoa Kỳ, từng nói:
"Tôi yêu thích những giấc mơ của tương lai hơn là lịch sử của quá khứ."
Phải chăng đây chính là phương châm khiến phong trào chính trị ông lập ra vẫn tồn tại và mạnh khoẻ sau 223 năm?

No comments: