Friday, August 3, 2018

Buổi Chiều Trên Chiến Hạm Lexington - Nguyên Nhung



Tôi đến thành phố Corpus Christi vào một buổi xế trưa, tuy mùa hè nhưng thành phố biển đầy bóng cây xanh, gió từ đại dương thổi vào mát rượi. Việc đầu tiên là tới thăm bà bạn già Enriqueta, bà bạn vong niên người Mỹ gốc Mễ,
chúng tôi quen nhau trong một lớp học Anh ngữ ở Houston. Sau khi ông chồng qua đời, Enriqueta đã trở lại thành phố Corpus Christi, nơi bà nói rằng đã coi như chỗ chôn nhau cắt rốn của mình, khi tổ tiên bà từ Mễ Tây Cơ đến định cư ở Hoa Kỳ.


Năm đó, bà Enriqueta độ bảy mươi tuổi mà vẫn hiếu học, dù bà nói tiếng Anh rất lưu loát, nhưng vẫn chăm chỉ xách chiếc túi vải đựng dăm cuốn vở, chút đồ ăn trưa đến lớp học thật đúng giờ, hơn cả những người trẻ tuổi. Trong lúc ấy, ông chồng của bà đi lang thang trong công viên và những con đường quanh khu trường học, nhặt những chiếc lon không. Bà cho biết với số tiền bán lon này, hai vợ chồng già có thể trang trải cho món tiền điện khá cao vào mùa hè, để bớt chút gánh nặng cho cô con gái. Khi ông chồng chết vì bịnh suy tim, bà Enriqueta cũng từ giã lớp học và những người bạn trẻ. Trước khi chia tay để trở về Corpus Christi, bà ghi lại cho tôi địa chỉ và số phôn của bà, còn dặn dò khi nào có dịp, nhớ tới thăm bà và thành phố miền ven biển dễ thương nàỵ

Trong thời gian ngồi cùng lớp với bà Enriqueta, tôi mới thấy giữa chúng tôi có nhiều điểm khá giống nhau, khi bà cũng hay tâm sự với tôi về quê hương, về gia đình, về căn nhà xưa thuở bà còn là một cô gái xinh đẹp. Bà còn tò mò hỏi tôi về cuộc chiến tranh Việt Nam mà người con  trai đầu lòng của bà,  đã tình nguyện gia nhập quân đội rồi hy sinh lúc tuổi vừa đôi mươi trên chiến trường Việt Nam. Qua những trao đổi đó, dẫu không thể hiểu hết được tận cùng về cuộc chiến Việt Nam, nhưng tôi cũng cố gắng bày giải cho bà hiểu nguyên nhân nào chúng tôi lại có mặt trên xứ Mỹ, để cùng thông cảm với nhau về những nỗi bất hạnh do hậu quả của chiến tranh mang tới. Đó cũng là nguyên nhân mà chúng tôi thân nhau, dù vốn liếng tiếng Anh kém cỏi, tôi cũng vẫn hiểu được cái đau và nỗi nhớ triền miên trong lòng người mẹ, khi mất đi một người con lúc tuổi còn thanh xuân, nhất là anh ta lại ra đi vì cuộc chiến tranh của đất nước tôi.

Trước khi đi, tôi đã gọi điện thoại  báo tin cho bà Enriqueta. Giọng bà khàn đi vì xúc động, bà vẫn nhớ tôi, bà rất vui mừng khi nghe tôi sẽ tới thăm, và cho biết vẫn còn đủ sức khỏe để dẫn tôi đi thăm một vài nơi du lịch có tính cách lịch sử, như chiến hạm Lexington đang neo trên bờ biển  thành phố Corpus Christi. Tôi vẫn không thể quên được người phụ nữ có mái tóc bạc trắng cắt ngắn, dáng cao lớn, có cái lưng hơi khòm vẫn hay ôm tôi mỗi buổi sáng đến lớp, với lời chúc lành cho một ngày gặp gỡ. Đến giờ nghỉ, ngồi ăn trưa với nhau, bà vẫn hay thì thầm kể tôi nghe về căn nhà xưa, mùa hè đầy bóng cây và gió từ biển khơi thổi vào mát rượi. Về mùa Đông, thành phố thưa người đầy tĩnh lặng, âm u như những câu chuyện được thêu dệt nhiều điều huyền bí về những di tích lịch sử của thành phố.


oOo


Năm, sáu năm rồi tôi mới gặp lại bà Enriqueta. Trông bà đã già hơn, vai còng xuống nhưng nụ cười móm mém vẫn dễ thương như hôm nào. Tôi mang xuống cho bà vài món ăn Á Đông mà bà thích, vẫn chỉ là món cơm chiên với chả giò Việt Nam, thêm một chiếc khăn quàng mỏng để bà quấn cổ. Bà cảm động lắm, đôi mắt nheo nheo như cố giấu đi giọt nước mắt. Đó là cái tình của con người đối với nhau, nó vượt lên trên biên giới  của ngôn ngữ, của quốc gia, của tôn giáo, bà ôm chầm lấy cô bạn cũ, như hồi tưởng lại cái ôm đầy tình thân trong lớp học những buổi sáng hôm xưa.


Chiều hôm đó, bà Enriqueta đưa tôi đi thăm chiến hạm Lexington. Bà nói, nếu ai đã từng đến Corpus Christi, mà không đến thăm chiến hạm này là một điều thật thiếu sót. Mới ba giờ chiều nhưng vì trời sắp muốn mưa nên sầm mặt xuống như một chiều mùa Đông, tôi vội vã cùng Enriqueta và vài người trong nhà lái xe đi ngay. Vượt qua chiếc cầu dài nối thành phố với con đường đi tới chiến hạm Lexington, tuy cùng một bờ biển, nhưng từ trong thành phố, vẫn nhìn thấy con tàu như một khối sắt khổng lồ, nằm im lìm trên mặt nước với những đợt sóng vỗ nhẹ vào mạn tàu.

Chúng tôi có ba tiếng đồng hồ để thăm viếng chiến hạm lịch sử này, lúc này đã thưa người đi thăm viếng. Cơn mưa chiều khiến biển như mờ mịt đi trong một nỗi buồn hiu hắt. Lâu lắm rồi tôi với Enriqueta mới có dịp đi với nhau, bây giờ bà đã chậm chạp hơn, nhưng nhờ thế mà tôi đã có dịp tách ra với những người thân, đi chầm chậm bên bà bạn già, vừa nghe vừa đoán những câu chuyện buồn vui mà chúng tôi chia sẻ cho nhau. Thong thả chúng tôi cũng đi vào lòng con tàu rộng thênh thang để xem những ngõ ngách của nó, từng hàng dây xích sắt khổng lồ được sơn đen trùi trũi, kéo ra mé hông tàu và thòng xuống mặt nước.  Đó là những sợi dây neo của chiến hạm, chắc hẳn ngày xưa những người thủy thủ phải thật vất vả khi điều khiển cho con tàu neo vào một chỗ trên biển khơi, hay lúc neo lại trên một bến đậu của những hải cảng xa xăm trên thế giới.


Thật tội nghiệp bà Enriqueta, với đôi chân già nua chậm chạp bà vẫn thích thú đi với tôi leo lên những cầu thang dựng đứng để lên những tầng cao của con tàu, hay xuống dưới hầm để nhìn những căn phòng nhỏ ngột ngạt. Nơi ngày xưa là chỗ ngủ của người lính Hải Quân, đã sống trên tàu này, đã tham gia vào cuộc chiến tranh thời Đệ Nhị Thế Chiến, và họ đã phải theo con tàu lênh đênh nhiều tháng ngày trên những bến bờ xa tổ quốc.

Tôi nắm tay bà Enriqueta đi theo những hành lang dài và hẹp, qua dãy phòng ngủ chật chội của những thủy thủ ngày xưa, mà thật cảm thương cho sự chật hẹp họ phải chịu trong lòng  tàu. Giường ngủ giống như một cái khung ba tầng song song với nhau, ở giữa có một lối đi hẹp và ngăn đựng quần áo, họ đã phải thay nhau ngủ mỗi người tám tiếng, mới có đủ chỗ cho người khác ngủ trong một ngày. Mỗi chỗ tôi đang đứng, tôi cứ có cảm giác kỳ cục như hình dung ra ở một thời gian nào của gần sáu mươi năm trước, có biết bao nhiêu người lính đi lại chỗ này, xôn xao, đùa giỡn với nhau trong cuộc sống gò bó của con tàu chật chội nhiều tháng ngày lênh đênh trên vùng biển xa.

Sau khi rời tầng hầm, chúng tôi cùng đứng lại trước thư viện của con tàu, nơi cất giữ những hồ sơ ghi lại từng thời kỳ của chiến hạm, từng năm tháng, từng trận đánh lịch sử mà chiến hạm Lexington đã tham dự. Chiều mưa nên tàu khá vắng vẻ, một vài người quanh quẩn đây đó, hầu hết du khách đều xuống tầng dưới để nghỉ chân và uống nước, họ ngồi trên những băng ghế mắt hướng ra ngoài khơi để nhìn những con tàu thấp thoáng, mờ mịt dưới màn mưa. Trên hành lang hẹp và mờ mờ tối, chỉ có tôi với bà Enriqueta chậm chạp còn lần mò đi xem từng nơi chốn trên tàu, ngay lúc ấy có một người đàn ông xuất hiện. Người đàn ông dáng cao lớn, khá lớn tuổi, mặc một bộ binh phục Hải Quân đã cũ, nhưng rất thẳng nếp. Ông  lên tiếng, rất lịch sự và trang trọng khi nói với chúng tôi:
“Tôi là Henry. Tôi có thể giúp gì cho quý vị?”

Bà Enriqueta nắm chặt lấy tay tôi, mỉm cười như hội ý. Người đàn ông lại tiếp:
“Trước kia tôi đã từng làm việc trên chiến hạm lịch sử này, nay tuổi già, tôi vẫn tiếp tục đến đây, tình nguyện hướng dẫn cho khách đến thăm, và tôi có thể hướng dẫn quý vị đi thăm nhiều nơi chốn lịch sử của chiến hạm.”

Đúng ra, tôi vẫn không thể nào hiểu hết những gì ông ta nói, nếu không nhờ bà Enriqueta cắt nghĩa lại thật chậm rãi bằng thứ tiếng Anh nửa nạc nửa mỡ. Nhưng như có cái gì thúc đẩy, khiến tôi với bà cứ líu ríu đi theo bước chân của  người đàn ông vừa xưng tên là Henry. Với một thứ tiếng Anh rất từ tốn và trang trọng, ông Henry nói với chúng tôi về lịch sử của con tàu:
“Đây là chiến hạm Lexington CV-16 , chiếc tàu thứ 5 và cũng là chiếc cuối cùng của Hải Quân Hoa Kỳ, được mang tên lịch sử này từ ngày 17 tháng 2 năm 1943, sau khi chiếc Lexington thứ tư bị đắm trong trận chiến trên biển san hô vào ngày 8 tháng 5 năm 1942.

Trong Thế Chiến Thứ II, Hàng Không mẫu Hạm Lexington đã tham dự hầu hết các chiến dịch quan trọng trên Thái Bình Dương, và đã từng nổi tiếng với tên gọi là “Bóng ma xanh”, không phải vì được sơn ngụy trang màu xanh, mà vì đã được bộ máy tuyên truyền của Nhật lập đi lập lại nhiều lần, là đã đánh chìm được chiến hạm Lexington.Trong khi đó, chiến hạm này vẫn tiếp tục tung hoành trên mặt đại dương, các chiến đấu cơ của nó mang theo đã tiêu diệt 372 máy bay của Nhật ở trên không, và phá hủy 475 chiếc đang đậu dưới đất.

Sau Thế Chiến Thứ II, Lexington đã được sửa chữa, tân trang để tái hoạt động vào năm 1955, trong Đội hình của Đệ Thất Hạm Đội, xuất hiện tại vùng biển Formosa, Lào và Cuba trong tình hình căng thẳng lúc bấy giờ. Riêng trong cuộc chiến Việt Nam, Lexington cũng đã ghé vào hải cảng Cam Ranh và Sàigòn“.  Nghe ông Henry kể tới đây, bà Enriqueta vội chỉ về phía tôi và ngắt lời ông:
“Xin giới thiệu với ông, đây là cô bạn trẻ của tôi. Cô ấy là người Việt Nam.”

Ông Henry gật đầu, hình như ông không có vẻ ngạc nhiên vì chuyện ấy. Ông bình thản nói:
“Tôi đã biết cô ấy từ đâu tới.”

Ông lại tiếp tục câu chuyện, không cần cắt nghĩa cho người khác hiểu về sự hiểu biết đầy vẻ bí mật của ông. “Bắt đầu từ năm 1962, Lexington trở thành mẫu hạm dùng để huấn luyện cho Hải Quân Hoa kỳ tại Pensacola, tiểu bang Florida, nó làm nhiệm vụ này gần chẵn ba thập niên, cho mãi đến ngày 26 tháng 11 năm 1991 thì được cho về hưu. Sau đó, mẫu hạm Lexington được kéo về làm 'Viện Bảo Tàng' nổi trên vịnh Corpus Christi, nghĩa là 'Mình Thánh Chúa Kitô', một bãi biển đẹp nổi tiếng của tiểu bang Texas, chỗ quý vị đang thăm viếng.”

Đó là đôi dòng tiểu sử của chiến hạm Lexington 5, ông Henry kể sơ lược cho tôi và bà Enriqueta nghe, dĩ nhiên là bà bạn già vẫn phải nói lại cho tôi hiểu về gia phả của nó. Dường như ông Henry không định chỉ kể cho chúng tôi nghe có bấy nhiêu, mà điều ông muốn làm là được đích thân hướng dẫn tôi và bà Enriqueta đi thăm từng nơi chốn của con tàu, những kỷ niệm riêng trong đời quân ngũ của ông đã gắn chặt với nó nhiều năm tháng, khiến mỗi chỗ ông đưa tới, đều là những câu chuyện sống động nhất.

Chúng tôi dừng lại nơi ở của Vị Tư Lệnh Chiến Hạm ngày xưa.  Một cái phòng nhỏ xíu, bàn ghế, đồ đạc rất đơn sơ, đó là nơi mà ngày nào năm xưa, đã dành cho người chỉ huy chiến hạm nổi tiếng này. Chúng tôi đi qua những nơi trưng bày kỷ vật của những người lính Hải Quân một thời, với những bộ Đại Lễ trắng toát, những bộ quần áo xanh thường dùng, đôi giày, chiếc mũ, cho tới chiếc bao thư nhỏ xinh xinh bằng bàn tay, trên đó ghi lại nơi chốn người gửi và người nhận. Đó là những gì còn lại của một thời kỳ xa lắc, lá thư với những dòng chữ viết tay rất chân phương, lại biến thành kỷ vật của một người quân nhân đã từng phục vụ trên chiến hạm. Chúng tôi còn đi qua gian phòng khách danh dự của hạm trưởng, chỗ làm việc của ông, với nhiều tấm hình của các sĩ quan và binh sĩ đã hy sinh. Trong một căn phòng nhỏ, chúng tôi còn nhìn thấy một giải cờ Mỹ đã te tua rách nát, nhưng đó là di tích còn lại của lá cờ đã từng tung bay trên chiến hạm Lexington, sau một cuộc tấn công của máy bay Nhật.

Mọi sinh hoạt thường ngày của người lính Hải Quân đều diễn ra ở chốn này, từ phòng ngủ, phòng ăn, phòng giải trí, hớt tóc, chỗ cầu nguyện, bịnh xá đều rất nhỏ hẹp và vuông vức như những chiếc hộp. Khi đi tới chỗ nhà bếp, nơi mà ngày xưa những người  thủy thủ ngày ngày xếp hàng rồng rắn để lấy thức ăn, tôi thấy ông Henry khẽ nhăn mặt, như cố giấu đi cái buồn chất chứa trong lòng ông, và hình như chỉ có ông lúc ấy đã nhìn thấy những khuôn mặt bạn bè đồng ngũ năm xưa. Ông chỉ vào phòng ăn của những người thủy thủ, rồi nói:
“Đây là nơi mà ngày ngày mọi người tụ họp để lấy phần ăn cho họ, nhưng cũng chính chỗ này có rất nhiều anh em của chúng tôi đã hy sinh ở đây, khi có lần chiến hạm bị tấn công, thương binh quá đông mà bịnh xá không còn chỗ chứa. Tất cả được dồn bớt xuống đây, trong khi ấy, trận chiến vẫn đang diễn ra vô cùng ác liệt. Lúc ấy khung cảnh thật là hỗn độn, những cầu thang nhỏ hẹp mà quý vị thấy, lúc ấy nhốn nháo người đi lên kẻ đi xuống, bao nhiêu máu đã đổ ra ở đây, mùi thuốc và mùi thức ăn lẫn vào nhau thật kinh khủng.”

Chúng tôi chỉ im lặng nhìn chung quanh, hình dung chỗ này năm xưa, có bao nhiêu người quân nhân trẻ tuổi vui đùa, chọc ghẹo nhau khi xếp hàng đi lấy thức ăn, và cũng có bao nhiêu thương binh đã trút hơi thở cuối cùng ở đó. Tự nhiên, nghe trong không gian gây gây một nỗi buồn, tôi bỗng nhớ tới cuộc chiến tranh Việt Nam năm xưa. Bao nhiêu máu xương của những người lính vô danh đã đổ ra, đã nằm xuống vì lý tưởng của họ, hay vì cuộc chiến xô đẩy để làm vật thiêu thân cho Thần Chiến Tranh, giờ này đã chìm vào quên lãng.

Ông Henry đưa chúng tôi tới khu bệnh xá, có những chiếc giường sắt được phủ lên trên bằng tấm chăn nhà binh màu xám đậm, chiếc sọc đỏ dệt ngang trên tấm chăn, như chút máu còn đọng lại một vệt dài khiến tôi rùng mình. Giọng ông Henry như khàn hơn vì xúc động, ông chỉ cho chúng tôi xem những tấm hình chụp lại cảnh những cuộc thủy táng của người lính ngoài vùng biển xa. Ông nói:
“Đây là hình ảnh buổi lễ an táng của những người quân nhân xấu số. Quý vị có thể thấy thi thể của họ được phủ khăn trắng toát, cột chặt lại trên những chiếc băng ca bằng sắt. Xác họ sẽ được thả xuống biển, và yên nghỉ trong lòng đại dương, thời đó chúng tôi chưa có phương tiện để chở tử sĩ về chôn cất ở quê nhà...“

Tự nhiên khi nói tới đây ông bỗng nghẹn lời, im lặng cúi đầu như để dấu đi nỗi xúc cảm. Bà Enriqueta cũng ứa hai hàng lệ, khi bà chợt nghĩ tới người con trai đầu lòng hy sinh ở chiến trường Việt Nam. Nhìn hai người già rưng rưng nước mắt, khóc cho những người nằm xuống từ hai nơi khác nhau, một trên biển khơi và một có thể từ một nơi chốn nào trên miền đất ở Việt Nam bên kia bờ đại dương. Những người đã nằm xuống, những chiến sĩ vô danh chết cho Tổ Quốc ấy bây giờ linh hồn họ phiêu bạt nơi nào. Giọng bà Enriqueta run rẩy vì xúc động:
“Tôi xin chia sẻ nỗi buồn này với ông, vì tôi cũng có một người con chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Không những thế, còn biết bao nhiêu người nữa đã hy sinh cho tổ quốc của họ, cho lẽ phải, và chỉ có lịch sử mới trả lời được về những cái chết của họ mà thôi.”

Ông Henry đưa chúng tôi vào một căn phòng khác, chỉ những chiếc ghế dựa xếp thành hàng ngang. Ông nói:
“Đây là phòng họp hành quân của các phi công thuộc quân chủng Hải Quân trước khi họ thi hành công vụ. Ngày xưa, mỗi phi công có trách nhiệm và lái chiếc máy bay của họ. Thành thử lát nữa lên boong tàu, quý vị có thể nhìn thấy một số phi cơ chiến đấu của chúng tôi, trên thân tàu có ghi tên và chức vụ của phi công. Đó là một số máy bay còn giữ lại để trưng bày, còn thì chiến hạm này đã có không biết bao nhiêu chiếc phi cơ hạ cánh và cất cánh, có nhiều chiếc bay đi để rồi không bao giờ trở lại.”




Câu nói của ông Henry đã làm tôi nhớ lại câu hát trong một bản Hành Khúc của Không Quân Việt Nam “đi không ai tìm xác rơi”. Đó là hình ảnh hào hùng của những cánh chim thời loạn. Trên đất nước tôi, mỗi buổi sớm mù sương, có những con tàu cất cánh bay lên, để rồi biền biệt đi vào vùng không gian đầy mây tím, mang theo cả nụ cười và dáng dấp kiêu hùng của những người trai thời ly loạn. Đã có biết bao nhiêu cuộc tình tuyệt vời, đẹp như mơ đã dang dở, đã có biết bao nhiêu góa phụ nửa chừng xuân, và làm sao đếm hết những đứa con mồ côi cha trong cuộc chiến thảm khốc đó?

Dưới ánh sáng nhợt nhạt của những bóng đèn néon, đôi khi tôi thấy mặt ông Henry như được đúc bằng sáp, như bóng dáng của những thi thể vừa ngoi lên từ đáy đại dương. Giá như với không khí âm u và bàng bạc cái u buồn của con tàu, một mình tôi đã không có can đảm để đi hết các nơi trong tầng hầm của chiến hạm. May là đã có bà Enriqueta bên cạnh, bàn tay bà trong tay tôi rất ấm, cây Thánh Giá đeo trên cổ bằng bạch kim vẫn lấp lánh dưới ánh sáng của ngọn đèn trần. Đúng lúc ấy, khi ông Henry đưa chúng tôi ra chiếc cửa thông ra khu bãi đậu của những chiếc chiến đấu cơ, trời vẫn còn mưa, những hạt mưa thưa nhưng làm trời chiều càng thêm hiu quạnh, và không gian càng ảm đạm. Gió thổi phần phật, khiến cả ba người đều ngại ngần đứng lại. Ông Henry đứng ở phía trong tấm rèm ni lông đầy bóng tối, tôi nghe ông nói những lời từ biệt và cảm ơn chúng tôi đã tới thăm chiến hạm Lexington, nơi ông đã từng phục vụ nhiều năm trong đời quân ngũ.

Đúng lúc đó, cô cháu gái của bà Enriqueta tất tả đi tìm chúng tôi để ra về, vì sắp tới giờ đóng cửa. Sẵn có chiếc máy ảnh, tôi nhờ cô chụp cho chúng tôi vài tấm hình kỷ niệm với ông Henry. Ông không từ chối, đứng lui về phía sau hai người phụ nữ thấp nhỏ hơn ông, hai tay ông ôm trên bờ vai của tôi và bà Enriqueta. Trước khi chia tay, ông lấy một tờ giấy, nắn nót viết lại tên và địa chỉ để ghi lại lần gặp gỡ đầy thân thiện.

Tuy vậy, cơn mưa chiều đã đi qua, trả lại cho thành phố Corpus Christi bầu trời quang đãng và mát mẻ. Chúng tôi đi ăn chiều với nhau ở một nhà hàng Mễ, chỉ có rau quả và món soup gà nóng thật ngon, ngồi bên nhau nhắc lại những kỷ niệm ở Houston, đến những người bạn Mễ Tây Cơ và Việt Nam chung lớp hồi ấy. Bà Enriqueta có vẻ bị xúc động nhiều về cuộc hội ngộ bất ngờ này, và chuyến đi thăm tàu Lexington với câu chuyện của ông Henry, người thủy thủ trên chiến hạm Lexington.

Tối hôm đó, chúng tôi thả bộ ra bờ biển. Đêm nay là một đêm trăng tròn, ánh trăng như tỏa xuống mặt biển tối tạo thành một giải lụa vàng lung linh trên mặt sóng. Sau cơn mưa, biển đêm hơi lạnh, nhưng ánh trăng lại khiến mặt biển thẫm đen mang ít nhiều nét huyền hoặc đầy ma quái. Chiến hạm Lexington như một khối sắt khổng lồ màu tím biếc, nằm im lặng như một ngôi mộ lớn phía xa, ánh đèn xanh lơ phản chiếu khiến con tàu càng thêm vẻ âm u. Lúc ấy, trên boong không có ai qua lại, chỉ chơ vơ những chiếc phi cơ chiến đấu, bấy giờ nó thật đúng nghĩa là “Bóng ma xanh” trong mắt nhìn của du khách và dân địa phương.


oOo


Thêm một buổi sáng nữa chúng tôi đi thăm thành phố biển, con đường ven bờ biển cặp theo thành phố là những ngôi biệt thự xinh đẹp, ẩn mình trong những khu vườn đầy hoa lá và bóng cây.  Con đường này kéo dài mãi dọc theo bờ biển, nhìn bản đồ, tôi biết đó là con đường đi tới một hòn đảo tuyệt đẹp nữa của tiểu bang Texas.

Chiều hôm đó, chúng tôi từ giã bà Enriqueta để trở về Houston, lòng mang theo nhiều nỗi quấn quýt, vì nhìn bà rồi lại nghĩ đến mình, tôi không biết đến một lúc nào đó,  liệu chúng tôi có còn những ngày vui như bây giờ không? Tôi vẫn nhớ mãi bóng dáng bà cụ già Mễ Tây Cơ hiền lành và chân thật, chiếc lưng còng, mái tóc ngắn bạc phơ, nụ cười móm mém. Thôi thì cũng có một lần đến thăm bà, ghi lại với bà vài tấm hình kỷ niệm trên chiến hạm lịch sử Lexington.

Về nhà vài hôm, tôi mới đi rửa hình để gửi cho bà Enriqueta, và cũng để khoe với bạn bè về chuyến đi chơi thành phố biển tuyệt đẹp, một thắng cảnh của tiểu bang Texas. Điều kỳ lạ là trên những tấm hình của tôi và bà Enriqueta chụp chung với ông Henry, không có tấm nào có hình ông trong đó, chỉ có hai người phụ nữ một già một trẻ đứng sát vào nhau mỉm cười. Tôi chợt nhớ tới câu nói của bà Enriqueta hôm nào, “Thành phố của chúng tôi đầy những điều kỳ bí và khó hiểu”. Bỗng dưng, tôi nhớ đến khuôn mặt như sáp nặn của ông Henry, dưới ánh đèn néon nhợt nhạt trong phòng họp hành quân của các phi công, trước khi họ thi hành phi vụ hành quân. Liệu rằng ông Henry có phải đã từng là một phi công, đã từng bay nhiều phi vụ hiểm nghèo đối đầu với những phi công Thần Phong của Nhật?


Nghĩ thế, tôi vội lục túi tìm tờ giấy ông Henry đã nắn nót ghi lại tên ông và địa chỉ, bây giờ cũng không còn một chữ nào trên đó. Tôi có nằm mơ không? Tôi nghĩ là tôi cần phải gọi phôn để kể chuyện này cho bà Enriqueta, và tôi biết chắc là bà bạn già của tôi sẽ nói “Thành phố của chúng tôi là thành phố đầy những điều khó hiểu!”

Nguyên Nhung (Đặc San Lâm Viên)

Vũ Thất
neo

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”