Wednesday, August 29, 2018

« Mùa xuân Praha » : Sự bất khả của một thể chế độc tài nhân tính - Hoàng Nguyễn, RFI

Chiến xa khối Vacxava tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc, tháng 08/1968WikimediaCommons/ALDOR46 

Tròn nửa thế kỷ trước, vào rạng sáng 21/08/1968, chiến xa của liên quân 5 nước Cộng Sản thuộc khối Hiệp ước Vacxava ồ ạt tấn công Tiệp Khắc để đè bẹp quá trình cải cách trên bình diện chính trị và kinh tế của đất nước này trong biến cố về sau được lịch sử lưu danh với tên gọi “Mùa xuân Praha”.
Được khởi xướng bởi một nhóm lãnh đạo có tư tưởng cởi mở, đứng đầu là Tổng bí thư đảng Alexander Dubček, người Slovakia đầu tiên được bầu lên cương vị thượng đỉnh này, nỗ lực dân chủ hóa ấy của Tiệp Khắc chỉ kéo dài chưa đầy một năm, chủ yếu từ mùa xuân tới mùa thu năm 1968.

Nằm trong loạt những thử nghiệm tìm đường tới cho một thứ “Chủ Nghĩa Xã Hội mang gương mặt nhân tính” tại khu vực Đông - Trung Âu, mà trước đó Hungary đã gặp thất bại đau đớn trong cách mạng mùa thu Budapest 1956, “Mùa xuân Praha” rốt cục cũng bị quy là “phản động” và bị đàn áp không thương tiếc.

50 năm biến cố Praha, ôn lại lịch sử, để thấy tại những quốc gia Đông Âu, những bước gian nan trong cố gắng cải cách vừa muốn gìn giữ thể chế cộng sản, vừa muốn cải đổi nó sao cho “dễ thở”, “mềm mại” hơn, đều có kết cục bi thương, như ví dụ tại Hungary và Tiệp Khắc đã cho thấy...

Mô hình Hungary

Năm 1968, 12 năm đã trôi qua kể từ cuộc nổi dậy kéo dài gần 2 tuần của người Hung năm 1956, nhưng thế giới và Matxcơva vẫn chưa quên sự kiện này. Lần đầu tiên, một thành viên phe cộng sản “dám” đơn phương tuyên bố rời nhóm để trở thành quốc gia trung lập, dân chủ và đa nguyên!

Bị đàn áp đẫm máu, nước Hung buộc phải tiếp tục nằm trong quỹ đạo Xô-viết, nhưng chính quyền mới do Liên Xô lập ra đã khôn khéo lèo lái nước này theo con đường “độc tài mềm dẻo”, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời giữ khoảng cách nhất định với điện Kremlin.

Bản thân lãnh tụ Alexander Dubček cũng cho biết, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc ý tưởng của vị thủ tướng Hungary Nagy Imre năm 1956, và những gì diễn ra tại nước Hung sau 1956 khiến ông hy vọng rằng, một cách ôn hòa hơn, nhưng Liên Xô có thể chấp nhận những cải cách ông theo đuổi.

Lên thay thế Antonín Novotný, lãnh tụ bảo thủ theo xu hướng Stalinist vào cuối năm 1967 trên cương vị người đứng đầu đảng, và có được hậu thuẫn từ Chủ tịch nước Ludvík Svoboda, một nhân vật theo xu hướng cải tổ, Alexander Dubček bắt đầu với việc cải đổi hệ thống kinh tế trì trệ lạc hậu.

Nhận thấy rằng, cái gọi là “nền kinh tế kế hoạch Xã hội chủ nghĩa” đã cản trở đáng kể bước tiến của Tiệp Khắc trong nhiều thập niên, nhưng Dubček chưa tuyên bố nền kinh tế thị trường, mà một cách thận trọng, ông chỉ tiến hành những cải cách theo kinh nghiệm của Phương Tây trong nền kinh tế.

Về căn bản, cải cách kinh tế của Tiệp Khắc trong thời gian đầu không khác nhiều so với những gì mà Nagy Imre đã làm tại Hungary thời kỳ 1953-1955. Có điều, vì là một khối thống nhất, Dubček không thể chỉ dừng lại trên địa hạt kinh tế, mà phải đi xa hơn, và đây chính là “gót chân Asin” của ông.

Hứa hẹn bầu cử tự do và đảm bảo những quyền dân sự cơ bản, đình chỉ kiểm duyệt, cho phép kinh doanh cá thể và tiệm cận kinh tế thị trường... đều là những yếu tố đe dọa sự độc quyền của thể chế độc đảng, khiến Moscow nghĩ tới khả năng “đào ngũ” của Tiệp Khắc, và không thể bỏ qua.

Nỗ lực “môi giới” bất thành

Trong số gần nửa triệu binh lính thuộc 27 sư đoàn thuộc Liên quân khối Hiệp ước Vacxava trong chiến dịch “tiễu phạt” Tiệp Khắc sáng 21/08/1968, Hungary chỉ góp một phần nho nhỏ với 12.500 quân. Không quá đáng kể, nhưng bản thân sự hiện diện của nước Hung mang ý nghĩa biểu tượng.

Kádár János, người được Liên Xô đưa lên vị trí lãnh đạo đảng sau cách mạng 1956, và đã hướng Hungary theo con đường mang nét riêng của một thứ CNCS mà người dân vẫn có súp thịt bò (gulyáskommunizmus), đúng vào thời điểm đó cũng cho thử nghiệm ở Hung một “đường lối kinh tế mới”.

Với trải nghiệm đau đớn của 1956, Kádár phải biết rõ hơn ai hết, đằng sau “Mùa xuân Praha”không hề có bất cứ “thế lực phản động” nào cả, mà chỉ là mong mỏi có một thứ CNXH tử tế và dân chủ hơn. Vì thế, ông quan niệm phải xử lý vấn đề Tiệp Khắc trước hết bằng phương cách chính trị.

Không thật đồng tình sự can thiệp quân sự, Kádár trong nhiều tuần đã thực hiện vai trò “cầu nối” giữa Moscow và Praha, bẳng cách tổ chức những cuộc “gặp mặt hữu nghị” với phía Tiệp Khắc, và truyền đạt khéo léo thông điệp về việc phải hạn chế quá trình dân chủ hóa về mặt chính trị tại xứ này.

Sở dĩ điện Kremlin lựa chọn Kádár cho vai trò này vì Hungary với biến cố 1956 và quá trình cải tổ sau đó đã trở nên một đồng minh đáng tin cậy trong mắt Tiệp Khắc. Cạnh đó, với Kádár, thủ lĩnh cải tổ Tiệp Khắc Alexander Dubček cũng có khả năng trao đổi một cách cởi mở và chân thành hơn.

Tuy nhiên, với thời gian, nếu trong những cuộc gặp mặt đầu vào tháng 1/1968 Kádár còn nói rằng khác với một số “đảng anh em” khác, ông thấu hiểu và đồng cảm với Dubček, thì càng về sau, ông càng theo hướng can ngăn Dubček, khi nhận biết rõ ràng ý đồ can thiệp quân sự của phía Liên Xô.

“Chuyện Praha rất giống chuyện Budapest thời 1956”, Kádár thoạt tiên còn nói bóng gió vì biết bị nghe trộm, nhưng trong loạt hội đàm về sau, ông đã nói thẳng về khả năng can thiệp quân sự nếu Praha không cho ngừng quá trình cải tổ, và rằng khi đó ông không thể ủng hộ Tiệp Khắc được nữa.

Sự chà đạp lên gương mặt con người

“Dubček, quả thực các đồng chí không biết Tiệp Khắc đang phải đối đầu với ai?”, Kádár cay đắng nói với người đồng nhiệm Tiệp Khắc vào hôm 17/08, trong khi quyết định dùng vũ lực thật ra đã được chuẩn bị từ tháng 07. Sau đó, một bức điện tín được gửi về Moscow, rằng Dubček không lùi bước.

Chỉ ít ngày sau, chiến xa khối Warszawa tràn vào Tiệp Khắc. “Chúng tôi chỉ thực hiện lệnh của Liên Xô mà không hề có quyền quyết định độc lập”, một lính trơn Hungary khi đó đã thốt lên như vậy. Harsányi István đã phải trả giá cho câu nói thẳng thắn của mình bằng bản án tù giam 1 năm 4 tháng.

Như thế, sự tham gia của Kádár và Hungary vào phút cuối trong chiến dịch xâm lăng Tiệp Khắc 1968, cũng như sự thất bại sau đó của “đường lối kinh tế mới” của Hung muốn dựa trên cơ bản đồng thuận xã hội, cho thấy hai khái niệm “Cộng Sản” kiểu Stalinist và “nhân tính” là không thể song hành.

Chủ trương dùng bạo lực để đạt được mục đích tối hậu, liên quân của khối cộng sản đã không gặp phải sự kháng cự nào từ phía quân đội Tiệp Khắc, một phần cũng vì lời đe dọa từ phía Nga - Xô, rằng bất cứ phát súng nào từ phía Tiệp Khắc cũng sẽ khiến vị bộ trưởng nước này lập tức bị treo cổ!

Hơn thế nữa, các vị trí quan trọng trong bộ máy đảng và chính quyền của Tiệp Khắc đã đều do các nhân vật là thủ hạ của Matxcơva nắm giữ. Ngay lý do của vụ can thiệp cũng được điện Kremlin coi là lá thư cầu viện của 5 lãnh đạo đảng cao cấp của Tiệp Khắc, mà đứng đầu là Vasiľ Biľak.

Qua đời cách đây hơn 4 năm, Vasiľ Biľak là người sống thọ nhất trong số “ngũ nhân bang” đã có hành động đê hèn “cõng rắn cắn gà nhà” vào đầu tháng 08/1968. Suốt đời không bị trả giá và trừng phạt, nhưng hẳn nhiên những con người đó vĩnh viễn phải chịu tiếng xấu vì sự bội phản Tổ quốc.

Sự thất bại của “Mùa xuân Praha” nhắc nhớ một ẩn dụ của văn hào Anh George Orwell, khi ông nhắc tới một chiếc ủng luôn đạp lên mặt con người. Chủ nghĩa xã hội hiện thực theo mô hình Stalinist không có gương mặt nhân tính, nó chỉ có chiếc ủng luôn chà đạp lên gương mặt mỗi người dân ...

No comments:

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”