Friday, October 12, 2018

CUỘC CHIẾN TOÀN CẦU KHÔNG TIẾNG SÚNG - Đại-Dương

Trật tự Thế giới Cấp tiến đã phá sản kể từ thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhưng, giới tinh hoa toàn cầu vẫn muốn níu kéo bất chấp khát vọng chính đáng của loài người (bình đẳng, công minh, phát triển, hoà bình, chủ quyền quốc gia dân tộc).
Phản ứng của dân chúng đã thể hiện rõ ràng từ Âu sang Á, từ Bắc chí Nam quả địa cầu trên ba lĩnh vực: quyền tự quyết dân tộc, chủ quyền quốc gia dân tộc, lợi ích phát triển.
Không một ai, tổ chức, quốc gia nào được phép quyết định số phận của dân tộc khác dù lớn hay nhỏ, cường quốc hay nhược tiểu.
Phong trào dân tuý đã nở rộ bắt đầu từ dân tộc Anh Cát Lợi ly khai khỏi Liên minh Âu Châu (EU) vì không muốn Brussels (Trung tâm Quyền lực của EU) vi phạm đến quyền tự quyết dân tộc. Tiếp theo người Mỹ không muốn bị giới tinh hoa vì lợi ích cá nhân mà làm cho Hoa Kỳ suy sụp. Phong trào bảo vệ sắc tộc và lợi ích quốc gia ngày càng vượt trội ở Châu Âu, Châu Á, Trung Á, Châu Mỹ La Tinh trước chính sách bành trướng bá quyền của Trung Cộng, Nga.
Làn sóng dân tuý đang tràn tới Châu Mỹ La Tinh khi ứng viên tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro của Ba Tây được 46% phiếu bầu so với 28% của Fernando Haddad, đại diện đảng cầm quyền. Kết quả sẽ chờ vào vòng hai ngày 28-10-2018.
Đảng Lao Động tả phái cầm quyền 13 năm đã đưa Ba Tây vào tình trạng bạo lực gia tăng, kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan. Cựu Tổng thống Lula da Silva đang ngồi tù về tội tham nhũng, người kế nhiệm Dilma Rousseff bị truất phế. Tổng thống Michel Temer cũng lắm tai tiếng do làm ăn không minh bạch.
Venezuela có trữ lượng dầu hoả đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Á Rập Saudi, được Hugo Chavez lên cầm quyền năm 1999, dần dần thiết lập Chủ nghĩa Xã hội Thế kỷ 21 cho tới nay. Venezuela trở thành một quốc gia suy sụp, nghèo đói đến mức đã có 2 triệu trong số 20 triệu dân ào ạt tràn vào các quốc gia láng giềng để kiếm miếng ăn khi Tổng thống Nicolas Maduro lo đàn áp phe đối lập, sống theo sở thích và giàu sang.
Quy luật toàn-cầu-hoá được diễn giải rõ ràng trong Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới phê chuẩn, nhưng, vi phạm ngày càng gia tăng do bị bóp méo hoặc ngang nhiên loại trừ.
Vì thế, tình trạng mạnh được yếu thua, gian manh thắng chân thật trong thương mại tạo điều kiện cho Trung Cộng thủ lợi và trút thảm hoạ lên các nước làm ăn chân chính. Đa số quốc gia giao thương với Trung Cộng đều bị thâm thủng mậu dịch dù thuộc nhóm phát triển, đang phát triển, chưa phát triển, thậm chí bị rơi vào chiếc bẫy nợ do Bắc Kinh giăng ra.
Trung Cộng từ nghèo khó vào thập niên 1970 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhất trên thế giới nếu tính theo sức mua (PPP) và thứ nhì theo danh nghĩa (nominal), chỉ sau Hoa Kỳ.
Trên thế giới chỉ có Hoa Kỳ đủ khả năng và phương tiện chặn đứng hành động vô luân, phi pháp của Trung Cộng.
Sau khi thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình không có kết quả nên Tổng thống Donald Trump quyết định trừng phạt các hành vi thương mại bất chính của Trung Quốc thì liền bị Bắc Kinh và giới tinh hoa quốc tế cáo buộc Hoa Kỳ đang hướng nội, đang đi một mình, từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu, báo hiệu xu hướng chủ nghĩa ly khai kiểu mới.
Chủ trương thương mại bình đẳng, có đi có lại của Hoa Kỳ được Tổng thống Trump trình bày chi tiết trong các diễn văn nhậm chức, đọc trước Lưỡng viện Quốc hội, trên diễn đàn quốc tế, kể cả tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nó bao gồm các yếu tố: (1) Thương mại toàn cầu phải bình đẳng và tương ứng. (2) Thoả ước kinh tế song phương thay thế cho đa phương.
Hoa Kỳ rút khỏi Thoả ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì: (1) Thoả ước đa phương tốn quá nhiều thì giờ thương lượng. (2) Các nhượng bộ có thể không được thi hành hoặc khiếu kiện sau khi ký kết. (3) Nền kinh tế lớn có thể gây áp lực tới các nhược tiểu để thủ lợi. (4) Bắc Kinh đã chuyển nhà máy, đầu tư tới các quốc gia đang phát triển để đáp ứng yêu cầu sử dụng vật liệu và kỹ thuật trong nội bộ TPP.
Giới lãnh đạo Nam Á, Trung Á, Đông Nam Á thân Bắc Kinh đang bị cử tri loại trừ để thay thế bằng các chính trị gia có tinh thần bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc. Khi tới Bắc Kinh.Thủ tướng Mã Lai Á, Mahathir Mohamad đã nói với Thủ tướng Lý Khắc Cường “chúng tôi không muốn thấy xuất hiện chủ nghĩa thuộc địa mới”.
Thoả ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực từ đầu năm 1994 đã tái thương thảo và đồng ý đổi thành Thoả thuận Gia Nã Đại-Mễ Tây Cơ-Hoa Kỳ (USMCA) từ ngày 1 tháng 10 năm 2018. Nó có thể làm mẫu mực cho Hiệp ước Thương mại Hoa Kỳ-Liên Âu.
Hoa Kỳ và Đại Hàn đã ký Thoả ước Thương mại Tự do (KORUS) hôm 24-09-2018 thay thế cái cũ nhằm tạo điều kiện giao thương công bằng, tương ứng.
Hôm 26-09-2018, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe đã đồng ý thương lượng lại Thoả ước mậu dịch song phương.
Các Hiệp ước Mậu dịch Tự do gây phương hại tới Hoa Kỳ đã cáo chung để bước vào thời đại Thương mại bình đẳng, tương ứng.
Tổng thống Trump rút khỏi Thoả ước Khí hậu Paris vì: (1) Nó không có ràng buộc pháp lý. (2) Theo Mark Maslin, Giáo sư Khí tượng của University College London: “Nó bắt nguồn từ một nghị trình chính trị chứ không do phân tích khoa học”. Tiến sĩ James Hansen, tiên phong trong việc quảng bá hâm nóng toàn cầu ở Hoa Kỳ, cũng nói thỏa ước này là một sự lừa gạt và “dỏm”. (3) Quốc tế đã có Hội nghị Thượng đỉnh Rio de Janeiro 1992, Phụ ước Kyoto 1997, Hội nghị Bali 2007, Hội nghị Copenhagen 2009, Hội nghị Duban 2011 kêu gọi cắt giảm lượng phóng thích khí nhà kính, mà mức phóng thích không ngừng gia tăng. (4) Trung Cộng có lượng phóng thích khí thải đứng đầu thế giới mà được phép tiếp tục xử dụng than đến năm 2030. Thế mà. Bắc Kinh chẳng góp đồng nào trong chi phí 100 tỉ USD/năm của Thoả ước Khí hậu Paris dù Trung Cộng có dự trữ ngoại hối trên 3,000 tỉ USD và giữ 1,200 tỉ USD quốc trái của Hoa Kỳ. (5) Bắc Kinh chuyển công nghệ ô nhiễm sang các nước đang phát triển và chưa phát triển làm gia tăng lượng khí thải toàn cầu.
Với chiến lược giảm khí thải cho Gia Nã Đại, Thủ tướng Justin Trudeau yêu cầu 10 tỉnh và 3 lãnh thổ phải ban hành mức thuế tối thiểu 20 CAD (đô la Canada) trên một tấn khí thải từ tháng 1-2019 và tăng 10 CAD mỗi năm cho tới 2022.
Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều chống. Giáo sư Nelson Wiseman của Đại học Toronto cho biết nếu hỏi dân chúng “Chính phủ có nên làm điều gì đó cho sự thay đổi khí hậu thì nghe Yes. Nhưng, có sẵn sàng đóng thuế cao hơn thì nghe No”.
Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) cảnh cáo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ làm cho thế giới nghèo và nguy hiểm hơn.
Phúc trình mới nhất của World Economic Outlook ghi nhận GDP của Hoa Kỳ sẽ mất 0.9% so với 1.6% của Trung Cộng trong năm 2019.
Có thể Tập Cận Bình cố “câu giờ” chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 nên chưa chịu nhượng bộ nên Donald Trump cho biết chưa tới lúc đàm phán.
Trừng phạt và trả đũa kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tiếp tục leo thang nên Ngoại trưởng Mike Pompoe lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 8 tháng 10 vẫn cáo buộc gay gắt, chẳng ai lùi bước.
Nhân loại phải chặn đứng hành vi phá hoại luật pháp thương mại quốc tế, hoặc khấu đầu thần phục Bắc Kinh?
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
CAATSA's Out of the Bag: Sanctions, Intellectual Property, and US-China Relations (Diplomat)
Where Is Trump's Alleged Isolationism? (National Interest)
What if Canada had spent $200bn on wind energy instead of oil? (Guardian)
Wake Up, World Leaders. The Alarm Is Deafening (NYT)
US-China trade war sparks Pompeo and Wang spat (Asia Times)
Trade war will hit China harder than US, IMF says (Nikkei)

Long Dang chuyen
 

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...