Wednesday, October 3, 2018

‘Việt Nam vô cùng biết ơn sự hy sinh của liệt sĩ TQ’ - Khánh An

HoangsaParacel: Dân Tộc Việt Nam không bao giờ biết ơn giặc tầu, ngoại trừ các đầu sỏ cộng sản Hà Nội và một số ít đảng viên tay sai tầu cộng.


Phái đoàn Trung-Việt đến viếng nghĩa trang "liệt sĩ" TQ ở Gia Lâm, Hà Nội, ngày 30/9/2018.

Sự kiện phái đoàn Đại sứ quán Trung Quốc cùng một số quan chức Việt Nam đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc hôm 30/9 ở Hà Nội được truyền thông Trung Quốc tường thuật chi tiết, nói rằng Việt Nam “trân quý” và “vô cùng biết ơn” sự hy sinh của các liệt sĩ nước này trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc của Việt Nam.
Trong khi đó, sự kiện vốn được tường thuật hằng năm lại hoàn toàn vắng bóng trên truyền thông chính thống của Việt Nam gần đây, giữa bối cảnh âm hưởng làn sóng bài Trung vẫn chưa dứt sau các cuộc biểu tình “chưa từng có” diễn ra trên cả nước hồi tháng 6.

Theo tường thuật của Tân Hoa Xã và Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc hôm 2/10, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Doãn Hải Hồng, đã dẫn đầu một nhóm bao gồm đại diện các công ty Trung Quốc, lưu học sinh và “các đồng chí Việt Nam” đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc ở Gia Lâm, Hà Nội, nhân Ngày Liệt sĩ của Trung Quốc (30/9).

“Chúng tôi vô cùng biết ơn sự hy sinh của các liệt sĩ Trung Quốc đã hy sinh mạng sống cho độc lập của Việt Nam và tình hữu nghị quý báu giữa hai nước”, hãng tin chính thức của nhà nước Trung Quốc dẫn lời bà Trần Thị Phương, Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, nói.

Quan chức của Việt Nam cho biết chính quyền địa phương cứ khoảng 3-4 tháng lại tiến hành bảo dưỡng nghĩa trang và phần mộ các liệt sĩ Trung Quốc một lần, đồng thời nâng cấp trên quy mô lớn mỗi 3-4 năm để bảo đảm nghĩa trang luôn trong tình trạng tốt đẹp.

Đáp lại, Đại biện lâm thời ĐSQ Trung Quốc Doãn Hải Hồng nói rằng “Sự phát triển hiện tại của mối quan hệ Trung-Việt chứng tỏ là máu của các liệt sĩ Trung Quốc đã không đổ ra vô ích”.

Bà Doãn Hải Hồng-Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Trong lúc báo chí Trung Quốc “tốn sức” để đưa tin, truyền thông chính thống Việt Nam vài năm gần đây hầu như không đả động gì đến sự kiện này, giữa bối cảnh làn sóng chống Trung Quốc vẫn âm ỉ và bùng lên mỗi khi có sự kiện xung đột giữa hai nước.

TS. Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới chính phủ Việt Nam, nói trong mối quan hệ với Trung Quốc, các lãnh đạo Việt Nam luôn có chủ trương nhất quán là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, nhưng để thực hiện được chính sách này là một “bài toán khó khăn” trong bối cảnh hiện tại.

“Điều quan trọng là các lãnh đạo Việt Nam phải giữ được nguyên tắc vì lợi ích của đất nước”, TS. Trần Công Trục nói.

Cựu chiến binh Phan Tất Thành, người từng có thời gian học tập ở Trung Quốc, thừa nhận Trung Quốc có những đóng góp nhất định cho Việt Nam trong thời gian chiến tranh, nhưng không hẳn sự giúp đỡ đó đơn thuần chỉ vì “tình hữu nghị” giữa hai nước.

Người cựu chiến binh này nhắc lại những sự kiện như trận chiến Hoàng Sa 1974, cuộc chiến biên giới năm 1979, những diễn biến hiện nay ở Biển Đông và nói rằng: “Cũng có những con người cụ thể, trường hợp cụ thể, hy sinh cụ thể để giúp đỡ Việt Nam, nhưng về sâu xa, không bao giờ Trung Quốc muốn có một Việt Nam độc lập, hùng cường tồn tại bên cạnh Trung Quốc đâu”, ông Thành nói với VOA.

Theo Tân Hoa Xã, khoảng 60 năm trước, đã có hơn 320.000 người Trung Quốc sang giúp Việt Nam “bảo vệ độc lập và lãnh thổ theo yêu cầu của Việt Nam”. Hơn 1.400 người đã hy sinh tại Việt Nam. Trong đó, có 49 liệt sĩ Trung Quốc được an táng tại nghĩa trang Gia Lâm. Họ là thành viên của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Chi đội hậu cần 1 viện trợ Việt Nam chống Mỹ và nhóm chuyên gia cầu sông Hồng.

Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc nói họ đã “xây dựng lên đài hữu nghị Trung-Việt đời đời bất diệt bằng sinh mạng quý báu của mình”.

Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, tại Việt Nam đã nổ ra cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp các tỉnh thành để phải đối dự luật Đặc khu vì người dân lo sợ “mất chủ quyền” về tay Trung Quốc một khi các nhà đầu tư nước này đổ vào thuê đất đến 99 năm.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng một phần nguyên nhân khiến số lượng người dân tham gia biểu tình nhiều “chưa từng có” là vì thái độ cảnh giác và cảm xúc bài Trung Quốc đang gia tăng tại Việt Nam.

Áp lực của các cuộc biểu tình đã khiến Đại biện lâm thời Doãn Hải Hồng phải lên tiếng công khai nói rằng nguyên nhân của biểu tình là ở “nội bộ Việt Nam, không liên quan gì đến Trung Quốc”. Đồng thời, bà yêu cầu chính quyền Việt Nam bảo vệ cho các doanh nghiệp và công dân nước này đang ở Việt Nam.

HƯƠNG GÂY MÙI NHỚ… Tản Mạn - Nhất Hùng

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ rất ý nhị: “Mành tương phơn phớt gió đàn, Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”