Thursday, October 4, 2018

Đọc Báo Vẹm: Đòn nắn gân Mỹ của Trung Quốc sau cú cắt mặt tàu chiến ở Trường Sa

HoangsaParacel chú thích: Tầu Khu trục hiểu là Khu trục hạm, tầu chiến là chiến hạm, thuyền trưởng là Hạm trưởng ,Trung Quốc hiểu là Trung Cộng.
Tàu khu trục Trung Quốc (phải) áp sát ngay trước mũi USS Decatur, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm hôm 30/9. Ảnh: US Navy.
Tàu khu trục Trung Quốc (phải) áp sát ngay trước mũi USS Decatur, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm hôm 30/9. Ảnh: US Navy.

Tàu chiến Trung Quốc hành động quyết liệt bất ngờ, dường như để phát tín hiệu mạnh tới Mỹ sau một loạt căng thẳng song phương.

Tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hôm 30/9 tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) được Mỹ thường xuyên thực hiện trong nhiều năm qua theo quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, trong chuyến tuần tra này, tàu chiến Mỹ đã gặp phải phản ứng bất ngờ từ phía Trung Quốc, khi tàu khu trục Lan Châu lớp Type-052C được triển khai, áp sát tàu chiến Mỹ đến mức suýt va chạm. Giới phân tích cho rằng phản ứng bất thường này phát đi thông điệp mạnh của Trung Quốc tới Mỹ, không chỉ trong vấn đề Biển Đông, theo USNI.

"Không hạm trưởng nào của tàu chiến Trung Quốc có thể tự ý cho tàu áp sát khu trục hạm Decatur ở khoảng cách 41 mét mà không có lệnh từ cấp trên", Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói. "Khó có khả năng sự kiện này xảy ra mà không có sự phê chuẩn từ cấp cao nhất, đó là Chủ tịch Tập Cận Bình".

Bà Glaser ban đầu tỏ ra bất ngờ trước phản ứng mạnh như vậy của tàu chiến Trung Quốc. Trong những lần Mỹ thực hiện chiến dịch FONOP trước đây, hải quân Trung Quốc thường chỉ điều tàu bám theo từ khoảng cách xa và phát tín hiệu xua đuổi.

Theo bà, đá Ga Ven chỉ là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm nhỏ, đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại đây cũng có quy mô nhỏ và không có nhiều giá trị chiến lược. Bởi vậy, việc Bắc Kinh có "phản ứng mạnh nhất từ trước tới nay" đối với hoạt động FONOP của tàu chiến Mỹ cho thấy đã có sự thay đổi trong tính toán của nước này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 2/10 ra tuyên bố cho rằng việc Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã "hủy hoại nghiêm trọng quan hệ giữa quân đội hai nước và làm xói mòn hòa bình, ổn định khu vực". Ngô Khiêm tuyên bố quân đội Trung Quốc "phản đối quyết liệt những hành động như vậy".

Hải quân Mỹ hôm 1/10 công bố loạt ảnh chụp, cho thấy tàu Lan Châu thực hiện một loạt động tác cơ động áp sát rồi vượt lên theo kiểu "cắt mặt", buộc tàu chiến Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm sau hành động "nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp" của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngô Khiêm lại mô tả sự kiện này là tàu khu trục Trung Quốc chỉ tiến hành "thủ tục nhận dạng và xác thực theo luật, rồi cảnh báo tàu Mỹ rời đi". Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đả động gì tới thông tin hai tàu có lúc chỉ cách nhau 41 mét.

"Các quy tắc tiếp cận và giao chiến (ROE) của Trung Quốc thường do Quân ủy Trung ương quyết định, nên Chủ tịch Tập Cận Bình rõ ràng có vai trò trong việc phê chuẩn những quy tắc này", Glaser nói. Bà khẳng định cuộc chạm trán trên Biển Đông hôm 30/9 cho thấy Trung Quốc đã có thay đổi trong quy tắc ROE của mình.

"Theo quy tắc trước đây, tàu Trung Quốc chỉ bám theo tàu Mỹ, không tiến tới ở khoảng cách quá gần. Phía Trung Quốc chỉ phản hồi khi đối phương chủ động liên lạc", Glaser cho biết. "Nhưng giờ đây, có vẻ như những quy tắc ROE đó đã bị vứt qua cửa sổ".

Nhưng tại sao Trung Quốc lại thay đổi quy tắc ROE của mình vào đúng thời điểm này, khi tàu Decatur băng qua phạm vi 12 hải lý của một thực thể không quá quan trọng về mặt chiến lược? Glaser cho rằng cách hành xử quyết liệt bất ngờ của tàu chiến Trung Quốc có liên quan rất lớn tới nỗi bất bình gần đây của Bắc Kinh với Washington, liên quan đến căng thẳng trong vấn đề thương mại, thỏa thuận mua bán vũ khí và quan hệ với Đài Loan.


Vị trí các bãi đá bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đồ họa: Thư viện Quốc hội Mỹ.


Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được coi là nồng ấm khi Tổng thống Donald Trump mới lên nắm quyền và lãnh đạo hai nước có các chuyến thăm cấp cao trong năm 2017. Tuy nhiên, mối quan hệ đó bắt đầu trở nên căng thẳng khi Mỹ thông qua Đạo luật thăm Đài Loan và vấp phải phản ứng quyết liệt từ Trung Quốc.


Đến giữa năm nay, hai nước bước vào cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với các đòn áp thuế kiểu "ăn miếng trả miếng", khi chính quyền Trump quyết tâm giáng đòn nặng nề về kinh tế để buộc Trung Quốc thay đổi hoạt động thương mại của mình. Bắc Kinh quyết không chịu nhượng bộ và tuyên bố sẽ không bị "tống tiền" trong lĩnh vực thương mại.


Khi căng thẳng thương mại lên đến cao trào, Mỹ bồi thêm một đòn nữa với Trung Quốc, khi quyết định trừng phạt một đơn vị quân đội nước này vì hợp đồng mua tên lửa S-400 và tiêm kích Su-35 của Nga. Bắc Kinh cảnh báo Washington sẽ "gánh chịu hậu quả" nếu không rút lại lệnh trừng phạt này.


"Cách hiểu duy nhất cho sự thay đổi này là phía Trung Quốc quyết định tận dụng cơ hội đó để phát tín hiệu tới chính quyền Trump, và tôi coi đây là bằng chứng cho thấy căng thẳng song phương đáng giống như vệt dầu loang từ lĩnh vực này tới lĩnh vực khác", bà nói.


Tuy nhiên, Trung Quốc dường như cũng đã tính toán rất kỹ để thông điệp phát đi đủ mạnh nhưng không làm bùng phát phản ứng quyết liệt từ phía Mỹ. Tàu Lan Châu nhiều khả năng đã kiên nhẫn đợi khu trục hạm Decatur sắp kết thúc hành trình tuần tra FONOP của mình rồi mới ra mặt can thiệp và cản trở. Sau khi bị áp sát ở khoảng cách nguy hiểm, tàu Decatur đã chuyển hướng khỏi khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp và kết thúc hành trình tuần tra của mình.Tàu khu trục Lan Châu (phải) diễn tập cùng một chiến hạm khác của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 15/5/2017. Ảnh: PLA Daily.
Tàu khu trục Lan Châu (phải) diễn tập cùng một chiến hạm khác của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 15/5/2017. Ảnh: PLA Daily.
Theo Glaser, nếu tàu Lan Châu ra mặt cản trở chiến hạm Mỹ ngay từ đầu chiến dịch FONOP, sự việc có thể đã diễn tiến hoàn toàn khác. Khi đó, hạm trưởng tàu Decatur sẽ phải đối mặt với quyết định tiếp tục di chuyển và chấp nhận nguy cơ va chạm với tàu Trung Quốc, hoặc buộc phải ra lệnh hủy bỏ chiến dịch FONOP, động thái sẽ bị coi là sự nhượng bộ của Washington trước Bắc Kinh.

"Tập Cận Bình không muốn bị coi là yếu đuối, ông ấy muốn được nhìn nhận như một lãnh đạo bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, đó là thông điệp họ muốn truyền đi khi cản trở hoạt động FONOP của Mỹ", chuyên gia này nói. "Nhưng nguy cơ va chạm từ những hành động đó là rất lớn. Đó là một trò chơi rất nguy hiểm".

Teddy Ng, bình luận viên của SCMP, cũng cho rằng những động thái như vậy của tàu chiến Trung Quốc, dù được chỉ đạo ở cấp độ nào, cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm, nhất là khi hoạt động trên vùng biển phức tạp. Tính toán sai lầm từ thủy thủ Trung Quốc hoặc Mỹ trong những lần chạm trán như vậy có thể gây ra va chạm, thương vong, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát, thậm chí là một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Thành Nguyễn




No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...