Sunday, February 17, 2019

Airbus chính thức tuyên bố sẽ dừng sản xuất "siêu máy bay" A380 (Airbus Won't Miss the A380 Jumbo Jet)


Hãng Airbus mới đây đã thông báo "khai tử" máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380 chỉ sau 12 năm đưa vào hoạt động, đánh dấu cái kết buồn cho dòng máy bay đã từng được xem là niềm tự hào của tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu.
Hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu ngày 14/2 đã công bố kế hoạch ngừng sản xuất máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380, từ bỏ giấc mơ thống trị bầu trời với chiếc máy bay của thế kỷ 21, do có rất ít đơn hàng từ các hãng hàng không.

Trong một thông báo phát đi hôm nay, Airbus cho biết chiếc A380 cuối cùng sẽ được chuyển giao vào năm 2021 và việc chế tạo sẽ chính thức ngừng sau đó, 12 năm sau khi A380 được đưa vào hoạt động.

“Sau khi xem xét các hoạt động và sau những bước phát triển trong công nghệ động cơ và máy bay, hãng hàng không Emirates đã giảm đơn đặt hàng A380 từ 162 xuống 123 chiếc. Vì lý do đó và do thiếu đơn đặt hàng từ các hãng khác, Airbus sẽ ngừng sản xuất A380 vào năm 2021”, tuyên bố cho hay.

Airbus cho biết sẽ chế tạo thêm 17 chiếc A380 nữa, trong đó có 14 chiếc cho Emirates (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và 3 chiếc cho hãng hàng không Nhật Bản ANA.

Airbus đã buộc phải giảm sản xuất A380 trong những năm gần đây trước khi đưa ra cảnh báo hồi tháng 1 năm nay rằng chương trình có thể bị hủy nếu không có các đơn đặt hàng mới.

Được chính thức “trình làng” vào năm 2007, A380 là máy bay chở khách lớn nhất thế giới, với sức chứa 525 người trong cơ cấu 3 khoang hành khách, hoặc 853 người ở dạng toàn bộ hành khách phổ thông. Tuy nhiên, hầu hết các hãng hàng không chọn thiết kế khoảng 500 hành khách để bổ sung các tiện nghi khác như phòng tắm, quán bar, sofa...

A380 được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với dòng máy bay huyền thoại 747 của Boeing nhưng đã không thành công trong việc giành thị phần lớn hơn trong bối cảnh các hãng hàng không trên thế giới ngày càng thích sử dụng các thế hệ máy bay nhỏ, cơ động hơn.

Việc vận hành những chiếc máy bay cỡ lớn như A380 cũng đòi hỏi các yêu cầu cao hơn về đường băng, số lượng hành khách, vì vậy không nhiều các hãng hàng không trên thế giới sử dụng nó. Hiện không có hãng hàng không Mỹ nào sử dụng A380, các hãng hàng không Trung Quốc cũng mua máy bay này với số lượng ít và Nhật Bản - một khách hàng lớn truyền thống của Boeing 747 - gần đây mới nhận chuyển giao chiếc A380 đầu tiên.

Hãng Qantas đã chính thức hủy một đơn đặt hàng lớn A380 hồi tuần trước, trong khi các hãng hàng không khác như Air France cũng hủy các cam kết của họ.

Emirates, hiện có 100 chiếc A380, cho biết hãng này thất vọng về thông báo ngừng sản xuất siêu máy bay của Airbus. “Emirates đã trở thành người ủng hộ mạnh mẽ A380 ngay từ đầu”, Chủ tịch Sheikh Ahmed bin Saeed al-Maktoum cho hay.

“Mặc dù chúng tôi thất vọng khi phải giảm bớt đơn hàn và buồn khi chương trình không thể tiếp tục, chúng tôi chấp nhận đây là một tình hình thực tế”, ông nói thêm. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định A380 sẽ vẫn là một trụ cột của hãng cho tới những năm 2030. Sau khi giảm đơn đặt hàng với A380, Emirates cũng gia tăng đặt hàng đối với các mẫu máy bay mới nhỏ hơn là A350 và A330.


Ngày 14/2, hãng chế tạo máy bay châu Âu Airbus đã thông báo sẽ ngừng sản xuất siêu máy bay A380. Đây là dòng máy bay thương mại lớn nhất thế giới, với sức chứa 525 người trong cơ cấu 3 khoang hành khách, hoặc 853 người ở dạng toàn bộ hành khách phổ thông. (Ảnh: Reuters)
Airbus bắt đầu nghiên cứu chế tạo A380 vào năm 1988 và dự án được chính thức công bố vào năm 1990. A380 được kỳ vọng sẽ cạnh tranh trực tiếp với dòng 747 rất phổ biến của hãng chế tạo máy bay Mỹ Boeing. (Ảnh: Reuters)
A380 cất cánh lần đầu tiên năm 2005. Singapore Airlines là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới nhận bàn giao A380 và chuyến bay thương mại đầu tiên của siêu máy bay này được thực hiện vào tháng 10/2007. (Ảnh: Reuters)
A380 đã gây chú ý khi mới ra mắt bởi sự khổng lồ của nó và các tiện nghi trên khoang. A380 có khoang cabin rộng rãi, vì vậy các hãng hàng không đã bố trí các tiện nghi như quán bar, sofa... để phục vụ các "thượng đế" đi máy bay. (Ảnh: NYT)
Tuy nhiên, không lâu sau khi A380 đi vào hoạt động, Airbus đã gặp khó khăn với dòng máy bay này do đơn đặt hàng rất khiêm tốn. Dòng máy bay này khá "kén khách" vì các hãng hàng không thế giới chỉ sử dụng nó đối với các đường băng lớn và có đủ hành khách lấp đầy các ghế trên khoang. (Ảnh: Reuters)





Trong 12 năm, Airbus chỉ nhận được chưa đến 320 đơn đặt hàng cho A380, trong đó 234 chiếc đã được bàn giao. (Ảnh: Reuters)





Hãng hàng không Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Emirates là khách hàng lớn nhất của A380, với 123 chiếc được đặt hàng. Tổng cộng 109 chiếc A380 đã được bàn giao cho Emirates. (Ảnh: Reuters)





Emirates mới đây đã quyết định giảm số lượng đơn đặt hàng đối với A380, mà thay vào đó gia tăng đặt hàng các máy bay nhỏ, cơ động hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dự án A380 bị khai tử sớm hơn dự đoán. (Ảnh: Reuters)





Một chiếc A380 bay bên trên tàu du lịch hạng sang Queen Mary 2 tại Saint-Nazaire, Pháp năm 2017. (Ảnh: Reuters)





Từng được xem là niềm tự hào công nghệ của Airbus và châu Âu nhưng A380 sẽ không còn được tiếp tục sản xuất sau năm 2021. (Ảnh: Reuters)


Những hoài nghi ngay từ đầu


Airbus đã đối mặt với những hoài nghi về tương lai của A380 kể từ những năm 1990, khi hãng bắt đầu thiết kế một máy bay cạnh tranh với dòng Boeing 747 rất được ưa chuộng của hãng chế tạo máy bay đối thủ tại Mỹ.


A380 từng đối mặt với hàng loạt các vụ trì hoãn tốn kém trước khi chuyến bay thương mại đầu tiên của nó được hãng hàng không Singapore Airlines thực hiện vào năm 2007.


Các vấn đề về sản xuất và vượt chi phí hàng tỷ euro đã tiếp tục đeo bám dự án, khiến Airbus lần đầu tiên trong lịch sử thông báo thua lỗ trong tài khóa 2006. Nhưng Airbus vẫn kiện định với A380 dù sau khi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, khi các hãng hàng không bắt đầu suy nghĩ lại về việc sở hữu các máy bay lớn, vốn chỉ có lãi khi có đủ hành khách.


Trong khi đó, Boeing đã bác bỏ lý thuyết của Airbus rằng các hãng hàng không muốn những chiếc máy bay to để phục vụ các trung tâm hàng không toàn cầu, và thay vào đó tập trung vào dòng máy bay cỡ vừa Dreamliner 787.

Boeing đã thắng từ vụ đánh cược đó, với hơn 1.100 đơn đặt hàng đối với Dreamliner kể từ khi nó được đưa vào hoạt động vào năm 2011, so với chỉ trên 300 đơn đặt hàng đối với A380.

Theo Bloomberg, AFP, Reuters

* A380 có giá bán trong năm 2018 là 446 triệu USD. Tính tới tháng 12 năm ngoái, Airbus đã nhận được 317 đơn đặt hàng A380 từ 18 hãng hàng không, với 222 chiếc trong số đó đã được bàn giao.

VS chuyen

No comments:

Tùy bút GIÂY PHÚT CHẠNH LÒNG-Điệp Mỹ Linh

Chủ nhật Jan./12/2025 vừa qua, lúc 11:00AM, một số Luật sư/cựu sinh viên Luật Khoa đã gặp nhau tại nhà hàng Lambo, trên đường Westheimer, Ho...