Wednesday, March 6, 2024

Vạn Thịnh Phát: Số tiền các bị cáo đã 'khắc phục hậu quả' là bao nhiêu?

HoangsaParacels:   Tiền đâu mà chúng nó giàu thế?

Có tới 13 bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát bị truy tố ở khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc thậm chí tử hình

Với tổng số thiệt hại trong vụ án Vạn Thịnh Phát lên đến 498.000 tỷ đồng, câu hỏi đặt ra là các bị cáo đã khắc phục được bao nhiêu tiền và điều này có giúp họ được giảm nhẹ tội?

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, 86 người bị truy tố với tám tội danh gồm: tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (BLHS 1999), vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng (BLHS 2015), lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.


Trong đó, tội tham ô tài sản và nhận hối lộ là hai nhóm tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình.


Bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và 11 người khác bị truy tố về tội tham ô tài sản.


Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc NHNN, bị truy tố tội nhận hối lộ.


Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp, từng bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng tuy tội tham ô tài sản có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, “nhưng trong quá trình lượng hình, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể được hưởng mức án thấp hơn”.


Tiết lộ số tiền mà các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát nộp lại để "khắc phục hậu quả", dư luận không khỏi "choáng váng" vì mức độ "khủng" của nó.


Theo hồ sơ vụ án, ngoài các tài sản đã bị kê biên, trong quá trình điều tra, các bị cáo đã khắc phục hơn 1.580 tỉ đồng, 8,6 triệu USD và 10,2 triệu cổ phần SCB.


Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu rằng, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ vẫn có thể thoát án tử nếu khắc phục hậu quả - cụ thể là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư số tiền tham ô, nhận hối lộ thì sẽ không bị tuyên án tử hình.


Bà Trương Mỹ Lan, người bị cáo buộc là chủ mưu, khai rằng bà đã tự nguyện khắc vụ hậu quả 14,5 triệu USD (khoảng 356 tỉ đồng).


Đây là số tiền mà bà Lan đã đưa cho ông Tạ Hùng Việt (Tổng Giám đốc Công ty CP Greenhill Village) để nhận chuyển nhượng Dự án Greenhill Quy Nhơn do ông Việt làm chủ.


Vào tháng 10/2022, sau khi bà Lan bị bắt, ông Việt đã được mời lên điều tra. Tại thời điểm này, ông Việt đã nộp toàn bộ số tiền trên cho cơ quan điều tra.


Cáo trạng không ghi nhận khoản tiền 14,5 triệu USD nói trên là tiền bà Lan "khắc phục hậu quả".


Dù vậy, số tiền này chỉ bằng hơn 1/10 con số bà Lan bị cáo buộc tham ô - tức 304.000 tỷ đồng. Xét theo quy định nói trên, nếu muốn thoát án tử, bà Lan phải nộp lại ít nhất 228.000 tỷ đồng.
HÌNH ẢNH,TCBC
Bà Đỗ Thị Nhàn (ngồi giữa hai cảnh sát) là cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II). Bà bị truy tố tội nhận hối lộ, với số tiền 5,2 triệu USD.


Được biết, bà Đỗ Thị Nhàn, người nhận hối lộ với con số "cao nhất từ trước tới nay" (5,2 triệu USD), đã "khắc phục" 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng.


Theo cáo trạng, một số bị cáo sau đây cũng có khả năng đối mặt với án tử hình nhưng đã nộp lại tiền "khắc phục hậu quả":
Bà Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; cháu bà Lan) bị cáo buộc giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ đồng, bà Vân đã nộp gần 1,1 tỷ đồng và 3.000 USD.
Ông Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt) đã trả cho ngân hàng SCB 813 tỉ đồng đối với hai khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức. Ông Trước còn xin nộp lại toàn bộ số tiền 2.200 tỷ đồng đã nhận của bà Lan. Ngoài ra, vợ ông Trước và Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn còn nộp khắc phục cho ông Trước tổng cộng 52 tỉ đồng.
Ông Trương Khánh Hoàng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) bị cáo buộc giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt gần 183.000 tỷ đồng, ông này đã khắc phục 9,85 triệu cổ phần SCB.
Bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) bị cáo buộc giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 200.000 tỷ đồng, bà Dung đã nộp 300.000 cổ phần SCB.
Bà Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), bị cáo buộc là người phụ trách đường dây tìm người đứng tên các công ty "ma" để giúp bà Lan tạo hồ sơ vay khống, rút 297.000 tỷ đồng tiền mặt từ SCB. Bà Anh đã khắc phục 300 triệu đồng.
Bà Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP), người nắm vai trò quản lý danh sách các công ty "ma", giúp sức bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 171.000 tỉ đồng. Số tiền mà bà khắc phục chỉ mới có 30 triệu đồng.
HÌNH ẢNH,TCBC
Bà Trương Huệ Vân, cháu ruột bà Trương Mỹ Lan, bị truy tố tội tham ô tài sản


Dù không nằm trong nhóm tội có nguy cơ bị tuyên tử hình, bà Phạm Thu Phong (cựu Trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB) đã nộp 20 tỷ đồng để khắc phục.


Chồng bà Trương Mỹ Lan, ông Chu Lập Cơ, đã nộp 1 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) đã nộp 390.000 USD (khoảng 9,6 tỷ đồng).


Ông Nguyễn Cao Trí (chủ tịch Công ty Capella), người bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan, đã nộp hơn 657,5 tỷ đồng và 3,3 triệu USD (hơn 82,5 tỷ đồng).

Play video, "Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục", Thời lượng 5,55

Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục

No comments: