Wednesday, March 13, 2024

Việt Nam cần đúc kết bài học từ chiến tranh Nga – Ukraine ,Tác giả,Nguyễn Đình Hà

HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Các quân nhân Ukraine đang đứng gần Robotyne, vùng Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, vào ngày 21 tháng 2 năm 2024

Cuộc chiến do Nga gây ra tại Ukraine gợi ý cho Việt Nam những bài học về chiến lược an ninh, quốc phòng.

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã bắt đầu bước sang năm thứ ba với tình thế giằng co, bất lợi cho quân đội Ukraine. Trong bối cảnh đó, Việt Nam mới kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa (1974), 45 năm Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979-1989) và sắp tới là 36 năm Hải chiến Trường Sa (1988).


Trong tiếng Latin có câu tục ngữ “Si vis pacem, para bellum” có nghĩa rằng, “Nếu muốn có hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh”.


Việt Nam và Ukraine có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa chính trị chiến lược: cùng nằm cạnh cường quốc; Nga cần có Ukraine trong tầm ảnh hưởng, chi phối với Crimea để duy trì sức mạnh, còn Trung Quốc cần Biển Đông và chi phối Việt Nam để vươn mình trong “Giấc mộng Trung Hoa”, hóa giải thế bao vây ở chuỗi đảo thứ nhất.



Việt Nam và Ukraine cùng nằm ở điểm va chạm giữa các đại chiến lược của các cường quốc và các khối cạnh tranh ảnh hưởng. Do vậy, sự xung đột tiềm tàng trong hiện tại và tương lai với các cường quốc là điều khó tránh khỏi và phải có sự chuẩn bị một cách hữu hiệu.


Nhìn từ nhiều góc độ, đây là lúc Việt Nam cần đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm của Ukraine trong hiện tại và của chính Việt Nam trong cuộc chiến năm 1979-1989, kết hợp với nghiên cứu, đánh giá tình hình toàn cầu và nội tại của đất nước để cải tổ, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các cuộc xung đột, tranh chấp tiềm tàng trong tương lai.

Cần xác định đối thủ tiềm tàng


Trong tuyên truyền, giáo dục hay trong tài liệu chính trị công khai, Việt Nam và cụ thể hơn là Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đối tượng, mục tiêu phòng chống của họ một cách mơ hồ, chung chung và lỗi thời là “thế lực thù địch”, chủ nghĩa đế quốc ám chỉ Hoa Kỳ và các quốc gia tư bản phương Tây.


Cái bóng của Chiến tranh Lạnh, đối đầu ý thức hệ chưa thoát khỏi tư duy. Cái họ bảo vệ trước nhất là vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Nhưng thời thế đã thay đổi từ rất lâu và Hoa Kỳ cũng như các quốc gia phương Tây không phải là mối đe dọa quân sự hiện hữu hay tiềm tàng với Việt Nam.


Trong khi đó, thực tại của Việt Nam là tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc: quần đảo Hoàng Sa bị chiếm đóng toàn bộ, quần đảo Trường Sa bị gặm nhấm, vùng đặc quyền kinh tế thường xuyên bị xâm phạm, quấy nhiễu; các vùng không tranh chấp bị Trung Quốc cố tình biến thành có tranh chấp...Người Việt ở Kyiv: 'Đất nước và dân tộc Ukraine còn ở đây thì mình vẫn ở đây'24 tháng 2 năm 2024


Mặt khác, giới quan tâm tình hình chính trị Việt Nam còn lo ngại sự thâm nhập, chi phối của Trung Quốc trên đất liền thông qua các dự án phát triển hạ tầng, thuê đất tại các khu vực trọng yếu ven biển, gần biên giới.


Ukraine đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau khi Nga lật mặt, sáp nhập Crimea và ngấm ngầm ủng hộ phe ly khai ở Donbas năm 2014. Họ biết đối thủ hiện tại của họ là ai, kẻ xâm phạm đến lợi ích quốc gia của họ là ai, ai đứng về phía họ khi cần bảo vệ quyền dân tộc tự quyết và nền dân chủ.


Mức độ của Việt Nam hiện tại mới chỉ là tranh chấp trên biển, nhưng đã có hai cuộc hải chiến, có đổ máu, hải đảo bị chiếm đóng đến tận bây giờ, thì ai là đối thủ tiềm tàng, ai là đối tác tiềm tàng về an ninh cũng đã rõ ràng.


Do vậy, dù có thể không công khai, Việt Nam cần thay đổi tư duy và chính sách về xác định đối thủ tiềm tàng, mục tiêu, đối tượng cần lưu tâm một cách cụ thể, sát tình hình thực tiễn, gắn bó mật thiết với lợi ích và an ninh quốc gia, chứ không thể là sự viển vông về đụng độ ý thức hệ cũ mèm.

Tư duy về quân sự và phương thức tác chiến


Sau khi xác định đúng đối thủ tiềm tàng, bước kế đến là nghiên cứu, đánh giá về đối thủ, so sánh “địch – ta” về tương quan lực lượng, sức mạnh để có đối sách, phương thức tác chiến phù hợp, từ đó huấn luyện, diễn tập sát với thực tiễn chiến trường và mua sắm, phát triển vũ khí, hiện đại hóa quân đội đúng hướng hơn.


So tương quan Việt Nam với đối thủ tiềm tàng - giả định ở đây là quân đội có quy mô, sức mạnh như Trung Quốc - thì quân đội Việt Nam cần học kinh nghiệm của Ukraine, chứ không phải quân đội Nga như cách nhiều người thiện cảm với Nga và Putin đang tung hô.


Tình huống cuộc chiến Nga - Ukraine cho thấy bài học về một quân đội nhỏ hơn chống lại đội quân của một cường quốc với ưu thế vượt trội gấp nhiều lần. Đó chính là chiến tranh bất cân xứng.


Bên cạnh đó, quân đội hai bên giằng co tại các “thành trì” như Bakmut, Avdiivka, Kupiansk, Lyman,... cho thấy tác chiến đô thị, không gian hẹp chiếm phần lớn thời gian cuộc chiến. Hơn nữa, sự tham gia của các phương tiện không người lái trên không (UAV) và dưới nước (UUV) cũng góp phần thay đổi diện mạo cuộc chiến. Ngoài ra, sự phối hợp của hải - lục - không quân trong các hoạt động quân sự cũng cần quan sát và rút kinh nghiệm.


Quan trọng hơn, Ukraine ở thế phòng thủ - phản công tái chiếm lãnh thổ, không phải là bên tấn công, củng cố vị trí chiếm đóng. Điều này tương đồng với vị thế của Việt Nam trong chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979-1989. Những kinh nghiệm chống lại quân Trung Quốc giai đoạn này là quý giá, nhưng PLA nay đã lột xác, không còn như thời chiến tranh biên giới với Việt Nam và cách thức tiến hành chiến tranh hiện nay cũng đã khác nhiều, nên quân đội Việt Nam buộc phải thay đổi, hiện đại hóa cả về tư duy lẫn trang bị vụ khí.


Quân đội Ukraine đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Từ một đội quân yếu đuối, rệu rã, không thể đối phó được với quân ly khai ở Donbas, sau khi cải tổ đã mạnh mẽ chiến đấu ngang ngửa với đối thủ có ưu thế gấp nhiều lần. Cái mà họ thay đổi nhiều nhất là loại bỏ tư duy tổ chức, tác chiến có từ thời Liên Xô, mà thay vào đó là những thứ đối chọi lại đến từ các đối thủ của Liên Xô và nay là nước Nga.


Nhìn lại quân đội Việt Nam, họ vẫn huấn luyện, diễn tập theo lối “công thành chiếm đất” mang đậm tư duy của cuộc chiến tranh với người anh em Việt Nam Cộng hòa và xung đột ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh. Điều này hoàn toàn lỗi thời và nên thay đổi.
HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Quân nhân thuộc lữ đoàn 24 của quân đội Ukraine thực hiện các cuộc thử nghiệm với thiết bị không người lái FPV gần Kostiantynivka, Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2024

Diễn giải lại chính sách ‘Bốn không’


Trong Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019 và các tài liệu công khai của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách “bốn không” được khẳng định rõ ràng. Đó là: 1. Không tham gia liên minh quân sự; 2. Không liên kết với nước này để chống lại nước khác; 3. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; 4. Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.


Tuy nhiên, chính sách quốc phòng Việt Nam còn có "một đồng" và "một tùy" khác. Đó là, "Đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung" và "Tùy diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".


Điều đó có nghĩa rằng: tuy áp dụng chính sách “bốn không” để cân bằng quan hệ, tránh căng thẳng với Bắc Kinh, Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng phát triển các mối quan hệ hợp tác an ninh - quân sự với nhiều nước khác nhằm củng cố năng lực phòng thủ.


Trên thực tế, điều này đã có trong quan hệ với Ấn Độ, Nhật, Israel,... và kể cả Hoa Kỳ, nhưng vẫn ở mức độ thấp, trong các lĩnh vực ít nhạy cảm với Bắc Kinh – như nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển, an ninh hàng hải, đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống,...
Chụp lại hình ảnh,

Các nước tiêu biểu viện trợ quân sự cho Ukraine


Điều mà Hà Nội quan ngại nhất trong các mối quan hệ hợp tác là sự ảnh hưởng về mặt chính trị, các yêu cầu bắt buộc Hà Nội phải cải cách chính trị theo hướng bảo đảm dân chủ - nhân quyền.


Điều này khiến Việt Nam bị hạn chế rất nhiều trong quan hệ hợp tác quân sự với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là trong các thương vụ mua bán vũ khí. Rào cản chủ yếu xuất phát từ niềm tin chính trị giữa hai bên và một phần tâm lý đề phòng của giới lãnh đạo ở Hà Nội. Cùng lúc, quan hệ hợp tác quân sự, mua bán vũ khí với Nga gặp trở ngại do hệ lụy từ cuộc chiến ở Ukraine.


Do đó, Việt Nam cần thay đổi tư duy “địch – ta” về mặt ý thức hệ trong quan hệ quốc tế, kết hợp với sự cởi mở về chính trị trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác với các quốc gia không cùng mô hình phát triển.


Nhiều người thân Nga ở Việt Nam đánh giá Ukraine không biết cân bằng quan hệ, không khéo léo như Việt Nam, mà chọn phe, theo phương Tây nên mới dẫn đến cuộc chiến với Nga. Điều này hoàn toàn không chính xác. Ukraine đã mạnh mẽ thoát ra khỏi tầm kiểm soát của Điện Kremlin, bảo vệ lợi ích quốc gia và phẩm giá dân tộc trong việc tự quyết định con đường phát triển tiến bộ hơn, chứ không lay lắt trong nạn tham nhũng và trì trệ. Còn mưu đồ của Moscow thì chưa bao giờ bị che giấu. Nếu Ukraine không nằm trong quỹ đạo của Nga thì sẽ bị tấn công dù sớm hay muộn.


“Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình cũng vậy. Đó là điều Việt Nam bé nhỏ hơn không thể ngăn chặn, chỉ có thể kiềm chế phần nào và tìm đối sách ứng phó. Và thực tế Việt Nam không thể ứng phó một mình, mà phải có sự hợp tác đa phương - một cách nói tránh cho sự liên kết về an ninh hiện hữu, tuy vẫn chỉ ở mức độ thấp, dè dặt do lo ngại phản ứng từ Bắc Kinh.


Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động diễn tập quân sự đa phương thông qua việc cử chiến hạm, như sự kiện Hải quân đa phương MILAN 2024 tới đây tại Ấn Độ, chứ không chỉ dừng ở mức cử quan sát viên đi như nhiều năm trước. Nhưng ngoại giao quốc phòng như vậy là chưa đủ khi Việt Nam rơi vào tình thế có xung đột vũ trang.


Nếu như không có sự hỗ trợ như của phương Tây dành cho Ukraine hiện nay, Việt Nam liệu có đủ sức chống lại một lực lượng hùng hậu, trang bị tối tân hơn nhiều lần như quân đội Trung Quốc hay không?


Do vậy, về lâu về dài, Việt Nam vẫn cần một sự bảo đảm an ninh, một sự liên kết an ninh chắc chắn, mạnh mẽ với những đối tác xứng tầm để cân bằng lực lượng trên Biển Đông nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung.


Trên tất cả, Việt Nam cần tăng cường nội lực, củng cố sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa quân đội dựa trên thành tựu tăng trưởng kinh tế, sự hợp tác với các quốc gia thân thiện.


Song song đó, Việt Nam cần dần thoát khỏi “vòng kim cô”, tầm ảnh hưởng, chi phối của Bắc Kinh về mọi mặt, mà hiện hữu rõ nhất là trong vấn đề kinh tế, sâu xa hơn là con đường phát triển và sự ảnh hưởng về chính trị.


* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một blogger sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam.

No comments: