
BBC News
Nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng, nhưng việc có một con chip trong não có thể chuyển suy nghĩ của bản thân thành các lệnh máy tính đã trở thành hiện thực đối với Noland Arbaugh.Vào tháng 1/2024, tám năm sau khi bị liệt, người đàn ông 30 tuổi này đã trở thành người đầu tiên được cấy thiết bị như vậy từ công ty công nghệ thần kinh Neuralink của Mỹ.
Đó không phải là con chip đầu tiên kiểu này - một số công ty khác cũng đã phát triển và cấy ghép chúng - nhưng trường hợp của Noland thu hút sự chú ý hơn vì người sáng lập Neuralink là tỷ phú Elon Musk.
Tuy nhiên, Noland nói rằng điều quan trọng không phải là anh hay ông Musk, mà là khoa học.
Anh nói với BBC rằng anh biết những rủi ro của việc mình đang làm - nhưng "dù tốt hay xấu, dù chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ có ích".
"Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, tôi có thể đóng góp trong vai trò người tham gia thử nghiệm của Neuralink," anh nói.
"Lỡ có điều gì khủng khiếp xảy ra thì tôi biết họ sẽ học được gì đó."
'Không quyền kiểm soát, không sự riêng tư'
Noland, đến từ Arizona, bị liệt từ vai xuống sau một tai nạn lặn vào năm 2016.
Chấn thương của anh quá nặng khiến anh lo sợ sẽ không thể học tập, làm việc hay thậm chí chơi game được nữa.
"Bạn hoàn toàn mất quyền kiểm soát, mất sự riêng tư và điều đó thật khó khăn," anh chia sẻ.
"Bạn phải học cách chấp nhận rằng mình phải phụ thuộc vào người khác trong mọi việc."
Con chip Neuralink hướng đến việc khôi phục một phần sự độc lập đã mất của anh bằng cách giúp anh điều khiển máy tính bằng suy nghĩ.
Đây là một giao diện máy tính não (BCI), hoạt động bằng cách phát hiện các xung điện cực nhỏ tạo ra khi con người nghĩ đến việc di chuyển và chuyển chúng thành lệnh kỹ thuật số, chẳng hạn như di chuyển con trỏ trên màn hình.
Đây là một lĩnh vực phức tạp mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ.
Dĩ nhiên, sự tham gia của tỷ phú Elon Musk vào lĩnh vực này đã đưa công nghệ này - và cả Noland Arbaugh - lên các mặt báo.
Điều đó giúp Neuralink thu hút nhiều vốn đầu tư cũng như sự giám sát chặt chẽ về độ an toàn và ý nghĩa của một thủ thuật xâm nhập cực kỳ sâu.
Khi việc cấy ghép cho Noland được công bố, các chuyên gia đã khen ngợi hành động này như một "cột mốc quan trọng", đồng thời cảnh báo rằng cần có thời gian để đánh giá thực sự, nhất là khi ông Musk rất giỏi "tạo sự chú ý cho công ty của mình."
Ông Elon Musk đã khá kín tiếng vào thời điểm đó, chỉ viết một dòng trên mạng xã hội: "Kết quả ban đầu cho thấy sự phát hiện xung thần kinh đầy hứa hẹn."
Trên thực tế, Noland cho hay rằng tỷ phú này - người mà anh đã nói chuyện trước và sau ca phẫu thuật - bày tỏ sự lạc quan hơn nhiều.
"Tôi nghĩ ông ấy cũng háo hức như tôi," anh nói.
Tuy nhiên, anh nhấn mạnh rằng Neuralink không chỉ là về người chủ sở hữu và khẳng định anh không coi đó là "thiết bị của Elon Musk".
Liệu thế giới có nhìn nhận như vậy hay không - đặc biệt là khi vai trò gây tranh cãi của vị tỷ phú trong chính phủ Mỹ ngày càng tăng - vẫn còn phải chờ xem.
Tuy vậy, không thể phủ nhận tác động của thiết bị này đối với cuộc sống của Noland.
'Đáng lẽ đã không thể xảy ra'

Khi Noland tỉnh dậy sau ca phẫu thuật cấy thiết bị, anh nói rằng ban đầu anh có thể điều khiển con trỏ trên màn hình bằng cách nghĩ đến việc cử động ngón tay.
"Thật lòng thì tôi không biết phải mong đợi điều gì, nghe cứ như khoa học viễn tưởng vậy," anh nói.
Nhưng sau khi nhìn thấy các tế bào thần kinh của mình hoạt động trên màn hình - trong khi bao quanh là các nhân viên Neuralink đầy phấn khích - anh nói "mọi thứ như vỡ òa" rằng anh có thể điều khiển máy tính chỉ bằng suy nghĩ.
Theo thời gian, khả năng sử dụng thiết bị cấy ghép của anh đã phát triển đến mức anh có thể chơi cờ và trò chơi điện tử.
"Tôi lớn lên cùng các trò chơi," anh nói - đồng thời cho biết thêm rằng đó là điều anh "phải từ bỏ" khi bị liệt.
"Bây giờ tôi đang đánh bại bạn bè của mình trong các trò chơi, điều này đáng lẽ đã không thể xảy ra nhưng lại đang là sự thật."
Noland là một minh chứng mạnh mẽ cho tiềm năng thay đổi cuộc sống của công nghệ này, nhưng cũng có thể tồn tạ những mặt trái.
"Một trong những vấn đề chính là quyền riêng tư," Anil Seth, Giáo sư khoa học thần kinh từ Đại học Sussex, nhận định.
"Vì vậy, nếu chúng ta xuất dữ liệu hoạt động não của mình thì chúng ta đang cho phép truy cập không chỉ những gì chúng ta làm mà còn có thể là những gì chúng ta nghĩ, những gì chúng ta tin và những gì chúng ta cảm nhận," ông nói với BBC.
"Một khi bạn đã có quyền truy cập vào những thứ bên trong đầu mình, thì thực sự không còn rào cản nào đối với quyền riêng tư cá nhân nữa."
Nhưng đây không phải là những mối quan tâm của Noland. Thay vào đó, anh muốn thấy các con chip tiến xa hơn về những gì chúng có thể làm.
Anh nói với BBC rằng anh hy vọng thiết bị này sau cùng có thể giúp anh điều khiển xe lăn của mình, hoặc thậm chí là một robot hình người tương lai.
Ngay cả với công nghệ hiện tại, còn có nhiều hạn chế, mọi thứ cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Có lúc, một vấn đề với thiết bị khiến anh mất hoàn toàn quyền kiểm soát máy tính, khi nó bị ngắt kết nối một phần khỏi não của anh.
"Điều đó thực sự gây khó chịu, ít nhất là vậy," anh nói.
"Tôi đã không biết liệu mình có thể sử dụng Neuralink nữa hay không."
Kết nối đã được sửa và sau đó được cải thiện khi các kỹ sư điều chỉnh phần mềm. Nhưng điều này bộc lộ một mối lo ngại mà các chuyên gia thường bày tỏ về những hạn chế của công nghệ.
Cuộc đua của những ông lớn
Neuralink chỉ là một trong số nhiều công ty đang khám phá cách kết nối kỹ thuật số với sức mạnh não bộ con người.
Synchron là một trong số đó. Họ cho biết thiết bị Stentrode của mình, được thiết kế để giúp những người mắc bệnh thần kinh vận động, chỉ cần một ca phẫu thuật ít xâm lấn hơn để cấy ghép.
Thay vì phẫu thuật não mở, nó được cài đặt vào tĩnh mạch cảnh của người bệnh ở cổ, sau đó di chuyển lên não thông qua mạch máu.
Giống như Neuralink, thiết bị này cuối cùng kết nối với vùng vận động của não.
"Nó ghi nhận khi ai đó đang nghĩ đến việc gõ hoặc không gõ ngón tay," Giám đốc công nghệ Riki Bannerjee nói.
"Bằng cách ghi nhận những khác biệt đó, nó có thể tạo ra cái mà chúng ta gọi là đầu ra vận động kỹ thuật số."
Đầu ra này sau đó được chuyển thành tín hiệu máy tính, hiện đang được 10 người sử dụng.
Một người trong số đó, người không muốn tiết lộ họ của mình, nói với BBC rằng anh là người đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết bị này với kính Vision Pro của Apple.
Mark chia sẻ điều này đã cho phép anh du lịch ảo đến những địa điểm xa xôi, từ dưới thác nước ở Úc đến trên núi ở New Zealand.
"Tôi có thể thấy trong tương lai một thế giới nơi công nghệ này thực sự, thực sự tạo ra sự khác biệt cho những người mắc bệnh này hoặc bất kỳ dạng liệt nào," anh nói.
Nhưng Noland lại lưu ý rằng anh tham gia vào một nghiên cứu kéo dài sáu năm với con chip Neuralink. Điều này có nghĩa là, sau sáu năm, tương lai của thiết bị này đối với anh vẫn chưa rõ ràng.
Dù điều gì xảy ra với anh, Noland tin rằng trải nghiệm của mình chỉ là bước đầu tiên của những gì có thể trở thành hiện thực trong tương lai.
"Chúng ta vẫn còn quá nhiều điều chưa biết về não bộ, và công nghệ này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm," anh nói.
Yasmin Morgan-Griffiths tường thuật bổ sung.
No comments:
Post a Comment