Sunday, October 30, 2011

Xây dựng lại lòng yêu nước từ bài học của người Mỹ và người Nhật

Phạm Hoài Nam

Ai cũng biết chỉ có lòng yêu nước mới có thể giúp cho dân tộc VN thoát ra khỏi bế tắc hiện nay và để được sống đúng với nhân phẩm con người.
Sự khác biệt về giàu nghèo, có hãnh diện về đất nước của mình hay không - chủ yếu là do lòng yêu nước mà ra.
Cũng vì lòng yêu nước mà từ đầu thế kỷ 18, đã có những phong trào trí thức người Nhật tìm cách thoát khỏi quỹ đạo văn hóa của người Trung Hoa, đứng đầu là hai nhà tư tưởng Ogyo Sorai và Motoori Norinaga.
Lòng yêu nước đã thúc đẩy người Nhật đi khắp bốn phương học hỏi những tinh hoa của thế giới trở về tạo ra cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân để bắt kịp các nước Tây Phương và thoát được thân phận nô lệ.
Lòng yêu nước đã khiến cho người Nhật phải biết nhẫn nhục chịu đựng, cố gắng làm việc để vươn lên từ đống tro tàn.
Lòng yêu nước đã thúc đẩy người Nhật đồng lòng chung sức đương đầu trong cơn khốn khó như cuộc động đất vừa mới xảy ra tại Sendai vào đầu năm nay.
Lòng yêu nước đã nhắc nhở người Nhật phải luôn luôn gìn giữ thể diện dân tộc…
Và chính lòng yêu nước đã tạo ra một nước Nhật vĩ đại…
Sự khác biệt giữa đất nước chúng ta và nước Nhật cũng chính từ sự khác biệt về lòng yêu nước. Cùng là một nước ở Á Châu, diện tích, dân số, tài nguyên gần như nhau nhưng một nước thì giàu có và được cả thế giới kính nể, còn nước kia thì ngược lại…
Làm sao để xây dựng lại lòng yêu nước? Đây là câu hỏi mà những ai còn có chút quan tâm đến đất nước đều phải ưu tư suy nghĩ.
Trước khi trả lời câu hỏi đó, thiết nghĩ chúng ta phải đặt câu hỏi: tại sao lòng yêu nước của người Việt Nam suy sụp?. Phải chăng nó phát xuất từ hệ lụy của một nền văn hóa yếu kém, những chế độ chính trị khắt nghiệt, những chính sách cai trị thất nhân tâm và những đổ vỡ liên tục của niềm tin!!!.
Lòng yêu nước và niềm hãnh diện dân tộc có mối liên hệ mật thiết với nhau. Người ta không thể hãnh diện về những gì mà mình không yêu thương và cũng rất ít ai có thể yêu thương những gì mà mình không hãnh diện.



Người Việt Nam ngày nay không còn mấy ai hãnh diện về đất nước và dân tộc của mình, ngoài những yếu tố nêu trên, có thể vì trong chính con người Việt Nam của chúng ta, theo quan điểm của người viết, đã thiếu sót một phẩm cách vô cùng cần thiết – đó là tinh thần hào hiệp mã thượng.
Hãy nhìn lại suốt chiều dài lịch sử của đất nước, chúng ta có được bao nhiên tấm gương của tinh thần này, chúng ta chỉ có lập rồi phá chớ không có tiếp nối, và sau mỗi lần lật đổ một triều đại hay một chế độ là những cuộc giết hại công thần, thanh trừng đẫm máu, những sự trả thù tàn bạo, “nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc” chưa đủ mà có khi còn phải “tru di tam tộc” và nó tiếp tục như thế từ đời này sang đời khác.
Tinh thần hào hiệp mã thượng không phải chỉ thiếu sót ở người lãnh đạo mà càng rõ nét hơn trong những sinh họat tập thể của người Việt Nam, càng đứng trước những thử thách thì khuyết điểm này của người Việt Nam càng hiện ra rõ hơn.
Trong phạm vi ngắn gọn của bài viết này, người viết chỉ có tham vọng rất khiêm tốn là hy vọng rằng qua bài học về lòng yêu nước của người Mỹ và Nhật chúng ta có thể rút được vài điểm nào đó để tìm cách xây dựng lại lòng yêu nước của người Việt Nam.
Bài học từ người Mỹ
1/ Cách đối xử giữa người thắng trận và người bại trận sau cuộc nội chiến
Nước Mỹ chỉ mới lập quốc được có 235 năm, một đất nước rất trẻ so với nhiều nước khác trên thế giới trong đó có nước VN, nhưng người Mỹ có cả ngàn lý do để họ hãnh diện về đất nước của mình. Từ những người đầu tiên viết ra bản hiến pháp xác nhận một chính quyền thật sự vì dân và do dân, trong đó quyền tự do là quyền thiêng liêng không thể tước đoạt, cho đến vị Tổng thống đầu tiên George Washington, mặc dầu có công lãnh đạo dành lại độc lập từ người Anh, nhưng vẫn một mực làm đúng 2 nhiệm kỳ như hiến pháp đã quy định, cho đến một Abraham Lincoln cam đảm bãi bỏ chế độ nô lệ dù phải trả giá bằng cuộc nội chiến, cho đến một Franklin Roosevelt chấp nhận mọi thử thách đứng về phía chính nghĩa để chống lại chế độ Phát xít cho dù chiến tranh xảy ra bên kia bờ Đại Tây Dương, cho đến một Ronald Reagan quyết tâm khôi phục lại lòng tự tin của người Mỹ sau cuộc chiến VN bằng lòng yêu nước mãnh liệt của mình…. Và vô số những tấm gương khác, từ đủ mọi thành phần trong xã hội. Trong bất cứ thời đại nào, người Mỹ không bao giờ thiếu những con người giàu lòng nhân ái như John Rockefeller, như Bill Gate, như Warren Buffett, như Steve Jobs (vừa mới qua đời)... Họ là những người vượt qua khỏi biên giới hạn hẹp của quốc gia, của màu da chủng tộc, để nghĩ đến nỗi bất hạnh của người nghèo khổ trên toàn thế giới.
Trong lịch sử của nước Mỹ, biến cố gây ấn tượng mãnh liệt nhất, có lẽ là cách mà tổ tiên của họ đã đối xử với nhau sau cuộc nội chiến Nam-Bắc chấm dứt vào năm 1865.



Vào ngày 7/5/1975, có nghĩa là chỉ có 1 tuần sau khi quân đội Miền Bắc chiếm được Miền Nam, trong lễ ăn mừng chiến thắng tướng Trần Văn Trà đã nói trước mặt mọi người: “Trong cuộc chiến này, cả Miền Bắc và Miền Nam đều chiến thắng, chỉ có người Mỹ bại trận”.
Không biết vô tình hay chủ ý, câu nói này tương tự như lời phát biểu của Tướng Ulysses Grant sau khi tướng Lee tuyên bố đầu hàng và Tướng Grant đã ghi lại trong quyển hồi ký của mình “Personel Memoir of U. S. Grant”: “Trong cuộc chiến này, chỉ có nước Mỹ chiến thắng, chớ không có ai thắng ai thua. ”
Hai câu nói hình thức gần giống nhau nhưng ý nghĩa lại khác nhau hoàn toàn: Tướng Grant nói thật lòng mình để xoa dịu nỗi đau khổ của người bại trận sau cuộc nội chiến kéo dài bốn năm. Trái lại câu nói của tướng Trần Văn Trà là câu nói mị dân, nằm trong mục đích tuyên truyền của chế độ để gạt tất cả những quân dân cán chính của VNCH, tin vào chính sách “khoan hồng của Đảng”, tin rằng chỉ có 10 ngày “học tập”, nhưng sau đó ra đi không biết ngày trở lại và mãi đến hôm nay sự trả thù như thế vẫn chưa chấm dứt.
Có một điểm đặc biệt là trong cách thể hiện lòng yêu nước của người Mỹ đều có chan chứa tinh thần hào hiệp mã thượng.
Nói về tinh thần hào hiệp mã thượng của người Mỹ, cựu thủ tướng Tony Blair của Anh, trong quyển hồi ký “The Journey” mới xuất bản gần đây đã viết như sau:
“Trong phẩm cách của người Mỹ có tinh thần mã thượng hào hiệp, được hun đúc qua nhiều thế kỷ, phát xuất từ tinh thần khai phá biên cương để lập nghiệp, và nhiều đợt di cư của các sắc dân khắp thế giới đổ về đây, từ cuộc chiến đấu để dành độc lập, đến cuộc nội chiến, từ nhiều biến cố lịch sử, cũng như những sự kiện tình cờ. Tất cả đã làm thành một nước Mỹ vĩ đại.
Cái tinh mã thượng hào hiệp này, không có nghĩa là người Mỹ tử tế hay thành công hơn những dân tộc khác. Nó chính là cảm nghĩ của họ về đất nước của mình. Chính lòng nhiệt tình đối với xứ sở đã phá bỏ được những ngăn cách về màu da, giai cấp, tôn giáo hay quá trình trưởng thành. Lý tưởng của người Mỹ là những giá trị đạo đức mà họ ấp ủ. Lý tưởng này gồm có tự do cá nhân, tôn trọng luật pháp, dân chủ. Nó cũng nằm trong quá trình thành đạt của mỗi cá nhân: hễ giỏi là được trọng dụng, phải tự làm lấy và nếu siêng năng chịu khó tất sẽ thành công. Song có lẽ điểm quan trọng nhất phải nói là mọi người Mỹ đều ao ước duy trì cho được những giá trị trên và ráng bảo vệ những giá trị đó. Họ coi những giá trị đó là ưu tiên hàng đầu cho cá nhân mình, sau đó là cho đất nước. Chính những giá trị đạo đức này giúp cho nước Mỹ cương quyết sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách. Vì những lý tưởng đó mà binh lính Mỹ chấp nhận hy sinh. Vì nó mà mọi người Mỹ, dù giàu sang hay nghèo hèn đều sẵn sàng đứng nghiêm trang chào khi bản quốc ca “The Star-spangled Banner” được trỗi lên. Dĩ nhiên là những lý tưởng đó không phải lúc nào cũng thực hiện được, song mọi người Mỹ đều cố gắng thực thi cho bằng được. ”(1)
Nếu cuộc nội chiến Quốc-Cộng vừa qua đã để lại hệ lụy phân hóa kéo dài đến ngày hôm nay, thì sau cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ đã làm cho người Mỹ yêu nước hơn, đoàn kết hơn và hãnh diện về đất nước của mình nhiều hơn.
Họ hãnh diện không phải chỉ vì bãi bỏ được chế độ nô lệ, đúng với nguyện vọng mà tổ tiên họ đã đề ra trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”, mà còn hãnh diện vì tinh thần hào hiệp mã thượng được thể hiện bởi người chiến thắng lẫn người chiến bại sau khi cuộc chiến kết thúc.
Không có một hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh tướng Robert E. Lee gặp tướng Ulysses S. Grant tại Thị Xã Appamatox, thuộc tiểu bang Virginia ngày 9 tháng 4 năm 1864.
Bức hình lịch sử : Tướng Lee (trái) gặp tướng Grant
Trước đó một ngày, tướng Lee chỉ còn trông chờ vào chiến thắng của một tướng trẻ can trường, để hy vọng tìm cách xoay chuyển được tình thế, nhưng khi hay tin tướng Gordon đã bị đánh bại, mọi hy vọng của Tướng Lee coi như tiêu tan. Quân của tướng Lee tại tiểu bang Virginia đang bị bao vây tứ phía, tiến không được mà lùi cũng không xong. Binh sĩ đã kiệt sức, lương thực đã cạn, đạn dược đã hết và nguồn tiếp tế cũng bị cắt đứt. Trong tình huống đó ông không còn chọn lựa nào khác là phải triệu tập bộ Tham mưu và nói thật ngắn gọn: “Tôi sẽ đến gặp tướng Grant, cho dù điều đó quá nhục nhã đối với tôi” (nguyên văn câu nói của ông: I will go and see General Grant and I would rather die a thousand deaths).
Ngay lập tức ông đích thân soạn một lá thư gởi tướng Grant để yêu cầu sắp xếp một buổi gặp mặt càng sớm càng tốt vì ông không muốn hy sinh thêm bất cứ một sinh mạng nào nữa.
Tại địa điểm hẹn gặp nhau, tướng Lee đến trước bằng ngựa với một sĩ quan tùy viên, hiên ngang trong trong bộ quân phục màu xanh dương, bên hông mang kiếm, thể hiện khí phách của người anh hùng dù bại trận vẫn không khuất phục. Khoảng nửa giờ sau tướng Grant, đại diện cho quân đội chiến thắng Miền Bắc tới. Ông mặc quân phục như một người lính bình thường, giày và quần vẫn còn dính bùn, không đeo kiếm. Hai người chào nhau, và tướng Grant tiếp tướng Lee thân mật như giữa một người Mỹ với một người Mỹ, chớ không phải giữa một người chiến thắng với kẻ chiến bại. Với ông làm nhục một người bại trận dù với bất cứ lý do gì cũng là làm nhục nước Mỹ. Sau này ông thú nhận là lúc đầu ông phải nói chuyện dài dòng với tướng Lee, nhắc lại những kỷ niệm xưa khi hai người cùng chiến đấu chung với nhau trong trận chiến Mexico, lý do là vì ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải nói với Tướng Lee về chuyện đầu hàng. Cuối cùng chính tướng Lee là người đã nêu ra mục đích của buổi gặp mặt, và yêu cầu tướng Grant đích thân thảo bản văn kiện đầu hàng.
Thật sự thì văn kiện đầu hàng Tướng Grant đã soạn sẵn trước khi đến điểm hẹn và tự tay trao cho tướng Lee xem lại.
Đọc qua xong, lần đầu tiên gương mặc của tướng Lee tươi hẳn lên khi biết rằng binh sĩ dưới quyền ông được trở về nguyên quán sinh sống như một người dân bình thường, không phải chịu bất cứ một hình thức trả thù nào. Ông nói: "Điều này có một tác động rất tốt đối với tất cả mọi người, đặc biệt là sẽ giúp rất nhiều cho người của chúng tôi. "
Tuy nhiên ông có thêm 2 yêu cầu:
1/ Cho phép binh sĩ của ông được mang ngựa, lừa về quê quán để sử dụng trong nông trại, vì không giống như quân đội miền Bắc, đây là tài sản của riêng họ mang theo khi gia nhập quân đội.
2/ Ông đang giam giữ hơn một ngàn tù binh quân đội miền Bắc và không còn lương thực cho họ, ngay cả binh sĩ của ông cũng đang đói.
Cả hai yêu cầu này của tướng Lee đều được tướng Grant đồng ý ngay lập tức. Riêng yêu cầu thứ hai, tướng Grant ra lệnh cung cấp ngay cho các tù binh và binh sĩ miền Nam 25, 000 khẩu phần ăn.
Tướng Grant hỏi: “Như vậy, đủ chưa?”
Tướng Lee trả lời: "Thưa đại tướng, như vậy là quá đủ. "
Nói xong tướng Lee đứng dậy bắt tay tướng Grant, nghiêng người chào mọi người rồi bước ra khỏi phòng họp.
Bên ngoài hội trường các sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đang có mặt đều đưa tay kính cẩn chào vị tướng bại trận.
Trên đường trở về doanh trại, các binh sĩ miền Nam nghiêm chào vị tướng lãnh mà họ ngưỡng mộ, có người đã bật khóc, tướng Lee cũng không cầm được nước mắt. Về đến doanh trại, trước mặt nhiều sĩ quan và binh sĩ đang chờ đợi, tướng Lee nói: “Tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được. Các anh em hãy trở về quê quán bây giờ và nếu sống được như những công dân tốt như các anh em đã từng chiến đấu như những chiến sĩ thì các anh em sẽ thành công. Tôi luôn luôn hãnh diện vì các anh em. Chào tạm biệt. Thượng đế phù trợ cho tất cả. " (Boys, I have done my best for you. Go home now. And if you make as good citizens as you have soldiers, you will do well. I shall always be proud of you. Goodbye. And God bless you all. )
Tin đầu hàng của tướng Lee lan ra nhanh chóng, tiếng súng của binh sĩ Miền Bắc vang lên khắp nơi để reo mừng chiến thắng. Ngay lập tức tướng Grant ra lệnh phải ngưng ngay tức khắc: “Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chiến tranh đã chấm dứt. Họ là đồng bào của chúng ta, chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ. ”
Theo điều kiện trong văn kiện đầu hàng, ngày 12 tháng 4 là ngày quân đội Miền Nam sẽ nộp súng ống và cờ xí cho quân đội Miền Nam. Tướng Grant giao việc này cho Đại tá Joshua Chamberlain phụ trách. Còn phía Miền Nam thì tướng Gordon nhận trách nhiệm. Ngày hôm ấy đã xảy ra một cảnh tượng hết sức cảm động. Khi các binh sĩ Miền Nam đi theo đội ngũ tới địa điểm để giao súng ống và cờ xí, Đại tá Chamberlain đã ra lệnh binh sĩ của mình đứng nghiêm chào các anh hùng bại trận đang đi ngang qua để bày tỏ lòng kính trọng. Sau này tướng Gordon đã ghi lại như sau: “Trong giây phút đó, không hề có một tiếng kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo mừng, không một lời nói, không cả một tiếng thì thầm, không một cử động, nhưng là một sự tĩnh lặng khủng khiếp, mọi nhịp thở như ngừng lại và như thể họ đang nhìn những hồn tử sĩ đi qua” và ông gọi Chamberlain là “người sĩ quan hào hiệp nhất của quân đội Miền Bắc. ”
Sau 4 năm nội chiến đã làm 620 ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người bị thương, các đô thị ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ bị tàn phá nặng nề và đương nhiên cũng không khỏi những đắng cay của người bại trận. Nhưng những người lãnh đạo của bên thắng trận lẫn bên bại trận đều lấy tình dân tộc, sự bao dung rộng lượng và lòng hào hiệp để đối xử với nhau. Chính điều này đã làm cho người Mỹ vô cùng hãnh diện về xứ sở của mình.
Sau cuộc chiến, những người lãnh đạo kế tiếp của nước Mỹ vẫn làm theo tinh thần của tướng Lee và tướng Grant, họ không bao giờ bàn đến đến chuyện ai đúng ai sai, ai chính nghĩa, ai không chính nghĩa, mà chỉ nghĩ đến làm sao để hàn gắn lại vết thương của chiến tranh và xây dựng lại đất nước. Các nghĩa trang dành cho liệt sĩ bắt đầu được dựng lên ở hai miền đất nước, bên nào bên đó tự lo lấy, xấu đẹp tùy sức.
Ngày nay khi viếng thăm Nghĩa Trang Arlington ở thủ đô Washington DC, chúng ta sẽ thấy khu nghĩa trang dành cho binh sĩ Miền Bắc và Miền Nam đều trang nghiêm giống nhau và trong tất cả các bảo tàng viện khắp nước Mỹ, hình ảnh quân đội hai bên được trưng bày trân trọng như nhau, để nhắc nhở người Mỹ xem đó như một bài học cho các thế hệ mai sau.
Trên nóc Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ hiện nay có một bức tượng phụ nữ cao 10 mét - tượng trưng cho hình ảnh bà mẹ của Miền Nam có con hy sinh trong cuộc nội chiến.
Bốn năm sau cuộc nội chiến, tướng Grant đắc cử tổng thống và làm 2 nhiệm kỳ (1869-1877), còn tướng Lee vẫn tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ liên bang.
Tướng Lee dù là tướng bại trận, không giữ được chức vụ cao như tướng Grant, nhưng bù lại, càng về cuối đời, tình cảm và lòng kính trọng của người Mỹ dành cho ông càng tăng lên, có thể nói còn cao hơn cả tướng Grant. Ngày nay tượng đài của tướng Lee có mặt nhiều nơi trên nước Mỹ và Robert Lee là tên đường quen thuộc trên một đất nước luôn luôn cố gắng lấy “lòng bao dung xóa bỏ hận thù”.
Nhận xét về con người của tướng Lee, sử gia Benjamin Harvey Hill đã viết như sau:
"Tướng Lee là một đối thủ không có thù hận; một người bạn không phản bội, một người lính không tàn ác, một nạn nhân không than khóc. Một sĩ quan không sa đọa, một công dân không làm điều sai trái, một láng giềng không chỉ trích, một người Công giáo không đạo đức giả, một con người không thủ đoạn. Ông là một Caesar không có tham vọng, một Frederick không có chuyên quyền, một Napoleon không ích kỷ và một Washington không có phần thưởng. "
(General Robert Lee is a foe without hate; a friend without treachery; a soldier without cruelty; a victor without oppression, and a victim without murmuring. He was a public officer without vices; a private citizen without wrong; a neighbour without reproach; a Christian without hypocrisy, and a man without guile. He was a Caesar, without his ambition; Frederick, without his tyranny; Napoleon, without his selfishness, and Washington, without his reward. )
Thật khó có người nào được lời khen như thế, nhưng đó là con người thật của Robert Lee. Với những người lãnh đạo như thế đương nhiên quốc gia họ phải hùng mạnh.
Tưởng cũng nên nhắc lại là khi cuộc nội chiến vừa mới xảy ra, tướng Lee được đề cử chỉ huy quân đội Miền Bắc nhưng ông đã từ chối và gia nhập quân đội Miền Nam, vì ông nói rằng ông không thể phản bội lại cái nơi mà ông đã sinh ra và lớn lên.
2/ Cách đối xử của người Mỹ với cựu thù Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến
Tướng Grant và Tướng Lee đối xử với nhau hết sức tử tế sau cuộc chiến, có thể giải thích vì là người cùng một nước, cùng hấp thụ một nền văn hóa, cùng một màu da, cùng một ngôn ngữ, và cùng nghĩ đến tương lai của đất nước Hoa Kỳ, nhưng đến trường hợp người Mỹ đối xử tử tế không kém đối người Nhật sau Đệ Nhị Thế Chiến thì chắc chắn không phải vì những lý do nêu trên. Người Mỹ hành xử như thế chỉ vì lòng hào hiệp mã thượng cố hữu mà họ đã hấp thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác và đã ăn sâu vào máu xương. Trong lúc đó, người Nhật dù bại trận nhưng vẫn không để mất tinh thần võ sĩ đạo samurai, lòng yêu nước và lòng tự trọng của dân tộc.




Trước khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, Nhật và Mỹ vẫn còn là hai nước kẻ thù không đội trời chung. Trong 4 năm chiến tranh ác liệt tại Thái Bình Dương, đã làm cho người Mỹ hy sinh khoảng 360, 000 binh sĩ và nhiều vết thương khác, nhưng điều đó không làm cho họ nuôi mối thù với người Nhật sau khi chiến tranh chấm dứt.
Hai quả bom nguyên tử rớt xuống Hiroshima và Nagasaki đã làm cho 150, 000 người chết ngay lập tức, nhưng không vì thế mà người Nhật nuôi mối căm hờn. Trái lại cả người Mỹ và người Nhật cùng hợp tác để xây dựng lại một nước Nhật từ đống tro tàn.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên chiến hạm Missouri, đại diện của các nước Đồng Minh và chính phủ Nhật Bản chính thức ký văn kiện đầu hàng.
Sau khi ký xong, đại diện của Đồng Minh là tướng MacArthur đọc bài diễn văn ngắn gọn, nhưng chứa đựng tất cả tinh thần cao thượng của người Mỹ, ông kết bài diễn văn như sau: “Đây là hy vọng thiết tha nhất của tôi, và thật sự cũng là hy vọng của toàn thể nhân lọai, rằng từ sự kiện trang nghiêm này một thế giới tốt đẹp hơn sẽ hiện ra từ máu và sự chém giết nhau trong quá khứ - một thế giới sẽ phục sự cho nhân phẩm con người và để hòan thành ước nguyện cao cả nhất cho tự do, lòng bao dung và sự công bằng. ”.
(It is my earnest hope, and indeed the hope of all mankind, that from this solemn occasion a better world shall emerge out of the blood and carnage of the past - a world dedicated to the dignity of man and the fulfillment of his most cherished wish for freedom, tolerance and justice).
MacArthur không phải chỉ nói như thế để xoa dịu nỗi đau khổ của người Nhật lúc đó, hay vì phép lịch sự của một nhà ngoại giao, mà ông nói thật lòng mình. Gần 6 năm cai trị nước Nhật đã chứng minh rằng ông không phải chỉ làm có thế, mà còn làm nhiều hơn thế nữa. Ông đã giúp cho nước Nhật vượt qua được cơn khốn khó, trở thành một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ và đặt nền tảng cho một cường quốc kinh tế sau này.
Tướng MacArthur thay mặt cho người Mỹ cai trị từ ngày 15/8/1945 cho đến ngày 11/ 4/1951 với tư cách là Tổng Tư Lệnh Tối Cao của các lực lượng Đồng Minh (the Supreme Commander of the Allied Powers), nói là lực lượng Đồng Minh nhưng thật sự là chỉ có quân đội Mỹ. Ngay sau khi đặt chân đến Tokyo, MacArthur ra lệnh cho các binh sĩ dưới quyền ông không được trả thù người Nhật vì bất cứ lý do gì và ưu tiên hàng đầu của ông phải lo cho người dân Nhật qua khỏi cơn đói rách do các hậu quả của chiến tranh.
Việc chọn lựa tướng Tướng MacArthur trong vai trò này là một quyết định sáng suốt của Tổng Thống Truman và là một may mắn cho người Nhật. Trong số tướng lãnh của Mỹ lúc bấy giờ, MacArthur là người có hiểu biết nhiều nhất về văn hóa Nhật Bản, cuộc đời binh nghiệp của ông trải qua phần lớn ở Á Châu. Chính yếu tố này giúp ông dễ dàng thực hiện các cải tổ cần thiết cho nước Nhật và được người Nhật kính trọng mặc dầu truyền thống của Nhật Bản khó có thể chấp nhận ngoại quốc cai trị mình.
MacArthur là một trong những danh tướng lỗi lạc nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Ông tốt nghiệp thủ khoa của trường Võ Bị West Point và cho đến ngày nay chỉ có 2 người tốt nghiệp cao điểm hơn ông. Ông tham gia cả ba trận chiến lớn: Đệ Nhất Thế Chiến, Đệ Nhị Thế Chiến và Cuộc Chiến Cao Ly. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông đều thể hiện là người chỉ huy can trường và bản lãnh, nhưng quan trọng hơn thế nữa ông còn là một người Mỹ kiểu mẫu, một người Mỹ mang lý tưởng của tinh thần hào hiệp, cho dù đối với kẻ thù.
Trong 5 năm rưỡi điều hành nước Nhật, MacArthur đã thực hiện những cải cách toàn diện về hành chánh, xã hội, giáo dục, cách thức bầu cử và điền địa (land reform)... Về phương diện kinh tế ông chủ trương một mô hình kinh tế tự do cạnh tranh giống như ở Mỹ và khuyến khích người Nhật tham gia vào thương trường để tạo ra một tầng lớp trung lưu.
Hiến pháp mà nước Nhật sử dụng cho đến ngày hôm nay là do MacArthur và bộ tham mưu soạn thảo. Hiến pháp mới này dựa Hệ thống của Anh (Westminster System). Trong đó những quyền tự do của con người được tôn trọng triệt để. Hiến pháp này cũng xác định là Nhật Hoàng chỉ là biểu tượng tinh thần giống như Vua hay Nữ Hoàng của Anh.
Trong thời gian từ 1945 đến 1951, với chương trình viện trợ Marshall, người Mỹ đã đổ vào nước Nhật hàng tỉ đô la, cộng với những ý kiến sáng suốt và những chương trình cải cách thiết thực của Tướng MacArthur - đã để lại một dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng lâu dài đối với nước Nhật. Nhờ vậy chỉ 25 năm sau chiến tranh nước Nhật trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới. Dĩ nhiên kết quả này phần lớn cũng do sự nỗ lực làm việc, sự hy sinh và tinh thần của dân tộc Nhật Bản.
Một quyết định sáng suốt khác của tướng MacArthur trong giai đoạn này là ông chống lại việc đưa Nhật Hoàng Hirohito ra Tòa Án Quốc Tế như một tội phạm chiến tranh sau khi chiến tranh chấm dứt. Bản án này nếu xảy ra sẽ từ chung thân tới tử hình.



Điều này không những chỉ gây một chấn động tâm lý mà còn là một sỉ nhục quá lớn đối với người Nhật. Nhật Hoàng là biểu tượng tinh thần của người Nhật. Phá vỡ biểu tượng này tức là phá vỡ kỹ cương truyền thống và cấu trúc xã hội của nước Nhật đã được gìn giữ liên tục trong suốt mấy ngàn năm.
Cuối cùng sau khi rời khỏi nước Nhật, tướng MacArthur chẳng những không bị oán ghét mà còn được dân Nhật xem như là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nên một nước Nhật hiện đại.
Khi nắm quyền quản trị nước Nhật, MacArthur có tham vọng sẽ biến nước này trở thành một nước Mỹ lý tưởng, một nước Thụy Sĩ của Á Châu. Tham vọng này cuối cùng không thành công trọn vẹn vì người Nhật không muốn để mất hồn tính dân tộc của mình.
Một cuốn sách nghiên cứu công phu của học giả Sakaiya Taichi, có tựa là “12 người lập ra nước Nhật”. Theo tác giả, đó là 12 người có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với nước Nhật và tác giả sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng của từng người từ 1 đến 12.
Đây là một cuốn sách rất có giá trị và cũng rất thích thú để đọc. Có điểm đặc biệt là trong 12 người này, không có một danh tướng có công đánh đuổi ngọai xăm, tạo những chiến tích lẫy lừng hay thống nhất đất nước. Cũng không có vị vua khai quốc công thần, ngay cả Minh Trị Thiên Hoàng (người có công lớn nhất trong cuộc Cách Mạnh Duy Tân) cũng không có tên.



12 người mà tác giả Sakaiya Taichi chọn là những người có công đóng góp về tôn giáo, tư tưởng, là những người đã làm thăng hoa giá trị tinh thần của người Nhật. Họ cũng là những đưa ra những quan niệm về chính trị, kinh tế và xã hội cho nước Nhật mà ảnh hưởng của họ vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Trong số này chỉ có một vị tướng và là một người ngọai quốc duy nhất – đó là tướng MacArthur. Đứng thứ 10 trong số 12 người, với các tựa bài là “MacArthur: Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một “nước Mỹ lý tưởng””.
Tôi nghĩ rằng chọn lựa này vô tư và hợp lý và Tướng MacArthur rất xứng đáng được như thế.
Tác giả Sakaiya Taichi phân tích tất cả những cải cách của MacArthur đã ảnh hưởng đến nước Nhật và người Nhật như thế nào.
Trong đó cũng ghi lại lời nói của MacArthur: “Nhật Bản sẽ trở thành một nước như Mỹ, nhưng nước Mỹ ở đây không phải là nước Mỹ hiện bây giờ và một nước Mỹ lý tưởng”.
Cuối cùng tác giả kết luận như sau: “Trong dòng lịch sử Nhật Bản, đột nhiên xuất hiện nhân vật thống trị MacArthur từ nước ngòai đến, một người chưa có hiểu biết chính xác về Nhật Bản, nhưng đã ôm giấc mơ biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng.
Những tham vọng của MacArthur có cái đã thành công mỹ mãn, có cái đã đi quá trớn. Nhưng tựu trung, chúng đã để lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội Nhật Bản cho đến ngày hôm nay”.
Sau 6 năm giúp nhiệt tình, đến khi thấy rằng nước Nhật đã “đủ lông đủ cánh” vững vàng về cả 3 phương diện chính trị, kinh tế và xã hội, người Mỹ và người Nhật ký Hiệp Ước San Francisco ngày 8/9/1951 trao trả độc lập lại người Nhật.
Người Mỹ đã giúp người Nhật vượt qua được cơn khốn khổ và trở thành một quốc gia giàu mạnh, chỉ vì là đồng loại và không phải là thù địch. Đây là nghĩa cử quá cao quý của con người. Đất nước chúng ta cũng đã từng có những cơ hội tương tự nhưng đáng tiếc là chúng ta đã không biết tận dụng cơ hội đó giống như người Nhật, người Nam Hàn, người Đài Loan hay người Do Thái!
Nhật Bản được như ngày hôm nay không phải do một ngày một buổi, mà là kết quả của một quá trình lịch sử mấy ngàn năm. Từ những người lãnh đạo đầu tiên như Thái Tử Shotoku, sau cuộc chiến tôn giáo giữa hai dòng họ Sogo và Mononobe, mặc dầu chiến thắng nhưng vẫn bao dung rộng lượng với kẻ thù và còn cho phép đạo của dòng họ Mononobe tiếp tục được truyền bá, cho đến một Minh Trị Thiên Hoàng quyết tâm bắt kịp các nước Tây Phương, đến một Nhật Hoàng Hirohito, chấp nhận chịu cái nhục “không thể chịu đựng nổi” để đổi lấy sự sống còn cho các thế hệ tương lai.
Từ năm 1885 cho đến nay, nước Nhật có đến 95 lần thay đổi thủ tướng (tức trung bình mỗi thủ tướng tại chức chỉ có 1.3 năm), chưa bao giờ xảy ra chuyện tham quyền cố vị. Chỉ cần một lỗi lầm thật nhỏ là thủ tưởng phải từ chức nhường quyền lại cho người khác. Thay đổi liên tục như thế nhưng không hề ảnh hưởng đến nguồn máy điều hành quốc gia mà ngược lại còn giúp cho chính phủ luôn luôn giữ được niềm tin của người dân.
Xã hội Nhật Bản là một xã hội có tôn ti trật tự, có trước có sau, có trên có dưới, nơi mà người lớn được kính trọng, người trẻ được khuyến khích, trong cơn khốn khó mọi người đồng lòng chung sức đối phó, trong lúc chiến thắng không quá tự phụ kiêu căng và mọi người đều coi trọng danh dự. Chính vì thế mà trong thời chiến có rất ít lính Nhật bị bắt làm tù binh, trong thời bình có nhiều giám đốc tự tử vì không chu toàn trách nhiệm. Đối với họ đó là cách để bảo toàn danh dự cá nhân.
Mặc dầu giai cấp Samurai đã chấm dứt từ năm 1870, tức là cách đây hơn 140 năm, nhưng cho đến nay tinh thần võ sĩ samurai vẫn còn ăn sâu trong máu xương của người Nhật Bản. Người Nhật thường ví vẻ đẹp của người võ sĩ giống như vẻ đẹp của Hoa Anh Đào: sống và chết đều thể hiện nét đẹp.
Nắng xuân chiếu xuống làm cho Hoa Anh Đào đang khép nép bỗng trở mình khoe sắc cho mọi người chiêm ngưỡng… rồi một ngọn gió thình lình thổi đến, Hoa Anh Đào lại dâng hiến cho người thưởng ngoạn những phút giây tuyệt trần với những cánh hoa bay phất phơ theo gió.
Hoa Anh Đào tiêu biểu cho nét đẹp thanh cao, dù mong manh ngắn ngủi. Hoa đẹp trên cành nhưng khi cánh rụng xuống hương vẫn còn thơm, nhụy vẫn còn đẹp. Người võ sĩ cũng phải như thế: sống trong danh dự và nếu có chết tiếng thơm vẫn còn lưu danh muôn thuở.
Người Mỹ và người Nhật có một đặc tính giống nhau là đều có tinh thần hào hiệp mã thượng.
Trong một quyển sách nói về tinh thần của võ sĩ samurai, học giả Inazo Nitobe nói rằng: “Đạo võ sĩ là đạo luật ghi rõ những phương châm sinh tồn và tiến hoá của hạng người có tinh thần thượng võ, ngoài lòng dũng cảm, người võ sĩ còn phải biểu lộ đức nhân từ đối với kẻ thù đã ngã ngựa và phải biết hổ thẹn khi phạm đến điều gì tổn hại đến danh dự”.
Có rất nhiều câu chuyện kể về võ sĩ samurai, dưới đây chỉ là một câu chuyện khá tiêu biểu: Vào Thế kỷ thứ 12, chủ soái Sadato bại trận, bị rượt đến bờ sông Koromo, tướng quân Yoshire rượt theo Sadato và hô lớn: “Bị kẻ thù rượt đuổi không quay mặt lại là không biết nhục!” Sadato ung dung ngồi trên lưng ngựa, không quay lại, đọc một câu thơ, tướng Yoshire thình lình bỏ đi không cho quân đuổi theo, khi quân sĩ hỏi, ông trả lời: “Ta không thể làm nhục một người trong khi bị kẻ thù đuổi theo vẫn ung dung giữ được tinh thần võ sĩ đạo”.
Lịch sử Nhật Bản là lịch sử của những sự tiếp nối hài hòa, không có cảnh trả thù khi thay đổi một triều đại hay một chế độ. Trong gần 700 năm, từ giữa thế kỷ 12 cho đến giữa thế kỷ thứ 19, quyền hành của nước Nhật nằm trong tay các Shogun, phía dưới là giai cấp samurai, thế nhưng Triều đình Nhật Hoàng vẫn được duy trì. Sau khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi, tất cả các Shogun dần dần đều bị dẹp bỏ, quyền binh được phục hồi cho Triều đình Trung ương, nhưng tất cả các Shogun không phải chịu bất cứ một sự trừng phạt nào, trái lại họ còn được bền bù thỏa đáng cho những gì đã mất, các võ sĩ samurai được ưu tiên tuyển dụng vào quân đội Hoàng gia. Chính yếu tố này đã góp phần cho sự thành công của cuộc Cách Mạng Minh Trị Duy Tân.
Kinh tế của Nhật đang đứng hàng thứ ba trên thế giới (vừa xuống hạng năm rồi, nhường ngôi vị thứ hai cho Trung Quốc). Sức mạnh này không phải chỉ nhờ ở những giá trị truyền thống mà còn nhờ ở người Nhật biết tiếp nhận những giá trị tự do và dân chủ của người Tây Phương, như nhà nghiên cứu người Nga Yury Tavrovsky đã nhận định: “Sau chiến tranh Thế Chiến Thứ Hai, những ‘phép lạ kinh tế’ của Nhật gắn liền với những ‘phép lạ chính trị’ ở nước này, điều mà nhiều người không chú ý tới. Chính Hiến pháp Nhật Bản sau chiến tranh đã bảo đảm một chế độ chính trị dân chủ nên mới có được những ‘phép lạ kinh tế’”.
Người Nhật không phải chỉ học về tự do dân chủ, mà còn học từ người Tây Phương ở nhiều lãnh vực khác, từ kinh tế, xã hội, tôn giáo, cho đến giáo dục, khoa học, kỹ thuật…Nói một cách khác là người Nhật biết cách biến cái hay của người khác thành cái hay của mình. Và mặc dầu thiết tha với những giá trị truyền thống nhưng khi cần thiết vẫn sẵn sàng dứt bỏ những gì không còn thích hợp. Họ đã bỏ lịch của người Trung Hoa và sử dụng lịch của Tây Phương từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, ăn Tết theo người Tây Phương và đàn ông Nhật đã bắt đầu mặc áo vest, quần tây, tại công sở từ thời đó. Nhà tư tưởng Fukuzawa còn viết cả một cuốn sách “Thoát Á” vào năm 1885, kêu gọi người Nhật phải tách hẳn ra khỏi quỹ đạo văn hóa của người Trung Hoa để gia nhập vào thế giới văn minh Tây Phương.
Lý do tại sao người Nhật có tư tưởng phóng khoáng về tôn giáo và tiếp thu những cái mới từ bên ngoài một cách dễ dàng như thế?
Nó phát xuất từ tư duy của một con người: Thái tử Shotoku (572-622).
Di sản vô giá của Thái tử Shotoku để lại cho dân tộc Nhật Bản
Người Nhật không bao giờ hiểu được tại sao người ta có thể chém giết nhau tại Bosnia-Herzegovina, Ấn Độ, Pakistan, Trung Đông... chỉ vì lý do tôn giáo. Họ có một quan niệm rất phóng khoáng về tôn giáo, một người có thể theo nhiều tôn giáo trong cùng một lúc, hay một người theo đạo Phật không có lý do gì để không đi dự lễ ở đền Thần đạo. Sự khác biệt về tôn giáo đối với họ chỉ là đặt trọng điểm tín ngưỡng ở đâu mà thôi.
Phật giáo đã tạo ra một cuộc tranh luận khi mới du nhập vào nước Nhật, dòng họ Mononobe có nhiệm vụ chính thức thờ phụng Thần Đạo chống lại sự du nhập này. Cuối cùng đã xảy ra một cuộc chiến giữa dòng họ Sogo (theo đạo Phật) và dòng họ Mononobe. Cuộc chiến chấm dứt sau khi trưởng tộc của dòng họ Sogo là Umako thắng trận Shigisen năm 587. Đó là cuộc chiến tranh tôn giáo đầu tiên ở Nhật và có lẽ cũng là lần cuối cùng.
Năm năm sau Trưởng tộc Umako lập cô của thái tử Shotoku lên ngôi, tức là Nữ hoàng Suiko. Đến năm 593, thái tử Shotoku được phong chức nhiếp chính (Regent), kể từ đó trở đi Nữ hoàng Suiko chỉ còn là một biểu tượng tinh thần, mọi quyền hành cai trị đều nằm trong tay thái tử Shotoku.
Thái tử Shotoku là một người chịu khó học hỏi, uyên bác về mọi lãnh vực và được thần dân kính trọng vì lòng nhân từ và đức độ của ông. Ông là một người rất sùng đạo Phật sau khi theo học đạo với một cao tăng từ Đại Hàn, chính Thái tử đã dựng lên chùa Tứ Thiên Vương, chùa Horuji, tạc rất nhiều tượng Phật và viết chú giải cho nhiều kinh điển Phật Giáo. Ông đích thân truyền bá đạo Phật và có thể coi là người uyên bác nhất về đạo Phật tại Nhật thời bấy giờ. Với lòng mộ đạo và quyền hành nằm trong tay, thay vì biến Phật Giáo trở thành quốc giáo, thái tử Shotoku lại chủ trương - mọi tôn giáo đều bình đẳng, thậm chí còn nâng đỡ Thần Giáo nữa, điển hình chính ông là người tự soạn ra “Kính Thần Chiếu”, để bày tỏ lòng biết ơn đối với các Thần Cổ Lai của Nhật Bản.
Thái tử cũng nghiên cứu cả Khổng Giáo để học hỏi về cách cai trị thần dân, những quy tắc của đạo đức và những khuôn mẫu của cách xử thế. Ông đã mở đường cho Khổng Giáo du nhập vào nước Nhật.
Thời kỳ Thái tử Shotoku nắm quyền tại Nhật cũng là thời kỳ suy tàn của Đế Quốc La Mã tại Âu Châu và là thời kỳ cực thịnh của đất nước Trung Hoa. Lúc này Trung Hoa đang dưới thời nhà Đường, là quốc gia lớn nhất, có tổ chức xã hội và chính trị hay nhất và có nền văn minh cao nhất thế giới. Cả Phật giáo và Khổng giáo đều phát triển mạnh trong thời này. Triều đại nhà Đường rất hiếu khách, mở rộng vòng tay đón tiếp khách thập phương trong đó có nhiều quan lại từ Nhật do Thái Tử Shotoku gởi sang để học hỏi.. Kinh đô mới Kyoto sau này của Nhật được xây dựng dựa trên kiến trúc của thành phố Tràng An.
Những kiến thức mà Thái Tử Shotoku và các quan lại Nhật học được từ người Trung Hoa về chính trị, tôn giáo, kỹ thuật và nghệ thuật… đã được áp dụng rộng rãi vào đất nước của họ trong một thời gian rất dài. Những đóng góp đó đã tạo những thay đổi đáng kể đối với đất nước Nhật Bản và được sử sách ghi lại khá đầy đủ, nhưng đóng góp to lớn nhất của Thái Tử Shotoku đối với người Nhật là “Tư tưởng gộp đạo: Thần-Phật-Khổng”.
Nhận xét về điều này, học giả Sakaiya Taichi đã viết: “Thái Tử Shotoku là nhà tư tưởng duy nhất trên thế giới đã khởi xưởng ra tư tưởng gộp đạo. Tư tưởng này đã ăn sâu vào xưởng tủy người Nhật cho tới ngày nay.”
Tư tưởng này có thể giải thích ngắn gọn như sau: một người theo tôn giáo này không nhất thiết phải từ bỏ tôn giáo kia.
Người Nhật lúc bấy giờ muốn tiếp nhận Phật Giáo và Khổng Giáo như là những nền văn hóa mới từ một nước văn minh tiến bộ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phải chối bỏ việc thờ phụng ông bà tổ tiên thể hiện qua Thần Đạo.
Đối với Thái tử Shotoku, một người vừa theo Phật Giáo, hay Khổng Giáo vừa có thể giữ lại Thần Đạo, không có gì sai trái cả mà còn là một cách thiết thực để học được cái hay từ bên ngoài. Với kiến thức uyên bác, cộng với lòng nhân từ rộng lượng, Thái tử Shotoku đã thuyết phục được đa số người Nhật thời đó chấp nhận quan điểm này. Gần 15 thế kỷ đã trôi qua, quan niệm này ngày nay không những được đại đa số người Nhật chấp nhận ở phương diện tôn giáo mà còn được áp dụng rộng rãi ở nhiều lãnh vực khác.
Đó cũng là lý do tại sao mà tác phẩm “12 người lập ra nước Nhật” của tác giả Sakaiya Taichi, Đặng Lương Mô dịch ra tiếng Việt, đã xếp Thái Tử Shotoku là người đầu tiên trong số 12 người này, với tựa bài: “Thái Tử Shotoku: nhà tư tưởng chủ trương gộp đạo: Thần-Phật-Khổng”. Tác giả Sakaiya Taichi đưa ra tất cả những lý do chính đáng cho việc chọn lựa này và cho rằng Thái tử Shotoku là người có công đóng góp lớn nhất để tạo nên một nước Nhật như ngày hôm nay.
Cuối cùng ông kết luận: “Người Nhật coi việc tiếp nhận văn hóa mới không nhất thiết là vứt bỏ nền văn hóa cũ”.
“Trong suy nghĩ của người Nhật bây giờ, trong cấu trúc của xã hội Nhật ngày nay, có mối quan hệ sâu sắc của phương cách “chọn lọc cái hay” vốn phát xuất từ “tư tưởng gộp đạo” của Thái tử Shotoku.
“Ngày nay, cái phong cách “chọn lọc cái hay”, tức là phương pháp áp dụng văn hóa một cách chọn lọc, chính là ảnh hưởng lớn lao nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ thái tử vậy.”
Hirohito - tấm gương của tinh thần trách nhiệm
Hirohito
Đồng Minh hy sinh 75,000 binh sĩ mới chiếm được Okinawa ngày 21/6/1945 sau 82 ngày giao tranh đẫm máu, phía Nhật Bản tổn thất hơn 100,000 binh sĩ. Đồng Minh càng tiến vô gần nước Nhật thì binh sĩ Nhật Bản càng chiến đấu dũng cảm hơn.
Mặc dầu các thành phố lớn của Nhật lúc đó gần như đã trở thành bình địa sau những trận mưa bom của phi cơ Đồng Minh, nhưng phía Đồng Minh ước tính rằng muốn chiếm được nước Nhật, họ phải hy sinh hơn 1 triệu binh sĩ. Chính vì thế họ quyết định thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9/8/1945.
Trước tình hình như thế, chính phủ Nhật chia làm 2 khuynh hướng, một khuynh hướng chủ trương chiến đấu đến người lính cuối cùng và khuynh hướng kia chủ trương chấp nhận đầu hàng. Nhật Hòang cuối cùng đã ngã theo khuynh hướng thứ hai. Đây là quyết định vô cùng cam đảm vì nếu không, có thể nước Nhật phải chịu thêm vài quả bom nguyên tử nữa. Sau khi hay tin Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, biết bao binh sĩ Nhật ngồi hướng về mặt trời mổ bụng tự tử để bày tỏ lòng trung thành với Thiên Hoàng và tổ quốc.
Bài diễn văn đầu hàng của Nhật Hòang Hirohito đọc ngày 15/8/1945 đã làm xúc động tất cả người Nhật, cho đến nay họ vẫn thường nhắc lại mỗi khi đương đầu với thử thách, trong đó có một đọan như sau:
“Chúng tôi thấu hiểu những cảm xúc sâu xa của tất cả các thần dân, tuy nhiên theo tiếng gọi của hoàn cảnh và định mệnh, buộc lòng chúng tôi phải đi tìm một giải pháp hòa bình trường cửu cho các thế hệ mai sau bằng cách phải cam chịu những điều không thể cam chịu nổi và chịu đựng những điều không thể chịu đựng nổi…
Hãy tập trung tất cả sức lực của thần dân để xây dựng tương lai.” (We are keenly aware of the inmost feeling of all of you, our subjects. However, it is according to the dictates of time and fate that we have resolved to pave the way for a grand peace for all generations to come by enduring the unendurable and suffering what is insufferable…
Unite your total strenght to be devoted to the contruction for the future."
Đầu hàng, đối với người Nhật, là chịu đựng một cái nhục không thể chịu đựng nổi. Trong suốt dòng lịch sử, họ chưa bao giờ biết đầu hàng trước ngoại bang, ngay cả quân Mông Cổ thời cực thịnh đã hai lần đem quân đến đây đều bị đánh bại. Ngoài ra, đất nước đối với họ không phải chỉ có đất đai sông núi mà còn là một di sản thiêng liêng thừa hưởng từ tổ tiên.
Nhật Hoàng Hirohito không chỉ có nói như thế, mà trong thời hậu chiến ông trở thành tấm gương tập trung mọi ý chí của tòan dân để xây dựng lại một nước Nhật từ đóng tro tàn. Ông là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với dân tộc Nhật Bản từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.
Không thắng được ở chiến trường, người Nhật chuyển qua chinh phục thế giới bằng kinh tế. Sử gia người Mỹ Herbert P. Bix đã bỏ ra nhiều công phu để hòan thành tác phẩm “Hirohito and the Making of Modern Japan” cho thấy là sự thành công kinh tế của nước Nhật thời hậu chiến có công đóng góp rất lớn của Nhật Hoàng Hirohito. Chính Hirohito đã thỏa thuận ngầm với tướng MacArthur qua trung gian của Thủ tướng Shigeru Yoshida để tạo điều kiện dễ dàng cho danh tướng người Mỹ hòan thành những chương trình tái thiết nước Nhật.
Theo điều kiện đầu hàng, Nhật Hòang Hirohito bị tước bỏ danh hiệu Thiên Hòang (State Shinto) và chỉ còn làm một biểu tượng tinh thần giống như các Hoàng gia ở Âu Châu. Tuy nhiên người Nhật vẫn xem ông là Đại diện của Quốc gia (Head of state) và lòng kính trọng của họ dành cho Nhật Hòang vẫn không thay đổi.
Sau chiến tranh, ông không còn khép kín như trước mà hoạt động tích cực trong lãnh vực xã hội và có mặt thường xuyên trong các nghi lễ... ông không chỉ là biểu tượng tinh thần mà còn là biểu tượng cho sự đòan kết của quốc gia và ý chí của dân tộc Nhật Bản trong cơn khốn khó. Xét cho cùng thì sự đóng góp đó không phải là nhỏ.
Đối với quốc tế, ông sớm hồi phục lại uy tín của mình, bằng chứng là trong những chuyến công du ra ngọai quốc, ông luôn luôn được tiếp đón như một quốc khách, được Nữ Hòang Elizabeth tiếp đón tại Anh ngày 7/10/1971, gặp Tổng Thống Nixon tại Alaska và được Tổng thống Ford tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc ngày 2/10/1975.
Nhật Hòang Hirohito qua đời ngày 7/1/1989 và được tổ chức quốc táng có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó đương nhiệm Tổng thống George H. W. Bush, Tổng thống Francois Mitterand…
Kết
Tinh thần của người Mỹ và người Nhật đã góp phần tích cực cho sự thăng hoa của con người, và họ cũng chứng minh cho thế giới thấy rằng quốc gia có giàu mạnh hay không là nhờ ở yếu tố con người, con người là tài sản lớn nhất của một đất nước, chớ không phải là tài nguyên, đất đai hay một yếu tố nào khác.
Chính lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng bao dung và hào hiệp của những con người như các danh tướng Ulysses Grant, Robert Lee, MacArthur, Thái tử Shotoku, Nhật Hòang Hirohito… đã làm thay đổi hẳn số phận của hai đất nước và đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong dòng lịch sử, khiến cho mỗi khi nhắc đến mọi người đều cảm thấy tràn đầy niềm hãnh hiện về đất nước của mình. Và đó cũng chính là động lực thúc đẩy họ phải gìn giữ và phát huy truyền thống thừa hưởng từ thế hệ cha ông.
Đó cũng là tấm gương cho người Việt Nam học hỏi.
Phạm Hoài Nam
____________________________________________________________
Chú thích:
(1) Thái-Anh dịch từ theo Time ngày 13/9/2010
Tham khảo:
- “Personal Memoir of U. S. Grant”
- “12 người lập ra nước Nhật” Sakaiya Taichi, Đặng Lương Mô dịch ra tiếng Việt
- The American Civil War by American History in VOA
- American’s Civil War by Professor John C.Willis
- The suffender at Appomattox Court House by Horace Porter, Brevet Brigate General
- Robert E. Lee, Ulysses S. Grant, Douglas MacArthur – Wikipedia
- Hirohito and the Making of Modern Japan by Herbert P. Bix
- Tinh thần võ sĩ đạo qua một số nhân vật lịch sử Nhật Bản – Trần Văn Thọ
- Surrender of Japan - Wikipedia
- A short history of Japan by Curtis Andressen

Bạn HP chuyển

TẠI SAO NHẬT BẢN CAN THIỆP VÀO BIỂN ĐÔNG?




TTXVN - Tài liệu Tham khảo đặc biệt- Bài của học giả Dương Bá Giang, Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế Trung Quốc, đăng trên tạp chí “Hoàn cầu” số ra ngày 16/10, phân tích động cơ Nhật Bản can thiệp tình hình Biển Đông như sau:
Gần đây những động thái can thiệp tình hình Nam Hải (Biển Đông) của Nhật Bản ngày càng mạnh lên. Ngày 27/9 Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cùng với Tổng thống Philíppin Aquino đến thăm Nhật Bản ra Tuyên bố chung, trong đó vấn đề Nam Hải và việc hai nước tăng cường hợp tác trong vấn đề Nam Hải là nội dung chính.
Lãnh đạo hai nước xác nhận “Nam Hải là cực kỳ quan trọng vì vùng biển này nối liền thế giới với châu Á – Thái Bình Dương, hoà bình ổn định ở Nam Hải là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Tự do hàng hải, giao thông đường biển không bị cách trở, tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành và giải quyết hoà bình xung đột là phù hợp với lợi ích của hai nước và cả khu vực”, đồng thời nhấn mạnh đảm bảo an ninh đường biển ở Nam Hải là lợi ích chung của hai nước.
Hai bên quyết định nâng cấp đối thoại hiệp thương chính sách cấp thứ trưởng giữa Nhật Bản và Philíppin lên thành đối thoại chiến lược, hội nghị bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng “2+2” giữa Nhật Bản và Philíppin lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào nửa đầu năm 2012. Hai nước sẽ đẩy mạnh giao lưu và hợp tác phòng vệ, thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau giữa Tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản và Tư lệnh hải quân Philíppin; hạm đội của lực lượng phòng vệ trên biển sẽ đi thăm Philíppin; thành lập cơ chế thảo luận, tham mưu hải quân giữa hai nước. Tăng cường hợp tác cảnh sát biển, tàu tuần tra lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản sẽ đi thăm Philíppin, giúp Philíppin huấn luyện đội cảnh vệ bờ biển, nâng cao khả năng tác nghiệp của đội cảnh vệ này.
Tuyên bố chung không có chữ nào nhắc đến Trung Quốc nhưng một số báo chí quốc tế, trong đó có cả báo chí Nhật Bản cho rằng ý đồ trong Tuyên bố chung nhắm vào Trung Quốc là không thể bàn cãi. Báo “Nihon Keizai” của Nhật Bản cho biết Philíppin là nước Đông Nam Á thứ ba thiết lập “quan hệ chiến lược” với Nhật Bản, cũng giống như Việt Nam và Inđônêxia đều có tranh chấp về chủ quyền biển với Trung Quốc. Trong ngoại giao châu Á, tỉ trọng xem xét vấn đề an ninh nhắm vào nước Trung Quốc trỗi dậy đang tăng lên.
Việc lấy Nam Hải làm đề tài, xác định Trung Quốc là mục tiêu để tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và Philíppin, mỗi nước có tính toán riêng nhưng so với Philíppin, cách tính toán của Nhật Bản còn mang nhiều “tính chất không hạn định” hơn, đa dạng hơn, vượt ra ngoài phạm vi vấn đề Nam Hải, lại càng vượt ra ngoài khuôn khổ song phương Nhật Bản-Philíppin.
Trước hết, Nhật Bản lôi kéo các nước Đông Nam Á cùng đối phó với Trung Quốc, ý đồ của Nhật Bản là hình thành chế độ phối hợp hai cánh giữa biển Hoa Đông và biển Nam Hải, tăng thêm con bài trong vấn đề Hoa Đông cũng như đảo Điếu Ngư (Senkaku), đồng thời phân tán áp lực trong nội bộ của nước mình. Trên bàn cờ chiến lược của Nhật Bản, các vấn đề về Nam Hải và Hoa Đông liên quan mật thiết với nhau. Nhật Bản muốn lôi kéo, rút ngắn khoảng cách với các nước Đông Nam Á để gây ảnh hưởng của mình ở khu vực. Để đảm bảo lợi ích an ninh ở trong và ngoài nước, biện pháp cơ bản của Nhật Bản không ngoài ba cách tính là tăng cường lực lượng phòng vệ tự chủ, củng cố liên minh Nhật-Mỹ và hợp tác khu vực. Ngoài việc xác nhận hai nước “có lợi ích chiến lược chung về đảm bảo an ninh hàng hải, Tuyên bố chung còn nhấn mạnh hai nước cùng có quan niệm giá trị cơ bản về tự do, dân chủ, nhân quyền, chính trị…, đồng thời cùng phát triển với tư cách là các nước kinh tế thị trường tự do và năng động”. Dụng ý của việc xác nhận như vậy là nhằm lợi dụng “ưu thế về quan niệm giá trị” để làm rõ hơn những điểm chung với các nước liên quan ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, Nhật Bản còn muốn tỏ rõ địa vị quan trọng của mình trong chiến lược khu vực của Mỹ. Tháng 7 năm ngoái, tại Hội nghị ngoại trưởng của Diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton đã “bày tỏ quan tâm và hào hứng” đối với vấn đề Nam Hải, cho biết tranh chấp lãnh thổ các đảo ở Nam Hải liên quan đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ, đề xuất phương pháp giải quyết bằng phương thức đàm phán đa phương. Không lâu sau đó báo chí chính thống của Nhật Bản đăng xã luận cho biết phải “thông qua hợp tác quốc tế để ngăn chặn Trung Quốc ra vào ở Nam Hải”. Trong tuyên bố chung lần này, Thủ tướng Noda đã cố ý nhấn mạnh Nhật Bản và liên minh Nhật-Mỹ phát huy vai trò không thể thiếu được trong việc ổn định và sự phồn vinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản phải chứng minh cho Mỹ thấy được rằng mặc dù “đã mất 20 năm”, lại vừa trải qua thảm hoạ hạt nhân do động đất, gọi là “thảm hoạ 11/3” nhưng Nhật Bản vẫn có ý nguyện kiên định và có đủ khả năng ủng hộ, phối hợp với Mỹ điều chỉnh chiến lược khu vực. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, một số vấn đề như căn cứ Futenma, TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương)… đã dây dưa mãi chưa được giải quyết, Chính quyền Obama đứng trước cuộc bầu cử tổng thống đã “không dễ dàng kiên nhẫn” đối với Nhật Bản nên nội các của Noda đặc biệt cần thể hiện được mặt hợp tác, phối hợp với Mỹ.
Nhưng phối hợp với Mỹ, “bảo vệ an ninh hàng hải” lại không phải là toàn bộ động cơ để Nhật Bản can dự vào Nam Hải. Thời kỳ đầu sau chiến tranh Nhật Bản coi Đông Nam Á là bàn đạp để khôi phục kinh tế và trở lại với cộng đồng quốc tế, sau đó lại coi Đông Nam Á là chỗ dựa về địa chính trị và sân sau chiến lược để trở thành nước lớn chính trị, một thời gian dài trọng tâm viện trợ đối ngoại của Nhật Bản đã nghiêng về khu vực này. Tuyên bố chung Nhật Bản-Philíppin lần này xác nhận hai nước sẽ cùng nỗ lực, thúc đẩy sớm thực hiện cải tổ Liên hợp quốc trong đó có nội dung tăng thêm ghế của nước thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Tuyên bố chung nhấn mạnh hai nước sẽ tận dụng cơ hội của các hội nghị khu vực và đa phương để tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại cấp cao, đặc biệt là cơ hội “hợp tác chặt chẽ” tại Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ tổ chức vào tháng 11 tới đây. Liệu Nhật Bản có công khai ủng hộ lập trường của Việt Nam và Philíppin trong khung cảnh quốc tế bằng hành động tiếp theo, thúc đẩy tổ chức đàm phán đa phương giải quyết vấn đề tranh chấp Nam Hải hay không, vấn đề này sẽ trở thành chiếc hàn thử biểu để trắc nghiệm chính sách đối với Trung Quốc của nội các Noda.
Tuy vậy, đứng trước các vấn đề như tái thiết sau sự cố hạt nhân, chấn hưng kinh tế, giảm thâm hút ngân sách, hoàn thiện chiến lược năng lượng, áp lực lớn nhất đối với nội các của Noda vẫn còn là tình hình trong nước. Các chính trị gia thuộc pháo chiến lược ở Tôkyô đều biết rõ rằng Trung Quốc là một cơ hội trong việc giúp Nhật Bản loại bỏ suy thoái, giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, nội các Noda không thể không tính đến lợi ích hiện thực. Bởi thế, việc Nhật Bản can dự vào vấn đề Nam Hải, phối hợp với Mỹ, kiềm chế Trung Quốc, nâng cao giá trị của bản thân, lôi kéo ASEAN, liệu những việc làm đó của Nhật Bản có được như ý nguyện hay không, vấn đề này cũng đang đặt ra một câu hỏi bỏ ngỏ./.


Posted on Tháng Mười 30, 2011 by chimbaobao

Bạn HP chuyển

Thursday, October 27, 2011

Who Owns the Paracel Islands?

Simmering Tensions in the South China Sea.

Posted by Michael Thai on Thursday, July 23, 2009 · 7 Comments

In the South China Sea there are a group of tiny, uninhabited islands known to the western world as the Paracel Islands (Quan Dao Hoang Sa in Vietnamese and Xisha Qundao in Chinese). The archipelago lies roughly 200 miles from the nearest mainland shore, equidistant from Vietnamese and Chinese coastlines, and is delineated into two groups: the Amphitrite group in the northeast and the Crescent group in the southwest. In total the geographic region consists of over thirty islets, sandbanks, and reefs.

The archipelago has no native population and as a result ownership has been frequently disputed throughout history. Chinese cultural relics dating back to the Tang and Song Dynasty have been found off the Xisha Islands. In the 15th century Emperor Lê Thánh Tông established Vietnamese commercial activities which included fishing and salvage operations on what they dubbed as the Hoang Sa (Golden Sandbank) Islands. It is widely believed that before historical records existed Vietnamese fishermen harvested these waterways for centuries.


On January 19, 1974 The Battle of the Paracel Islands was fought between the People’s Republic of China and the Republic of Vietnam (South Vietnam). French colonials ruled over the islands beginning in 1887 but subsequently bequeathed administrative control to South Vietnam with the Geneva Accord of 1954. As the Vietnam War raged throughout the mainland ARVN military presence on the Paracel Islands waned to a single platoon. To strengthen their tenuous position South Vietnam announced plans to construct an airbase on the archipelago to support C-7 Caribou transport planes. Afraid that their claim to the islands would be lost indefinitely if construction succeeded, China responded in force when South Vietnamese naval vessels were dispatched to protect the airbase surveying project.

Prior to the battle Chinese militia set up a flag and stelae establishing their sovereignty on Robert Island. Frigate Lý Thường Kiệt, one of four Vietnamese warships to later engage in battle, signaled the Chinese squadron to withdraw. The two forces shadowed each other throughout the night but did not engage. The next morning thirty Vietnamese commandos waded ashore Robert Island and removed the Chinese flag unopposed. Reinforcements arrived on both sides, another frigate joined the Lý Thường Kiệt and two PLAN corvettes joined the Chinese.


Vietnamese warship Trần Khánh Dư

On the morning of January 19th Vietnamese troops landed on Duncan Island and were met with gunfire from Chinese troops. At 10:24am four Vietnamese ships opened fire on four Chinese warships. The sea battle lasted forty minutes, with numerous vessels on both sides taking heavy damage. The Vietnamese were forced to disengage. One warship, the Nhật Tảo, was disabled in the battle and the crew ordered to evacuate. Her captain, Major Ngụy Văn Thà, remained under fire and went down with his ship. All four Chinese ships were seriously injured.

The following day Chinese jet fighters and ground attack aircrafts departing from Hainan bombed three Paracel Islands. The Chinese followed the attacks with an amphibious assault. South Vietnamese marines on the islands were captured and naval ships were forced to retreat. South Vietnamese also received warnings from U.S. surveillance that Chinese guided missile frigates and MIG jet fighters were en route from Hainan.


Vietnamese naval commandos at Hoang Sa


In the aftermath of the conflict South Vietnam protested vehemently to the United Nations but was unable to achieve any action or consideration. China’s veto power on the UN Security Council blocked efforts to review the matter. Gonzalo Facio Segreda, president of the Council in 1974, publicly advised South Vietnam to give up because they simply “could not muster the votes.”

Though the islands hold minor military value, geological surveys of the area indicated significant potential for petroleum deposits in the surrounding waters. The reunification of Vietnam in 1976 spurred the Socialist Republic of Vietnam to renew their claim on the islands.

Disputes originating over boundary demarcations and authority over the Paracel Islands continue to this day. Specifically, China’s policy towards Vietnamese fishermen in the area has shed a harsh light on modern day China’s imperialist designs.

On June 16th 37 fishermen from Quang Ngai province were detained by a Chinese fishing patrol while they were fishing off Phu Lam Island, one of the Paracel Islands claimed by both Vietnam and China. Chinese authorities subsequently released 25 of the prisoners but maintained that the other 12 would stay in detention on Phu Lam until fines of VND 540 million (USD$30,700) were paid. If the fines are not paid they will be extradited to Hainan Island and handed over to the Chinese police.

Nguyen Tam, a crew member aboard Captain Nguyen Chi Thanh’s boat recalls the incident:

“They took our ship to the island (Phu Lam). All of us (13 sailors) stayed in one room. After that, they called captain Nguyen Chi Thanh to meet and forced him to sign reports requiring that each ship has to pay fine of 70,000 Chinese yuan. We had to sign because we were afraid of being beaten and starved. After four days of arrest, when Storm No. 2 (Linfa) subsided, the Chinese released boat QNg-6597 TS at 11pm, June 22. The two remaining ships detained by China broke down.”

China alleges that the men were in violation of a fishing ban they had imposed in May to prevent depletion of seafood resources. The fishermen are from the village of An Hai located on Ly Son Island. Many families have borrowed capital from banks and relatives in order to build their ships. The sum of money requested by the Chinese is so huge that the fishermen and their families cannot pay the fines. An Hai village authorities have asked provincial and central governments to intervene on behalf of the fishermen.

Pham Thi Be, the wife of detained boat Captain Nguyen Chi Thanh tearfully recalls:

“My husband and I worked hard for many years to save some money to build a ship. Now my husband is arrested, our ship is held offshore, and we still haven’t paid off our debt for it. Where can I find money to redeem my husband and our boat?”


“Ship owners and fishermen are all very worried when they go for offshore fishing. If they are arrested and have to pay fines to the Chinese, they will surely lose everything.” Duong Van Tho, one of the 25 released fishermen, with the Chinese decision to impose fines

On Thursday, July 9th a press conference held by the Foreign Ministry in Hanoi demanded the “immediate and unconditional” release of the 12 fishermen. Le Dung, a spokesman for the government stated that Vietnamese authorities will refuse to pay the fines and claims that the men were detained while fishing in waters under Vietnamese sovereignty. He also requested that China “compensate losses in health and property of the detained fishermen.”

In refusing to cave to China’s demands, Vietnamese officials hope to prevent setting a dangerous precedent. Nguyen Xuan Huoc, chairman of Ly Son district, stated the following:

“Our district is asking the Vietnamese Embassy in China and the Ministry of Foreign Affairs to intervene so China soon releases the fishermen and their boats. Our fishermen caught fish in Vietnam’s waters, so why has China arrested them and forced them to pay such high fines? Ly Son district is determined not to let its fishermen pay such groundless fines.”

This incident is only the most recent in what has been a string of questionable Chinese expansionist policies in the South China Sea. On January 8th, 2005 navy ships from the Republic of China opened fire and killed nine Vietnamese fishermen, injured seven, and kidnapped eight others in the Gulf of Tonkin. China claimed the massacre in Vietnamese waters was an act of self defense against ‘armed pirates’. There was no evidence that any of the small wooden fishing boats were engaged in aggressive behavior towards the Chinese navy. According to Reuters, China detained 80 Vietnamese fishermen in December 2004. The Vietnamese coast guard reported a total of 1,107 illegal incursions by Chinese boats into Vietnam’s waters that same year.

Thi Lam, author of the memoir The 25-Year Century: A South Vietnamese General Remembers the Vietnam War, believes “the fishing rights issue may be only a cover, and the Jan. 8 massacre may be part of a scheme to terrorize Vietnamese fishermen and to discourage them from venturing into Chinese gas exploration areas.”

In February 2009, China arrested three fishing boats from An Vinh village, also in Ly Son, while fishing off the Hoang Sa Islands. China detained dozens of fishermen on those ships for seven days and levied fines totaling 190,000 Yuan (VND 487million – USD$28,500). Three other boats from Ly Son were also seized and fined by Chinese fishing patrols in the first half of 2009. Ly Son District’s People’s Committee claims that about 40 local fishing boats have been arrested by foreign authorities since 2002.

Both sides have equally compelling claims to the Paracel Islands and neither government can be held harmless in the ongoing disputes in the South China Sea. But it is wholly unjust for local fishermen to be detained and fined excessive fees for simply attempting to make a living in their territorial waters. I sincerely hope China releases the detained fishermen but long term territorial integrity may only be established through the international community’s awareness of China’s nascent imperialism as well as a prosperous Vietnam and support from free and democratic nations.





A fisherman sleeps on his boat in a fishing port in the central coastal city of Da Nang

Wednesday, October 26, 2011

40 năm sau một cuộc bội phản



Nguyễn Vy-Khanh

Với tư cách hậu sinh và nghiệp-dư nghiên cứu lịch-sử, chúng tôi xin có một số nhận xét về biến cố lịch-sử và chính-trị 1-11-1963 đã xảy ra 40 năm trước, mong độc giả xem đây là những góp ý hướng về tương lai hơn là tranh luận hơn thiệt và biên khảo lịch-sử.



1. Trước hết, cuộc đảo-chánh 1-11-1963 nói chung là một vụ bội-phản có tính toán và vì quyền lợi (1) phe nhóm cá nhân hơn là quốc-gia, của một số sĩ quan cao cấp trong đó phần lớn là thành phần đã được người Pháp đào tạo. Xảy ra như ở một số thuộc địa ở Phi châu mà tình trạng còn mãi đến nay! Cuộc đảo-chánh 1-11 thêm một lần chứng minh và làm nổi bật cái não trạng (mentality) phản trắc, hai lòng và cái não-trạng phục tùng ngoại bang của một số người Việt Nam. Ngay hai đảng viên Cần Lao đã phản là tướng Tôn Thất Ðính và đại tá Ðỗ Mậu: ông Ðính, “con cưng của chế độ”, ngày 25-10 trước đảo-chánh, đã xin cải tổ chính phủ và cho ông chức bộ-trưởng Nội-Vụ nhưng bị từ chối (ông Trần Văn Ðôn thì mong được chức bộ trưởng Quốc-Phòng) ngoài ra ông mang thêm mặc cảm tấn công các chùa đêm 21-8-63 và bị ông Nhu khiển trách họp báo nói tiếng Pháp bồi và cho đi nghĩ Ðà-Lạt, còn đại tá Ðỗ Mậu theo đảo-chánh vì tức đã không được lên tướng trong khi bạn ông (cùng trình độ như ông) được đeo sao. Sau ngày 2-11-1963, lon tướng tá được gắn thoải mái, cả tự gắn, có người (tướng Ðỗ Cao Trí) phải khiếu nại và rồi dù vừa mới lên lon chưa đầy tháng cũng được thêm một lon nữa! Thời Trịnh Nguyễn và phân tranh Gia Long - Tây Sơn được tái diễn trên mảnh đất nhiều ngàn năm văn hiến đó! Những não trạng đáng buồn đó, tiếc thay, hãy còn hiện diện sống động trong cộng đồng người Việt hải-ngoại!

2. Cuộc đảo-chánh này nay nhìn lại thấy rõ là một mưu đồ chống phá những nền tảng cùng tư tưởng dân-chủ của một nền Cộng Hoà (République) non nớt 9 năm. Cá nhân một số tướng tá đảo-chánh đã phản chủ, phản thầy, phản đảng trưởng, nhưng toàn thể những người liên hệ xa gần với đảo-chánh đã phản bội chính thể dân chủ. Chế độ Ngô đình Diệm vào 2, 3 năm cuối có thể bắt đầu mất lòng dân vì tỏ ra độc tài, đối lập bị tù, cả bị chết oan, đồng ý, nhưng đối lập ở Việt Nam ta cứ nhắm lật đổ chính quyền hợp pháp, cứ một sống một chết, mà không chấp nhận trò chơi dân chủ. Nếu tranh đấu chính-trị như ở các nước Tây phương thì đã không đưa đến những hậu quả đó. Vả lại tất cả những người bị chính quyền bắt (sinh viên, học sinh, phật tử, chính-trị gia, cả những người bị bắt sau vụ đảo-chánh 11-11-1960 chờ ra tòa) đều đã được Hội đồng cách-mạng thả tự do - nhưng bắt tù lại một số cao cấp của chính quyền vừa bị đảo-chánh, có người sau sẽ bị xử tử! Xét về toàn bộ nguyên nhân đưa đến cuộc đảo-chánh 1-11, yếu tố tôn giáo chỉ là cái cớ, một cớ có tổ chức chứ không tự bộc phát và “pháp nạn” chỉ xảy ra ở một số nơi có đầu não phe Phật giáo chính-trị!

3. Nếu phải nói đến Chính Nghĩa, Chính Danh, thì nhìn chung, đã bị phe đảo-chánh và đồng minh Mỹ xem thường. 1-11-1963 là một cuộc đảo-chánh nghĩa là phá đổ Chánh đề phù Tà hoặc tạo-dựng một Chánh khác không thể Chánh bằng cái Chánh do dân chủ tạo nên, vì dù gì thì chính quyền đệ nhất cộng-hòa là một cơ cấu hợp hiến, hợp pháp và tương đối có chính nghĩa! Ngay sau khi chắc chắn anh em tổng-thống Ngô đình Diệm đã chết, chiều 2-11-1963, Ủy Ban Cách-mạng (2) đã ra Quyết nghị số 2 ngưng áp dụng Hiến Pháp 26-10-1956! Có người đổi “đảo-chánh” thành “cách-mạng” thì cũng chẳng thấy cách-mạng gì hơn vì cũng từng ấy nhân vật, từ thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ đến các tướng nhiều sao trong Hội đồng Cách-mạng đều do quân đội (và công an) thực dân Pháp đào luyện, và cũng chẳng có lý-thuyết cách-mạng gì mới! Những người làm đảo-chánh tự cho có chính-nghĩa dù không tôn trọng trật tự, dân chủ, cả những người làm đảo-chánh 11-11-1960 trước đó. Có người phê phán ông Ngô đình Diệm “lật lọng”, “phản” cựu hoàng Bảo Ðại là người đã bổ nhiệm ông làm thủ-tướng, có người còn nhân danh phong hoá Nho giáo hoặc dân tộc. Chúng tôi nhìn thời đó như một thời Trịnh Nguyễn và Gia Long-Tây Sơn: thì Quang Trung cũng đã nhận lời vua Lê Hiển Tông phù Lê diệt Trịnh và còn được gả công chúa Ngọc-Hân cho, mà rồi sau quần thần vua Lê bị ông rượt sang Tàu. Thứ nữa sử cũng ghi rằng anh em Tây Sơn nhận phục tùng chúa Nguyễn, chỉ cốt lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan thôi, mà rồi thành Phú Xuân đã bị anh em Tây Sơn đốt cháy, còn quần thần Chúa Nguyễn phải bỏ chạy vô Nam. Thứ nữa, thời điểm tháng 6 và 7 năm 1954 là lúc chiến-tranh Việt-Pháp lên cao độ, khủng hoảng chính-trị (chính-phủ Bửu Hội không được lâu), xã hội băng hoại và miền Nam thì thập nhị sứ quân. Cựu hoàng Bảo Ðại dù là quốc trưởng nhưng không hề đụng việc, chỉ giải trí riêng với hậu thuẫn (và tiền bạc, bổng lộc) của các sứ quân. Bảo Ðại lại do người Pháp đặt ở chức quốc trưởng, nên trưng cầu dân ý và Hiến Pháp 26-10-1956 không phải là một bước đầu dân chủ đấy sao? Trong hoàn cảnh bất an hậu thế chiến và thuộc địa đó, làm thủ tướng đâu phải dễ (trước đó mấy năm thủ tướng BS Nguyễn Văn Thinh đã phải tự sát!). Chính những người pro-Bảo Ðại ở Pháp lúc đó đã nhận xét như LM Cao Văn Luận nhân chứng ghi lại trong hồi ký của ngài:” Bảo Ðại đưa Ngô đình Diệm ông Diệm về Việt Nam là để đốt cháy tương lai chính-trị của ông mà thôi!” (3). Thành quả và sự thực lịch-sử đã hiển nhiên, viết lịch-sử là đứng ở tổng thể và cân nhắc phải-trái, sao lại có người đi soi móc chi tiết thổi phồng cho to, mà lại làm một cách thiên vị hoặc giả dối, đạo đức giả ? Tiện đây chúng tôi xin mở dấu ngoặc nói thêm là đối với cuộc chiến-tranh vừa qua (1954-1975), giới viết lách trong nước và một phần ở hải-ngoại đã nhận ra rằng chẳng có chính nghĩa nào hết nếu xét cho cùng. Tất cả chỉ là cường điệu, và hai bên đều là công cụ cho những “lý-tưởng” đối chọi nhau. Và vì không có chính nghĩa (dù có chính-đáng) nên cũng đã chẳng có một chung cuộc theo nghĩa có bên thắng có phe thua. Nga, Trung quốc và Hoa-Kỳ chỉ ngưng ... chơi vì kiệt quệ, vậy thôi! Phạm Kim Vinh, vốn khó tính, vẫn nhìn nhận “chính quyền Ngô đình Diệm là chính quyền duy nhất của người Việt quốc-gia tạo được chính danh, chính thống và chính nghĩa cho công cuộc chống Cộng của người Việt Nam” (4).

4. Ðể “hoàn thành” cuộc đảo-chánh, trong hai ngày 1 và 2-11-1963, những kẻ chủ mưu và thừa hành đã ám sát theo thứ tự thời gian: đại tá Hồ Tấn Quyền tư lệnh hải quân trưa 1-11, đại tá Lê Quang Tung tư lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt, và em ông là thiếu tá Lê Quang Triệu tối 1-11; tổng-thống Ngô đình Diệm và em ông là cố vấn Ngô đình Nhu sáng 2-11. Bốn người, anh em ông tổng-thống và anh em ông Tung Triệu bị đại úy Nguyễn Văn Nhung cận vệ của Dương Văn Minh giết và bắn chết (thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa cùng với đại úy Nhung giết anh em tổng-thống), đại tá Quyền bị thuộc hạ phản thùng là thiếu tá Lực và đại úy Giang giết. Các sĩ quan khác không thuận theo đảo-chánh hoặc bị nghi ngờ thì bị giam ở bộ Tổng Tham mưu như Cao Văn Viên, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Ngọc Khôi, Ðỗ Ngọc Nhận, v.v.

Người trách nhiệm hàng đầu trong vụ ám sát anh em tổng-thống là trung tường Dương Văn Minh. Các tướng thuộc Ủy Ban Cách-Mạng ở Sài-Gòn lúc đó như Trần Văn Ðôn (5), Tôn Thất Ðính (6) và đại tá Ðỗ Mậu (7), ... hoặc ở xa như tướng Khánh, Thi đều xác nhận điều này. Dù gì thì anh em tổng-thống Ngô đình Diệm đã bị ám sát chết, do thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa hay đại úy Nguyễn Văn Nhung thừa hành thì tướng Dương Văn Minh và Ủy Ban Cách-Mạng phải liên đới trách nhiệm trước lịch-sử, cũng như các tướng Mai Hữu Xuân (“Mission accomplie!” chào trình tướng Dương Văn Minh) và hai đại tá Nguyễn Văn Quan và Dương Văn Lắm, ... chỉ huy đoàn quân xa đi đón đã không làm tròn trách nhiệm, hoặc có chỉ huy mà như không hoặc đồng lõa vì sự đã rõ là hai ông Nghĩa và Nhung muốn làm gì thì làm (cả cho biết trước!). Ông Trần Văn Ðôn kết luận chuyện tìm kẻ chủ xướng đã tỏ đồng ý và khen “người nào đó ra lịnh giết nầy quả là một người thấy xa, ông ta không phải ngu dại khi làm việc đó” (8). Dĩ nhiên người Mỹ hài lòng vì tham vọng bành trướng chiến-tranh sẽ hết bị cản trở bởi vị nguyên thủ quốc-gia hợp hiến, đã mừng reo lên chiều ngày 2-11 khi đón hai ông Ðôn và Lê Văn Kim đại diện các tướng đảo-chánh: “C'est formidable! C'est magnifique! (Tuyệt vời!)” (9).

Vai-trò của Nguyễn Văn Nhung thì đã rõ (10), còn thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa thì nhiều nhân chứng từ sau 1963 đã ám chỉ ông tham gia việc giết anh em tổng-thống - cả hai đều ngồi chung xe thiết-giáp với anh em tổng-thống. Theo Trần Văn Ðôn, ông Nghĩa đòi đi theo đoàn đón tổng-thống và nói “Moa có nhiệm vụ” (11). Hoàng Văn Lạc (biệt bộ tham mưu phủ tổng-thống lúc đảo-chánh) và Hà Mai-Việt trong Nam Việt-Nam 1954-1975: Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới xuất-bản năm 1990, buộc tội ông Nghĩa là đao phủ thủ thứ hai trong vụ ám sát tổng-thống. Ðiều tra của ông bà Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Ðức xuất-bản năm 1994 cũng đưa tới cùng kết luận đó (12) nhưng ông Nghĩa từ chối trả lời phỏng vấn sau khi qua Mỹ theo diện H.O. Năm 1996, ông Nghĩa cuối cùng lên tiếng, tự biện hộ cho rằng ông có biết tướng Dương Văn Minh ra lệnh giết ông Nhu. Ngay sau đó, ông bà Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Ðức viết bài vạch mười điểm sai lầm và ngụy biện của ông Nghĩa, cho biết thêm đại úy Phan Hòa Hiệp (sau lên chuẩn tướng) đã nói với hai soạn giả (cũng như với nhiều người khác như Ngô Ðình Châu (13)), rằng ông đã nghe ông Nghĩa nói sẽ giết anh em ông Diệm để trả thù cho đại úy thiết giáp Bùi Ngươn Ngãi bạn ông và cùng đảng viên Ðại-Việt bị tử thương trong ngày đảo-chánh (14). Ông Duệ thì chắc chắn về việc ông Nghĩa nhúng tay giết tổng-thống vì có hai nhân chứng thấy ông Nghĩa lau tay dính máu. Về sau ông Nghĩa làm phụ thẩm tòa án cách-mạng xử tử ông Ngô đình Cẩn, vậy theo ông Duệ, ông Nghĩa đã dính máu ba anh em ông tổng-thống (15)! Ông Huỳnh Văn Lang trong bộ hồi ký Nhân Chứng Một Chế Ðộ đã cho biết thêm một số chuyện: đại tá Nguyễn Văn Quan có vai-trò trong cái chết của anh em Ngô đình Diệm, ông Quan thuộc đảng Ðại Việt và có thù cá nhân với ông Nhu (16). Thứ nữa, tướng Dương Văn Minh bất mãn bị lấy lại “chiến lợi phẩm” từ Bảy Viễn (17). Ông Nguyễn Hữu Duệ, lúc đảo-chánh là thiếu tá tư lệnh phó cho trung tá Nguyễn Ngọc Khôi Lữ đoàn Phòng vệ tổng-thống phủ, đã ghi lại trong Nhớ Lại Những Ngày ở Cạnh Tổng-Thống Ngô đình Diệm (18), rằng ông Quan đã chối với ông vai-trò trong vụ ám sát tổng-thống vì ông Quan chỉ tình cờ đi theo. Cựu đại tướng Cao Văn Viên trong Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng-Hòa trong lời Bạt viết thêm khi bản dịch xuất-bản (19), đã tiết lộ thêm ông suýt bị cách-mạng giết vào tối 1-11 sau khi đại úy Nhung đã đưa anh em Lê Quang Tung đi giết ở Nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế.

Ông Ngô đình Cẩn và Phan Quang Ðông thì bị “cách-mạng nối dài” xử tử ngày 9-5-1964 tức sáu tháng sau. Ông cố vấn Ngô đình Cẩn cả-tin ở lời hứa của người Mỹ, đã vào trốn ở toà lãnh sự Mỹ ở Huế để cuối cùng bị đại sứ Henry Cabot Lodge giao lại cho những người vì họ ông phải ... xin tị nạn, rồi khi có án tử thì Lodge (vờ) xin ân xá cho nạn nhân của y! Như vậy cái chết đến với ông vì một tướng Cần lao phản bội khác vì muốn lấy lòng Phật giáo nhưng lý do chính có thể vì không khai thác được tiền tưởng ông Cẩn và gia-đình gửi ở Thụy Sỹ trong thực tế có thể không hề có (20)!

Ðảo-chánh 1-11-1963 cùng với những cái chết bi đát không những đối với người chết, với công lao và hành trạng của họ, mà còn bi đát cả đối với người sống, bởi vậy đã 40 năm qua, tang thương đã nhiều mà những cái chết đó vẫn còn ám ảnh nhiều người, Việt cũng như Mỹ, Pháp! Bà Anne Blair gọi là một “mối ám ảnh đeo đuổi dai dẵng lương tâm nước Mỹ, quần chúng và nhà lãnh đạo xứ này, tạo ra hội chứng Việt Nam / Vietnam Syndrome” (21). Người bản chất đã xấu càng tệ hơn bên cạnh con người thanh cao càng tỏ rạng hơn với thời gian!

5. Ðảo-chánh này đã có lợi cho kẻ thù nghịch là Hà-Nội và cho đồng minh Hoa-Kỳ. Hà-Nội từ sau đảo-chánh không còn phải đối đầu chính-trị với Ngô đình Diệm - một người yêu nước, thanh liêm mà nay chỉ phải đối đầu với tay sai, bù nhìn của thực dân Mỹ, lại tham nhũng, mất tư cách, gây “khoảng trống chính-trị khổng lồ” cho miền Nam thì dễ dàng quá xá! Cựu đảng viên cộng-sản Bùi Tín cho biết đảo-chánh đã gây thuận lợi cho mưu đồ thôn tính miền Nam của Hà-Nội, tháng 4-1964, chính tướng Nguyễn Chí Thanh đã đích thân vào Nam điều khiển cuộc chiến đó (22)! Hoa-Kỳ thủ phạm và tòng phạm giết Ngô đình Diệm, tổng-thống một quốc gia độc lập vừa là đồng minh, nay ai cũng biết là vì quyền lợi đế quốc kinh tế chứ chẳng vì lý thuyết cao quý gì cả! Lobby áp lực tư bản Mỹ đứng sau ba ông cố vấn “anti-Diem activists” của tổng-thống Kennedy là tác-giả bức công điện định mạng Deptel 243 gửi cho đại sứ “thực dân” Cabot Lodge, công điện bật đèn xanh cho vụ đảo-chánh! Còn chuyện Hoa-Kỳ giết lãnh tụ đồng minh, từ hơn 50 năm nay danh sách khá dài; khiến sau cái chết của tổng-thống Diệm, một vị lãnh tụ ở á-châu là Ayoub Khan, thủ tường Pakistan, đã tuyên bố rằng làm đồng minh Hoa-Kỳ thật nguy hiểm, tốt hơn nên trung lập hoặc làm kẻ thù - sau này Kissinger cũng lập lại nhưng đạo đức giả vì tay ông ta nhúng chàm ở Chili, Việt Nam và nhiều nơi khác! Chính phủ Mỹ chứng minh với thế giới rằng khi họ cần thì là đồng minh, khi hết xử dụng được hoặc đụng chạm quyền lợi Mỹ thì ám sát, kể cả người đó là theo chủ nghĩa quốc gia hoặc cùng tôn giáo Thiên Chúa với người Mỹ. Và làm đại sứ Mỹ ở đâu là hôm trước trình ủy nhiệm thư, hôm sau trở thành chuyên viên đảo-chánh!

6. Ðã là một thiết yếu có tính cách giai-đoạn, thành thử về trường kỳ đã là một sai lầm lớn. Các tài liệu được bạch hóa cũng như nhiều nghiên cứu, sách báo từ đó đã đi đến cùng một kết luận: tổng-thống Kennedy đã cho phép (chứ không phải “ra lệnh” - đây là cách hiểu lệnh theo ý của tùy tòng phụ tá ở Mỹ như ... và ở Việt Nam như Lucien Conein, Henri C. Lodge). Nghiên cứu mới nhất của ký giả James Rosen tựa The Strong Man: John Mitchell, Nixon and Watergate về vụ Watwergate nhưng trở về một nguồn là vụ ám sát tổng-thống Ngô đình Diệm. Cuốn sách Doubleday sẽ xuất bản tháng 8-2004 nhưng đã có một số bài báo tiết lộ một số chi tiết, như chuyện một cuộn băng được bạch-hoá ngày 28-2-2003 cho biết phó tổng-thống Johnson đã xác nhận tổng-thống Kennedy và ban tham mưu kể cả ông, không những đã bật đèn xanh mà còn “tổ chức và thi hành vụ thảm sát này” (“organized and executed it”) với lý do “tham nhũng / corrup”) (?), do đó đã “giết ông ta. Chúng ta đã họp với nhau và dùng một bọn giết mướn đáng nguyền rủa để làm việc này” (“So we killed him. We all got together and got a goddam bunch of thugs and assassinated him”! Xin để ý chữ dùng của phó tổng-thống Johnson để gọi những người phe đảo-chánh! Nhưng ông thêm một câu cho nhẹ tội đồng lõa: “Chúng ta đã giết ông ta vì cho rằng ông ta không tốt. Lúc đó tôi đã can đừng làm việc đó nhưng họ không nghe tôi và cứ thi hành” (“And I just pledge with them please don't do it. But that is where it started and they knocked him off”). Trong Triangle of Death: The Shocking Truth About the Role of South Vietnam and the French Mafia in the Assassination of JFK , hai nhà báo Bradley O'Leary và L.E. Seymour cho rằng vụ ám sát tổng-thống Kennedy là hậu quả của vụ ám sát anh em tổng-thống Ngô đình Diệm và do bàn tay của mafia gốc Pháp ở New Orleans LA và cả người Việt Nam. Dù những cố vấn và chóp bu toà Bạch ốc có chia ra hai phe bảo-thủ và tự-do, nhưng trách nhiệm lịch-sử đã đổ lên đầu tổng-thống Kennedy! Tổng-thống Kennedy 2 ngày sau, 4-11-1963, xúc động và tỏ ý hối tiếc vụ đảo-chánh và nhận trách nhiệm (23) nhưng vì muốn lấy phiếu cử tri nên ngày 20-11-1963 họp báo ở Hononulu đã tuyên bố sẽ rút quân về nếu thắng cử, và hai ngày sau thì ông bị ám sát ở Dallas, phó tổng-thống Johnson lên thay sẽ tha hồ đổ quân vào Việt Nam như tư bản Mỹ muốn!

Dĩ nhiên CIA cũng đã có một vai-trò quan trọng dù kín đáo hơn trong vụ ám sát hai anh em ông tổng-thống Ngô đình Diệm (24). Ngoài ra, các thông tấn, báo chí nhất là New York Times từ 28-11-1962 đã “dám” cảnh cáo tổng-thống Ngô đình Diệm nếu không nghe lời Mỹ, sẽ bị rớt đài (25). Các nhà báo Hoa-Kỳ như David Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Brownw, v.v… tìm liên hệ với báo chí Việt Nam đứng đầu là Bùi Diễm tờ Saigon Times để hoàn thành “chiến dịch” lật đổ tổng-thống một nước đồng minh! Báo chí và truyền thông Hoa-Kỳ sau đó vẫn tiếp tục can dự vào chính-trị Việt Nam đưa đến biến cố 30-4-1975 khiến nhiều người đã kết luận là báo chí Mỹ đã thua cuộc chiến đó, vì vậy mà sau này quân đội Hoa-Kỳ đi đánh vùng Vịnh ở Trung đông đã giảm thiểu tối đa sự có mặt của giới truyền thông Mỹ!

7. Biến cố đảo-chánh này và những diễn biến chính-trị sau đó chứng tỏ vai-trò tệ hại của các chính đảng vốn nhập cảng từ Bắc vào với Hiệp định đình chiến 1954, đã không thật thích hợp với miền đất phía Nam. Các chính khách đó chỉ nhắm ghế bộ trưởng và quyền hành (thời kham khổ chiến đấu bí mật hay từ quần chúng nơi thôn quê hẻo lánh đã ... xa lắc!). Rồi từ ngoại quốc về thẳng ghế phó thủ tướng, bộ trưởng, ... rồi chạy theo người Mỹ vận động chức chưởng. Xuất hiện những Tân Ðại Việt, Phong Trào Cấp Tiến cùng với những biến mất vì ám sát của những Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Văn, ... Những đại tá Nguyễn Văn Quan, thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa đều là đảng viên Ðại Việt. Vai-trò của các đảng phái đặc biệt là Ðại-Việt Quan Lại tuy không là yếu tố quyết định nhưng góp phần phía chính trị lật đổ chế độ hợp hiến Ngô đình Diệm. Bùi Diễm khoe trong hồi ký và qua các tài liệu mật Pentagon cũng như các tài liệu nói chung, đã cho thấy ông đã đóng vai khá động, với tư cách nhà báo của Saigon Times và đồng thời đảng viên Ðại-Việt, đã làm “con thoi” của người Mỹ, ngay từ đảo-chánh 11-11-1960! Chính Ðạo từng hơn một lần gọi ông Diễm và Ðặng Văn Sung là “đảng viên Ðại-Việt thời cơ” (26). Ông Diễm từ 1960, nhất là sau vụ Caravelle, đã liên hệ cũng như “tường trình” vạch lá tìm sâu chế độ Ngô đình Diệm cho các nhà báo người Mỹ như Neil Sheehan, M. Brown, David Halberstam, v.v. (27). Họ Bùi và đảng Ðại-Việt vì tham vọng quyền lực chính-trị đã “tế thần” chế độ tổng-thống Ngô đình Diệm, qua connection Joseph Buttinger và thủ lãnh Nguyễn Tôn Hoàn đang ở Hoa-Kỳ lúc đó (chờ về ... chấp chánh) làm lobby với chính quyền Kennedy. Các tướng lãnh đảo-chánh cũng như chỉnh lý và biểu dương lực lượng sau đó (1963-1965) đều rơi vào mê hồn trận của đảng Ðại-Việt, chi phối cho đến hoà đàm Paris và biến cố 30-4-1975 và cả sau đó ở hải-ngoại (28). Cũng không nên quên vai-trò của thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa trong cái chết của anh em ông tổng-thống Ngô đình Diệm, ông Nghĩa là đảng viên Ðại-Việt và từng tuyên bố trả thù cho đồng đảng bị tử trận ngày đảo-chánh. Sau ông lên đại tá và ra hải-ngoại được chất vấn vẫn chưa trả lời thỏa đáng.

8. Nhiều nhân-vật liên hệ và sự kiện, diễn biến chung quanh vụ đảo-chánh cũng như chế độ Ngô đình Diệm đã bị huyền thoại hóa, về gia tài gia đình họ Ngô - tiền của tổng thống Ngô đình Diệm gửi cha Toán Dòng Chúa Cứu Thế đã bị tướng Trần Văn Minh cho người đến lấy, tiền của cố vấn Ngô đình Cẩn đã bị tướng Ðỗ Cao Trí và Nguyễn Khánh lấy - ông này còn đòi thêm tiền ở Thụy sỹ nhưng có lẽ không có nên đã phó mạng ông Cẩn cho phe Phật giáo bạo động lấy lòng. Một vài sự vật và việc nhỏ nhoi khác cũng được thổi phồng, huyễn hóa cho lớn chuyện: nghiên mực Tức Mặc Hầu có người tình cờ thấy trong dinh Tổng thống, Vương Hồng Sển, một thư-ký thuộc địa (1923-43) lên đến Quản thủ Viện Bảo Tàng Sài-Gòn (1947-1964), lại đi thắc mắc và tố ông tổng-thống chiếm đoạt một nghiên mực (bằng suy luận) (29) - trong khi bao vàng bạc châu báu triều đình Huế đã dâng cho Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận đại diện Hồ Chí Minh buộc nhà Vua cuối cùng Triều Nguyễn thoái vị - thì chưa ai “dám” nói đến! Nghiên mực trong một căn phòng tổng thống mà vật dụng, trang hoàng chưa chắc đã hơn phòng ngũ của tài xế những ông tướng cùng thời, thì có gì đáng nói ? Nhưng, nhiều “khoa bảng, sử gia” dùng đó để kết luận về ... con người tổng-thống Ngô đình Diệm và phê cả chế độ!

9. Rồi chỉnh lý, biểu dương lực lượng và một số quả báo đã xảy ra cho những người liên hệ xa gần vụ đảo-chánh: TT Mỹ John F. Kennedy bị ám sát 3 tuần sau, ngày 22-11-1963, bốn tướng đảo-chánh (DV Minh, Xuân, Ðôn, Kim), Nguyễn Văn Nhung thiếu tá mới lên, Trần Văn Chương, ... hoặc bộ mặt thật chẳng ra gì của họ! Về Dương Văn Minh, bà Tùng Long đã có nhận xét rất đáng kể khi Huỳnh Thành Vị mời bà vào nhóm Ba phe sau khi ông Minh ở Thái Lan về lại Việt Nam, bà đã từ chối lấy lý do không làm chính-trị mà nếu có làm cũng không bao giờ hợp tác với ông Minh với lý như sau: “Khi cờ đến tay mà còn không phất được thì bây giờ còn có cơ hội nào để làm nữa” (30). Bà Tùng Long lúc nhỏ ở gần nhà ông Minh ở đường Trương Công Ðịnh gần vườn Tao đàn, và học chung với các em gái ông Minh. Ðại tướng Lê Văn Tỵ cũng từng phát biểu rằng tướng Big Minh chỉ “là một thùng phuy rỗng” (31).

10. Trong số những người trung thành với chế độ Ngô đình Diệm, đã có những người nhìn thấy trục trặc của chế độ do đó đã lên tiếng, ra tay, nhưng không được đáp ứng và do đó phải chịu trả giá bản thân: BS Trần Kim Tuyến, ông Nguyễn Văn Châu. V.v. Sau đảo-chánh 11-11-1960 của các sĩ quan như Vương Văn Ðông, Nguyễn Chánh Thi và có bàn tay của một số chính khách, một số người thân tín của chế độ đã nhìn thấy cần cải cách, thay đổi. Một lực lượng đối lập dân chủ được hình thành, Phong Trào Ðại Ðoàn Kết, từ đầu năm 1961 đã có một số đề nghị cải cách trong đó đề nghị lập chức Thủ tướng và giao cho BS Phan Huy Quát là bộ mặt chính-trị tương đối thanh liêm và có tầm cỡ. Nhưng ông cố vấn Sài-Gòn không cùng ý kiến, do đó ông Châu mất chức, phải đi D.C. làm tùy viên quân sự từ tháng 9-1962, ông Tuyến làm tổng lãnh sự ở Ai cập nhưng chưa nhận nhiệm sở thì đảo-chánh đã xảy ra. Cuộc đảo-chánh 1-11-1963 xảy ra thì tình hình Việt Nam về chính-trị, quân sự đã khác với thời đảo-chánh 11-11-1960: ba năm sau, người Mỹ thao túng mạnh mẽ hơn và các vị trung thành với chế độ đã bị ly tán, không có quân hoặc quyền hành như trước! Ông Châu bị ông Nguyễn Ngọc Khôi trách đem quân ủy vào làm yếu quân đội (32). Còn ông Nguyễn Hữu Duệ thì đưa ra sự kiện trước đảo-chánh, khi “đại tá Tung được lệnh cô lập ông Mậu để dằn mặt những người mưu toan” nhưng ông trung tá Châu “nhảy bổ vào trình diện tổng-thống khóc lóc than phiền là ông Nhu bây giờ hết tin anh em, đã đẩy ông đi xa , nay còn anh Mậu theo cụ từ bao lâu nay mà cũng ra lệnh bắt (...) Nếu ông Châu đừng xía vô việc này thì ông Mậu bị bắt, như vậy các tướng sẽ không dám làm đảo-chánh, tôi hỏi thêm ông Châu. Việc này có thể đúng, ông trả lời” (33)! Ông Duệ hỏi ông Châu chỉ vài ngày sau đảo-chánh. Theo Trần Văn Ðôn và nhiều người thì ông Ðỗ Mậu theo đảo-chánh vì sợ hơn là chủ động theo!

11. Vụ hiệp thương hoặc cố vấn Ngô đình Nhu tiếp xúc với đại diện Hà-Nội (Phạm Hùng, và có thể cả Trần Ðộ theo như lời ông Tôn Thất Thiện (34)) trước nay vẫn được dùng như một luận cứ để bênh vực ... Mỹ và nhóm tướng lãnh đảo-chánh! Chính ông Ngô đình Nhu trong một số buổi học tập chính-trị đã kể - chứ không giấu diếm như nhiều người lầm tưởng để khiến CIA Mỹ phải rình rập! Chính Ðạo Vũ Ngự Chiêu nhiều lần nhưng nhất là trong Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, 1945-1975, đã chứng minh “hành động “ve vãn” Cộng-Sản của anh em Diệm-Nhu (...), yếu tố “phiến Cọng” này mới thực sự mang lại sự sụp đổ của đệ Nhất Cộng Hòa (1956-1963) mà không phải cuộc tranh đấu của Phật Giáo, hay cái gọi là “bảo vệ chủ quyền quốc-gia”, “quốc thể”, “nền độc lập” như nhiều người tưởng nghĩ” (35). Một số người để biện hộ cho những hành vi phản bội, phá đổ miền Nam đã lấy lý do ông Nhu nói chuyện với miền Bắc mà họ gọi là “thỏa hiệp với Cọng, xé bỏ Hiến pháp” như Ðỗ Mậu từng ngụy biện (36), vì rồi cũng chính ông Mậu mấy năm trước khi chết đã viết Tâm Thư (1995) và về lại trong nước và đã có những thái độ, lời nói rất khả nghi! Lịch-sử chưa phê phán, chính mình đã tự lột mặt nạ! Giả dụ chuyện đó (cũng như chuyện cành đào chủ tịch họ Hồ miền Bắc gửi cho tổng-thống miền Nam) có thật và thành công, thiển nghĩ nhiều triệu người Việt, Nam và Bắc, đã không phải hy sinh, nằm xuống hoặc mất tích, thương tật, v.v. và hôm nay cũng chẳng có ai phải bàn cãi chuyện chất độc Orange đã thiêu hủy, gây thương tật cho thiên nhiên, môi trường sống ở Việt Nam cũng như những quái thai trong các ống thí nghiệm của Nhà Nước Hà-Nội! Và biết đâu miền Nam đã trở thành Nam Hàn! V.v. Ừ nhỉ, thế thì cái diaspora Việt Nam hải-ngoại làm sao giải thích? * Vấn-đề nghiên cứu về biến cố, người trẻ sau này sẽ gặp nhiều khó khắn cũng như dễ dàng (37). Xin tham khảo chính văn, đừng nghe kể lại dù người đó là khoa bảng hay có tiếng; nhãn “linh mục, pháp danh” cựu này cựu kia, với một thiểu số có khi còn nguy hại hơn tài liệu và chứng giám của một tù nhân hay lính quèn! Có thật sự tham khảo mới có thể có nhận định, phán đoán chính đáng, công bằng. Hãy tập bỏ lý luận vì người cùng phe, vì danh tiếng người nào đó, nếu muốn tránh hời hợt và trở thành trò xiếc!

Muốn nghiêm chỉnh nghiên cứu và phê phán cuộc đảo-chánh 1-11-1963, thiển nghĩ không thể không làm (thêm) những việc sau đây: - Nghiên cứu lý thuyết chính-trị Nhân Vị của ông Ngô đình Nhu. Thuyết này không từ trên trời rơi xuống, có thông hiểu nó và con người chủ trì ra nó đông-tây tổng hợp và có cái nhìn viễn kiến - cũng như muốn hiểu Trung cộng không thể không tham khảo những gì Mao Trạch Ðông đã viết từ những thập niên 1930, 40. Chính đảng trong chính quyền mà có lý thuyết nghiêm túc dĩ nhiên là cần thiết, băng đảng mới là nguy hại! - Nghiên cứu lại những lý-thuyết chống Cộng của ông Nhu cũng như của các người khác, của những thời 1954, 1960, 1963, v.v. so với sau đó cho đến 30-4-1975. - Khách quan tìm hiểu những thực hiện của chế độ đệ nhất Cộng-hoà như chính sách dinh điền, khu trù mật, ấp-chiến-lược, v.v. Cũng tránh thiên-kiến, cảm tính là những điều khó tránh cho những người có liên hệ xa gần đến các biến cố, và tránh những tổng quát hóa đơn sơ như kết luận kiểu “Ngô đình Diệm tạo nên thời đại hoàng kim của Ki-tô giáo” (38) trong khi thực tế phức tạp nhiều! - Một khía cạnh khác cũng đáng kể nhưng ít ai đi sâu vào: vai-trò ông cố vấn miền Trung Ngô đình Cẩn. Ông Cẩn liên hệ tốt đẹp với giáo hội Phật giáo ở Huế cũng như với Thích Trí Quang. Nhạy bén và biết hành xử chính-trị, trong vụ khủng hoảng Phật giáo mùa Hè 1963, ông đã mời được các vị lãnh đạo Phật giáo đến nhà ông ngày 7-5-1963 và đã nói như sau khi tiễn họ ra cửa: “Một trò Ơn chết mà chết cả một chính phủ, huống chi của một tôn giáo lớn nhất mà bị triệt hạ ngang như thế!” (39). Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong tập bản thảo “Vẽ Ðường Cho Hươu Chạy” đã tổng kết về những sự kiện lịch-sử chưa ai nói đến về ông Ngô đình Cẩn. Giáo sư đưa ra ánh sáng hai điểm qua hai tài liệu Bội Phản Hay Chân Chính, hồi ký tập thể của một số cựu tù nhân của Ðội Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung và bài viết của luật sư Võ Văn Quan đăng trên Thế Giới Ngày Nay cuối năm 1992 - ông Quan là người từng biện hộ cho ông Ngô đình Cẩn: thứ nhất, ông Cẩn không phải là thủ phạm hay có dính líu đến vụ đàn áp Phật giáo, ngược lại ông còn ủng hộ cuộc “đấu tranh” đó và chống lại hai ông anh ở Sài-Gòn đã nghe lời TGM Ngô Ðình Thục. Thứ nữa, cách ông Cẩn chống Cộng làm cho cộng-sản Hà-Nội sợ và đã đem lại an ninh cho miền Trung vốn rất xáo động. Trích đoạn đã được đăng trên tờ Ngày Nay Houston (40) nói đến “thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô đình Cẩn-Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ, siêu tổ chức”; và tù cộng-sản ở nhà tù ông Cẩn ra đều bị Hà-Nội nghi ngờ và không được tin dùng nữa! Ngoài ra, ông Trung còn đưa ra lý lẽ tại sao thượng tọa Thích Trí Quang muốn xử tử ông Ngô đình Cẩn: chỉ để bịt miệng thế gian là chế độ Ngô đình Diệm đàn áp Phật giáo trong khi thực tế ngược lại. Thích Trí Quang cộng tác với ông Cẩn lúc đầu là để trá hàng, lợi dụng ông Cẩn, và cuối cùng TT Quang đã để cho cộng-sản Hà-Nội lợi dụng ông! Cái chết của ông Cẩn là một sỉ nhục và ông đã khẳng khái tỏ ra khinh miệt kẻ gian khi không chịu bịt mặt!

Về các tài liệu, hồi ký của bên người miền Nam, quốc gia đã đành, mà cũng nên xem qua tiếng nói, nhân chứng phía người Cộng sản Việt Nam và cựu đảng viên cộng-sản. Nếu lướt qua những tài liệu chúng tôi đã tham-khảo về biến cố đảo-chánh 1-11, xin lược lại đây một số ý kiến: một số người (Nguyễn Mạnh Quang,...). không tham khảo nguyên bản, chỉ lập lại lời người khác, hoặc trích lời dịch từ những nguyên bản tiếng ngoại ngữ có thể bất khả tín. Người khác, như Trần Ngọc Ninh (40 Năm Sau (41)), một cựu ủy viên tương đương bộ-trưởng của miền Nam, 40 năm sau đảo-chánh mà không cập nhật tài liệu và khám phá mới, đọc ông cứ như mới viết sau đảo-chánh thời cao trào Phật giáo hoặc suýt gây thánh chiến với Công giáo. Người khác nữa thì nhầm lẫn nhân sự: một ông ở Úc (42) lầm Nguyễn Văn Châu với Nguyễn Hữu Châu, người khác ghi Trần Văn Châu khi nói tới giám-đốc Nha Chiến-tranh Tâm-lý không biết ông ta muốn nói Trần Văn Trung hay Nguyễn Văn Châu vì cả hai đều giữ chức đó, ông Trung trước, ông Châu kế nhiệm.

Tài-liệu hoặc tác giả có thể tin hoặc giúp ích cho nghiên cứu về biến cố có: LM Cao Văn Luận (Bên Giòng Lịch-Sử, 2 ấn bản khác nhau, 1972 & 1983 ở hải-ngoại), Hoàng Lạc & Hà Mai-Việt (Nam Việt-Nam 1954-1975: những sự thật chưa hề nhắc tới. 1990), Nguyễn Trân (Công Và Tội: những sự thật lịch sử; hồi-ký lịch sử chính trị miền Nam 1945-1975. 1992); Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Ðức (Những Ngày Cuối Cùng Của Tổng-Thống Ngô đình Diệm. 1994, một điều tra lịch-sử khá khách quan (43); bản dịch ra tiếng Anh: President Ngô Dình Diêm and the US: his overthrow and assassination. 2001), Phan Văn Lưu (Biến Cố Chính-Trị Việt Nam Hiện Ðại. 1994), Vĩnh Phúc (Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm. 1998), Minh Võ (Ngô Ðình Diệm: Lời Khen Tiếng Chê. 1998), Huỳnh Văn Lang (Nhân Chứng Một Chế Ðộ, 3 tập), Nguyễn Hữu Duệ (Nhớ Lại Những Ngày ở Cạnh Tổng-Thống Ngô đình Diệm. 2003),... Cũng như những ấn phẩm xuất-bản trong nước trước 1975 như của Lê Tử Hùng, Ðỗ Thọ, Lương Khải Minh và Cao Vị Hoàng, Minh Hùng Nguyễn Văn Bảo, v.v.

Phía tác-giả ngoại quốc, trước hết phải kể đến những tài liệu giải mật của Pentagon (44), của chính quyền Hoa-Kỳ, Bản tường trình của Phái đoàn điều tra LHQ (công bố ngày 13-12-1963 chứ không bị chìm xuồng như một đôi người viết (45)), B. S. N. Murti (Vietnam divided; the unfinished struggle, 1960, tb 1964), Dennis J. Duncanson (Government and Revolution in Vietnam. 1968), Marguerite Higgins (Our Vietnam Nightmare, 1965), R. Shaplen (The Lost Revolution. 1965), Ellen J. Hammer (A Death in November: America in Vietnam, 1963. 1987), Frederick Nolting (From Trust to Tragedy: the political memoirs of Frederick Nolting, Kennedy's ambassador to Diem's Vietnam. 1988), Anne E. Blair (Lodge in Vietnam: a Patriot Abroad. 1995), Francis X. Winters (The Year of the Hare: America in Vietnam, January 25, 1963-February 15, 1964; xuất-bản 1997, từ tài liệu giải mật Foreign Relations of the U.S. 1961-1984),

Những tài-liệu hoặc tác giả sau dùng được nhưng đề cao cảnh giác: Bùi Diễm (In the Jaws of History. 1987; Gọng Kìm Của Lịch-Sử. 2000); Trần Văn Ðôn (Our Endless War: inside Vietnam. 1978; Việt Nam Nhân Chứng. 1989), Nguyễn Cao Kỳ (How we lost the Vietnam War. 1976; Buddha's Child: my Fight to Save Vietnam. 2002), Phạm Văn Liễu. Trả Ta Sông Núi. Tập 1&2, 2002-, Nguyễn Ngọc Khôi (“Những sai lầm của Ðệ Nhất Cộng Hòa” (46)), Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của Ðỗ Mậu (1986), Việt Nam: Một Trời Tâm Sự (1987) của Nguyễn Chánh Thi, 20 Năm Binh Nghiệp, tức Nghĩa Biển Tình Sông. 1998) của Tôn Thất Ðính - đều là những biện hộ không khéo hoặc quá đánh bóng cá nhân, Những bịa đặt, xuyên tạc của những Ðệ Nhất Phu Nhân của Hoàng Trọng Miên, Ðảng Cần Lao (1971) của Chu Bằng Lĩnh tức Mặc Thu, Việt Nam Ðệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư 1954-1963 (1998) của Nguyễn Mạnh Quang, Những Bí ẩn Lịch-sử Dưới Chế độ Ngô đình Diệm, Những Con Thò Lò Chính-Trị ... và tương cận của Lê Trọng Văn, những bài viết và ấn-phẩm của nhóm Giao Ðiểm ở Cali và ở trong nước, cả cuốn Sáu Tháng Pháp Nạn của Vũ Văn Mẫu, cựu ngoại trưởng đã cạo đầu từ chức nhân biến cố Phật Giáo 22-8-1963 và cũng là thủ tướng hai ngày (28-4-1975) của tổng-thống cộng-hòa cuối cùng Dương Văn Minh, đã viết cuốn này lúc còn ở trong nước và in ronéo năm 1984, đến 2003, TT Thích Mãn Giác viết tựa và nhóm Giao Ðiểm in lại ở Nam California. Ngoài ra có những tài liệu, hồi ký khác có thể xử dụng về xa gần biến cố đảo-chánh hoặc con người: Nhị Lang (Phong Trào Trình Minh Thế. 1984), Văn Bia (Ðời Một Phóng Viên Và Những Ngày Chung Sống Với Chí Sĩ Ngô Ðình Diệm, 2001 (47)), Vương Văn Ðông (Binh Biến 11-11-60. 2000), Nguyên Vũ (Chính Ðạo, Vũ Ngự Chiêu) có nhiều tài liệu sử và biên thuật đáng kể và khá tinh tế sử dụng văn liệu, nhưng nếu ông nén cảm tính (dù ông đã ghi là “tâm bút” cho ít nhất hai cuốn Paris Xuân 1996 và Ngàn Năm Soi Mặt), khi sử-liệu-hóa lịch-sử thì giá trị khách quan và khoa học sẽ rõ hơn và thuyết phục được giới trẻ. Những ám ảnh thường thấy trong toàn bộ các biên khảo của ông về chế độ đệ nhất cộng hòa, đó là ngày sinh của tổng-thống Diệm thời mà giấy tờ hộ tịch chưa như sau này, đó là đánh giá cao hoặc cả tin những người Hoa-Kỳ, Pháp (48), v.v. trong mục-đích hạ giá các nhân vật người Việt, đó là mặc cảm về quyền lực của giáo hội Công giáo, đó là không khai thác những văn khố hoặc sự kiện có lợi cho chế độ đó, đó là quá đề cao các đảng phái khác khi phê phán đảng Cần Lao và chế độ, thiếu so sánh và căn cứ trên những sự kiện lịch-sử đã xảy ra, riêng vụ đảo-chánh, ông lý luận như bênh phe đảo-chánh (tại sao anh em tổng-thống vào trốn ở nhà Mã Tuyên, “một địa điểm đầy nghi hoặc” (49) - nhưng vụ ám sát đã xảy ra khi anh em tổng-thống đã bị bắt và đang bị đưa về bộ chỉ huy đảo-chánh! Còn giả thuyết nếu xin đại sứ Hoa-Kỳ C. Lodge bảo vệ đưa ra khỏi nước thì kết quả chắc gì đã khác hậu quả đã xảy ra với ông Cẩn: giao kẻ xin tị nạn cho phe ... giết người (!). Khi kết luận, thiển nghĩ Chính Ðạo không công bằng khi núp sau luật nhân quả (nhưng ai đủ thẩm quyền để xét luật nhân quả?) để xem rất nhẹ tội kẻ chủ mưu giết anh em tổng-thống Diệm hơn là lời nói và cái ông gọi là “vỗ tay” của bà Trần Lệ Xuân khi bà nói đến các vị sư tự thiêu BBQ: sự tự thiêu dù sao cũng có phần nào nghi vấn, trong khi lời nói dù quá lố hoặc được hiểu là thêm dầu vô lửa hay vỗ tay cũng không phải là chính hành động ... giết người rồi chối tội sau khi đã nhận tiền ngoại bang và chia chác tiền của chiếm được!

Nhiều luận án ở các đại học Pháp, Mỹ và Úc đã nghiên cứu nghiêm túc một số biến cố hoặc cả chân dung chính-trị miền Nam thời này, về chế độ đệ nhất cộng-hoà, về vai trò một số đảng phái ở miền Nam, và đã có những cái nhìn theo tôi là can đảm, trung thực, công bằng và khoa học. Ở Pháp có rất nhiều luận án từ cao học đến tiến sĩ không thể kể dài dòng ở đây, ở Úc là nơi đang lên về nghiên cứu các vấn-đề Việt Nam từ chính-trị đến văn-học có những luận án tiến sĩ đại học Monash xin kể sau: The Miracle of Vietnam: the Establishment and Consolidation of Ngo Ðinh Diem 's Regime, 1954-1959 của Nguyễn Ngọc Tân, The Budhish Crises in Vietnam 1963-1966 của Phan Văn Lưu, v.v.

Ngoài ra cũng nên tìm hiểu thái độ cũng như những phát biểu của những người từng được chế độ đệ nhất cộng hoà cho đi du học, xem họ trung hoặc phản ra sao, cũng như nghiên cứu trường hợp những vị trí thức, khoa bảng hoặc thời cơ, “bảo hoàng hơn vua” để nịnh chế độ ra sao cũng như “tác phẩm” và thái độ của họ sau đó thế nào. Cũng như những người bỏ đạo gốc để theo đạo mới nịnh chế độ để tiến thân, rồi sau đảo-chánh, bỏ đạo mới! Và cả những người cao cấp nằm vùng, gián điệp nhị, tam trùng, v.v. Từ đó có thể có thêm những kết luận khác, về cái tâm địa khốn-cùng của con người chẳng hạn!

Gần đây, một sinh viên tiến-sĩ người Mỹ đã gây ngạc nhiên cho tôi khi anh gặp tôi vì muốn tìm hiểu rõ hơn vai trò của ông Nguyễn Văn Châu cũng như một số người khác liên hệ và chỉ ở những ngày trước sau vụ đảo-chánh 1-11. Một trí thức người Việt tốt nghiệp ở Nga cũng hỏi thăm tôi như vậy! Nghĩa là có người vẫn đi tìm sự thực lịch-sử, việc tôi vẫn và tiếp tục theo dõi! Ngoài ra mới đây, hai ngày 24-25 tháng 10-2003, một cuộc hội thảo về biến cố đảo-chánh 1-11 đã được Vietnam Center thuộc đại học Texas Technology ở Lubbock tổ chức. Cựu đảng viên cộng-sản Bùi Tín đã có bài tham luận đã kết luận như sau về tổng-thống Ngô đình Diệm: “ông Diệm là một nhân vật chính-trị đặc sắc, có lòng yêu nước sâu sắc, có tính cách cương trực thanh liêm, nếp sống đạm bạc giản dị” (50). Bà Ngô đình Nhu ở Paris hình như sắp ra hồi-ký (51), thế nào cũng sẽ cho thấy một số bộ mặt thật của nhân tình thế thái. Hy vọng các nhân chứng khác hoặc liên hệ đến cuộc đảo-chánh sẽ tiếp tục góp phần làm sáng tỏ một số sự kiện và con người!

* Vài dòng thêm: Khi vụ đảo chánh xảy ra, chúng tôi đang học trung học đệ nhất cấp. Một số tai mắt và quan-yếu của chế độ đệ nhất cộng hoà tình cờ có mặt trong nhà chúng tôi ở Tân-định khi tiếng súng phản-bội bắt đầu nổ sau 1 giờ 30 trưa. Sau đó là bể dâu đối với phần lớn trong các vị này và nay hầu như tất cả đều đã chết, phần lớn trên đường lưu-vong ở xứ người, ngay sau biến cố hoặc sau ngày 30-4-1975 và cả gần đây với những đợt H.O. - đã 40 năm rồi còn gì? Cá nhân chúng tôi - cũng như một số người Việt Nam, dù muốn dù không, đã bị lịch sử cuốn hút và ảnh-hưởng đến cuộc sống và cả cuộc đời! Rồi cuộc sống lưu vong, rồi những cơn bão lòng của người Việt nhất là của một số bậc trưởng thượng hoặc đi trước, giữa đường đời thấy sự bất bình, khiến chúng tôi cũng đã đôi lần làm đôi việc rất khiêm tốn.

Năm 1988, chúng tôi đã dịch và xuất bản cuốn Ngô Ðình Diệm Và Nổ Lực Hoà Bình Dang Dở (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1989, tái bản cùng năm), một cách cung cấp thêm tiếng nói và quan-điểm của người trong cuộc là ông Nguyễn Văn Châu (1923-1985) cũng là cậu của chúng tôi. Ðây là luận-văn Cao-học về sử mà ông đã trình ở đại học Paris nhưng có tính hồi-ký vì sự liên hệ và quá khứ của ông - tựa là Ngo Dinh Diem en 1963: une autre paix manquée. Lúc bấy giờ ông sống với nghề dạy học môn sử ở thành phố Orléans là nơi ông tị nạn chính trị sau khi ông về lại Hoa-thịnh-đốn sau vụ đảo-chánh 1-11. Ngày đảo-chánh ông đang có mặt ở Sài-Gòn lo đám táng người em ông là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế bị quân-xa đồng-minh Mỹ tung xe chết ở Vũng Tàu là nơi ngài đang dạy tiểu chủng-sinh dòng - chứ ông Châu không phải về lại Việt Nam tổ chức hay liên hệ đến các phe đảo-chánh như một số người viết (52). Ông trung-tá Châu từng là giám-đốc Nha Chiến-tranh Tâm-lý, trưởng phòng 5 Bộ Tổng tham-mưu và một số cơ-quan liên-hệ thuộc bộ Quốc phòng. Với chế độ đệ nhất cộng-hoà, ông từng là quân-ủy của đảng Cần-Lao (Ban 5), đảng viên thuộc tiểu tổ Phan Ðình Phùng là tổ đầu tiên của đảng, nhánh Ngô đình Cẩn cũng như bạn ông là Lê Quang Tung, là người khi được tin cẩn đã làm nhiều việc cũng như đã để lại một số sách lý thuyết về chống Cộng và lịch-sử (Thế Hệ Mới, Con Ðường Sống; Con Người Mới; Giòng Lịch-sử; Thất bại của Việt Cộng, v.v.). Tài liệu Hà-Nội còn cho biết ông Châu lập và điều khiển Liên Ðoàn Sỹ Quan Công Giáo khu thủ đô Sài-Gòn để làm mạnh và hiệu lực cho chế độ hơn cơ cấu “tổng tuyên úy quân đội” do quốc trưởng Bảo Ðại lập với sắc lệnh từ 1952 (53)! Trở lại ngày đảo-chánh đã nói ở phần đầu, bạn hữu ông đến thăm sau đám tang (54). Khi tiếng súng đảo-chánh bắt đầu nổ, ông còn mặc áo tang đã vội vàng leo xe gắn máy một người lính thuộc quyền cũ (và từ chối lên xe jeep của NB, một đại úy do phe đảo-chánh gửi đến, sau ông đại úy làm lớn và cũng trở thành lý thuyết gia chống Cộng sáng giá của miền Nam và là người của Mỹ) và ẩn thân trong một nhà Dòng rồi đổi chỗ. Khi đảo-chánh thành công, các bạn ông như anh em đại tá Lê Quang Tung tư lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt, như đại tá Hồ Tấn Quyền chỉ huy Hải quân, đều bị đảo chánh giết, sinh mạng ông như ngọn đèn dầu trước bão táp bất nhân, phải nhiều lần ra phi trường ông mới được thoát trở về Hoa-Thịnh-đốn rồi bị nghĩ giã-hạn không lương. Thoát đạn vài vị tướng như nghe nói là TTÐ từng phải “nhịn nhục” ông trong quá khứ. Chán đồng minh Mỹ, ông đi Pháp, đổi sang nghề dạy học cũng như đi học lại. Sau Cao học, ông làm tiếp luận án tiến sĩ, có sang Canada và trở thành khách bộ Ngoại giao Mỹ muà hè 1984 khi đến D.C. nghiên cứu tài liệu. Chúng tôi lúc đó hành nghề thủ-thư ở thư viện Quốc hội Québec, đã phụ tìm giúp ông nhiều tài liệu của Anh nhất là của Sir R. Thompson, Dennis J. Duncanson, của Phi-Luật-Tân, (55)... Ông mất vì bệnh tại miền Nam nước Pháp tháng 8-1985, hết còn có thể trả lời, bạch hóa một số hồi ký và nghi vấn về vụ đảo-chánh và vai-trò của ông trong quá-khứ! * Từ năm 1962, nội bộ anh em và gia-đình Ngô đình Diệm đã có những dấu hiệu rạn nứt, có thể bất đồng về một số quyết định chính-trị. Ông tổng-thống bắt đầu hết thích hợp thời thế (như chọn người dòng dõi, biết chắc gốc gác), vả lại ông quá nhân từ và tin người - dùng người do Pháp đào tạo hoặc quá khứ khả nghi, cuối cùng là vì sống theo tinh thần Nho giáo quyền huynh thế phụ mà ông đã không ngăn cản những sai trái của ông anh tổng giám mục và vợ chồng ông em cố vấn có con trai nối dõi. Hai ông cố vấn có lúc hai đường lối và nhân sự có khi không hẳn như nhau, đưa đến việc nghi ngờ và xa lánh những người thân tin từ đầu như ông trung tá NV Châu, bs Trần Kim Tuyến. Cả hai ông cố vấn đã dùng người đầu thú, chiêu hồi rất gentlemen, phần lớn thu phục người, nhưng có khi bị phản (Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, v.v.). Ba năm trước đó, sau vụ đảo-chánh 11-11-1960, ông trung tá Châu là thư ký Ủy Ban Nhân dân Chống Ðảo-Chánh, các sĩ quan trung thành lúc đó nhiều hơn là người có ý phản. Ba năm sau, tình hình chính-trị và nhân sự đã thay đổi nhiều. Những cán bộ của Ngô đình Cẩn hiệu nghiệm ở miền Trung nhưng bớt ở Sài-Gòn vì không còn đồng thuận có trước đó và ê-kíp thu hẹp hơn trước (56). Chế độ sau 9 năm cầm quyền, với nhân tình đảo điên, với những quá đà và chia rẽ nội bộ, thế nào ngày cuối cũng đến, dù có hay không vụ đảo-chánh 1-11-1963. Nhưng nếu đến với nhiều lá phiếu thật của dân và không phải xảy ra những vụ giết người hèn nhát (anh em Diệm Nhu đã bị trói tay), bất công (ông Ngô đình Cẩn ra đầu thú, thù hận và chính-trị đã xử thay vì công lý xử), thì lịch-sử đã bước đi ngã khác! Tổng-thống Ngô đình Diệm dù có một số khuyết điểm (tinh thần gia tộc mạnh, nghe nịnh hót, xa dân, ...) đã hành xử lúc bình sinh và rồi tuẫn tiết như một nhà Nho, chứng tỏ khí tiết của một người quốc-gia yêu nước chân thành, trong khi đối lập và những kẻ phản dân chủ chạy theo tiền và ngoại bang. Có thể lúc về nước năm 1954 ông được sự ủng hộ của ngoại bang, nhưng đã tỏ ra có tài điều khiển khiến kéo dài được 9 năm. Ông không thật sự thiên vị đạo Công giáo và nếu có chăng là do những người tâng công hoặc lạm dụng, cả TGM Ngô Ðình Thục anh ông. (Năm 1959, tổng-thống Diệm được giải Leadership Magsaysay $15,000 đô nhưng ông đã chuyển cho đức Ðạt Lai Lạt Ma qua lãnh sự ở New Delhi). Kết luận như ông Minh Võ: “Tổng-thống Ngô đình Diệm là một lãnh tụ xứng đáng của miền Nam” (57). LM Cao Văn Luận lúc gần cuối đời đã phê phán như sau: “Sự thanh toán ông Diệm và chế độ ông Diệm phải chăng là một sai lầm tai hại cho đất nước Việt Nam. Những hỗn loạn chính-trị, những thất bại quân sự sau ngày 1-11-1963 đã trả lời cho câu hỏi đó” (58).

Cuộc đảo-chánh 1-11-1963 đã mở cửa cho cuộc chiến-tranh toàn diện, huynh đệ bị hy-sinh cho lý tưởng cường điệu của hai phe chiến-tranh lạnh, quốc-cộng trở nên lằn ranh hằn sâu lên tâm trí và thân xác con người Việt Nam cho đến hôm nay. Biến cố đó đã mở toang cho thú-tính tung hoành, cho thói tính vô-chính-phủ lên ngôi! Hậu quả này, nay đã rửa sạch, đã trả nợ xong chưa ? Một điều chắc chắn là thời gian 40 năm đã cắt nghĩa nhiều sự kiện, hành động, cũng như cho thấy bộ mặt thật của một số người (Nguyễn đình Thuần, Phan Quang Ðán, Bùi Diễm, TV Ðôn, TT Ðính, Ðỗ Mậu (59), v.v.).

Một nhận xét khác, từ biến cố 1-11, từ khi có quân có súng có “OK” của quan thầy cả tự ý nhân danh Chính nghĩa, để làm loạn, đảo-chánh, chỉnh lý, biểu dương lực lượng - mà năm 1964 là năm trăm hoa đua nở nhất, nhiều người làm chính-trị mỗi lúc một đưa Chính nghĩa ra làm ngáo ộp. Và xuất cảng ra đến hải-ngoại từ sau 1975. Chính nghĩa vốn là cái cao quý, hệ trọng cho cả một dân tộc, đã bị con người ta hễ có chuyện là lôi ra. Trục trặc phe nhóm, cá nhân, buôn bán bảo hiểm, làm ăn không như ý, thế là lại lôi Chính nghĩa ra. Thế mà cũng có thể lôi kéo, quyên góp được tiền bạc của nhiều người - thì cứ xem như là một cách chống Cộng hay chống nằm vùng, chao đảo hoặc để lương tâm được ... yên ổn! Dĩ nhiên có những lúc mà Chính nghĩa đã được xử dụng đúng chỗ trong hơn 28 năm qua - phần lớn toàn mạo danh, thậm xưng, làm bạc giả!

Trong bài này, hậu sinh chúng tôi trong việc tìm hiểu lịch-sử, chỉ nói đến sự phản trắc một cơ cấu dân chủ, hợp pháp, hợp hiến - tổng-thống Ngô đình Diệm là người đại diện được dân cử. Hội đồng Cách-mạng cũng chỉ là một thiểu số của một cơ cấu là quân đội, hơn nữa các ủy viên đứng đầu phần lớn đã đi lính cho Pháp thời Pháp thuộc. Còn Quân đội Việt Nam Cộng Hoà so với bộ đội miền Bắc nói chung anh hùng và nhiều bậc đáng kính hơn! Tai hại về lâu dài của vụ đảo-chánh phản bội, là đã làm yếu các chế độ sau đó vì vẫn xây trên nền không-dân-chủ, và di hại hơn nữa vì chứng đã thành bệnh khi ra đến hải-ngoại: não trạng phản bội, chia rẽ, không tôn trọng dân chủ, cứ nhìn Văn Bút hải-ngoại, các cơ cấu cộng đồng Atlanta, Nam Cali và Bắc Cali đều chia làm 2 với thủ lãnh khác nhau, rồi các cựu tù binh, tị nạn chính-trị, ngay cựu học sinh cũng thành nhiều hội mà danh xưng chỉ là một trò ... chơi chữ!

Bài học nếu có cho thế hệ tương lai theo tôi là hãy quên quá-khứ nhưng hãy công bình với lịch-sử xét xử công tội cố gắng khách quan. Chân lý và công lý phải là những mục đích cần có trong việc tìm cho ra những nguyên nhân của não trạng tinh thần và chính-trị người Việt Nam đã khiến cho nước Việt và con người Việt phải như hôm nay, tìm cho ra sự thực từ những khúc mắc chính-trị, gián điệp, tuyên truyền, v.v. Và thoát khỏi tâm địa thời thuộc địa và cả tư duy hậu thuộc địa!

Tóm, tất cả người Việt chúng ta đều là nạn nhân của chính-trị nội bộ Hoa-Kỳ, của truyền thông và báo chí Hoa-Kỳ, của các cường quốc nói chung, của chiến-tranh lạnh, nhưng chúng ta cũng là nạn nhân chính chúng ta mà trong chúng ta kẻ nhiều tội nhất là những kẻ tự xưng là người của Mỹ, của Pháp, của Cộng sản quốc tế,...!

Montréal, 16-10-2003


Chú Thích:

1. Số tiền 3 triệu đồng Việt Nam tức 42,000 Mỹ kim do Lucien Conein đưa đến bộ Tổng Tham mưu cho các tướng đảo-chánh. X. Nguyên Vũ. Ngàn Năm Soi Mặt: tâm bút (Houston: Văn Hóa, 2002), tr. 114; Ðỗ Mậu. Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi (Mission Hills CA: Quê Hương, tb 1987), tr. 816; v.v…
2. Hội đồng Quân nhân Cách-mạng chỉ thành lập từ ngày 3-11-1963.
3. Cao Văn Luận. Bên Giòng Lịch-Sử 1940-1965 (Sài-Gòn: Trí Dũng, 1972; Sống Mới tái bản, s.d.), tr. 256.
4. Phạm Kim Vinh. Việt Nam Tự Do Từ Ngô Ðình Diệm Ðến Lưu Vong. Tủ Sách PKV, 1987.
5. Trần Văn Ðôn. Việt Nam Nhân-Chứng (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 198?), tr. 249.
6. Tôn Thất Ðính. 20 Năm Binh Nghiệp, tức Nghĩa Biển Tình Sông (San Jose CA: TB Chánh Ðạo, 1998), tr. 455.
7. Ðỗ Mậu. Sđd, tr. 789.
8. Trần Văn Ðôn. Sđd, tr. 250.
9. Trần Văn Ðôn. Sđd, tr. 238.
10. Trần Văn Ðôn kể Nhung đã khoe với con trai ông con dao găm lịch-sử (Sđd, tr. 236-8).
11. Trần Văn Ðôn. Sđd, tr. 236. Ngô Ðình Châu xác nhận điều này trong Những Ngày Cuối Cùng Của Ðệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam (s.l.: Holly Graphics, 1999), tr. 19.
12. Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Ðức. Những Ngày Cuối Cùng Của Tổng-Thống Ngô đình Diệm (San José CA: Quang Vinh, Kim Loan & Quang Hieu, 1994), tr. 532.
13. Ngô Ðình Châu. Sđd, tr. 41. Ông Ngô Ðình Châu đã hỏi trung sĩ trưởng chiến xa M-113 chở anh em tổng-thống Diệm.
14. Diễn Ðàn Phụ Nữ, 148, 1996, tr. 59.
15. Nguyễn Hữu Duệ. Nhớ Lại Những Ngày ở Cạnh Tổng-Thống Ngô đình Diệm (Tác-giả xuất-bản, CA 2003), tr. 170-171.
16. Huỳnh Văn Lang. Nhân Chứng Một Chế Ðộ (Tác-giả xuất-bản, 2000), tập 3, tr. 256-8.
17. Tập 2, tr. 70. Lại có tin ông DV Minh không nộp đủ, giấu đi một thùng phuy vàng (X. Nguyên Vũ. NNSM, Sđd, tr. 13).
18. Nguyễn Hữu Duệ. Sđd, tr. 74 & 78. Ông Quan trước khi chết đã xin trở lại đạo Công giáo do TGM Nguyễn Văn Bình rửa tội, điều ông muốbn từ trước đảo-chánh nhưng không làm vì sợ hiểu lầm hoặc giống những người khác!
19. Tr. 258. Nguyễn Kỳ Phong dịch, Vietnam Bibliography ở Centreville VA xuất-bản, 2003. Nguyên bản tiếng Anh xuất-bản năm 1985. Trong Bốn Mươi Năm Văn-Học Chiến-tranh (Ðại Nam, 1997, tr. 140), chúng tôi có trách là các tướng sang Hoa-Kỳ viết report và study xuất-bản hạn chế cho bộ Quốc phòng Mỹ mà quên đồng bào người Việt, nay có bản dịch này nằm trong số những tài liệu đó.
20. Trong nước cũng làm một cuộc kỷ niệm 40 năm “cách-mạng 1-11-1963 thành công”, Nguyễn Ðắc Xuân làm một cuộc “tham quan” dinh Gia Long và nhân đó tiết lộ tướng Dương Văn Minh đã “nạt nộ tướng Ðôn “André! Giờ này mà anh còn muốn phản tôi hả? Nhung đưa súng đây”. Tướng Ðôn sợ quá muốn xỉu luôn! “ (Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, tuyển tập 1963-2003. Garden Grove CA: Giao Ðiểm, 2003). Chuyện tướng Ðôn chiều ngày 1-11 điện thoại với tổng-thống Diệm đã có người nói đến, nhưng việc ttướng Minh giựt điện thoại và câu nói “lịch-sử” trên thì chưa, chúng tôi ghi lại với dè dặt vì chưa biết! Xuân kể theo lời KTS Nguyễn Hữu Ðống mà theo ông là “người đại diện dân sự độc nhất có mặt bên cạnh tướng DV Minh lúc ấy”(?).
21. Anne Blair. Lodge in Vietnam. New Haven: Yale University Press, 1995, tr. 190.
22. Bùi Tín. “Nhân vật lịch-sử Ngô đình Diệm và hậu quả cuộc đảo-chánh 1-11, 63”, Ngày Nay, 513, 15-10-2003, tr. A5 & B6.
23. Theo cuộn băng 37 tiếng đồng hồ tàng trữ ở JFK Library (Boston) được giải mật ngày 24-11-1998.
24. X. David Antonel et al. Les Complots de la CIA. Paris: Stock, 1976 (Chương “Un suicide accidentel” - lấy lại lời tuyên bố với báo chí của tướng Trần Tử Oai, ủy viên báo chí, nghe theo lời dặn của tướng Trần Văn Ðôn).
25. Trích theo F X Winters. Sđd, tr. 183. Trong khi đó, tờ New York Herald Tribune thì bênh vực chế độ Ngô đình Diệm!
26. Chính Ðạo. Tôn Giáo Và Chính-Trị: Phật Giáo, 1963-1967. Houston: Văn Hóa, 1994, trích theo bản cập nhật 2003 (phần C. Thay đổi đại sứ Mỹ).
27. X. Marguerite Higgins. Our Vietnam Nightmare, 1965; Ellen J. Hammer . A Death in November: America in Vietnam, 1963. 1987; Nguyễn Ngọc Tân. “The Miracle of Vietnam: the Establishment and Consolidation of Ngo Ðinh Diem 's Regime, 1954-1959”. Ph. D. Thesis, Monash University.
28. X. Nghiên cứu của chúng tôi về các vận động chính-trị của người Việt hải-ngoại 1975-2005, sẽ công bố hoặc xuất-bản.
29. Bách Khoa SG, 1969, đăng lại trong hồi ký Hơn Nửa Ðời Hư.
30. Bà Tùng Long. Hồi-Ký (TpHCM: NXB Trẻ, 2003), tr. 221.
31. Nguyễn Văn Châu ghi nhận trong Ngô Ðình Diệm Và Nổ Lực Hoà Bình Dang Dở (Los Alamitos CA: Xuân Thu, 1989), tr. 95.
32. “Những sai lầm của Ðệ Nhất Cộng Hòa”. Thời Báo Toronto 202, 11-11-1993; 203, 18-11-1993 (cùng đăng trên một số báo khác). Ông Khôi tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Tổng-thống phủ lúc xảy ra đảo-chánh 1-11, trong bài viết ông tỏ ra mặc cảm, ghen tương với nhiều người khác lên lon lên chức hơn ông và ông muốn đính chính chối từ liên hệ của ông với chế độ. Ông phê bình ông NV Châu đem đảng Cần lao vào quân đội làm mất hiệu lực và làm mất miền Nam (?). Phê phán ngây thơ vì chiến-tranh một sống một còn với guồng máy cộng-sản, đáng ra còn phải đi xa hơn, nếu không triệt để tổ chức lại quân đội quốc gia thì cũng phải cô lập hoặc cho làm bàn giấy tất cả những phần tử do Pháp đào luyện hoặc quá-khứ khả nghi (MH Xuân, TT Ðính, DV Minh, Ðỗ Mậu, ...) là chuyện khả thể ngay cả trong các xã hội dân chủ như Hoa-Kỳ, Pháp.
33. Sđd, tr. 97.
34. X. Vĩnh Phúc. Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm. (Westminter CA: Văn Nghệ, 1998), tr. 337.

35. Chính Ðạo. “Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, 1945-1975” (chưa xuất-bản, bản Internet ở trang giaodiem.com).
36. Ðó cũng là nội dung của cả chương XVI, sđd.
37. Một người nghiên cứu trẻ, Nguyễn Kỳ Phong, tác-giả bộ Người Mỹ và Chiến-tranh Việt Nam (Centreville VA: Vietnam Bibliography, 2001) từng bị chính trị gia Nhị Lang phê phán quá dựa theo tài liệu của Mỹ. X. “Trở lại vụ án 47 năm trước: ai giết tướng Trình Minh Thế?”. Văn Nghệ Tiền Phong, 636, 16-7-2002, tr. 24+.
38. Chính Ðạo. Tôn Giáo Và Chính-Trị: Phật Giáo, 1963-1967. Houston: Văn Hóa, 1994, trích theo bản cập nhật 2003.
39. Hải Triều Âm, 2, 30-4-1964, tr. 5. Trích lại từ Lê Cung. “Tìm hiểu những sự kiện đầu tiên trong phong trào Phật giáo miền Nam 1963”. Nghiên Cứu Lịch-Sử, 4, 1994, tr. 10. Chú thêm: Vụ trò Ơn bị giết khiến học sinh biểu tình và làm rớt chính phủ thời đó!
40. Ngày Nay, 374, 15-9-1997, tr. A5-6.
41. Ðã đăng trên trang Internet Vietpage.com ngày 6-9-2003.
42. ST. “Dân-tộc Việt Nam hai lần bị lường gạt”. Bên Kia Bờ Ðại Dương, 45, 6-2002.
43. Dĩ nhiên bị một số người bênh nhóm tướng lãnh “cách-mạng”, chế độ sau đó và bênh nhóm Phật giáo bạo động, chỉ trích. Nhưng khác Vĩnh Phúc, hai tác-giả này đã phỏng vấn hoặc khiến một số người trong cuộc phải lên tiếng, cả sau khi đã xuất-bản như với trung tá Dương Hiếu Nghĩa (X. Diễn Ðàn Phụ Nữ 148, 1996, tr. 59).
44. The Pentagon Papers: as published by the New York times, The Pentagon history was obtained by Neil Sheehan. Written by Neil Sheehan [and others]. New York, Quadrangle Books [1971]. 810 p.
45. Report of the UN Fact Finding Mission to South Vietnam. Washington D.C.: Government Printing Office, 1964. 254 tr.
46. Bđd. Thời Báo Toronto 202, 11-11-1993; 203, 18-11-1993.
47. Methuen MA: Lê Hồng, 2001. Chúng tôi đã có lời viết Tựa cho tập Hồi ký này.
48. Thí dụ không tin lời học giả Trần Trọng Kim (VNSL) mà tin báo cáo của Khâm sứ Pháp về việc đào mã lãnh tụ Cần Vương Phan Ðình Phùng. Chính Ðạo. Sđd, chú 51. Ðể viết tiểu sử Ngô Ðình Diệm, theo lời ông Nguyên Vũ, đã “sử dụng cơ bản là tập tiểu sử chính phủ Diệm do cơ quan an ninh Pháp thành lập ngày 5/7/1954 hiện vẫn còn chưa giải mật” (HCM con người & huyền thoại, tập III: 1947-1969).
49. Nguyên Vũ. NNSM. Sđd, tr. 135.
50. Bùi Tín. Bđd. Ngày Nay, tr. A5.
51. X. Trương Phú Thứ. Văn Nghệ Tiền-Phong, 643, 1-11-2002, tr. 8.
52. Hoặc nói rằng ông Châu về dự lễ mở tay linh mục của người em ông (X. Nguyễn Hữu Duệ, Sđd, tr. 97) - thật ra đã xảy ra năm 1960.
53. X. Nghiên Cứu Lịch-Sử, 48, 3-1963, tr. 6.
54. Trong số có ông Ðỗ Mậu (X. Trần Văn Ðôn. Sđd, tr. 203), nhưng ông Mậu không nói đến trong hồi ký của ông. Người duy nhất trong số đó còn sống là ông NN Khôi.
55. Ghi lại vài tài liệu còn nhớ: Dennis J. Duncanson: Lessons of Vietnam: three interpretive essays, 1971; Indo-China, the conflict analysed, Conflict Studies 39, 1973, v.v.; Robert Thompson: Defeating Communist insurgency: experiences from Malaya and Vietnam. 1966; “Vietnam: the human cost of communism”. Worldview Nov 1972; No exit from Vietnam. 1969; Peace is not at hand. 1974; v.v. Ngoài ra, nói đến tài liệu, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ còn giữ cuộn băng ông trả lời phỏng vấn của nhà báo Neil Sheehan năm 1974 (X. Prof. Nguyen Van Chau, Oct. 24, 1974, my study, Wash., D.C. [sound recording]. 1974; Call no: RYB 6636-6637 (Recording made or collected by Neil Sheehan in preparation for the writing of his book A bright shining lie: John Paul Vann and America in Vietnam).
56. Nhà văn Nguyên Sa trong Hồi Ký (Irvine CA: Ðời, 1998) đã viết lại sự hữu hiệu của công an miền Trung ở Sài-Gòn (tr. 271+).
57. Minh Võ. Sđd, tr. 286.
58. Cao Văn Luận. Bên Giòng Lịch-Sử Việt Nam, 1940-1975 (Sacramento, CA: Tantu Research, c1983), tr. 6.
59. Ông Tôn Thất Ðính và Ðỗ Mậu là hai người bị phê phán nặng nề nhất, riêng ông Ðính ít ra đã có những lời “thú lỗi” dù tập thể ở đoạn cuối cuốn hồi ký: “cuộc hành quân 1-11-63 không phải là một thành công mà chính là một thảm bại lớn lao đối với lịch-sử” (Sđd, tr. 455). Hãy so với đa ngôn nhưng lời rỗng của Ðỗ Mậu: “ý nghĩa thực sự của ngày 1-11-63 là giải thoát. Trên mặt lịch-sử, nó chấm dứt những bế tắc của thế và thời để khai mở một giòng sinh mệnh mới; trên mặt dân-tộc, nó chấm dứt một giai đoạn trì trệ và đen tối để dân-tộc lại trở về với chức năng của chủ nhân đất nước (!)... “ (Sđd, tr. 791).


Chị Ngô Minh Hằng chuyển

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6