Năm 1996, cuốn Chủ quyền trên quần đảo Paracels và Spratlys của bà Monique Chemilier Gendreau, một luật sư, giáo sư có tên tuổi ở Pháp và nước ngoài đã làm cho các học giả Trung Quốc bối rối và họ đã mời bà sang Bắc Kinh nói là để cung cấp thêm tài liệu. Bà đã đến Bắc Kinh và đối mặt với mấy chục học giả Trung Quốc. Bà cho biết học giả Trung Quốc không giải đáp được những vấn đề do bà đặt ra, không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có sức thuyết phục.
Còn đây là Review quyển sách này:
Monique Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands
[Chủ Quyền trên các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Monique Chemillier-Gendreau]
LEÏLA CHOUKROUNE
(Viễn cảnh Trung Quốc số 35, tháng Năm và Sáu năm 2001, trang 74)
Trúc Lê dịch
Vào ngày 1 tháng tư năm nay, một chiếc máy bay gián điệp của Hoa Kỳ và một chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc đụng nhau khoảng lối 60 dặm phía Đông Nam đảo Hải Nam. Kết quả là một phi công Trung Quốc đã tử thương và đã nhanh chóng được truy thăng thành anh hùng quốc gia, và sự giam giữ phi hành đoàn Hoa Kỳ gồm 80 người bị [Trung Quốc] bắt làm con tin và sau đó đã được phóng thích. Một hậu quả khác là sự xuất hiện một loạt bài phân tích chính trị - chiến lược đủ loại trong đó người ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến chủ trương bành trướng khi ẩn khi hiện của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa [South China Sea tức là Biển Đông], chủ trương mà đã dựa vào những mức độ thuyết phục khác nhau về tranh chấp luật pháp để chứng minh sự đúng đắn của phía này hoặc phía kia dưới ánh sáng của những lỗ hổng trong công pháp quốc tế hiện đại.
Cũng tương tự như thế, cách đặt vấn đề về sự liên hệ giữa Trung Quốc với qui tắc pháp luật, và đặc biệt hơn, với Luật Quốc Tế về Biển, là sợi chỉ xuyên suốt của cuốn sách Chủ Quyền Trên Các Quần Đảo Hoàng Sa Và Trường Sa của Monique Chemillier-Gendreau. Quyển sách này có mục đích là phân giải những căn bản pháp luật dựa lên đó những tranh chấp đối nghịch nhau về chủ quyền trên Biển Đông đã được xác lập. Tác giả dựa vào một phương thức chắc chắn là “nguyên thủy” theo nghĩa là nó đã dựa phần lớn vào sự phân tích các tài liệu văn khố Pháp. Phương thức này đã đẩy tác giả tới việc phải sử dụng ba thế kỷ của lịch sử ngoại giao để đánh giá sự đúng sai về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các phía, và quyền chiếm hữu của các phía trên những quần đảo tranh chấp, để từ đó đưa ra một soi sáng pháp lý về các vấn đề chủ quyền. Điều này sau đó sẽ được dùng như là căn bản cho một sự giải quyết giữa các nước với nhau, mà chắc chắn sẽ phải liên quan đến việc vẽ biên giới lãnh hải giữa các nước.
Biển Đông là một hải lộ chiến lược, một vùng giàu tài nguyên ngư sản, và đầy tiềm năng về dầu hỏa. Đó có lẽ cũng là nơi tranh chấp nhất trên quả địa cầu. Không ít hơn sáu nước ven biển (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Brunei) đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối nghịch nhau trên quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), trong khi quần đảo Hoàng Sa (Paracels) thì chỉ có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc chắc chắn là trọng tâm của toàn bộ sự tranh chấp này, bởi vì Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền trên tuyệt đối mọi đảo, hòn, đá và bãi và ngay cả vài bãi ngầm dưới nước trong chu vi được vẽ trên bản đồ có dạng chữ U hoa [còn được gọi là bản đồ “Lưỡi Rồng”- chú thích của Trúc Lê], mà tuồng như đã Trung Quốc có ý định nghĩa như sự “nới rộng tự nhiên” ipso facto (tự dữ kiện) và ab initio (tự nguyên thủy) của lãnh thổ Trung Quốc.
Sau khi phác họa một bức tranh toàn diện về những khía cạnh địa lý, pháp luật, lịch sử của sự tranh chấp chủ quyền này, tác giả đã dành riêng hai chương để khảo cứu sự sở đắc chủ quyền của các nước tranh cãi. Trong phần này Bà đã theo phương pháp niên đại học (theo thứ tự thời gian) và đưa ra kết luận trong chương cuối, chỉ gói ghém trong vài trang được dùng như là những hướng dẫn cho một giải quyết pháp lý của tranh chấp. Như Bà đã giải thích trong phần hai của chương đầu về tính cách pháp lý của vấn đề, sự phân tích của Bà nói chung là dựa vào những lý lẽ được lấy từ ngành học mà Bà gọi là “luật liên thời” (intertemporal law). Bà định nghĩa phương cách này như là một sự so sánh “giữa những đặc điểm của hệ thống pháp lý ở những giai đoạn phát triển khác nhau của hệ thống với những sự kiện đặc biệt của tình trạng đã cấu thành cơ sở cho sự tranh chấp”. Lịch sử, lúc đó, sẽ cho phép pháp luật được cứu xét theo nguyên tắc ubi societas, ibi jus (Ở đâu có xã hội, ở đó có luật). Định đề này dẫn tới việc xem xét câu hỏi về chủ quyền trong ba viễn ảnh thời gian khác biệt nhau : viễn ảnh đầu tiên, trước thời hậu bán thế kỷ thứ 19, nghĩa là giai đọan của thời terra nullius (đất vô chủ); viễn ảnh thứ hai, vào thời kỳ trước thế kỷ thứ 18, là giai đọan của thời “khám phá” hay ít nhất là sự nhận biết các quần đảo; và cuối cùng là giai đoạn của các thế kỷ thứ 18 và 19, lúc mà một số hồ sơ khác nhau đã được đệ trình để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc hoặc của Việt Nam. Điều đáng lưu ý là ngoài Trung Quốc và Việt Nam thì, như chúng tôi được cho biết, không còn nước nào khác đã đệ trình hồ sơ xác lập chủ quyền. Sự nghiên cứu của tác giả đã đưa tới kết luận là Việt Nam chính là quốc gia duy nhất thực sự có chủ quyền pháp lý sở hữu trên quần đảo Hoàng Sa với cơ sở vững chắc biện minh cho các tuyên bố chủ quyền của họ. Câu hỏi về việc chuyện gì đã xảy ra cho sự sở hữu chủ quyền này trong và sau giai đoạn thuộc Pháp đã được gác qua một bên trong khi chương ba xem xét tới sự xuất hiện của sự kế tục của những tuyên bố chủ quyền mới. Phần trả lời sơ lược cho câu hỏi này đã được tác giả trình bày trong chương chót, ở đấy tác giả cũng đưa ra một số kế luận.
Hình như Monique Chemillier-Gendreau đã cho rằng đối với quần đảo Hoàng Sa thì Việt Nam có chủ quyền nhất, khi Bà đề cập tới chủ quyền đó như là “quyền sở hữu cổ xưa và có căn cứ vững vàng”, và sự không thể nào chuyển đổi việc xâm chiếm quần đảo của Trung Quốc thành ra quyền pháp lý dựa vào luật pháp quốc tế cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng võ lực và Hà Nội đã phản kháng sự xâm chiếm này. Tuy nhiên, tình trạng của quần đảo Trường Sa có vẻ phức tạp hơn, và ở đây tác giả đã phủ nhận trường hợp của Trung Quốc : “Thực dễ thấy rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa hoàn toàn không có cơ sở pháp lý mà chỉ là một khía cạnh của chủ trương bành trướng lãnh hải” (trang 139). Bà đã nêu ra khả năng của một hoà giải pháp lý nếu như những thương thuyết ngoại giao bị thất bại. Song các hoạt động của luật pháp quốc tế (nguyên tắc tình nguyện dựa vào giải quyết pháp luật và cách giải quyết bằng tương nhượng qua Toà Án Quốc Tế (ICJ) Hague) kết hợp với sự miễn cưởng của các quốc gia liên hệ khi dựa vào cách hòa giải này, đã không cho phép ta nghiêm túc cứu xét giải pháp này. Thật khó mà tưởng tượng Bắc Kinh sẽ chịu quay về với giải pháp qua Toà Án Quốc Tế Về Luật Biển (ITLOS), hoặc ngay cả qua Toà Án Quốc Tế Hague (ICJ), trong trường hợp phải giải quyết vất đề biên giới lãnh hải, khi mà họ chưa bao giờ tỏ ra bất cứ ưa thích nào đối với các cơ quan pháp luật này, mặc dầu trong số thành viên của ICJ có một chánh án người Trung Quốc (1).
Chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bản dịch ra tiếng Anh của một công trình tiếng Pháp do nhà xuất bản Harmattan ấn hành trước tiên vào năm 1996, nhưng nó vẫn còn chưa được cập nhật hóa, ngoại trừ một vài bổ túc trong phần thư tịch. Điều này ít nhất cũng làm giảm bớt khả năng soi sáng hiện trạng của vấn đề [vì mất thời gian tính – Trúc Lê]. Chẳng hạn như, trong phần dẫn nhập có viết là Trung Quốc đã ký Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (UNCLOS) được chấp thuận tại Vịnh Montego ngày 10 tháng 12 năm 1982, sau những cuộc thương thuyết kéo dài tới 9 năm, mặc dầu Trung Quốc vẫn chưa phê chuẩn công ước. Tuy nhiên, 2 năm sau khi UNCLOS trở nên có hiệu lực, thì vào năm 1996, Trung Quốc đã chịu phê chuẩn công ước này. Hơn nữa, tuyên bố sau đây của Trung Quốc vào thời điểm họ phê chuẩn công ước thì thực sự rất quan thiết, bởi vì họ nói : “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên tất cả mọi quần đảo và đảo liệt kê trong Điều 2 của Luật của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về lãnh hải và vùng tiếp cận, ban hành ngày 25 tháng 2 năm 1992” (2). Tuyên bố đơn giản này của Trung Quốc đã cho ta biết rằng tất cả những gì ta cần hiểu là sự bất khả xảy ra của việc Bắc Kinh từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của họ, dưới ánh sáng của quan điểm của chính họ về luật quốc tế và về sự liên hệ giữa luật này với luật quốc gia của nước Cộng Hòa Nhân Dân này. Quan điểm có tính tuyệt đối và ngoan cố này của Bắc Kinh đã đưa đến quan niệm tổng quát của họ về những quyền có lợi cho họ đối với các luật pháp quốc tế. Luật quốc tế được chấp nhận nhưng lại được giải thích theo chiều hướng có lợi cho họ mà thôi. Trong những trường hợp như về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nguyên tắc liên hệ đến vùng biển xung quanh các quần đảo này đã được áp dụng để biện minh cho sự nới rộng vùng biển được xem như là lãnh hải thuộc vùng đặc quyền kinh tế.
Niên đại học của Bà [Chemillier-Gendreau] về những rối loạn trong phần đất này của thế giới ngừng lại vào thời điểm 9 tháng hai năm 1995. Nhưng điều đó có nghĩa là bỏ qua nhiều biến cố đối diện với các quốc gia trong khu vực trong các năm 1999 và 2000 : tỷ dụ việc lính Việt Nam bảo vệ Trường Sa đã giết một ngư phủ Phi Luật Tân vào tháng Giêng năm 1999, cái chết của một ngư phủ Trung Quốc vài tháng sau đó trong một cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân, các mối căng thẳng lớn giữ các nước hội viên của ASEAN với nhau, sự nới rộng hiện diện của Trung Quốc trên Đảo ngầm Scarborough, cái chết của một ngư phủ Trung Quốc khác khi lính cảnh sát biển của Phi Luật Tân bắn vào tháng 5 năm 2000, và trên hết là sự công bố bản Qui Tắc Ứng Xử vào tháng 11 năm 1999 do Phi Luật Tân và Việt Nam khởi xướng, nhưng đã bị Trung Quốc bác bỏ với lý do là họ chỉ thương thuyết tay đôi mà thôi. Sau cùng, xin có vài chữ để nói về việc tác giả đã sử dụng quá đáng phần phụ lục, dày tới 110 trang trong số 143 trang của tác phẩm. Mặc dầu việc sưu tập vài văn kiện cổ hơn là thích đáng, nhưng ngay cả khi chấp nhận rằng phương pháp của Bà là dựa trên cơ sở về sự nghiên cứu các tài liệu văn khố Pháp, liệu có quả thực cần thiết để kèm vào đấy một số bản đồ không đọc rõ được, ngay cả nguồn gốc của chúng cũng không được cho biết, hoặc là kèm vào lá thư 9 trang đề ngày 28 tháng 8, 1788 của Bá tước Kergariou Locmaria, thuyền trưởng của chiếc thuyền Le Calypso ?
Tuy nhiên chính cái phương pháp tổng quát của tác giả mới là điều thật sự cần xét lại. Thay vì “Chủ Quyền trên các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, nhan đề của cuốn sách nên viết là “Lịch Sử về Chủ Quyền trên các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Một sự ghi chép về các cuộc tranh chấp chủ quyền, tuy thế, không đưa đến một giải pháp toàn bộ cho các vấn đề. Đồng ý là thực hữu ích để đặt các biến cố lại trong bối cảnh quá trình hình thành lịch sử của chúng, và bày tỏ sự công bình [thiện cảm] với những lý lẽ của Việt Nam như là kẻ kế thừa của Pháp sau khi chế độ thực dân bị hủy bỏ, nhưng ta không thể dừng lại ở đấy, khi mà hiện nay sự tranh chấp đã liên quan tới sáu quốc gia ở Đông Nam Á. Chỉ dựa vào những nguyên lý vĩ đại về quyền tự trị của các dân tộc [bị đô hộ] và quyền [của họ] được giải phóng khỏi chế độ thực dân, tự nó không còn đương nhiên đủ [để kết luận]. Vì những quần đảo này và phần nổi trên mặt nước của chúng phần lớn đều không có người ở, thế thì những dân tộc nào là dân tộc được đề cập tới đây ? Liệu Trung Quốc được coi như là một nước thực dân (3) ? Một số đoạn trong cuốn sách này tuồng như vang vọng lại những lời tuyên bố của tác giả mà nhiều người đã biết khi bà ủng hộ các nước ở Nam Bán Cầu, và những giải thích của bà về luật quốc tế mà mục đích là để lột trần huyền thoại của luật này, và chứng tỏ các giới hạn của nó hoặc ngay cả tính chất gian tà của nó như là một công cụ của các thế lực phương Tây (4). Sự tìm kiếm của tác giả cho những nguyên tắc đích thực về pháp luật quốc tế là một điều đáng ca ngợi, nhưng chắc hẳn là ta không cần thiết phải hoàn toàn loại bỏ các thực tế địa lý chiến lược hiện nay và những tương quan quyền lực đang uốn nắn các mục tiêu quốc gia hiện nay ? Dù thế, ta cũng cần chia xẻ với ý kiến của tác giả khi bà kết luận bằng cách kêu gọi [các phe] thương thảo với thiện chí, để đưa đến sự giải quyết cho một vấn đề mà cho đến nay vẫn còn chưa được giải quyết, một vấn đề tiềm ẩn nhiều liên lụy đáng ngại cho nền hòa bình và an ninh châu Á.
Jonathan Hall dịch từ nguyên bản tiếng Pháp.
1. Shi Juyong là một chánh án từ ngày 6 tháng 3 năm 1994, và là phó chủ tịch của ICJ từ ngày 7 tháng 3 năm 2000. Ông cũng là Chủ tịch của Ủy Ban Luật Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (1990).
2. Tuyên bố của Bắc Kinh như sau : “1. Tuân theo các điều luật của Công ước về Luật Biển của Liên Hiếp Quốc, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được hưởng chủ quyền và quyền tài phán trên vùng Đặc Quyền Kinh Tế rộng 200 hải lý và trên thềm lục địa. 2. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, qua tham khảo, sẽ phân định biên giới thuộc quyền tài phán của mỗi bên với các quốc gia có bờ biển đối diện hay kế cận Trung Quốc trên cơ sở của luật quốc tế và tuân theo nguyên tắc bình đẳng. 3. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tái khẳng định chủ quyền trên tất cả mọi đảo và quần đảo liệt kê trong Điều 2 của văn bản về Luật của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về lãnh hải và vùng tiếp cận như đã được công bố vào ngày 25 tháng 3 năm 1992. 4. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tái khẳng định rằng những qui định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển liên hệ đến quyền thông quá vô tư trên lãnh hải sẽ không ngăn ngăn cấm quyền của quốc gia có bờ biển được đòi hỏi, theo đúng các qui tắc và pháp luật của nước đó, rằng một nước ngoài phải xin phép và được chấp thuận trước hoặc phải thông báo cho nước có bờ biển biết trước ngày mà các tàu chiến của nước này đi ngang qua lãnh hải của nước có bờ biển”.
3. Đối với danh xưng này, thực là thú vị khi ta lật đến Đoạn 3 của Điều 121 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nói về qui chế đảo : “Các mõm đá không có đủ điều kiện cho con người sinh sống hoặc không có các sinh hoạt kinh tế của chính nó thì sẽ không có vùng Đặc Quyền Kinh Tế hay thềm lục địa”.
4. Monique Chemillier-Gendreau, Humanité et Souveraineté, essai sur la fonction du droit international [Nhân Loại và Chủ Quyền, luận bàn về sự hoạt động của luật quốc tế], Paris, La Découverte, 1995, 382 pp
No comments:
Post a Comment