Sunday, March 11, 2012

DO THÁI OANH TẠC IRAN? _Trần Đỗ Cẩm

Tạo Chiến Tranh Để Giữ Hòa Bình

Trần Đỗ Cẩm

Austin Texas 3/2012
Lưy ý: Tác giả giữ bản quyền.
Các cơ quan truyền thông muốn phổ biến, vui lòng liên lạc qua
Email: camtran11@yahoo.com.
Thành thật cám ơn.
 
Ngạn ngữ Tây Phương có câu bằng tiếng Latin “Si vis pacem, para bellum” có nghĩa là “muốn sống hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh”. Câu này đúng hơn bao giờ hết khi áp dụng vào trường hợp của nước Do Thái nhỏ bé nằm giữa khối Ả Rập to lớn gấp hàng trăm lần tại Trung Đông; nhất là trong giai đoạn hiện tại khi Iran đe dọa sẽ chế tạo bom nguyên tử để “thổi” Do Thái khỏi mặt địa cầu.
Ngược giòng lịch sử, từ thời xa xưa, vào khoảng thế kỷ 15 trước Tây Lịch, dân Do Thái đã phải sống phiêu bạt khắp thế giới vì tổ tiên bị người Hồi giáo Ai Cập đầy đọa và đất nước bị “quân dữ” xâm chiếm. Lúc đó, hàng triệu dân giòng giống Hebrew bị ngược đãi nên đã phải rời bỏ quê hương Goshen chạy ra Hồng Hải với quân thù Ai Cập đuổi theo bén gót. Tới bờ biển, hết đường, tất cả tưởng sẽ bị tàn sát, nhưng rất may lãnh tụ Moses được Thượng Đế ban phép lạ, làm rẽ nước biển sang hai bên để dân an toàn đi qua được tới bờ bên kia. Quân Ai Cập xuống biển đuổi theo thì bị bờ nước ập lại chết đuối hết. Cuộc trốn chạy hảm khốc này được lịch sử gọi là “exodus” tức là lưu đầy. Dân Do Thái coi như được rửa sạch hết tội lỗi khi lội xuống Hồng Hải. Thủ tục dùng nước hay lội xuống sông, biển của người theo đạo Jehovah để làm lễ “rửa tội” (Baptism) phát sinh từ đây.
Do đó mối thù giữa Ả Rập và Do Thái coi như truyền kiếp, khó thể chung sống hòa bình. Tuy đã bị phân tán lang thang trên nhiều quốc gia, nhưng dân Do Thái vẫn không được yên ổn làm ăn; họ tiếp tục bị kỳ thị, ức hiếp. Điển hình vào thế chiến thứ hai, Đức quốc xã dưới quyền cai trị của nhà độc tài Hitler đã ra lệnh tập trung hàng triệu người Do Thái vào các trại cải tạo rồi tàn sát diệt chủng không nương tay, khiến phe đồng minh rất phẫn nộ, gọi là thảm nạn “holocaust”. Người Do Thái nào cũng không bao giờ quên hai biến cố đau thương “exodus” và “holocaust” trong lịch sử dân tộc mình.
Sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, vì có sự nhiều đụng độ đẫm máu liên tục giữa dân Do Thái và Ả Rập tại khu vực Palestine thuộc Trung Đông, nên vào năm 1947, Liên Hiệp Quốc chia vùng này làm đôi, một phần dành cho dân Do Thái, một phần dành cho người Ả Rập. Ngày 14 tháng 5 năm 1948, lãnh tụ khối Do Thái là ông David Ben-Gurion, với sự hậu thuẫn và hứa hẹn sẽ tích cực bảo vệ của các quốc gia đồng minh, đã tuyên bố độc lập đối với thành phần Ả Rập của Palestine. Quốc gia Do Thái được ra đời kể từ đó. Như vậy, lãnh thổ Do Thái hiện nay là một phần đất Palestine do dân Hồi giáo cư trú đã hàng ngàn năm, nhưng người Do Thái lại bảo trước đó là lãnh thổ của họ bị ngưới Ả Rập cưỡng chiếm. Vì vậy, mối thù giữa người Do Thái và Ả Rập càng sâu nặng và đôi bên hầu như không ngày nào không xảy ra tranh chấp.
Về địa thế, Do Thái hầu như nằm gọn trong thế giới Ả Rập; phía bắc giáp Lebanon, đông bắc là Syria, đông là Jordan và West Bank, tây giáp Địa Trung Hải, tây nam là Ai Cập và giải đất Gaza, nam giáp vịnh Aqaba và Hồng Hải. Chúng ta thấy ngoại trừ mặt biển, chung quanh sát nách Do Thái đều là thù địch, do đó dân Do Thái luôn luôn sống trong tình trạng phập phồng báo động, có thể bị gây hấn và xâm chiếm bất cứ lúc nào.
Chỉ mới một ngày sau khi tuyên bố độc lập, các nước Ả Rập lân cận đã xua quân tấn công Do Thái để hỗ trợ dân Palestine nhưng khối Hồi giáo dù đông hơn nhưng vẫn không thành công. Kể từ đó tới nay, nhiều trận chiến đã xảy ra giữa đôi bên, điển hình là trận chiến 6 ngày vào tháng 6 năm 1967 với Ai Cập, Jordan và Syria; trận Yom Kippur vào tháng 10 năm 1973 vào đúng ngày lễ Yom Kippur với liên quân Ả Rập do Ai cập và Syria dẫn đầu v.v… cùng với những tranh chấp hầu như không ngừng nghỉ với dân Palestine, nhưng lần nào Do Thái cũng chiến thắng. Họ không những vẫn tồn tại, mà còn mở rộng lãnh thổ, chiếm thêm vùng West Bank và giải đất Gaza của người Palestine, bán đảo Sinai của Ai Cẫp và cao điểm Golan của Syria. Trước mắt khối Ả Rập, nước Do Thái nhỏ bé , xếp hạng 154 trên thế giới, diện tích vỏn vẹn chừng 20 ngàn cây số vuông, với khoảng 7 triệu dân, lúc nào cũng là thù địch giống như gai nhọn bên cạnh sườn.
Trong thời gian gần đây, vì tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran, khiến mối liên hệ giữa Do Thái và quốc gia Hồi giáo trong vùng này vốn đã đã là thù địch từ lâu, mỗi ngày một thêm xấu và căng thẳng, gây nên những lời đồn đại sớm muộn gì Do Thái cũng sẽ tấn công hay oanh tạc phá hủy các cơ sở nguyên tử của Iran để tránh hậu hoạn. Nếu hiềm khích giữa đôi bên đang được toàn thế giới lo ngại theo dõi này không được giải quyết ôn hòa, thảm họa chiến tranh chắc không tránh khỏi, hậu quả sẽ gây xáo trộn không ít cho sự phát triển kinh tế và nền hòa bình trên toàn thế giới. Đặc biệt Hoa Kỳ với những quyền lợi kinh tế về dầu lửa quan trọng trong vùng, và năm nay lại đáo hạn bầu cử tổng thống, đã tỏ ra hết sức quan ngại. Điển hình sau khi gặp thủ tướng Do Thái Benjanin Netanyahu tại Jerusalem và tướng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ Martin Dempsey để thăm dò tình thế, ông Tom Donlon, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã vội vã báo động “hành động Do Thái oanh tạc Iran sẽ làm xáo trộn toàn vùng Trung Đông”. Thủ tướng Anh quốc William Hague cũng tuyên bố tương tự “DoThái ra tay lúc này là thiếu sáng suốt”.
Nhưng trong lúc đó, phát ngôn nhân Lior Weintraub của Do Thái tại Hoa Thịnh Đốn vừa nỗ lực vận động quốc tế đẩy mạnh việc cấm vận Iran, vừa gián tiếp đe dọa chiến tranh khi mạnh miệng cảnh cáo “cả Hoa Kỳ lẫn Do Thái đều sẽ không từ bỏ bất cứ giải pháp nào”. Mới đây nhất, sau khi tiếp kiến cả tổng thống Shimon Pres và thủ tướng Benjamin Netanyahu của Do Thái tại Bạch Cung, tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng mạnh mẽ lên tiếng “nếu Iran không chịu từ bỏ mưu đồ nguyên tử, chuyện gì cũng có thể xảy ra”. Mạnh miệng như vậy, ông tổng thống không phải gốc da trắng này tuy chưa chắc hết lòng vì bạn, nhưng vì muốn được tái cử, đã rất khôn ngoan mua chuộc cảm tình của những người Mỹ gốc Do Thái vốn có nhiều ảnh hưởng trên chính trường cũng như trong lãnh vực kinh tế tài chánh Hoa Kỳ.
Trước tình hình nóng bỏng như vậy, chúng ta thử tìm hiểu liệu Do Thái có tấn công Iran thật không, hay họ và cả Hoa Kỳ đang dùng “cây gậy và củ cà rốt”, dọa dẫm làm Iran sợ hãi phải từ bỏ tham vọng nguyên tử? Mặt khác, nếu phải động binh thật sự, Do Thái và có thể cả Hoa Kỳ sẽ hành động thế nào và hậu quả sẽ ra sao?
Mấu chốt của các câu trả lời đều nằm trong việc phân tích lợi hại, mục tiêu chiến thuật và chiến lược cũng như khả năng quân sự của Do Thái.
Như chúng ta đã biết, nhiều quốc gia trên thế giới có vũ khí nguyên tử, nhưng tại sao Do Thái lại chỉ e ngại và đòi tấn công Iran? Câu trả lời đơn giản và dễ dàng là Iran thuộc khối Ả Rập có mối thù truyền kiếp với Do Thái. Hơn nữa, tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad còn lớn tiếng đe dọa sẽ xóa tên Do Thái khỏi bản đồ thế giới, gợi lại hình ảnh thảm trạng holocaust lần thứ hai. Nhưng thật sự Do Thái chỉ lo ngại sẽ bị xóa tên hay còn vì nhiều lý do chiến lược thầm kín khác?
Giả sử Iran chế tạo được vũ khí nguyên tử, liệu họ có giám xử dụng để “xóa tên” Do Thái, một đối thủ cứng cựa còn có nhiều vũ khí nguyên tử hơn hay không? Nhìn lại lịch sử của thời đại nguyên tử, chỉ có hai quả bom Little Boy và Fat Man do Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki bên Nhật vào cuối thế chiến thứ hai được liệt vào hàng “chiến tranh nguyên tử nóng”, còn ngoài ra chỉ toàn là “chiến tranh lạnh” dọa dẫm nhau. Ghê gớm và hung hãn nhất như con gấu cộng sản Nga Sô dưới thời Joseph Statin và Nikita Khrushchev trang bị vũ khí nguyên tử tới tận chân răng, cũng chỉ giám đánh võ mồm tháu cáy, khi bị đối thủ tố ngược thì quay bài chạy dài như trong vụ khủng hoảng hỏa tiễn tại Cuba vào năm 1962. Đến như hai đối thủ sát nách là Ấn Độ và Hồi Quốc có thâm thù sâu xa bắt nguồn từ tôn giáo, khi gặp cảnh cơm chẳng lành, canh không ngọt cũng chỉ đến độ dùng xe tăng đại bác chọi nhau chút đỉnh, không ai giám xài đến “hạch tâm” dù họ có đầy trong kho.
Xem thế, từ trước tới nay, nguyên tử mới chỉ là vũ khí bảo vệ hòa bình thay vì gây chiến, vì ai cũng biết trong một cuộc chiến tranh nguyên tử sẽ không có kẻ thua, người thắng mà đôi bên đều bị tận diệt. Do đó, có thể nói dù Iran có vũ khí nguyên tử, chưa chắc họ đã giám xử dụng để xóa sổ Do Thái, ngoại trừ các lãnh tụ Iran trở nên điên loạn như mắc bệnh tâm thần, muốn theo chân những thánh tử đạo ôm bom giết người tại Iraq.
Như vậy, Do Thái chắc chẳng ngán sợ chiến tranh nguyên tử với các nước Ả Rập vì họ biết không ai thích tự đào mồ chôn mình, nhưng thật sự e ngại vì nhiều lý do thực tế khác. Trước hết, Do Thái sẽ phải kiêng dè hơn, không giám mạnh tay xử dụng vũ lực qui ước với các quốc gia và phe nhóm Ả Rập lân cận thân thiện với Iran trong vùng như Syria, nhóm Hezbollahbên Lebanon và nhóm Hamas ở Gaza. Rõ ràng hơn, tướng Amir Eschel trưởng khối kế hoạch quân sự Do Thái lo ngại việc Iran trực tiếp xử dụng vũ khí nguyên tử thì ít, mà tỏ ý e dè nhiều hơn về thực tế Do Thái sẽ không còn nhiều lựa chọn khi phải dùng biện pháp quân sự thông thường một khi đàn anh Iran đỡ đầu khối Ả Rập có răng nanh nguyên tử. Tướng Eshel nói rõ hơn “chẳng hạn như khi cần “làm việc” với Lebanon hay Gaza dưới cái dù nguyên tử của Iran, có thể mình sẽ phải nghĩ khác. Khi đối phương có vũ khí nguyên tử, bắt buộc ta sẽ phải dè dặt và tính toán kỹ hơn”.
Sau nữa, khi Iran mọc móng vuốt nguyên tử, đương nhiên các quốc gia trong vùng sẽ thi nhau tìm cách theo chân, gây ra một cuộc “chạy đua nước rút nguyên tử” hỗn loạn chẳng ai chịu thua. Trong hội nghị Davos tại Thụy Sĩ gần đây, bộ trưởng quốc phòng Do Thái Ehud Barak quan ngại nếu Iran được tự do chế tạo vũ khí nguyên tử, thế nào các nước trong vùng cũng bị lôi kéo theo, nhất là các đối thủ cũ và mới của Iran như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập v.v… ai cũng thấy cần phải có lực luợng quân sự tương tự như Teheran. Mặc dù bây giờ Do Thái chưa có hiềm khích trực tiếp gì với những quốc gia này, nhưng thế “thượng phong quân sự” của Do Thái dùng để răn đe và áp chế thù nghịch trong vùng thế nào cũng ít nhiều bị thương tổn đến độ sẽ không còn được ngang nhiên xử dụng sức mạnh quân sự khi cần như từ trước tới nay. Tướng Escel nói tiếp “nếu đối phương có vũ khí nguyên tử và sẵn sàng xử dụng, Do Thái sẽ phải hết sức tự chế bởi vì không muốn tham dự vào trò chơi tự diệt này”.
Nói tóm lại, từ trước tới nay, Do Thái dựa vào ưu thế quân sự tuyệt đối để đe dọa và ngăn ngừa khỏi bị các nước Ả Rập thù ngịch tiêu diệt. Nếu Iran có vũ khí nguyên tử, không những ưu thế quân sự này sẽ không còn nữa, mà ngay sự sống còn của Do Thái cũng bị trực tiếp đe dọa nặng nề. Rất có thể một ngày không đẹp trời nào đó, mấy ông sư phụ khăn đống cuồng tín sau khi được Thượng Đế tối cao Allah hứa cho 17 cô trinh nữ trên thiên đàng, sẽ lại chẳng máy tay bấm nút “hạch tâm”?
Phân tích như trên, chúng ta thấy vì lý do sống còn, Do Thái không thể “điềm nhiên tọa thị” để Iran chế tạo vũ khí nguyên tử. Nói khác đi, nếu Iran nhất quyết chế tạo vũ khí nguyên tử, thế nào Do Thái cũng sẽ dùng mọi biện biện pháp hòa bình hay cứng rắn, kể cả quân sự để ngăn chận.
Nhưng tới đây, có câu hỏi được đặt ra là: Iran có thực sự đang chế tạo vũ khí nguyên tử hay không? Hiện nay theo dư luận quốc tế, Iran đang ráo riết tăng cường khả năng nguyên tử của mình, với sự giúp đỡ đặc biệt của các chuyên gia ngoại quốc đáng nghi ngở như Bắc Hàn, Pakistan và cả Trung Cộng lẫn Nga Sô. Theran nói họ chỉ xử dụng năng lượng nguyên tử vào mục tiêu hòa bình, nhưng không mấy ai tin, vì cũng như Bắc Hàn, Iran luôn luôn mập mờ né tránh việc cho phép các chuyên gia nguyên tử của Liên Hiệp Quốc tới giám sát. Ngay cả việc quốc tế yêu cầu Iran ngưng xây dựng những cơ cấu chế tạo nhiên liệu nguyên tử như nhà máy tinh lọc uranium,nhà máy chế nước nặng v.v… để đổi lấy những thanh nhiên liệu tinh lọc đã được làm sẵn cũng bị từ chối. Vì vậy, cả Tel Aviv lẫn Washington cũng như phần lớn các quốc gia tự do trên thế giới đều cáo buộc Iran đang ngấm ngầm xử dụng nguyên tử vào mục tiêu không hòa bình như họ nói.
Để ngăn ngừa Iran chế tạo vũ khí nguyên tử, các quốc gia thuộc khối tự do đã dùng nhiều biện pháp “hòa bình” như cảnh cáo, cấm vận, phong tỏa kinh tế và tài chánh, nhưng cho đến nay, mọi nỗ lực hầu như vô hiệu, mặc dù dân Iran bị ảnh hưởng nặng nề vì gọng kìm miếng cơm manh áo xiết chặt. Cũng như dưới chế độ độc tài của cha con nhà họ Kim tại Bắc Hàn, giới cầm quyền Iran không mấy quan tâm tới sự đói khổ của dân chúng mà chỉ một hai đòi thánh chiến hy sinh cho chế độ hay tử vì đạo. Mới đây, Tổng Thống Do Thái Shimon Peres yêu cầu quốc tế tăng thêm áp lực kinh tế và chính trị đối với Iran, ông lo ngại “Iran sắp sửa hoàn thành vũ khí nguyên tử, vì vậy quốc tế phải giữ lời hứa trước đây về sự sống còn của Do Thái, áp dụng mọi biện pháp, kể cả hành động quân sự”.
Gần đây nhất, nhiều nhà cầm quyền cao cấp Do Thái đã gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Obama tại Bạch Cung, sau đó cả đôi bên đều tuyên bố “sẽ mọi biện pháp để ngăn ngừa Iran chế tạo bom nguyên tử”. Theo ngôn ngữ ngoại giao, nếu không chuẩn bị chiến tranh thì chẳng ai lớn tiếng nói “sẽ dùng mọi biện pháp” như trên. Vậy nếu mọi áp lực “củ cà rốt” từ mọi phía vẫn không làm Iran lùi bước, chắc chắn “cây gậy” chiến tranh sẽ được mang ra xử dụng. Nếu có chiến tranh, dĩ nhiên cả Do Thái lẫn Hoa Kỳ đều có kế hoạch, chiến thuật chiến lược riêng, nhưng qua những cuộc gặp gỡ chính trị và quân sự vừa qua, ta có thể dự đoán còn có cả kế hoạch hợp tác quân sự giữa đôi bạn đồng minh tri kỷ.
Nhưng theo nhận xét chung, mối quan hệ giữa vị Tổng Thống da màu lại có cha ghẻ đạo Hồi với các chính khách Do Thái không được chặt chẽ và “tin tưởng” cho lắm. Nhất là gần dây, thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu sau mấy ngày hội đàm căng thẳng tại tòa Bạch Ốc đã ra mặt tuyên bố “Do Thái chính là chủ của vận mệnh mình”, chúng ta có thể dự đoán khá chắc nếu Iran không tử bỏ tham vọng chế tạo vũ khí nguyên tử, dù phải hành động một mình, Do Thái cũng sẽ ra tay trước bằng biện pháp quân sự. Hoa Kỳ có lẽ sẽ tránh mặt để dễ bề ăn nói với các bạn kinh tế thị trường tốt như Nga Sô, Trung Cộng, và còn ngây thơ tuyên bố không biết gì về hành động “đơn phương” của Do Thái này, hoặc lên tiếng can gián khi sự đã rồi. Nhưng bên trong thế nào Hoa Kỳ cũng chẳng giúp ngầm người anh em thân cận nhất ở Trung Đông và cũng là ông khổng lồ đang nắm hầu bao đô la tại Wall Street? Rất có thể chú Sam còn cộng tác, tuốt đao tương trợ nữa là khác.
Vậy nếu Do Thái đơn phương hành động, họ sẽ ra tay bằng cách nào để không vượt quá khả năng quân sự hạn hẹp, trong khi mục tiêu Iran khó khăn cách xa hậu tuyến hàng ngàn dặm? Ai cũng biết quân lực Do Thái tuy tương đối nhỏ nhưng rất tinh nhuệ, có khả năng đánh bại và xâm chiếm được cả Iran. Vấn đề là hai nước không cùng chung biên giới, những quốc gia nằm giữa đôi bên lại thuộc khối Hồi giáo kém thân thiện nên không dễ mượn đường. Dù có đưa được quân bộ chiến tới Iran, Do Thái cũng không thể một mình chịu đựng nổi một trận chiến qui mô cách xa đất nhà về lâu về dài. Vì vậy việc dùng bộ binh để đánh chiếm Iran dù chỉ trong một thời gian ngắn, đủ để phá hủy những mục tiêu quan trọng coi như khó lòng thực hiện.
Đến đây, chắc giới quân sự Do Thái đang mơ ước hải quân có được vài ba hàng không mẫu hạm. Các hải chiến đoàn mẫu hạm (carrier battle group) sẽ được đưa vào vịnh Ba Tư sát nách Iran để bắn hỏa tiễn Tomakwk phủ đầu trước khi phóng hàng trăm phi cơ oanh tạc các mục tiêu nguyên tử. Khi đạt được thế thượng phong, tuyệt đối làm chủ không và hải phận, việc phối trí lực lượng tấn công sẽ mau chóng, thuận lợi, dễ dàng hơn và thành công chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu có thêm Thủy Quân Lục Chiến hay Lực Lượng Đặc Biệt, sẽ bất thần đổ bộ để đánh chiếm phá hủy mục tiêu dưới cái dù phi cơ che chở. Không quân và hải quân của Iran tuy đáng kể nhưng chưa được coi là đối thủ nên Do Thái có thể mặc sức tung hoành.
Tiếc thay, Do Thái không đủ khả năng làm chủ một lực lượng mẫu hạm nên cuối cùng chỉ còn một phương cách duy nhất là dùng phi cơ của không quân đột kích các mục tiêu tại Iran rồi rút lui chớp nhoáng.Nhưng trước khi oanh tạc mục tiêu, việc đầu tiên là tìm cách cho phi cơ bay tới được Iran. Nói thì đơn giản nhưng đây không phải chuyện dễ dàng. Ngoài ra cũng cần có bom đạn thích hợp có khả năng xâm nhập phá hủy những mục tiêu “cứng” (hard targets) được phòng thủ bằng nhiều lớp phòng không dầy đặc và dấu kín trong hang núi hay xây bằng xi măng cốt sắt sâu hàng chục thước dưới lòng đất.
Nhiều người nghĩ rằng Do Thái có phi cơ và vũ tối tân trội vượt, chỉ cần bay qua Iran, thả bom xong rồi về, đến và đi trong vòng dăm ba tiếng đồng hồ. Chiến thuật dùng phi cơ bất thần đột kích, tận dụng hỏa lực bom đạn phá hủy các cơ sở nguyên tử địch không phải là chuyện xa lạ đối với Do Thái.Trước đây vào năm 1981, bom Do Thái đã từng san thành bình địa nhà máy nguyên tử Osirak chỉ cách thủ đô Baghdad của Iraq không đầy 20 cây số. Rồi vào tháng 9 năm 2007, chỉ cần 4 phi cơ Do Thái cũng đã đủ để phá tan nhà máy nguyên tử của Syria.
Nhưng lần này, đối thủ của Do Thái lại là tay xừng xỏ Iran vừa lớn vừa mạnh lại có nhiều “tên lửa” tầm xa tầm gần, có thể coi như anh cả dẫn đầu khối Hồi Giáo hiện nay tại Trung Đông, lại được Nga Sô và Trung Cộng bán vũ khí ngầm tiếp tay nên mọi chuyện phức tạp hơn nhiều. Để tìm hiểu những khó khăn của không lực Do Thái trong trường hợp họ muốn tấn công, chúng ta cần biết rõ về các mục tiêu phải phá hủy. Iran có hàng trăm cơ sở nguyên tử, vì vậy Do Thái không thể triệt tiêu hết cùng một lúc, mà cần phải chọn lựa theo thứ tự ưu tiên những nơi quan trọng nhất tối cần cho việc sản xuất vũ khí nguyên tử.
Chúng tôi dự đoán các lò nguyên tử (nuclear reactors) đơn độc sẽ không phải là món hàng chính, mà những cơ xưởng xuất nguyên liệu Uranium-235 tinh chế dùng làm cốt lõi cho bom nguyên tử mới là những con mồi đáng giá, bõ công cho chuyến bay ngàn dặm. Suy luận theo chiều hướng này, hiện có 6 mục tiêu quan trọng nhất cần phải thanh toán ngay, đó là các nhà máy tinh lọc Uranium (uranium enrichment) tại Natanz và Fordo gần thánh địa Hồi Giáo Qom, nhà máy chế biến (conversion) Uranium tại Isfahan, nhà máy nguyên tử đang hoạt động tại Bushehr, nhà máy nước nặng (heavy water) tại Arak, và cơ sở thử nghiệm vũ khí tại Parchin chỉ cách thủ đô Tehra chừng 20 cây số về hướng đông nam.
Đa số những mục tiêu trên đều là những khúc xương khó nuốt cần đánh nhiều bom mới gây thiệt hại trầm trọng, nhất là những cơ sở chôn sâu trong lòng đất hay trong hang núi; trái đầu để “mở cửa” dẫn đường cho những trái sau lách vào phá hủy cơ xưởng chính.
Riêng mục tiêu Parchin coi như một công binh xưởng nằm cạnh Tehran đông dân, tuy không phải là một nơi khó đánh nhưng vì sát cạnh thủ đô nên việc phòng thủ chắc chặt chẽ hơn. Nếu các giàn hỏa tiễn phòng không được đặt trong lòng Tehran lân cận, phi cơ Do Thái bắt buộc phải phá hủy chắc chắn thường dân sẽ bị thương vong nặng nên sẽ gây nhiều phẫn nộ. Iran sẽ nhân dịp thổi phồng, tuyên truyền đòi thánh chiến và nhân dịp trả đũa bắn hỏa tiễn vào Do Thái vô tội vạ.
Đến đây để dễ theo dõi, tưởng nên mở dấu ngoặc nói sơ qua về kỹ thuật cũng như những danh từ chuyên môn về nguyên tử năng thường được đề cập tới trong bài viết. Trước hết, đơn giản và dễ hiểu, có thể nói nhiên liệu nguyên tử (nuclear fuel) được dùng để “chạy” các lò nguyên tử (reactor) tương tự như xăng để chạy động cơ nổ hay than đá chạy máy hơi nước. Lò nguyên tử được dùng trong nhà máy nguyên tử (nuclear power plan) để sản xuất nguyên tử lực (nuclear power), giống như máy nổ được dùng trong nhà máy điện để sinh ra điện lực.. Vì vậy, muốn có nguyên tử lực để xử dụng trong mục tiêu hòa bình hay các áp dụng quân sự, việc đầu tiên là phải chế tạo nhiên liệu nguyên tử.
Nhiên liệu nguyên tử trên nguyên tắc không khác những nhiên liệu thông thường như dầu cặn hay than đá. Nhiên liệu khi đốt cháy sẽ sinh ra hơi nóng (nhiệt lượng) dùng để nấu nước bốc hơi khi sôi. Hơi nước được xử dụng dưới áp xuất cao như những luồng gió thật mạnh thổi vào làm quay cánh quạt “turbine” của máy phát điện hay trục chân vịt trên các tầu chạy biển. Một nhà máy điện nguyên tử chỉ khác nhà máy điện chạy bằng than đá hay dầu cặn ở chỗ chất Uranium được dùng làm nhiên liệu (chất đốt) thay vì than dầu cặn. Nhiệt lượng rất cao phát sinh do các phản ứng giây chuyền khi các hạt nhân nguyên tử được tách ra, danh từ chuyên môn gọi là “nuclear fission”. Trong địa hạt quân sự, phản ứng giây chuyền này đươc dùng làm nồng cốt trong việc chế tạo bom nguyên tử.
Việc xử dụng nhiên liệu nguyên tử ngày nay rất phổ cập vì tài nguyên thiên nhiên mỗi ngày một hiếm, và có nhiều ưu điểm so với nhiên liệu than đá, dầu cặn v.v…, như tương đối rẻ tiền, dùng được rất lâu mới phải thay thế, sạch sẽ không tỏa ra nhiều thán khí làm ô nhiễm khí quyển và nhẹ nhàng không cần nhiều kho chứa. Các lò nguyên tử trên những chiến hạm Hoa Kỳ có thể được dùng suốt mấy chục năm mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Điểm bất lợi nhất của nguyên tử là gây ra chất phóng xạ chết người tồn tại rất lâu dài nếu không được kiểm soát đúng cách.
Tương tự như các kim loại lấy ra từ các quặng mỏ, nhiên liệu nguyên tử được chế biến từ những quặng mỏ Uranium bằng cách tinh luyện hay tinh chế (enrich) tức là gạn lọc hết những chất cặn bã không dùng được, giống như những quặng mỏ sắt khi mới khai thác cũng phải cho vào các lò luyện sắt nấu chảy ra để lọc lấy sắt ròng. Riêng về quặng Uranium thiên nhiên gồm có tới 99.248% chất Uranium-238, mà chỉ có 0.711% tức là chưa tới 1% Uranium-235 tốt dùng được. Vì vậy muốn xử dụng Uranium để làm nhiên liệu cho các lò nguyên tử thông thường, cần gạn lọc hay tinh luyện cho tỷ số U-235 tốt lên cao khoảng 4%. Muốn chế tạo vũ khí nguyên tử, cần U-235 hầu như ròng với tỷ lệ lên tới 90%. Các nhà máy tinh luyện Uranium thường dùng máy ly tâm hay hướng tâm (centrifuge) để gạn lọc, thải bớt U-238 xấu để nâng cao tỷ số U-235 tốt.
Như vậy Uranium tinh chế là thành phần tối quan trọng cho các nhà máy cũng như vũ khí nguyên tử. Số lượng Uranium tinh chế này được cơ quan nguyên tử năng quốc tế thường xuyên kiểm soát, kết toán và theo dõi kỹ càng để tránh bị lạm dụng. Hiện nay trên thế giới có chừng 2,000 tấn Uranium tinh chế. Để dễ bề so sánh, theo báo cáo của Natural Resources Defense Council, Inc., chỉ cần 5 kilograms U-235 tinh chế cao (Highly Enriched Uranium - HEU) là đã có thể làm được một trái bom nguyên tử cỡ trung bình, tương đương với 20 ngàn kilotons (một kiloton là 1,000 tấn) chất nổ, bằng trái bom nguyên tử “Fat Man” thả xuống Nagasaki tại Nhật vào ngày 9 th áng 8 n ăm 1945.
Ngoài nhiên liệu, còn có một thành phần quan trọng khác phải dùng trong nhà máy nguyên tử, đó là “nước nặng” (heavy water). Tổng quát, “nước nặng” cũng vẫn chỉ là nước thường nhưng đã được tinh luyện để đạt tới điểm sôi cao hơn 100 độ C của nước thường. Nước nặng còn được gọi là Deuterium Oxide (D2O) thay vì Hydrogen Oxide (H2O) như nước thường. Trong nước thường H2O, tỷ lệ giữa D và H là 156 phần triệu, tức là trong 1 triệu lít nước thường, chỉ có 156 lít nước nặng. Vì vậy nước thường phải được tinh chế rất tỉ mỉ mới thành nước nặng với tỷ lệ D so với H lên tới 99.75%. Cơ thể con người chỉ gồm chừng 5 grams nước nặng nên không gây nguy hiểm gì. Nước nặng dùng để làm nguội và cũng là chất trung hòa khiến lò nguyên tử hoạt động hữu hiệu hơn.
Trở lại vấn đề Do Thái sẽ xử dụng giải pháp quân sự để đánh phủ đầu Iran; đây là chuyện rất có thể sẽ xảy ra nếu Iran không từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạch tâm. Lý do vì sự sống còn của Do Thái bị đe dọa trầm trọng nếu một hay nhiều quốc gia trong khối Ả Rập có bom nguyên tử. Nhưng liệu thực lực quân sự của Do Thái có đủ mạnh để làm tròn sứ mạng hay không?
Bình luận về khả năng của không lực Do Thái, tướng David A. Deptula, người điều khiển và chịu trách nhiệm về các cuộc không tập của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh 1991 với Iraq và 2001 tại Afghanistan cho biết: “đây không phải là chuyện dễ làm”. Hơn nữa, ông Michael V. Hayden, cựu giám đốc Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) từ năm 2006 đến năm 2009 tuyên bố thẳng thừng: ”phá hủy các cơ cấu nguyên tử của Iran là việc ngoài tầm tay Do Thái”. Nếu suy xét cặn kẽ, trong trường hợp không có sự trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp của Hoa Kỳ, Do Thái với với lực lượng cơ hữu nhiều lắm cũng chỉ có thể dùng phi cơ để oanh tạc các mục tiêu tại Iran, và điều này cũng chẳng ngon ăn chút nào. Ngay cả Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự hầu như vô địch cũng khó có thể chu toàn nhiệm vụ. Ngoài ra, nhiều người còn lo ngại rằng dù Do Thái hành động một mình, rất có thể Hoa Kỳ ít nhiều cũng sẽ bị lôi kéo vào vòng tranh chấp; đó là điều Hoa Kỳ muốn tránh bằng mọi giá sau khi đã mệt mỏi vì cuộc chiến tranh giai dẳng tại Iraq cũng như Afghanistan. Nếu Hoa Kỳ lại bị sa lầy tại Trung Đông, không những quyền lợi sinh tử về dầu lửa bị đe dọa, kinh tế đang trên đà hồi phục cũng sẽ bị khủng hoảng, mà các đối thủ như Nga Sô và Trung Cộng còn được đứng ngoài hưởng lợi. Hơn nữa, năm nay cũng là là thời gian bầu cử tổng thống Hoa Kỳ nên quân sự sẽ có nhiều ảnh hưởng đến chính trị hơn.
Nhìn vào cán cân lực lượng quân sự, nhất là về không quân giữa Do Thái và Iran, chúng ta thấy không lực Do Thái gồm nhiều phi cơ tối tân và vũ khí hiện đại có thể phá hủy các mục tiêu nguyên tử của đối thủ, nhưng Iran cũng sẽ chống trả quyết liệt bắn rơi nhiều phi cơ và trả đũa mạnh mẽ trên mọi bình diện như kinh tế, chính trị và nhất là quân sự. Iran có thể gây trở ngại cho trong việc sản xuất dầu lửa tại Trung Đông, thả mìn hay phong tỏa eo biển Hormuz là cửa ngõ vào vịnh Ba Tư khiến tầu bè bị ứ đọng. Tích cực hơn, Iran có khả năng trả đũa bằng cách bắn hỏa tiễn vào Do Thái.
Sau đây chúng ta thử dự đoán về chiến thuật tấn công của Do Thái, hệ thống phòng thủ cũng như khả năng trả đũa của Iran và hậu quả đôi bên cũng như thế giới phải gánh chịu nếu xảy ra trận đánh.
Về phía Do Thái, muốn oanh tạc Iran, dù chỉ giới hạn vào 6 mục tiêu hàng đầu, ước tính ít nhất phải dùng khoảng 80 phi cơ đủ loại. Trong số này cao lắm chỉ có chừng 50% oanh tạc cơ làm nhiệm vụ chính mang bom đánh phá mục tiêu, phần còn lại là những phi cơ yểm trợ cũng như bảo vệ đội hình như máy bay điện tử, tiền thám, điều không, tiếp tế nhiên liệu, nghênh cản, dẹp các ổ phòng không và radar v.v… Tùy theo mức độ khó khăn của mục tiêu như trong hang núi hay ngầm dưới đất hoặc tương đối dễ dàng như trên mặt đất, trung bình mỗi mục tiêu lựa chọn được phân phối từ 2 tới 5 cặp phi cơ oanh tạc. Sở dĩ phải dùng nhiều phi cơ oanh tạc vì các mục tiêu đều tương đối khó khăn và phòng thủ kỹ càng nên không thể quay lại nhiều lần. Hơn nữa, rất có thể một số phi cơ không tới được mục tiêu vì bị phòng không hay máy bay địch bắn hạ trong khi phải mang bom nặng khó xoay trở; dù không bị bắn hạ có khi cũng phải buông bom sớm để dễ bề vận chuyển tự vệ. Nhưng nếu dùng nhiều máy bay quá sẽ gặp trở ngại về truyền tin, chỉ huy và tiếp vận. Ngoài ra Do Thái cũng cần giữ lại một số phi cơ trên đất nhà để phòng thủ khi bị đánh úp.
Thành phần chính của hông quân Do Thái gồm các phi cơ tối tân như trên 80 oanh tạc chiến đấu cơ đa dạng Boeing F-15 “Eagle” có khả năng mang bom oanh tạc hay hỏa tiễn không chiến, khoảng 300 chiến đấu cơ Boeing F-16 “Fighting Falcon” khả năng tương tự như F-15 nhưng gọn và nhẹ hơn. Máy bay tiếp tế nhiên liệu (tanker) gồm 5 KC-130H là loại C-130 Hercules vận tải biến cải do hãng Lockheed chế tạo và 7 KC-707 là loại phi cơ chở hành khách Boeing 707 biến cải. Không lực Do Thái có khả năng hoạt động hữu hiệu ngày đêm dưới mọi thời tiết.
Mỗi phi cơ F-15 mang được hai trái bom GBU-28 nên sẽ được dùng trong nhiệm vụ chính oanh tạc mục tiêu, còn F-16 sẽ được dùng để hộ vệ, không chiến. Cả hai loại phi cơ này đều “trên chân” so với các phi cơ tương đối cũ như Mig-17, Phantom F-4D còn sót lại từ năm 1979 dưới thời quốc vương Reza Pahlavi. Tuy mới đây Iran đã cải tiến không lực bằng cách mua thêm các phi cơ Nga Sô tối tân hơn như Mig-29 và Su-25 nhưng vẫn chưa được coi là đối thủ ngang tay với Do Thái. Hơn nữa, phi công Do Thái lại tinh nhuệ và thiện chiến hơn nên chiếm ưu thế trên không phận chẳng phải chuyện quá khó khăn, dù phải chiến đấu xa nhà, trên vùng trời địch.
Riêng thành phần tiếp cứu phi công lâm nạn hay bị bắn rơi, dự trù phối trí tại vùng biển Caspian hay vịnh Ba Tư có thể trao cho hải quân Do Thái đảm trách để nhẹ bớt gán hnặng cho không quân. Lực lượng này bao gồm các trực thăng tiếp cứu loại Sikorsky CH-53 Sea Stallion, trực thăng võ trang Bell AH-1 Cobra hay Boeing AH-64 Apache dùng để yểm trợ và Sikorsky UH-70 Seahawk hay UH-60 Blackhawk để chở biệt kích đổ bộ trong trường hợp tiếu cứu trên đất địch. Các phi cơ F-15 và F-16 thuộc thành phần chính có thể được xuất phái để bảo vệ phi công lâm nạn nếu cần. Nếu bị trở ngại hay trúng đạn phòng không, phi công sẽ tìm mọi cách bay ra ngoài biển để được tiếp cứu
Như vậy, việc sắp xếp các phi tác chiến không phải là trở ngại lớn, nhưng làm sao đưa được hợp đoàn đa dạng và phức tạp này vào mục tiêu mới là vấn đề gai góc nhất. Để tới được không phận Iran, phi cơ Do Thái sẽ phải bay ít nhất 2 ngàn dặm cả đi lẫn về, vượt qua không phận một số quốc gia Ả Rập nếu không là thù nghịch thì cũng chẳng mấy cảm tình với Do Thái.
Theo bản đồ, dự trù có ba đường bay từ Do Thái tới Iran (xem “Bản đồ đường bay dự trù). Đường thứ nhất và cũng ngắn nhất bay thẳng qua hướng đông vào Iran, vượt qua không phận Jordan và Iraq, tạm gọi là đường Trung. Đường thứ hai tạm gọi là đường Bắc, bay lên hướng bắc, qua không phận Lebanon vào Thổ Nhĩ Kỳ, xâm nhập không phận Iran từ hướng bắc tây bắc. Đường thứ ba tạm gọi là đường Nam, bay về hướng nam rồi đổi sang hướng đông, qua không phận Saudi Arabia. Trong ba lựa chọn, đường Trung ngắn nhất và cũng thuận tiện nhất vì không phận Iraq coi như bỏ ngỏ, không quân Iraq hầu như không tồn tại và ảnh hưởng của Hoa Kỳ vẫn còn mạnh sau chiến tranh Iraq vừa qua; còn Jordan vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Hoa Kỳ nên có thể nhắm mắt làm ngơ. Đường Bắc, không những xa nhất, mà Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng bất hòa, xung khắc với Do Thái nên khó mượn không phận. Còn đường Nam bay qua Saudi Arabia cũng tương đối thuận tiện, vì vương quốc Ả Rập này là đồng minh rất thân cận của Hoa Kỳ tại Trung Đông.
Vì những lý do trên, chúng tôi dự đoán phi cơ Do Thái sẽ dùng đường Trung, vừa ngắn lại thuận tiện nhất. Rất có thể họ cũng sẽ dùng thêm đường Nam để thực hiện thế gọng kìm, hai mũi giáp công để phân tán lực lượng phòng không Iran.
Tuy nhiên, dù được Jordan cho mượn đường, hay dù chọn đường nào, Do Thái vẫn còn phải đối phó với vấn đề nan giải khác, đó là đường bay quá dài, khoảng 2 ngàn dặm cả đi lẫn về nên ngoài tầm hoạt động của các phi cơ tham chiến. Công tác không phải đơn giản chỉ bay tới mục tiêu, dội bom rối rút về. Dù các phi cơ Do Thái có tầm hoạt động khá xa, nhưng cũng không quá một ngàn dặm, lại phải mang bom nặng, đó là chưa kể thời gian thám sát và tập trung trước khi tấn công vào mục tiêu hay phải tránh né hỏa tiễn phỏng không, hoặc nghênh cản các phi cơ Iran chận đánh. Vì vậy phi cơ Do Thái bắt buộc phải được tiếp tế nhiên liệu trên không cả lượt đi lẫn bận về. Hiện nay, Do Thái có một số phi cơ chở nhiên liệu, coi như “trạm xăng trên trời”, nhưng số lượng cũng chỉ có hạn, không đủ cung cấp cho hàng trăm phi cơ cùng một lúc. Tin tức cho biết hiện nay, Do Thái có một số phi cơ chở nhiên liệu loại KC-130 và KC-707 nhưng chỉ có một số khiển dụng. Nghe đâu Do Thái đang ráo riết mua thêm, hoặc gấp rút cải biến một số phi cơ khác thành các trạm xăng bay.
Dù có đủ các trạm xăng bay, Do Thái còn phải dùng thêm một số phi cơ chiến đấu để bảo vệ, do đó số lượng phi chơ xử dụng càng tăng thêm khó bề giải quyết. Dự đoán các phi cơ nhiên liệu sẽ phải bay trên cao độ tối đa để tránh phòng không, và chỉ xuống thấp khi có phi cơ cần tiếp. Ngoài ra, nếu không có những trạm xăng đưới đất gần khu vực tác chiến để lấy thêm nhiên liệu, các trạm xăng bay này phải bay từ Do Thái qua Iraq thì số nhiên liệu mang được cũng chẳng còn bao nhiêu. Theo dự trù, mỗi phi cơ nhiên liệu chỉ tiếp tế được khoảng 6, 7 phi cơ chiến đấu nên số lượng trạm xăng bay tăng lên rất nhiều và phải đặt rải rác suốt đường bay. Rất có thể Do Thái sẽ phải nhờ Hoa Kỳ “mượn đỡ” một vùng nào đó của Iraq hay Kuwait gần biên giới Ả Rập để thiết lập “trạm xăng” cũng như nơi tiếp cứu dự phòng hay căn cứ xuất phát. Rất có thể, vì thiếu trạm xăng bay tiếp tế cho nhiều phi cơ chiến đấu cùng một lúc nên Do Thái sẽ phải tấn công từng đợt thay vì đồng loạt đánh phá cả 6 mục tiêu. Điều này sẽ làm giảm hiệu năng của cuộc oanh tạc, chịu thêm nhiều thiệt hại vì mất yếu tố bất ngờ và Iran có thêm thì giờ tổ chức phòng thủ.
Sau khi khắc phục được những trở ngại về đường bay và tiếp vận, phi cơ Do Thái đã có thể tới được vùng hành quân, nhưng những khó khăn chưa phải là hết. Họ còn phải giải quyết vấn đề bom đạn, vũ khí thích hợp để phá hủy mục tiêu kiên cố. Ai cũng biết “vỏ quít dầy có móng tay nhọn”, các sư phụ quấn khăn Iran không phải là những tay mơ. Họ rút kinh nghiệm những lần Do Thái oanh tạc cơ sở nguyên tử của các nướ Ả Rập trước đây nên đã giấu kỹ các nhà máy quan trọng trong hang núi như tại Fordo hay chôn sâu dưới hàng chục thước bê tông cốt sắt như tại Natanz. Ngoài ra, hệ thống phòng không nhiều lớp gồm hỏa tiễn địa không, súng phòng không do radar điều khiển, hỏa tiễn tầm nhiệt cầm tay v.v… đã được bố trí dầy đặc quanh mục tiêu và cả trên đường tiếp cận của phi cơ Do Thái. Có thể nói đây là thế trận “mãn thiên hoa vũ” với đạn phòng không và hỏa tiễn đầy trời giàn đón phi cơ Do Thái.
Để tránh bị thiệt hại nhiều tại những mục tiêu kiên cố được phòng thủ kỹ lưỡng này, lực lượng tấn công hầu như chỉ có cơ hội dội bom một lần rồi phải lập tức rời xa. Vũ khí xử dụng vì vậy phải là những trái bom tinh khôn chính xác JDAM (Joint Direct Attack Munition) được hướng dẫn chính xác vào mục tiêu bằng hệ thống quán tính (inertial guidance system), định vị toàn cầu (GPS), laser và đủ nặng để xuyên phá mục tiêu.
Không lực Do Thái hiện nay có loại bom GBU-28 nặng 5 ngàn pounds được mệnh danh là “bunker buster” do Hoa Kỳ chế tạo, chuyên được dùng để phá những hầm hố địa đạo nằm sâu dưới đất như ở Iraq hay xây cất sâu trong hang núi như ở Afghanistan. Bom GBU-28 với đầu nổ chậm FMU-143 có sức xuyên phá 30 thước đất hay 6 thước bê tông. Mới đây họ đã mua thêm được 200 trái bom biến cải GBU-31 nặng và nhiều thuốc nổ hơn, cùng với 3 máy bay tiếp thế nhiên liệu trên không của Hoa Kỳ.
GBU là chữ viết tắt của Guided Bomb Unit, tức là loại bom tinh khôn được tia laser hướng dẫn đánh vào mục tiêu. Bom có thể thả cách mục tiêu 15 dặm. Trước khi thả, phi cơ mẹ hay người ở dưới đất dùng tia laser chiếu vào mục tiêu, bom sẽ nương theo đó đánh rất chính xác. Bom GBU-28 có tục danh là “Deep Throat”, dài chừng 12 feet, đường kính khoảng 14 inches, nặng 5 ngàn pouds, chứa 630 pounds thuốc nổ mạnh. Thoạt đầu, vì nhu cầu khẩn thiết tại chiến trường Iraq, thân bom dược biến chế từ nòng súng đại bác 203 ly để có đủ độ cứng và thon dễ xuyên phá sâu trong các công sự kiên cố, sau này được chế tạo từ vỏ bom BLU-113. Bom GBU-31 tương tự như GBU-28 nhưng chứa khoảng 2 ngàn pounds thuốc nổ nên có sức công phá mạnh hơn.
Nếu Hoa Kỳ hợp tác với Do Thái hay tự mình đánh phá những mục tiêu tại Iran, các chiến hạm trong vùng vịnh Ba Tư sẽ bắn hỏa tiễn Tomahawk vào các vị trí radar phòng không và cơ sở truyền thông chiến lược của Iran để phá hủy và vô hiệu hóa hệ thống truyền tin, radar hướng dẫn và các phi trường. Sau khi các cơ sở đầu não của địch bị hỏa tiễn viễn khiển phá hủy một phần, các phi cơ trang bị máy móc điện tử như RB-66C để phá và làm nhiễu loạn hệ thống radar của Iran sẽ hướng dẫn loại phi cơ “tàng hình” như F-117 Nighthawk, B-2 Spirit hay F-22 Raptor tới oanh tạc thêm một lần nữa tùy theo mức độ thiệt hại ban đầu do phi cơ không người lái phát hiện. Trong trường hợp Do Thái hành động đơn phương, chắc chắn họ sẽ bị thiệt hại nặng vì giảm thiểu được hệ thống phòng không và các phi cơ Iran trước khi oanh tạc. Ngoài ra, theo sự ước tính, các bom GBU của Do Thái cũng có thể vẫn chưa đủ sức để phá hủy những mục tiêu kiên cố nhất, mà có khi phải dùng đến loại bom khổng lồ 20 ngàn pounds chỉ Hoa Kỳ có, được chế tạo đặc biệt cho các mục tiêu nguyên tử tại Bắc Hàn và Iran.
Nói tóm lại, việc dùng phi cơ dội bom phá hủy các cơ sở nguyên tử của Iran không phải là chuyện dễ làm, nhưng Do Thái không còn cách nào hơn, Vì sự sống còn, họ phải chấp nhận thiệt hại để hoàn thành mục tiêu chiến lược là ngăn chận Iran chế tạo vũ khí nguyên tử bằng mọi giá. Nhưng cái giá phải trả của Do Thái sẽ phải trả sẽ so với kết quả đạt được lên tới mức độ nào và có tương xứng hay không?
Giả sử Do Thái thành công trong việc dùng vũ khí thông thường phá hủy mấy cơ sở nguyên tử quan trọng nhất của Iran, các chuyên gia dự đoán nếu Iran vẫn nhất quyết làm bom nguyên tử, những thiệt hại gây ra cũng chỉ trì hoãn kế hoạch của Iran chừng được vài ba năm. Lý do vì Iran không dại gì tập trung những cơ sở đầu não vào một chỗ dễ bị phá hủy. Theo ước tính, Iran đã phân tán các cơ sở nguyên tử tới hành trăm địa điểm khác nhau, không thể nào phá hủy hết cùng một lúc được. Ngoại trừ cuộc oanh tạc của Do Thái dẫn đến sự xụp đổ của chính quyền Iraq hiện tại, đưa tới một chế độ dân chủ ôn hòa, yêu chuộng hòa bình và thân thiện hơn, triển vọng một Iran có bom nguyên tử vẫn rõ ràng và luôn là mối ám ảnh, đe dọa và lo ngại của Do Thái.
Dĩ nhiên, sau khi Do Thái oanh tạc Iran, trận chiến coi như mới chỉ khởi đầu thay vì kết thúc. Ngoài những thiệt hại không nhỏ do hệ thống phòng không gây ra cho các phi cơ Do Thái trong lúc oanh tạc, thế nào Iran sau đó cũng phản ứng trả đũa bằng bắn hàng ngàn hỏa tiễn vào lãnh thổ Do Thái. Trước đây, trong trận chiến vùng Vịnh, Saddam Hussein của Iraq chỉ bắn ít quả hỏa tiễn Scud thô sơ và không chính xác sang Do Thái, nhưng cũng đủ gây hỗn loại và kinh hoàng cho dân chúng. Bây giờ nếu Iran và các nước đồng minh như Syrya, Lebanon đồng loạt bắn hàng ngàn hỏa tiễn chính xác hơn và có sức tàn phá mạnh hơn vào mọi mục tiêu trên đất Do Thái, không phân biệt quân sự hay dân sự, chắc hẳn sự thiệt hại và hoảng loạn còn tăng lên gấp bội. Vì vậy, trong lúc chuẩn bị tấn công, Do Thái cũng phải bận rộn không kém để lo phòng thủ phần đất nhà.
Dân Do Thái chắc vẫn chưa quên trận mưa Scud của Saddam vào năm 1991. Mới đây nhất vào năm 2006. nhóm Hezbollad từ Lebanon đã ngang nhiên bắn hỏa tiễn hàng tháng trời vào đất Do Thái khiến sau đó chính quyền phải thú nhận việc phòng thủ đất nhà còn nhiều sơ sót và thiếu chu đáo.
Iran sẽ trả đũa bằng hỏa tiễn tầm xa Shahab (tiếng Ả Rập có nghĩa là “vẩn thạch” meteor) mà họ đã dùng trước đây không lâu để đưa vệ tinh lên qũi đạo trái đất vào tháng 2 năm 2009. Hỏa tiễn này có tầm bắn 2,000 cây số, đầu nổ 1,600 kikograms, gần bằng 2 tấn. Cũng rất có thể các anh em Hồi giáo của Iran gần Do Thái nhưHezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và ngay cả Syria cũng sẽ tiếp tay. Dạo năm 2006, Hezbollad mới chỉ bắn trên dưới 4,000 hỏa tiễn mà đã làm Do Thái mất ăn mất ngủ. Mới đây, tướng Aviv Kochavi, Giám Đốc tình báo quân đội tiết lộ “hiện giờ đang có 200,000 ngàn hỏa tiễn nhắm vào Do Thái”; nếu những hỏa tiễn này khai hỏa, hẳn là thiệt hại sẽ tăng lên gấp bội. Hơn nữa, trước đây, hỏa tiễn của Hezbollad mới chỉ rơi vào các khu vực Haifa ở mặt bắc hay Beersheba ở mặt nam nên chưa gây nhiều hoảng loạn. Lần này, nếu Iran trả đũa, chắc chắn những thành phố lớn và khu vực đông dân sẽ là mục tiêu chính của các hỏa tiễn nặng và chính xác hơn.
Về các mục tiêu của hỏa tiễn Iran, dự đoán khu vực Jerusalem sẽ tương đối được an toàn vì đây là thánh địa nguyên thủy của Hồi giáo. Ngược lại, những thành phố đông dân dọc Địa Trung Hải khởi đầu với vùng thủ đô Tel Aviv sầm uất cùng 2 triệu dân là những mục tiêu đáng giá. Ngoại trừ một số hỏa tiễn Scud thô sơ của Saddam Hussein vào năm 1991, thành phố này coi như chưa bị thử lửa, nhưng dân chúng đã tán loạn hoảng sợ. Nếu kỳ này bị hỏa tiễn oanh tạc dữ dội, rất có thể dân Do Thái sẽ lại phải kiếm tiên tri Moses mới để dẫn lội Hồng Hải lưu đầy “exodus” lần thứ hai.
Khó khăn hơn trong việc phòng thủ. Do Thái không chỉ phải đối phó với Iran ở xa, mà còn phải canh chừng láng giềng gần Syria là đồng minh của Iran từ trước đến nay vì mối thù cao điểm Golan. Tình báo cho biết Syria cũng đã có hỏa tiễn tối tân hướng dẫn bằng GPS và có cả đầu nổ hóa học. Hezbollah bên Lebanon sát phía bắc cũng đã tăng cường kho vũ khí và bạn láng giềng Hamas ở Gaza, ngay phía nam nghe đâu mới kiếm chác được ít “tên lửa” từ Lybia sau khi nhà độc tài Muammar Muhammad Abu Minyar Gaddafi về chầu Allah. Nói tóm lại, chẳng phải Do Thái chỉ bị lưỡng đầu mà đúng hơn “tứ đầu thọ địch”.
Thảm họa hỏa tiễn Hezbollah năm 2006 vẫn còn mồn một. Vì lực lượng Do Thái không làm cách nào diệt được các giàn phóng vào vùng cảng Haifa làm dân chúng bị thương vong nặng, nên cả tổng trưởng quốc phòng lẫn tham mưu trưởng quân đội bị bắt buộc từ chức. Ngay chính quyền Do Thái cũng phải thú nhận đã vấp phải nhiều sai lầm và khiếm khuyết. Hơn 5 năm sau, hệ thống phòng thủ đã có nhiều tiến bộ với quan niệm “phòng thủ che dù”.
Hiện nay, Do Thái đã thiết lập ba lớp dù che chở, dùng hỏa tiễn chống hỏa tiễn. Tầm xa có lớp Thần Tiễn (Arrow), tầm trung là Đũa Thần (Magic Wand) và tầm gần là Vòm Sắt (Iron Dome). Vòm Sắt đã chứng tỏ khá hiệu quả vì đã bắn rơi nhiều hỏa tiễn Palestine phóng đi từ Gaza. Nhưng cho tới nay mới chỉ có 3 giàn hoạt đông ở mặt mam, trong khi phải cần 14 giàn mới che phủ được toàn quốc. Đũa Thần vừa hoàn tất giai đoạn chuẩn bị và sẽ được đặt tại vùng trung tâm Do Thái. Điều này khiến dân chúng rất hoang mang lo ngại vì họ cho rằng đất nước đang bị hỏa tiễn đe dọa như chưa từng thấy từ trước tới nay. Còn hệ thống Thần Tiễn do công ty Boeing và hãng Hàng Không và Không Gian Do Thái hợp sức thiết kế, phí tổn khoảng trên 1 tỷ đô la. Thần Tiễn được đặc biệt chế tạo để bắn rơi hỏa tiễn tầm xa Shahab của Iran, nhưng chưa thật sự được “thử lửa” lần nào; nay mai may ra sẽ có dịp.
Mặc dù Do Thái chuẩn bị phòng thủ kỹ càng tới đâu, thiệt hại về nhân mạng và tài sản khi bị Iran trả đũa vẫn không phải là nhỏ, kể cả chuyện chiến tranh giữa đôi bên sẽ kéo dài. Vì vậy, Do Thái cần phải thận trọng và đắn đo kỹ lưỡng về cái giá “chiến thuật” là sinh mạng và tài sản dân chúng phải trả so với thành quả chiến lược ngăn ngừa Iran chế bom nguyên tử chưa chắc đã hoàn toàn đạt được. Rồi sau đó, rất có thể chiến tranh sẽ lan tràn toàn vùng Vịnh giữa Do Thái và khối Ả Rập không biết bao lâu mới chấm dứt. Hậu quả dĩ nhiên rất nặng nhưng Do Thái đành phải cắn răng gánh chịu với hy vọng ít ra hậu quả cũng không nặng nề bằng khi Iran có vũ khí nguyên tử.
Tin tức giờ chót cho biết chính quyền Iran đã chịu tiếp tục đàm phán với cơ quan nguyên tử năng quốc tế mà họ đã tự ý gián đoạn hơn một năm nay. Iran cũng đồng ý để các quan sát viên cùng thanh tra quốc tế tới kiểm tra các cơ sở nghi ngờ chuẩn bị làm bom nguyên tử. Hy vọng tin tốt này sẽ làm Do Thái dễ thở hơn. Tuy nhiên, cũng rất có thể các đệ tử ruột của ngài Ayatollah Khomeini học sách “đả đả đàm đàm” của cha con họ Kim bên Bắc Hàn để làm kế hoãn binh hầu chôn dấu hoặc phòng thủ các cơ sở nguyên tử kỹ càng hơn, hoặc kéo dài thêm chút thời gian để lén hoàn tất trái bom nguyên tử đầu tiên?
“Si vis pacem, para bellum”, muốn không bị chết vì nguyên t ử phải dùng nguyên tử? Nhiều người dự đoán rất có thể Do Thái sẽ phải dùng đến vũ khí nguyên thử “chiến thuật” để phá hủy những cơ sở quan trọng của Iran. Lý do vì nếu chỉ dùng đạn bom qui ước, dù có thành công đi nữa cũng chỉ ngăn chận được ý đồ nguyên tử của Iran trong một thời gian ngắn dăm ba năm, sau đó mọi chuyện sẽ phải làm lại từ đầu. Nếu dùng vũ khí nguyên tử, Do Thái chỉ phải xử dụng một lần, và đây không còn là một lời cảnh cáo xuông hay hình phạt nửa chừng, mà chứng tỏ hành động quyết liệt một mất một còn khiến Iran và các nước Ả Rập thù nghịch phải thận trọng và cân nhắc kỹ càng trước gia nhập trò chơi nguy hiểm.
Nhưng nếu xảy ra chiến tranh nguyên tử, dù chỉ thu hẹp tại vùng Trung Đông, thế giới sẽ ra sao? Đời sống con người sẽ đi về đâu và hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào? Những câu hỏi này mong mọi người, nhất là các nhà lãnh đạo trên thế giới tự suy luận và tìm hiểu./.

TRẦN ĐỖ CẨM
Austin Texas 3/2012

No comments:

Hình Ảnh Hội Cửu Long Cử Hành Tưởng Niệm Ngày Hoàng Sa Jan 19 2025

  https://photos.app.goo.gl/xyeih9uC9VaU3eGx6