Sunday, March 4, 2012


NgV




Trong bối cảnh tiềm tàng những xung đột, nhất là trước sự căng thẳng chính trị leo thang, chủ nghĩa dân tộc lên cao và cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên gay gắt, sự ổn định của châu Á trong thế kỷ 21 sẽ ít nhiều phụ thuộc vào trạng thái của 2 tam giác chồng lấn trong khu vực, với Trung Quốc làm trung tâm - và cách thức ứng xử của Mỹ đối với mỗi tam giác.

Tam giác đầu tiên bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tam giác thứ hai liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, với các quốc gia Đông Nam Á đóng vai trò hỗ trợ. Trong trường hợp tam giác thứ nhất, Pakistan có thể là điểm gây bất hòa chính cũng như nguồn gốc của bất ổn. Trong trường hợp sau, bán đảo Triều Tiên và có thể cả Đài Loan có khả năng sẽ trở thành trung tâm gây biến động.
Trong cả 2 trường hợp, Mỹ vẫn là nhân vật đóng vai trò quan trọng, với khả năng thay đổi cán cân và tác động tới kết quả. Do đó, cần phải khẳng định ngay từ đầu rằng Mỹ nên tránh can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào các cuộc xung đột giữa các cường quốc đối thủ của nhau ở châu Á. Không kết cục nào của cuộc chiến Pakistan-Ấn Độ, hay của cuộc chiến có sự tham gia của Trung Quốc, có nguy cơ tạo ra những hậu quả khôn lường đối với lợi ích của Mỹ hơn sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ vào châu Á. Thực tế, can thiệp quân sự thậm chí có thể còn dẫn đến phản ứng dây chuyền về bất ổn dân tộc và tôn giáo ở châu Á.
Điều đã nói ở trên rõ ràng không áp dụng cho các nghĩa vụ trong hiệp ước hiện có của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi các lực lượng Mỹ đang triển khai trên thực tế ở đây. Hơn nữa, Mỹ chắc chắn nên sử dụng ảnh hưởng quốc tế của mình để hạn chế nguy cơ bùng nổ chiến tranh, hay để có thể khống chế chiến tranh nếu có xảy ra, và tránh một kết quả cuối cùng thiếu công bằng. Nhưng những nỗ lực như thế nên có sự tham gia của các cường quốc khác có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bất cứ biến động lớn nào ở khu vực châu Á.

Tam giác đầu tiên liên quan đến cuộc tranh giành địa vị đứng đầu ở châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ vốn đã là hai nhân tố chính trong cục diện quốc tế. Ấn Độ là quốc gia đông dân số thứ hai thế giới và nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ngoạn mục; cấu trúc dân chủ chính thức và khả năng tồn tại của nó trong tương lai cũng có thể là sự mang đến sự cạnh tranh tốt với mô hình phát triển của Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đang là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, và không lâu nữa có thể đạt đết trình độ tương đương về năng lực quốc phòng trong quá trình trỗi dậy trên toàn cầu của mình. Nhưng quan hệ Trung-Ấn bản thân nó đã mang tính cạnh tranh và đối kháng, với Pakistan là điểm gây bất hòa trong khu vực.
Cả 2 nước đều là nạn nhân chiến lược của những cảm xúc chủ quan của nhau, và của hoàn cảnh địa chính trị. Người Ấn Độ ghen tị với những bước chuyển mình về kinh tế và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khi người Trung Quốc lại coi thường sự lạc hậu tương đối (trình độ xã hội thể hiện rõ nhất ở tỷ lệ dân số biết chữ ở mỗi nước) và sự thiếu nguyên tắc của Ấn Độ. Ấn Độ sợ mối quan hệ khăng khít giữa Trung Quốc và Pakistan; Trung Quốc cảm thấy dễ tổn thương trước khả năng can thiệp của Ấn Độ vào hải lộ thông qua Ấn Độ Dương tới các thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Vai trò của Mỹ trong sự đối đầu này nên giữ ở mức thận trọng và khách quan. Tuy nhiên, một chính sách ngoại giao thận trọng, đặc biệt trong quan hệ đồng minh với Ấn Độ, không nên được hiểu là sự thờ ơ với vai trò tiềm năng của Ấn Độ như một đối thủ cạnh tranh với mô hình chính trị của Trung Quốc. Theo tác giả, Ấn Độ chứa đựng niềm hy vọng của tương lai, đặc biết nếu nước này thành công trong việc kết hợp giữa tăng trưởng bền vững với một nền dân chủ sâu rộng. Do đó, sự thân ái trong quan hệ với Ấn Độ nên được giải thích rõ ràng, cho dù nó không hàm ý là sự ủng hộ trong các vấn đề tranh cãi như Kashmir hay ám chỉ mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Do một số nhóm chính sách ở Mỹ đã bắt đầu ủng hộ một liên minh chính thức Mỹ-Ấn, có lẽ là nhằm chống lại Trung Quốc và trên thực tế chống lại cả Pakistan, Mỹ cũng cần phải thể hiện công khai rằng bất cứ cam kết nào như vậy sẽ đi ngược lại với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Nó sẽ làm tăng khả năng Mỹ can dự vào các xung đột có nguy cơ kéo dài và căng thẳng ở châu Á. Nó cũng đồng nghĩa với việc dành sự ưu ái cho Nga mà không cần Nga phải đáp lại, thúc đẩy tham vọng của Moscow trong việc tận dụng sự sao nhãng của Mỹ và củng cố lợi ích nước lớn của Nga chặt chẽ hơn ở Trung Á và Trung Âu. Và, liên minh Mỹ-Ấn sẽ có khả năng làm sâu sắc thêm tinh thần chủ nghĩa khủng bố chống Mỹ trong tín đồ Hồi giáo, những người hiểu rằng mối quan hệ đối tác này ngầm nhằm vào Pakistan. Đặc biệt, trong phạm vi tam giác châu Á thứ nhất, sẽ là khôn ngoan hơn nếu tránh bất cứ liên minh nào có thể buộc Mỹ phải can thiệp quân sự vào khu vực này của châu Á.

Liên quan đến tam giác khu vực thứ hai với sự có mặt của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ở mức độ thấp hơn là Đông Nam Á, vấn đề không thể hiện rõ ràng như vậy. Rộng hơn, điều cần quan tâm chính là vai trò của Trung Quốc như một cường quốc nắm ưu thế ở châu Á lục địa và bản chất vị trí của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhật Bản là đồng minh chính trị quân sự chủ chốt của Mỹ ở Viễn Đông, ngay cả khi năng lực quân sự của Nhật còn khá hạn chế. Đây cũng là cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Hàn Quốc trong khi đó là cường quốc kinh tế đang lên và đồng minh lâu năm của Mỹ và đang cần trông cậy Mỹ để ngăn ngừa bất cứ cuộc xung đột nào có thể xảy ra với người láng giềng phương Bắc. Đông Nam Á có mối quan hệ ít chính thức hơn với Mỹ và có một cơ chế hợp tác khu vực mạnh (ASEAN), nhưng lại lo ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc. Quan trọng nhất là, Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế có thể làm cho nhau dễ tổn thương trước bất kỳ sự thù địch lẫn nhau nào, trong khi sự gia tăng về sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc lại đặt ra thách thức tiềm tàng trong tương lai đối với vị thế số một thế giới hiện nay của Mỹ.
Ảnh hưởng và vai trò đang lên của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế là một thực tế mà người Mỹ cần phải thích nghi, thay vì bêu xấu hay can dự một cách thiếu khôn ngoan, những mong Trung Quốc sẽ thất bại. Điều đó không phủ nhận rằng Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự suy giảm nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc hay bởi bất kỳ cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu nào. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn hơn đối với sự ổn định có thể bắt nguồn từ những thay đổi đặc điểm chính trị xã hội, hệ quả của sự đi xuống từng bước và ban đầu chưa thể nhận thấy ngay được về trình độ của hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc hay của một sự gia tăng khó nhận thấy hơn về tinh thần của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Cho tới nay, những gì giới lãnh đạo Trung Quốc thể hiện từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa nhìn chung khá thận trọng. Thế hệ lãnh đạo hiện nay, không còn là những nhà mạng hay cách tân, trưởng thành trong một môi trường chính trị ổn định, ở đó các vấn đề chính sách quốc gia lớn đã được hoạch định trên cơ sở dài hạn. Nhưng trong một khung cảnh chính trị đã quan liêu hóa cao, sự phù hợp, thận trọng và bợ đỡ với cấp trên thường được đánh giá cao hơn sự can đảm hay sáng kiến cá nhân. Do đó, trong dài hạn, chưa rõ giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ ra sao nếu mọi thứ cứ bị cơ cấu rõ ràng trong chính sách nhân sự đến mức vô tình gần như trở không thể thu hút nhân tài và chống lại cái mới, khiến họ không thể đáp ứng khát vọng ngày càng lớn của các công dân có nhận thức sâu sắc hơn về chính trị.
Sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc mặt khác có thể chính là điều khiến Trung Quốc khó giải quyết. Rõ ràng, ngay cả trong những ấn phẩm được kiểm soát chính thức, chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ở đó cũng đang tăng lên. Dù chính phủ cầm quyền vẫn chủ trương thận trọng trong việc xác định quan điểm và mục tiêu lịch sử, nhưng đến năm 2009, nhiều kênh truyền thông chính thức hơn cũng đã tràn ngập các khẳng định mang tính hân hoan chiến thắng về vị thế, sức mạnh kinh tế mới và tương lai tiếp tục vươn lên vị thế siêu cường toàn cầu của Trung Quốc. Một chính phủ yếu hơn và bình thường hơn, bị cám dỗ bởi quan niệm cho rằng sự thống nhất về chính trị, cũng như quyền lực của Trung Quốc, có thể được bảo vệ tốt nhất bởi một chính sách chứa đựng các mục tiêu nóng vội và mang tính chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn về tương lai của Trung Quốc. Nếu giới lãnh đạo lo sợ không thể bám trụ quyền lực và có tầm nhìn hạn chế, phải ủng hộ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, kết quả có thể làm chệch sự cân bằng cho đến nay được tính toán kỹ lượng giữa thúc đẩy khát vọng từ bên trong Trung Quốc và việc theo đuổi thận trọng các lợi ích trong chính sách đối ngoại.
Một Trung Quốc mạnh mẽ hơn trong chủ nghĩa dân tộc và quân sự có thể tạo ra sự tự cô lập cho chính bản thân nước này. Nó sẽ làm giảm đi sự ngưỡng mộ trên thế giới đối với công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc và có thể kích động tinh thần chống Trung Quốc tồn tại đâu đó trong nước Mỹ. Nó cũng có thể sẽ làm gia tăng áp lực chính trị trong liên minh chống Trung Quốc với bất kỳ quốc gia châu Á nào trở nên ngày càng lo ngại trước tham vọng của Trung Quốc. Nó có thể biến các nước gần gận về địa chính trị với Trung Quốc trở thành những nước ủng hộ sự bảo trợ bên ngoài hơn (ưu tiên đối với Mỹ) chống lại những gì họ cảm nhận là một Trung Quốc đang thức tỉnh tinh thần dân tộc và ngày càng quyết liệt hơn.
Trong bối cảnh đó, việc Bắc Kinh thể hiện thái độ ra sao với các nước liền kề sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ Trung-Mỹ nói chung. Các mục tiêu địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc, bao gồm việc giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng trong không gian địa lý và tự tạo cho mình một vị trí được ủng hộ trong cộng đồng các quốc gia Đông Á đang nổi lên, có thể đạt được một cách kiên trì và linh hoạt hơn, hay Trung Quốc cũng có thể thực hiện quyết liệt mỗi mục tiêu, để hạn chế vai trò của Mỹ ở phương Đông. Thực tế, sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc nhiều khả năng sẽ quyết định việc liệu mục tiêu của Trung Quốc có thể chấp nhận, chủ yếu với Mỹ, hay không, hay chúng sẽ trở thành mục tiêu được theo đuổi quyết liệt trong sự cạnh tranh với Mỹ.
Điều nào sẽ nhiều khả năng xảy ra hơn phụ thuộc vào 2 vấn đề cơ bản: Mỹ phản ứng ra sao với một Trung Quốc đang lên, và bản thân Trung Quốc sẽ chuyển mình ra sao. Sự nhạy bén và trưởng thành của cả 2 quốc gia có thể được thử thách quyết liệt trong quá trình ấy và rủi ro với đôi bên là rất lớn. Với Mỹ, nhiệm vụ là phải xác định rõ mặt tham vọng đối ngoại nào của Trung Quốc không thể chấp nhận và có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với các lợi ích thiết yếu của Mỹ, và khía cạnh nào phản ánh thực tiễn địa chính trị và kinh tế lịch sử mới có thể được dung hòa, dù miễn cưỡng, mà không gây thiệt hại tới lợi ích quan trọng của nhau. Mục tiêu cuối cùng, nhưng không phải thực hiện bằng mọi giá, là nên đưa Trung Quốc trở thành một đối tác xây dựng và đóng góp nhiều hơn nữa trong các vấn đề quốc tế.

Trong bước tiếp theo nhằm đưa Trung Quốc trở thành một đối tác toàn cầu chính, Mỹ nên chấp nhận một cách có chiến thuật thực tế về vị thế địa chính trị mới của Trung Quốc tại châu Á, cũng như sự tiếp tục vươn lên của nước này để trở thành một cường quốc kinh tế chiếm ưu thế ở châu Á. Nhưng triển vọng về một đối tác toàn cầu toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc thực tế sẽ được củng cố nếu Mỹ đồng thời giữ lại sự hiện diện địa chính trị đáng kể ở Viễn Đông, dựa trên mối quan hệ lâu bền với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine, Singapore, và Indonesia, dù Trung Quốc có ủng hộ hay không. Một sự hiện diện như vậy nhìn chung sẽ khuyến khích các nước láng giềng của Trung Quốc khai thác sự can dự của Mỹ vào cấu trúc tài chính và kinh tế châu Á - cũng như sự hiện diện về địa chính trị của Mỹ - để theo đuổi một cách hòa bình, nhưng cũng tự tin hơn, các lợi ích của mình mà không phải e ngại cái bóng quyền lực của Trung Quốc.
Về phần mình, Nhật Bản là một đồng minh quan trọng trong nỗ lực phát triển ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung của Mỹ. Quan hệ của Nhật với Mỹ nhấn mạnh thực tế Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương. Những tiến bộ và sự sâu sắc đạt được trong quá trình hòa giải giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ở hoàn cảnh hiện nay, cũng chính nằm trong lợi ích chính của Mỹ. Sự hiện diện của Mỹ tại Nhật Bản, và đặc biệt là các mối liên hệ an ninh giữa 2 nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hòa giải. Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu trong bối cảnh cả 2 nước đều tìm kiếm một nỗ lực nghiêm nhằm làm sâu sắc và mở rộng phạm vi hợp tác song phương. Đồng thời, một Nhật Bản chủ động hơn trên trường quốc tế và có năng lực quân sự mạnh hơn cũng sẽ là nhân tố đóng góp tích cực cho ổn định thế giới.
Hàn Quốc, chừng nào còn chịu đựng những mối đe dọa tiềm tàng và với việc bán đảo còn chia cắt, không có lựa chọn nào ngoài việc trông chờ các cam kết an ninh của Mỹ - với những cam kết đến lượt nó lại phụ thuộc vào tính hiệu quả trong sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Nhật Bản. Mặc dù có mối quan hệ thương mại gắn bó, sự đối đầu lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cho đến nay vẫn cản trở bất kỳ sự hợp tác quân sự gần gũi nào ngay cả khi nó năm trong lợi ích an ninh rõ ràng của cả 2 bên. Hàn Quốc càng được an toàn, càng có ít nguy cơ xảy ra những xung đột không mong đợi với phương Bắc. Cuối cùng vấn đề thống nhất trong hòa bình hoàn toàn có thể xảy ra và khi đó vai trò của Trung Quốc có thể mang tính quyết định trong việc thúc đẩy quá trình thống nhất. Nếu đúng như vậy, Hàn Quốc có thể sẽ quyết định xem xét lại mức độ cắt giảm mối quan hệ an ninh với Mỹ và đặc biệt với Nhật Bản có thể chấp nhận được như một sự đánh đổi để thống nhất 2 miền do Trung Quốc bảo trợ.
Mối quan hệ chính trị và thương mại gần gũi hơn của Mỹ với Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam và sợi dây gắn kết lịch sử với Philippine cũng sẽ củng cố triển vọng ủng hộ lớn hơn từ châu Á dành cho sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cấu trúc hợp tác liên nhà nước mở rộng trong khu vực. Nó cũng sẽ tạo ra sự hiểu biết hơn nữa từ phía Trung Quốc rằng chiến lược Thái Bình Dương của Mỹ không nhằm để kiềm chế Trung Quốc, mà nhằm để tham gia vào một mạng lưới rộng hơn các quan hệ hợp tác.

Cuối cùng, vai trò địa chính trị của Mỹ ở phương Đông mới sẽ nên dựa trên sự trung gian, hòa giải và cân bằng chứ không phải trên sự can thiệp quân sự vào châu Á. Một nước Mỹ tham gia một cách hợp tác vào cấu trúc đa phương, thận trọng ủng hộ sự phát triển của Ấn Độ, và gắn kết chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc, và kiên nhẫn mở rộng các mối quan hệ xong phương cũng như các cơ chế hợp tác toàn cầu sẽ là nguồn đòn bẩy tốt nhất cần thiết cho việc duy trì ổn định trong một phương Đông mới đang nổi lên trên toàn cầu.
Zbigniew Brzezinski (The Diplomat), Đình Ngân dịch

Zbigniew Brzezinski là nhà tư vấn và ủy viên quản trị Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington DC. Ông giữ cương vị Cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Mỹ Jimmy Carter từ năm 1977-1981.

No comments:

Chiến tranh Ukraine có thể vô tình dẫn đến chiến tranh hạt nhân như thế nào?William M. Moon,

Trách nhiệm lớn nhất của một quốc gia hạt nhân là giữ an toàn cho các đầu đạn của mình. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022,...