Đến bao giờ Công Án Quốc Tế sẽ đưa những người chủ mưu và thực hiện “Trại Cải Tạo” ở Việt Nam ra công luận và tòa án thế giới? Đến bao giờ mới có một lịch sử đúng nghĩa về “Quần Đảo Ngục Tù” của Việt Nam?
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Hình: Benjamin Vũ
Tôi hoàn tất phần bốn, phần cuối cùng cho loạt bài tiếng
Việt của Dự án TTĐTTS với tâm trạng vừa nhẹ nhõm, vừa 'tội lỗi.' Nhẹ nhõm, vì
tôi đã tận lực hoàn tất những công việc mình đã đề ra cho Dự án trong giai đoạn
này. 'Tội lỗi,' vì trong cả năm trời và nhất là mấy tháng cuối của Dự án, tôi
đã dành hết thời gian để lo cho công việc, còn nợ chồng con bao nhiêu cái 'em
sẽ' và 'mẹ sẽ.' Đã vậy, trong thời gian đó, tôi lại bắt đầu có một tình trạng
sức khỏe đặc biệt, nên hay bị mệt và cần nghỉ ngơi nhiều, mà vẫn phải một mình
làm mọi việc cho đến nơi đến chốn. Những ngày phải lo bài vở hay đi phỏng vấn,
tôi phải bàn cách với chồng, trốn con để ở trong văn phòng làm việc, hay hẹn
với chồng con đến tháng Năm sẽ có sức có giờ để đi công viên chơi, đi sở thú,
đi viện bảo tàng. Bây giờ, tôi có thể trở lại thời khóa biểu bình thường, và
hất cái chữ "Hẹn" xuống khỏi mặt tôi, nơi nó đã xâm lăng và nằm chình
ình trên đó mấy tháng nay. Đánh dẹp được giặc “Hẹn” làm cho cái cảm giác 'tội
lỗi' của tôi được 'nhẹ nhàng' hẳn ra.
Tuy nhiên, tôi cũng chỉ ‘nhẹ nhõm’ một phần thôi, vì vẫn còn
nhiều công việc phải làm cho Dự án này, bên cạnh hoàn tất bài tiếng Anh “Black
April, Bright April” cho tờ Sacramento Bee. Cho loạt bài tiếng Việt, tôi viết
cho một cộng đồng độc giả quen thuộc, có cùng lịch sử, tâm tư, văn hóa. Viết
cho báo Anh ngữ, tôi phải mang một não trạng khác, phải làm việc với Chủ Bút,
sửa đi sửa lại mười mấy lần, đổi cấu trúc, thay cách nhập đề, chuyển dịch nội
dung của Dự án từ tiếng Việt sang tiếng Anh, cân nhắc xem những đề nghị của Chủ
Bút có thích hợp với chủ trương của Dự án hay không, thẩm định xem có nên áp
dụng những cách tiếp cận đề tài theo xu hướng của báo chí Mỹ. Đây có lẽ là lần
đầu tiên, tôi cảm thấy mình như con cá nằm trong lợp, ngúc ngoa ngúc ngoắc giữa
hai bờ văn hóa, phải đi làm thông ngôn ở bờ bên kia, mà hồn vẫn còn ở lại bờ
bên này. Dòng sông Việt chảy ngoài kia là thế giới của tôi, nên cái gì cũng
thân thiết hơn, trong cùng tâm thức cộng thông nên tôi không phải thắc mắc có
cần giải thích điều này, có cần chú giải điều nọ. Trong bài tiếng Anh, với số
chữ ít ỏi, tôi không làm sao nhúc nhích được.
Nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ, Lê Thủy Tiên, Nguyễn Thanh Thủy, tác giả, và Đạo diễn Đức Nguyễn. |