NgV
Nam Yết chuyển
Với “đại bác laser”, giới quân sự Mỹ muốn tiêu diệt tên lửa máy bay trên trời và nhấn chìm tàu chiến xuống đáy biển sâu. Vũ khí laser không cần dùng đạn và có thể xuyên thủng vỏ thép dày tới... 7 mét.
Hồi đầu những năm 1980, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã bắt đầu chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” SDI (Strategic Defense Initiative), với mục tiêu triển khai vũ khí laser trên mặt đất, trên biển, trên không và trong vũ trụ nhằm bắn hạ đồng thời hàng trăm tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Sau khi tiêu tốn 29 tỷ USD, chương trình SDI đã bị đình chỉ một năm sau đó.
Vì sao Hải quân Mỹ muốn có “đại bác laser”?
Hiện thời chủ đề vũ khí laser lại trở nên nóng hổi. Cơ quan nghiên cứu ONR (Office of Naval Research) thông báo trong thời gian tới Hải quân Mỹ sẽ ký kết một hợp đồng nghiên cứu chế tạo “đại bác laser” với ngành công nghiệp vũ khí Mỹ. Mẫu “đại bác laser” đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào kiểm nghiệm sau đây 4 năm và sau đó sẽ được triển khai hàng loạt trên các tàu chiến Mỹ.
Vì sao Hải quân Mỹ lại ưu ái “đại bác laser”? Có lẽ vì loại vũ khí này không cần kho chứa đạn khổng lồ, có thể bắn liên tục mà không bị hao mòn sau nhiều lần sử dụng và quan trọng hơn không làm nổ tung chiến hạm khi bị đối phương bắn trúng nơi chứa đạn. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kỳ hạm HSM Hood của Anh đã bị nổ tung và bị nhấn chìm sau đó 2 phút, khi bị đối phương bắn trúng kho đạn. Trong số 1.418 quân nhân trên kỳ hạm, chỉ có 3 người sống sót.
Trước đó, mẫu súng laser của hãng Northrop Grumman được lắp trên tàu khu trục Paul Forster (h. phải) đã bắn chìm một chiếc thuyền nhỏ ở ngoài khơi bờ biển California, với cự li hơn một cây số và lỗ thủng có đường kính 30 cm. Với công suất 14.000 Watt, súng laser của Northrop Grumman chỉ là một khấu súng lục nếu do với “đại bác laser” có công suất hàng triệu Watt.
Hải quân Mỹ muốn có trong tay “đại bác laser” có công suất từ 1 MW trở lên và có thể xuyên thủng vỏ thép dày tới... 7 m, chứ không muốn khẩu súng laser đồ chơi của Northrop Grumman. Vấn đề ở chỗ, tàu chiến trang bị “đại bác laser” cần có máy phát điện công suất cực lớn, chiếm khá nhiều diện tích và tải trọng của tàu. Với trình độ công nghệ laser hiện nay, đây chính là vấn đề nan giải. Chính vì vậy mà “đại bác laser” thử nghiệm chỉ có công suất 100 KW.
Mặc dù không thể xuyên thủng vỏ thép dày hàng mét, nhưng “đại bác laser” thử nghiệm này vẫn có thể bắn hạ máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình của đối phương.
Hiện thời, không chỉ có Hải quân Mỹ mới quan tâm đến vũ khí laser. Viện Tư pháp quốc gia NIJ (National Institute for Justice) của Mỹ cũng muốn trang bị cho cảnh sát và quân đội súng laser cỡ nhỏ có thể làm mù mắt quân địch. Trên qui mô lớn hơn, người Mỹ đang thử nghiệm lắp “súng laser” trên xe tăng, máy bay và cả trên khinh khí cầu.
“Học phí” của Không quân Mỹ
Không quân Mỹ đã phải trả “học phí đau đớn" cho tham vọng phát triển vũ khí laser. Hồi đầu những năm 1990, Không quân Mỹ đã theo đuổi dự án thành lập một phi đội máy bay Boeing được trang bị vũ khí laser (h.trái) và có nhiệm vụ bắn hạ các tên lửa đạn đạo của đối phương. Sau gần 15 năm tiêu tốn nhiều tỷ USD và chỉ có một lần bắn hạ mục tiêu, dự án này đã bị hủy bỏ.
Loại laser hóa học COIL (Chemical Oxygene Iodine Laser) được sử dụng trong dự án này rất khó điều khiển, chiếm nhiều diện tích cũng như trọng lượng trên máy bay và tỏ ra khá lỗi thời: chỉ bắn được một phát duy nhất và với tầm bắn khá ngắn.
Một thế kỷ sau tiểu thuyết “Chiến tranh giữa các nền văn minh” của H. G. Wells và 30 năm sau kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” của Ronald Reagans, giới quân sự Mỹ lại tái khởi động chương trình vũ khí laser. Với đà tiến bộ khoa học như vũ bão hiện nay của Mỹ, dự án này có cơ hội thành công gấp bội so với trước đây.
Chỉ có điều, theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ FAS (Federation of American Scientists), vũ khí laser không thể xuyên thủng những đám mây dày đặc và đối phương đâu chỉ chọn những ngày “trời quang mây tạnh” để tấn công các mục tiêu Mỹ.
M.C./tamnhin.net (theo Welt Online)
Tham khảo thêm
US navy shows off powerful new laser weapon
No comments:
Post a Comment