Wednesday, October 2, 2013

HỒI KÝ TRẠI GIAM CỔNG TRỜI


Tội Ác HCM và Đảng CSVN
LTS: Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục Công Giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo”.
 Kỳ 1
 Kiều Duy Vĩnh
 Tôi sở dĩ sống đến hôm nay là vì tôi không phải là người Thiên Chúa Giáo. Nếu tôi mà đeo Thánh Giá ở ngực và biết câu Kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi, từ những năm 60 của thế kỷ này, khi còn đi tù đày ở Cổng Trời kia.
Ngày ấy tuy qua mà như còn đấy...
(Chí Thiện)
Chúng tôi được tập trung ở Hỏa Lò Hà Nội từ khắp mọi miền đất Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra: Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Mỏ Chén, Bất Bạt, Sơn La, Yên Bái, Lao Kay.
Tay xích còng số 8, hai người một.
Hàng đầu: Cha Vinh (địa phận Hà Nội) người bị kết án có 18 tháng tù thôi thế mà hóa ra án tử hình. Cha Quế, địa phận Xã Ðoài, Nghệ An. Thứ đến là Nguyễn Hữu Ðang, người cầm đầu Nhân Văn Giai Phẩm. Tu sĩ Ðỗ Bá Lung, tu sĩ xứ Ngọc Ðồng Hưng Yên (nay là Hải Hưng), khét tiếng chống Cộng Sản (1). Tiếp sau đó là một lũ tù dây, đầu trần trán khỉ, hôi hám rách rưới, chống bướng, cứng đầu cứng cổ không chịu sự cải tạo của đảng và chính phủ, bọn “dám bẻ que chống trời...
Chúng tôi lên xe đi. Súng ống bao quanh. Ði đâu?
Không ai ai biết cả. Cả những người cầm súng, cũng không biết. Có lẽ chỉ có một người biết. Người đó xách cặp đen đựng danh sách tù nhân, mặt mũi tử tế, ăn mặc dân sự chỉnh tề, đi trên chiếc commăng ca dẫn đường.
Chỉ biết là chúng tôi đi lên hướng Bắc. Ngày đó đường sá đầy ổ gà ổ voi, xe đi chậm. Mãi trưa chúng tôi mới tới Vĩnh Yên. Nghỉ lại ăn cơm trưa.
Tôi ngồi gần Nguyễn Hữu Ðang, thấy người xách cặp đen đi qua để “kiểm tù” nói năng lễ độ tử tế, nhẹ nhàng.
“Anh Ðang, anh có khỏe không?”
“Vâng, tôi khỏe”.
Hai người nhìn nhau thông cảm:
“Anh có yêu cầu điều gì không?”
“Không. Cám ơn.”
Người đó lặng lẽ đi tiếp.
Chúng tôi lại tiếp tục đi lên phía Bắc. Ðến Ðoan Hùng. Lúc đó chưa có cầu. Chúng tôi phải xuống xe chờ phà. Ðể tránh sự chú ý: Họ lùa chúng tôi vào sâu trong ngõ cạnh đường, ở đó có một trường học. Có lẽ cấp hai. Các em học sinh và các thầy cô giáo tò mò ra xem lũ tù đày. Họ chỉ trỏ xì xào, hỏi han.
Nguyễn Hữu Ðang hỏi:
“Các cháu có biết nhân vật lịch sử Cao Bá Quát không?”
Qua phà chúng tôi đến Tuyên Quang ngủ lại trại giam Tuyên Quang. Lệnh: Không được cởi xích tay. Qua một đêm không thể nào mà ngủ được. Thằng muốn đi ỉa đi đái, phải đánh thức thằng tù đang ngủ dậy.
5 giờ dậy đi tiếp.
Kiểm số tù lần cuối vẫn là ông xách cái cặp đen tử tế. Ông ta tỏ vẻ rất biệt đãi đối với anh Ðang, làm tôi nghĩ đến chuyện “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân trong “Vang Bóng Một Thời”.
Ðến Hà Giang, sau khi ăn cơm trưa, chúng tôi đi tiếp vào một con đường mới mở, hẹp và cheo leo. Mọi người nhìn nhau:
“Ði mô?”
Mấy ông Nghệ Tĩnh hỏi nhau.
“Có lẽ sang Tàu.”
Anh Ðang bảo: “Lên Cổng Trời Cắn Tỷ.”
Xe đi chậm vì đường quá xấu. Thế rồi cũng qua được hết, qua đèo Quyết Tiến như là đi máy bay, qua rừng, qua suối, qua mây, và rồi màn đêm buông xuống, chúng tôi đi trong đêm. Tôi vốn là một sĩ quan rất giỏi về Topo, cố định hướng xem mình đi về đâu, hướng nào và đã đi bao xa, nhưng lúc đó cũng chịu. Ðộ 2 giờ sáng đến một địa điểm đèn đuốc sáng choang.
Lệnh xuống xe.
Chúng tôi bị lùa vào một khu rừng, và vào một cái nhà có tường dầy 0.80 mét bằng đất nện, cửa lim, trong nền nhà mọc đầy cây nghệ, lá xách om mượt mà. Cửa khóa lại. Không có đèn đóm gì. Tay hai người vẫn bị xích lại với nhau. Mỗi nhà nhận độ 20 người. Sờ soạng sắp xếp và ngủ tiếp.
Sáng hôm sau, cửa mở, đem toàn bộ đồ dùng ra sân. Khám xét. Lục lọi. Tất cả cái gì bằng kim loại, thánh giá, tràng hạt, kể cả cái thìa nhôm cũng bị tịch thu lấy đi.
Xong, đọc tên phân loại.
Khu O. Khu H. Khu A. Khu B. Khu C. Khi đi và lúc đọc tên tôi nhẩm: có 72 người. Phần lớn là già, đứng tuổi và 99 phần trăm là Thiên Chúa Giáo.
Cha Vinh, cha Quế được gọi đi trước, đi về khu O. Nguyễn Hữu Ðang vào khu C. Tôi và tu sĩ Ðỗ Bá Lung vào khu A. Khu A có hai nhà. Nhà tôi ở có: - Ðinh Hiền Lương, tu sĩ dòng tu ép xác Châu Sơn, Ninh Bình, Ðức cha Lê Hữu Từ trước khi làm Giám mục Phát Diệm đã tu ở đó. - Nguyễn Trung Chính, tức Nhẩm, tu sĩ xứ Trung Ðồng, Thái Bình. Nguyễn Văn Khánh Sơn, giáo dân đeo kính cận người Nghệ Tĩnh. - Cố Hoàng: giáo dân Ðức Thọ, Hà Tĩnh, có hai người sinh đôi là Song, Toàn để phân biệt với - Tu sĩ Hoàng cũng Nghệ An. - Lưu Nam phụ trách thanh niên Công Giáo địa phận Xã Ðoài. - Tu sĩ Bình, địa phận Thái Bình. - Tu sĩ Ðỗ Bá Lung xứ Ngọc Ðồng, Hưng Yên. - Trần Văn Liệu, giáo dân làm nghề đồ tể ở Cầu Giát, Quỳnh Lưu, v.v.
Nhà rất rộng, có 2 sạp nằm đối đầu nhau. Chúng tôi là tù chính trị nên đều hết sức tử tế nhường nhịn nhau, ai nằm đâu thì nằm không hề tranh giành cãi cọ.
Xếp đồ đạc xong, đã đến giờ làm việc thiêng liêng, ai nấy đều cầu kinh và làm dấu thánh giá.
Riêng tôi, có mỗi một mình tôi, không biết cầu, không thuộc kinh bổn gì ráo trọi nên tôi bèn nghĩ tới cái trò Yoga mà tôi đã đọc ở đâu đó. Những năm của thập kỷ 60 người ta ít biết và ít nói về cái trò đó. Tôi ngồi thở và sau đó Trần Văn Liệu hỏi tôi “Ðược mấy cân hơi rồi.”
Ngày đầu tiên ở Cổng Trời Cắn Tỷ chấm hết ở đó.
Sang ngày thứ hai, mọi người dậy sớm. Cứ ngồi mà nhìn nhau. Không có nước để đánh răng rửa mặt. Tám giờ, chín giờ rồi mười giờ. Vẫn im ắng như không. Các đấng bậc tu sĩ lại cầu kinh. Tôi lại luyện yoga.
Hai cái thùng đựng phân và nước tiểu bằng gỗ đều đầy cả. Nước đái tràn cả ra ngoài.
Mãi đến 11 giờ, có tiếng gọi: “Lấy cơm.”
Có hai tên tù hình sự ở trại ngoài khênh cơm đến để ở cửa rồi chạy biến. Cấm được nhìn, được hỏi, được tiếp xúc trao đổi cái gì. Bọn kiên giam, biệt giam là cực kỳ nguy hiểm, chúng giết người không gớm tay, bọn ăn gan uống máu đồng bào.
Nhưng thật sự, nhìn kỹ thì: - Ðinh Hiền Lương dòng tu ép xác Châu Sơn xanh lướt như một cái bóng. Các tu sĩ đều vậy cả. - Cố Hoàng thì chỉ có hát là cao giọng thôi, chứ đi đứng thì lẩy bẩy. - Khánh Sơn thì mù dở. Nếu ăn gan uống máu đồng bào được thì may ra có tôi và Trần Văn Liệu. Nhưng sau những năm tháng tù đầy ở dưới đồng bằng, bị đói, bị khát bị quần cho đến tơi người bản thân tôi, nắm tay không chặt thì còn làm gì được nữa. Ðã rất nhiều lần tôi thử sức, nắm thật chặt để nắm tay mình trở thành quả đấm, nhưng không bao giờ thành, bàn tay tôi không bao giờ có thể nắm chặt lại để thành nắm đấm cả. Thực trạng là như vậy đấy. Nhưng chắc là có lệnh nghiêm mật, giám thị, quản giáo và lính coi tù họ đối xử với chúng tôi cực kỳ tàn bạo và hà khắc.
Ðiều cuối cùng họ phải thi hành nghiêm chỉnh là làm cách nào giết hết được chúng tôi. Và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó: 72 người còn lại độ chừng 11 người. Tôi dám nói con số đó chính xác đến 99%.
Năm đó là năm 1961. Chúng giết anh em ta ở khu O, khu H, và khu A. Những lò thiêu xác (khổng lồ hay nhỏ nhoi?) không có khói và không cần chất đốt.
Chúng giết anh em ta
Bằng chiều cao của núi
Bằng chiều sâu của đất
Bằng thông cáo của nha khí tượng.
Cứ âm O độ là gọi đi xà lim. Xà lim là một cái quan tài bằng đất dầy một mét, cùm răng cá sấu cắn chân không bao giờ được mở, và bỏ đói cho đến chết. Tiếng gọi của thần chết đột ngột, bất thần, không lý do và khỏi cần giải thích. Lưu Nam, chuẩn bị đi. Khánh Sơn chuẩn bị đi. Ðinh Hiền Lương, chuẩn bị đi. Cứ thế lần lượt ra đi và không ai trở lại.
Những năm tháng ấy, tôi ngửi thấy cái chết gần gũi quá. Lần đầu tiên trong đời, qua những năm chinh chiến, qua những cuộc hành quân chiến dịch, tôi đi trong cảnh máu chảy đầu rơi, chân tay vung vãi, khói lửa mù trời, tiếng đại bác bắn dồn dập, mặt đất rung chuyển, máy bay rít sát trên đầu, tiếng xích sắt của xe tăng nghiến sàn sạt sát sườn, cả khi người vệ sĩ của tôi chạy cạnh tôi trong chiến đấu, bị nguyên một băng tiểu liên quét trúng, ngã trong cánh tay tôi, người đầy máu thều thào: “Em chết, trung úy ạ...” cả những lúc ấy tôi vẫn chưa cảm thấy mùi Thần Chết.
Nhưng ở đây, Cổng Trời Cắn Tỷ, những năm 60, tôi ngửi thấy và cảm thấy nó rất gần. Lặng lẽ, lặng lẽ nó tiến đến. Không thể nào cản nổi. Một cặp lỗ hổng vô cảm của đôi mắt, một tiếng gọi tên, vài cái lưỡi lê chĩa vào... Thế là ra đi, thế là chết.
Một người ra khỏi cửa, những người còn lại nhìn nhau chờ đợi. Không ai nói với ai điều gì. Chúng tôi ăn cơm hai bữa một ngày, chín giờ sáng và ba giờ chiều. Ăn xong ngồi nhìn nhau. Chờ.
Các đấng bậc tu sĩ rất ít nói, nhất là Ðinh Hiền Lương, dòng tu ép xác Châu Sơn. Trông Ðinh Hiền Lương tôi nhớ đến Ðức Giám Mục Lê Hữu Từ địa phận Phát Diệm: Khô, gầy, mặt đầy nếp nhăn khắc khổ. Tuy còn trẻ hơn nhưng tu sĩ Lương cũng gần giống vậy, chỉ có nước da trắng xanh hơn vì ở xà lim suốt. Tuy ông mặc áo tù, nhưng trước mắt tôi vẫn cứ hiện lên hình ảnh của Giám Mục Lê Hữu Từ, người ngồi đó lặng lẽ ôn tồn nhẹ nhàng để đi đến cái chết.
Ở với ông lâu, nhưng tôi chưa được nghe một câu chuyện nào do ông kể, vì ông chỉ nói mỗi ngày có vài tiếng thật cần thiết để tồn tại. Còn thì im lặng suốt. Cái im ắng của ông, tỏa ra chung quanh, đè xuống mọi người.
Kỳ 2
Trong cái nhà mồ đó, có tôi và Trần Văn Liệu (Cầu Giát Nghệ An) vốn ăn to nói lớn thế mà lúc ông làm việc thiêng liêng, tôi, nhất là Liệu đến phải khép nép, và im lặng. Ðúng là một cái nhà mồ. Những người ở trong cái nhà mồ ấy chết gần hết, chỉ còn lại tôi, và hình như Liệu nữa.
Nhà tù của chúng tôi không có tên, hoặc là có thì đây: 65HE Bộ Công An, hay công trường 75A Hà Nội. Những người Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình đi thăm, hỏi công an địa phương, họ cho cái địa chỉ đó. Có người ngây thơ nghĩ rằng, người thân của mình được ra làm công trường ở Hà Nội. Họ ùa đi tìm và không bao giờ thấy cả.
Vậy nó ở đâu?
Ở thị xã Hà Giang đi lên, qua đèo Quyết Tiến đến Cổng Trời là gần biên giới Việt Trung chỗ có thể chưa được phân định rõ ràng, có thể là đất Tàu có thể là đất ta, một thung lũng không có tên, không có dân, chỉ có tù và người coi tù. Mặt đất đầy nghệ. Rừng nghệ. Tù lấy lá nghệ mọc trong gầm giường ăn thay rau chống đói. Không biết mình ở đâu? Không định được tọa độ trên bản đồ. Hàng rào cao kín mít, con chim không bay qua, con chuột to chui không lọt.
Sang đến năm 1963, thì tù phá đá ở ngay trong sân trại xây tường bao quanh. Tường cao như tường Hỏa Lò Hà Nội. Có dây kẽm gai, có điện truyền vào dây kẽm gai. Nghĩa là cực kỳ kiên cố. Không ai có thể trốn thoát được. Không một ai cả. Chế độ kiểm soát tù nhân cực kỳ nghiêm mật. Không một mảnh giấy lọt vào. Không một cái gì có thể gạch hoặc viết được ra chữ tồn tại trong tù. Không báo chí, thư từ. Tù nhân cấm không được viết thư và nhận thư. Nói khó ai tin: Cuộc chiến tranh với Mỹ xảy ra năm 1964 ở miền Bắc không một ai trong nhà tù biết cả. Chỉ thấy có một hiện tượng là những bức tường rào bao quanh được ngụy trang và các mái nhà được che phủ. Thế thôi. Không ai đoán ra được cái gì. Mãi cho đến năm 1967, tôi được đưa về trại Phú Sơn Thái Nguyên. Trên đường đi từ Hà Giang về tôi gặp quân Tàu nhập Việt trùng trùng điệp điệp kéo đi. Lúc ấy tôi mới biết là có chiến tranh.
Cực giỏi. Những người CS cực giỏi trong quản lý nhà tù, cũng như trong cái trò bưng tai, bịt mắt quần chúng nhân dân.
Một bức màn sắt đúng nghĩa.
Ðây là nhà tù, chứ không phải là nhà thờ. Vậy cấm cầu kinh, cấm lần tràng hạt, cấm làm dấu thánh. Cấm được ngồi trong đêm; vì không ai nằm mà cầu kinh cả.
Vậy nên cửa sổ nhà tù lúc nào cũng phải mở, mây bay vào qua cửa sổ mang cái lạnh chết người vào theo.
Cái màn cho tù, là một cái quan tài bằng vải. Quy định màn chỉ được cao 40cm để nếu tù có ngồi ban đêm cầu kinh thì nhô cái đầu lên, lính canh đi tuần có thể kiểm soát được, quản giáo đi tuần có thể nhìn thấy. Vậy cái màn dài 1m8 và cao 40cm, thì đúng là một cái quan tài bằng vải sô liệm người sống rồi còn gì.
Cứ từng bước một, ban giám thị trại thi hành chính sách diệt tôn giáo, cụ thể là diệt Thiên Chúa Giáo. Vì ở Cổng Trời tôi chưa hề gặp một nhà sư hoặc một Phật tử nào. Chỉ gặp các linh mục và các tu sĩ Thiên Chúa Giáo mà thôi. Có lẽ ở miền Bắc Việt Nam thời ấy không còn đạo Phật đúng nghĩa của nó. Trong cái nhà mồ đó, có một tôi là người là không theo đạo Thiên Chúa, nhưng tôi không phải là Phật tử. Tôi không thờ Phật, không tin vào Niết Bàn và Thích Ca Mâu Ni tuy tôi rất thích câu kệ:
Nhạn liệng từng không
Bóng in mặt nước
Nhạn không có lòng ghi dấu
Nước không có ý lưu hình
Với tôi, tất cả sư mô ở Bắc kỳ đều là sư hổ mang, học trường Ðại Học Tôn Giáo, tu theo nghĩa vụ, như nghĩa vụ quân sự, hết ba năm ra khỏi chùa về nhà lấy vợ đẻ con. Thế cả.
Và tôi cũng nghĩ sai về các tu sĩ Thiên Chúa Giáo như thế. Nhưng tôi đã thật sự gặp các vị thánh tử vì đạo. Các vị thánh tử vì đạo bằng xương bằng thịt sống cạnh tôi nhiều năm, mà tôi vẫn coi thường, nhưng cái chết của họ đã làm tôi phải nghĩ khác đi. Tôi vốn xa lạ với các tên Phêrô, Phaolồ và Mađờlen. Nhưng cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được. Tu sĩ Ðỗ Bá Lung người lù khù nhưng tử tế, hiền lành, củ mì như một nông dân chân chính của đồng bằng Bắc bộ. Chả là ông tu ở xứ đạo Ngọc Ðồng, Hưng Yên mà. Ông chưa được phong linh mục cũng như ông Diệu ở Thụy Phương Hà Nội, ông Chính (Nhẩm) ở Trung Ðông Thái Bình. Ông chả kể về ông mấy khi.
Trong cái nhà mồ đó chỉ có thầy Chính là có kể cho tôi nghe đôi điều về quê hương Thái Thụy của người, và về xứ đạo ven biển Trung Ðông mà thôi. Thêm nữa có nhà trí thức xứ Nghệ Khánh Sơn với đôi kính cận dầy cộm, ra cái điều học nhiều biết rộng, thiên kinh vạn quyển, cổ kim, Âu Á, hay nói với tôi về Phúc Âm, về Thánh Thomas d'Aquin. Tôi nghe ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Tôi vốn không có đức tin và vốn coi thường cái học vấn hẹp hòi của các vị đó thường giới hạn đến hết sân Nhà Thờ, nên tôi chỉ nghe chơi cho qua ngày đoạn tháng, cho qua cái thời gian dài dằng dặc khốn nạn ở trong cái nhà mồ mà thôi.
 Kỳ 3
 Tôi ít lưu tâm đến vấn đề tôn giáo. Cũng như tu sĩ Ðinh Hiền Lương, tu sĩ Lung cứ lững thững đi lại, chậm rãi, lặng lẽ tới lui, ông có nhiều lời hơn bậc tu ép xác dòng Châu Sơn một chút, nghĩa là đôi lúc ông có nói với tôi về Phố Nối và con đường 39 về xứ Ngọc Ðồng nơi ông tu.
Vùng của ông, tôi có hành quân qua nên cũng có đôi chút kỷ niệm, vả lại trời cũng phú cho tôi một trí nhớ tốt, cho đến tận bây giờ, sau gần 50 năm trôi qua, mà tôi vẫn nhớ rõ tên; tên chữ cũng như tên nôm của các làng vùng đó như: Duyên Trang Duyên tục là Tuộc, Lác; Hải An là Hối; Phù Lưu là Ðọ (ngã ba Ðọ); Ðống Năm là Ðông Các; Thượng Tầm là Tìm; Cổ Hội là Gọ (cầu Gọ); Cầu Sắt là Nha Xuyên... Cho nên tôi và ông thỉnh thoảng có ôn lại các địa danh Lực Ðiền, Trương Xá, Kim Ðộng, dốc Lã, rồi đến nhãn Hưng Yên, thang cuốn Phố Hiến, dưa hấu Ðình Cao, Phù Cừ và cả về việc chỉ huy sở của khu chiến chiếm Chủng viện Hưng Yên.
Về ông tôi biết hời hợt thế thôi. Nhưng có một điều ông như thế mà bị đầy lên đây vào khu 2A này thì chắc ở trong còn tiềm ẩn một điều gì sâu sắc lắm, cao đạo lắm, quyết liệt lắm mà tôi chưa hiểu nổi đấy thôi.
Như trên tôi đã nói: Những người ở trong nhà mồ cứ lần lượt bị gọi đi. Luôn luôn lặng lẽ và đột ngột. Nhưng thời gian xảy ra câu chuyện này hơi có sự thay đổi:
Người giám thị cũ của trại giam tên là Nhân chuyển về làm cục phó Cục Quản Lý Trại Giam vì thành tích xuất sắc của mình, thay vào đó là giám thị Nguyễn Quang Sáng, trẻ hơn, người Nam Hà. Nói qua một chút về giám thị Nhân. Trước khi lên đây, giám thị Nhân coi trại Yên Bái, trại này cũng vào hạn khá đặc biệt, khi chưa có Cổng Trời. Năm 1954, trại này nhốt tướng De Castries người chỉ huy Ðiện Biên Phủ. Sau đó là những địa chủ cường hào đại gian đại ác có nợ máu, những tên phản động nguy hiểm từ trong Nam ra, từ khu Tư lên, tập trung ở đó, rồi sau đó chọn lọc đem lên Cổng Trời.
Giám thị Nhân người Nghệ An, trông gầy (tôi có được gọi lên gặp hai lần) và khô, mặt tai tái lạnh lùng, đúng típ người coi trại giam, rét cắt ruột vẫn đi đôi dép lốp cao su, mà ngón chân út của bàn chân cáu ghét nứt nẻ bao giờ cũng thò ra ngoài quai kẹp lấy nó để đi cho chắc. Rất đúng tác phong quần chúng xuất thân từ nông dân lao động:
Những bàn chân từ than bụi lầy bùn.
Ðã bước dưới mặt trời cách mạng...
Những bàn chân đã vùng dậy đập đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp
(Tố Hữu)
Ðúng thế, những bàn chân ấy đã giẫm lên xác không biết bao nhiêu người ở các trại giam khác và bây giờ đây lại tiếp tục làm nhiệm vụ của nó: Giẫm lên xác những kẻ ở nhà mồ Cổng Trời này.
Có điều giám thị Nhân giẫm lên xác một cách nhẹ nhàng và im ắng. Còn giám thị mới Nguyễn Quang Sáng thì giẫm lên xác ầm ĩ hơn, trang trọng hơn, bài bản hơn. Âu cũng là cách làm khác nhau của họ. Ðổi mới mà.
Hôm ấy, rét làm đông nước. Ở mái nhà nước đóng thành băng. Sáng ra, nhìn qua cửa sổ ra sân trại, khói bốc nghi ngút trên mặt đất. Như mọi ngày, chúng tôi tiến hành mọi việc như thường lệ. Với chúng tôi: Stalin chết, Malenkốp chết, John Kennedy bị bắn, Ngô Ðình Diệm chết, Kroutchov bị hạ bệ, chả có gì quan trọng cả.
Giám thị Nhân đã từng tuyên bố vào mặt chúng tôi:
“Cái sống chết của các anh ở trong tay chúng tôi. Ðừng có mơ tưởng hão huyền gì. Cho dù có động trời, động đất xảy ra, thì trước khi chuyện đó đến với các anh, nó phải tới cái trại đặc biệt này. Nghe cho rõ mà nhớ lấy. Trước khi mọi điều viễn vông, viễn tưởng mà các anh mong đợi xảy ra, thì các anh đã không còn ở cõi đời này nữa, các anh đã là những cái xác chết rồi.”
Chúng tôi nghe và cũng hiểu đúng như vậy. Cho nên, động đất, chiến tranh ai chết. Mặc. Chúng tôi cứ lặng lẽ, lặng lẽ tồn tại. Chỉ tồn tại thôi chứ không phải là sống. Làm một sinh vật trên trái đất này ai chả tham sống sợ chết. Tôi phải nói lại ngay, ấy là nói với riêng tôi thôi, chứ còn các vị thánh tử vì đạo thì điều ấy hình như không đúng đâu.
Cố Hoàng đôi lúc cao giọng:
Ở nơi lưu đầy
Dù gươm chém hay đầu rơi
Lòng vàng đá không hề phai
Dù gươm chém hay đầu rơi...
(Cha Vinh)
Các đấng bậc ấy chả sợ, chả phàn nàn điều gì. Chả bù với tôi, luôn miệng kêu: “Chao ôi đói quá! Chao ôi rét quá! Chao ôi khổ quá! Chao ôi...” Ðược cái tôi chỉ kêu lên thế thôi, cho nó thoát ra ngoài một chút thế rồi thôi, chả mong gì uất khí làm cho đầu trắng xóa như thái tử Ðan ở nước Tàu xưa kia, vì tôi cũng đã biết:
Gémir, crier, pleuer
est également lache
Và tôi nghiến răng lại để không bao giờ làm kẻ hèn nhát. Dù không được mười phần như các đấng bậc quanh tôi, tôi cũng cố đạt mức trung bình.
 Kỳ 4
 Buổi sáng hôm ấy, chín giờ, mọi người chúng tôi ăn cơm xong, ngồi chơi, nhìn nhau, thì cửa mở. Một tiểu đội lính lưỡi lê tuốt trần súng ống chỉnh tề. Ðủ mặt bá quan của Khu A2. Quản giáo trực, giáo dục, phó giám thị phụ trách khu.
Tất cả đều đội mũ bình thiên, lệ phục chỉnh chu. Cuối cùng, giám thị mới xuất hiện. Còn trẻ, nhanh nhẹn mặt mũi sáng sủa, ăn nói lưu loát, sang sảng, dứt khoát, có âm sắc Nam Hà (có điều cho mãi đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nỗi, là tại sao trong chuỗi ngôn từ chính quy, nhân danh pháp luật mà giám thị mới lại xen vào đó một số từ mà người ta chỉ dùng để nói láo với nhau mà thôi).
Bài nói như sau:
“Hôm nay, tôi Nguyễn Quang Sáng. Chánh giám thị mới của trại, thông báo để các anh rõ.
Trại Cổng Trời, Công Trường 25A Hà Nội này là một trại đặc biệt. Trại đã sàng lọc cẩn thận lũ các anh, bọn đầu trâu trán khỉ, bọn phản động chống phá cách mạng một cách điên cuồng, ở các trại dưới các anh không chịu cải tạo, lại còn ra sức truyền đạo và kích động người khác. Chúng tôi đây, chúng tôi cũng được chọn lọc, những phần tử ưu tú nhất, dầy dạn nhất, kinh nghiệm nhất để lên đây trừng trị, trấn áp lũ các anh. Tôi thay mặt cho ban giám thị báo cho các anh biết:
Ban giám thị trại Cổng Trời trực tiếp được Bộ Chính Trị và Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trao cho quyền hành đặc biệt: Trừng trị thẳng tay những kẻ nào còn dám chống lại đảng và nhà nước. Cụ thể, tôi nhấn mạnh, là tôi sẽ cho đi ngủ với giun (nguyên văn) những kẻ nào không chịu cải tạo và cố tình chống đối lại.
Hôm nay tôi xuống đây để hỏi: Anh Ðỗ Bá Lung.”
Im lặng.
“Tôi hỏi: anh Ðỗ Bá Lung có nghe thấy không?”
Có tiếng đáp nhỏ nhẹ: “Có tôi.”
“Ðứng dậy. Tôi bảo anh đứng dậy.”
Vì buồng giam chật, không có chỗ cho chúng tôi đứng, nên chúng tôi đều ngồi xổm hoặc xếp chân vòng tròn trên giường chỗ gần cửa ra vào. Chỉ có giám thị, quản giáo là có chỗ đứng ngay cửa mà thôi. Tu sĩ Ðỗ Bá Lung từ từ đứng dậy.
Trời rét âm bốn độ, nên trong lúc ngồi nghe chúng tôi ai nấy đều quàng chăn cho khỏi rét.
“Bỏ chăn ra.”
Tu sĩ Lung tuột chăn khỏi vai cho rơi xuống chân mình.
“Anh Ðỗ Bá Lung, hôm nay, sau khi đọc hồ sơ của anh, cùng các nhận xét của các ban giám thị các trại dưới, và được các ông quản giáo báo cáo lại, thấy rằng: Anh là một tên phản cách mạng cực kỳ nguy hiểm, đã đội lốt thầy tu mê hoặc các giáo dân ở các xứ đạo, kích động họ để họ chống lại đảng và chính phủ.
Ðến khi bị bắt vào tù, ở các trại dưới cũng như ở đây, anh vô cùng ngoan cố khăng khăng không chịu cải tạo, từ chối mọi sự giáo dục của ban giám thị và các ông quản giáo. Tôi nói lại một lần nữa cho anh Ðỗ Bá Lung và các anh nghe cho rõ. Kẻ nào còn dám chống lại tôi sẽ cho đi ngủ với giun.
Anh Lung, trước đây lúc nào anh cũng vỗ ngực tuyên bố trước giáo dân và các ban giám thị ở các trại dưới là anh thề không đội trời chung với Cộng sản. [Chính xác thì Tu sĩ Lung nói: Tôi không bao giờ có thể sống chung với Cộng Sản vô thần được]. Bây giờ trước mặt tôi anh có còn dám trắng trợn thách thức như thế nữa không?”
Im lặng trên toàn bộ nhà mồ. Tôi ngồi im một xó, khép kín cái chăn, sụp cái mũ bịt tai lại, tránh mọi cặp mắt.
Giám thị Sáng cao giọng hất hàm:
“Tôi hỏi anh Lung, anh trả lời cho tôi biết. Thế nào?”
Những phút giây này Thần Chết đã có mặt. Người ta thường viết như thế này về những người Cộng Sản trước khi chết: Vào những phút giây này người Cộng Sản kiên cường bao giờ cũng đứng dậy hô to: “Ðảng Cộng Sản muôn năm. Hồ Chủ Tịch muôn năm.” Phút giây thiêng anh đứng dậy ba lần và hô ba lần hô dõng dạc như thế.
Tôi chờ. Tôi chờ. Và thấy tu sĩ Ðỗ Bá Lung ngẩng đầu:
“Tôi có nói như thế và bây giờ tôi vẫn nói như thế.”
Tiếng quát bật ra giận dữ:
“Lôi nó đi.”
Không để ai phải lôi kéo cả.
Tu sĩ Lung từ từ bước ra khỏi giường. Ði ra cửa.
Hàng lưỡi lê giãn ra. Quản giáo, giám thị giãn ra để cho tu sĩ đi. Ðến gần cửa tu sĩ quay lại, móc túi lấy gói thuốc lào, mấy đồng bạc “âm phủ” trao lại cho người ngồi gần. Vì tôi nằm cạnh tu sĩ, nên tu sĩ quay lại phía tôi: “Anh Vĩnh, tôi còn mấy viên thuốc cảm, và cái gối để ở đầu giường, lấy mà dùng.”
Và hướng vào tất cả mọi người trong nhà mồ, tu sĩ nói nhỏ nhẹ:
“Thôi chào các bác, các anh ở lại. Tôi đi.”
Và tu sĩ đi. Cửa sập lại.
Chúng tôi im lặng ngồi nhìn nhau không ai nói với ai một lời. Thần Chết đến và đã đi. Lần này ầm ĩ hơn, có nghi lệ hơn, có bài bản hơn những lần trước.
*
Gần ba tháng sau, Nguyễn Hữu Ðang, “tên cầm đầu bọn Nhân Văn Giai Phẩm” đến gần cửa sổ khu tôi ở. Anh là người độc nhất ở đây được đưa cơm vào xà lim, được đi lại tự do trong bốn bức tường, anh là người được ăn no, đủ muối mắm, thậm chí được mua cả thịt trâu và được hái hoa rừng cài vào cửa sổ. Có lần anh cầm một bó hoa nghệ và bảo tôi: Này Vĩnh, cậu ngửi mà xem có đúng mùi nước hoa Bain de Champagne không.
Tôi vốn không ưa cái mùi ung ủng của thứ nước hoa thượng hảo hạng đó. Nhưng anh Nguyễn Hữu Ðang thì anh rất thích cái mùi nước hoa Bain de Champagne đó. Lại có lần qua cửa sổ vào buổi sáng sớm, anh dúi cho tôi một cái bánh sắn to có nhân thịt trâu.
Chao ôi là chao ôi.
Thỉnh thoảng lúc vắng quản giáo và lính canh anh đứng cạnh cửa sổ nói với tôi dăm ba câu chuyện tào lao. Anh được thả lỏng, được ưu đãi có lẽ do cái người cắp cái cặp đen hôm đưa đoàn tù lên. Anh bảo với tôi rằng ông ta tên là Vệ, hình như làm cục phó Cục Quản Lý trại giam. Hồi xưa trước năm 1945, khi anh làm tổng thư ký Hội Truyền Bá Quốc Ngữ với cụ Nguyễn Văn Tố, anh có làm ơn cho ông ta một điều gì đó. Ðến giờ ông ta tử tế đáp lệ lại. Chắc là thế.
Anh luôn bảo, anh không có tội gì cả. Nếu có - theo anh - thì đó chỉ là một sự hiểu lầm về thời gian và không gian trong triết học mà thôi. Anh nói ấm ớ lững lờ và khó hiểu như vậy.
Ba tháng sau, lúc đưa cơm xà lim xong anh đáo qua cửa sổ tôi và bảo:
“Này, cái lão Lung ấy mà. Vẫn chưa chết. Sống dai thế. Không có chăn, không có quần áo ấm để chống rét cơ thể mọc đầy lông cậu ạ. Chỉ còn đôi mắt là vẫn sáng vẫn sống thôi.”
 Kỳ 5
 Nhưng mà sống mãi làm sao cho được nỗi với chế độ hà khắc giết người đó. Tu sĩ Lung phải chết. Người ta đóng các cửa sổ lại để không ai nhìn thấy chiếc chiếu gói xác khênh đi qua.
Mỗi lần chôn, có hai tù hình sự ở trại ngoài vào, đem theo một chiếc chiếu, đòn khiêng và dây thừng. Thường hay chôn vào buổi chiều tà. Chôn xong họ được bồi dưỡng một cân đường, hai cân gạo nếp. Cha Quế và Cha Vinh chết, thì đâu như phần chôn còn được thêm một cân lòng trâu.
Thế là với chúng tôi, Tu sĩ Ðỗ Bá Lung xứ Ngọc Ðông Hưng Yên không bao giờ về nữa. Người đã chết, và coi như mọi chuyện đã hết. Nhưng câu chuyện lại chưa chấm dứt ở đây ở lúc đem Tu sĩ Lung đi chôn.
Ở đoạn trên, chúng ta đã biết là Tu sĩ Ðỗ Bá Lung đã vào Hầm Chết ba tháng mà vẫn chưa chết. Chánh giám thị Nguyễn Quang Sáng rất sốt ruột, luôn luôn hỏi anh Nguyễn Hữu Ðang, người cầm đầu Nhân Văn Giai Phẩm, người độc nhất được đưa cơm vào xà lim:
“Thế nào, nó chết chưa? Cái thằng Lung ấy.”
“Thưa ông, anh ấy chưa chết.”
Nguyễn Hữu Ðang có cái đáng quý là anh không gọi ai ở trong tù bằng thằng cả. Trong khi bọn trật tự viên hình sự luôn luôn nói theo giọng quan thầy, ông chủ chúng đều gọi tù nhân bằng thằng này thằng nọ.
Tôi có một anh bạn rất thân tên là Sâm. Khi hỏi cung tôi, cán bộ công an hỏi:
“Anh thấy thằng Sâm nó thế nào?”
“Thưa ông, tôi không quen thằng Sâm nào cả?”
“Anh láo, anh chối hả? Thằng Sâm mà anh không quen thì anh còn quen ai nữa?”
“Thưa ông, nếu ông nói về anh Ðỗ Văn Sâm học cùng với tôi ở trường Chu Văn An thì tôi quen rất thân. Nhưng xin ông nhớ cho là anh ấy chưa bị bắt, ông không nên gọi thằng này thằng nọ như thế.”
Tôi chỉ dám trả lời lại có thế thôi, nhưng còn anh bạn Phan Hữu Văn, thì anh ấy trả lời hay hơn tôi nhiều:
“Thưa ông, tôi tưởng ông nói tới thằng Vĩnh lưu manh, ma cà bông ở cùng trại 13 với tôi thì thật tình tôi không bao giờ biết tới quân ăn cắp ấy cả. Nhưng tôi có quen ông Kiều Duy Vĩnh, học sinh trường Chu Văn An cũ, nguyên đại úy tiểu khu trưởng Ninh Giang. Chúng tôi không dùng những từ thằng này thằng nọ mày tao mi tớ bao giờ. Chỉ có bọn vô học, vô văn hóa, vô giáo dục thì mới dùng những từ đó mà thôi.”
Tên công an tím mặt lại, đuổi về trại đi cùm.
Lại nói về Tu sĩ Ðỗ Bá Lung, hết tháng thứ ba ông chưa chết, nhưng sang đến tháng thứ tư vào dịp gần đến lễ Thiên Chúa Giáng Sinh ở Cổng Trời đôi lúc không độ, nước đóng băng thì tu sĩ Lung chết.
Nguyễn Hữu Ðang vội vã bá cáo với trực trại là Tu sĩ Lung đã chết.
Ngay buổi chiều hôm đó, mọi cửa sổ nhà giam đều bị đóng kín lại, có hai người tù hình sự ở trại ngoài đem đòn, dây thừng và một chiếc chiếu vào khênh đi chôn. Họ chôn xong, về lĩnh mỗi người một cân đường và một cân gạo nếp. Ðâu như những lần chôn cất cha Vinh cha Quế họ được thêm mỗi người một ký lòng trâu.
Ðối với chúng tôi thì là Tu sĩ Ðỗ Bá Lung đã chết, đã đem chôn. Người chết hết chuyện. Thế nhưng trường hợp của Tu sĩ Lung lại không hết chuyện. Thế mới phiền.
Cũng chừng độ ba tháng sau, một ngày nắng vàng rực rỡ, trời ấm áp dễ chịu, người ta thấy, lù lù một tu sĩ Ðỗ Bá Lung chống gậy xuất hiện ở trại Cổng Trời.
Thế là náo loạn cả lên. Từ Ban Giám thị trại, đến lính coi tù, đến tù nhân đều tới lui, bàn ra tán vào, rì rầm nhớn nhác. Cửa sổ các trại lại đóng như khi ông chết mang đi chôn. Họ đưa ông vào ở tạm một cái buồng con chỗ cán bộ giáo dục “lục vấn” người tù. Chứ chả lẽ lại đưa ông vào Hầm Chết lần nữa!
Hóa ra là hồi ba tháng trước ông chưa chết hẳn, hoặc là ông đã chết mà một phép lạ đã làm ông sống lại. Câu chuyện xảy ra như sau:
Sắp đến chỗ chôn thì trời đổ mưa to, hai người tù hình sự tránh mưa, để ông nằm đó chạy vào trú mưa ở nhà một người Mèo, họ vào đấy uống rượu chờ tạnh mưa. Mưa hồi lâu, và rượu hơi ngon nên trời chập choạng tối họ mới lần xuống, thì không thấy bó chiếu đâu nữa.
Họ nghĩ có lẽ thú dữ, hoặc chó sói đã tha cái xác ấy đi rồi. Có sao đâu, khỏi phải chôn. Họ về và cũng chả có ai hỏi là họ chôn xong chưa? Mọi lần vẫn thế. Mặc nhiên coi như đã chôn xong.
Hóa ra là khi họ đang uống rượu thì mưa to hơn lại có sấm chớp nữa làm Tu sĩ Ðỗ Bá Lung tỉnh lại, dây buộc thì lỏng lẻo, ông chui ra khỏi cái chiếu, lấy cái chiếu che mưa lần vào cái chuồng trâu gần đó. Hơi ấm của trâu, của phân trâu làm ông hồi tỉnh lại và sáng hôm sau, chủ nhà người Mèo nấu cháo ngô cho ông ăn và nuôi ông. Thế là ông sống lại.
Ông sống lại một cách khỏe mạnh. Người Mèo cho ông ăn no so với sáu ký gạo cộng với sắn trong một tháng thì cháo ngô đã làm ông hồi phục nhanh chóng.
Nhưng làm sao mà sống mãi ở nhà họ được? Mà trốn trại thì trốn về đâu? Và làm sao mà trốn thoát được. Giấy tờ không, tiền không, với 100km đường rừng, 300km đường bộ, ông đi làm sao được. Chỉ có một con đường độc nhất xuống núi thì bị kiểm soát thật ngặt nghèo, ông làm sao đi thoát. Vậy chi bằng quay trở lại trại Cổng Trời là hơn cả.
Thế là ông quay về trại sáng hôm đó.
Nhưng phiền là ban giám thị trại đã báo cáo về bộ cái thành tích tiêu diệt tên phản động đội lốt thầy tu Ðỗ Bá Lung rồi, và trên bộ đã gạch xóa tên Lung trong danh sách tù ở Cổng Trời rồi. Làm sao bây giờ? Phải có phương án nào chứ.
Hai hôm sau, có một xe com-măng-ca của bộ lên trại Cổng Trời. Ông Ðỗ Bá Lung lên chiếc xe đó. Ông đi đâu? Và sẽ ra sao? Cho đến giờ chúng tôi cũng không biết gì hơn về Tu sĩ Ðỗ Bá Lung, người đã chết và đã sống lại đó.
 Kỳ 6
 1. Cuộc tuyệt thực
Tôi xin nhắc lại: Tôi không theo đạo Thiên Chúa, và điều ấy có thể đã làm cho tôi sống được đến hôm nay, năm 1994. Vì những người Cộng Sản căm những người theo đạo Thiên Chúa nhất nên tất cả mũi nhọn của nền chuyên chính đều chĩa vào họ.
Thứ nhất là các đấng bậc trong giáo hội, rồi đến các tu sĩ cả nam lẫn nữ. (Tôi đã gặp hai bà sơ bị bắt vào xà lim), rồi đến các chánh trương, trùm trưởng, cả đến hội trống hội kèn cũng bị bắt đi tù hàng loạt.
Tôi trông họ hiền lành, ngơ ngơ nói năng chẳng rõ họ mắc tội gì mà bị hành hạ đến như vậy: Họ có mỗi một tội là tin vào Chúa Jê Su. Thế thôi.
Còn tôi, chả hiểu làm sao, tôi thiếu đức tin đó, và điều đó đã cứu tôi sống. Nói thế không có nghĩa là tất cả mọi người Công Giáo đi tù đều chết hết đâu. Còn chứ, còn anh Thi, anh Thọ, chị Diệp những người trong vụ nổi loạn ở Ba Làng, Thanh Hóa năm 1954, còn Nguyện Công “Cửa” tức Môn, ngư dân vượt biển, còn Nguyễn Hữu Bổn người thôn Vạn Lộc, Nam Lộc, Nam Ðàn...
Tôi có nghe nói lại là khi đọc lệnh tha anh Thi, anh không chịu ra khỏi tù, họ phải lôi anh ra, anh mới chịu ra.
Ngay cả giáo dân họ cũng kiên cường như vậy, thảo nào mà những người Cộng Sản đặt họ lại hàng đầu để tàn sát họ, tiêu diệt họ.
Cho đến hôm nay năm 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Cổng Trời mà vẫn chưa gặp lại ai, ngoài 1 người Cộng Sản là anh Nguyễn Hữu Ðang.
Khi ở khu A còn thưa thớt người thì tù ở các trại dưới được dồn lên để lấp vào các chỗ trống, nên có sự sắp xếp lại.
Tôi được chuyển sang khu B dưới quyền quản giáo mới tên là Duật người Nam Hà.
Khu B nhẹ hơn khu A, chế độ ăn uống có hơn đôi chút, được đi lao động nhẹ ở sân trại. Ba tháng được viết thư một lần và được phép nhận thư.
Tôi vừa chuyển sang khu B, chưa được viết thư về nhà thì đã nhận được thư của mẹ tôi gửi lên với địa chỉ:
Công trường 75A Hà Nội C65 HE.
Mọi người đều ngạc nhiên, cả tôi nữa.
Lúc đó nhà tôi ở số nhà 7 phố Thi Sách gần ngay đằng sau Chợ Hôm-Hà Nội.
Tính từ khi lên Cổng Trời, đã được hơn 3 năm có lẽ tôi chưa được viết thư về nhà lần nào, thế mà tại sao mẹ tôi lại biết được địa chỉ này mà viết thơ cho tôi và mẹ tôi có biết là tôi đang ở Cổng Trời Hà Giang không?
Mãi đến khi được tha tù lần thứ nhất (1970) tôi về gặp lại mẹ tôi, tôi mới rõ. Thì ra sau khi tôi được chuyển lên Cổng Trời ố 1960 - thế là mất hết tin tức về tôi. Tất nhiên là mẹ tôi không chịu để mất. Mẹ tôi lên trại cũ ở Bất Bạt Sơn Tây để hỏi. Chánh giám thị trại là thiếu tá Thanh trả lời là ông ta không rõ!
Quay về Hà Nội mẹ tôi đến Bộ Công An ở phố Trần Bình Trọng hỏi. Họ không cho vào gặp. Nhưng từ nhà tôi ở chợ hôm ra đến hồ Thiền Quang chưa đến 1km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi dắt cháu đi chơi là mẹ tôi lại tạt vào quấy rầy họ. Ðến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đi. Kiên trì dắt cháu đi hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ đành phải trả lời. Nhưng cũng mất 1 quãng thời gian là hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ đó: Công Trường 75A Hà Nội.
Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này. Họ bảo họ cũng không biết
Mẹ tôi đời nào chịu.
Và cuối cùng họ đành phải trả lời là tôi đang ở Cổng Trời Hà Giang.
Thế là mẹ tôi đi Hà Giang.
Ði với 2 bàn tay trắng: Không có mảnh giấy đi tiếp tế cho tù.
Quy định đi thăm tù phải có giấy giới thiệu của địa phương cấp, mà địa phương được lệnh không cấp giấy cho mẹ tôi vì thành phần gia đình tôi là địa chủ cường hào đại gian đại ác. Bố thì bị bắn chết trong cải cách ruộng đất, còn tôi thì đi tù nên gia đình tôi là đối tượng của cách mạng cần phải chuyên chính. Mặc, không có giấy giới thiệu mẹ tôi vẫn cứ đi.
Nhưng lên được đến Hà Giang, chưa qua được đèo Quyết Tiến thì bị công an theo dõi và bắt quay về Hà Nội.
Mẹ tôi đành viết thơ cho tôi theo địa chỉ trên. Thế là tôi nhận được thư.
Thế ra mẹ tôi vẫn còn sống và tôi, tôi vẫn còn sống.
Cũng có 1 phần do mẹ tôi không chịu mất dấu vết của tôi, làm phiền họ, quấy rầy họ, mà trên Bộ Công An chưa bật đèn xanh cho ban giám thị trại xóa tên tôi trong danh sách tù nhân ở Cổng Trời này.
Ðã có lần họ cho người giả làm tù ở cùng trại với tôi về báo tin là tôi đã chết. Nhưng mẹ tôi khăng khăng không tin. Mẹ tôi cứ làm tới, sấn tới, và điều đó phần nào đã cứu sống tôi.
Vả lại ở trên Cổng Trời này, đối với các bậc như cha Vinh, cha Quế, tu sĩ Ðỗ Bá Lang, tu sĩ Nguyễn Trung Chính tức Nhẫn, tôi là hạng bét so với các đấng bậc ấy nên mũi nhọn của cuộc tàn sát không chĩa vào tôi. Ban giám thị trại đem so tôi với các bậc thánh đó thấy rằng tôi là một phần tử tiến bộ trong số này.
Này nhé: Tôi không cầu kinh, không làm dấu thánh, không ăn chay trước lễ Phục Sinh. Không cần nghi lễ Giáng Sinh, thế là tôi chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Ban Giám Thị rồi còn gì nữa.
Còn với các đấng bậc kia.
Cấm cầu kinh, cứ cầu
Cấm làm dấu thánh trước khi ăn. Cứ làm. Ngày lễ Giáng Sinh cứ nghỉ không chịu đi làm.
Và nhất là chuyện tôi cứ ăn không chịu tuyệt thực cùng các vị đó khi có lệnh cấm làm dấu thánh trước khi ăn.
Câu chuyện tuyệt thực xảy ra như sau: “...Ðây là nhà tù, chứ không phải là nhà thờ của các anh, nên cấm mọi hành vi tôn giáo và tịch thu mọi thứ: thánh giá, kinh bổn, tràng hạt.” Tịch thu thì được. Còn cấm thì hơi khó hơn, nếu không nói là không cấm được.
Cấm cầu kinh các vị ấy cứ cầu, vì làm thế nào mà biết các vị đang cầu kinh?
Kỳ 7
Ăn xong, rồi ngồi chơi nhìn nhau. Im lặng không nói chuyện, không đi lại, thế là cầu kinh đấy.
Chỉ có đêm đến, lệnh cấm ngồi là có hiệu lực, chứ ban ngày chả nhẽ lại cấm ngồi bắt nằm mãi sao.
Ban Giam Thị uất lắm!
Sau chuyện tu sĩ Ðỗ Bá Lang, chánh giám thị Nguyễn Quang Sáng tỏ ra quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, dấn tới một bước nữa.
Cấm triệt để làm dấu thánh trước khi ăn cơm. Nhưng lần này thì Nguyễn Quang Sáng phải chịu thua.
“Ai cho các anh ăn?”
“Chúng tôi. Chúng tôi cho các anh ăn chứ không có Chúa nào cho các anh ăn cả.”
“Cấm cầu kinh, các anh vẫn lén lút cầu kinh vậy bây giờ trước khi ăn, tôi cấm các anh làm dấu. Các anh phải cảm ơn người cho các anh ăn. Ðúng lắm, nhưng đó là chúng tôi đây chứ không có chúa nào hết. Không có con mẹ Maria, thằng Jê su nào cả. Biết chưa?”
(Nguyên văn như vậy, tôi xin lỗi các vị phải viết đúng, không dám xuyên tạc, bịa đặt, báng bổ gì).
Và đến bữa ăn. Quản giáo đứng đó. Mọi lần thì cửa mở, chúng tôi bê cơm vào trong phòng. Ðóng cửa lại. Chúng tôi chia nhỏ từng xuất một và ăn. Không có sự hiện diện của ai cả.
Nhưng hôm ấy, bê cơm vào, cửa vẫn mở, Quản Giáo đứng đó kiểm soát và nhắc lại lệnh cấm của Ban Giám Thị.
Tất cả, cả tôi, không ai phải bảo ai, không chia cơm ra ăn. Ðứng mãi chán, Quản Giáo đóng cửa lại đi về.
Ðến chiều, tù nhà bếp đến lấy thùng. Cơm canh vẫn nguyên. Cơm canh đều chia vào hai cái thùng gỗ to, chứ không chia thành một phần như ở xà lim.
Buổi chiều, đích thân chánh giám thị xuống, mọi việc lại diễn ra đúng như buổi sáng. Mặt tái vì giận dữ. Nhưng làm thế nào mà bắt họ ăn cho được?
Không có khí thế hừng hực đấu tranh như những người Cộng Sản ở Sơn La, Côn Ðảo tuyệt thực, không có hô khẩu hiệu, tất cả đều lặng lẽ ngồi im.
Không thể dùng lưỡi lê và sức mạnh để nhét cơm vào mồm họ được.
Họ không ăn, thế thôi. Không hò reo, không gõ bát, gõ đĩa, không ai diễn thuyết, kích động, yêu sách điều gì.
Im lặng, ai ngồi chỗ ấy. Giám thị Sáng đứng đó, không một ai thèm nhìn vào mặt ông ta cả. Tất cả đều quay mặt đi chỗ khác.
Giám thị Sáng đành phải ra về.
Ðêm đến: Tôi đói không thể nào ngủ được. Ðã một ngày trôi qua, và hai bữa không ăn. Suốt mười năm tù đầu tiên, tôi không bỏ một bữa cơm nào, ngoài hai bữa hôm ấy.
Chỉ có khi nào đến ngày giỗ người sinh ra tôi bị bắn chết, là tôi lặng lẽ khai ốm và báo cháo, vì tôi nghĩ: Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.
Dạ dầy tôi là dạ dày thép, nó ngốn và nghiền nát tất cả mọi thứ mà đối với người khác bình thường, cùng tù với tôi cũng không kham nổi.
Sắn sống, khoai sống, ngô sống, om on sống, cả cây ngô non tôi cũng ăn được, khoai hà chỉ có ngỗng mới ăn, tôi cũng ăn được khoai sọ tôi ăn cả vỏ, dong riềng ăn cả vỏ, có lần đi làm tôi lẩn vào ruộng trồng đỗ Mèo ních một bụng quả đỗ sống, chiều về say gần chết.
Ra suối tắm, quả vả mọc hoang tôi bứt ăn, cũng say gần chết.
Chỉ gần chết thôi chứ chưa chết hẳn. Ngất ngư lảo đảo thôi.
Sắn ăn say, ngày nào mà tôi chả say sắn, mà theo cái đầu óc ngu dốt của tôi chính có lẽ do say sắn triền miên mà tôi vẫn còn sống đến hôm nay.
Chả là rét quá, tôi bị sưng phổi. Cứ thấy ho, sốt, rồi tôi không dám nói láo cứ cúi xuống ngẩng lên là nghe trong phổi có tiếng óc ách...
Ở Cổng Trời không phải khai ốm, vì có còn khai với ai được. Ốm mặc, không có thuốc men gì hết.
Quản giáo trực thấy tôi nằm ốm, hỏi làm sao. Hỏi để mà hỏi. Rồi thôi. Ðể đấy. Tôi cứ ăn sắn, say sắn. Và rồi khỏi. Mọi người: đều coi chuyện đó là chuyện thường tình.
Mãi đến khi về, năm 1970 tôi đi khám ở bệnh viện A để kiểm tra phổi. Sau khi chụp X quang, kết luận: dầy dính màng phổi. Bác sĩ Kim hỏi tôi là tôi bị sưng phổi bao giờ và ở đâu hút cho.
Tôi trả lời là quên mất thời gian và chưa ai hút ra bao giờ. Bác sĩ Kim rất ngạc nhiên.
Qua chuyện trên, tôi đi đến kết luận là Acide Cyavidrique nghĩ thế, theo đầu óc ngu dốt của tôi thôi. Ở Cổng Trời, khu nọ cách biệt với khu kia bằng một hàng rào bao quanh khu. Cấm liên lạc nhưng khi trả thùng cơm canh, thì đem đến một cái sân chung để nhà bếp tiện lên lấy. Có lần khu C: họ được mua sắn cải thiện để ăn thêm. Chả hiểu sao cả khu say, và chết đâu mất năm người.
Sáng ra, quản giáo trực vào thấy chết vì say sắn bèn ra lệnh tịch thu số sắn còn lại, cấm không cho ăn, và đem ra tập trung ở chỗ trả thùng cơm.
Hôm ấy đến lượt tôi bưng thùng ra trả. Tôi thủ ngay gối một thùng sắn luộc rồi giấu vào bụng đem về buồng ăn.
Cái vị tu sĩ bảo tôi: Họ ăn chết hàng loạt kia kìa, lấy về làm gì?
Tôi bảo: Họ có nhiều họ ăn mới chết! Chứ mình cứ củ một ăn, chết thế nào được. Và tôi ăn. Ăn củ một, thấy đắng quá thì thôi. Hơi say một chút chẳng sao cả. Và những chất say ở sắn đã làm tôi khỏi bệnh phổi, làm tôi no, và có thêm một hiện tượng là hai bên quai hàm tôi to bạnh ra. Say sắn có khổ nhưng không khổ bằng đói: tôi chọn cái ít khổ hơn.
Ðiều này là sự thật 100%, cứ ăn sắn nhiều là hai bên quai hàm to bạnh ra. Xin các nhà khoa học giải thích hộ cho. Kể lại với quý vị như thế, để quý vị biết tôi đói đến thế nào. Tôi đói lắm ấy!
12 kg cả gạo cả sắn một tháng, với sức tôi cao 1m76 nặng 78kg và ba mươi tuổi thì các vị chắc cũng hiểu cho được.
Posted by Tự Quang Minh at 11:59 PM 


Nam Yết chuyển

No comments: