Trung Quốc luôn cho rằng học thuyết quân sự của mình chỉ mang tính phòng thủ nhưng thực chất đó lại là luận điệu hết sức nguy hiểm.
Học thuyết quốc phòng nham hiểm của Trung Quốc
Từ quan điểm quốc phòng của Bắc Kinh, Trung Quốc tự cho mình là kẻ yếu thế. Điều đó đúng, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn. Tưởng rằng thấy mình yếu thì con rồng Trung Hoa sẽ ngưng giương sừng dọa dẫm. Nhưng không, ngược lại, việc cảm thấy dễ bị tổn thương đã khiến cái tính bất kham của Trung Quốc diễn biến theo những cách nguy hiểm nhất và khiêu khích nhất.
Trong khi các tài liệu chiến lược của Trung Quốc đều nhất quán nói về “tự phòng thủ” thì thực chất họ lại tỏ ra “phòng thủ rất chủ động”.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên hiểu các tài liệu này theo nghĩa đen. Đó là một học thuyết quân sự gai góc và hiếu chiến bên trong cái vỏ phòng thủ”, Larry Wortzel, chuyên gia phân tích hàng đầu của Viện chính trị thế giới nhận xét.
“Rất nhiều việc họ làm nghiêng hẳn về xu hướng đánh đòn phủ đầu", Wortzel giải thích, “Hãy nhìn lại các hồ sơ ngoại giao bên ngoài Trung Quốc: Tất cả các cuộc tấn công của họ đều là những pha phủ đầu. Khi họ tiến vào Triều Tiên năm 1950, đó là đòn tấn công phủ đầu. Khi họ gây chiến Việt Nam (1974 và 1979), đó là tấn công phủ đầu. Khi họ đánh biên giới Ấn Độ năm 1962, đó là tấn công phủ đầu”.
Trong cả 3 trường hợp, Trung Quốc đều phản ứng rất mạnh mẽ, bất ngờ và không biết bao nhiêu máu quân lính của họ đã đổ.
Những ví dụ này không phải lịch sử xa xưa. Nguyên tắc đánh đòn phủ đầu hiện vẫn là một phần trọng tâm trong học thuyết quốc phòng chủ động của Trung Quốc ngày nay.
Ngày 24/9, phát biểu tại hội nghị ở Trung tâm Wilson, nguyên Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Michael McDevitt nói: “Họ không chờ đợi mà tấn công luôn. Thực tế, học thuyết quân sự của Trung Quốc không giới hạn họ tấn công quân sự phủ đầu. Trung Quốc tuyên bố, nếu anh có hành động ngoại giao thách thức chủ quyền của họ, họ có quyền tấn công phủ đầu anh”.
McDevitt đặt câu hỏi: “Nếu là một quốc gia dưới bóng của Trung Quốc, bạn sẽ cảm thấy thế nào?” và ông diễn giải tiếp: “Trung Quốc nói rằng, đừng lo lắng quá, đó chỉ là phòng thủ thôi, tôi chỉ phòng vệ chống lại tấn công từ bên ngoài”. Nhưng Trung Quốc cũng có thể lập luận rằng “tôi không thích những việc anh đang làm, và tôi xem đó như một mối đe dọa đến chủ quyền của tôi và tôi sẽ đánh anh trước”.
Lập lờ "đánh lận con đen"
Cái kiểu định nghĩa mơ hồ về chủ quyền và phòng thủ như vậy của Trung Quốc đang đặc biệt trở nên đáng lo ngại khi xét tới tranh chấp chủ quyền lâu nay với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và với Philippines về bãi cạn Scarborough.
“Theo quan điểm của Trung Quốc, họ không hề hiếu chiến vì họ toàn triển khai các tàu dân sự, chẳng có trang bị vũ khí gì”, học giả Đan Mạch Liselotte Odgaard nhận xét đầy mỉa mai trong một cuộc thảo luận tại Trung tâm Wilson.
“Nhưng Trung Quốc lại cho phép cả tàu bán quân sự và tàu quân sự cái quyền 'thích thì làm', chẳng cần đếm xỉa tới ai và đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với các nước khác”, Odgaard nói.
Đó là bởi vì Trung Quốc cảm thấy họ có quyền tuyên bố chủ quyền với bất kỳ vùng lãnh thổ nào trước đây từng bị Đế chế Trung Hoa kiểm soát, dù trong một thời gian rất ngắn . Trong khi các nước láng giềng lập luận rằng các quyền tài phán từ thế kỷ 19, chứ chưa nói gì tới trước đó, đã không còn tồn tại từ lâu rồi.
Quan điểm của Trung Quốc theo kiểu, “chúng tôi đang rất 'hào phóng' cho các anh sử dụng khu vực này đấy”, Odgaard diễn giải. Hay nói cách khác, theo Bắc Kinh, “họ không đuổi người Nhật, người Philippines hay người của các nước khác đi đã là một sự nhượng bộ đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp rồi”!
Đừng dại quấy nhiễu Nhật Bản
Thế nhưng, cũng nên hiểu cái “lòng độ lượng” này theo một chiều hướng khác. Thực tế, quân đội Trung Quốc rất đau đớn khi nhận ra rằng họ thiếu sức mạnh để đẩy lùi các nước này.
Trừ khi Trung Quốc dùng đến vũ khí hạt nhân, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đủ sức tự bảo vệ họ. Những nước yếu hơn như Philippines đã có sự hậu thuẫn của Mỹ trên một thế kỷ nay.
Hai thập kỷ đổ tiền đầu tư phát triển nhưng quân đội Trung Quốc vẫn bị Nhật Bản vượt mặt chứ chưa nói gì tới Mỹ.
“Ngoại trừ Mỹ, Nhật Bản là quốc gia có lực lượng không quân và hải quân hùng mạnh nhất châu Á”, chuyên gia Larry Wortzel nhận xét. Chỉ vào bản đồ Đông Bắc Á, ông nói: “hãy nhìn vào các căn cứ không quân và xem cách Nhật Bản bố trí chúng thì biết. Họ là lực lượng hiện đại nhất, hiệu quả nhất ở châu Á. Chính xác là như vậy”.
Wortzel nhấn mạnh: “Dù bị ràng buộc bởi Điều 9 Hiến pháp nhưng đừng dại mà quấy nhiễu họ”.
Đó mới chỉ là một đồng minh của Mỹ. Hãy nhìn sang Hàn Quốc. Seoul đã phát triển được một quân đội với sức mạnh đáng nể cho riêng mình. Rồi đến chính nước Mỹ. Dù bị cắt giảm ngân sách khá nghiêm trọng nhưng quân đội Mỹ vẫn là lực lượng hùng mạnh được trang bị khí tài quân sự hiện đại nhất thế giới. Do đó, cán cân sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương vẫn nghiêng về Mỹ và các nước đồng minh.
Cái Trung Quốc đang nỗ lực muốn đạt được trong ít nhất 2 thập kỷ vừa qua là phát triển một quân đội có khả năng giữ chân Mỹ ngoài khu vực mà các nhà chiến lược Mỹ gọi là “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD- Anti-Access/Area Denial). Thế nhưng, quân đội Trung Quốc thực sự đã đạt mục tiêu này đến đâu thì còn phải hậu xét.
Nam Yết chuyển
No comments:
Post a Comment