Gió
Mùa Đông Bắc là tên cuốn “tự truyện” của Bác Sỹ Trần Nguơn Phiêu, do
nhà xuất bản Hải Mã phát hành. Sách dày 506 trang, gồm 37 chương, in bìa
cứng, chữ mạ vàng rất trang trọng. Bằng tất cả sự thận trọng và trân
quý, chúng tôi đã đọc cuốn sách và có đôi hàng nhận xét về cuốn sách.
Đây
là một cuốn bút
ký hiếm quý. Hiếm vì cuốn sách hầu như chứa đựng được hầu hết những
biến cố quan trọng của đất nước chúng ta từ sau đệ nhị thế chiến cho đến
ngày 30 tháng 4 năm 1975, đặc biệt ở Miền Nam. Tác giả từng là một
thiếu niên tham gia vào những sinh hoạt tranh đấu dành độc lập cho xứ
sở. Phụ trách báo Nam Thanh của tổ chức Nam Bộ Thanh Niên Kháng Chiến
Đoàn. Đã trực tiếp thấy bộ mặt tàn bạo của Cộng Sản, ông bỏ vào thành
tiếp tục đi học và trở thành Bác Sĩ Y Khoa Hải Quân. Biến cố nào tác giả
cũng có những dữ kiện chứng minh thật cụ thể do chính mình tham dự, hay
do những nhân chứng đáng tin cậy. Quý, bởi xuyên suốt 500 trang sách ta
thấy được tấm lòng tha thiết của tác giả với đất nước, với thân tộc,
cũng như với bằng
hữu. Có người ở phe này, kẻ ở phe kia, khi là người cùng chung sống lúc
hàn vi, khi là những kẻ bên kia chiến tuyến. Giữa những cảnh huống éo
le, tác giả luôn thể hiện được tấm lòng chung hậu. Và bằng một bút pháp
êm đềm, rộng lượng của Miền Nam, tác giả đã cho chúng ta thấy được lòng
bao dung, đơn giản của người Miền Nam cùng sự sung túc của đất nước này
bao phủ lên mọi cảnh huống của thời cuộc trong hoà bình cũng như trong
thời ly loạn. Qua những trang sách ta gặp những người từng là danh nhân
của thời cuộc, nhưng ta cũng thấy họ từ những ngày còn trẻ thơ, đã được
nuôi dưỡng trong những gia đình nề nếp. Riêng với những người cộng Sản
thì lại khác. Từ trong trứng nước họ là những người khác, suy nghĩ khác,
đầy xảo quyệt,
dối trá và cực kỳ tàn bạo. Hệt như những người Cộng Sàn ở Bắc, họ đã
thẳng tay tàn sát những người tuy cùng chiến đấu chống Pháp, nhưng khác
chính kiến với họ. Ta hãy nghe Dương bạch Mai nói với Phan văn Hùm: “
‘Anh Hùm, tôi nhớ lúc ở Côn Đảo, trong những bữa ăn như chiều hôm nay,
anh thường ngồi bìa, đưa lưng hứng chịu roi vọt của cai tù để anh em
được ăn yên ổn. Nhưng nay chúng tôi lãnh đạo cách mạng. Chúng tôi không
chấp nhận đường lối: Đánh chung, Đi riêng của các anh’. Sau bữa chiều
đó, nhóm chiến sĩ đệ tứ đã bị đưa đi, không còn hiện diện trong trại
giam nữa.” ( trang 300). Từ đó người ta không ai gặp Phan văn Hùm ở đâu
nữa. Những cảnh huống như thế tràn đầy trong sách. Kể từ 30 tháng 4 năm
1975, người Cộng Sản đã
tạm thời cướp được đất nước chúng ta. Nhưng đất nước sẽ đi về đâu. Ta
có thể lấy lời của Giáo Sư Phạm Thiều, một người đã bỏ cả cuộc đời đi
theo Cộng Sản, khi về già từ Bắc về lại Miền Nam, ông nhận xét về người
Cộng Sản như sau:
“Dốt mà lãnh đạo nên làm Dại. Dại mà muốn thành tích nên báo cáo Dối.
Dốt, Dại, Dối, đó là ba điều làm cho các nước Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác”. (trang 37).
Bỏ
ra ngoài vấn đề của một thời oan trái, cuốn sách còn lấp lánh những góc
cạnh rất đẹp của đời sống. Nói về những kỷ niệm khi còn bé được mẹ dội
nước tắm cho, ông viết: “Nắng chiều chiếu qua những giọt nước còn đọng
trên mi, mặt mẹ Triệu cúi gần mặt Triệu, nên khi mở mắt Triệu thấy hình
ảnh mẹ lung linh tuyệt đẹp…” Trong văn
chương Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên hình ảnh người Mẹ được ghi
lại thân thương, đơn giản mà đẹp đẽ như thế, khiến “Tám chục năm về sau,
mỗi lần tưởng nhớ đến mẹ, Triệu vẫn còn giữ mãi nét mặt của mẹ qua ánh
nước long lánh của buổi chiều ngày đó.” (trang 23).
Và
suốt chiều dài của đời sống, từ
một người học trò sống ở vùng quê, mồ côi mẹ rất sớm, lớn lên ở Sài Gòn
dưới sự trông nom của ông bà ngoại, rồi đi du học tại Pháp để trở thành
vị Bác Sĩ Y Khoa của Hải Quân Việt Nam. Với biết bao thay đổi, nhưng
dưới nhận xét tinh tế của ông, hầu như không có cảnh trí nào đặc biệt mà
ông không ghi nhận. Sống ở Bordeaux, Pháp trong 6 năm trời, cái nôi của
rượu vang, ta hãy nghe ông nói về cách thưởng thức rượu vang của xứ
này: “… Khách sành điệu cần nhìn bề mặt rượu trong ly. Ven bờ rượu thấy
trong sáng và tròn trịa là rượu còn non ngày tháng. Ven bờ
rượu màu hổ phách là rượu đúng tuổi uống. Nếu màu ven rượu chuyển sang
màu đỏ như gạch thì quả đã quá già … để biết tuổi rượu là nên nghiêng ly
cho rượu sắp trào rổi nhanh nhẹn dựng ly trở lại. Nếu chân rượu rút từ
từ xuống ven bờ là độ cồn đã cao, không phải rượu non tuổi. Theo chủ
quán tiếng nhà nghề gọi là ‘chân rượu’ (jambe).” Những ghi nhận chi ly
như thế nhiều lắm. Một ghi nhận khác về Hải Quân, khi ông nhắc đến khiến
tôi giật mình. Đó là trên chuyến hải hành vượt Thái Bình Dương của
chiến hạm Nhật Tảo, HQ 10, kỳ hiệu M được kéo lên trên kỳ đài khi có sự
hiện diện của vị y sỹ trên chiến hạm. Điều ấy ai là những sĩ quan Hải
Quân cũng biết, cũng được học, nhưng hầu như không phải xử dụng bao giờ,
nên
không nhớ. Và cũng trên hải trình lịch sử từ Mỹ vượt Thái Bình Dương về
Việt Nam, tôi cũng đã trải qua. Khi đã ra khỏi eo biển của Phi Luật
Tân, radio trên tàu HQ 504 đã bắt được làn sóng thân thương của đài Sài
Gòn, quê nhà đã gần, bỗng có một nhân viên thần trí bất thường vì những
ngày dài hải hành trên đại dương mông mênh, bốn phương không bờ bến, nên
anh ta phát khiếp, bỗng lấy dao cứa nát bắp tay mình, máu phun như
tưới. Anh y tá cuốn chặt cánh tay người bị thương để cầm máu, rồi Hạm
Trưởng phải liên lạc gấp với Sài Gòn, xin trực thăng bay ra, đáp xuống
sân chiến hạm bốc anh ta về bịnh viện Cộng Hoà. Khi ấy, nếu gặp chiến
hạm có kéo cờ M (Medecin), thì mọi việc đã được giải quyết gọn gàng.
Chính ghi nhận này đã chứng tỏ
rằng Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu là một người rất chi tiết, ông không bỏ
sót một sự kiện gì đáng chú ý trong cuộc sống. Song cũng chính suy nghĩ
này khiến tôi tìm chưa ra ý nghiã tên sách: Gió Mùa Đông Bắc. Trong 500
trang sách, Mùa Gió Đông Bắc chỉ được ông nhắc đến hai lần. Lần một khi
ông tham dự đón đồng bào Miền Trung đi định cư ở Miền Nam. Ông đã chứng
kiến cảnh sóng gió như thế nào khi Gió Mùa Đông Bắc thổi, khiến mọi
người trên tàu nôn mửa, có mấy người đàn bà đẻ non, được Bác Sĩ Phiêu
săn sóc, mẹ tròn con vuông. Và chót hết ở cuối sách ông viết sau khi đã
thắp hương lên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật, cung kính khấn lời giã
từ, chính lúc ấy đài phát thanh loan tin tức khí tượng và ông đã ghi
lại: “Tin tức cho tàu chạy ven
biển: Hôm nay gió mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Nam Hải. Trời không
nhiều mây nhưng sẽ có mưa rào rải rắc. Biển động mạnh.”
Cuốn sách đã được đóng lại với hàng
chữ này, khiến lòng tôi ngẩn ngơ.
Phải
chăng cuộc đời ông đã bị Gió Muà Đông Bắc mời gọi. Ngọn gió làm điêu
đứng những người đi biển, những người lính mà ông, tuy
không phải dày dạn với gió mưa, nhưng ông đã suốt đời gắn bó với họ qua
bao nhiêu nỗi vui buồn. Khi vận nước đã khác, như đa số những người lăn
lộn với thời cuộc, tất cả đã phải bỏ nước hướng ra biển khơi, không
biết ngày mai ra sao. Giữa lúc ấy, cuối tháng 4 năm 1975, là cuối mùa
Đông Bắc, “biển động mạnh.”
Phải
chăng đó là kỷ niệm, là nỗi niềm của vị Hải Quân Y Sỹ Đại Tá Trần Nguơn
Phiêu, nguyên Trưởng Khối Quân Y Hải Quân, nguyên Cục Phó Cục Quân Y,
nguyên Tổng Trưởng Xã Hội của chính phủ VNCH? Nghĩ thế,
là một người đi biển, người viết xin trân trọng cám ơn Bác Sỹ và luôn
nghĩ rằng, ở ngoài tuổi 80, ông đã có một món quà hiếm quý để lại cho
mai sau. Một tấm gương trong sáng của người trí thức Miền Nam.
Chương 1: Bên bờ Rạch Cát
|
|
|
No comments:
Post a Comment