Tuesday, March 25, 2014

Máy bay ném bom B-1 Mỹ hay Tu-160 Nga uy lực hơn?_Việt Đức



B-1 Lancer có lợi thế về số lượng, hệ thống điện tử, tải trọng vũ khí lớn, trong khi đó, Tu-160 lại sở hữu khả năng tấn công tầm xa.
Máy bay ném bom chiến lược là thành phần vô cùng quan trọng để các quốc gia trên thế giới khẳng định sức mạnh cũng như khả năng làm chủ bầu trời của mình. Tương tự như các lĩnh vực khác, hai ông lớn Nga-Mỹ tiếp tục là những kẻ thống trị trong lĩnh vực máy bay ném bom chiến lược.
Cả Nga và Mỹ đều có ít nhất 3 loại máy bay ném bom chiến lược đang hoạt động, với Mỹ là B-52, B-1 Lancer và B-2 Spirit, với Nga là Tu-95, Tu-22M3 và Tu-160. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ so sánh tính năng của 2 loại máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer của Mỹ và Tu-160 của Nga bởi 2 loại máy nay này có thiết kế khí động học và thời gian đưa vào sử dụng tương tự nhau.
Thiết kế
Tu-160 Blackjack là một máy bay ném bom chiến lược cánh cụp cánh xòe được thiết kế bởi Phòng thiết kế Tupolev, Liên Xô vào cuối những năm 1970. Cánh chính của máy bay có thể di chuyển cụp vào và xòe ra trong phạm vi từ 20-65 độ để phù hợp với tốc độ bay siêu âm hoặc cận âm.
B-1B Lancer(ở trên) có khả năng mang tải trọng vũ khí lớn và đa dạng, trong khi đó Tu-160 ở dưới lại sở hữu khả năng tấn công tầm siêu xa.
B-1B Lancer (ở trên) có khả năng mang tải trọng vũ khí lớn và đa dạng, trong khi đó Tu-160 (ở dưới) lại sở hữu khả năng tấn công tầm siêu xa.
B-1 Lancer cũng là một máy bay ném bom chiến lược cánh cụp cánh xòe, máy bay được phát triển bởi Rockwell vào những năm 1970. Cánh chính của B-1 có thể di chuyển trong phạm vi từ 15-67,5 độ. Cả hai máy bay đều được trang bị 4 động cơ phản lực. B-1 Lancer được trang bị 4 động cơ F101-GE-102, công suất 136,92kN mỗi chiếc, có đốt sau.

Tu-160 được trang bị 4 động cơ Samara NK-321 công suất 245kN mỗi chiếc, có đốt sau. Đây là động cơ phản lực mạnh nhất từng được trang bị cho máy bay chiến đấu. Cả hai máy bay đều được trang bị khoang vũ khí bên trong thân, tuy nhiên, B-1 Lancer có thêm các điểm treo vũ khí bên ngoài cánh nên tải trọng vũ khí lớn hơn so với Tu-160.
Tu-160 có thiết kế lớn hơn, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 275 tấn, còn B-1 Lancer có trọng lượng cất cánh tối đa 216 tấn.
Hệ thống điện tử
B-1 Lancer được trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động AN/APQ-164, radar này được trang bị bộ vi xử lý có khả năng lái chùm tia điện tử nhằm giảm khả năng bị phát hiện. Bên cạnh đó, radar còn có khả năng thiết lập khẩu độ tổng hợp để lập bản đồ số mặt đất với độ phân giải cao.
Một phần buồng lái Tu-160(ở trên) và B-1 Lancer(ở dưới)
Một phần buồng lái Tu-160 (ở trên) và B-1 Lancer (ở dưới)
Bên cạnh đó B-1 Lancer còn được trang bị máy thu cảnh báo radar và gây nhiễu AN/ALQ-161A. Hệ thống này bao gồm 8 hệ thống bắn pháo sáng gây nhiễu AN/ALE-49. B-1 còn có hệ thống ngụy trang kéo theo ALE-50.
Nhờ các biện pháp hỗ trợ điện tử, B-1 Lancer có độ bộc lộ radar và hồng ngoại tương đối thấp. Diện tích phản hồi radar của B-1 ước tính khoảng 2,4 m2. Máy bay này còn được trang bị hệ thống dẫn hướng quán tính tiên tiến cùng hệ thống định vị vệ tinh hiện đại.
Thông tin về radar của Tu-160 vẫn chưa được công bố nhưng trang airforce-technology.com cho biết, nó được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, radar dẫn đường và tấn công hiện đại, hệ thống tác chiến điện tử hoạt động trên nền tảng tự động hóa cao.
Ngoài ra, Tu-160 còn được thiết kế với khả năng giảm độ bộc lộ hồng ngoại và radar dù nó không phải là một máy bay tàng hình. Trung tướng Igor Khvorov, chỉ huy lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga tuyên bố, Tu-160 đã xâm nhập không phận Mỹ ở Bắc cực vào ngày 25/04/2006 mà không bị phát hiện.
Tải trọng vũ khí
Tu-160 được trang bị 2 khoang chứa vũ khí bên trong thân có khả năng mang tải trọng 20 tấn/khoang. Mỗi khoang này có khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM với tầm bắn lên đến 3.000km, tổng cộng mỗi chiếc Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa Kh-55SM trong 2 hệ thống phóng ổ quay.
TU-160(ở trên) có khả năng mang theo 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM. B-1B Lancer(ở dưới) có thể mang theo 24 đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM.
TU-160 (ở trên) có khả năng mang theo 12 tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm siêu xa Kh-55SM. B-1B Lancer (ở dưới) có thể mang theo 24 đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM.
Tu-160 còn có thể mang theo 12 tên lửa hành trình tầm bắn 300km. Tổng tải trọng vũ khí mà Tu-160 có thể mang theo lên đến 40 tấn. B-1 Lancer được trang bị 3 khoang vũ khí bên trong thân có khả năng mang theo tải trọng vũ khí 34 tấn. Ngoài ra, B-1 còn có 6 điểm treo vũ khí hai bên cánh với tải trọng 23 tấn.
B-1 có thể mang theo 84 bom Mk-82, 24 bom thông minh GBU-31 JDAM, 48 bom thông minh GBU-38 JDAM, 12 bom lượn AGM-154 JSOW (hay còn gọi là vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm) tầm bắn 130km, hoặc 24 tên lửa AGM-158 JASSM tầm bắn 370km. Tổng tải trọng vũ khí của B-1 lên đến 56,7 tấn.
Gần đây, B-1 đã được nâng cấp để trang bị tên lửa chống hạm tầm xa LRASM. B-1 đã phóng thành công tên lửa LRASM tiêu diệt mục tiêu giả định vào tháng 06/2013. Chương trình nâng cấp này sẽ mang lại một sức mạnh mới cho B-1 trong việc thống trị các đại dương xa xôi.
Về tải trọng vũ khí B-1 Lancer mang được nhiều vũ khí, chủng loại đa dạng hơn Tu-160, nhưng "Thiên Nga trắng" lại có khả năng tấn công tầm siêu xa.
Hiệu suất
Tu-160 được thiết kế để hoạt động ở tốc độ tối đa Mach 2.05 (2.220km/h) ở độ cao lớn, tốc độ hành trình trung bình 960km/h. Phạm vi hoạt động thực tế 12.300km không cần tiếp nhiên liệu, bán kính chiến đấu 7.300km, trần bay 15km.
B-1 Lancer có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 1,25 (1.340km/h) ở độ cao lớn, tốc độ hành trình khoảng 1.100km/h, phạm vi hoạt động 11.900km không tiếp nhiên liệu, bán kính chiến đấu 5.544km, trần bay 15km. Cả hai loại máy bay này đều được điều khiển bởi phi hành đoàn 4 người, trong đó có 2 phi công, 1 sĩ quan phụ trách vũ khí và một sĩ quan phụ trách phòng thủ.
Xét về nhiệm vụ thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, B-1 Lancer và Tu-160 là tương đương nhau. Tuy nhiên, do khác biệt về đường lối quốc phòng của mỗi nước nên Tu-160 chỉ hoạt động với nhiệm vụ mang tên lửa tấn công tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu của đối phương. Về mặt lý thuyết, Tu-160 vẫn có khả năng mang bom nhưng hiện tại nó không được thiết kế cho mục đích này.
B-1 Lancer lại thể hiện một khả năng mang vũ khí đa dạng đúng nghĩa với vai trò máy bay ném bom chiến lược. Nó vừa có khả năng mang bom và tên lửa nên khả năng hoạt động đa dạng hơn. B-1 đã tham gia vào các chiến dịch ném bom Kosovo, chiến tranh Iraq năm 2003, chiến tranh Afghanistan. "Kỵ binh" B-1 đã chứng minh được tính hiệu quả chiến đấu cao của nó so với các máy bay khác.
Xét về tổng thể, B-1 Lancer có nhiều lợi thế hơn, tuy nhiên Tu-160 lại có được khả năng tấn công tầm xa biến nó thành đối thủ đáng ghờm trên bầu trời.

Năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Nga có tụt hậu so với Mỹ?

Việt Đức -  23/01/2014 07:09

Trụ cột của năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Mỹ là tàu ngầm lớp Ohio, trong khi Nga có các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Delta-III/IV.
Răn đe hạt nhân trên biển là một trong bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược không thể thiếu mà các cường quốc trên thế giới không ngừng tìm cách sở hữu nó để khẳng định sức mạnh. Tương tự như tàu ngầm tấn công hạt nhân, Nga-Mỹ vẫn là 2 nước dẫn đầu thế giới về lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Trụ cột của năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Mỹ là tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) lớp Ohio, trong khi đó trụ cột của Nga là tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III và Delta-IV. Nga còn có tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Typhoon và lớp Borei nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ so sánh tính năng của 2 lớp tàu ngầm Ohio và Delta bởi chúng có cùng thời gian triển khai hoạt động.
Thiết kế
Ohio là loại tàu ngầm hạt nhân lớn nhất từng được chế tạo cho Hải quân Mỹ với lượng giãn nước khi lặn 18.750 tấn. Tuy nhiên, thiết kế này vẫn nhỏ nhắn hơn so với tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga 24.000 tấn và chưa bằng phân nửa so với gã khổng lồ Typhoon 48.000 tấn.
SSBN lớp Ohio(ở trên) có thiết kế mượt mà hơn so với SSBN lớp Delta-III/IV(ở dưới)
SSBN lớp Ohio (ở trên) có thiết kế mượt mà hơn so với SSBN lớp Delta-III/IV(ở dưới)
Tàu ngầm lớp Ohio có thiết kế thon dài, 2 cánh ổn định được thiết kế 2 bên tháp chỉ huy. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV có thiết kế tù hơn, thân tàu phía sau tháp chỉ huy cao hơn phía trước để phù hợp với kích thước ống phóng tên lửa đạn đạo.

Delta là tên chỉ định chung của NATO dành cho lớp tàu ngầm hạt nhân này. Tên gọi của Nga dành cho Delta-III là Đề án 667BDR Kalmar, với Delta-IV Nga gọi là Đề án 667BDRM Delphin (chữ M sau cùng có nghĩa là nâng cấp của Đề án 667BDR).
Thiết kế thủy động lực học của Delta-III/IV là tương tự nhau, chỉ khác về hệ thống vũ khí và hệ thống điện tử. Thiết kế thủy động lực học của Ohio nhìn chung mượt mà hơn so với Delta hay các tàu ngầm hạt nhân khác của Nga.
Hệ thống điện tử
SSBN lớp Ohio được trang bị hệ thống sonar AN/BQQ-6. Tính năng của hệ thống sonar này khá đơn giản, nó có phạm vi tìm kiếm mục tiêu khá hạn chế. Mảng cầu phía trước mũi tàu có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa 72km ở chế độ thụ động, mảng kéo phía sau có phạm vi tìm kiếm tối đa 178km.
Trong khi đó SSBN lớp Delta-III được trang bị hệ thống sonar MGK-400 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa tới 200km. Delta-IV được trang bị hệ thống định vị thủy âm MGK-500 tương tự như trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula.
Bên trong phòng chỉ huy của SSBN lớp Ohio. Mặc dù hệ thoosg sonar của Ohio có tính năng yếu hơn một chút so với SSBN Delta-III/IV nhưng tàu ngầm Mỹ lại có hệ thống số hóa cao hơn.
Bên trong phòng chỉ huy của SSBN lớp Ohio. Mặc dù hệ thống sonar của Ohio có tính năng yếu hơn một chút so với SSBN Delta-III/IV nhưng tàu ngầm Mỹ lại có hệ thống số hóa cao hơn.
Ngoài ra, cả hai tàu ngầm hạt nhân chiến lược này còn được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước cùng các hệ thống điện tử phụ trợ khác. Xét về mặt hệ thống điện tử, Delta-III/IV của Nga có phần nhỉnh hơn so với Ohio của Mỹ.
Tuy nhiên, lợi thế của Delta đã không duy trì được lâu, từ năm 2005, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với Lockheed Martin nâng cấp tàu ngầm SSBN lớp Ohio với hệ thống sonar kỹ thuật số tốc độ cao AN/BQQ-10 đang được sử dụng trên tàu ngầm tấn công hạt nhân tối tân lớp Virginia. Với chương trình nâng cấp này, lợi thế lại thuộc về phía SSBN Ohio.
Vũ khí
Mặc dù nhỏ nhắn hơn so với Typhoon và Borei của Nga nhưng Ohio lại là lớp tàu ngầm mang nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) nhất thế giới. Mỗi SSBN lớp Ohio được trang bị 24 ống phóng sử dụng tên lửa Trident-II tầm bắn 10.000km.
Tàu ngầm lớp Delta-III/IV được trang bị 16 ống phóng. Trong đó, Delta-III sử dụng tên lửa R-29RL tầm bắn 9.000km hoặc R-29R tầm bắn 6.500km. Delta-IV sử dụng tên lửa R-29RMU Sineva tầm bắn 11.547km.
Mỗi SSBN lớp Ohio có thể mang đến 24 tên lửa SLBM Trident-II trong khi SSBN lớp Delta-III/IV chỉ có thể mang tối đa 16 tên lửa SLBM.
Mỗi tàu ngầm lớp Ohio có thể mang đến 24 tên lửa SLBM Trident-II trong khi lớp Delta-III/IV chỉ có thể mang tối đa 16 tên lửa.
Về ngư lôi, cả hai lớp tàu trên đều được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm. Về mặt vũ khí, lợi thế lớn đang nghiêng về tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ.
Khả năng cơ động
Tàu ngầm lớp Ohio được trang bị 1 lò phản ứng hạt nhân S8G công suất 45MW, 2 tuabin hơi nước, 1 động cơ diesel phụ trợ công suất 325 mã lực truyền động cho chân vịt 7 cánh. Hệ thống động lực này cung cấp tốc độ tối đa khi nổi 12 hải lý/h, tối đa khi lặn 20 hải lý/h.
Trong khi đó, tàu ngầm lớp Delta-III/IV được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân VM-4S công suất 90 MW, 2 tuabin hơi nước truyền động cho chân vịt 2 trục 5 cánh. Delta-III/IV có tốc độ di chuyển tối đa khi nổi 14 hải lý/h, tối đa khi lặn 24 hải lý/h. Khả năng cơ động luôn là lợi thế của các tàu ngầm Nga so với Mỹ.
Thực trạng
Sau khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Nga lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong số 5 chiếc tàu ngầm Delta-II,I chỉ có 3 chiếc sẵn sàng hoạt động. 6 chiếc Delta-IV đang được nâng cấp để sử dụng tên lửa R-29RMU Sineva. Bên cạnh đó, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START II được ký kết giữa Nga-Mỹ càng làm cho lực lượng răn đe hạt nhân của Nga yếu thế hơn so với Mỹ.
Theo START II mỗi bên chỉ được phép duy trì không vượt quá 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, khi START II được ký kết, hải quân Mỹ đang có 18 chiếc SSBN lớp Ohio đang hoạt động. Trong khi đó, con số SSBN của Nga chỉ khoảng 13 chiếc, tính luôn cả 2 chiếc lớp Typhoon.
Bên cạnh đó, các SSBN của Nga mặc dù có kích thước khá đồ sộ nhưng lại mang ít tên lửa hơn so với SSBN Ohio của Mỹ. SSBN lớp Delta-III/IV chỉ có thể mang theo 16 tên lửa, ngay như tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới lớp Typhoon cũng chỉ có thể mang tối đa 20 tên lửa.
Về mặt lý thuyết, 14 SSBN lớp Ohio có thể mang theo 336 tên lửa Trident-II, trong khi đó tổng tất cả các tàu ngầm SSBN của Nga đang hoạt động tính luôn cả 2 chiếc lớp Borei mới đưa vào hoạt động thì số lượng tên lửa SLBM có thể triển khai khoảng 248.
Nga đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về năng lực răn đe hạt nhân trên biển so với Mỹ bằng chương trình phát triển SSBN lớp Borei. Theo kế hoạch, đến năm 2020 Nga sẽ có khoảng 8 chiếc SSBN lớp Borei trong biên chế.
Chương trình SSBN lớp Borei sẽ tạo cho Nga một bước đột phá về khả năng răn đe hạt nhân trên biển so với Mỹ. Trong khi đó SSBN lớp Ohio vẫn là trụ cột cho năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Mỹ cho đến năm 2029, kế hoạch thay thế Ohio vẫn chưa được thông qua.

Siêu tăng T-90 Nga so cao thấp cùng "vua chiến trường" Abrams Mỹ

Việt Đức -  25/01/2014 07:10

T-90 có lợi thế về hỏa lực, hệ thống bảo vệ nhiều lớp, trong khi M1A2 mạnh về hệ thống điện tử và áo giáp siêu cứng.
Xe tăng chiến đấu chủ lực là nắm đấm hỏa lực không thể thiếu của lục quân bất kỳ quốc gia nào. Trong khi M1A2 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực của lục quân Mỹ thì T-90 cũng là nắm đấm sức mạnh của lục quân Nga.
Đặc tính kỹ-chiến thuật của hai loại xe tăng này luôn là đề tài tranh luận chưa có hồi kết. Những người ưa chuộng xe tăng Mỹ vẫn cho rằng M1A2 mạnh hơn và ngược lại. Hãy cùng điểm qua một số khía cạnh về kỹ thuật của hai loại xe tăng này để xem bên nào nắm nhiều lợi thế hơn.
Thiết kế
T-90 có thiết kế nhỏ gọn theo truyền thống của Liên Xô, khu vực chiến đấu chính được bố trí ở giữa xe. Do thiết kế xe nhỏ gọn nên diện tích bề mặt cần bọc giáp ít hơn, mật độ giáp vì thế cũng dày hơn, điều này giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ cho xe tăng.
Tuy nhiên, kiểu thiết kế này có bất lợi là không gian bên trong xe khá chật hẹp gây khó khăn cho hoạt động của ê kíp chiến đấu, nhất là trong điều kiện chiến đấu dài ngày. Ngoài ra, khối đạn dược của xe nằm chung trong khoang chính nên khi bị trúng đạn có thể làm hất tung tháp pháo ra khỏi thân xe.
Thiết kế của M1A2(ở trên) rộng rãi hơn nhưng khối lượng cồng kềnh hơn T-90(ở dưới)
Thiết kế của M1A2 (ở trên) rộng rãi hơn nhưng khối lượng cồng kềnh hơn T-90 (ở dưới)
M1A2 được thiết kế khá rộng rãi theo đúng phong cách phương Tây, quan điểm thiết kế của họ là luôn tạo được sự thoải mái và tiện nghi cho ê kíp chiến đấu. Khối đạn được được thiết kế tách biệt với ê kíp chiến đấu bằng vách ngăn, trong trường hợp khối đạn dược bị trúng đạn toàn bộ sức mạnh của vụ nổ sẽ bị hướng ra ngoài, giảm thiểu nguy hiểm cho ê kíp chiến đấu.

Tuy nhiên, kiểu thiết kế này đòi hỏi diện tích cần bọc giáp lớn hơn, điều này dẫn đến tăng chi phí sản xuất và làm cho khối lượng xe tăng nặng nề hơn.
Hệ thống bảo vệ
T-90 được trang bị hệ thống bảo vệ 3 lớp. Đầu tiên là hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1, hệ thống này bao gồm 2 đèn hồng ngoại hai bên tháp pháo liên tục phát đi xung hồng ngoại gây nhiễu đường ngắm của tên lửa chống tăng dẫn bằng laser. Hai hệ thống phóng lựu đạn khói 3D6 sẽ phóng ra một màn sương làm mất đường ngắm của tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, cũng như thiết bị ngắm bắn quang học.
T-90(ở trên) được trang bị tới 3 lớp bảo vệ, còn M1A2(ở dưới) lại được trang bị loại giáp Chobham siêu cứng.
T-90 (ở trên) được trang bị tới 3 lớp bảo vệ, còn M1A2 (ở dưới) lại được trang bị loại giáp Chobham siêu cứng.
Lớp bảo vệ thứ 2 là giáp cảm ứng nổ Kontakt-5 có tác dụng làm giảm đáng kể sức xuyên của đạn chống tăng sử dụng thanh xuyên cố định hoặc đạn chống tăng liều đúp. Kontakt-5 được bố trí bên ngoài giáp chính phía trước xe, xung quanh tháp pháo. Lớp cuối cùng là giáp tổng hợp được đánh giá là một “kiệt tác công nghệ” của Nga. Với 3 lớp bảo vệ như trên, T-90 được đánh giá là chiếc xe được bảo vệ hàng đầu thế giới hiện nay.
M1A2 trang bị giáp Chobham được phát triển tại Anh nhưng được áp dụng đầu tiên cho xe tăng Mỹ. Có thể nói, Chobham là loại giáp có “1-0-2” trên thế giới, cấu trúc của loại giáp này vẫn là một bí mật. Một số nguồn tin cho rằng,giáp Chobham gồm nhiều lớp khác nhau của thép, gốm, giáp Kevlar, vật liệu tổng hợp và đặc biệt là uranium nghèo.
Chobham là một loại giáp siêu cứng nên rất khó để đánh bại xe tăng M1A2 từ phía trực diện. Tuy nhiên, do độ dày của giáp hai bên hông vẫn khá mỏng nên xe tăng M1A2 vẫn có thể bị đánh bại từ hai bên hông.
Hệ thống điện tử
M1A2 được trang bị các thiết bị điện tử theo đúng phong cách phương Tây. Trạm chỉ huy được trang bị 6 kính tiềm vọng cung cấp khả năng quan sát 360 độ, chỉ huy có một hệ thống quan sát ảnh nhiệt độc lập. Pháo thủ có hệ thống quan sát đường ngắm 2 trục cho phép bắn với độ chính xác cao ngay phát đạn đầu tiên.
Một góc bên trong xe tăng T-90(ở trên) và M1A2(ở dưới)
Một góc bên trong xe tăng T-90 (ở trên) và M1A2 (ở dưới)
Bên cạnh đó, pháo thủ còn được trang bị hệ thống ảnh nhiệt với độ phóng đại 10 lần khi quan sát phạm vi rộng tầm gần và 3 lần khi quan sát phạm vi hẹp tầm xa. Ảnh nhiệt được hiển thị lên kính ngắm của pháo thủ cùng với một hệ thống tìm kiếm mục tiêu bằng laser. Pháo thủ còn có một hệ thống quan sát phụ Kollmorgen Model 939 với khả năng phóng đại 8 lần.
Lái xe được trang bị 3 kính tiềm vọng với phạm vi quan sát 120 độ, trong đó kính tiềm vọng ở giữa được sử dụng cho mục đích quan sát vào ban đêm. M1A2 sử dụng máy tính điều khiển kỹ thuật số, nó có khả năng tự động tính toán các giải pháp điều khiển hỏa lực dựa trên thông số mà các hệ thống cảm biến cung cấp.
T-90 sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực tự động tích hợp 1A4GT (CCQ) nhưng có sự can thiệp của chỉ huy. CCQ bao gồm hệ thống con 1A43 của pháo thủ, hệ thống ổn định vũ khí 2E42-4, máy tính đạn đạo 1V528, máy đo tốc độ gió DVE-BS.
Pháo thủ được trang bị kính ngắm ảnh nhiệt TO1-KO1 với khả năng xác định mục tiêu trong phạm vị 1,2km, chỉ huy được trang bị kính ngắm PNK-S phạm vi 1,5km, chỉ huy còn có hệ thống quan sát TKN-4S tích hợp ngày đêm. Lái xe được trang bị hệ thống quan sát hồng ngoại TVN-5.
Về hệ thống điện tử, M1A2 có lợi thế hơn so với T-90, tuy nhiên lợi thế này là không đáng kể.
Vũ khí
T-90 được trang bị pháo chính 2A46 125mm nòng trơn có khả năng phóng tên lửa chống tăng AT-11 qua nòng pháo. Đây là một tính năng mà không có một loại xe tăng phương Tây nào có được, nó cho phép tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi tới 5km. T-90 còn có súng máy đồng trục 7,62mm cùng đại liên phòng không 12,7mm.
M1A2(ở trên) được trang bị loại đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo còn T-90(ở dưới) lại có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.
M1A2 (ở trên) được trang bị loại đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo còn T-90 (ở dưới) lại có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.
M1A2 sử dụng pháo chính nòng trơn M256 120mm sản xuất theo giấy phép của Đức, pháo chính này có khả năng bắn nhiều loại đạn chống tăng khác nhau, đặc biệt là đạn xuyên giáp M829 APFSDS-T với lõi làm bằng uranium nghèo, có khả năng xuyên giáp rất cao. M1A2 còn được trang bị súng máy đồng trục 7,62mm cùng đại liên 12,7mm.
Về hệ thống hỏa lực, T-90 có lợi thế hơn nhờ khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo.
Khả năng cơ động
T-90 được trang bị động cơ diesel V-92 công suất 1.000 mã lực hoặc động cơ V-96 công suất 1.200 mã lực, tốc độ tối đa 60-65km/h, phạm vi hoạt động 500-700km tùy lượng nhiên liệu mang theo. Còn M1A2 được trang bị động cơ tuabin khí Honeywell AGT 1500 công suất 1.500 mã lực, tốc độ tối đa 67km/h.
Khả năng cơ động của hai loại xe tăng này là tương đương nhau. Động cơ diesel của T-90 có lợi thế tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ tuabin khí nhưng động cơ tuabin khí của M1A2 hoạt động êm hơn và hầu như không tỏa khỏi.
T-90 có lợi thế về hỏa lực, hệ thống bảo vệ nhiều lớp, M1A2 có lợi thế về hệ thống điện tử và áo giáp siêu cứng. Hai loại xe tăng này là một cặp đối thủ đáng gờm của nhau, chúng đều nằm trong top 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới. Dù vậy, nếu có cơ hội chám trán, chiến thắng còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan, chủ quan cũng như chiến thuật sử dụng xe tăng và sự hiệp đồng giữa các đơn vị.

Đọ sức mạnh "rồng lửa" S-300 Nga và Patriot Mỹ

Việt Đức - 22/01/2014 07:07

Chia sẻ:

(Soha.vn) - Trong khi S-300 có lợi thế về phạm vi tác chiến, hệ thống điều khiển hỏa lực thì Patriot lại được trang bị công nghệ dẫn đường tiên tiến nhất thế giới.

Phòng không tầm xa là thành phần rất quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi các cuộc tập kích đường không của đối phương. Nga, Mỹ là 2 quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển các hệ thống phòng không tầm xa.
S-300 của Nga và MIM-104 Patriot là 2 hệ thống phòng không hàng đầu thế giới hiện nay. Tính năng của 2 hệ thống này luôn là đề tài được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn quân sự thế giới.
Thiết kế
Cả S-300 và Patriot đều là những hệ thống phòng không tầm xa được thiết kế để tiêu diệt mọi mục tiêu trên không, kể cả đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật. Patriot có bệ phóng được thiết kế trên xe sơ-mi rơ-moóc. Khi đến vị trí chiến đấu, xe đầu kéo sẽ tách khỏi xe mang tên lửa, bệ phóng tên lửa sẽ được cố định bằng các chân chống thủy lực.
Thiết kế phóng thẳng đứng của S-300 có lợi thế hơn về khả năng kiểm soát mục tiêu nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn hơn so với Patriot.
Thiết kế phóng thẳng đứng của S-300 có lợi thế hơn về khả năng kiểm soát mục tiêu nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn hơn so với Patriot.
Bệ phóng của S-300 được trang bị trên xe mang phóng chuyên dụng 5P85-1, 5P85T hoặc 5P85TE2, khi đến vị trí chiến đấu, chỉ cần hạ 4 chân chống thủy lực để cố định bệ phóng. Xét về khả năng cơ động, S-300 có lợi thế hơn so với Patriot.

Bệ phóng của Patriot được thiết kế phóng nghiêng, trong khi đó bệ phóng của S-300 được thiết kế phóng thẳng đứng. Các hệ thống phòng không phóng thẳng đứng có lợi thế hơn so với các hệ thống phóng nghiêng do tầm bao quát mục tiêu đến 360 độ.
Đạn tên lửa S-300 sử dụng kiểu “phóng lạnh” (tức là sử dụng các rocket nhỏ để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng, sau đó động cơ chính mới được kích hoạt). Kiểu phóng này có ưu điểm là không đòi hỏi vật liệu chế tạo ống phóng phải chịu được nhiệt độ cao của động cơ tên lửa. Tên lửa sẽ đạt được tốc độ rất nhanh ngay khi động cơ chính được kích hoạt. Tuy nhiên, nó lại có nhược điểm là nếu động cơ chính không hoạt động, tên lửa có thể rơi xuống xe phóng và phát nổ.
Trong một cuộc tập trận vào tháng 09/2000, một tên lửa S-300 sau khi được các rocket đẩy ra khỏi ống phóng đã không thể kích hoạt động cơ chính. Kết quả là tên lửa rơi xuống phá hủy bệ phóng, rất may tên lửa đã không phát nổ.
Một nhược điểm khác của kiểu phóng lạnh là tên lửa rất dễ bị mất kiểm soát về mặt khí động học khi động cơ tên lửa được kích hoạt trong điều kiện tốc độ cao, chỉ cần hệ thống phụt chỉnh hướng gặp sự cố, tên lửa lập tức bị mất điều khiển. Sự cố về mất kiểm soát khí động học kiểu này đã từng được ghi nhận.
Đạn tên lửa của Patriot sử dụng kiểu phóng nóng, động cơ chính của tên lửa được kích hoạt trước khi rời bệ phóng. Kiểu phóng này đòi hỏi bệ phóng phải được chế tạo bằng vật liệu chịu nhiệt cao. Tuy nhiên, kiểu khai hỏa của S-300 tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn so với Patriot.
Hệ thống điều khiển hỏa lực
Patriot sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực tích hợp AN/MPQ-53/65. Đây là một radar quét mạng pha điện tử bị động. Mảng an-ten của radar có thể phát đi 5.000 chùm tia mỗi giây, ngoài ra còn có hệ thống nhận dạng bạn-thù IFF, một mảng TVM cùng một hệ thống phụ để giảm sự ảnh hưởng của các biện pháp gây nhiễu đến hoạt động của radar.
S-300 sử 2 hệ thống radar riêng biệt cho tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực còn Patriot sử dụng một radar duy nhất cho cả 2 nhiệm vụ.
S-300 sử 2 hệ thống radar riêng biệt cho tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực, còn Patriot sử dụng một radar duy nhất cho cả 2 nhiệm vụ.
AN/MPQ-53/65 là một radar độc đáo được thiết kế theo công nghệ "detection-to-kill" (phát hiện-truy đuổi). Radar có thể kiểm soát 100 mục tiêu trong phạm vi 170km, nó có thể kiểm soát 9 tên lửa cùng lúc. Thiết kế radar tích hợp này có ưu điểm là giảm sự cần thiết phải có thêm hệ thống điều khiển chung, giảm sự cồng kềnh cho hệ thống.
Thông số về mục tiêu được bám sát bởi một radar duy nhất thông qua hệ thống chỉ huy AN/MSQ-104 nên độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, loại radar này đòi hỏi bộ vi xử lý số hóa mạnh để có thể đảm đương nhiều công việc cùng lúc. Nếu radar bị trúng hỏa lực, hệ thống sẽ mất khả năng chiến đấu bởi không có radar khác phụ trợ.
S-300 sử dụng 2 hệ thống radar riêng biệt cho việc tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực. Cụ thể, hệ thống sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu 64N6 Big Bird. Đây là một radar mạng pha hoạt động theo từng giai đoạn với khả năng quét chùm tia điện tử.
Radar được thiết kế để tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu, radar này có phạm vi tìm kiếm mục tiêu lớn hơn nhiều so với radar của Patriot. 64N6 Big Bird có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 300km, có thể theo dõi đồng thời 100 mục tiêu.
Radar điều khiển hỏa lực 30N6, đây là một radar mạng pha hoạt động theo từng giai đoạn, nó có thể dẫn hướng cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 300km. Để kết nối 2 hệ thống radar riêng biệt này, S-300 cần phải sử dụng đến hệ thống chỉ huy đồng bộ 83M6. Hệ thống này có khả năng tấn công 36 mục tiêu cùng lúc, số đạn tên lửa có thể dẫn bắn cùng lúc lên đến 72 tên lửa.
Về hệ thống điều khiển hỏa lực, S-300 có lợi thế về phạm vi và số lượng mục tiêu tấn công cùng lúc.
Cơ chế dẫn đường
Patriot có cơ chế dẫn hướng khá phức tạp và tinh vi, giai đoạn đầu tên lửa được dẫn hướng bằng quán tính, giai đoạn giữa tên lửa được dẫn hướng theo cơ chế TVM (bám theo đạn), giai đoạn cuối tên lửa sử dụng radar chủ động để khóa mục tiêu.
Patriot được trang bị công nghệ
Patriot được trang bị công nghệ "hit-to-kill" tiên tiến nhất thế giới.
Biến thể nâng cấp Patriot PAC sử dụng công nghệ “hit-to-kill”(truy đuổi-tiêu diệt) rất tiên tiến. Với công nghệ này, tên lửa không sử dụng đầu đạn mà dựa vào động năng của vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu. Thiết kế trên cho phép khối lượng tên lửa nhẹ hơn, đầu đạn có thể trang bị nhiều hơn các thiết bị điện tử cho nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt mục tiêu. Hiện tại, chỉ có Mỹ phát triển thành công công nghệ độc đáo này.
S-300 cũng sử dụng cơ chế dẫn hướng bằng quán tính giai đoạn đầu, giai đoạn giữa được dẫn hướng bám theo đạn và giai đoạn cuối sử dụng radar bán chủ động. Về cơ chế dẫn đường, công nghệ “hit-to-kill” là một lợi thế của Patriot so với S-300.
Phạm vi tác chiến
S-300 có thể sử dụng nhiều loại đạn tên lửa khác nhau như: Đạn 5V55RM tầm bắn 90km, đạn tên lửa 48N6 tầm bắn 150km hoặc đạn 48N6E2 tầm bắn 200km. Patriot có phạm vi tác chiến từ 30-160km tùy biến thể.
Phạm vi tác chiến của Patriot ngắn hơn so với S-300 nhưng khẩu đội Patriot có lợi thế hơn về cơ số đạn tên lửa. Mỗi xe phóng của S-300 chỉ mang được 4 tên lửa còn xe phóng của Patriot PAC-3 mang được tới 16 tên lửa.
Nhìn chung, S-300 hay Patriot đều có thế mạnh và điểm yếu riêng của mỗi hệ thống. Trong khi S-300 có lợi thế về phạm vi tác chiến, hệ thống điều khiển hỏa lực thì Patriot lại được trang bị công nghệ dẫn đường tiên tiến nhất thế giới. Chúng đều là những hệ thống vô cùng uy lực trong lĩnh vực phòng không tầm xa của thế giới.

Vũ khí hạt nhân Mỹ có thể dội xuống đầu Nga bất cứ lúc nào?

Nhật Huy -  20/01/2014 11:00

Nga lo ngại Mỹ đang tiếp tục phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới với độ linh hoạt và chính xác cao hơn, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các hiệp ước START.
Các hiệp ước START I và II giữa Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) là một bước tiến lớn trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân và ngăn chặn chạy đua vũ trang giữa 2 cường quốc. Tuy nhiên trong nội bộ của mỗi nước, không phải mọi người đều ủng hộ các hiệp ước này. Phe cứng rắn của cả 2 nước đều cảm thấy START gây "bất công" cho nước mình. Nếu như phe diều hâu tại Mỹ cho rằng START ngăn cản quá trình hiện đại hoá lực lượng hạt nhân và giảm khả năng đối phó với Trung Quốc thì phe này tại Nga cũng cho rằng START trên thực tế làm tăng khả năng Nga bị Mỹ tấn công trước.
Theo đó, sức mạnh hạt nhân thường được thể hiện dưới dạng bộ ba chiến lược: tên lửa chiến lược, tàu ngầm chiến lược và máy bay ném bom chiến lược. Theo ý kiến của một số nhà phân tích Nga, trong tương lai gần, Mỹ sẽ có thể gia tăng ưu thế đối với máy bay ném bom chiến lược, để bù đắp cho việc cắt giảm tên lửa và tàu ngầm chiến lược. Việc gia tăng này có thể nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của START và cho thấy Mỹ vẫn kiên trì với mục tiêu có thể tấn công hạt nhân nước Nga.
  Phe diều hâu của cả 2 nước đều cảm thấy START gây bất công cho nước mình
Phe "diều hâu" của cả 2 nước đều cảm thấy START gây "bất công" cho nước mình
Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ

Học thuyết mới được phát triển từ thời tổng thống Bush con và hoàn thiện trong nhiệm kỳ tổng thống Obama. Nội dung cơ bản của chiến lược hạt nhân mới của Mỹ gồm các điểm chính sau:
- Ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và việc các nhóm khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân.
- Duy trì khả năng răn đe hạt nhân với số lượng vũ khí hạt nhân bị cắt giảm
- Củng cố khả năng răn đe ở các khu vực, bảo đảm với các đồng minh về sức mạnh hạt nhân của Mỹ.
- Giảm sự phụ thuộc của an ninh quốc gia vào vũ khí hạt nhân
- Duy trì an ninh, an toàn trong việc vận hành, ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng vũ khí hạt nhân trái phép.
Tuy nhiên, điều gây lo ngại cho phía Nga là việc chiến lược mới cũng yêu cầu nước Mỹ sẵn sàng cho tình huống khi sự răn đe không phát huy tác dụng và Mỹ có thể phải sử dụng vũ khí hạt nhân khi không thể "kiềm chế" được đối phương. Nói một cách khác, học thuyết hạt nhân mới yêu cầu Mỹ duy trì khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu, thay vì chỉ là khả năng răn đe hạt nhân.
Chiến lược tấn công phủ đầu được hiểu là dùng một lực lượng hạt nhân áp đảo để tấn công, đặc biệt là nhắm vào lực lượng hạt nhân của đối phương, để đối phương không thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân của chính mình. Trong khi đó, chiến lược răn đe mang tính phòng thủ hơn, yêu cầu lực lượng hạt nhân phải có thể nhanh chóng đáp trả khi đối phương tấn công trước. Thiệt hại do đòn đáp trả này phải rất lớn để đối phương phải từ bỏ ý định tấn công trước.
Mục tiêu của gần 2 thập niên cắt giảm vũ khí hạt nhân, bắt đầu với START I năm 1991, là giảm số vũ khí hạt nhân của 2 bên xuống dưới mức cần thiết để có thể áp dụng chiến lược đánh phủ đầu. Duy trì chiến lược này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, vì một nước có thể cho rằng sẽ không bị đáp trả nếu ra tay trước. Mặc dù trong học thuyết mới, Mỹ không đề cập cụ thể tên một quốc gia nào, nhưng các chuyên gia Nga cho rằng Mỹ vẫn nhắm đến Nga như là mục tiêu chính.
Cắt giảm và tái vũ trang
Ngoài ra, một điểm nữa gây lo ngại cho phía Nga là việc cắt giảm vũ khí hạt nhân theo START chủ yếu gồm việc tháo rời đầu đạn hạt nhân ra khỏi phương tiện phóng rải và đưa vào kho chứa dự phòng. Vì vậy, vẫn có khả năng số đầu đạn này được đưa trở lại vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tiến hành các chương trình nâng cấp cho tất cả các loại đầu đạn hạt nhân hiện có được sử dụng trong 3 thành tố chiến lược.
Các loại đầu đạn này bao gồm W78, W87 gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa; W76 và W88 gắn trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm; W61 gắn trên bom thả từ máy bay chiến lược, và W80-1 gắn trên tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom chiến lược. Nga cũng lo ngại rằng Mỹ đang nghiên cứu giải pháp cho phép hoán đổi các loại đầu đạn được dùng cho thành tố chiến lược này sang thành tố chiến lược khác, qua đó tăng sự linh hoạt khi cần tái tăng cường sức mạnh hạt nhân.
Các thế hệ vũ khí hạt nhân mới
Một điểm nữa khiến các chuyên gia Nga lo ngại là Mỹ đang tiếp tục phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới với độ linh hoạt và chính xác cao hơn, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của START. Nhờ đó Mỹ có thể âm thầm làm nghiêng cán cân hạt nhân về phía mình và đặt Nga vào thế bất lợi.
Một trong những loại vũ khí mới đó là bom hạt nhân B61-12, được phát triển dựa trên loại bom hiện có là B61-4. B61-4 có khả năng tuỳ biến sức công phá, với 4 mức là 0.3, 1.5, 10 và 45 kiloton. Phía Nga cho rằng B61-12 có thể có mức công phá tuỳ biến nhỏ hơn nữa. Việc vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp có thể khiến nó được dùng trong chiến tranh phi hạt nhân như một loại vũ khí thông thường.
Vũ khí hạt nhân Mỹ có thể dội xuống đầu Nga bất cứ lúc nào?
Ngoài ra, B61-12 sẽ được trang bị công nghệ dẫn đường bằng vệ tinh, tương tự như các loại bom thông minh hiện nay, cho phép nó đạt độ chính xác chỉ vài mét từ mục tiêu. Tăng độ chính xác của vũ khí trên thực tế là cách duy trì, thậm chí tăng sức mạnh tổng thể của kho vũ khí hạt nhân trong điều kiện số lượng vũ khí giảm xuống. Mỹ có thể đạt được cùng mức độ huỷ diệt với số lượng đầu đạn ít hơn. B61-12 dự kiến bắt đầu được sản xuất vào 2019.
Một hướng phát triển khác có thể làm thay đổi cán cân hạt nhân là thế hệ tên lửa hành trình mới thay thế cho Tomahawk. Đặc điểm của thế hệ mới này là có ứng dụng công nghệ tàng hình khiến cho đối phương khó phát hiện tên lửa hơn. Bên cạnh đó, việc Mỹ đang đầu tư mạnh cho việc phát triển công nghệ siêu thanh, từ Mach 5 – Mach 10, cũng làm Nga lo ngại. Tàng hình và siêu thanh đều có nghĩa là phía Nga ít có thời gian phản ứng hơn khi bị tấn công trước, qua đó tăng nguy cơ bị tấn công phủ đầu.
Bóng ma B-2 tại căn cứ không quân Whiteman.
Bóng ma B-2 tại căn cứ không quân Whiteman.
Và tất nhiên là những thế hệ vũ khí này có thể được sử dụng chung với các loại máy bay tàng hình hiện có hoặc trong tương lai của Mỹ, bao gồm B-2, F-22 hay máy bay ném bom thế hệ mới (thay thế B-2). Tóm lại, trong khi đang cắt giảm 2 thành tố tên lửa và tàu ngầm chiến lược, Mỹ đang mở rộng thành tố thứ 3 là máy bay ném bom chiến lược và các loại vũ khí đi kèm.
Thay đổi cán cân hạt nhân
Hướng đi này bị một số chuyên gia Nga xem là cách Mỹ lợi dụng quá trình cắt giảm hạt nhân để làm lợi cho mình. Vì máy bay chiến lược và vũ khí đi kèm có thể được sử dụng cho cả chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân, ngoài ra đó cũng là thành tố mà Mỹ luôn có lợi thế từ lâu. Trong khi đó, 2 thành tố còn lại hầu như không có tác dụng trong chiến tranh thông thường, và là 2 thành tố mà Mỹ không có lợi thế trước Nga.
Việc tăng độ chính xác, tốc độ, khả năng tàng hình cho các loại vũ khí hạt nhân tấn công từ trên không có thể khiến nước Nga dễ bị tấn công hạt nhân phủ đầu. Việc các hiệp ước START có phạm vi điều chỉnh đối với các loại tên lửa liên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm, nhưng lại không ảnh hưởng đến các loại tên lửa hành trình mới có thể được triển khai từ máy bay ném bom tàng hình được xem là "bất công" cho phía Nga và sẽ làm thay đổi cán cân hạt nhân giữa 2 cường quốc.
HP chuyển

No comments:

Lễ 51 Năm Giỗ Trận Hoàng Sa 19/1/1974-19/1/2025. Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Đền Nợ Nước.

Chuyện Bên Lề Một Thủy thủ già sau khi dự lễ 51 Năm Hoàng Sa mời các bạn về nhà hái ổi. Vừa mở cửa xuống xe ông b ỗng nạt:” ”Bình! ...