50 năm đợi chờ
Nếu thứ bẩy tháng 9-2014 là đêm của hội quân nhân Mỹ gốc Việt VAUSA thì chủ nhật là 1 ngày dài của Việt Museum. Buổi sáng tảo mộ Arlington. Buổi trưa tiệc cộng đồng do bác sĩ Trần văn Sáng tổ chức. Tiếp theo là thuyết trình về viện bảo tàng. Buổi tối tiệc gia đình do bác sĩ Nguyễn Dương khoản đãi.
Phái đoàn Viet Museum và hội VAUSA khởi hành từ Hotel Springfield vừa đến cổng nghĩa trang đã thấy áo vàng, áo xanh, áo lính có mặt. Chưa bao giờ hình ảnh tảo mộ nhiều màu sắc như vậy. Chúng tôi nghe loáng thoáng mỗi màu áo là màu của quân trường hay quân chủng. Dù là Thủ Đức hay Đà Lạt. Dù là không quân hay hải quân thì màu sắc nào cũng rực rỡ.
Áo vàng, áo xanh và áo tím đứng thành hàng dài bên cạnh quân phục của nhiều binh chủng VNCH và cả chiến binh Hoa Kỳ của hội VAUSA. Trung tá quân báo Nguyễn anh Tuấn của hải quân Mỹ dẫn đường. Chúng tôi đã mua sẵn 10 bó hoa đủ cho 100 người hiện diện. Đoàn người đầy màu sắc đi bộ suốt lộ trình dài làm cho du khách hâm mộ chen vào chụp hình. Trời vào thu nhưng nắng vàng rực rỡ như mùa hè. Quay phim chụp hình rất đẹp. Giới cao niên tham dự xem ra khá mệt. Các phóng viên vội vàng vác máy chạy trước chạy sau. Đến khu đồi cao nhìn xuống hình ảnh màu sắc của các tà áo dài nổi bật trên các mộ bia trắng và hiện lên nền trời xanh. Một cảnh tượng lạ lùng hiếm có tại nghĩa trang Arlington.
Một vị cao niên của hội áo vàng nói với tôi. Ông à, tôi ở đây hơn 30 năm hôm nay mới vào đây dự kỳ tảo mộ lạ lùng như thế này. Nghe nói mộ của lính VNCH, ông có biết là những ai không.
Tôi trả lời: hơn 10 người vô danh. Gia đình đều coi là mất tích nhưng thực sự anh em đã nằm chờ chúng ta hơn 50 năm. Bác cầm lấy bó hoa này, lát nữa sẽ đặt xuống. Mong rằng đây là cành hoa đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng. Mỗi năm nên trở lại.
.
Vài nét về nghĩa trang Arlington
Đây là nghĩa trang vĩ đại của Mỹ đồng thời được coi là lớn nhất thế giới. Với hơn 1000 mẫu đất bao la bên bờ sông Patomac. Chính phủ dành ra hơn 200 mẫu làm nghĩa trang và mỗi ngày đều mở rộng thêm. Anh lính tử trận đầu tiên chôn vào năm 1864 cho đến nay 2014 vừa kỷ niệm 150 năm. Không này nào là không có lễ an táng. Nghĩa trang mênh mông này dự trù có đủ chỗ cho 400 ngàn tử sĩ yên nghỉ. Mỗi năm đều mở ra những khu đặc biệt và đánh số rất tùy tiện. Thí dụ như khu mộ chí và tượng đài chiến binh miền Nam hoàn tất cả trăm năm trước ghi số 16. Trong khi đó khu số 1 lại là các nạn nhân của chuyến bay Pan Am 103 mới chôn vài năm trước. Tổng cộng có 70 khu vực trong đó có khu số 28 dành cho tử sĩ Hoa Kỳ chết tại chiến trường Việt Nam. Khu mộ chiến sĩ vô danh, khu mộ tổng thống Kennedy là nơi du khách không thể bỏ qua. Tại đây lính gác luân phiên suốt ngày đêm dù sau giờ nghĩa trang đóng cửa không có ai đến viếng thăm.
Nghĩa trang Arlington mở cửa 365 ngày 1 năm. Ngày nghỉ lễ hay cuối tuần thì du khách lại càng đông đảo, hàng triệu người mỗi năm. Mùa xuân và hạ mở cửa 8 giờ sáng đến 7 giờ tối. Mùa thu đông đóng cửa 5 giờ chiều. Quanh năm có đủ thứ lễ hội làm cho nghĩa trang trở thành biểu tượng ý nghĩa quốc gia và học sinh sinh viên toàn quốc tấp nập thăm viếng quanh năm bất kể thời tiết.
Ngoài các viện bảo tàng, bạch cung và quốc hội, nghĩa trang Arlington là nơi được coi là 1 trong 10 điểm du lịch của thủ đô Hoa Kỳ.
.
Thăm khu 60
Một trong các khu lớn của nghĩa trang là khu 60. Tại đây thật là tình cờ hãn hữu, phái đoàn tảo mộ mùa thu có dịp thăm 3 ngôi mộ gần nhau. Nói như vậy nhưng từ khu đậu xe đi qua ngôi nhà chính là điểm hẹn của du khách, mọi người phải đi bộ 1 đoạn dài mới đến khu 60. Nếu đã tìm biết được các ngôi mộ ghi số và nằm tại khu nào thì tìm theo số thứ tự rất dễ dàng với chi tiết trên từng mộ bia.
Ngôi mộ đầu tiên là 1 chiến binh Hoa Kỳ gốc Việt. Anh chàng thủy quân lục chiến trẻ tuổi đi lính năm 18 tuổi vừa hết trung học. Năm 20 tuổi hy sinh tại Trung Đông. Cái chết của hạ sĩ Lê Ngọc Bình đã được báo chí ca ngợi là anh hùng của quân đội. Một xe bom với 500 tấn chất nổ lao vào căn cứ. Hai anh lính can đảm xông ra hạ sát tài xế tại cổng. Xe bom không lọt được vào doanh tại, nổ ngay cổng gác. 6 anh thủy quân lục chiến bị thương. Hai anh tử trận. Hai anh này là các chiến binh can đảm đã xông ra hạ sát tài xế. Một trong 2 anh là hạ sĩ Bình, gốc Việt. Bình được trao huy chương cao quý của quốc hội. Chuyện của Bình là câu chuyện dài bi thương giữa tình mẹ con, chúng tôi sẽ kể hầu quý vị bằng một bài riêng. Hôm nay, anh chị em tảo mộ với màu sắc rực rỡ chụp hình, đặt hoa và chào kính cho người con, người em hy sinh còn quá trẻ.
.
Sau đó lại đi đến dãy bên cạnh, tại đây có 2 ngôi mộ gần kề. Một ngôi bia nhỏ đồng dạng. Đây là mộ của chiến binh Mỹ gốc Việt. Và gần đó, một bia lớn hơn. Trên bia này ghi danh 1 chiến binh Hoa Kỳ, phía dưới có tên 3 chiến sĩ không quân. Tất cả 3 người đều hy sinh trong 1 phi vụ trực thăng. Di hài lẫn lộn cùng cát bụi. Chung sự Hoa Kỳ đem về chôn chung một chỗ và dựng chung vào 1 mộ bia. Trên mộ bia tập thể có ghi tên các tử sĩ Su van Lanh, Nguyễn Bảo Trọng và Phan thế Long. Các chiến hữu không quân có thể nhận ra anh em và vào thăm.
Phái đoàn tảo mộ lại làm thủ tục tưởng niệm tại từng ngôi mộ. Đặt hoa, chào kính và chụp hình kỷ niệm.
.
Trời nắng gắt, ai nấy đều mệt mỏi vì phơi nắng khá lâu. Tuy nhiên tại ngôi mộ của Bình đang có mẹ anh đến thăm viếng. Chúng tôi bèn trở lại để thăm hỏi. Bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Kim Hoàn cô đơn hiện ở Mỹ có một mình, đứng lên nói đôi lời cảm tạ. Chị đem theo đầy đủ 1 hồ sơ của con trai với tất cả các bài báo, hình ảnh, bản sao huy chương để trao cho đại diện viện bảo tàng Việt Nam tại San Jose.
Xin kể vắn tắt là chị ở Việt Nam, chỉ có 1 con trai duy nhất. Gia đình chia ly. Hơn 10 năm trước gửi con 7 tuổi cho gia đình bà con đem đi Mỹ để có dịp học hỏi. Từ đó mẹ con vẫn ngày đêm nói chuyện và thư từ. Mấy năm sau trao đổi bằng Email. Năm 12 tuổi cháu về thăm mẹ. Cậu bé trưởng thành đầy tương lai. 6 năm sau, năm 18 tuổi cậu lại về thăm mẹ sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng con dấu mẹ. Trở về Mỹ kỳ này cậu sẽ vào thủy quân lục chiến. Mẹ không hề biết là con đã ra mặt trận. Hai năm sau mẹ từ Việt Nam được tin con hy sinh. Bình bị thương rất nặng, bệnh viện dã chiến tại mặt trận cưa mất một chân nhưng không cứu được. Trong cơn hấp hối đứa con nhờ quân đội liên lạc với mẹ. Lập tức 24 giờ, tùy viên quân lực tòa đại sứ Hà Nội lo xong giấy tờ cho bà Kim Hoàn qua Mỹ. Kịp thời đi đón xác con tại phi trường. Bây giờ con trai nằm ở Arlington.
Chúng tôi đứng quanh người mẹ, nhìn bà mẹ Việt Nam ôm tấm bia trắng có tên con trai. Mẹ ngồi xuống bên mộ con, lấy tay để lên môi rồi xoa xoa trên mộ bia, như đang âu yếm gửi cho đứa con còn thơ dại nụ hôn chia ly tử biệt. Ai nấy đều xúc động. Mặc dù là lính Mỹ, nhưng hạ sĩ Bình cũng mới có quy chế thẻ xanh. Chưa phải quốc tịch. Người ta nói là Bình đăng lính để sớm có quốc tịch, như vậy có thể đón mẹ qua Mỹ. Khi đã hy sinh, chỉ 1 tuần sau Bình được điều chỉnh thành công dân. Anh chết như một công dân Mỹ chứ không phải thường trú. Bây giờ không cần chờ đợi lâu dài. Mẹ anh qua sớm, nhưng anh đã nằm yên trong lòng đất Arlington. Chúng tôi ra về với câu chuyện thương tâm còn vương vất.
.
Việt Museum tại thủ đô
Từ nghĩa trang về đến nhà hàng là đúng 12 giờ trưa.
Bác sĩ Trần văn Sáng có nhã ý đãi toàn thể bà con xa gần ăn buổi trưa thịnh soạn tại tiệm cơm Tàu.
Đây là 1 nghĩa cử hết sức tốt đẹp đối với phái đoàn Việt Museum tại California. Hơn 100 quan khách dự tiệc trưa trước khi nghe chúng tôi nói chuyện về Việt Museum tại San Jose để gợi ý cho 1 Việt Museum tại thủ đô Hoa Kỳ. Chúng tôi lần lượt ghi nhận sự đóng góp của MC Bùi mạnh Hùng, giáo sư Nguyễn ngọc Bích của nghị hội, dược sĩ Nguyễn mậu Trinh của hội cao niên, ông Đoàn hữu Định, chủ tịch cộng đồng, và có sự tham dự của ông Tạ cự Hải liên hội cựu quân nhân, các vị trung tá Cao Nguyên và Nguyễn anh Tuấn của hội VAUSA lính Mỹ gốc Việt.
Sau cùng là phần ý kiến đáng ghi nhớ của bác sĩ Trần văn Sáng. Kết quả cụ thể là sau buổi trình bày của Việt Museum, quý vị trên thủ đô đã bắt đầu ngồi lại và dự trù thành lập 1 nhóm nỗ lực để bàn về các con đường đi tới 1 chương trình cụ thể.
Chúng tôi rất mừng nên đã hứa hẹn sẽ tiếp tục liên lạc và góp sức chung cho dự án. Một bảo tàng viện Việt Nam tại thủ đô Hoa Kỳ là chuyện rất cần thiết. Năm 2015 ghi dấu 40 năm lưu vong và định cư tại Mỹ nếu giấc mơ chưa hoàn tất thì ít nhất phải bắt đầu.
Anh em chúng tôi đã trải qua 1 ngày chủ nhật dài nhưng hết sức tốt đẹp và hữu hiệu.
Buổi tối đi khá xa để tham dự bữa cơm thân mật tại nhà bác sĩ Nguyễn Dương. Vị bác sĩ này là y sĩ của sư đoàn 9 bộ binh rồi chuyển qua không quân. Di tản sang Hoa Kỳ, ông thi lại thành bác sĩ Mỹ rồi nhập ngũ đi từ đại úy lên đại tá.
Tối nay bác Dương đã về hưu mời chúng tôi tham dự bữa ăn có mạn đàm thế sự với nhiều thân hữu khác. Chúng tôi nói chuyện trên trời dưới đất về cõi người ta và cõi riêng mình. Về thế giới và Hoa Kỳ. Có cả vị MC trong bàn tiệc đẩy đưa câu chuyện. Ai cũng giãi bày được nhiều và học hỏi được nhiều. Ở tuổi chúng tôi, xem lại chuyện đời, biết bao nhiêu sai lầm kể cả chuyện gia đình và sự nghiệp. Chúng tôi nghĩ rằng ai cũng có những lầm lẫn đầu tiên, rồi trầm luân vất vả cố giữ lại chút hạnh phúc sau cùng. Chúng tôi chia tay các bạn mới gặp nhưng biết rằng khó có ngày gặp lại. Chủ nhà hát bài: Dù trời khuya anh cũng đưa em về.
.
Trở về khách sạn, tôi chợt nghĩ lại. Cả 1 tuần lễ, trải qua bao nhiêu chuyện, gặp bao nhiêu người nhưng có mục tiêu phải thăm 10 chiến binh tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa lại chưa hoàn tất. Ngày chủ nhật vừa qua tình cờ biết thêm 3 tử sĩ không quân tại khu 60. Khu 34 có 9 chiến hữu chờ đợi hơn 50 năm chưa có người thăm viếng.
10 tử sĩ, chỉ có 1 người có tên và 9 vị vô danh chết tại Việt Nam. Xác tình cờ theo di hài lính Mỹ trong tro tàn xương cốt chon tại Arlington. Câu chuyện được biết 10 năm trước nay hẹn trở lại mà đã quên sao.
Một đêm chủ nhật mất ngủ.
Ngày cuối thủ đô:
Nhờ anh chiến binh Bắc kỳ, vốn là Comando Marin, sau thành mũ đỏ Thủ Đức tan hàng đi tù ở quận Phú Giáo.
Chính anh Vững đã giúp chúng tôi đến nghĩa trang dân sự gặp cô Vi là vợ bạn cò Tùy, bạn cùng khóa. Một bạn cùng khóa khác là anh Thái điều hợp chương trình qua cell phone.
Câu chuyện tình muộn của anh cò Tùy được cô vợ hai nuôi chồng 10 năm đau ốm rồi đưa chồng du hành chuyến chót. Từ Texas về Cali thăm bạn, dự trù chuyến đi chấm dứt tại DC. Mới đến quận Cam đời chàng đứt phim. Nàng quyết định đem di hài trung tá mũ đỏ về thủ đô đặt cạnh mộ chị cả. Buổi chiều về muộn trên nghĩa trang dân sự đìu hiu có 2 người đứng bên phần mộ của ông bà cảnh sát trưởng Gia Định đọc bài kinh kính mừng. Tôi gọi là kinh đoàn tụ. Tình cờ tao ngộ cô Vi thay vợ cả nuôi anh bị tai biến 10 năm vất vả, nay đem trả lại cho bà cả nằm chờ.
Hai người đứng đọc kinh. Anh Vững nhẩy dù cầu cho ông thầy mũ đỏ. Cô hai Vi cầu cho người chồng xấu số duyên phận bẽ bàng. Cũng đã từng nghe tiếng cầu kinh bên phần mộ ở nghĩa trang. Nhưng sao lần này thật là cảm động. Ông lính mũ đỏ cao niên đọc kinh cầu nguyện cho ông nhẩy dù xa lạ. Cô hai đọc kinh cho chồng mồ yên mả đẹp nằm cạnh vợ cả. Gió chiều thổi lao sao hàng cây hoà với tiếng cầu nguyện rì rầm. Nguyễn Hữu Tùy chắc phải nghe được dù đang ở dưới đất hay trên trời.
Thăm mộ cò Tùy xong, tôi hoàn tất chuyện riêng nhưng món nợ chung vẫn còn mang nặng. Hôm nay thứ hai, được biết là ngày cuối chuyển mùa. Ngày cuối cùng nghĩa trang Arlington mở cửa muộn đến 7 giờ chiều. Ngày mai đã bay về Cali và cũng ngày mai Arlington đóng cửa lúc 5 giờ.
Món nợ cuối cùng
Chúng tôi giã từ anh đại úy nhẩy dù tại nghĩa trang rồi cô Vi chở về hotel. Nhà tôi lên phòng chuẩn bị xếp hành lý mai đi sớm.
Tôi gạ gẫm cô Vi vợ hai cò Tùy. Vi có rảnh chiều nay không. Anh cần gì? - Anh muốn vào Arlington. Một ngày dài cho các mộ chí. Sáng thăm mộ dân chiều thăm mộ lính, xem ra quá nhiều. Cô Vi ít nói. Chỉ gật đầu OK. Trời đã về chiều, nắng đã dịu bớt. Còn vài tiếng đồng hồ cuối cùng, tôi phải tìm cho ra ngôi mộ của anh chàng chiến binh VNCH họ Vũ. Và các chiến binh không quân nằm chờ trên nửa thế kỷ.
Đến phòng thông tin Arlington tưởng chuyện khó khăn ai ngờ thật dễ. Có số của từng ngôi mộ, bà hướng dẫn bấm máy in ra ngay tấm bản đồ. Ông đang ở đây, đi lối này, quẹo vào đây, đến khu này và khu này theo số thứ tự là tìm ra mộ. Nhưng đi hơi xa đấy.
Quả thực đường xa thật. Đi suốt chiều dài của Arlington theo con đường Eisenhower từ bắc xuống nam.
Chiều thứ hai, khách thăm chỉ còn vài người thưa thớt. Ông già Giao Chỉ rảo bước phía trước. Cô hai Tùy lầm lũi theo sau. Là sinh viên xuất sắc về bản đồ và Topo của trường Võ Bị tôi kiếm ra ngôi mộ của đại úy VNCH cũng tại khu 60 nhưng thật xa xuống hướng Nam. Các ngôi mộ chôn tập thể đều làm mộ bia lớn gấp 4 lần bia thường. Tìm khá dễ dàng. Xin phép anh Tùy, tôi nhờ cô vợ hai làm người mẫu. Đây là hình ảnh người vợ, người em, người con thăm mộ chồng, mộ anh, mộ cha. Không phải là người mẫu áo dài tha thướt. Người mẫu của chúng tôi nét mặt sẵn buồn, bảo đứng thì đứng, bảo quỳ thì quỳ.
Tìm xong mộ 7898 có tên đại úy Vu van Phao, bộ binh. anh em bèn chụp hình. Chúng tôi tiếp tục đi tìm thêm 2 ngôi mộ tập thể của 2 chuyến trực thăng không quân có chở lính Mỹ. Khi hoàng hôn xuống đất đã đổi màu, tôi tìm ra ở 1 khu 34 khá xa. Hai ngôi mộ tên Mỹ thì có, tên Việt Nam thì không. Chỉ ghi số chiến binh VN vô danh mà xương ta lẫn với xương tây nằm ở dưới đây. Chẳng ai biết lúc an táng nghi lễ ra sao. Nhưng rõ ràng là thân nhân Việt Nam chẳng ai biết . Và hơn nửa thế kỷ vừa qua chưa có ai ghé lại. Lô số 4524 khu 34 ghi chú 2 chiến binh miền Nam mất tích tại Lào thời kỳ 68-90. Lô số 4439 ghi nhận 7 chiến binh VNCH cùng với 3 chiến binh Hoa Kỳ tử trận trực thăng ngày 5 tháng 3-1971. Bạn hỏi tôi có chào kính không, có làm lễ tưởng niệm không. Không đâu. Cô Vi đứng tựa vào bia đá, ngó xuống hàng chữ Việt Nam khắc trên mộ bia. Tôi chụp bức hình. Chẳng biết sẽ gửi hình cho ai. Chúng tôi đến thăm không phải nhân danh cộng đồng, nhân danh quân đội. Chỉ như 1 thân quyến gia đình. Đến và đi như chuyện gia đình. Thưa với các bạn sự thật như vậy.
Đoạn cuối của chuyện tình nghĩa địa.
Trên con đường chiều xa thẳm, thấm mệt nhưng chúng tôi vẫn cố đi bộ, không đón xe quá giang. Gặp 2 ông bà già, thật già, cũng đi về. Hai cụ cao lờn nhưng lưng còng. lê từng bước. Hết sức buồn rầu. Ông cụ nói chúng tôi là dân Mỹ gốc Đức. Đang đi nghỉ trên con tàu vòng quanh thế giới. Cả tháng dài tắt máy không liên lạc với ai. Về đến nhà thì thằng con thiếu úy đã chết ở A phú Hãn chôn ở đây. Ngôi mộ còn chưa xanh cỏ. Đất còn mới. Chợt có xe của thiên hạ ghé lại mời hai cụ già cho quá giang. Cụ bà gạt nước mắt lắc đầu. Tiếp tục lê từng bước ngắn mệt mỏi. Cụ ông lễ phép từ chối. Ông già nói rằng. Vợ tôi còn muốn ở lại đây mãi mãi. Bà ấy không muốn đi cho nhanh để về nhà. Càng đi chậm càng tốt. Xin cám ơn ông. Nghe ông già giãi bày, vị hảo tâm lái xe đi, còn chúng tôi chậm bước theo sau vợ chồng ông già.
Dường như có tiếng lao xao trong gió chiều. Hình như có tiếng động cơ trực thăng bay từ Khe Sanh vào Hạ Lào. Tiếng kêu cứu của phi cơ bị trúng đạn, rồi tiếng nổ và sau cùng không ai còn nghe thấy gì nữa.
Phía sau chúng tôi là 3 ngôi mộ tập thể của 10 chiến binh QLVNCH. Các chiến hữu nằm chờ từ thập niên 60.. Các anh có níu chân tôi như đứa con trai của cặp vợ chồng già lê bước ra khỏi Arlington.
Con người ta, không thể rửa chân ở cùng 1 dòng nước. Khi ta trở lại bến sông xưa biết có còn không và con nước chảy qua nay đã trở thành con nước khác.
Ở tuổi này, làm sao tôi còn trở lại Arlington.
.Tường thuật chuyến lên Thủ Đô (II)
http://vietbao.com/a228043/
TVQ chuyển
No comments:
Post a Comment