Monday, October 13, 2014

NGUYỄN ĐẠT THỊNH: Mỹ học bài học Việt Nam

HoangsaParacels: Phải công nhận sư hữu hiệu về hoả lực cuả Không và Hải Quân Hoa Kỳ trong chiến tranh VN; tuy nhiên về khiá cạnh nhân đạo, phải sử dụng không kích thật chính xác, giảm tránh thương vong cho thường dân vô tội.




Chuẩn tướng Mạch Văn Trường, người làm cho trẻ nít An Lộc thích chơi trò săn T 54

 Từ khá lâu, đề tài "Bài Học Việt Nam" đã trở thành nhàm chán đối với dư luận Hoa Kỳ; mỗi lần quân đội Mỹ va chạm khó khăn, phức tạp, trên chiến trường ngoại biên, là một lần một vài học giả lên tiếng cảnh cáo "đừng quên bài học Việt Nam."

Điều châm biếm là cho đến giờ này, vẫn chưa ai biết "bài học Việt Nam" thật sự là những gì. Mặc dù không ai biết, bài học này lại vừa được một giáo sư sử học -ông Fredrik Logevall dạy sử tại viện đại học Cornell- và một học giả chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam -ông Gordon M. Goldstein- nêu lên.
Hai học giả này viết chung một bài báo mang tựa đề "Will Syria Be Obama's Vietnam?" (Liệu Syria Có Trở Thành Việt Nam của Tổng Thống Obama không?).
Lần này có thể là lần thứ 1001 chiến tranh Việt Nam được sử dụng để răn những vị tổng tư lệnh Hoa Kỳ đang lâm chiến; răn bằng những lập luận của quyển sách giáo khoa VIETNAM WAR 101 đang được giảng dạy cho những sinh viên sĩ quan mới nhập ngũ, đang được huấn luyện tại trường Võ Bị West Point.

Oanh tạc cơ B 52

Obama's Vietnam là Việt Nam của Obama! Hai chữ Việt Nam đủ khiếp đảm để gợi lên một hình ảnh sa lầy, thất trận, cho người Mỹ. Không ai nói Obama's France, hay George W. Bush's Canada, vì Pháp và Gia Nã Đại chỉ là quốc hiệu của 2 nước đồng minh với Hoa Kỳ, cả 2 cùng không chuyên chở những hình ảnh mang một ý nghĩa nào nguy hiểm cho người Mỹ.
Trong tổng số 196 quốc gia trên toàn cầu, không quốc hiệu của một nước nào gợi nhiều kỷ niệm kinh hãi cho người Mỹ như 2 chữ "Việt Nam."
Do đó, trận chiến Việt Nam -41 năm sau ngày chính phủ Mỹ hốt hoảng tháo chạy- vẫn còn mang đầy đủ tính huyền thoại đối với người Mỹ, kể cả những người thông thái nhất, như 2 nhân vật vừa nêu tên ở đoạn trên. Họ thông thái như 2 ông thầy bói mù, mô tả con voi giống như một con đỉa khổng lồ, vì họ chỉ được anh quản tượng cho sờ cái vòi voi.
Câu mở đầu của bài báo viết, "50 năm trước tổng thống Lyndon B. Johnson cho phép oanh tạc chiến lược tại một số mục tiêu trên lãnh thổ Bắc Việt; quyết định này là hành động leo thang trong cuộc chiến tranh tại Đông Nam Á, mà tiếp theo là việc bộ binh Mỹ đổ vào chiến trường Việt Nam.
"Tháng trước, Tổng Thống Obama quyết định mở rộng chiến dịch oanh kích, đang từ nội vi lãnh thổ Iraq, vượt biên giới Iraq sang lãnh thổ Syria. Liệu Obama có lập lại lịch sử và đưa bộ binh trở vào chiến trường Trung Đông hay không?"
Năm 1968 -năm giáo sư Logevall mới lên 5- tổng thống Lyndon B. Johnson phạm vào điều sai lầm đầu tiên của ông trong chiến tranh Việt Nam: ông tưởng Việt Cộng mạnh đến mức có thể đồng loạt tấn công trên 100 mục tiêu -các tỉnh lỵ, quận lỵ, dinh tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, v.v..
Trong Thế Chiến Thứ Nhì, quân Mỹ hay quân Đức -hai quân lực mạnh nhất thời đó- cũng không có khả năng tấn công đến 10 mục tiêu trong cùng một lúc; điều này làm Johnson tưởng lầm về sức mạnh quân sự của Việt Cộng.
Johnson càng lún sâu vào sai lầm sau khi nhận được yêu cầu của tướng William Childs Westmoreland -tư lệnh chiến trường Việt Nam- xin tăng thêm 200,000 quân nữa vào quân số Hoa Kỳ đã nhiều đến nửa triệu người.
Dĩ nhiên năm đó cậu bé Logevall, quan tâm đến chiếc xe đạp 3 hay 4 bánh của cậu hơn là những đoàn chiến xa M 48 của quân đội Mỹ đang sa lầy trên chiến trường Việt Nam; nhưng 45 năm sau -năm 2013- Logevall đoạt giải Pulitzer về lịch sử với tác phẩm Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of Americas Vietnam. (Đống Than Còn Đỏ Trong Lò Lửa Chiến Tranh: Cuộc Xụp Đổ Của Một Đế Quốc, Và Sự Hình Thành Của Yếu Tố Việt Nam Trong Quan Điểm Mỹ).
Không chỉ đoạt giải Pulitzer lịch sử Mỹ, tác phẩm này còn đoạt giải khai mạc Tủ Sách Mỹ tại Paris, giải Arthur Ross Book Award, và hiện đang là quyển sách đứng đầu trong những tác phẩm được tuyển chọn để tranh giải Cundill Prize.


Fredrik Logevall
 
Gordon M. Goldstein
 

Tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng

Nhiều bình luận gia Hoa Kỳ đồng ý với Logevall trong so sánh giữa việc Tổng Thống Obama mở rộng vùng oanh kích sang lãnh thổ Syria với việc Tổng Thống Johnson mở rộng vùng oanh tạc từ Nam ra Bắc Việt.
Tuy nhiên, Obama vẫn khẳng định chính sách của ông là, để mặc các quốc gia Trung Đông tự bảo vệ lãnh thổ của họ, Hoa Kỳ chỉ trợ chiến bằng hỏa lực không yểm. Trong quan điểm của Obama, đây không chỉ là bài học Việt Nam, mà còn là bài học mới toanh trên 2 chiến trường Iraq và A Phú Hãn -2 vũng lầy đã níu chân người lính Mỹ vào Trung Đông.
Đa số cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đều biết hiệu năng tuyệt vời của không quân Hoa Kỳ; chính hỏa lực không yểm của Mỹ đã giúp 1 sư đoàn Việt Nam Cộng Hòa -Sư Đoàn 5 Bộ Binh- chống 3 sư đoàn chính quy Bắc Việt tại mặt trận An Lộc, năm 1972.
Chỉ cần 2 chiếc AC 130 đêm đêm bay yểm trợ, mà trên 20 chiếc T 54 và PT 76 đã bị phá hủy trên lộ trình 50 cây số từ biên giới Miên tiến vào lãnh thổ Việt Nam để uy hiếp An Lộc. Một chiến sĩ đánh tăng của địch -chuẩn tướng Mạch Văn Trường, hiện đang sống tại Houston- đã cùng với anh em quân nhân Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 Bộ Binh diệt nốt 27 chiếc tăng cuối cùng của trung đoàn thiết kỵ 203 Việt Cộng.
Các chiến lược gia, sử gia Hoa Kỳ vì bỏ sót bài học An Lộc, nên đã không học được phương thức phối hợp tác chiến giữa bộ binh Việt Nam và không quân Hoa Kỳ, bài học có thể giúp Tổng Thống Obama giải quyết số phận của đạo quân thánh chiến IS hiện nay. Phương thức phối hợp tác chiến này không chỉ thành công tại An Lộc, mà còn giúp giữ vững cả 2 mặt trận khác -Quảng Trị và Kontum- cũng đồng loạt bị địch bao vây trong cuộc tổng tấn công 1972.
Trở lại với bài báo của giáo sư Logevall; ông trích câu nói tuyệt vọng của tổng thống Johnson, trước nhiệm vụ khó khăn của quân đội Hoa Kỳ, "Chúng ta chỉ có thể chiến đấu, nếu chúng ta còn nhìn thấy một tia hy vọng; nhưng trên chiến trường Việt Nam không thấy một thoáng hy vọng nhỏ nào cả."
Logevall viết Johnson thất vọng trước tình trạng quân đội Hoa Kỳ không tiêu diệt được "quân nổi dậy Nam Việt," và nói lên những lời than thở này vào đầu tháng Ba 1965 -16 tháng sau ngày người Mỹ giết tổng thống Việt Nam Cộng Hòa -ông Ngô Đình Diệm.
Chỉ riêng trong câu nói ngắn này, Tổng Thống Johnson cũng đã phạm 2 lỗi lầm - lỗi lầm thứ nhất mang tính chiến lược là quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa không đối đầu với "quân nổi dậy Nam Việt" mà đối đầu với quân đội Bắc Việt, được sự yểm trợ vô cùng dồi dào của 2 cường quốc Cộng Sản Nga và Trung Cộng.
Việt Cộng - lực lượng mà Logevall gọi là "quân nổi dậy Nam Việt"- chỉ là bức họa do Hà Nội vẽ ra; nếu hiểu đúng và chính xác như vậy, Johnson đã tấn công Bắc Việt, để triệt tiêu nguồn xuất phát của chiến tranh Việt Nam.
Lỗi lầm thứ nhì mang tính chính trị, là Hoa Kỳ giết vị lãnh tụ Ngô Đình Diệm của Nam Việt trong lúc ông ta đang chỉ đạo cuộc chiến tranh tiêu diệt "quân nổi dậy Nam Việt" bằng Ấp Chiến Lược, tiêu diệt bằng cách đoạn lương, không cho du kích quân Cộng Sản sống bằng cách xúc gạo trong khạo gạo của nông dân Nam Việt để tồn tại và đánh phá Nam Việt.

Trẻ nít An Lộc thích chơi trò săn T 54.

Tóm lại phần đúng của bài học Việt Nam là sử dụng sức mạnh của không quân Hoa Kỳ, và phần sai là sử dụng bộ binh trong chiến thuật chống du kích -chiến thuật không thích hợp với kích thước kềnh càng của quân đội Mỹ.
Qua chiến lược không để lính Mỹ "chạm gót giầy xuống mặt đất Trung Đông," tổng tư lệnh Obama tỏ ra là ông hiểu bài học Việt Nam - hiểu chính xác hơn 2 học giả Logevall và Goldstein, những người đang nhắc ông là "đế quốc Mỹ xụp đổ" chỉ vì sai lầm trong chiến tranh Việt Nam. (nđt)

TVQ chuyển

No comments:

Người trẻ Việt miệt thị cờ VNCH tại bảo tàng quân sự là yêu nước hay cực đoan, thù hận?

Một loạt các trang Facebook có tổng cộng hàng triệu người theo dõi ở Việt Nam gần đây đăng các bức ảnh về nhiều thanh thiếu niên tỏ ý miệt t...