Cây bút Harry Kazianis trên tạp chí RealClearWorld khuyên Mỹ nhanh chóng "biến lời nói thành hành động" trên Biển Đông, đồng thời "mách nước" 5 cách Washington có thể làm như vậy.
Từ cách đây vài năm, chính phủ Tổng thống Barack Obama đã nhắc đi nhắc lại điệp khúc "xoay trục sang châu Á", với mục tiêu cân bằng cán cân quyền lực và tầm ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nay, khi Biển Đông đang trở thành tâm điểm của sự chú ý trong khu vực, đây được các chuyên gia đánh giá là cơ hội để Mỹ chứng minh cho các nước thấy cái "trục" của Mỹ là thật chứ không phải là một tiết mục "võ mồm" ngoại giao đơn thuần.
Tuyên bố cứng rắn từ tân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, lời cảnh báo từ đô đốc Hải quân Harry Harris, và nhất là sự xuất hiện của máy bay tuần tra P-8 Poseidon trên không phận các đảo đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép, là những gì Mỹ đã thể hiện.
Hiệu quả những động thái này mang lại có thể chưa thực sự rõ rệt, nhưng chí ít điều đó cũng cho thấy lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc là có thật.
Tuy nhiên theo giáo sư - nhà nghiên cứu Harry Kazianis thuộc Viện chính sách Quốc phòng Mỹ, Washington cần đẩy mạnh biến lời nói thành hành động, và khẳng định lập trường của mình một cách rõ ràng hơn nữa.
Cụ thể, ông đưa ra 5 nước cờ chiến lược có thể khiến cái giá Bắc Kinh phải trả cho những hành vi bành trướng phi pháp của mình trên Biển Đông tăng lên gấp bội.
Giáo sư - nhà Nghiên cứu chính sách Harry Kazianis
Giáo sư Kazianis tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ), chuyên ngành Quan hệ Quốc tế. Ông hiện giữ chức vụ tổng biên tập tạp chí National Interest và thường xuyên viết về các vấn đề đối ngoại của Mỹ, trong đó nổi bật là với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông cũng đang tham gia nghiên cứu tại Viện chính sách Quốc phòng Mỹ.
1. Đồng loạt đem Trung Quốc ra tòa
Theo ông Kazianis, Washington cần tìm cách đồng lòng và thuyết phục các quốc gia trong khu vực cùng với Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Ông cho biết đây rõ ràng không phải là điều muốn là làm được vì mỗi nước đều có một chính sách đối ngoại riêng, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục bỏ ngoài tai chỉ trích và đẩy mạnh các hành vi bành trướng phi pháp, các nước trong khu vực sẽ không thể cứ ngồi yên.
Chuyên gia này nhận định, từ trước đến nay luật pháp quốc tế không có ý nghĩa gì nhiều với một Trung Quốc ngang ngược, nhưng một loạt các đơn kiện từ nhiều phía không thể không khiến Bắc Kinh lao đao ít nhiều.
"Cùng một lúc phải đối mặt với hàng loạt các vụ kiện tụng từ nhiều phía như vậy sẽ khiến Trung Quốc rơi vào một cơn ác mộng hình ảnh. Họ sẽ không thể cứ phủi tay cho qua như với trường hợp của Philippines" - ông phân tích.
2. Tố cáo Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông
Ông Kazianis cho rằng phóng sự do CNN thực hiện trên chiếc P-8 Poseidon, cũng như những báo cáo và hình ảnh vệ tinh của viện nghiên cứu CSIS, là những gì Washington nên tiếp tục phát huy một cách thường xuyên hơn trong tương lai.
Ảnh vệ tinh do CSIS chụp ghi lại những hoạt động xây dựng và cải tạo phi pháp
của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn (chủ quyền Việt Nam)
"Mỹ phải thắng Trung Quốc trên mặt trận truyền thông. Để làm được điều đó, Mỹ cần cho công chúng biết rõ từng đường đi nước bước cũng như âm mưu đằng sau những hoạt động xây dựng cải tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông".
Chuyên gia này liệt kê một số trường hợp Mỹ có thể tận dụng để phơi bày sự ngang ngược của Trung Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Khi Trung Quốc đổ bê tông xây dựng đường băng trái phép trên đảo nhân tạo, hình ảnh và video cần được tàu/máy bay trinh thám Mỹ chuyển về ngay cho các phương tiện truyền thông.
- Nếu Bắc Kinh điều động máy bay chiến đấu hiện đại hay tên lửa lên các đảo nhân tạo, thế giới cần được thấy hình ảnh và video ngay lập tức.
- Nếu tàu Mỹ đi vào bán kính 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép để khẳng định quyền tự do đi lại mà gặp phải sự phản kháng từ Bắc Kinh, chi tiết này cũng cần được cho lên mặt báo.
Tóm lại, theo ông Kazianis, vũ khí truyền thông nếu được tận dụng triệt để sẽ giúp Mỹ đặt Trung Quốc vào thế bị động, liên tục phải giải thích cho những hành vi của mình.
3. Hỗ trợ quân sự cho các nước khu vực
Chuyên gia này nhận định, Mỹ có thể dễ dàng giúp đỡ các nước trong khu vực phát triển hoặc mua về vũ khí diệt hạm hiện đại.
Cụ thể, họ có thể kêu gọi đồng minh Nhật Bản bán tên lửa đối hạm Type 12 cho các nước này. Dù Type 12 vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng hệ thống tên lửa này có thể được nâng cấp để tăng tầm bắn, và là một mối đe dọa thực sự với Trung Quốc.
4. Đánh vào lợi ích quốc gia Trung Quốc
Theo chuyên gia Kazianis, nếu Bắc Kinh tiếp tục "gây hấn" trên Biển Đông, Mỹ cần phải chứng minh rằng những hành vi này sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc trong những lợi ích quốc gia nước này coi trọng nhất.
"Nếu Trung Quốc cứ ngang ngược thay đổi trật tự thế giới ở châu Á để phục vụ những mục đích riêng của họ, tại sao Mỹ lại phải tôn trọng lợi ích quốc gia của Bắc Kinh làm gì?" - ông nhận định.
Cụ thể, theo ông Kazianis, Mỹ hoàn toàn có thể đẩy mạnh trang bị quân sự cho Đài Loan, tiếp tục nới lỏng lệnh cấm vũ khí với Việt Nam, cũng như gây áp lực lên một số lĩnh vực khác mà Trung Quốc coi trọng.
5. Tối hậu thư kinh tế
Sự trỗi dậy của Trung Quốc lấy trọng tâm là sự phát triển kinh tế nhảy vọt của nước này.
Nếu xét đến những hành vi bành trướng của Bắc Kinh trong những năm vừa qua, ông Kazianis cho rằng đã đến lúc Washington xem xét lại việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
"Liệu sự phát triển kinh tế của Mỹ có nên phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia đang ngày càng cho thấy mình là mối đe dọa đối với trật tự thế giới?" - chuyên gia này đặt dấu hỏi.
Tất nhiên việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, nhưng việc Mỹ cân nhắc thay đổi chính sách kinh tế áp dụng từ nhiều thập kỉ qua cũng đủ để khiến Bắc Kinh "giật mình".
Kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Trung có giá trị hơn 550 tỉ USD, và chỉ một thay đổi nhỏ thôi cũng dẫn đến những hậu quả đáng kể, và nhiều khả năng sẽ bị giới tài phiệt Mỹ đang làm giàu ở Trung Quốc phản đối kịch liệt.
Nhưng theo ông Kazianis, với việc hơn 1.200 tỉ USD hàng hóa trao đổi của Mỹ đi qua hải phận Biển Đông mỗi năm, và một hệ thống an ninh đang bị sự bành trướng phi pháp của Trung Quốc tại đây đe dọa, đã đến lúc Mỹ cần xem xét lại hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
"Đã đến lúc Mỹ cần đưa ra chính sách cụ thể, khiến Trung Quốc hiểu rằng những gì Bắc Kinh đã và đang làm tại Biển Đông sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng, và cái giá Trung Quốc phải trả nếu còn tiếp tục bành trướng sẽ rất đắt" - chuyên gia Kazianis kết luận.
~~~~~~~~~~~~~~~~~
- 5 Ways The US Can Get Tough With China: Washington Needs A More Assertive China Policy
No comments:
Post a Comment