HoangsaParacels: Dân tộc Việt Nam không bao giờ quên Hoàng Sa, một phần máu thịt của Tổ Quốc, đã bị Trung Cộng tạm chiếm vào năm 1974, chỉ có nhà cầm quyền Hà Nội hèn hạ, không dám nêu vấn đề Hoàng Sa trong các cuộc đàm phán về chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh và ngầm thoả thuận coi như chuyện đã rồi.
Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu về tuyên bố chia tay MỹREUTERS
Ngày 22.10, tờ The Philippine Star đưa tin ngay khi về tới Philippines sau chuyến công du Trung Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte đã có bài phát biểu về việc ông tuyên bố chia tay Mỹ tại Bắc Kinh. Cụ thể, ông Duterte khẳng định phát biểu trên không có nghĩa là ông sẽ cắt đứt quan hệ với Mỹ và nhấn mạnh quan hệ đồng minh song phương mang lại lợi ích tốt nhất cho Philippines. Theo ông, “trở mặt” hẳn với Mỹ là điều không khả thi và đi ngược lại mong muốn của người dân.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng nói ông muốn chấm dứt chính sách “dựa nhiều vào Mỹ” như lâu nay đồng thời một lần nữa gây xôn xao khi tuyên bố sẽ không bao giờ công du tới Mỹ “trong cuộc đời này”. Đến tối 22.10, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay viết trên Facebook rằng Mỹ vẫn là “người bạn gần gũi nhất” của Philippines nhưng Manila muốn phá vỡ “tư duy phụ thuộc và quỵ lụy”, theo Reuters.
Nhà Trắng nhanh chóng bày tỏ chào đón những phát biểu mới của giới chức Manila sau khi đã thể hiện sự lo ngại và bực bội trước đó. “Rõ ràng là chúng tôi phải tìm cách nắm rõ ý định của Tổng thống Duterte và chính quyền của ông ấy sau những phát biểu vừa qua. Tuy nhiên, dựa theo thông tin mới nhất thì đã có một sự thay đổi phù hợp hơn với liên minh kéo dài 7 thập niên giữa Mỹ và Philippines”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cảnh báo nếu nước này thật sự “chuyển trục” sang Trung Quốc thì sẽ là “bi kịch quốc gia”. Ông del Rosario nhận định: “Việc thay đổi trong chính sách ngoại giao từ chối bỏ đồng minh đáng tin cậy lâu nay để theo một láng giềng hung hăng hay phản đối luật pháp quốc tế là vừa không khôn ngoan vừa khó hiểu”.
Cũng trong ngày 22.10, The Philippine Star đăng tuyên bố chung Philippines - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng thống Duterte. Theo đó, hai bên nhất trí tránh đe dọa hoặc vũ lực trong giải quyết tranh chấp Biển Đông và sẽ tổ chức “tham vấn, tư vấn thân thiện theo những nguyên tắc được công nhận toàn cầu của luật pháp quốc tế”, kể cả Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Hai bên còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, xúc tiến hòa bình, ổn định và tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) “dựa trên sự đồng thuận”.
Tuy nhiên, tuyên bố chung không đề cập phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò”.
Mỹ đáp trả phản ứng của Trung Quốc về Hoàng Sa
Sau khi khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ tuần tra xung quanh hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa sáng 21.10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng ngang ngược gọi đây là “hành động trái phép nghiêm trọng và cố ý khiêu khích”.
Đáp lại, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định hoạt động này cho thấy không ai có thể hạn chế một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải cũng như việc sử dụng biển hợp pháp mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, lâu nay có một số ý kiến cho rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ liên quan đến Trường Sa còn Hoàng Sa “coi như đã xong”. Vì thế, có thể thấy động thái mới của Mỹ và chuyến tuần tra tương tự áp sát đảo Tri Tôn hồi tháng 1 chứng tỏ cộng đồng quốc tế “không quên” vấn đề Hoàng Sa.
|
No comments:
Post a Comment