Wednesday, October 12, 2016

Thế giới đợi Hoa Kỳ - Nguyễn-Xuân Nghĩa


Cuộc tranh cử tổng thống quay lưng với thực tế…

Hoa Kỳ còn gần một tháng tổng tuyển cử để vào ngày Thứ Ba, mùng 8 Tháng Mười Một này bầu lên tổng thống thứ 45 và lưỡng viện Quốc Hội Khóa 115 cùng nhiều chức vụ dân cử khác. Qua năm sau, tổng thống tân cử sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng 2017. Từ nay đến đó, trong ba tháng tới, dư luận Hoa Kỳ tập trung chú ý đến cuộc tranh cử tổng thống kỳ lạ nhất trong trí nhớ của nhiều người.

Nhìn từ bên ngoài, thế giới phát giác ra vài sự thật.

Dù ai cứ nói ngả nghiêng, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường độc bá, có chánh sách đối ngoại chi phối cục diện toàn cầu theo hướng tiêu cực hoặc tích cực. Vậy mà chẳng hiểu sao dân Mỹ lại đang phải chọn một trong hai nhân vật bất xứng nhất, là doanh gia Donald Trump hay cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, để lãnh đạo siêu cường này. Nếu cứ nhìn từng đống bùn nhơ được tung ra trong cuộc tranh cử, thiên hạ có thể tự hỏi rằng “nước Mỹ hết người rồi sao”?

Không nói về bậc Quốc Phụ George Washington, vị tổng thống đầu tiên và đáng kính nhất, chỉ bị thiên hạ sầm xì là đại điền chủ đã chọn nơi có đất của mình làm thủ đô, vị tổng thống thứ nhì và thứ ba của Hoa Kỳ, John Adams và Thomas Jefferson đã khét tiếng về thuật ném bùn khi tranh cử.

Cách nay 216 năm, Hoa Kỳ có cuộc tranh cử đầu tiên và sau cùng giữa tổng thống và phó tổng thống vào năm 1800. Tổng Thống John Adams thuộc đảng Liên Bang (Federalist) với chủ trương tập trung quyền lực cho chính quyền liên bang tại trung ương và theo chánh sách thân đế quốc Anh phải tranh cử với Phó Tổng Thống Thomas Jefferson thuộc đảng Dân Chủ Tự Do (Democratic-Republican Party) theo chủ trương tăng cường quyền hạn cho các tiểu bang và đối ngoại thì thiên về đế quốc Pháp giữa cuộc chiến Anh-Pháp bên Âu Châu.

Nước Mỹ vào thời lập quốc còn có thể phân vân như vậy về đối nội và đối ngoại, nhưng khi tranh cử, các bậc quốc phụ đầy thế giá và uy tín đã sớm biết sử dụng bầy chó dữ là báo chí để mạt sát đối thủ. Những tờ báo hay sủa thời nay chẳng phát minh ra cái gì mới lạ.

Nhà báo James Callendar được Jefferson xua ra sủa bậy về John Adams: “Nóng nẩy, gian dối, hiếu chiến, ra vẻ kiểu cách mà đáng tởm và cơ bản thì đạo đức giả”… Nặng nề nhất trong các thậm từ là “một tay anh chị” – tức là vừa anh vừa chị, nôm na là “lại cái” – có bản năng xấu xa là hiếu dâm với cả nam lẫn nữ! Ðể đáp lễ, phe Adams phản đòn, rằng Jefferson là bần tiện, hạ cấp, con hoang của một mụ da đỏ lai đen với một gã da đen lai da trắng của đất Virginia. Nguyên đệ nhất phu nhân vào thời ấy là Martha Washington cũng nhập cuộc: “Jefferson là một trong những kẻ đáng ghét nhất của loài người”!…. Michelle Obama chỉ là bóng ma.

Về sau, nhân vật đầy xấu xa ấy là Jefferson đã thắng hai nhiệm kỳ tổng thống và nhân đôi diện tích lãnh thổ khi mua lại thuộc địa của đế quốc Pháp (Louisiana Purchase) và là bậc lãnh tụ đáng kính của lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng sau đó ít lâu, chính Jefferson cũng nhảy vào cuộc tranh cử năm 1815 và đả kích ứng viên Andrew Jackson của đảng Dân Chủ là nguy hiểm, là kẻ bất xứng nhất với chức vụ tổng thống vì chẳng tôn trọng luật lệ và Hiến Pháp…

Qua thế kỷ 20, các tổng thống lẫy lừng như Theodore Roosevelt, F. D. Roosevelt hay Ronald Reagan cũng đều được chụp cho cái mũ là kém tài bất xứng, chưa nói gì đến nhiều chứng tật được phơi đầy báo lá cải.

Chẳng lẽ Hoa Kỳ lại có truyền thống bầu lên người không xứng đáng làm tổng thống và khi lãnh đạo thì đưa đất nước vào khủng hoảng hay tiêu vong? Cho nên, có lẽ ta đừng vội đăng cáo phó về nước Mỹ, theo luận điệu Nga Tầu, hoặc thậm chí Âu Châu là cõi văn minh khi chẳng ai hỏi tội Thủ Tướng Winston Churchill là nghiện rượu, hay Tổng Thống Francois là ngoại tình và có con riêng khi còn tại chức! Mỗi quốc gia hay hệ thống chính trị lại có nét văn hóa riêng…

Nét văn hóa Mỹ có thể là sỗ sàng và không kiêng nể các chính khách hay bất cứ ai có tham vọng lãnh đạo. Trong nhiệt tình tranh cử, ai cũng đòi ăn thua đủ với các đối thủ và chụp cho họ những cái mũ ghê tởm nhất. Sau đó lại bắt tay cười khì và ca bài American the Beautiful chứ không sợ bị cho đi mò tôm vì tội xúc phạm lãnh tụ.

Trở về hai ứng cử viên tổng thống năm nay, người ta khó đoán ra kết quả và mục tiêu cột báo không bình luận về cuộc tranh cử tưởng như nhiều bùn nhất lịch sử mà là… nhìn từ bên ngoài.

Hoa Kỳ vẫn phải chi phối – hay lãnh đạo – một thế giới nhiễu nhương, và quần chúng chọn ra hai con gà có cùng đặc tính là không đáng tin mà đáng tởm nhưng lại nhìn thế giới từ hai giác độ trái ngược. Tự xưng cấp tiến, Hillary Clinton là sản phẩm của lối suy nghĩ cổ điển về trật tự thế giới hình thành từ sau Thế Chiến II nay đang tan rã. Ðả kích các chính khách truyền thống, Donald Trump đề cao một xu hướng còn cổ điển hơn: ưu tiên lo lấy việc nhà, còn lại thì kệ cha thiên hạ.

Khi đó, các nước tính sao?

Một số quốc gia từng bị siêu cường Hoa Kỳ canh chừng trong quá khứ thì thấy rằng đây là cơ hội… “thoát Mỹ”

Ðệ nhất hung đồ gian manh dưới vẻ khật khùng là Bắc Hàn thì cố nhấn tới để kịp hoàn tất khả năng sử dụng võ khí hạch tâm nhằm bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Không kém gian manh nhưng đầy vẻ văn minh là xứ Iran thì khai thác tinh thần hòa giải của chính quyền Barack Obama để cũng đạt “sự đã rồi”: thoát vòng cấm vận thì tiếp tục chế tạo võ khí hạch tâm nhằm tranh đoạt tư thế lãnh đạo khối Hồi Giáo. Liên Bang Nga của Tổng Thống Vladimir Putin có lối tính toán tinh vi hơn: đương khi Hoa Kỳ mắc bận thì củng cố thế mạnh chiến thuật tại Syria để có tư thế đàm phán mạnh hơn với các nước Tây phương về Ukraine và nhân đó chứng tỏ tiềm năng siêu cường đã mất tại nhiều khu vực khác trên địa cầu, từ Âu sang Á. Với sức nặng kinh tế hạng nhì và gánh nợ hạng nhất, Trung Quốc bành trướng khả năng quân sự để thiết lập vùng trái độn quân sự tại Ðông Á với hy vọng gạt Hoa Kỳ sợ chết ra ngoài vòng sinh sát của mình…

Bốn cường quốc đó đều thách đố khả năng can thiệp của nước Mỹ và đẩy các đồng minh của Hoa Kỳ vào thế lưỡng nan, như Nam Hàn, Nhật Bản, Úc, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Turkey, Saudi Arabia, Ai Cập, và nhất là các nước Âu Châu, v.v… Ở giữa, các lực lượng khủng bố Hồi Giáo đều ráo riết tranh đoạt ảnh hưởng và phát huy tinh thần sát nhân trong các xã hội dân chủ Tây phương và Ðông Nam Á để vẽ lại bản đồ thế giới.

Trong khi ấy, khối Euro chưa ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế và Liên Âu vẫn bị khủng hoảng vì di dân mà còn chìm sâu hơn vào phân hóa, với viễn ảnh tiêu điều gấp bội nếu kinh tế toàn cầu lại bị tổng suy trầm nữa vào năm tới. Khi ấy, khối nợ của Hoa Kỳ đã mấp mé 19 ngàn tỷ đô la và lãi suất vẫn bò trên sàn nên chỉ có thể kích thích kinh tế bằng biện pháp đã thất bại là đẩy lãi suất xuống cõi âm, dưới 0%.

Mấy chuyện đáng lo như vậy của thế giới lại ít được cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ quan tâm, cho đến khi các thị trường chứng khoán chào mừng kết quả bầu cử bằng một vụ sụt giá cổ phiếu. Khi ấy, trước nhiều vấn đề ngổn ngang, các ứng viên đắc cử mới tự hỏi vì sao lại muốn làm tổng thống Mỹ.

Nhưng khi ấy, nước Mỹ vẫn phải giải quyết, dù đã lỡ bầu lên người bất xứng. Người ta chỉ lo cho các nước đã lỡ dại trao thân gửi phận cho đệ nhất siêu cường dân chủ.

No comments:

Tạp ghi CẢM ƠN NGƯỜI VIẾT SỬ “Phía Bên Kia” -Điệp Mỹ Linh

https://www.youtube.com/watch?v=KHUUiGLSWkQ Tình Quê Hương của Đan Thọ. Đang đọc tin tức, thấy dấu hiệu có email vừa vào “box”, tôi chuyển s...