Tuesday, January 3, 2017

Biển Đông : Cuộc hải chiến không cân sức giữa Hà Nội và Bắc Kinh - Minh Anh



Tại quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974, ngư dân Việt Nam trên tuyến đầu trước những hành động hung hăng của Trung Quốc: tầu bị đánh đắm, lưới đánh bắt bị cướp, thủy thủ đoàn bị hành hung, thậm chí bị giết chết. Nhưng Hà Nội phải cắn răng giảm nhẹ tình huống, do e sợ các hành động trả đũa.
Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm được kéo về đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 29/05/2014.REUTERS/Stringer

Tại quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974, ngư dân Việt Nam trên tuyến đầu trước những hành động hung hăng của Trung Quốc: tầu bị đánh đắm, lưới đánh bắt bị cướp, thủy thủ đoàn bị hành hung, thậm chí bị giết chết. Nhưng Hà Nội phải cắn răng giảm nhẹ tình huống, do e sợ các hành động trả đũa.

Đây là nội dung bài phóng sự đề tựa « Trận thủy chiến trên Biển Đông » đăng trên tờ Libération ngày 03/01/2017. Bài phóng sự do đặc phái viên Arnaud Vaulerin và phóng viên ảnh Ben Bohane thực hiện nhân một chuyến tác nghiệp báo chí do bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức.

Gương mặt chai sạm vì nắng và gió biển, giọng nghẹn ngào anh Vi, một ngư dân đảo Lý Sơn, kể lại vụ việc ngày 01/11/2016 : « Bọn chúng cướp hết mọi thứ, cắt hết cáp điện và ăng-ten, nhổ cờ Việt Nam và ném hết xuống biển, chỉ để lại cho chúng tôi đủ những gì để đi về ». Rồi anh mô tả lại cảnh bị nhóm lính Trung Quốc làm nhục ra sao : từ việc bắt quỳ gối, tay chắp sau gáy, bị đánh đập, mắng chửi, cho đến bị đe dọa giết chết…

Có lẽ, không ai hiểu được cảm giác ngư dân Lý Sơn « căm ghét và chống Trung Quốc đến dường nào » như lời tâm sự của ông Nguyễn Quốc Chính, chủ tịch Hiệp Hội Nghề Cá Việt Nam. Tính từ năm 2014 đến nay, con số vụ Trung Quốc tấn công và hành hung các ngư dân Việt Nam ngày càng tăng : đánh chìm tầu cá (ít nhất là 18 chiếc), tịch thu lưới đánh bắt và số hải sản đánh bắt được, phá hủy các trang thiết bị như cáp điện, ăng-ten, và hành hung thô bạo ngư dân Việt…

Một điểm khác biệt lớn nữa là trong những năm gần đây, tầu của Trung Quốc xuất hiện ngày một đông đảo và ngang dọc khắp vùng Biển Đông nhưng không phải là để đánh cá như lời khẳng định của anh Vi với phóng viên, nhất là kể từ khi Bắc Kinh cho bồi đắp các rạn san hô và bãi đá ngầm thành những đảo nhân tạo.

ADVERTISING
inRead invented by Teads

Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Trung Quốc sử dụng một lực lượng hùng hậu không và hải quân đến trấn giữ Biển Đông : « Khi chúng tôi đến quần đảo Hoàng Sa, đầu tiên hết là các chiếc máy bay trinh sát bay lượn trên đầu chúng tôi. Hai giờ sau, mấy chiếc tầu chiến đổ ập đến. Chính những ngư dân giả này tấn công chúng tôi bằng đầu tầu bọc vỏ thép và tầu được trang bị kỹ lưỡng, đó là những dân quân biển bán vũ trang. Họ đâm thẳng vào chúng tôi, cắt lưới, bao vây chúng tôi và phá hủy tất cả khi họ lên tầu chúng tôi. Cuối cùng, họ dí súng tiểu liên vào đầu chúng tôi đe dọa những ai không muốn bị quay phim ».

Đôi khi điều tồi tệ nhất cũng đã xảy ra. Ngày 28/11/2016, một ngư dân Việt Nam đã bị bắn chết trên biển. Thế nhưng, chính quyền Việt Nam buộc phải im lặng, giảm thiếu tối đa tình hình, lo sợ một khi « chạm phải nọc ong » thì không có phương cách cứu chữa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Libération, ông Trần Anh Sơn, sử gia và là giám đốc Viện Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội tại Đà Nẵng khẳng định « Việt Nam có đủ bằng chứng để xác quyết chủ quyền và đã từng chuẩn bị kiện Trung Quốc. Nhưng vì Việt Nam duy trì một mối quan hệ quá chặt chẽ trên phương diện hệ tư tưởng và chính quyền Hà Nội e sợ phản ứng thái quá từ Bắc Kinh, trả đũa kinh tế chẳng hạn. Việt Nam lệ thuộc quá nhiều Trung Quốc ».

Nhưng sự nhẫn nhịn đó liệu sẽ kéo dài được bao lâu, khi ngư dân là những người phải hứng mũi chịu sào, những người trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia như khuyến khích của nhà nước Việt Nam ? Ông André Menras, một tình nguyện viên mang hai quốc tịch Pháp-Việt, luôn sát cánh cùng với ngư dân Lý Sơn, e sợ rằng « Một ngày nào đó, một trong số họ sẽ ném trái pháo vào lính Trung Quốc ».

Không được hỗ trợ mạnh về tài chính và sự bảo vệ mạnh mẽ từ chính phủ, ngư dân Việt Nam đôi khi như có cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc thủy chiến âm thầm lặng lẽ này. Tiền bồi thường cho ngư dân quá ít ỏi (khoảng 11300 euro), không đủ mua thuyền mới và trả lương cho thủy thủ đoàn.

Không dám nêu đích danh Trung Quốc, tuần duyên Việt Nam khẳng định đã làm hết mọi khả năng bảo vệ ngư dân trước những " thách thức do các tầu "nước ngoài" gây ra, những chiếc tầu vi phạm luật quốc tế và đến xâm phạm lãnh hải Việt Nam ». Đối với họ, « ngư dân là những người lính biển, họ phải bám biển để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước ».

« Châu chấu đá voi »

Nhưng với chỉ có 20 chiếc tầu chiến, tuần duyên Việt Nam phải vất vả bao quát cả một vùng biển rộng lớn từ Hoàng Sa cho đến Trường Sa. Theo thuyền trưởng Ngô Công Quý, « Để đảm bảo nhiệm vụ, chúng tôi cần ít nhất là 60 chiếc tầu. Ngư dân có lý khi chỉ trích việc chúng tôi thiếu thốn các phương tiện. Khi xảy ra sự cố trên biển, chúng tôi điều hai tầu chiến và phải đối mặt với 35 chiếc tầu dân quân biển Trung Quốc ». Với một hạm đội như thế, rõ ràng Bắc Kinh đã bỏ xa Hà Nội trong cuộc thủy chiến không chút thương tiếc này, bài viết kết luận.

2016 bất trắc, 2017 cũng « phập phồng » lo âu


Một năm 2016 đầy bất trắc vừa khép lại, nhưng những tàn dư của năm cũ vẫn tác động sang năm mới. Vậy « những sự kiện nào vẫn sẽ đánh dấu năm 2017 ? ». Theo nhật báo kinh tế Les Echos, năm nay có đến 11 vấn đề thách thức thế giới.

Đứng đầu danh sách là một ông Donald Trump khó đoán, sẽ làm chao đảo mọi cục diện. Sau khi đã phá tan các quy tắc bầu cử, ông Trump còn dự tính làm đảo lộn cả trật tự thế giới với những phát biểu bốc đồng. Ông đe dọa mở cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran, bỏ rơi các đối tác trong NATO và dự tính một « tuần trăng mật » với Putin. Đến mức, ông Alan Lipman, một trong những người hiếm hoi dự đoán thắng lợi của Trump cho rằng chỉ còn thiếu có nước là hạt « điện tử tự do » này bị hứng chịu thủ tục phế truất do vi phạm an ninh quốc gia nữa mà thôi.

Sau Trump là Putin. Les Echos dự đoán tổng thống Nga sẽ còn xiết chặt luật chơi với phương Tây. Giả dụ như ông Putin có bị cản trở trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, thì ông vẫn có thể tiếp tục điều khiển một chiến lược ở bên ngoài biên giới, hòng trả lại uy thế cho nước Nga trên chính trường quốc tế. Câu hỏi đặt ra, liệu ông Putin, người được « Times » bình chọn là nhân vật quyền lực nhất trên hành tinh, có cảm thấy hài lòng là chủ nhân cuộc chơi tại Syria ?

Nếu như phương Tây không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, ông Putin rất có thể sẽ tiếp tục leo thang. Tại sao không thử trắc nghiệm tình đoàn kết của khối NATO đang trong trạng thái ngờ vực lẫn nhau, mà việc phá tan khối này bằng các chiến dịch gây bất ổn tại các nước vùng Baltic hay Ba Lan chẳng hạn đang là ước mơ cuối cùng của ông ?

Sự kiện thứ ba vẫn gây ra những tác động lớn đến năm 2017 là việc « quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan tiếp tục gây đổ máu trên hành tinh ». Daech và Al Qaida sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công đẫm máu tại các quốc gia Hồi giáo cũng như phương Tây. Năm 2016 kết thúc với 29.300 nạn nhân của các vụ khủng bố hay tàn sát trong khuôn khổ các cuộc nội chiến trên toàn thế giới. Theo các cơ quan tình báo, quân thánh chiến đang lên kế hoạch một « Bataclan » mới tại những nước mục tiêu hàng đầu : Pháp, Hoa Kỳ, Anh quốc hay Đức.

Bên cạnh những sự kiện khác như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, khởi động tiến trình Brexit, hồi kết cho nội chiến Syria, chế độ Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cứng rắn, mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lên nền kinh tế thế giới , thủ tướng Đức Angela Merkel dưới áp lực, các chỉ số phát triển được cải thiện, Les Echos nêu bật việc ông « Tập Cận Bình rõ ràng có ý định kéo dài quyền lãnh đạo đất nước ».

Trên nguyên tắc, năm 2017 ông Tập sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm cuối cùng vai trò lãnh đạo đảng và đất nước. Nhưng trên thực tế, trong hậu trường, ngày càng có nhiều lời xầm xì cho rằng ông còn muốn kéo dài đến tận năm 2022. Đối mặt với sức tăng trưởng ì ạch, ông phải chứng tỏ tính hiệu quả của các chương trình cải cách, chống tham nhũng bằng mọi giá nhưng cũng phải giữ chặt lấy Biển Đông, không để cho Hồng Kông tiến tới độc lập và tiến xa hơn nữa trên những « con đường tơ lụa ».

2017 và năm thách thức cho khu vực đồng euro

Trên lĩnh vực tài chính, Le Monde quan tâm đến năm thách thức cho khu vực đồng euro trong năm 2017. Theo nhật báo, chính tính chất bấp bênh trong chính trị sẽ đè nặng lên tăng trưởng của châu Âu.

Từ đây đến giữa năm, việc chờ đợi các kết quả bầu cử tại Pháp, Hà Lan và Đức, cũng như các cuộc đàm phán về Brexit có lẽ sẽ làm tê liệt phần nào các hoạt động đầu tư tư nhân.

Giá dầu thô tăng, dẫn đến lạm phát trở lại sẽ phải tác động đến tăng trưởng và sức mua của người dân châu Âu. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cũng có thể làm suy yếu Bồ Đào Nha và Ý. Các ngân hàng tại Ý tiếp tục quan ngại về thị trường tài chính.

Bảo vệ Môi trường : Pháp-Mỹ lùi, Trung Quốc tiến

Liên quan đến bảo vệ môi trường, Libération và La Croix mở hai hồ sơ lớn cho thấy hai xu hướng trái ngược nhau đang diễn ra giữa Pháp-Mỹ và Trung Quốc. Trên trang nhất, Libération lo lắng hiện tượng « Thoái lui môi sinh của Pháp và Mỹ ».

Thỏa thuận về khí hậu COP 21 ký kết tại Paris hồi cuối năm 2015 có nguy cơ chết yểu. Việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng với một đội ngũ lãnh đạo nghi ngờ hiện tượng biến đổi khí hậu làm dấy lên nỗi lo một sự thoái lui rõ rệt trong việc bảo vệ môi trường.

Tại Pháp, những vùng ngả sang cánh hữu cũng đang cắt giảm ngân sách tài trợ cho các hiệp hội môi trường, trong khi mà giá dầu thô lại tăng lên. Câu hỏi đặt ra : Không lẽ lại quay về bước khởi đầu ? Tờ báo hy vọng là Không.

Bởi vì các nhà khoa học đều đồng loạt ghi nhận : năm 2016 có lẽ đã phá kỷ lục năm nóng nhất, lần thứ ba liên tiếp. Theo thống kê cuối cùng của Tổ chức Khí tượng Thủy văn Thế giới, đưa ra hồi cuối tháng 12/2016, nhiệt độ trung bình năm 2017 có lẽ sẽ cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) khoảng 1,2°C.

Một quan điểm cũng được NASA và Cơ quan Đại dương và Khí hậu Hoa Kỳ cùng chia sẻ và không ngừng đưa ra báo động về mức kỷ lục nhiệt độ. Bắc Cực là khu vực chịu tác động nhiều nhất. Nhiệt độ tại đây cao hơn so với đầu thế kỷ XX 3,5°C và đã trải qua 12 tháng nóng nhất trong năm qua. Theo các quan sát mới nhất từ trung tuần tháng 10 cho đến cuối tháng 11/2016, mức độ mở rộng tảng băng đã ở mức thấp nhất so với những lần quan sát đầu tiên được thực hiện vào năm 1979.

Nếu như Pháp và Hoa Kỳ đang phớt lờ dần việc bảo vệ môi trường, thì « Trung Quốc đang chuyển sang mầu xanh lá cây », tựa đề hồ sơ dài hai trang rưỡi trên La Croix. Bắc Kinh đang cố hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Với số dân gần 1,4 tỷ người, chiếm đến 20% dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu có 7% nguồn dự trữ nước, trong khi chỉ có 25% nước sử dụng được tái chế so với con số 85% tại các nước phát triển, cùng với nạn ô nhiễm, Trung Quốc quan ngại xảy ra hiện tượng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Ý thức được vấn đề, Bắc Kinh những năm gần đây đã tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ và quy định ràng buộc áp đặt lên các ngành công nghiệp. Được chính quyền trung ương hỗ trợ, nhiều địa phương đã thực hiện chính sách tập trung các ngành công nghiệp ô nhiễm nhất vào một điểm để dễ bề quản lý và xử lý nước và chất thải, mà ví dụ điển hình là khu công nghiệp hóa chất tại Thượng Hải.


http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170103-bien-dong-cuoc-hai-chien-khong-can-suc-giua-ha-noi-va-bac-kinh

No comments:

KHI BẤT NGỜ BỊ NHỒI MÁU CƠ TIM, BẠN CHỈ CÓ 10s VÀNG ĐỂ TỰ CỨU MÌNH... HENRY HOANG

Khi bất ngờ bị nhồi máu cơ tim, bạn chỉ có 10s vàng để tự cứu mình, …… Khi mới xuất hiện hiện tượng nhồi máu cơ tim, rất có thể hiện tượng n...