Monday, January 30, 2017

Đồng minh bất ngờ của Mỹ trong nỗ lực đối trọng với Trung Quốc - Linh Nguyễn




Đồng minh bất ngờ của Mỹ trong nỗ lực đối trọng với Trung Quốc

Lãnh đạo đảng Hindu Sena là Vishu Gupta choàng một vòng hoa lên ảnh Trump trong một buổi lễ tại New Delhi, Ấn Độ. 

Mặc dù Tổng thống Putin và Tổng thống Trump luôn dành cho nhau lời lẽ ấm áp, CNBC phân tích rằng, đồng minh có khả năng giúp Trump đối trọng với Trung Quốc lại không phải Nga.
Quan hệ thân thiết Mỹ - Ấn
Trong những ngày đầu tiên tại nhiệm, ông Trump đã lên kế hoạch điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Như vậy, ông Modi sẽ trở thành một trong số nguyên thủ quốc gia đầu tiên trao đổi với Trump sau lễ nhậm chức, CNBC đăng tải. 
Vào tối thứ Ba (24/1), Nhà Trắng đưa ra thông cáo chính thức rằng Trump và Modi đã "bàn luận về các cơ hội tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực lớn như kinh tế và quốc phòng."
Nguồn tin thân cân với thủ tướng Ấn Độ cho hay, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo tập trung vào quốc phòng. Nhà Trắng hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ CNBC.
Việc xúc tiến quan hệ với Ấn Độ đã được thực hiện từ thời Tổng thống Barack Obama, do chính quyền của ông tin rằng quốc gia này có khả năng giúp Mỹ hạn chế tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Theo CNBC, Trump có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác này. 
Các chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định rằng, Washington cần Ấn Độ không chỉ nhằm mục đích trên, mà còn giúp Mỹ khẳng định một thế lực chắc chắn tại châu Á. 
Trong bối cảnh Trump rời khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), phần việc này càng trở nên quan trọng. Khối thương mại tự do có Mỹ ở vị trí trung tâm này có thể đã giúp Mỹ nắm chắc trong tay vị thế lãnh đạo châu Á. Tuy nhiên, khi TPP bị gạt bên lề, Trung Quốc đã lập tức tiến vào lấp đầy khoảng trống. 
"Nhiều nhà chiến lược Mỹ coi sự trỗi dậy của Ấn Độ là liều thuốc cân bằng tự nhiên với Trung Quốc, và có lợi cho Mỹ," theo Sasha Riser-Kositsky, nhà phân tích châu Á tại Eurasia Group. 
"Trong khoảng 10 năm qua, chính sách Mỹ phần lớn tuân theo logic này, giúp thắt chặt quan hệ cộng tác chưa từng có với Ấn Độ trong năng lượng hạt nhân, phát triển công nghệ quốc phòng mà không yêu cầu Ấn Độ đáp lại."
An ninh và kinh tế trong khu vực Nam - Trung Á
CNBC nhận xét, Ấn Độ là nước rất hiếm khi can thiệp vào các xung đột không trực tiếp liên quan đến quốc gia này. Tuy nhiên cùng lúc đó, trong chuyến viếng thăm Washington của Thủ tướng Modi vào năm tới, nhà lãnh đạo Ấn Độ có thể sẽ muốn Trump có động thái ủng hộ nỗ lực chống khủng bố của New Delhi. 
Thái độ của Trump về Ấn Độ - và Thủ tướng Modi - luôn tích cực. Giới phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Washington và New Delhi trong các năm tới, và nâng tầm vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế - vốn là mục tiêu quan trọng đối với Modi.
Suốt nhiều năm, Ấn Độ luôn là thị trường đang lên hấp dẫn thứ hai đối với giới đầu tư, xếp sau Trung Quốc, CNBC đăng tải.
Vẫn còn khả năng xung đột?
Theo CNBC, Trump và Modi có thể bất đồng quan điểm về nhập cư. Ấn Độ là quê hương của nhiều công ty công nghệ có quan hệ đối tác với các công ty Mỹ - có nghĩa là họ thuê người Ấn Độ để làm những phần việc trước đây do người Mỹ đảm nhiệm. 
Các công ty Ấn Độ cung cấp nhân lực trình độ cao ở mức giá rẻ hơn nhân công Mỹ. Trong khi đó, Trump lại là vị Tổng thống ủng hộ việc bảo vệ việc làm cho người Mỹ mạnh mẽ nhất suốt nhiều thập kỷ qua. 
M.R. Rangaswami, nhà sáng lập Indiaspora - cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ - trả lời CNBC: "Hai quốc gia cũng cần giải quyết vấn đề thuê nhân công ngoài làm công nghệ thông tin."
"Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng phải giữ việc làm cho người Mỹ, trong khi Ấn Độ lại là nơi có nhiều công ty thuộc Fortune 500 trực tiếp cung cấp nhân công ngoài làm IT. Phần lớn số thị thực H-1B - giúp người nước ngoài làm việc ngắn hạn tại Mỹ - đưa nhân lực người Ấn Độ vào Mỹ để làm việc."
"Có khả năng vấn đề này sẽ gây ra một số căng thẳng cho lãnh đạo hai nước," CNBC dẫn lời Rangaswami. 

Mai Luong chuyen

No comments: