Sunday, January 15, 2017

Hoàng Sa: Tường thuật của Biệt Hải Nguyễn Châu (HQ-4)

fc8ed-4a

Trở lại việc Biệt Hải tham chiến Hoàng Sa, trong thời gian tôi đang nghỉ phép vào một buổi sáng đẹp trời thì nhận được lệnh từ Bộ Chỉ Huy Biệt Hải nhắn, cho biết phải cấp tốc trở về trình diện đơn vị gấp để chuẩn bị đi công tác.
Phòng Vệ Duyên Hải
Sau khi chương trình Việt Nam hóa chiến tranh được thành hình thì Trung Ðội Dân Sự Chiến Ðấu đóng ở trên đồi Hoa Sim được giải tán. Trung Ðội này trước đây chuyên lo phụ trách về vấn đề phòng thủ an ninh những nơi như Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH/NKT/BTTM), Căn Cứ Trần Hưng Ðạo của Lực Lượng Hải Tuần và Trại 9 của Lực Lượng Biệt Hải (còn gọi là Blackrock). Ðồi Hoa Sim sau đó được chuyển giao cho các toán Biệt Hải, còn Trại 9 của Biệt Hải ở Sơn Trà thì được Bộ Chỉ Huy Biệt Hải bàn giao lại cho các Chiến Ðoàn Công Tác, thuộc Nha Kỹ Thuật/BTTM trú đóng.
https://i1.wp.com/www.mcb53.com/pagevietnam/vietnamwarphotos/camptienshaentrance.jpg
Từ trong ngã ba Tiên Sa (Ðà Nẵng) đi ra, vừa qua khỏi trạm gác Ðài Kiểm Báo Không quân (còn gọi là Cầu Trắng) là trông thấy căn cứ Ðồi Hoa Sim, được đặt trên một mỏm núi khá thấp, nằm về bên phải và cách Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải của Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại một con đường. Trước đây, Phó Ðề Ðốc Thoại đã từng là Chỉ Huy Trưởng của Sở Phòng Vệ Duyên Hải khi còn ở cấp bậc đại tá. Trái ngược với một số tin tức bên ngoài đơn vị cho rằng Lực Lượng Biệt Hải (LLBH) đã được giải thể khi Hoa Kỳ rút quân về nước năm 1972, thực tế đã cho chúng ta thấy rằng sau khi được dời về trú đóng trên Ðồi Hoa Sim, các công tác hoạt động của Lực Lượng Biệt Hải vẫn còn tiếp tục và trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải/Nha Kỹ Thuật cho đến ngày cuối cùng. Bằng chứng là sau ngày đi công tác Hoàng Sa về ngày 10-4-1974, tôi nhận được văn thư của Sở mang số 0259/TTM/NKT/SPVDH/CTCT, tuyển chọn tôi (Nguyễn Châu) trong số 132 chiến sĩ xuất sắc nhất của QLVNCH trên toàn quốc để về thủ đô Sài Gòn tham dự ngày Quân Lực 19-6-1974.
Trở lại việc Biệt Hải tham chiến Hoàng Sa, trong thời gian tôi đang nghỉ phép vào một buổi sáng đẹp trời thì nhận được lệnh từ Bộ Chỉ Huy Biệt Hải nhắn, cho biết phải cấp tốc trở về trình diện đơn vị gấp để chuẩn bị đi công tác. Kinh nghiệm trước đây cho tôi biết mỗi lần được gọi khẩn cấp như thế này thường là những công tác hết sức khó khăn, chẳng hạn như chuyến đi cứu các phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi tại sông Cam Lộ, Quảng Trị-Ðông Hà vào tháng 4 năm 1972 trong Mùa Hè đỏ lửa. Lúc đó, toán của tôi chỉ có năm, sáu người nhưng đã phải len lỏi qua mặt mấy Sư Ðoàn Bắc Việt đi vào địa điểm công tác để đưa được hai phi công Hoa Kỳ trở ra an toàn, mãi cho đến nay vẫn còn hú vía! Sau khi nhận được tin lòng tôi cứ thấp thỏm suy nghĩ, không biết chuyện gì đã xẩy ra? Tôi vội mang quần áo, hôn phớt các con rồi từ giã bà xã lặng lẽ ra xe. Khi vào đến trại thì mới biết anh em trong toán đang chuẩn bị súng đạn xuống tàu để ra công tác Hoàng Sa trong vài giờ tới.
Chuyến đi này tổng cộng có 24 nhân viên Biệt Hải, trong số đó có Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải Thiếu Tá Hồ Xuân T., Trưởng Toán Nguyễn N. và tôi, toán phó kiêm tiền sát viên toán, tất cả đều trang bị toàn súng AK-47. Ngoài ra, mỗi người còn được phép mang thêm mấy khẩu M-72. Ðược biết chiếc HQ-4 Trần Khánh Dư sẽ phụ trách chở toán Biệt Hải của chúng tôi tới địa điểm công tác. Trong khi toán nhận lệnh đi Hoàng Sa thì tôi không có mặt ở trong trại. Do đó, trước khi sắp sửa lên xe, tôi được Chỉ Huy Trưởng T. và Trưởng Toán N. cho biết sơ qua tình hình trên các hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ðược biết trên các hải đảo này hiện đang có một Trung đội Ðịa Phương Quân và một số chuyên viên khí tượng của VNCH trú đóng. Lần này, toán Biệt Hải nhận lệnh đổ bộ để lấy lại chủ quyền và kiểm soát các vị trí trên đảo, nơi đang có những đơn vị của Hải Quân Trung Cộng chiếm giữ.
fc8ed-4a
Chiếc Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 do Hạm Trưởng Vũ Hữu San được lệnh khởi hành, rời bến tàu Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải vào sáng sớm hôm đó. Ðến xế chiều thì vị trí của tàu không còn cách xa hải đảo Hoàng Sa là bao. Nghĩa là hiện chiếc HQ-4 đang nằm trong phạm vi của nhóm đảo Cam Tuyền và Quang Hòa. Vào buổi chiều cùng ngày, 17 tháng Giêng năm 1974, Khu Trục Hạm HQ-4 đã bắt gặp 2 giang thuyền của Hải Quân Trung Cộng, đang giả dạng làm các ghe thuyền đánh cá. Trên đài chỉ huy, Hạm Trưởng liền cho tàu chạy đến gần để tìm cách kiểm soát. Trong khi đó toán Biệt Hải cùng một số thủy thủ, tất cả đứng trên thành tàu chăm chú theo dõi đều nhận thấy 2 giang thuyền Trung Cộng có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Ngay lúc đó, Ðài Chỉ Huy trên HQ-4 phóng loa kêu gọi 2 giang thuyền Trung Cộng ngừng lại nhưng họ vẫn tỉnh khô và phớt lờ! Trong ý tưởng của anh em Biệt Hải lúc ấy rất muốn được cấp trên cho phép nhảy xuống để làm phận sự lục soát các giang thuyền này, tương tự như những chuyến Loky soát ghe bắt người tại vịnh Bắc Việt trước đây.
Lúc này, chiếc HQ-4 và một chiếc giang thuyền của Trung Cộng đều đã chạy chậm lại, khoảng cách cuối cùng cách nhau không quá một thước! Tuy nhiên, lệnh của Hạm Trưởng không cho anh em nhảy xuống tầu Trung Cộng lục soát. Bất thình lình, một con sóng lớn ập đến khiến hai chiếc tàu húc mạnh vào nhau. Chiếc tầu của Trung cộng thấp hơn nên lan can tầu của chúng bị hư hại khá nặng. Do đó, các thủy thủ Trung Cộng dưới tàu nổi nóng, một số xắn cao tay áo, còn một số thì cởi hẳn áo ra vất xuống sàn tàu, ra dấu thách thức thủy thủ và toán Biệt Hải chúng tôi nhảy xuống đánh tay đôi với chúng. Ðứng trên tàu, toán Biệt Hải thấy vậy liền cởi áo và kêu gọi đám thủy thủ Trung Cộng ở dưới tầu trèo lên nếu chúng muốn đọ sức. Ðây là màn khẩu chiến đầu tiên trong buổi chiều hai bên gặp nhau! Sau đó, chiếc HQ-4 và giang thuyền Trung Cộng tiếp tục tìm cách chạy ghìm nhau một lúc lâu mới dứt.
Hôm sau, ngày 18-1-74 lúc xế trưa, toán Biệt Hải gồm 24 người, có cả Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải đi theo, tất cả súng đạn đầy đủ nhận lệnh xuống 3 chiếc hobo thẳng hướng chạy vào đổ bộ lên đảo Cam Tuyền (Robert). Sau khi đi lục soát một vòng không thấy có quân Trung Cộng trú đóng, toán Biệt Hải đã khám phá và tịch thu được một lá cờ của Trung cộng hơi cũ, cùng một tấm bảng chủ quyền viết bằng chữ Hán, nét mực còn mới cắm trên đảo trước khi toán Biệt Hải đổ bộ vào. Ngoài ra, không còn thấy dấu vết gì khác, ngoại trừ những cây cối lưa thưa mọc cao không quá đầu người và một số cỏ gai nhọn chết khô lâu ngày, được gió biển cuốn tròn nằm lăn lóc trên mặt đất san hô và vô số phân chim! Tất cả những chi tiết trên đảo đã được vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải thông báo ra cho Hạm Trưởng ngoài tầu biết. Sau khi toán Biệt Hải đi ra và lên hết trên tầu rồi thì một số anh em Hải Quân lại được lệnh đổ bộ vào để canh giữ đảo Cam Tuyền. Chiếc HQ-4 được lệnh tiếp tục chạy sang hải phận của đảo Quang Hòa (Duncan). Suốt đêm đó, trên tầu đã cho mở nhiều bản nhạc hùng ca, toàn lời hay ý đẹp như để nhắc nhở bổn phận của người lính Hải Quân/QLVNCH phải hết sức giữ gìn lãnh hải và hải đảo Hoàng Sa do tiền nhân để lại, dù có phải hy sinh tánh mạng đã làm nức lòng người nghe, trong đó có toán Biệt Hải chúng tôi.
Sáng sớm ngày 19 Tháng Giêng năm 1974, lúc 5 giờ 40 sáng, toán Biệt Hải tiếp tục nhận lệnh đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan). Toán Biệt Hải của chúng tôi đã vào được đến bờ nhưng trời còn tối nên tất cả được lệnh nằm trên bờ biển chờ trời sáng. Phần lính gác Trung Cộng có lẽ không ngờ toán Biệt Hải đổ quân ban đêm nên không để ý và không hay biết gì cả. Trước khi xuống thuyền vào đảo, chúng tôi được cấp trên cho biết trên đảo hiện đang có quân Trung Cộng trú đóng. Ðến nơi, thừa lúc trời còn tối, tôi liền dẫn vài anh em đi một vòng lục soát trong phạm vi của toán, để có gì khi đụng trận sẽ dễ dàng bảo vệ nhau hơn. Lúc 7 giờ 30 sáng, khi mặt trời hướng Ðông bắt đầu ló dạng, tôi, trong nhiệm vụ tiền sát đi đầu mon men dò dẫm đã phát giác ra được một giao thông hào do quân Trung cộng đào sẵn. Tôi tiếp tục dẫn toán đi lên, nhưng vừa đi được khoảng 60 hoặc 70 thước thì gặp quân của Trung cộng đang đứng chận đầu. Hai bên thấy mặt nhau nhưng không bên nào nổ súng! Phía trước mặt, hiện chúng tôi đã nhận diện được quân số của Trung Cộng khá đông, tất cả chúng đều nằm dưới các hầm phòng thủ trong tư thế sẵn sàng tác chiến, chăm chú nhìn chúng tôi ra vẻ nghi ngờ, không biết chúng tôi là phe nào? Lý do là vì cách trang phục của toán Biệt Hải hao hao giống bộ đội du kích Bắc Việt, kể cả vũ khí trang bị.
Khi khoảng cách hai bên cách nhau không tới 4 mét thì vào lúc này, một số cấp chỉ huy và lính Trung Cộng rời hầm phòng thủ vừa đi ra, vừa nói bằng tiếng Hoa và đồng thời lấy tay ra dấu đuổi toán Biệt Hải chúng tôi rời khỏi phạm vi hải đảo. Ý chúng muốn nói đảo Quang Hòa thuộc chủ quyền của Trung cộng, muốn chiếm thì đi sang đảo khác! Ngược lại, toán Biệt Hải của chúng tôi cũng ra dấu đáp trả, ý nói đảo nầy thuộc chủ quyền của VNCH, quân Trung cộng phải rời khỏi đảo. Một bên tiếng Tầu, một bên tiếng Việt, lúc đầu không ai hiểu ai. Có lúc lời qua tiếng lại rất hăng, hai bên đã quơ tay đụng nhau. Rất may, trong toán Biệt Hải có một người Việt gốc Hoa tên Trần A Lộc, nói và hiểu được tiếng Hoa sành sỏi đứng ra thông dịch. Nãy giờ, hai bên đứng khẩu chiến với nhau đã gần một tiếng. Tình thế lúc bấy giờ hết sức căng thẳng, nhất là quân Trung Cộng nhờ sự thông dịch biết được toán Biệt Hải chúng tôi đang đứng trước mặt quyết tâm dành lại chủ quyền trên đảo của chúng. Một số lính Trung Cộng liền có thái độ rất hung hăng, nhưng rất may cuộc chạm súng của đôi bên đã không xẩy ra. Nếu không, sự thiệt hại của Biệt Hải chắc chắn không phải là nhỏ. Thấy vậy, Trưởng Toán N. liền hội ý với vị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải và ông đã gọi ra tầu, báo cáo cho Hạm Trưởng để trình bày sự việc. Ngoài tầu lệnh cho toán Biệt Hải rút lui. Trước khi đi, tôi đã tìm một nhánh cây khô buộc lá cờ VNCH vào rồi cắm xuống trước mặt bọn chúng.
Ít phút sau, toán Biệt Hải xuống thuyền đi ra được nửa chừng thì gặp toán Hải Kích của Trung Úy Ðơn từ ngoài chạy vào. Chúng tôi liền mở máy liên lạc và cho Trung Úy Ðơn biết tình hình của quân Trung cộng ở trên bờ. Sau khi toán Biệt Hải lên được tầu HQ-4 thì bỗng nhiên nghe tin toán Hải Kích của Trung Úy Ðơn vừa có hai người bị tử thương ở phía ngoài bờ biển. Biết tình thế hiện tại thế nào cũng đánh nhau, tôi xin đề nghị Chỉ Huy Trưởng Biệt Hải lên đài chỉ huy trình với Hạm Trưởng: Khi nào sẵn sàng khai hỏa thì cho HQ-4 chạy sát gần tầu của Trung Cộng, khoảng cách từ 50m đến 100m để toán Biệt Hải chúng tôi dùng M-72 bất ngờ triệt hạ các tàu của chúng. Theo ý tôi, đây là cơ hội bằng vàng để tiêu diệt bọn lính Trung Cộng, nhưng cuối cùng ý kiến của tôi đã không được Hạm Trưởng chấp thuận. Ngoài ra, Hạm Trưởng còn cho biết khi nào có hải chiến thì sẽ dùng súng lớn và chạy cách xa tầu Trung cộng khoảng 300m.
Ðến khoảng hơn 10 giờ sáng thì lệnh khai hỏa bắt đầu. Khẩu đại bác 76 ly của HQ-4 ở giữa boong, gần đầu mũi tầu chỉ bắn được 9, 10 quả đạn thì bị trở ngại tác xạ! Ngay lúc đó, tôi bị một mảnh đạn văng trúng vào đầu, máu chẩy xuống che đầy hai mí mắt. Tôi vội đứng nấp sau khẩu súng lớn đã bị hư hại, lấy khăn lau sạch vết thương rồi tìm y tá nhờ băng bó, và sau đó trở lại vị trí các ổ súng lớn trợ giúp các pháo thủ. Trong lúc 2 bên đang giao tranh dữ dội, quay mặt lại, tôi thoáng thấy Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng bị thương khá nặng, đang được anh em dìu vào phía trong. Cuộc hải chiến tiếp tục mãi cho đến 30 phút sau mới chấm dứt. Chiếc HQ-4 được lệnh rời khỏi vùng chiến, quay mũi theo hướng Nam đi về Ðà Nẵng. Khi tầu đã đi được hơn mấy tiếng đồng hồ và đã khá xa quần đảo Hoàng Sa thì bỗng nhiên không hiểu vì một lý do gì, HQ-4 lại được lệnh phải trở lại vùng hải chiến với tàu của Trung Cộng lúc buổi sáng! Tôi đoán lúc đó vào khoảng 1 giờ trưa.
Nghe tin này, một số anh em bị thương nặng tỏ vẻ xúc động. Một số anh em khác tuy bị thương nhưng còn khả năng tác chiến thì được lệnh sẵn sàng trở vào vị trí. Toán Biệt Hải lúc ấy được đặt dưới quyền của Hạm Trưởng, đưa bổ sung vào các chỗ khiếm khuyết trên tầu tùy theo khả năng. Phần tôi tuy bị thương nhưng vẫn được giao sử dụng một cây đại liên 50. Sau khi nhận lệnh, chiếc HQ-4 quay đầu trở lại theo hướng Ðông-Bắc, trực chỉ quần đảo Hoàng Sa để tái nhập cuộc. Tuy nhiên sau khoảng hơn một tiếng hải hành, HQ-4 lại được lệnh quay trở về Ðà Nẵng lần thứ nhì! Toán Biệt Hải chúng tôi nghe loáng thoáng lý do đang có máy bay MIG và tầu chiến của Trung Cộng từ Hải Nam bay qua trợ chiến quân đội của chúng trên quần đảo Hoàng Sa.
Mãi cho đến sau này, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi mới biết được nội vụ của lý do khiến chiếc HQ-4 phải đột ngột quay trở lại Ðà Nẵng lần thứ nhì như sau: “Tùy viên quân sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn (DAO) cho biết radar của Ðệ Thất Hạm Ðội ghi nhận một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG của Trung Cộng từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa sau đó yêu cầu Ðệ Thất Hạm Ðội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm của Việt Nam Cộng Hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa (Kiem Do and Julie Kane, Counterpart, A South Vietnamese Naval Officer’s War – Ðất Mẹ)”.
Khi HQ-4 đang trên đường xuôi Nam thì Biệt Hải Nguyễn Văn Vượng từ trần. Một phần vì vết thương anh quá nặng, phần nữa vì trên tầu thiếu phương tiện và thuốc men cấp cứu nên anh đã vĩnh viễn ra đi, để lại người vợ cưới chưa được bao lâu và đứa con chưa tròn năm tuổi. Cuộc hải chiến hào hùng của các chiến sĩ Hải Quân, các toán Hải Kích Người Nhái và toán Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Nha Kỹ Thuật tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 đã nói lên ý chí và sự quyết tâm của người lính QLVNCH, quyết chiến đấu để giữ gìn lãnh hải do Tiền Nhân để lại, không bao giờ sợ hãi trước đoàn quân xâm lăng của Trung Cộng.
Nguồn: Phongveduyenhai
http://nhinlaihoangsa.blogspot.com.au/2015/06/tuong-thuat-cua-biet-hai-nguyen-chau-hq.html

Trich HaiNgoaiPhiemDam.net

No comments:

KHI BẤT NGỜ BỊ NHỒI MÁU CƠ TIM, BẠN CHỈ CÓ 10s VÀNG ĐỂ TỰ CỨU MÌNH... HENRY HOANG

Khi bất ngờ bị nhồi máu cơ tim, bạn chỉ có 10s vàng để tự cứu mình, …… Khi mới xuất hiện hiện tượng nhồi máu cơ tim, rất có thể hiện tượng n...