Hai chiến đấu cơ B-1B Lancers của Không quân Mỹ đã tới căn cư Andersen Air Force Base, Guam, hôm 8 tháng 6/2017 và bay chuyến bay huấn luyện chung lâu 10 giờ trên Biển Đông trong tập trận phối hợp với khu trục hạm có dàn phi đạn Sterett của Hải quân Mỹ.
Vấn đề là, Trung Quốc có kinh hoảng chăng?
Hình như không... vì bản tin RFI ghi rằng nhà nước Bắc Kinh ngày 09/06/2017 cho biết đang theo dõi các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên Biển Đông. Thông báo này được đưa ra sau việc Mỹ điều hai máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B từ đảo Guam đến vùng biển đang tranh chấp để tập huấn.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tuy không nêu tên Hoa Kỳ, ghi rằng: “Trung Quốc luôn duy trì cảnh giác và theo dõi hiệu quả các hoạt động quân sự của một nước có liên quan tại Biển Đông”. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhắc nhở: “Quân đội Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như hòa bình và ổn định khu vực”.
Trung Quốc đã có phản ứng như trên sau khi Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ trên trang mạng thông báo không quân Mỹ ngày 06/06 vừa qua đã điều hai máy bay ném bom B-1B từ đảo Guam đến Biển Đông. Hai chiến đấu cơ này đã tiến hành 10 giờ bay tập huấn trong khuôn khổ chương trình đào tạo chung với tàu khu trục USS Sterett có trang bị tên lửa dẫn đường.
Trong khi đó, nhà nước Philippines đã lạnh cẳng rồi.
Bản tin ABS-CBN từ Manila ghi lời đặc sứ của Tổng Thống Rodrigo Duterte là Jose de Venecia Jr., hôm Thứ Hai nói rằng chương trình khoan dầu chung ở Biển Đông là giải pháp thực tế nhất để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
JVR nguyên là cựu Chủ Tịch Hạ Viện Quốc Hội Philippines, nói rằng hợp tác nhiều quốc gia là hợp lý, vì:
“Tại sao chúng ta sẵn lòng chiến tranh, tại sao Trung Quốc sẵn lòng chiến tranh, tại sao Đaì Loan sẵn lòng chiến tranh khi chúng ta có thể có một cuộc thương thuyết thực tế, hợp lý ở Biển Đông, nơi mọi người tham dự?”
Ông nói, “Sau cùng, tất cả dầu này, biển này là Thượng Đế cho chúng ta, không chỉ sở hữu của TQ, hay Philippines, hay Taiwan, hay Việt Nam...”
Trong khi đó, bản tin NHK từ Tokyo cho biết Nhật Bản sẽ quyết định hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
Bộ Phòng vệ Nhật Bản dự kiến trong vài tháng tới sẽ quyết định biện pháp nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản.
Hiện nay, Nhật Bản đang triển khai tàu khu trục được trang bị tên lửa đánh chặn và hệ thống ra-đa tối tân Aegis, cùng với tên lửa PAC-3 trên mặt đất.
Để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa, bộ đang nghiên cứu hiệu quả về mặt chi phí của việc sử dụng phiên bản trên mặt đất của hệ thống Aegis, còn được gọi là "Aegis Ashore", và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa ở độ cao cao hơn so với tên lửa PAC-3.
Bộ Phòng vệ cho biết sẽ đưa ra quyết định sau khi phân tích nhu cầu phòng vệ của đất nước trước tình hình Bắc Triều Tiên đạt được tiến bộ công nghệ qua các vụ thử tên lửa đạn đạo mà nước này liên tiếp tiến hành.
Trong khi đó, một bản tin VOA ghi lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Ông Vương đưa ra lời kêu gọi này tại một cuộc họp báo chung với người đồng cấp từ phía Singapore Vivian Balakrishman ở Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Vương nói Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý về một hiệp định khung cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông hôm 18/5 trước thời hạn được ấn định. Việc tư vấn về những điều kiện tiên quyết cho một môi trường an toàn và loại bỏ sự can thiệp từ mọi phía đã diễn ra thuận lợi, theo ghi nhận của Reuters.
Người đứng đầu Bộ ngoại giao Trung Quốc nói vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã ra một tuyên bố chung về việc tiến hành đầy đủ và hiệu quả của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuyên bố này quy định rằng những tranh cãi về các đảo Vĩnh Viễn (tiếng Anh là Nanshan) cần được giải quyết một cách ôn hòa bằng thương lượng giữa các bên có liên quan trực tiếp.
Đặc biệt, bản tin RFI ghi nhận chuyển biến: Trái với lập trường cố hữu luôn xem mọi hoạt động của Ấn Độ tại Biển Đông là khiêu khích, Bắc Kinh bất ngờ ủng hộ kế hoạch dự báo sóng thần của Ấn Độ tại vùng biển này với lý do « vì quyền lợi chung của các bên ». Hãng thông tấn Ấn Độ IANS cho biết như trên trong bản tin 11/06/2017.
Trả lời câu hỏi của IANS về dự kiến của Ấn Độ thành lập một hệ thống nghiên cứu báo động sóng thần ở Biển Đông, bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng «Trung Quốc và các nước liên can đã lập những cơ sở tuân thủ theo yêu cầu của các cơ quan Liên Hiệp Quốc». Do vậy, các bên cũng có thể «thảo luận vấn đề hợp tác dựa trên những cơ sở sẵn có».
Năm 2016, Trung Quốc loan báo xây dựng trung tâm báo động sóng thần tại Biển Đông trong bối cảnh bị lên án quân sự hóa khu vực tranh giành chủ quyền với Việt Nam và Philippines.
Nói cách khác, để có thể tiến hành nghiên cứu sóng thần ở Biển Đông, Ấn Độ phải thương lượng và nhìn nhận Trung Quốc là chủ nhân của vùng nghiên cứu.
IANS nhắc lại Trung Quốc luôn bực tức vì hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam (bloc 128). Tháng 05/2017, một «chuyên gia» của quân đội Trung Quốc còn phản đối Ấn Độ tập trận chung với Singapore ở Biển Đông, xem như một thái độ khiêu khích chủ quyền Trung Quốc.
Nhiều bí ẩn.
Một bản tin khác của VOA cho biết ngư dân Việt đang quậy phá vùng biên các nước khác. Cụ thể là vùng biển Papua New Guinea:
“Trong phòng xử án chật cứng những bị cáo vào một ngày đầu tháng Ba, 50 ngư dân Việt Nam lần lượt bước lên đối diện chánh án Tòa án Quốc gia Waigani của Papua New Guinea để nghe cáo trạng. Họ không có luật sư biện hộ và chỉ hiểu được chuyện gì đang diễn ra nhờ một nữ tu Công giáo người Việt thông dịch. Rồi từng người họ nhận tội.
Nhà chức trách Papua New Guinea bắt giữ những người đàn ông này vào cuối tháng 12 năm ngoái khi họ đang đánh bắt hải sâm trong vùng biển phía đông nam của nước này mà không có giấy phép hợp lệ. Cả 48 thuyền viên và 2 thuyền trưởng bị tuyên án bốn năm tù giam cùng lao động khổ sai nếu họ không nộp khoản tiền phạt hơn 6.000 đôla mỗi thuyền viên và gần 50.000 đôla mỗi thuyền trưởng.
Dù tới nay 43 thuyền viên đã nộp tiền phạt và được hồi hương, án tù và mức tiền phạt là lời cảnh cáo không khoan nhượng của Papua New Guinea đối với những tàu cá Việt đã liên tục xuất hiện trong vùng biển nước này khoảng ba năm gần đây để đánh bắt trộm hải sâm, loài sinh vật biển được tiêu thụ phần lớn ở các thị trường Châu Á để làm thuốc và chế biến những món cao lương mỹ vị.
Nhưng Papua New Guinea không phải là điểm đến duy nhất.
Với màu sơn xanh da trời đặc thù, những chiếc tàu gỗ nhỏ phần lớn xuất phát từ Quảng Ngãi giờ đang tỏa rộng khắp khu vực tây nam Thái Bình Dương và tiến sâu vào vùng duyên hải của những nước như Palau, Liên bang Micronesia, Úc, New Caledonia, Quần đảo Solomon và Vanuatu, vượt qua những chặng đường có khi hơn 10.000 km.”
Nghĩa là, Trung Quốc chiếm biển Việt Nam, và ngư dân Việt sang biển nước khác để trộm.
No comments:
Post a Comment