Friday, June 23, 2017

USS Gerald R. Ford, hàng không mẫu hạm $13 tỷ

Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford (CVN-78) chạy thử chuyến đầu tiên ra biển ở Newport News, Virginia, hôm 8 Tháng Tư. (Hình: Ridge Leoni/US Navy via Getty Images)
Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có lực lượng 10 hàng không mẫu hạm nguyên tử trị giá mỗi chiếc $4.5 tỷ. Chiếc mới nhất và đắt tiền nhất, USS Gerald R. Ford (CVN-78), trị giá $13 tỷ, sẽ được chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 22 Tháng Bảy, trong một buổi lễ tại quân cảng Newport News, Virginia.
Theo tạp chí Defense, ngân sách quốc phòng Mỹ bằng tổng cộng tám nước đứng đầu thế giới, gấp ba lần Trung Quốc, chín lần Nga, 10 lần Saudi Arabia, 11 lần Ấn Ðộ và Pháp,… Với chi phí khổng lồ ấy, Mỹ có thể trang bị những hệ thống vũ khí tốn tiền nhất như là hàng không mẫu hạm. Trong vòng một thế kỷ, Hải Quân Mỹ dùng khoảng 80 hàng không mẫu hạm. Ngoài những chiếc bị đánh đắm trong chiến tranh, phần lớn đã giải nhiệm vì quá cũ hay lỗi thời, đem bán sắt vụn hoặc được giữ lại làm viện bảo tàng nổi như USS Midway ở San Diego.
Những hàng không mẫu hạm thế hệ cũ dùng nhiên liệu dầu lửa, kể cả những siêu hàng không mẫu hạm lớp USS Forrestal (CV-59) sử dụng từ 1955 đều đã được giải nhiệm. Chiếc cuối cùng, USS Kitty Hawk (CV-63), giải nhiệm năm 2009. Hầu hết các hàng không mẫu hạm này đã góp phần trong chiến tranh Việt Nam.
Hải Quân Mỹ cho rằng cần có tối thiểu 11 hàng không mẫu hạm trong đó hai chiếc triển khai thường trực ở vùng Thái Bình Dương và Trung Ðông, đồng thời phải để cho thủy thủ đoàn luân phiên nghỉ ngơi sau mỗi chuyến công tác dài sáu hoặc bảy tháng. Chi phí hoạt động của mỗi hàng không mẫu hạm với thủy thủ đoàn trên dưới 5,000 người là rất tốn kém nên Quốc Hội cũng chỉ chấp thuận con số hiện dịch là 11 chiếc.
Sau khi chiếc hàng không mẫu hạm nguyên tử đầu tiên, USS Enterprise (CVN-65), được giải nhiệm sau 50 năm hoạt động (1962- 2013), Hải Quân Mỹ chỉ còn 10 chiếc CVN – ký hiệu CV (Carrier Vessel) chỉ hàng không mẫu hạm, và N (Nuclear) là vận hành bằng năng lượng nguyên tử.
Tất cả 10 hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện nay đều thuộc lớp Nimitz. USS Nimitz (CVN-68) là chiếc đầu tiên được đưa vào hoạt động từ 1975, và chiếc cuối cùng thuộc lớp Nimitz là USS George H.W. Bush (CVN-77) năm 2009. Tám chiếc khác quen biết qua các tin tức thời sự hiện nay là USS Dwight Eisenhower (CVN-69), USS Carl Vinson (CVN-70), USS Theodore Roosevelt (CVN-71), USS Abraham Licoln (CVN-72), USS George Washington (CVN-73), USS John C. Stennis (CVN-74), USS Hary S. Truman (CVN-75), USS Ronald Reagan (CVN-76).
Mỗi siêu hàng không mẫu hạm này có trọng tải trên 100,000 tấn, chiều dài 300 mét và chiều ngang 77 mét, vận tốc trên 30 gút (hải lý/giờ), thủy thủ đoàn hơn 3,000 người cùng nhân sự 2,400 người thuộc phân đoàn máy bay. Trung bình các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz mang theo từ 80 đến 90 máy bay cánh thẳng và trực thăng.
Tiếp theo lớp Nimitz, Hải Quân Mỹ đặt chế tạo một thế hệ hàng không mẫu hạm mới với nhiều tính năng hiện đại hơn. Chiếc đầu tiên, USS Gerald R. Ford, khởi công đóng năm 2009, và chiếc thứ nhì USS John F. Kennedy, đóng năm 2011. Hàng không mẫu hạm thế hệ Gerald Ford có trọng tải trên 100,000 tấn, sân bay dài 330 mét rộng 78 mét, tương đối lớn hơn các hàng không mẫu hạm thế hệ Nimitz, nhưng khác biệt chính là ở trang bị và các phương tiện hỗ trợ mới cho máy bay.
Theo dự tính, mỗi 20 giây hàng không mẫu hạm có thể phóng lên một máy bay, nhanh hơn nhiều so với thời gian máy bay cất cánh từ các chiến hạm thế hệ trước. Do những dụng cụ hiện đại ấy, trị giá của USS Gerald Ford gần gấp ba lần các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz và trở thành đề tài gây nhiều tranh luận.
Thời gian hoàn thành một hàng không mẫu hạm lớp Nimitz khoảng từ bốn đến năm năm. USS Gerald R. Ford qua nhiều sửa đổi, phải mất hơn sáu năm hãng chế tạo mới có thể chạy thử chuyến đầu tiên trên biển và cuối cùng được chuyển giao cho hải quân hôm 31 Tháng Năm vừa qua. Mặc dầu lễ xuất phát chiến hạm đã được ấn định vào Tháng Bảy, nhưng ít nhất đến năm 2020 USS Gerald R. Ford mới có thể thi hành sứ mạng chiến đấu. Bình thường mỗi chiếc mới phải qua thời gian ba năm để cho các phi công tập dượt lên xuống, thủy thủ đoàn thuần thục với việc điều hành và phối hợp hoạt động cùng các chiến hạm phụ trợ trong một hải đội tác chiến.
Ðến nay, USS Gerald R. Ford còn đang có trở ngại trong việc cất cánh và hạ cánh kiểu mới cho máy bay. Khác với những hàng không mẫu hạm thế hệ trước, CVN-80 sử dụng kỹ thuật điện từ để phóng máy bay đi cũng như hệ thống tiếp nhận máy bay đáp trở về. Máy phóng kiểu cũ dùng hơi nước và do đó phải tốn nhiều năng lượng cho một hệ thống chuyển nước biển thành nước ngọt, đồng thời chiếm một không gian lớn dưới khoang tàu nơi có thể chứa thêm máy bay.
Với hệ thống phóng điện từ, được gọi là EMALS (Electromagnetic Aircraft Launch System), hàng không mẫu hạm có thể phóng lên mỗi ngày một số máy bay 25% nhiều hơn máy phóng thủy lực và giảm bớt 25% nhân viên điều khiển. Như vậy, theo ước lượng của hải quân, trong suốt cuộc đời 50 năm làm việc, hàng không mẫu hạm sẽ tiết kiệm được $4 tỷ.
Hệ thống hãm máy bay khi đáp xuống sân hàng không mẫu hạm cũng dùng lực điện từ có hiệu quả làm bớt áp lực giảm tốc cho các phi công so với hệ thống dây hãm kiểu cũ. Nhưng trang bị tất cả các hệ thống điện từ kỹ thuật số kiểu mới này tốn hết hơn $600 triệu. Sau khi thăm USS Gerald Ford, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố với một phóng viên rằng “EMALS quá phức tạp, phải một người như Albert Einstein mới hiểu nổi” và theo ông nên bỏ để dùng máy phóng hơi nước. Tuy vậy, quyền Bộ Trưởng Hải Quân Sean Stackley nói với tờ Washington Examiner hồi cuối Tháng Năm rằng tổng thống không ra lệnh này.
Hơn nữa EMALS có một nhược điểm quan trọng cần phải được chấn chỉnh. Ðó là hệ thống này tạo nên rung động đáng kể khi phóng các máy bay F/A-18 Super Hornet và E/A-18 Growler có mang theo các bình nhiên liệu phụ đeo dưới cánh. Hai kiểu máy bay chiến đấu và điện tử này sẽ không thể thi hành những phi vụ xa nếu không mang theo các bình nhiên liệu phụ.
Ông Bryant Clark, cựu sĩ quan hải quân và hiện là phân tích gia làm việc cho Trung Tâm Lượng Giá Chiến Lược và Ngân Sách nói rằng với tình hình ấy thời kỳ Hải Quân Mỹ chỉ có 10 hàng không mẫu hạm hiện dịch sẽ còn kéo dài đến sau 2020.
Dù sao đi nữa, Hải Quân Mỹ vẫn nắm vững vai trò bá chủ trên các đại dương với con số 275 chiến hạm hiện hữu, trong đó có 10 hàng không mẫu hạm nguyên tử, chủ lực về mặt quân sự cũng như ngoại giao. Với động cơ sử dụng nhiệt năng của lò phản ứng chỉ cần phải tái cung cấp nguyên liệu hạt nhân một lần mỗi 25 năm, các hàng không mẫu hạm không bị giới hạn nào về thời hạn và tầm hoạt động, có nghĩa là luôn luôn được triển khai thường trực gần mọi khu vực có thể xảy ra khủng hoảng. Ngoài Mỹ, Pháp là nước duy nhất có một hàng không mẫu hạm nguyên tử, chiếc Charles de Gaulle, trọng tải 42,500 tấn, dài 261 mét, rộng 64 mét mang khoảng 40 máy bay.
Hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, cải biến từ một hàng không mẫu hạm mua lại của Ukraine, trọng tải 60,000 tấn

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
ĐML chuyển

1 comment:

packers and movers hyderabad said...

I appreciate this post and its seems looking so informative Thanks for sharing with us..
http://packersmovershyderabadcity.in/

THẾ GIỚI BỚT… THỨC TỈNH

 HoangsaParacels:   Tướng Bắc Hàn c hưa đưa quân đi đánh thuê chết thí cho Putin mà đã đày huy chương đeo đến tận đầu gối rồi!...