Monday, October 8, 2018

William Nguyễn: "vì sao tôi phải tham gia biểu tình" Chan Nhu

William Nguyễn trả lời phỏng vấn cho RFA
RFA
Chân Như: Nhiều người biết Will qua đoạn video vào ngày 10 tháng 6, khi Will có mặt tại cuộc biểu tình chống hai dự thảo luật Đặc khu và Luật An ninh mạng tại Sài Gòn. Vào thời điểm đó, hầu như không có tin tức gì về biện pháp bắt giam Will được loan ra, ngoại trừ thông tin cầu cứu từ gia đình Will ở Mỹ. Will có thể chia sẻ quan ngại cũng như tình trạng của Will sau khi bị bắt giữ thế nào?
William Nguyễn: Mối quan tâm chính của tôi lúc đó là làm sao để liên lạc được với bạn bè và gia đình. Tôi không nghĩ là tôi sẽ bị bắt và bị đánh ở Saigon chỉ vì tham gia biểu tình, tôi biết là quyền biểu tình được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam, và tôi nghĩ việc tham gia tuần hành này sẽ không có gì là quá đáng. Tôi cũng hiểu rằng xuống đường biểu tình ở Việt Nam là rất hiếm hoi, tôi cũng hiểu những vấn đề mà người dân biểu tình lúc đó muốn thể hiện rất ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. Đó là dự luật an ninh mạng và luật đặc khu kinh tế. Bản thân tôi cảm thấy 2 dự luật này gây tác hại cho Việt Nam ở nhiều lãnh vực, ta thấy được sự nguy hiểm cho chủ quyền của đất nước trong luật đặc khu, còn luật an ninh mạng chúng ta có thể thấy nó đe dọa đến quyền tự do bày tỏ tư tưởng. Điều này theo tôi nghĩ còn nguy hại nghiêm trọng hơn. Vì thế khiến tôi phản đối mạnh mẽ hơn.
An Ninh đánh và lôi William Nguyễn tại cuộc biểu tình hôm 10 tháng 6, 2018citizen video
Ngoài việc tìm cách để báo tin cho gia đình biết tôi ổn mặc dù là đoạn video tôi bị đánh nhìn rất tàn bạo nhưng tôi không sao, sau khi lau chùi vết thương tôi cảm nhận được rằng tôi không bị thương quá nặng tất nhiên là có những vết trầy và bầm tím, cằm của tôi nó nhức, thêm một vết trầy ở đây, nhưng đến cuối ngày thì tôi vẫn giữ được tâm trạng ổn định và bình tĩnh.

Chân Như: An Ninh Việt Nam đã tập trung vào những gì trong những lần làm việc với Will, và trả lời của Will là gì với an ninh Việt Nam?

William Nguyễn: Mối quan tâm chính của họ là muốn xác định xem tôi có là thành viên của một đảng phái hội nhóm nào không, nên họ luôn hỏi “Will là thành viên của tổ chức nào, ai trả tiền Will” họ hỏi đi hỏi lại câu hỏi đó tại vì khi tôi nói “Will tham gia một mình, Will không liên quan đến tổ chức nào hết”. Họ không tin nên mình phải lập lại và giữ vững sự thật và lập trường vì “cái đó là sự thật thôi chứ mình không có điều gì giấu cả. Họ khám xét máy tính rồi điện thoại, họ yêu cầu tôi đưa mật khẩu. Tôi cũng hiểu họ sẽ hack vào những thiết bị đó nên để cho mọi việc kết thúc sớm tôi đã đưa cho họ những gì họ cần.

Tôi nói với họ “Will không có giấu gì, sự thật mình tham gia vì mình muốn giúp đất nước. Những chính sách này đối với nhân dân Việt Nam sẽ đem lại tai hại”. Tôi nói thẳng với họ đó là lý do tôi tham gia vào cuộc tuần hành; nhưng đối với họ như thế chưa đủ , họ muốn biết xem tôi có phải là người có thành kiến với chính quyền của họ không. Họ cũng muốn tôi cho họ biết là người dân viết gì trên biểu ngữ, họ hô những khẩu hiệu gì.

Tôi nghĩ họ rất khó chịu và lo lắng khi thấy những người biểu tình đang chống lại chính phủ. Tôi nghĩ điều lo lắng đó cũng đúng thôi, tôi cũng có nói với họ rằng phải phân biệt được chống chính phủ và chống lại những chính sách của chính phủ. Chúng ta có quyền chống lại những chủ chương của chính quyền cộng sản đề ra, đó là điều rất nhiều người đang thể hiện, nhưng không nhất thiết là chống chính quyền. Tôi cảm nhận được khi họ biết tôi không phải là người muốn lật đổ chính quyền, thì họ có vẻ dễ chịu hơn với tôi.

Chân Như: Đài truyền hình Việt Nam đã cho phát đoạn video cho là Will ‘nhận tội’. Tất nhiên là Will biết được video này sau khi trở về lại Mỹ đúng không?. Will nghĩ sao về đoạn video này?

William Nguyễn: Có rất nhiều lý do tôi tham gia vào đoạn nhận tội đó, thứ nhất, ở Việt Nam khi họ bỏ bạn vào tù họ sẽ không cho biết thời hạn giam giữ, trong văn bản thì nói giữ 3 ngày nhưng họ có quyền kéo dài đến 10 ngày hay làm một văn bản khác và giữ bạn lâu hơn, nên họ nói nếu anh hợp tác với chúng tôi thì quá trình điều tra sẽ nhanh hơn và anh sẽ sớm được thả, nên tôi đã làm theo. Điều thứ 2, tôi nghĩ việc làm video này nó cũng sẽ cho quốc tế thấy rằng Việt Nam cũng chẳng khác gì Trung Quốc hoặc Bắc Hàn khi nói đến nhân quyền. Một chính quyền mà có được sự tin tưởng từ người dân, một chính quyền hợp pháp thì họ sẽ không cần làm những hành động này. Chúng ta không thấy những nước ở Châu Âu hoặc tại Hoa Kỳ cho chiếu toàn quốc những đoạn video người dân khai tội, không hề có. Cái họ muốn là tạo sự tin tưởng cho người dân, nhưng thật ra họ không tin tưởng người dân, nên họ tiếp tục đưa ra những tuyên truyền và khai tội qua video là một điển hình, hay kiểm duyệt tất cả truyền thông báo chí. Tôi còn nhớ một người bạn chung tù với tôi có đọc bản tin từ chính quyền viết sai sự thật về tôi, nên tôi hiểu rõ họ việc họ dùng quyền của họ để phát họa sai sự thật. Tôi có được cơ hội tiếp xúc với những người trong đảng, những nhân viên điều tra họ hiểu tôi xuất thân từ đâu, tất cả người Việt mặc cho chúng ta sinh ra ở VN hay nước ngoài đều được dạy phải biết bảo vệ mảnh đất của cha ông mình để lại, được dạy phải lên tiếng khi chúng ta thấy đồng bào của ta đang gặp khó khăn nguy hiểm, nên họ hiểu vì sao tôi phải tham gia biểu tình.

Họ dựng cảnh tôi thú tội, và đoạn clip được chiếu trên TV là đoạn diễn lần thứ Tư hoặc 5 của tôi, chúng tôi đã phải diễn đi diễn lại trong nhiều ngày, vì họ quay xong họ phải gởi sản phẩm lên cho cấp trên để duyệt và khi báo chưa đủ hay, nó nhìn chưa thuyết phục, nói tóm lại tôi đã phải hợp tác và tham gia cuộc chơi cùng với họ tức là phải diễn cho đạt nếu không họ sẽ không cho phát. Tôi có cố gắng gửi một số tín hiệu trong đoạn thú tội, nói những câu bằng Tiếng Việt mà có thể hiểu được bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ tôi hứa sẽ không làm gì để lật đổ chính quyền, nhưng cách tôi dùng cụm từ nghe ra nó sẽ là tôi sẽ không làm gì hết ngoài việc chống lại chính quyền, nói tóm lại là có những tiểu tiết như thế. Tôi cũng không ngại nhận việc là gây xáo trộn trật tự xã hội vì đó là điều cần làm trong cuộc biểu tình, đúng là nó sai luật nhưng ở Việt Nam nó có gì là đúng là sai, tôi thừa nhận tôi làm sai, tôi cũng chẳng xấu hổ việc tôi gây rối trật tự xã hội.
Anh William Nguyễn trong cuộc biểu tình ngày 10/6/2018. AFP
Chân Như: Will có bị giam giữ trong cùng một phòng giam với bất kỳ người Việt nam nào không? Nếu có, Will có nhớ ai không? Và thu thập được điều gì gì từ họ?

William Nguyễn: Đúng, họ giam giữ tôi chung với 4 người nước ngoài nữa, rất nhiều “Việt Kiều”, có Mỹ Việt, Canada Việt, Người Việt Úc, rất nhiều người tôi đã tiếp xúc nói chuyện

Chân Như: Những người đó cũng biểu tình luôn?

William Nguyễn: Không, tội của họ khác, buôn “Ma Túy, đánh bạc”, những tội thấp hơn, tôi hiểu họ cũng rất cân nhắc khi bỏ tôi vào tù chung với ai, tất nhiên là sẽ không để tôi ở chung với những kẻ giết người, những thành phần nguy hiểm, họ rất cân nhắc trong việc đó. Về chính trị, thì có một người giam chung với tôi đó là anh James Han, người cũng vừa bị chính quyền xử 14 năm tù giam tội “chống phá nhà nước” tôi nằm cách anh ta 2 chiếc nệm, và anh ta cũng là người tôi dạy Tiếng Anh cho, chúng tôi đã đọc “Báo Nhân Dân” đọc từng câu và tôi đã dịch sang tiếng Anh, vì lúc đó anh ta muốn đọc bản tuyên bố trước tòa bằng tiếng Anh, vì anh muốn cho thế giới biết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, nên anh ta đã lên dự định sẽ dùng tiếng Anh để phát biểu tại tòa, và nhiều từ ngữ anh ta muốn sử dụng anh đã nhờ tôi giúp chuyển ngữ dùm.

Chân Như: Cho đến nay, đã có hơn 60 người tham dự đợt biểu tình vào ngày hai 10 và 11 tháng 6 tại VN bị kết án tù với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” hoặc “chống lại người thi hành công vụ”. Ý kiến của Will về điểm khác nhau giữa trường hợp của Will và của những người bị bắt rồi bị án tù như thế.

William Nguyễn: Tôi nghĩ nó giống nhau hoàn toàn, tất cả chúng tôi có cùng tư tưởng, chúng tôi cùng muốn đạt được cùng ước nguyện, ở điểm là lên án những việc làm sai trái của chính phủ, chỉ một điểm khác là công dân: họ là công dân Việt Nam còn tôi là công dân Mỹ, đó cũng là yếu tố quyết định lý do tôi thực hiện những điều tôi đã làm. Trong ngày biểu tình họ bỏ nhiều hàng rào chắn để chặn người dân, và khi chúng tôi đang tiến xuống “đường Nam kỳ Khởi Nghĩa” họ bắt đầu chặn đường với những hàng rào sắt, mỗi khi người biểu tình đến gần là họ bị chặn và nhìn vào cũng hiểu là họ muốn được đi qua nhưng ai cũng sợ vì họ hiểu nếu chống lại công an sẽ gặp hậu quả nghiêm trọng vì họ là công dân Việt Nam, thế nên tôi biết tôi có thêm một lá chắn vì tôi là công dân Mỹ tôi quyết định là người phá hàng rào để người biểu tình có thể đi vào vì tôi biết nếu có điều gì xảy ra thì tôi cũng sẽ không bị nặng như người dân Việt Nam. Thế nên tôi đã đẩy phá hàng rào để đoàn biểu tình có thể đi đến chỗ trung tâm thành phố, chúng tôi muốn đến “Dinh Độc lập” để hòa nhập với những người biểu tình khác gần “Nhà thờ Đức Bà”. Tóm lại là chúng tôi giúp để mọi người đến được nơi cần đến. Đến khi chúng tôi đến được đường “Lý Chính Thắng” và “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” họ cho đậu hàng xe tải giữa đường, tôi đã yêu cầu họ di chuyển xe tải đi bằng tiếng Việt, nhưng họ đã không làm. Do đó tôi đã hành động bằng cách nhảy lên 1 chiếc xe tải và kêu mọi người đi qua, tôi nói người dân trả tiền thuế cho những con đường này họ có quyền đi qua nếu họ muốn nên tôi đã giúp những người biểu tình đi qua chỗ hàng rào chắn và giúp họ đến được trung tâm thành phố và đó là nguyên nhân tôi bị tội, tôi nghĩ hành động của tôi xứng đáng; tôi không ân hận về hành động đó tí nào, vì đó là việc cần phải làm, tôi cũng đã nói với nhân viên điều tra, tôi chỉ muốn giúp người dân thế thôi.



Chân Như: Theo quan điểm của Will, Will sẽ làm gì để giúp điều chỉnh những sai lầm từ phía chính phủ Việt Nam?

William Nguyễn: Đó là điều rất khó để trả lời, tôi đã tiếp xúc rất nhiều với những người trong chính quyền nên tôi nghĩ, trong 2 năm học cuối của tôi ở Singapore, tôi đã cố gắng hết sức việc “đoàn kết, hòa hợp hòa giải”, muốn hiểu rõ hơn suy nghĩ của những người bên kia, tìm hiểu điều gì giúp họ hăng hái tham gia đảng cộng sản, tại sao họ đấu tranh cho lý tưởng của họ, trước đó vài tháng trước khi tôi bị bắt vào ngày 30 tháng 4 tôi có viết 1 bài luận văn gọi là “Bắc- Nam” nó giải thích việc tôi đi tìm kiếm sự khách quan trong người Việt, vì chúng ta quá chia rẽ chống và ủng hộ cộng sản, tôi nghĩ hành động đó làm chúng ta tiếp tục chia rẽ và không thể nào hòa giải được, nên khi tôi bị hỏi cung từ nhân viên điều tra lúc đó tôi muốn tìm hiểu tư tưởng của họ. Chúng tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện rất có ý nghĩa họ suy nghĩ sao về chính trị, về cách làm của chính quyền cộng sản, cách họ đối xử với người dân. Và tôi đã nhận ra được sự khác biệt giữa những người cùng thế hệ. Tôi có rất nhiều bạn là con cháu của người làm việc trong chính quyền. Tôi đã nói chuyện với họ và hiểu, thông cảm được vì họ biết tôi đến từ nơi nào. Ngay chính họ cũng lên án một số hành động của chính quyền họ, họ biết là người dân không còn tin vào đảng nữa, tôi nghĩ từ mà họ nói là “Đảng Cộng Sản không lấy được lòng dân”, họ biết họ không còn được sự hậu thuẫn từ người dân, đó là lý do họ không đồng ý cho việc có nhiều đảng phái chính trị trong cuộc bầu cử, họ biết họ sẽ thua, nên họ nắm quyền tất cả mọi ban ngành trong chính phủ. Giới trẻ bây giờ không còn tin vào chính quyền này nữa và những bạn có học có kiến thức và giỏi họ ra ngoài du học và tìm cách ở lại nước ngoài họ không muốn cống hiến cho Việt Nam nữa vì họ biết giống như họ đang sống trong nhà tù thôi, bạn làm được gì nếu bạn bị nhốt trong 1 cái lồng?

Chân Như: Sau cùng, Will có thông điệp gì muốn truyền tải đến với các bạn trẻ Việt Nam hay không?

William Nguyễn: Có chứ, tôi nghĩ, và đây cũng là điều mà tôi đang theo đuổi trong 10 năm qua đó là lúc nào cũng cần phải hiểu được phía bên kia, đặc biệt là bên VN. Lịch sử hiện nay được trình bày chỉ 1 chiều vì sự kiểm duyệt của đảng cộng sản trong mọi lãnh vực. Chúng ta cần phải hiểu phía bên kia, tìm hiểu thêm tại sao chính phủ Miền Nam Cộng Hòa hiện hữu, tại sao họ đấu tranh cho lý tưởng của họ. Đảng cộng sản họ có nhiều tư tưởng và tôi nghĩ lịch sử là một trải nghiệm và chúng ta nhận ra rằng trong 30-40 năm qua chủ nghĩa cộng sản không có hiệu quả. Đó cũng là lý do chính quyền này phải “đổi mới” vào năm 86. Chúng ta biết là chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng nhưng nó không thành công, bạn chuyển sang chủ nghĩa tư bản nhưng bạn cũng cần phải để người dân có quyền bày tỏ và nền kinh tế thị trường tự do, không chỉ về sản phẩm mà còn là lý tưởng, phải để cho người dân có quyền lập hội tạo đảng mới theo suy nghĩ của họ, để cho họ nghĩ thế nào là chính sách đúng cho đất nước. Nếu tôi có cơ hội khuyên bảo các bạn trẻ trong nước ngay cả ngoài nước, tôi sẽ khuyên họ nên tìm hiểu về phía bên kia nói chuyện với những người trong nước. Tôi đã được cơ hội ở bên Singapore, rất nhiều bạn chung lớp của tôi đều là thành viên của đảng cộng sản nên tôi được cơ hội nói chuyện với họ. Họ hiểu tôi là “con cháu Cộng Hòa”. Tôi đã cố gắng tìm hiểu về nguồn gốc của họ, tại sao họ hành động như họ đang làm, tôi nghĩ sự đồng cảm là chìa khóa, sự thù hằn tồn tại giữa chúng ta đã quá lâu rồi, đặc biệt giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và chính quyền Trong nước. Tôi nghĩ với thế hệ trẻ này, những người không sống trong chiến tranh họ sẽ là người hàn gắn lại vết thù chia rẽ và giúp đất nước tốt đẹp hơn.

Chân Như: Cám ơn Will đã dành cho RFA cuộc trò chuyện hôm nay.

No comments: