Wednesday, May 8, 2019

Ngày Xưa Hà Nội - Trường Phúc


 Huế, Sài Gòn, Hà Ni là tên ca ba thành ph đã được nhc đến rt nhiu trong văn chương Vit Nam trong hơn 60 năm qua. Huế như mt tiu thư vi nét đẹp kiêu sa đài các, bước đi uyển chuyển trong chiếc áo dài tím trên cầu Trường Tiền, e p du mt vào chiếc nón bài thơ. Sài Gòn mt cu em trai mi ln, yêu đời, yêu người, yêu nếp sống văn minh, mở rộng vòng tay đón nhận những trào lưu mới của thế giới chân thiện mỹ.
Hà Nội là người chị lớn đã trưởng thành. Nàng là một thiếu phụ có nét đẹp mặn mà với dáng dấp sang trọng qúy phái, thanh lịch, nói năng dịu dàng. Những diễn tả vừa qua chỉ đúng vào những thời điểm xa xôi trong quá khứ của những thập niên 50, 60 và 70. Bây giờ những nét đẹp ấy đã biến mất, thay vào là một xã hội bị kềm kẹp bởi một lớp người vô học nhưng tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ, những ánh mắt vô cảm, soi mói lọc lừa chỉ biết vơ vét cho đầy túi tham, bán nước cầu vinh và ở bên kia thái cực là những nếp sống lầm than đói khổ, chạy ăn từng bữa, sống cho qua một kiếp người.
Mục đích bài này là viết về Hà Nội của một thời xưa trong thập niên 50 và giới thiệu hai nhạc phẩm về một thành phố được mệnh danh là “ngàn năm văn vật”. Lời ca đưa người nghe về những ngày tháng cũ của Hà Nội mà ta đã đọc trong những tác phẩm của  Tự Lực Văn Đoàn. Hà Nội, là một thành phố duy nhất có chiều dài lịch sử một ngàn năm của Việt Nam. Thành phố này có rất nhiều tên gọi như Thăng Long, Bắc Thành, Long Biên, Tràng An, Kẻ Chợ và Hà Nội được nhiều người biết đến nhiều nhất. Những người đã từng sống ở Hà Nội nhớ về thành phố này với nhiều cảm xúc khác nhau. Với người Việt tha hương thì nỗi nhớ Hà Nội lại còn dạt dào hơn. Nhớ về thành phố của một thời quá khứ của những chiều cùng người tình dạo mát trên bờ Hồ Hoàn Kiếm hoặc những khi cùng nhau đi thăm đền Ngọc Sơn qua cầu Thê Húc. Nhưng trước khi nói về Hà Nội ta hãy đi vào miền Nam để thăm hai thành phố cùng gia đình anh em với Hà Nội. Đó là Huế và Sài Gòn.

Huế, một cố đô cổ kính. Năm 1802 chúa Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế hiệu là Gia Long và lấy Huế là thủ đô, quốc hiệu là Việt Nam. Từ đó đến nay đã hơn hai trăm năm. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Huế nay đã lui dần vào dĩ vãng. Những dấu tích còn lại là những đền đài lăng tẩm phủ đầy rêu phong của những vị vua nhà Nguyễn. Vì là kinh đô nên nếp sống nơi đây theo một khuôn khổ thật khắt khe, nghiêm túc. Người dân Huế được tiếng là trọng lễ giáo, gia đạo nền nếp khép kín. Vào thập niên 60 đàn bà ra đường đều mặc áo dài. Con gái chưa chồng được dạy dỗ đi đứng phải khoan thai, không được nhìn ngang liếc dọc, e ấp dấu mặt và nón bài thơ khi ra đường.

Tôi chỉ được biết về Huế qua văn chương và nghệ thuật. Một tác phẩm văn xuôi điển hình là  Giải Khăn Sô Cho Huế (Nhã Ca) viết về biến cố Mậu Thân 1968. Đó là một biến cố mà nghững người xứ Huế sẽ không bao giờ quên cho dù ngàn năm đi qua. Quân đội Cộng Sản đã tấn công vào thành phố Huế vào đúng đêm giao thừa trong khi người dân cố đô đang sì sụp trước bàn thờ gia tiên trong giờ phút thiêng liêng của đất trời. Ngoài Huế, bọn Cộng Sản cũng tấn công nhiều thành phố khác trong đó có thủ đô Sài Gòn. Lợi dụng sự thỏa thuận ngưng bắn trong dịp Tết Nguyên Đán 1968, quân đội Cộng Sản đã phát động cuộc Tổng Tấn Công trên toàn miền Nam trong đêm giao thừa. Trong biến cố này người dân xứ Huế đã phải gánh chịu nặng nề nhất với sự mất mát của hàng chục ngàn người bị chôn vội vàng trong những nấm mồ tập thể sau khi chúng đã xử tử họ. Cầu Tràng Tiền bị quân Cộng Sản gài mìn gẫy hai nhịp và được đưa vào âm nhạc qua ca khúc Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy (Trằm Tử Thiêng) đã lấy đi không biết bao nhiêu là nước mắt của người xứ Huế mỗi khi ca khúc này được trình bày qua làn sóng điện.
Miền Trung của Việt Nam vốn được xem là nơi địa linh nhân kiệt, nhiều nhân tài đã phát xuất từ miền đất này. Điển hình là hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh vào cuối thế kỷ 19. Nhưng miền Trung cũng là nơi hứng chịu nhiều thiên tai do khí hậu khắc nghiệt. Mưa lũ, lụt lội là chuyện xảy ra thường xuyên. Người xứ Huế thường nhớ về những cơn mưa buồn bã, dai dẳng qua nhiều ngày, mưa đến thối cả đất. Những cơn mưa dòng dã từng làm cho người Huế phải thở vắn than dài nhưng cũng đã mang lại cảm hứng cho người nhạc sĩ viết lên bài Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ). Một vài ca khúc khác cũng được xem là tiêu biểu cho Huế như Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh), Tiếng Sông Hương (Phạm Đình Chương), Huế Xưa (Anh Bằng).
Khi còn phục vụ Hải Quân Việt Nam trong thập niên 70, tôi đã ghé thành phố Đà Nẵng hơn chục lần trên ba đơn vị Hạm Đội HQVN: HQ500, HQ3 và HQ 612. Gót giầy tôi đã in trên những điạ danh quen thuộc với những người lính biển như Sơn Trà, Tiên Sa. Những lần đi bờ tôi và vài người bạn vượt đò qua sông Hàn vào thành phố Đà Nẵng, đi biết bao nhiêu là dặm đường, ngắm biết bao nhiêu giai nhân xứ Quảng. Nhân nhắc về “đi bờ” tôi xin mạo muội giải thích vài giòng. Hải Quân không nói là đi phép như những người lính bộ binh mà thay vào đó là đi bờ. Nghĩ cũng phải vì lúc nào cũng bồng bềnh sóng nước nên khi tàu cặp bến là chúng tôi được lên bờ để thăm dân cho biết sự tình. Chuyện này bên bộ binh thì gọi là đi phép, Hải Quân thì là đi bờ vậy nhờ các bạn trong Không Quân thì là đi “?” Các bạn này sau khi đi mây về gíó thì sau đó chắc là đi “đất”.
Nhưng tôi đã không có dịp ra Huế mặc dù biết rằng thành phố này thật gần với Đà Nẵng. Huế chỉ cách Đà Nẵng một ngọn đèo Hải Vân, một địa danh nổi tiếng cheo leo trên cao ngút ngàn, một bên vách đá luôn khuất trong mây mù và bên kia là biển xanh thăm thẳm. Ôi quê hương tôi đó. Hùng vĩ và bao la. Lòng thầm tự nhủ lần sau thế nào cũng làm một chuyến ra Huế thăm những địa danh tôi thường đọc trong văn chương viết về Huế như Thành Nội, Phú Văn Lâu, Phủ Cam, Chợ Đông Ba, Vỹ Dạ, Ga Lăng Cô, Dốc Nam Giao. Khi còn là một cậu bé mười lăm tuổi tôi đã từng mê say đọc những bài viết trên báo Tuổi Hoa của một người với bút danh là Hương Kim Long. Tôi tưởng tượng đó là một người con gái Huế tên Hương với mái tóc thề buông xõa bờ vai ở vùng Kim Long mà mơ mộng. Nếu có dịp thăm miền kinh đô tôi sẽ tìm những món ăn đặc sản như bún bò Huế, bánh canh Nam Phổ, Cơm Âm Phủ, và tìm về miền Kim Long biết đâu lại có duyên gặp gỡ người con gái tên Hương của báo Tuổi Hoa năm nào. Nhưng đời lính biển với những chuyến công tác dài hạn nên tôi đã không có dịp ra Huế để rồi đối với tôi cố đô vẫn mãi là mộng tưởng, một ước mơ không bao giờ thành và mãi mãi sẽ là một nuối tiếc không nguôi. Và Hương Kim Long vẫn chỉ là một bóng mờ của thời mười bảy tuổi.
Sài Gòn, thành phố kỷ niệm. Tuy không được sinh ra ở đây nhưng Sài Gòn là một thành phố cho tôi thật nhiều kỷ niệm từ thuở ấu thơ. Tuồi học trò nhiều mộng mơ với tình yêu đầu đời. Thuở ấy tôi từng đi theo một tà áo Trưng Vương trong những buổi tan trường, đắm say thẫn thờ nhưng không đủ can đảm để ngỏ lời cùng người đẹp như thi sĩ Phạm Thiên Thư với nàng Ngọ trong Ngày Xưa Hoàng Thị. Tuổi học trò ngây ngô trong những chiều lang thang trong công viên Tao Đàn, chàng trai trẻ nhìn mây trắng nhớ về người Trưng Vương để kết lại những vần thơ đầu đời. Sài Gòn với những cơn mưa bất chợt đổ xuống làm người thành phố vội vã chạy vào núp dưới mái hiên bên đường và từ đó đã có nhiều mối tình lãng mạn được bắt đầu từ những cơn mưa hạ. Người con trai nhìn những giọt mưa đọng trên mái tóc người tình và thầm thì vào tai nàng đó là những hạt kim cương lóng lánh đã được ông Trời khéo léo cài trên mái tóc em. Sài Gòn với Huyền Thoại Một Chiều Mưa của Nguyễn Vũ đã cho chàng gặp một tiên nữ bị đày xuống trần thế trong một chiều cuối tuần mưa bay lất phất và mây xám giăng giăng… Lòng bồi hồi, hồn anh như say như ngây trong Em Đên Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ, lời nghẹn lời nhìn em bâng khuâng không nói. Ôi Sài Gòn của tôi với những cơn mưa đã làm cho Phạm Đình Chương nhớ lại những cơn mưa Hà Nội và nhờ những cảm xúc này mà chúng ta đã có  một ca khúc bất hủ Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội. Cố nhạc sĩ Phạm Đinh Chương đã viết mưa ở Sài Gòn là mưa của Tự Do, của tình người nhưng mưa ở Hà Nội là mưa của ngục tù, của một Hà Nội xác xơ, khiến cho Tháp Rùa phải đau lòng, cầu Thê Húc đỏ rực ngày nào giờ đứng bơ vơ trong gió lạnh mưa sầu.

Sau tháng tư đen 1975 người Việt ở hải ngoại nhớ về Sài Gòn bằng những cảm xúc ngút ngàn xen lẫn đau thương vì chia cách ngàn trùng. Trong ngày 30 tháng tư năm ấy hàng ngàn người chen chúc trên những chiến hạm của Hải Quân Việt Nam đang tách bến. Người ra đi quay đầu nhìn lại quê hương trong nước mắt thì người ở lại Sài Gòn ngay trong vài tháng đầu tiên đã biết thế nào là bản chất Cộng Sản. Những con người duy vật này với tính nết lật lọng, dối trá đã sáng tác ra nhiều cách tàn độc để hành hạ dân chúng miền Nam. Nào là trại cải tạo, kinh tế mới, rồi đánh tư sản. Bọn chúng đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc và chia lìa cho người Sài Gòn vốn dĩ chỉ muốn sống trong hòa bình và tự do. Trong những năm tháng kế tiếp người Sài Gòn tìm đủ mọi cách để vượt biên mặc cho những nguy hiểm đang chờ đợi như bão tố, hải tặc nhưng họ vẫn bất chấp những rủi ro ấy để tìm sống trong nỗi chết. Rất nhiều ca khúc viết về Sài Gòn đã được ra đời trong thời gian này. Những nhạc phẩm được phổ biến nhiều nhất mà khi hát thì cả ca sĩ và người nghe đều rơi nước mắt như Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt (Nam Lộc), Đêm Nhớ Về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng), Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên (Nguyễn Đình Toàn), Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em (Nguyệt Ánh). Nhưng đau buồn nhất là Sài Gòn đã bị đám Cộng Sản Việt gian bắt chước quan thày Nga Sô lấy tên của lãnh tụ khát máu để đặt tên thành phố, chúng đổi tên Sài Gòn thân yêu của chúng ta bằng tên của một phản đồ mà khi nghĩ đến ai cũng muốn nguyền rủa. Mỗi khi nghe đến cái tên này tôi cảm thấy xót xa uất hận. Đã hơn 40 năm qua nhưng đối với người Sài Gòn thì thành phố này vẫn như chưa bao giờ đổi tên. Với họ thì cho dù ngàn năm sau thì nơi đây vẫn là Sài Gòn cho dù chỉ là trong tâm tưởng. Tôi chưa bao giờ đặt chân trở lại quê hương kể từ khi ra đi và đã tự hứa với lòng là sẽ chỉ trở về khi đảng Cộng Sản bị giải thể. Lúc ấy thì thành phố thân yêu của tôi sẽ được đổi tên lại là Sài Gòn. Lá cờ vàng ba sọc đỏ sẽ lại được tung bay trên thành phố mà tôi đã từng sống, lớn lên và đã rung động trước những cái đẹp của quê hương. Ước mơ ấy tuy chưa đạt được nhưng đã cho tôi niềm hy vọng là chuyện này biết đâu sẽ xảy ra trước khi tôi từ giã cuộc đời. Ai có thể đoán được chuyện tương lai?

Nhắc về Sài Gòn là nói về những kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi của học trò nghịch ngợm,  và tuổi của yêu đương. Mối tình đầu đến với tôi sau khi gia nhập Hải Quân. Người con gái 17 tuổi ấy đã yêu tôi thật nồng nàn, học hỏi những sở thích của tôi đề chiều tôi và đã từng làm thơ tặng tôi. Một người tình tuyệt vời trên cả tuyệt vời. Nhưng tôi và nàng phải chia tay do gia đình nàng ngăn cấm vì lý do tôn giáo. Chúng tôi được gặp mặt lần sau cùng ở sân nhà thờ Thị Nghè trong một buổi sáng có nhiều mây thấp,  rải rác một vài giọt mưa vương trên mái tóc huyền. Khuôn mặt nàng đẫm nước mắt khi em nói sẽ không bao giờ yêu ai khác ngoài tôi suốt quãng đời còn lại. Hơn 40 năm trôi qua tôi vẫn chưa bao giờ gặp lại em nhưng không bao giờ quên được giây phút ngắn ngủi của hai chúng tôi trước lúc chia ly. Muốn hôn em một lần cuối và lau vài giọt lệ đọng trên má em nhưng không dám vì người thân đứng cách đó không xa với hai con mắt đang nhìn chúng tôi không chớp. Người tình tuyệt với đã vĩnh viễn đi khỏi đời tôi. Trải qua một thời gian thật dài mỗi khi nghe ca khúc Phút Cuối (Lam Phương) tôi lại thấy nao nao buồn. Những năm ở hải ngoại tôi vẫn mong gặp em trong tình cờ để xem “dung nhan ấy bây giờ ra sao” nhưng mộng vẫn chưa bao giờ thành.Tôi miệt mài với những chuyến công tác dài đằng đẵng khắp từ Cửa Việt đến mũi Cà Mau, Phú Quốc, Thổ Châu với hành trang là nỗi nhớ niềm thương về một người tình. Em có biết đâu là khi cất bước đi em đã mang theo cả một nửa hồn tôi. Nhìn đâu cũng thấy em yêu qua men rượu và mờ ảo trong khói thuốc. Tôi muốn mình thật say nhưng sao vẫn tỉnh để thấy lòng xót xa cho cuộc tình nay đã chấp cánh bay xa. Và trong cơn say tôi thấy thấp thoáng bóng em ẩn hiện nhạt nhòa như những vần thơ Quang Dũng trong Đôi Bờ

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ

Hà Nội Ngày Xưa. Hai chữ Hà Nội trong lòng tôi thật thân thương, thật gần gũi dù rằng tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến thành phố này kể từ khi khôn lớn. Gia đình tôi di cư vào Sài Gòn năm 1954 nên khi rời Hà Nội tôi chưa đủ lớn để nhận thức được sự mất mát. Nhưng nói về Hà Nội tức là nói về một thành phố có một lịch sử lâu dài từ khi vua Lý Thái Tổ đặt tên cho địa danh này là Thăng Long và đã được đổi tên thành Hà Nội dưới đời vua Minh Mạng vào cuối thế kỷ 19. Hà Nội cũng là một thành phố là được đề cập trong văn chương và thi ca nhiều nhất trong những thập niên 50-70. Một vài tác phẩm điển hình như Hà Nội 36 Phố Phường (Thạch Lam), Miếng Ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Chuyện Cũ Hà Nội (Tô Hoài). Sau cuộc di cư vĩ đại năm 1954 của gần một triệu người miền Bắc  đã nhất quyết bỏ quê cha đất tổ vào miền Nam chỉ vì muốn sống trong một không khí có tự do, nhân bản và khai phóng. Những văn thi sĩ trong thế hệ này đã sáng tác nhiều tác phẩm về Hà Nội và những kỷ niệm họ đã có với thành phố này. Những tác phẩm văn xuôi điển hình như Đêm Giã Từ Hà Nội của Mai Thảo, Áo Mơ Phai của Nguyễn Đình Toàn (Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1973). Về thơ thì phải kể đến Hà Nội Của Tôi, Ba Mưoi Sáu Phố Phường của thi sĩ Thái Thăng Long, Bài Thơ Hà Nội của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, Xuân Hà Nội Của Tôi của tác giả Lâm Thanh Bình.
Về phần âm nhạc thì rất phong phú. Đầu tiên phải kể đến Hướng Về Hà Nội (Hoàng Dương), Nỗi Lòng Người Đi (Anh Bằng), Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu, Trần Quang Lộc phổ nhạc), sau này với những nhạc sĩ trẻ như Em Ơi Hà Nội Phố (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang), Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa (Trương Quý Hải).
Nhưng theo tôi, hai nhạc phẩm về xuất sắc nhất là Giấc Mơ Hồi Hương https://www.youtube.com/watch?v=BieCnR6DCZo của Vũ ThànhHà Nội Ngày Tháng Cũ: https://www.youtube.com/watch?v=_LlPl9P4Zgs của Song Ngọc. Hai tuyệt phẩm này xứng đáng được trình diễn bởi những dàn nhạc hòa tấu với hai nhạc cụ tiêu biểu cho âm nhạc cổ điển: vĩ cầm vốn được xem là vua và dương cầm được ví như hoàng hậu. Cả hai tác giả đã khéo léo đưa những cảm xúc của mình vào những nốt nhạc lời ca để diễn tả một dĩ vãng xưa nay đã không còn của thành phố Hà Nội, một quá khứ vàng son một thời vang bóng giờ đây đã nhạt nhòa theo năm tháng. Cả hai tác giả nay đã về miền miên viễn nhưng họ đã để lại hai tuyệt phẩm cho hậu thế.
Trước hết hãy nói về cố nhạc sĩ Vũ Thành. Theo báo Người Việt trong mục Văn Học Nghệ Thuật thì nhạc sĩ Vũ Thành sinh năm 1926 tại Hà Nội. Trước năm 1954, nhạc sĩ Vũ Thành là công chức và là nhạc trưởng trong ban nhạc “Việt Nhạc” của đài phát thanh Hà Nội (…). Sau khi di cư vào Nam ông có thời gian làm chỉ huy trưởng ngành quân nhạc của QLVNCH, và từng giữ chức vụ chủ sự phòng văn nghệ đài phát thanh Quốc Gia, Sài Gòn. Sau năm 1975, ông định cư và mất tại Hoa Kỳ năm 1987…
Một trong những tài nghệ được nhiều người biết đến của nhạc sĩ Vũ Thành là soạn hoà âm. Những ca khúc của các nhạc sĩ đương thời như Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Cung Tiến được ông chăm chút với những hoà âm tuyệt vời và những nhạc phẩm này đã thăng hoa thành những tác phẩm của nghệ thuật để đời. Giới thưởng ngoạn âm nhạc đều biết rằng hoà âm rất quan trọng cho một bản nhạc do đó người soạn hòa âm không những cần có một căn bản nhạc lý vững vàng mà còn phải có kiến thức sâu rộng về những nhạc khí để âm thanh được phối hợp hài hòa đưa đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật.

Nét nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành đượm tính chất sang trọng qúy phái của cổ điển Tây Phương. Những bài nhạc nổi tiếng của ông thời đó như Nhớ Bạn, Nhặt Cánh Sao Rơi, Say Nhạc Canh Tàn, Tình Xuân. Nhưng ca khúc được nhiều người biết đến nhất là Giấc Mơ Hồi Hương. Lấy cảm xúc từ một bài thơ mà ông đã quên tên tác giả. Bài thơ này ông đã tình cờ đọc trong những ngày chuẩn bị di cư vào Nam. Những vần thơ của một người đồng cảnh ngộ đã là một chất xúc tác cho một tác phẩm lừng danh về Hà Nội và đó cũng là sáng tác âm nhạc đắc ý nhất của nhạc sĩ. Dưới đây là một phần của bài thơ này mà ông còn nhớ được trong những ngày cuối đời:
“Ðau đớn nhìn Hà Nội

Khuất dần sau sương rơi

Sông Nhị Hà sôi nổi
Cầu Long Biên xa rồi
Mắt nhìn hình ảnh cuối
Lòng thấy nhớ khôn nguôi
Nghẹn ngào tâm sự cũ
Thôi rồi Hà Nội ơi . . .”


Ca khúc Giấc Mơ Hồi Hương được mở đầu với cảnh chia lia tan tác, kẻ ở người đi
Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về

Lòng khách tha hương vương sầu thương

Nhìn "Em" mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly.

Rồi đây dù lạc ngàn nơi

Ta hướng về chốn xa vời

Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ "Em" ... Hà Nội ơi


Tác giả đã nhân cách hóa thành phố Hà Nội yêu dấu của ông với chữ “Em” trong ngoặc kép. Những chữ “Em” được dùng trong tác phẩm này đã cho người thưởng ngoạn cảm nhận được tấm chân tình Vũ Thành dành cho Hà Nội. Gọi một thành phố mà mình yêu dấu là “Em” thì chỉ có Vũ Thành. Đối với nhạc sĩ thì Hà Nội là một người tình, một người yêu mà ông đành bỏ lại sau lưng nhưng lòng vẫn dùng dằng, không nỡ bước đi.

Ngày rời xa Hà Nội nhạc sĩ Vũ Thành là một người đàn ông 28 tuổi. Ông đã sống và trưởng thành trong một xã hội của đất Hà Nội mà đàn ông khi ra đường thường mặc âu phục, nói năng bặt thiệp, lịch sự. Đàn bà thì mặc áo dài của nhà may Cát Tường, đi đứng khoan thai, dịu dàng. Đó là một xã hội thanh lịch và lễ nghĩa. Ăn nói chừng mực, khiêm nhường. Cái đẹp của người Hà Nội có thể thấy qua cách phát âm chính xác, nhẹ nhàng. Cách phục sức nho nhã, nói năng từ tốn. Người Hà Nội ăn uống sành điệu, chọn lọc. Ăn uống lấy thơm ngon hương hoa là chính nên đôi khi trở nên cầu kỳ nhưng ở một khía cạnh khác thì đó cũng là nghệ thuật ẩm thực. Những món ăn Hà Nội đã trở thành thuần tuý của miền Bắc như phở, bún thang, bún chả, bánh tôm Cổ Ngư, bánh cuốn Tây Hồ, chả cá Thăng Long. Tất cả những điều này đã tạo thành nền nếp qua nhiều thời đại và theo thời gian trở thành một nét văn hoá đặc biệt của Hà Nội và từ đó đi vào văn chương của nhiếu thế hệ. Người Hà Nội thường được biết đến bằng hai câu thơ:
Chẳng thơm cũng kể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An


Thời ấy chắc chàng trai Vũ Thành cũng phải đang yêu và được yêu. Người yêu của chàng phải là một người con gái có một nét đẹp thuần túy Hà Nội, thùy mị đoan trang. Hai người hẹn nhau ở những nơi mà những cặp tình nhân thường đến như bờ hồ Hoàn Kiếm trong một buổi hoàng hôn khi ráng chiều vừa tắt, hoặc một buổi sớm tinh sương chàng dìu người yêu tha thướt bước trên cầu Thê Húc đỏ chói vào đền Ngọc Sơn khi nắng vừa lên. Đã bao lần hai người hẹn nhau trên con đường tình yêu Phan Đình Phùng nổi tiếng của Hà Thành luôn rợp bóng mát, cùng nhau bước trên ngàn lá vàng mùa thu Hà Nội. Đâu đâu cũng là hình bóng và kỷ niệm “Em” ngập tràn thương yêu. Bỏ lại một thành phố đầy ắp những kỷ niệm dấu yêu một thời tình sử quả là đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Cùng một tâm trạng với Vũ Thành, nhạc sĩ Anh Bằng cũng đã viết về nỗi buồn chia ly khi cất bước ra đi mà người yêu còn ở Hà Nội và sự chia cách ấy đã làm mộng đẹp mà hai người từng mơ ước tan thành sương khói:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu,

Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan theo mây chiều.

Đặc biệt ở phần điệp khúc của bài Giấc Mơ Hồi Hương nhạc sĩ Vũ Thành đã xử dụng hai nốt A♭ và C♭ và điều này đã khiến trường canh trong câu “mối duyên hờ đã phai mờ trong bóng đêm mơ hồ” chuyển hợp âm F thành Fm. Điều này đã nâng tác phẩm này lên một cung bậc cao hơn của nghệ thuật. Sự chuyển âm từ Major sang Minor hoặc ngược lại (Minor trở thành Major) trong phần điệp khúc là một kỹ thuật mà các nhạc sĩ thường xử dụng để tăng thêm sự phong phú về âm giai cho nhạc phẩm. Một vài thí dụ như Tuổi Đá Buồn (Trịnh Công Sơn), Nghìn Trùng Xa Cách (Phạm Duy)https://www.youtube.com/watch?v=3fi0_qP2THs, Mắt Biếc (Ngô Thụy Miên), Như Cánh Vạc Bay (Trịnh Công Sơn), Hoài Cảm (Cung Tiến). Đôi khi nhạc sĩ không chuyển âm toàn điệp khúc mà chỉ xử dụng một vài nốt nhạc của hợp âm chủ hoặc hợp âm đi kèm bậc 4 (4th) trong một trường canh và kết quả là một sự thăng hoa âm nhạc, một đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác như trong Nửa Hồn Thương Đau (Phạm Đình Chương)https://www.youtube.com/watch?v=FBbAIoeMbzo, Khi Em Nhìn Anh (Y Vân), Tình Khúc Cho Em (Lê Uyên Phương) và sự phá cách này đã được nhạc sĩ Vũ Thành xử dụng thật khéo léo tài tình trong phần điệp khúc của tác phẩm chủ đề về cố đô Thăng Long xưa: Giấc Mơ Hồi Hương.

Gần một triệu người dân miền Bắc đã nhất quyết rời bỏ quê cha vào miền Nam tự do để lánh nạn Cộng Sản năm 1954. Người dân Hà Nội trong số đó có những nghệ sĩ như nhạc sĩ Vũ Thành, nhà văn Mai Thảo, nhạc sĩ Anh Bằng đã rời thành phố trong một sáng khi sương mai còn đọng trên nhánh lá, gió lạnh heo may càng làm cảnh biệt ly thêm thê lương. Đã có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày ca khúc Giấc Mơ Hồi Hương như Lệ Thu, Khánh Hà, Thái Thanh. Nhưng tôi chọn Paolo Tuấn để mời các bạn thưởng thức một tuyệt phẩm của người Hà Nội. Tôi nghĩ phải là một nam ca sĩ xuất thân từ thành phố huyền thoại có nhiều lịch sử như Hà Nội thì mới có những rung cảm như nhạc sĩ Vũ Thành. Paolo Tuấn đã hội đủ những điều kiện này.
Bây giờ ta nói đến nhạc sĩ Song Ngọc. Ông tên thật Nguyễn Ngọc Thương, sinh năm 1943 ở An Giang. Ông nổi tiếng từ cuối thập niên 1960 với những ca khúc viết về tình yêu. Sáng tác đầu tiên của ông là Mưa chiều. Song Ngọc được giới thưởng ngoạn biết đến khi ca khúc Tiễn đưa (phổ thơ Nguyên Sa) được trình làng năm 1960.
Ông kể lại: “Có một người bạn gửi cho tôi một bài thơ của Nguyên Sa. Tôi nhìn bài thơ đó, thấy hay quá, trong vòng một đêm, tôi phổ nhạc cho bài ‘Tiễn đưa’. Về sau, nếu tôi không lầm, có thể tôi là người đầu tiên phổ thơ Nguyên Sa năm đó.”
Năm đó, nhạc sĩ Song Ngọc 19 tuổi, và bài thơ của thi sĩ Nguyên Sa có tên là ‘Tiễn biệt’. Nguyên sa là một nhà thơ lớn của văn học miền Nam trước 1975. Thơ của ông được nhiều người mến chuộng vì lời thơ mang nhìều tính cách trữ tình và lãng mạn của văn hóa Pháp. Nhiều bài thơ của ông đã  được phổ nhạc và trở thành những ca khúc nổi tiếng như Áo Lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên), Nếu Vắng Anh (Anh Bằng), Paris Có Gì Lạ Không Em (Ngô Thụy Miên)
Nhạc sĩ Song Ngọc có trên 300 ca khúc. Những bài nổi tiếng như Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân, Định Mệnh, Tình Yêu Như Bóng Mây, Đàn bà, Chuyến Đò Không Em..
Sau 1975 nhạc sĩ Song Ngọc định cư tại Houston, Texas, Hoa Kỳ. Ông qua đời vào tháng 10 năm 2018.
Một tác phẩm xuất sắc nhất của Song Ngọc là Hà Nội Ngày Tháng Cũ. Đối với những người đã từng sống ở Hà Nội thì có những tác phẩm về thành phố này không có gì lạ. Nhưng nhạc sĩ Song Ngọc chưa từng thăm Hà Nội nói chi đến sống ở thành phố này. Những lời ca và âm giai trong bài Hà Nội Ngày Tháng Cũ làm người nghe tưởng chừng như ông đã sống ở cố đô một thời gian dài, có nhiều kỷ niệm từ một cuộc tình lãng mạn. Ngày tháng cũ ở Hà Nội của Song Ngọc có bóng trăng thơ soi trên mặt hồ trong một mùa thu với gió heo may làm se lạnh lòng người. Sau này Trịnh Công Sơn cũng có một tác phẩm Nhớ Mùa Thu Hà Nội để đóng góp một phần vào những nhạc phẩm cho Hà Nội. Nhưng theo tôi thì tác phẩm này không được “đạt” lắm nếu so sánh với những tình khúc khác của Trịnh Công Sơn thời ông còn trẻ của thập niên 60 như Diễm Xưa, Tình Nhớ, Mưa Hồng, Ướt Mi, Còn Tuổi Nào Cho Em.
Trở lại với Hà Nội Ngày Tháng Cũ của nhạc sĩ Song Ngọc, khi nghe Ngọc Hạ trình bày ca khúc này trên Thúy Nga tôi đã có những cảm xúc như khi nghe Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành. Cả hai tác phẩm đều được sáng tác từ hợp âm C Major. Hai tác giả tuy không cùng một thế hệ nhưng mỗi người đều có một nhạc phẩm với những xúc cảm về cùng một thành phố Hà Nội. Phải chăng đó là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu? Hai nhạc sĩ đã xử dụng những hợp âm phụ Em, Am, G và F thật xuất sắc đi kèm với những lời nhạc như những câu thơ khiến người nghe như lạc vào một khoảng không gian của Hà Nội của thập niên 40-50.Trong Giấc Mơ Hồi Hương là những chia ly, ngẹn ngào đầy nước mắt thì Hà Nội Ngày Tháng Cũ lại những đưa ta về  một Hà Nội tình tứ, lãng mạn với tiếng oanh ca bên bờ tường vi, áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều, những cặp tình nhân đội mưa mà đi trong cơn mưa phùn bay ngang thành phố. Một hình ảnh tuyệt đẹp và nên thơ. Người xưa thường nói âm nhạc là ngôn ngữ của tình yêu thật không sai.
Tiết tấu của Hà Nội Ngày Tháng Cũ đượm nét cổ điển trang trọng quý phái như Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành. Lời ca là một bài thơ hay, hàm xúc chan chứa tình cảm của tình yêu đôi lứa.
Hà Nội ngày tháng cũ

có bóng trăng thơ in trên mặt hồ

Hà Nội ngày tháng cũ
có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
Hà Nội ngày tháng cũ
có dáng em tôi
áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều
tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè
mùa thu theo gió heo may

Lời của bản nhạc đưa ta về những địa danh nổi tiếng của đất Hà thành xưa cũ như Tháp Bút, Hồ Thuyền Quang, Hồ Gươm, Hàng Đào….Người Hà Nội khi nghe bài này ắt phải bồi hồi thổn thức vì những kỷ niệm với áo trắng Trưng Vương xưa nay đã là quá khứ của một thời vang bóng.
Hà Nội người có nhớ

Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ

Hà Nội người có nhớ
Hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang
Hà Nội người có nhớ
Chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò
Áo trắng Trưng Vương Tây Sơn em tan trường về
Đường qua nẻo phố hẹn hò

Người Hà Nội ra đi nhưng vẫn nhớ về một mùa thu xưa lá vàng rụng đầy dưới chân, ánh mắt nai ngơ ngác của Lưu Trọng Lư. Làm sao quên được những lần cùng người yêu dạo bước bên hồ Tây trong cơn mưa phùn cùng nàng đội mưa mà đi, mà đi…
Ai ra đi mà không nhớ về

Mùa Thu ngày ấy ta bên nhau

Ai ra đi mà không nhớ về
Hồ Gươm mù tối gương xưa
Nhớ hàng Bạc, nhớ qua hàng Đào
Nhớ cơn mưa phùn chạy ngang thành phố
Bên em cùng đội mưa mà đi
Đội mưa mà đi ... mà đi
Hà Nội Ngày Tháng Cũ đã được trình bày nhiều lần bởi các ca sĩ tên tuổi như Ngọc Hạ, Lệ Thu, Vũ Khanh. Nhưng tôi thấy chỉ có Sĩ Phú với giọng ca trầm ấm, thiết tha mới đủ khả năng để diễn tả được tác phẩm này một cách hoàn hảo. Ngoài ra, ông cũng là người gốc Hà Nội thì đấy cũng là danh chính ngôn thuận. Cả ca sĩ và nhạc sĩ nay đã khuất bóng nhưng đã để lại cho chúng ta một tuyệt phẩm về một thành phố xưa mà trăm năm sau sẽ không có một Song Ngọc và một Sĩ Phú thứ hai. Ta hãy để lòng lắng xuồng để nghe Sĩ Phú hát Hà Nội Ngày Tháng Cũ. Người phi công hào hùng đầy nghệ sĩ tính ấy đã được trời cho một giọng ca truyền cảm ấm áp mà mỗi khi nghe anh hát ta có cảm tưởng tâm tư tan thành nước, không gian bỗng mờ đi như sương như khói. Người xưa từng nói Kiếm Báu để tặng anh hùng. Vậy thì một tuyệt phẩm âm nhạc nay tặng cho người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.


Lời Kết
Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ba thành phố tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam của dân tộc. Những người Việt hải ngoại đã từng sinh trưởng thành từ ba thành phố nay sống đời lưu vong khắp năm châu có bao giờ tự hỏi bao giờ thì Việt Nam sẽ thoát khỏi gông cùm Cộng Sản để cùng nhau về quê hương, góp sức xây dựng lại một đất nước Việt hùng cường? Ngày trở về quang phục bao giờ sẽ đến? Không ai có thể biết được nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có một ngày chúng ta sẽ trở về đất mẹ. Chúng ta những người Việt sống tha hương rải rác trên thế giới đều cùng hướng về quê hương Việt Nam để hẹn nhau một ngày về như những người Do Thái vô tổ quốc đã từng hẹn nhau “Next Year in Jerusalem” trước thời quốc gia Israel được tái lập sau 2,000 năm sống tha hương khắp nơi trên thế giới. Sự kiện người Do Thái được trở về lập quốc năm 1948 là một chuyện thần kỳ mà trước đó không ai nghĩ rằng có thể xảy ra. Hơn hai ngàn năm lưu lạc khắp thế giới, người Do Thái  mỗi khi gặp nhau thường hẹn nhau “Next Year in Jerusalem” để giữ vững niềm tin sẽ có một ngày được về đất Hứa thì tại sao người Việt hải ngoại lại không thể hẹn nhau “Sang Năm sẽ về Việt Nam”?  Nếu đời ta không làm được thì truyền lời hẹn này cho đời con, đời cháu. Là thế hệ đầu tiên ở hải ngoại, chúng ta có bổn phận phải kể lại cho những thế hệ đi sau được biết xưa kia đã từng có một Việt Nam Cộng Hòa tuy vắn số nhưng chỉ trong vòng 20 năm đã xây dựng được một miền Nam trù phú, tự do, độc lập và nhân ái. Thời gian hai mươi năm đó đã để lại một nền văn hóa phong phú với những tác phẩm văn chương và nghệ thuật mà giá trị vẫn trường tồn cho đến ngày nay.
San Diego, Tháng Tư Đen , 2019
Chú Thích
①Xin đón đọc Những Truyền Thống Hải Quân trong một ngày gần đây của Trường Phúc. Một sưu khảo về truyền thống của Hải Quân quốc tế, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và của trường SQHQ Nha Trang.
②Âm nhạc Tây phương gồm 7 nốt nhạc Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si. Bảy nốt nhạc này được ký hiệu bằng những mẫu tự C, D, E, F, G, A, B. Từ 7 nốt nhạc này ta có được 14 hợp âm chinh: 7 Major (trưởng) và 7 Minor (thứ). Hợp âm thứ được ký hiệu với mẫu tự m sau tên của hợp âm như Am, Cm, Dm. Ngoài ra còn có những hợp âm phụ (Diminished) được ký hiệu bằng số 7 cùng với nốt nhạc chính như C7, Am7, Em7. Những hợp âm với số 7 là những hợp âm có thêm  một nốt chỏi vì nghe hơi chói tai. Thí dụ như hợp âm G Major gồm những nốt G, B, D trong khi G7 gồm G, B, D, F#. Một ca khúc nếu được sáng tác từ hợp âm C thì hợp âm này sẽ là hợp âm chủ. Hai hợp âm chính đi kèm là F (bậc 4) và G (bậc 5). Một thí dụ khác như hợp âm chủ là Dm, thì hai hợp âm chính đi theo sẽ là Gm (4th) và A (5th).
③Trường canh (measure): Một trường canh là một đoạn nhạc đi tròn một nhịp trong một ca khúc. Nhịp (rhythm) còn được gọi là tiết tấu rất quan trọng trong âm nhạc. Trong một nhịp có nhiều phách (beat). Một vài thí dụ vê nhịp như 2/4, 3/4, 4/4,6/8. Trong nhịp 2/4 có 2 phách và só 4 tượng trưng cho độ dài ngắn của mỗi phách.
④Paolo Tuấn tên thật là Đào Thiệu Doãn sanh năm 1946 tại Hà Nội. Đi hát từ năm 16 tuổi, ông được biết đến từ những bài nhạc ngoại quốc như Adieu Jolie Candy, Si L'amour Existe Encore, Je Sais, Elle Était Si Jolie, Green Green Grass Of Home,Delilah. Paolo Tuấn có một làn hơi dài và  ấm, căn bản ngoại ngữ khá nên phát âm thật chuản, vóc dáng cao ráo lịch lãm nên được giới trẻ thời thập niên 60 đón nhận dễ dàng. Nghe Paolo Tuấn hát Giấc Mơ Hồi Hương trong một lần trình diễn Tết Nguyên Đán đã cho những ai đã từng sống ở Hà Nội nhớ lại một trời kỷ niệm xen lẫn những xót xa. Vì trình diễn “live” nên âm thanh không chỉnh sửa như trong các CD trong phòng thu âm nhưng không vì thế mà mất đi phẩm chất. Paolo Tuấn trìng bày Giấc Mơ Hồi Hương thật tới, thật đẹp bằng tất cả tâm hồn và tôi nghĩ cố nhạc sĩ Vũ Thành ở bên kia thế giới cũng phải gật gù hài lòng khen “khá lắm”.
Dân tộc Do Thái là một dân tộc có một quá khứ bi hùng nhất của nhân loại. Lịch sử của dân tộc Do Thái đáng để chúng ta học hỏi và suy gẫm. Theo sách Exodus của Cựu Ước (Old Testament) thì Moses nguyên là một hoàng tử Ai Cập nhưng sau khi biết mình chính là người Do Thái, ông đã đứng ra xin hoàng đế Ai cập cho ông đem những người Do Thái đang làm nô lệ ra khỏi Ai Cập. Moses đã đưa dân ông vượt biển đỏ (Red Sea), vượt vùng sa mạckhô cằn ròng rã 40 năm sau họ mới được định cư ở Judea (27 BC). Trong một khoảng thời gian 200 năm vì muốn độc lâp và tự do dân Do Thái đã anh dũng chống lại một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ: Đó là đế quốc La Mã (Rome). Nhưng cuối cùng họ đã bị tiêu diệt vào năm 136 AD. Đền thánh Jerusalem bị tàn phá hoàn toàn, một dân tộc dũng cảm bị tiêu diệt gần hết. Một số sống sót bị bán làm nô lệ hoặc chạy trốn tứ phương tám hướng trên thế giới. Đó là lý do tại sao người Do Thái sống rải rác ở khắp năm châu. Trong lịch sử loài người không có một dân tộc nào chịu nhiều đau khổ bằng người Do Thái. Trong một thời gian dài 2,000 năm, người Do Thái vẫn gìũ đạo truyền thống từ thời Moses của Cựu Ước. Hàng năm họ vẫn kỷ niệm lễ Vượt Qua “Passover” (Pesach in Hebrew) kéo dài đến 7 ngày đêm để kỷ niệm ngày họ được Moses giải thoát từ ách thống trị của Ai Cập. Ngôn ngữ Hebrew của người Do Thái rất khó học mhưng không vì thế mà bị thất truyền. Khi kêt thúc một buổi hội họp, tất cả đều chào tạm biệt nhau bằng câu nói “Next Year In Jerusalem” và đã có hàng ngàn lần “Next Year” nhưng họ vẫn bền chí, giữ vững niềm tin qua nhiều thế hệ. Quốc gia Do Thái được chính thức tái lập vào tháng 5, 1948 sau 60 năm vận động thế giới cho họ được trở về một vùng đất mà 2,000 năm trước tổ tiên họ đã dựng nước. Trong thời đệ nhị thế chiến, Đức Quốc Xã đã xử tử hơn 6 triệu người Do Thái đang sống rải rác ở Âu Châu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp, Áo. Họ bị lùng bắt khắp nơi và đem vào những trại tập trung rồi bị giết bằng hơi ngạt, kể cả trẻ em và phụ nữ. Thân xác họ bị thiêu đốt trong những lò gas khổng lồ sau khi quân đội Đức đã lột hết tư trang vàng bạc. Khi Đức đầu hàng quân đội Đồng Minh, một số người Do Thái được cứu thoát từ những trại tập trung trong những đìều kiện thiếu dinh dưỡng vì bị bỏ đói. Sau năm 1948, người Do Thái đang sinh sống khắp nơi trên thế giới bỏ tất cả sự nghiệp, tài sản để ào ạt đổ về góp sức xây dựng một quốc gia cho chính họ. Hiện tại Do Thái có khoảng 8.5 triệu người. Họ có một chính phủ kiến hiệu , một quân đội hùng mạnh, một xã hội tân tiến, tự do và nhân bản. Do Thái là một trong 8 quốc gia sở hữu bom Nguyên Tử. Những quốc gia còn lại là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng, Ấn Độ, Hồi Quốc.
Vài lời tâm tình: Cộng Sản là một tai họa cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Karl Marx khi viết sách Tư Bản Luận có thể không bao giờ biết rằng tư tưởng của ông đã mang lại nhiều tang thương cho thế giới. Ảnh hưởng của chủ thuyết Cộng Sản bắt đầu từ cuộc cách mạng đẫm máu tháng 10 năm 1917 do Vladimir Lenin chủ xướng lật đổ Nga Hoàng và giới quý tộc sau đó lan sang Trung Quốc, Đông Dương và Châu Mỹ tính đến nay đã giết đi 65 triệu nhân mạng qua nhiều cuộc chiến tranh giữa thế giới tự do và Cộng Sản. Tôi đã từng trăn trở tại sao quê hương Việt Nam của chúng ta lại bị tai họa Cộng Sản. Thế giới có hơn 100 quốc gia mà những nước bị Cộng Sản nhuộm đỏ không bằng 1/10. Thế mà  trong đó có tổ quốc Việt Nam của chúng ta. Nếu bảo rằng Việt Nam bị họa CS vì vị thế chiến lược trong vùng Đông Nam Á do đó trở thành một nơi tranh chấp giữa Tự Do và CS thì vị thế chiến lược ấy là họa hay phúc cho dân tộc? Giống như chuyện phú ông thất mã, vị thế chiến lược mà Thượng Đế ban cho không lẽ là “có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai” nhạc sĩ Vũ Thành An đã viết trong Tình Khúc Thứ Nhất? Bọn CS Việt gian luôn hô hào chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc nhưng chúng chỉ coi những người Việt hải ngoại là những khúc ruột ngàn dặm để lợi dụng, bòn rút. Chủ nghĩa CS vốn là không phân chia giai cấp nhưng hơn 40 năm qua những người có dính dáng đến Việt Nam Cộng Hòa và gia đình của họ vẫn bị đối xử nhưng những tội nhân của chế độ. Con cháu của Ngụy quân bị gạt bỏ bên lề xã hội, không được đi học. Những người đã chết vẫn không được yên thân vì chúng bắt dời mộ phần để chiếm đất với mỹ từ “quy hoạch”. Bọn Việt gian CS lại  còn trơ tráo lấy tên lãnh tụ để đặt cho thành phố Sài Gòn, tên những con đường thân yêu được đổi bằng những Nguyễn văn Trổi, Võ Thị Sáu vốn là những đặc công khủng bố giết hại dân lành. Chỉ khi nào chúng biết tự giác “xét lại” để trả cho thủ đô Sài Gòn và toàn dân miền Nam những gì chúng đã cướp đi thì tôi mới tin là chúng muốn thật lòng hòa hợp dân tộc.
Tôi thường nghĩ chúng ta là những viên gạch lót đường cho những thế hệ đi sau. Một kiếp người có là bao như bóng câu vụt qua cửa sổ. Những  người Việt lưu vong ở hải ngoại như những con thuyền nhỏ bồng bềnh trên sóng khắp các đại dương vẫn chưa tìm được bến đậu sau hơn 40 năm dài như những người Do Thái xưa đi trong sa mạc. Nhưng rồi dân tộc Do Thái cũng đã đến được miền đất Thượng Đế đã hứa với họ. Còn chúng ta những con thuyền viễu xứ khi nào mới lên đường trở về bến cũ?
Trường Phúc

No comments:

Nhờ đâu Ukraine đánh chìm tàu đổ bộ Caesar Kunikov của Nga?The Economist

Trong khi lực lượng trên bộ của Ukraine bị lợi thế pháo binh của Nga áp đảo thì lực lượng hải quân của nước này đang liên tiếp thu về những ...