Wednesday, February 19, 2020

Một Chuyến Vượt Biên * Hồ Hải


Từ khi có ý định vượt biên, tôi thường tìm cách về Nha Trang, vùng duyên hải mà tôi đã quen thuộc trong những năm phục vụ tại đây để tìm gặp lại bạn bè cũ. Một hôm tình cờ tôi gặp lại một người mà tôi không chờ đợi. Anh ta trước kia là Trưởng cuộc Cảnh sát, người ta gọi anh là anh Ba Cảnh sát.

Trước năm 75, tôi chỉ gặp anh một vài lần trong vài bữa tiệc nhậu dưới Chụt, Cầu Đá. Hồi đó mỗi lần gặp tôi, anh đều mời thế nào tôi cũng phải ra Bãi Miếu, nơi anh tự coi mình như là “Chúa Đảo” để chiêu đãi tôi một bữa nhưng chưa lần nào tôi có dịp được ra đó. Nay gặp lại tôi, anh mừng rỡ thấy rõ. Anh kéo tôi đến một quán nước và anh em thăm hỏi nhau sau hơn mười năm không gặp. Thời gian mười năm không dài nhưng mười năm sau khi cộng sản miền Bắc “giải phóng” miền Nam thì xã hội có rất nhiều điều thay đổi, lòng người cũng đổi thay, ngờ vực, đẩy đưa, cảnh giác … người tìm đường vượt biên thật cũng nhiều mà lừa lọc, cạm bẫy cũng không ít. Tôi và anh Ba Cảnh sát hẹn gặp nhau thêm vài lần nữa rồi mới dám tâm sự và, “chí lớn” mới gặp nhau. Anh cho biết anh đang tổ chức vượt biên, anh sẽ bàn với người trong tổ chức nhận tôi làm hoa tiêu và được mang theo hai đứa con lớn.
Một ngày nọ anh hẹn gặp tôi ở nhà một người quen của anh và cho tôi xem một cái địa bàn và một tấm bản đồ. Anh hỏi:
- Chú coi bộ “đồ nghề” này có xài được không?
Tôi xem qua, nén thất vọng, trả lời:
- Địa bàn dùng cũng được. Bản đồ thì tuy lớn, có khá nhiều chi tiết trên bờ dưới biển nhưng không phải là hải đồ dùng đi biển.
- Chú có thể kiếm được cái hải đồ không?
- Không, nhưng thực sự cũng không cần. Tôi biết đường đi, cũng có thể nhớ và vẽ lại đường đi với các yếu tố cần thiết lên trên bản đồ này. Ba năm đi tàu tôi ra vô công tác vùng Trường Sa nhiều lần. Nếu đi Phi mình sẽ đi trên đường đó.
- Đi Phi thì mất bao nhiêu ngày?
- Biển êm thì ghe đánh cá đi khoảng 5 đến 6 ngày đêm. Nhưng biển động thì khó nói lắm. 
- Bây giờ mới là tháng mười một ta, tui định ăn Tết xong mình sẽ “đánh”, chú nghĩ lúc đó thời tiết có thuận lợi không? Gió mưa lúc đó thế nào? 
Tôi nghĩ bụng, mặc dù anh ta có hứa là sẽ bàn với tổ chức nhận tôi làm hoa tiêu nhưng tôi thấy cũng chưa lấy gì làm chắc lắm. Ngày xưa tôi và anh chỉ mới quen biết nhau vài lần trong bàn nhậu, nay mới vừa gặp lại. Nhà anh ở ngoài đảo Bãi Miếu, chuyện thời tiết, nắng mưa mỗi mùa anh ắt phải biết rõ. Những câu hỏi này có thể hiểu là anh đang muốn dò biết kinh nghiệm đi biển của tôi ra sao vì vậy mà tôi phải thận trọng để tạo được sự tin tưởng ở anh:
- Sau Tết là mùa gió Đông-Nam, dân biển gọi là gió Nồm đó anh. Đôi khi cũng gặp sóng lớn nhưng ít khi có bão lớn. Mình đi Phi cũng được nhưng sẽ bị sóng ngang nếu tài công và hoa tiêu không kinh nghiệm sẽ dễ bị lạc hướng và cũng dễ bị lật ghe lắm.
- Còn nếu như mình đi lúc này?
- Bây giờ đang cuối Đông, gió Bắc-Đông-Bắc còn, là gió Bấc, sóng lớn và thường có mưa bão nguy hiểm hơn.
Tôi thoáng thấy nét mặt anh ta như có vẻ vui hơn.  Anh bắt tay tôi thật chặt:
- Nhà tui ngoài đảo mua bán dầu nhớt cho ghe đánh cá từ nhiều năm nay, tui là cảnh sát mới “cải tạo” về nên tụi nó để ý dữ lắm, không tiện ra mặt.  Tóm lại, một số việc từ nay tui phải nhờ chú giúp.
- Dạ được, tôi hiểu.
Tôi đã đoán biết được người trong tổ chức không ai khác hơn là anh. Thấy anh đang vui nên tôi dò hỏi thêm:
- Ghe của ai vậy? Có lớn không anh Ba? Anh dự trù sẽ đi bao nhiêu người?
- Ghe của chú em bà con. Không lớn lắm nhưng còn tốt, dài 17 mét. Tui giới hạn người đi tối đa, chỉ cần vài cây vàng để tu bổ máy. Phía ghe đi tối đa là 15 người, phía mình 10 người.
- Còn máy móc, đã có thợ máy kiểm soát và đi theo không?
- Chú thợ máy là trung sĩ Hải quân ngành Cơ khí, nó xuống làm ghe này từ ngày tan hàng đến giờ, nó bảo đảm với tui là máy có thể chạy liên tục được cả tuần lễ. Dầu nhớt, lương thực, bến bãi thì tôi lo hết rồi.
- Mình đánh “đột xuất” hay mua bãi?
- Đánh đột xuất. Hôm nào tui giới thiệu với chú một người nữa. Mình sẽ bàn thêm. Tôi có bụng mừng vì càng lúc anh càng tin tưởng tôi hơn. 
*
Một tuần sau anh Ba cảnh sát gặp lại tôi ở một quán café khá vắng để anh giới thiệu tôi với một chàng thanh niên trẻ. Người này tên Sang, khoảng 30 tuổi, mặt mũi sáng sủa, hoạt bát; thoạt nhìn cũng dễ có cảm tình. Anh Ba cho biết Sang đang đi làm trên một ghe đánh cá lớn, một tuần lễ mới về bến một lần. Sang giải thích vì đã đến trễ khoảng 15 phút:
- Em mới vừa về bến khuya nay, sáng phải làm vệ sinh, rửa ghe xong mới đi được.
Mục đích của lần gặp này là để anh Ba giới thiệu cho tôi và Sang biết nhau. Những lần gặp sau anh Ba không có mặt để tránh bớt sự chú ý. Tôi và Sang hẹn gặp lại vào sáng thứ bảy sắp đến ở café Đêm Hải Đăng trước sân vận động Nha Trang. 
Khi bắt tay từ giã Sang tôi cảm thấy như có điều lạ. Bàn tay anh ta mát rượi, sạch bong như tay của một nhân viên làm việc văn phòng chứ không săn chắc như bàn tay của người lao động hay ngư phủ. Lúc nãy khi anh ta đến, cũng có bắt tay nhưng tôi không thấy có gì lạ, có lẽ vì lúc đó tôi chưa nghe nói anh ta làm trên ghe và mới vừa đi biển về.  Tôi kín đáo nhìn xuống chân anh ta, chân mang dép da, cũng sạch như đôi tay. Một chút da nhăn bởi nước lạnh buổi sáng sớm trên biển hoặc một chút dầu mỡ dính trên tay hoặc chân khi làm vệ sinh ghe cũng không có. Mặt Sang rạng rỡ chứng tỏ một người đã được ngủ đầy đủ chứ không phải của người đi biển cả tuần vừa mới về như Sang nói. Trước kia tôi có phục vụ ở Duyên Đoàn, từng đi tuần tiểu trên ghe Yabuta, Fero-cement hơn một năm và sau đó đi tàu lớn gần 3 năm, tôi tin nhận xét và sự ngờ vực của mình là đúng. Tôi cố giữ thái độ bình tĩnh như không có phát hiện điều gì.
Khi Sang đi rồi, tôi hỏi anh Ba Cảnh sát:
- Sang trông có vẻ sáng sủa, lanh lẹ … bà con với anh hả?
- Không. Quen trong những chuyến đi bất thành trước đây. Sang nằm trong kế hoạch hai của tôi. Nó sẽ làm nội tuyến để mình cướp ghe nó đang làm mà đánh tiếp nếu chuyến này của mình không thành.
Nghe anh nói thì có vẻ hấp dẫn nhưng lại làm cho tôi lo lắng thêm. Tôi đã nghi ngờ Sang chỉ là chưa tiện nói ra với anh lúc này. Tôi giữ thái độ thật tự nhiên để tìm hiểu thêm:
- Anh Ba, cướp ghe là chuyện lớn đó, mình phải bàn tính thật kỹ mới được. Anh có thể cho tôi biết anh quen biết Sang trong trường hợp nào không?
- Hơn một năm trước một người đánh cá trong xóm giới thiệu Sang muốn tìm mua dầu. Sau vài lần tiếp xúc, tui biết Sang định mua dầu để vượt biên, chuyến đó bất thành. Sau này nó hợp tác với tui một chuyến nữa nhưng cũng không thành. Nó biết nhà cửa, nơi tôi cất giấu lương thực, dầu nhớt từ lâu nhưng vẫn không bị lộ.
Thứ bảy, tôi đúng hẹn đến café Đêm Hải Đăng gặp Sang. Vốn đã có nghi ngờ nên tôi để ý cảnh giác. Chúng tôi ngồi nơi bàn nhỏ kê ngoài sân, quay lưng vào tường nhìn ra cổng chính. Chuyện trò được vài phút tôi bỗng chợt thấy bàn tay Sang đang đặt trên đùi, nhịp nhịp như kín đáo chào hỏi ai đó. Tôi nhìn ra cổng thì thấy một thanh niên đang chạy xe Honda vào, tuy hắn vẫn giữ tay lái nhưng một tay cũng nhịp nhịp như Sang. Tôi hỏi Sang:
- Quen em hả?
Sang hơi giật mình quay lại:
- Đâu có, em đâu có quen ai đâu. 
Nói xong Sang chồm lấy điếu thuốc và mượn tôi cái bật lửa (tôi đang cầm trên tay) để đốt. Sang đã để lộ sự bối rối, lúng túng thấy rõ. Điếu thuốc anh ta đang hút dỡ chỉ mới được nửa điếu còn nằm trên cái gạt tàn ngay trước mặt, trong tầm tay mà anh ta lại muốn đốt điếu khác. Tôi biết Sang đã nói dối. Tôi nhìn theo chiếc xe của chàng thanh niên mới chạy vào dựng lại ở cuối sân, cố nhớ số xe tuy tôi chưa biết rồi sẽ dùng để làm gì vì tôi đến từ một thành phố khác không phải ở đây.
Tôi đem chuyện tôi phát hiện ở Sang trong hai lần gặp vừa qua nói với anh Ba Cảnh sát. Nghe xong anh tỏ ra đăm chiêu như có vẻ bán tín, bán nghi:
-  Chắc là chú đa nghi đó thôi. Nếu nó là công an hay là người do công an cài vào thì tui đã bị nó hốt rồi.
- Anh đã nói lần nào cũng bất thành trước khi ra bãi mà?  Chưa ra bãi mà hốt thì chúng đâu có được gì?
- Thôi được, để tui coi lại.
- Anh đừng để cho nó biết là mình đã nghi ngờ nó. Nếu nó thật là công an, biết bị lộ, nó sẽ tìm cách hốt sớm mình đó.
Hai hôm sau gặp lại, anh ta vẫn không có ý kiến hay quyết định gì về việc của Sang. Tôi thấy nên bàn qua vấn đề khác để tìm hiểu thêm: vấn đề cướp ghe đánh cá của Sang.
- Sang nói với anh nó sẽ làm tay trong để cướp ghe nhưng cụ thể việc làm này ra sao, anh Ba?
Anh lắc đầu:
-Chưa. Chỉ là dự tính thôi chứ chưa có bàn kỹ.
- Giả sử như chuyến này mình bị bể tại bãi, một số có thể bị bắt hoặc chạy thất lạc tứ tung thì chừng nào mình mới gom lại đủ người để cướp ghe nó mà đi? Còn vấn đề vũ khí nữa? Cướp ghe không phải là mình không làm được nhưng phải có kế hoạch, phân công cụ thể chứ nói chung chung, nước đôi thế này tôi thấy không khả thi chút nào. Anh nghĩ giùm lại đi anh Ba.
Tôi biết anh ta là người tình cảm, thủy chung chỉ tiếc anh không phải là người bén nhạy, dứt khoát, thật khó mà thuyết phục ngay được. Tôi đã nghe một số trường hợp vượt biên bị bể, bị hốt trọn ổ; mới nghe thì ai cũng cho là xui nhưng thực tế có những sơ suất do người tổ chức, có khi rất sơ đẳng. Trong những chuyến đó không phải là thiếu người có khả năng tổ chức nhưng rất tiếc họ chỉ là người đóng tiền đi theo chứ không có quyền tham mưu hay quyết định. Tôi phải làm mặt giận để mong anh có ý kiến cho ngã ngũ:
- Tôi về đây lui, tới với anh đã hơn một tháng, công an khu vực đã đến nhà tôi hỏi thăm về sự vắng mặt của tôi. Tôi dốc tâm đi chuyến này với anh nhưng nếu có Sang, tôi không đi.  Cám ơn anh lâu nay đã tin tưởng tôi.
- Phải biết chắc nó là công an thì nói làm chi? Mình chỉ mới nghi ngờ nó.
- Đến khi anh bị nó tóm thì anh mới biết chắc được. Thà ta phụ người đi anh Ba. Đợi người phụ ta thì anh em mình nằm mút chỉ trong tù rồi. Chuyện mấy chục người bị bắn chết khi lên ghe ở cầu chữ Y là do anh kể cho tôi nghe đó mà. Giả sử nó có bị mình nghi oan, bỏ nó lại rồi thì nó sẽ tìm đi chuyến khác chứ nó có mất gì đâu? Mình đâu có nhận tiền, vàng gì của nó mà ân hận là lường gạt?
Tôi chia tay anh ra về nhưng trong lòng thì mong anh ta xiêu lòng mà giữ tôi lại.
Hai hôm sau anh ta đích thân tìm đến tôi. Câu đầu tiên anh
nói với tôi:
- Tui đã suy nghĩ kỹ từ hai hôm nay. Tui nghe lời chú. Tui cũng mong là chú đúng để tui khỏi phải ân hận. Vấn đề là thằng Sang nó biết hết đường đi nước bước của mình, chỉ còn mấy hôm nữa mình đi làm sao mà bỏ nó lại đây?
Tôi mừng ra mặt và cảm thấy nhẹ nhõm như được trút bỏ một gánh nặng:
- Cám ơn anh đã nghe tôi. Nếu không, tôi cũng không biết phải làm sao!
Gần đến ngày đi tôi còn biết thêm một tin đau đầu khác. Một chiếc ghe trong xóm, bạn của anh Ba Cảnh sát cùng đi chung vì họ không có hoa tiêu. Theo lời anh: “Nó ở gần nhà, biết tui sắp đi, nó bám sát, từ chối cũng không được. Thôi lỡ rồi, nếu không may chiếc này có bị hỏng thì còn chiếc khác. Ghe mình tuy đã được tu bổ máy nhưng ghe kia còn mới hơn nhiều, lương thực, dầu, nước đầy đủ.”  Anh cũng cho biết là những người đi trên ghe đó anh đều đã biết rõ. Tôi đã leo lên lưng cọp rồi, không thể leo xuống được nữa.
Trước đây chúng tôi dự trù với Sang là sẽ “nhổ neo” ngày 21 tháng giêng Âm lịch lúc một giờ sáng, khi trăng hạ tuần chưa lên. Chiều ngày 20, anh Ba Cảnh sát đưa tôi và Sang đi kiểm soát lại lương thực, bãi chôn dầu, chỉ rõ điểm hẹn để tối mai ghe nhỏ đón mấy người đi từ Nha Trang ra ghe lớn, trong đó có tôi và Sang.  Sáu giờ chiều tôi và Sang về lại Nha Trang. Tôi kéo Sang vào quán nhậu, tuy cả hai cùng nói là để nhậu một lần để ngày mai từ giã thành phố này nhưng mà trong đầu mỗi người đang suy nghĩ, toan tính khác nhau. Cũng vào giờ này, anh Ba Cảnh sát ở lại nhà ngoài Bãi Miếu để lo đưa người ra bãi lên ghe nhỏ, ra ghe lớn ngay tối đó. Tôi lái tàu mà đang ngồi nhậu với Sang nên nó không chút gì nghi ngờ. 9 giờ đêm cả hai đều ngà ngà say, chúng tôi chia tay. Chiếc xe Honda ôm thay vì chở tôi về nhà thì chạy thẳng xuống Cầu Đá, lên ghe nhỏ tại một địa điểm khác để ra ghe lớn. Chúng tôi đã “đánh” trước dự tính với Sang một ngày.
Chúng tôi lên ghe lớn trong vịnh giữa hồ cá Trí Nguyên và Hòn Tre. Ghe khởi hành lúc một giờ sáng, chạy dọc theo Bãi Dài về hướng Cam Ranh khoảng 2, 3 hải lý thì rẽ trái 90 độ để đi thẳng ra khơi.
Ghe đi được một ngày một đêm, biển cở cấp một, không gió lớn. Vừa rời bến an toàn lại gặp được biển êm sóng lặng nên ai cũng vui mừng, nét hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt. Nhưng rồi cũng như rất nhiều những chuyến vượt biên khác, trời cao như muốn thử thách những người muốn đánh đổi mạng sống để tìm tự do …  nên không mấy chuyến vượt biên được xuôi chèo, mát mái. Đến chiều ngày thứ hai thì bắt đầu thấy có nhiều cụm mây đen từ từ xuất hiện, càng lúc càng nhiều như một chiếc lưới khổng lồ sắp mang tai họa đến cho hai chiếc ghe bé nhỏ giữa đại dương mênh mông này. Khi trời sụp tối thì trời bắt đầu đổ mưa. Tuy mưa không lớn lắm nhưng biển thì lại động mạnh. 
Trước kia tôi đi tàu lớn đã quen nay gặp những đợt sóng ngang dồn dập ụp xuống chiếc ghe quá bé nhỏ, cũ kỹ khiến tôi thật lo lắng cho sức chịu đựng của ghe; cũng may là anh tài công có nhiều kinh nghiệm nên đã cho ghe nương theo sóng để ghe khỏi bị sốc mạnh và không bị lật.  Thỉnh thoảng, xa xa lại thấy một vài ánh đèn nhỏ xuất hiện. Ngư dân trên ghe quả quyết đó là ghe lưới Chuồn (đánh cá Chuồn), họ đi làm xa bờ và có công an biên phòng đi theo tuần tiểu. Chúng tôi phải tắt đèn và rẽ hẳn qua hướng khác tránh đường để khỏi bị họ phát hiện. Mưa càng lúc càng lớn và trời tối đen như mực, tài công hai ghe chỉ lo tránh sóng, điều khiển ghe, không nhìn thấy nhau nên cứ 10, 15 phút là hai ghe húc nhau nghe đánh ầm một tiếng. Vài người té nhào lăn trên sàn ghe, cũng may là không ai bị văng xuống biển. Mỗi lần húc nhau, ghe cứ như vỡ ra, sóng nước ụp mạnh vào như muốn xô lật chìm ghe. Chúng tôi phải cắt người vừa múc nước đổ ra ngoài vừa đứng dọc theo hai bên thành ghe để quan sát, khi thấy bóng ghe kia đến gần thì chớp nhanh đèn pin và la lên để tránh. Ngoại trừ một vài thanh niên trẻ, những người khác đều ói mửa và nằm la liệt trên sàn ghe, tội nhất là các em nhỏ, cha mẹ cứ phải ôm cứng chúng vào lòng sợ rơi xuống biển.
Đến gần sáng thì mưa cũng nhẹ hạt và sóng gió cũng giảm dần. Tôi cố gắng đưa ghe về lại hải trình đã định nhưng tôi tự biết không thể nào chính xác được vì tôi đã không xác định được vị trí từ đêm qua. Tôi chỉ còn biết lấy hướng đông mà đi thẳng. Đi thêm được một ngày và một đêm nữa thì chiếc ghe của tôi bị tắt máy- bể cốt máy- vỏ ghe bị nứt và nước vô không cách gì ngăn chặn được. Ghe sắp chìm và rất may mắn chiếc ghe thứ hai đã kịp thời đến cứu. Nước uống, lương thực đều không mang qua kịp. Tổng cộng số người trên ghe lúc này là 46 người. Chiếc ghe quá nhỏ, mực nước biển chỉ còn cách thành ghe ba, bốn  gang tay, cũng may là trời đã tạnh mưa và sóng cũng bớt dần. Chiếc ghe thứ nhất đã được chúng tôi bỏ tiền ra tu bổ thì lại bị bể cốt máy, bể vỏ ghe và bị chìm. Chiếc ghe thứ hai giờ chót xin đi theo thì lại cứu được 25 mạng người trên ghe chúng tôi. Một sự may mắn như Đấng Bề Trên đã sắp đặt, an bài sẵn.

Chúng tôi đi thêm được một ngày nữa thì lương thực và nước uống đã cạn nên phải chia theo tiêu chuẩn và điều tệ hại là đã có chỉ dấu có hành động giành giật muốn nổi loạn, nếu kéo dài thêm vài hôm nữa không biết tình hình sẽ ra sao? Tôi ước tính, mặc dù đi được 4 ngày 5 đêm nhưng sóng gió ngược, ghe thì né sóng lúc qua phải lúc qua trái, chắc chắn đi chưa được nửa đường đến Subic Bay. Nếu tôi băng ngang qua Trường Sa để đến đảo Palawan chắc sẽ gần hơn được một hoặc hai ngày. Tôi không dám bàn với anh Ba Cảnh sát vì sợ anh ta không đồng ý. Tôi nói riêng với anh thiếu tá Pháo binh (tôi đã gặp và trò chuyện với anh một lần trước ngày đi) hy vọng anh ta sẽ giúp tôi:
“Đi thêm vài ngày nữa thế nào cũng có người đói, kiệt sức chết, nhất là các em bé, họ sẽ nổi loạn. Tôi quyết định băng ngang qua Trường Sa để thâu ngắn đường đi. Quần đảo Trường Sa tuy có nơi có san hô, đá ngầm nhưng chiều cao của ghe dưới mặt nước chưa tới hai mét, thủy triều đang cao không nguy hiểm lắm. Anh ngồi giùm trước mũi ghe, nếu thấy có san hô hay rong rêu, màu nước khác thường thì báo cho tôi biết ngay, cũng phải quan sát xa hơn để thấy tàu cộng sản tuần tiểu quanh vùng mà tránh. Tôi ngồi phía sau cùng quan sát và hướng dẫn tài công.”
Anh đồng ý nhưng không ngờ sau đó anh ta lại nói cho cô tình nhân của anh biết. Chị ta vùng đứng lên la ó phản đối như một bà điên. Chị sợ gặp tàu Việt cộng, sợ bị cướp của, hãm hiếp v.v… Mọi người trên ghe qua mấy ngày sóng gió, đói khát nên đầu óc cũng căng thẳng, mất tinh thần như chị. Họ đều nhao nhao phản đối tôi. Anh Ba Cảnh sát giận dữ không kém, tay anh cầm cây súng colt 45 đến bên tôi:
- Sao chú định đi đường này mà không nói với tui. Tui cho chú biết, tui mà thấy cái nón cối là tui phèng chú trước khi bị tụi nó bắt đó.
Một thanh niên trong đám ngư phủ, tướng tá dữ dằn, nói lớn:
- Vậy là nó không biết đường đi rồi, đạp mẹ nó xuống biển đi.
Tôi quả thật ân hận vì đã dại dột nói cho anh thiếu tá Pháo binh nghe ý định của mình. Qua nhiều ngày đêm thức trắng, gió biển, đói khát đã muốn tắt tiếng nên tôi chỉ ráng nói được một câu ngắn:
- Nếu đạp tôi xuống biển mà mấy người đến nơi được thì cứ làm…
Và, tôi vớt vát cho họ yên tâm: 
- Nếu vậy, tôi sẽ không đi qua Trường Sa nữa.
Hình như mọi người đều đồng ý là nên để tôi sống thêm vài hôm nữa xem sao hơn là đạp tôi xuống biển lúc này. Tôi giữ hướng cũ đi thêm cho hết ngày hôm đó. Đến tối, tài công mệt tôi lái thay cho anh ta ngủ. Tôi tự nghĩ: “Sinh mạng ba cha con tôi và hơn 40 người khác trên ghe, tôi phải có trách nhiệm. Tôi phải tự mình lấy quyết định, không bàn thảo với bất cứ ai nữa.”  Tôi từ từ quay nhẹ tay lái theo địa bàn qua hướng Đông-Nam về phía đảo Palawan mà trên ghe không ai hay biết, lòng thầm mong đừng gặp tàu hải quân cộng sản hay đảo nào của Trường Sa. Trời biển mênh mông không có một đối vật nào để quan sát, định hướng nên không ai biết được tôi đang cho ghe đi về hướng nào. Ghe đi thêm được đêm đó và một ngày hôm sau nữa, đến chiều thỉnh thoảng tôi thấy có một vài chùm rong nhỏ trôi gần sườn ghe. Tôi có bụng mừng nhưng cũng không biết rong đó trôi từ hướng nào đến và cũng mệt quá nên chẳng muốn nói cho ai biết. Đến hai giờ sáng tôi thấy lác đác có vài đèn tàu qua lại, thật mờ và thật xa phía trước. Và, khi trời vừa sáng thì thấy một dãy núi dài hiện mờ mờ phía chân trời. Thực tình tôi cũng không dám chắc đó là đảo nào? Đảo quá lớn, lớn hơn gấp mấy lần đảo lớn nhất của Trường Sa là Itu-Aba (Thái Bình) mà tôi đã biết.  Khoảng cách ghe và đảo càng lúc càng thâu ngắn dần. Một vài người còn sức cũng bò ra thành ghe quan sát vừa mừng, vừa hồi hộp vừa lâm râm cầu nguyện.
Khi ghe còn cách bờ khoảng 7, 8 hải lý thì gặp một chiếc tàu khá lớn, lúc đến gần mới biết đó là tàu đánh cá của Phi. Chúng tôi ra dấu xin cặp để xin thức ăn, nước uống. Họ đồng ý. Thuyền trưởng cho nhân viên mang nước xuống ghe phân phát cho từng người. Như một phép màu, trước đó mọi người nằm la liệt như những cái xác không hồn, khi gặp tàu của Phi, mọi người đều ngồi bật dậy, mặt mày hớn hở như không có chuyện gì xảy ra. Khi tôi nghe một ngư phủ Phi trả lời đảo lớn đó là Palawan thì tôi  mừng như chết đi sống lại. Tôi kiệt sức nằm dài trên sàn ghe, mắt lim dim nhìn lên chiếc tàu đánh cá của Phi, trong một thoáng tôi cảm nhận được mình đang ở giữa lằn ranh của sự chết và sự sống; của địa ngục trần gian và thế giới tự do… Giây lát sau, thủy thủ đoàn chuyển những vòi nước ngọt xuống cho chúng tôi lấy thêm để tắm rửa và dự trữ. Họ mang ngay cho chúng tôi ba nồi cơm và hai soong cá nục lớn đã nấu sẵn, chắc là phần ăn trưa của họ. Chúng tôi ai cũng dặn nhau là phải ăn từ từ và ít thôi để khỏi bị bội thực nhưng rồi chỉ độ mười lăm phút sau thì ba nồi cơm và hai soong cá đã sạch sẽ, không thấy ai bị bội thực. Thực ra chúng tôi 46 người, cũng chỉ chia nhau mỗi người được hơn một chén cơm. Tiếp theo họ cho chúng tôi hai bao gạo, mỗi bao 50 kgs và hai thúng cá tươi lớn để chúng tôi tự nấu ăn thêm. 
Tôi lên tàu xin gặp Thuyền trưởng để nhờ chỉ đường vào đảo, nơi gần trại tị nạn nhất. Vị Thuyền trưởng, sau khi biết tôi là cựu sĩ quan Hải quân, ông thân mật dắt tôi lên đài chỉ huy để hỏi thăm chuyến đi. Tôi tường thuật cuộc hành trình 7 ngày đêm với 46 người trên hai chiếc ghe nhỏ, nay còn một chiếc; không ai chết cũng không ai bệnh nặng hoặc bị thương và, khi tôi đưa cho ông xem dụng cụ hải hành gồm một cái địa bàn và một tấm bản đồ hành chánh có vẽ hải đạo và những ghi chú nguệch ngoạc, ông đã nói với tôi, giọng rất thành thật:
- Tôi đi biển trên 10 năm, với dụng cụ và phương tiện này của anh tôi không dám đi từ Việt Nam đến Phi.
Ông như nửa đùa, nửa thật đứng nghiêm chào tôi theo kiểu nhà binh và ôm cứng đôi vai tôi rất thân thiện. Tôi vừa sung sướng vừa cảm động:
- Nếu ông sống dưới chế độ cộng sản như chúng tôi thì ông cũng sẽ dám đi như tôi.
Ông im lặng nhìn tôi với ánh mắt đầy xúc động, chứa chan tình cảm; ánh mắt mà 9 năm, từ sau tháng 4, 1975 tôi tưởng chừng như chưa gặp.
Theo sự hướng dẫn của ông, tôi cho ghe đi về hướng làng Liminancong thuộc đảo Palawan, nơi có trạm Quan Thuế tạm thời tiếp nhận. Trại tị nạn nằm mặt bên kia đảo, về phía đông-bắc. Lúc này trên ghe, ít nhất có hai người là anh Ba Cảnh sát và anh thiếu tá Pháo binh biết là tôi đã đi qua Trường Sa để đến Palawan thay vì đi Subic Bay thuộc đảo Luzon như đã định trước. Hai người này biết thì cả ghe đều biết nhưng bây giờ thì tôi không còn sợ mọi người làm khó tôi nữa. Khi bàn giao ghe lại cho chính quyền địa phương tôi sực nhớ đến cây súng colt của anh Ba Cảnh sát mà tôi vừa thấy hôm anh đòi bắn tôi. Tôi bảo anh đưa tôi giao nộp để khỏi bị rắc rối. Tôi kiểm soát lại súng, kéo cơ bẩm để lấy đạn ra khỏi nòng cho an toàn trước khi giao cho họ nhưng kéo mấy lần cơ-bẩm không lùi lại được. Nhìn kỹ thì súng đã rỉ sét mặc dù thoạt nhìn bên ngoài thì như còn mới vì đã được lau chùi kỹ lưỡng. Tôi nhìn anh. Anh cười hề hề:
-Súng tôi chôn dưới đất từ 75 đến giờ, bọc ny-lon rách nên đã rỉ sét không còn xài được đâu. Hôm trước chỉ là hù chú để trấn an tụi nó trên ghe thôi.
-Súng này chắc anh cũng định dùng để cướp ghe của thằng Sang?
-Thôi chuyện đã không xảy ra chú nhắc lại làm chi, bỏ qua đi chú.
Dĩ nhiên là tôi phải bỏ qua và cũng lẹ tay vứt bỏ cây súng rỉ sét đó xuống biển, giao nạp chỉ làm trò cười cho đám lính Phi.
Chúng tôi được đưa đến một trạm xá dường như đã bị bỏ hoang nhiều ngày trước nghỉ tạm để khai báo, lập thủ tục sơ khởi và chờ lệnh. Những ngày này ai cũng mất sức, mệt nhoài; suốt ngày chỉ làm mỗi việc, đàn ông thì đi kiếm củi, rác khô về để các bà đun lửa nấu cơm. Gạo thì tàu đánh cá cho hôm trước còn, cá thì còn đến hai thau lớn, toàn cá nục nhỏ con. Ăn xong thì tìm chỗ trên sàn hay bóng cây ngoài vườn để ngủ lấy lại sức. Tôi thao thức suy nghĩ miên man, mình đã may mắn qua được chặng đường đầy hiểm nguy trên biển, nay đã đến được bờ, vậy là sống rồi chỉ là không biết những ngày tháng sắp tới sẽ ra sao? 
Đến chiều ngày thứ ba thì chúng tôi được lệnh chuyển xuống một chiêc ghe buôn lớn, được biết là sẽ đưa đến trại tị nạn Palawan. Theo hiểu biết của tôi thì trại tị nạn này nằm phía bên kia, đông bắc của đảo. Chúng tôi tất cả 46 người, ghe tương đối lớn và mặc dù đang chở nhiều hàng hóa đựng trong các bao tải và thùng gỗ nhưng xem ra chưa thấy có vẽ quá trọng tải. Ghe đi được khoảng 1 giờ thì rẽ vào cửa một con sông lớn, bề ngang rộng cỡ trên 30 mét nhưng càng đi vào trong đất liền thị hẹp dần còn chừng trên dưới 20 mét. Hai bên bờ là rừng cây thấp, tôi tưởng như ghe đang đi vào con rạch lớn của khu Rừng Sát bên Việt Nam. Đến khoảng nửa đêm thì ghe chậm dần lại rồi dừng hẳn giữa sông. Trời tối đen như mực. Chủ ghe báo ghe chở nhiều người nặng quá nên đã mắc cạn, họ yêu cầu thanh niên xuống để ghe nhẹ bớt và cùng đẩy ghe đi tới. Chúng tôi có khoảng 20 người nhảy xuống nước nhưng chỉ vài giây sau tất cả đều hốt hoảng la lên: bùn lún sâu quá không rút chân lên được. Nước thì ngang ngực nhưng bùn lên đến gối rất khó rút chân lên để bước tới. Tất cả níu lấy ghe cho khỏi bị lún thêm hơn là ra sức đẩy ghe đi. Tình thế thật nguy, nếu có người bị lún sâu không di chuyển được ngộp nước chắc chết mất. Tôi chợt lo, suốt mấy ngày sóng gió trên biển lớn không chết, nay đã lên được bờ nhưng lại chết trong con lạch bùn sình trong rừng sâu này thì thật là oái ăm. 
Khoảng hơn nửa giờ sau, máy ghe nổ, sức người đẩy nhưng ghe di chuyển chưa đến 10 mét. Chủ ghe cũng nhận biết thế nên đã bảo tất cả chúng tôi buông ghe ra, tránh xa bánh lái và chân vịt, ông tăng ga máy tối đa, ghe từ từ lết tới. Hồi lâu ghe đã qua khỏi chỗ nước cạn rồi dừng lại chờ chúng tôi níu tay nhau từng bước khó khăn rút chân lên đi dần tới ghe và leo lên ghe lại. 
Ghe tiếp tục đi cho đến sáng thì dừng lại một làng quê cho chúng tôi xuống. Chủ ghe cho biết là chúng tôi lên bờ chờ người của trại tị nạn đến đón về trại, ghe của ông chỉ cho quá giang đến đây thôi vì họ phải đi tiếp đến một địa phương khác để bán và mua hàng, kiểu các ghe “thương-hồ” bên Việt Nam ngày trước. Chúng tôi cám ơn sự giúp đỡ của họ và lên bờ ngồi chờ.
Đến giữa trưa thì có hai xe GMC nhà binh, tài xế là lính Phi và 4 người Việt Nam, mỗi xe hai người, thuộc trại tị nạn Palawan đến đón chở chúng tôi về trại. Xe rời làng đi về phía rừng núi thấp, băng ngang qua nhiều núi đồi, đường hẹp dùng cho xe khai thác gỗ qua lại nên rất hẹp, vắng và nguy hiểm, tài xế quân đội chạy bạt mạng nhưng cũng có vẻ chuyên nghiệp lắm nên cũng yên tâm. Đến tối đó, xe dừng lại một thị trấn nhỏ. Những người đi đón chúng tôi vào quán mua thức ăn, cơm, cá kho, mì xào, chuối … tôi nhận ra thức ăn ở Phi gần giống như bên Việt Nam. Ngủ lại thị trấn đó một đêm, sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường và về đến trại tị nạn Palawan vào khoảng xế chiều.

Trại tị nạn Palawan
Ban tiếp nhận của trại đưa chúng tôi vào một khu biệt lập dành cho những người mới đến. Việc đầu tiên là khám sức khỏe, chích thuốc ngừa bệnh, phát thuốc sát trùng và xà phòng tắm để chúng tôi tẩy trần; hôm sau mới bắt đầu làm thủ tục nhập trại.
Hai tháng sau, một nhóm vượt biên khác cũng ra đi từ Cầu Đá Nha Trang đến trại. Nghe người cùng xứ mới đến chúng tôi mừng rỡ chạy ra đón xem có ai quen không và hỏi thăm tin tức bên nhà. Một vài người ở xóm Bãi Miếu quen với nhóm ngư phủ và anh Ba Cảnh sát, cho biết, ngay hôm chúng tôi đi thì chiều đó công an kéo đến. Một người nói họ nhận ra được một cậu trẻ trạc 30 tuổi, trắng trẻo, đẹp trai trước kia thỉnh thoảng thấy có xuống nhà anh Ba chơi. Nó mặc thường phục nhưng có mang súng AK, nó lầu bầu chửi thề gì đó rồi xả súng bắn vào nhà anh Ba Cảnh sát mấy loạt rồi kéo nhau đi. Vài hôm sau, một chiếc tàu Liên Xô đến cặp Cầu Đá, họ báo cho cơ quan địa phương biết họ có thấy những bình nhựa đựng nước, áo quần, vật dụng và dầu máy trôi nổi trên mặt biển, họ nói chắc là do một tàu đánh cá vừa mới bị chìm. Ai cũng nghĩ là ghe của mấy anh bị bão chìm chết hết rồi. Ở nhà nhiều gia đình của các anh đã lập bàn thờ để thờ cúng.
Chỉ có tôi và anh Ba Cảnh sát biết người thanh niên trắng trẻo đẹp trai đó là Sang. Tôi quay sang nhìn anh. Anh trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì đó thật xa xôi và nói:
- Có trách nhiệm tổ chức vượt biên, mình mới hiểu được hết những khó khăn, nguy hiểm trên bờ, dưới biển … Người khác nhìn, thành công thì họ nói hên, thất bại thì nói xui. Thôi chú, mình đến được đây là may mắn lắm rồi.
Hên xui, may rũi đúng là mỗi người hiểu một cách. Người dân Do Thái có câu châm ngôn truyền miệng rất đáng suy gẫm: “Những điều tốt lành xảy ra đều có nguyên do, cơ hội sẽ không tự nhiên mà đến.”
Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra. Tôi chậm rãi bước đi dưới cái nắng gay gắt trong trại tị nạn Phi mà lòng cảm thấy mát rượi vì biết mình đang có cái may mắn, hạnh phúc là đã đến được bến bờ Tự Do. Và, tôi lại chợt nhớ đến một câu khác, dường như trong Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống của nhà văn Đức, Erich Maria Remarque: “Kẻ nghèo nhất không phải là kẻ không tiền bạc, của cải mà chính là kẻ không có được một mảnh đất quê hương để sống.” 
Tôi là kẻ mất quê hương và đang đi tìm đất sống. Nghe thật buồn và cũng thật xót xa… 

Hai Ho chuyen

--- ooo ---

No comments:

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố 'lạm dụng tình dục': phản ứng của các bên

Hình ảnh,Phiên tòa xét xử vụ tố cáo lạm dụng tình dục được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình tại Chile. Trong hình: Nhân viên an ni...