Buổi chiều Sài gòn, một ngày cuối tháng 3 năm 75, sau chuyến công tác miền Trung dài dằng dặc, tôi rủ Tăng, thằng em trai, đi đánh bi da ở bờ sông Khánh Hội, bên cầu Calmette. Vừa về tới nhà, thì thấy con nhà Cần đã đứng chờ trước cửa. Cần, cao ốm với cái lưng tôm quen thuộc, thằng bạn trên chiến hạm, ở cùng phòng, đi cùng ca, cùng làm những chuyện nhảm nhí của những thằng sĩ quan trẻ trong thời loạn lạc.
Với vẻ mặt nghiêm trọng ít thấy, Cần bảo Hạm Trưởng cho gọi tất cả nhân viên vào tàu chuẩn bị đi công tác Đà Nẵng ngay trong đêm. Thông báo xong, Cần vác xe Honda chạy vội về nhà vớ mấy món đồ cá nhân cần thiết vì đã bị ở lại tàu từ ngày hôm trước trong nhiệm vụ sĩ quan trực. Tuy hơi bỡ ngỡ nhưng không ngạc nhiên lắm vì đã quen với những chuyện bất ngờ của đời nhà binh, tôi hỏi Tăng có muốn đi theo tàu ra ngoài Trung chơi cho biết. Cậu em tôi đồng ý ngay vì đang nghỉ giữa niên khoá của trường ĐH Khoa Học, thế là hai anh em tôi vào nhà sửa soạn hành trang lên đường.
Với vẻ mặt nghiêm trọng ít thấy, Cần bảo Hạm Trưởng cho gọi tất cả nhân viên vào tàu chuẩn bị đi công tác Đà Nẵng ngay trong đêm. Thông báo xong, Cần vác xe Honda chạy vội về nhà vớ mấy món đồ cá nhân cần thiết vì đã bị ở lại tàu từ ngày hôm trước trong nhiệm vụ sĩ quan trực. Tuy hơi bỡ ngỡ nhưng không ngạc nhiên lắm vì đã quen với những chuyện bất ngờ của đời nhà binh, tôi hỏi Tăng có muốn đi theo tàu ra ngoài Trung chơi cho biết. Cậu em tôi đồng ý ngay vì đang nghỉ giữa niên khoá của trường ĐH Khoa Học, thế là hai anh em tôi vào nhà sửa soạn hành trang lên đường.
Từ giã gia đình – lính thời chiến thì mỗi lần đi đều có thể là một lần vĩnh biệt, tôi và thằng em, bị gậy, nhảy lên chiếc xe Honda S50 cũ trực chỉ cầu "C" của bến Bạch Đằng, nơi mà chiếc LST, Dương Vận Hạm Nha Trang, HQ505 đang nằm bến. Vừa lái xe vừa lầm bầm như đĩ khấn tiên sư, tôi chưa hết hậm hực vì không được ở lại Sài Gòn lâu hơn tí nữa, nhất là rất ít khi tàu được cặp ở cầu "C", cầu tàu lý tưởng nhất của dân hạm đội. Nằm ngay trung tâm Sài Gòn, trước tượng Trần Hưng Đạo. Đứng trên tàu thì tha hồ ngắm nghiá các tài tử giai nhân của Sài Gòn hoa lệ. Bước xuống khỏi hạm kiều là đầy các xe khô mực, chè, cháo, tự do hẹn bạn bè, đào địch lai rai. Cầu tàu lại ở bên ngoài cổng chính của Bộ Tư Lệnh, tức là ngoài vòng kiềm toả của băng Quét Chợ (Quân Cảnh) QC201 Hải Quân, khỏi lo bị hỏi giấy đi bờ, sự vụ lệnh, hoặc bực mình vì những lời hăm dọa hay móc lò về mái tóc nghệ sĩ nửa mùa, không đúng tiêu chuẩn trước hai phân sau một phân, mà chẳng ma nào để ý từ lúc ra khỏi quân trường. Sau buổi điểm danh, trong một cuộc họp ngắn ngủi, Trung tá Nh., Hạm Trưởng, cho biết tàu được chỉ định xuống thành Tuy Hạ lấy đạn để tiếp tế gấp cho miền Trung đang bị áp lực nặng nề. Bơm nước, lấy dầu xong, tàu kéo còi nhiệm sở hải hành. Những tiếng còi ngắn ngủi tiếp nối vào nhau như những chiếc hôn tạm biệt vội vàng, HQ505 tháo dây từ giã Sài Gòn giữa lúc không khí hầm hập của ban ngày đang dịu dần và những cuộc vui về đêm của thành phố bắt đầu hâm nóng. Tàu tách bến, dựa khung sắt tròn che đạn quanh pháo tháp khẩu đại bác 40 ly đôi, trong nhiệm sở trưởng sân mũi, tôi nhìn bâng quơ xuống hai chiếc xuồng LCVP chạy loanh quanh chờ lệnh đẩy phụ tàu mẹ trong lúc vận chuyển. Chung quanh, nhóm thủy thủ đoàn vừa làm việc vừa luyến tiếc liếc nhìn về những ánh đèn màu xa dần với cái nhìn tiếc nuối quen thuộc của mỗi lần công tác.
Tàu cập cầu thành Tuy Hạ, nhân viên kho đạn đã chờ đợi sẵn với đèn đuốc sáng choang, gấp rút đóng những dàn gỗ chêm hai bên thành tàu, bên trong hầm chiến xa, để các thùng đạn được dựa sát vào nhau, khỏi bị lắc gây chạm nổ khi ra biển. Xe xúc và cần trục hì hục cả đêm, chuyển xuống hầm tàu hơn 2000 tấn đạn. Nếu không vì thời hạn cấp bách, tôi và Cần thể nào cũng dọt xuống khu gia binh Tuy Hạ, đánh bi da, uống cà phê, ăn sáng, ăn khuya như những lần trứơc. Chúng tôi lê lết đến độ đã có lần Hạm Phó H. cho người tìm mãi không ra, vừa mò về đến nơi là bị mời ngay lên trình diện. Ngài HP. mặt mày nhăn nhó như sắp khóc, vưà xỉ vả vưà như năn nỉ, tôi và Cần thì cứ đứng cười cầu tài (hay theo con nhà Cần là vén môi lên cười tồ tồ) rồi huề cả làng, mắt trước mắt sau, hở ra là lại dọt tiếp.
Tuy có quậy chút chút, nhưng vui vẻ và được việc, nên thường cũng chỉ bị quay cho có lệ. Không biết vì cuộc sống nhà binh, vì xa nhà, vì còn trẻ, vì ham chơi hay vì tất cả những cái lăng nhăng này cộng lại, mà cuộc sống chúng tôi thật vô tư, lúc nào vui được là cứ vui, "tới luôn đi bác tài". Nằm thành Tuy Hạ, nếu tối không trốn đi đâu được, thì giải trí bằng cách ra lan can tàu ném lựu đạn MK3 xuống sông hay xách súng bắn lục bình, trôi dập dềnh từng đám đầy sông. Trước là mua vui, sau là … chống người nhái VC, mấy anh đặc công này thích chơi cái trò ôm mìn nam châm núp dưới mấy bè lục bình lặn tới ịn vô lườn tàu. Bắn chán rồi thì lại vào phòng đàn hát; Cần đệm guitar rất hay lại thêm vài tay SQ thích rên ư ử nên chúng tôi có thêm một trò tiêu khiển.
Sáng hôm sau, đạn đã chất xong, chờ con nước đứng, tàu tháo dây lừ đừ trở mũi ra cửa Vũng Tàu. Theo lệnh công tác chúng tôi trực chỉ Đà Nẵng. Trên hai năm đi về, tôi đã thuộc nằm lòng con đường biển ra Trung, từ những mỏm núi đến các hải đăng, những điểm chấm tọa độ nằm dọc hải trình. Mỗi lần lên nhận bàn giao ca, chỉ nhìn vào bờ tìm những dạng quen thuộc của các dãy núi và những nét cong của bờ biển, tôi đã có thể có một khái niệm khá rõ ràng về tọa độ của tàu trước khi nhìn đến hải đồ.
Được bổ sung thêm với số sĩ quan của khoá 26 Nha Trang mới ra trường, mỗi ca hải hành của HQ505 có đến bốn hay năm sĩ quan, thay vì chỉ có ba như những năm trước đó. Tôi và Cần tương đối hợp gu nên đi ca lúc nào cũng có chuyện đấu hót tíu tít, toan tính chuyện lọc lừa, phá phách, làm vui cuộc sống cho đỡ nhớ nhà, nhớ người.
Chu Lai
Sau hai ngày lênh đênh, tàu đang dập dềnh, lừng khừng tiến vào hải phận của vùng Một thì chúng tôi bỗng nhận được công điện từ Bộ Tư Lệnh Vùng Một Duyên Hải, chỉ thị cho tàu nằm lại ở phía ngoài Chu Lai chờ lệnh. Khoảng hơn mười giờ sáng, một chiếc trực thăng đáp xuống bong tàu. Bước xuống là một sĩ quan bộ binh với ngôi sao đen trên cổ áo của bộ quân phục thẳng nếp, theo sau bởi một sĩ quan tùy viên. Vị chuẩn tướng được hạm trưởng Nh. đón thẳng vào phòng họp sĩ quan.
Hơn nửa tiếng sau, hạ sĩ B. chạy vội ra tìm tôi mời vào phòng họp. Tôi được giới thiệu với chuẩn tướng Tư Lệnh Sư Đoàn trấn đóng tại Chu Lai, mà nếu tôi nhớ không lầm là sư đoàn 2. Hạm Trưởng Nh. cho biết tôi phải đi với chuẩn tướng H. vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn để nhận chỉ thị thẳng từ BTL Vùng Một Duyên Hải. Tôi chào tay rồi vội vã quay lưng bước về phòng riêng chuẩn bị ra đi. Con nhà Cần đã chờ sẵn trong phòng để hỏi tôi về lý do chuyến đi sắp đến. Vừa mở tủ lấy khẩu súng colt 45 nhét vào lưng quần, vừa ngập ngừng trả lời là chính tôi cũng chưa rõ lý do. Như muốn giấu vẻ quan tâm, Cần ra cái điều khôi hài bảo tôi: "Cẩn thận chứ đi Hải Quân mà lại tịch trên máy bay thì tao chả biết phải nói sao với gia đình mày." Tôi cười cười bước vội khỏi phòng, theo tướng H. leo lên chiếc trực thăng cánh quạt quay tít đang chờ sẵn.
Sau khoảng 10 phút bay, những dãy nhà ngói đỏ của BTL Sư Đoàn bên dưới hiện rõ dần. Sự nôn nao từ lúc leo lên máy bay bắt đầu được thay thế với cái cảm giác hồi hộp khi trong mắt tôi, bên dưới, những vỉ sắt lót của bãi đáp trực thăng đang bị đạn pháo địch rót vào, nổ xoắn lại, bắn tung lên trong cát bụi mịt mù, theo sau là những tiếng nổ trầm trầm dội lại, bị át đi bởi tiếng xoành xoạch của cánh quạt máy bay. Từ tiếng báo cáo của máy liên lạc trực thăng, tôi nghe loáng thoáng là VC. đang liên tục pháo kích vào căn cứ.
Trong hơi nóng giữa trưa ngùn ngụt bốc lên từ bờ cát biển, hình ảnh những vỉ cắt cong queo, tung lên trong đám mây bụi và khói đạn pháo mịt mù, trông lung linh quái dị như những ảo giác trên sa mạc. Chờ lúc đạn pháo vừa chậm lại, chiếc trực thăng chao một vòng rồi lao thẳng xuống bãi đáp như con diều hâu săn mồi. Cản đáp vừa chạm đất, chiếc xe Jeep của tướng H. đã đến sát bên cạnh. Tôi tháo vội sợi dây an toàn, nhảy khỏi trực thăng phóng vào phía sau xe theo sau ông tướng tư lệnh. Chiếc xe vụt thật nhanh về phiá Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Bước khỏi xe, tôi theo tướng H. vào BTL và xuống thẳng hầm chỉ huy. Trong hầm chỉ có khoảng hơn chục người với những dàn máy truyền tin chồng chất lên nhau trong những tiếng báo cáo hỗn độn từ các đơn vị đóng ở vòng đai căn cứ. Đang tò mò, nhìn quanh quan sát, thì tướng H. đưa cho tôi cái điện thọai đỏ chói. Đầu giây bên kia là tiếng nói của Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải, Phó Đề Đốc H.V.Kỳ.Th. (mà chúng tôi tôi hay gọi đùa với nhau là H.V. Kỳ Cục.)
Sau khi tôi tự giới thiệu tên họ, cấp bậc và chức vụ, PĐĐ. Th. cho biết chúng tôi được chỉ định thay đổi công tác để ủi bãi di tản sư đoàn 2 của Chu Lai ngay đêm đó. Tôi trình bày với PĐĐ. Th. rằng chúng tôi đang chở trên 2000 tấn đạn, thêm vào đó, từ mấy năm trước khi quân đội Mỹ rút khỏi Chu Lai, bãi biển ở đây đã không được vét, cát bồi của mấy năm liền có thể sẽ làm việc ủi bãi đón quân trở nên rất khó khăn và nguy hiểm. Tôi còn nhớ mãi câu trả lời với giọng nói bực bội và mỏi mệt của PĐĐ. Th.: "Các anh có lệnh vào Chu Lai đón lính, các anh làm sao thì làm, không khéo kẹt lại, ráng chịu!"
Hơi cụt hứng với câu trả lời, nhưng nhà binh mà, thi hành trước khiếu nại sau quen rồi, chào PĐĐ. Th. trên điện thoại, trả máy cho tướng H., tôi chào tay, xin phép ông để ra quan sát bãi biển rồi trở về chiến hạm. Chờ tiếng đạn pháo thưa bớt, anh tài xế tướng H. chở tôi ra bãi. Nhìn bãi biển chạy dài trước mặt Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn với một cầu tàu nhỏ nằm tận cánh trái của BTL, tôi ngao ngán không biết làm sao để đo độ nông sâu của vùng biển mà chúng tôi được chỉ thị ủi bãi đêm nay. Trở lại trực thăng, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy bên trong chiếc máy bay nhỏ đã có cả chục người đàn bà và trẻ con, bên ngoài lại còn thêm một số người nữa đang xin được theo lên. Anh Trung Úy phi công cười cầu tài, giải thích rằng đây là gia đình binh sĩ mà anh quen, xin được ra tàu trước. Tuy chưa có lệnh, nhưng thấy thật khó xử vì các bà ôm con nhao nhao năn nỉ, tôi đành để những người đang ở trên máy bay ngồi lại và yêu cầu anh phi công cất cánh ngay. Tôi cũng chẳng muốn nhì nhằng giữa vùng khói đạn mịt mù trong những tiếng nổ lúc xa lúc gần của những trái pháo đang liên tục rót vào.
Đáp xuống chiến hạm, sau khi báo cáo những sự việc vừa qua với hạm trưởng, các sĩ quan được thông báo để chuẩn bị nhân viên, súng đạn và dụng cụ cho nhiệm sở ủi bãi và tác chiến vào bất cứ lúc nào.
Chiều xuống dần, hoàng hôn trên biển vẫn thơ mộng như bao giờ. Trong vùng tối nhạt nhoà, chân trời mờ dần rồi mất hẳn, biển trời quyện vào nhau thành một. Trăng trên biển, trong hơn, to hơn, treo lơ lửng. Ánh sáng bàng bạc êm ái tỏa xuống mặt nước, làm thắm thiết thêm những nhớ nhung lãng mạng của "vầng trăng ai chẻ làm đôi, nửa soi gối chiếc nửa soi dặm trường" trong lòng người đi biển… Hàng ngàn vì tinh tú lần lượt trải dài khắp bầu trời nhung đen. Hàng triệu đốm lân tinh li ti trong nước chợt thức giấc, ngời sáng, đuổi bắt, quấn quýt vào nhau theo từng cơn sóng. Những đợt sóng đem lại cái cảm giác ngầy ngật mà từ cao độ của đài chỉ huy, khi ngón tay mát lạnh của những cơn gió mặn mơn trớn trên da thịt, tôi từng chơi vơi, ngỡ ngàng không biết mình đang là cánh chim dạ hành lẻ loi trên biển, hay là chú cá cô đơn đang ngơ ngẩn ngắm trời đêm… Nhưng hôm nay, với hình ảnh, gương mặt thật gần của chiến tranh vừa trực diện và trong cái nôn nao pha lẫn bồn chồn, hồi hộp của những gì sắp đến, tôi chẳng còn chút tâm hồn nào để mơ mộng.
Càng vào đêm, những đường đạn lửa bắn lên, đan chéo vào nhau từ phía bờ Chu Lai càng nhiều, hằn rõ trên nền trời đen thẫm. Những tiếng nổ ầm ì vọng ra chiến hạm. Hỏa châu bắn lên mỗi lúc một nhiều. Khoảng chín giờ tối, chúng tôi được lệnh ủi bãi. Trời bỗng trở gió lớn. Biển động mạnh. Những làn sóng cấp hai rồi cấp ba liên tiếp bổ vào phía sau lái của con tàu đang tiến vào bãi biển bên cánh phải, trước Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Nhiệm sở tác chiến, trong vùng tối chập chờn, từ pháo tháp của khẩu 40 đôi sân mũi, tôi thấy những bóng đen hỗn độn kéo ra phiá bờ biển. Tàu vào gần, họ kéo ra càng lúc càng đông. Trong ánh hoả châu từ những cánh dù trắng, chợt bừng lên, lơ lửng rồi vụt tắt, những bóng người di động trên bãi biển lúc ẩn lúc hiện như đám ma trơi. Bỗng nhiên, từ phía sau Bộ Tư Lệnh, một đám lửa khổng lồ chợt bùng lên, soi sáng cả một góc trời cùng một tiếng nổ vang dội, tiếp theo bởi từng loạt tiếng nổ, lớn nhỏ, liên tục chồng lên nhau. Kho đạn sư đoàn phát nổ, không biết là trúng đạn pháo kích hay tự phá hủy. Hàng ngàn tia lửa đua nhau vụt bắn lên tứ phiá trong những tiếng nổ hãi hùng. Một màng lưới kinh hoàng như bỗng dưng chụp thẳng xuống đám đông trên bờ biển, lúc này đã lên đến hàng trăm. Cảnh hỗn loạn bắt đầu diễn ra. Từ trên pháo tháp, tôi nhìn thấy vài ba chiếc thiết vận xa lội nước M113 hoảng hốt lao từ phiá trong ra bờ biển.
Trên nóc xe, những người lính bộ binh bám kín đen, như đám kiến trên cục đường. Xe nhào ra, nghiêng ngả như người say, cán càn qua những người phía trước chưa kịp tránh. Tàu tiến vào gần. Neo sau đã thả. Hai cánh cửa trước mũi tàu vừa được mở ra. Cửa đổ bộ bên trong đang được chuẩn bị. Cửa đổ bộ hay còn gọi là cửa ram là một tấm sắt nặng hai tấn, một đầu nối liền với sàn tàu của hầm chiến xa, đầu kia được treo lên, khi hạ xuống trông như một cái lưỡi dài thè ra từ cửa miệng chiến hạm. Cách bờ khoảng hơn trăm thước, tàu chợt đứng sựng lại. Điều chúng tôi hy vọng không xảy ra, đã xảy ra, bãi biển quá cạn vì cát bồi, tàu không thể vào gần hơn. Cố gắng nhưng không thể tiến thêm được, HT. ra lệnh bắn dây mồi. Dây mồi là một sợi dây nhỏ mà một đầu đã được cột vào cái thòng lọng của sợi dây cáp ny lông lớn gài trước mũi tàu, đầu kia được bắn lên để người trên bờ có thể dùng sợi dây mồi kéo đầu sợi cây cáp lớn vào, cột lên một mốc giữ vững chắc trên bờ. Vất vả lắm chúng tôi mới ra hiệu cho những người đang hốt hoảng trên bờ để cột được đầu dây cáp ny-lông vào một cái neo thật to, chôn sẵn trên bãi.
Trên bãi biển dài hơn hai cây số phiá trước Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn người ta ùa ra như kiến vỡ tổ. Cả lính, cả dân, tay bồng tay bế, họ chạy tất tả, mắt hướng về chiến hạm. Trong tiếng sóng vỗ ầm ì, tiếng gió rít lạnh lùng, tôi tưởng như còn nghe được cả những tiếng thét, tiếng gào thất thanh, lạc lõng trên bờ biển. Những ngưòi lính súng trên tay, dây lưng đầy lựu đạn, ba lô hành quân nặng chiũ phiá sau, là những người đầu tiên lội ùn xuống biển, mặc cho những đợt sóng lớn vô tình đập liên tục, không thương tiếc. Ngã xuống, có người chìm hẳn, có người gượng đứng lên tiếp tục vùng vẫy, tuyệt vọng lội về phía chúng tôi. Cửa đổ bộ được hạ xuống. Vướng vào cát, cánh cửa chỉ xuống cách mặt nước hơn một thước thì ngừng lại. Trên cửa đổ bộ, tôi và những anh em trong ban chuyển vận, súng M16 trên tay, dàn hàng ngang chuẩn bị. Trước mắt chúng tôi, chỉ khoảng hơn một trăm thước từ tàu đến bờ biển, đã có cả chục xác người dập dềnh trong sóng biển. Những người lính hốt hoảng đáng thương, nhào xuống biển với cả mũ sắt, giày bốt và quân dụng nặng nề, trước những đợt sóng biển tàn nhẫn bất thường, đã kiệt sức, xuôi tay chấp nhận cái chết đến thật tình cờ.
Số người chạy xuống biển càng lúc càng tăng. Vài người lính đầu tiên đã lội tới chiến hạm. Tấm sắt cửa đổ bộ hạ xuống hết vẫn còn cao đến ngực. Chúng tôi quăng dây thừng hay đưa đầu súng cho họ nắm để kéo lên tàu. Những người mới lên, được yêu cầu bỏ hết quân dụng, vũ khí vào một góc để phụ kéo những người khác vừa lội đến. Trong ánh lửa bập bùng, một chiếc thiết vận xa như một con cá mập khổng lồ bỗng lừ lừ tiến đến, đâm sầm vào cánh cửa đổ bộ đang nhấp nhô theo từng cơn sóng. Cùng với tiếng va chạm chói tai của hai tảng sắt là những tiếng thét hãi hùng và những thân người từ chiến xa bị ném tung lên, người thì rớt xuống biển ngoi ngóp lội, người thì rơi lên cửa đổ bộ quằn quại đau đớn. Chiếc thiết vận xa bị vào nước chìm dần, những người bên trong vội vã chui lên nhảy xuống biển thoát thân, người nọ đè lên người kia trong hỗn loạn. Một cảm giác lạ lùng ập đến tự lúc nào. Tôi bỗng thấy như đang đứng trong một cơn mê, thản nhiên nhìn một cảnh tượng thật quái dị, kinh hoàng và thấy cả chính mình trong đó. Đầu óc tôi như tê dại đi, dường như tôi không còn nắm được cảm nghĩ, cảm giác nào. Cái sống, cái chết bỗng không còn một ý nghiã gì đặc biệt. Sinh mạng những con người trước mặt tôi bỗng chẳng còn mang chút giá trị nào, chỉ như những con sâu, con kiến, mà sợi dây xích khổng lồ, tàn nhẫn, của bánh xe chiến tranh đang lăn qua một cách thật vô tình.
Sự hoảng hốt của những người trên bờ biển, cả lính lẫn dân, từ hàng trăm lúc này có thể lên đến cả ngàn người, dường như đã lên dần đến cực điểm. Trong những tiếng nổ của kho đạn lẫn trái pháo càng lúc càng dữ dội cùng tiếng gào của mẹ lạc con, vợ mất chồng, tôi bỗng nghe vài tiếng súng thật gần. Anh thủy thủ giữ máy báo cáo là sân mũi cho biết có người ném lựu đạn lên tàu. Chưa kịp hỏi lại, thì một tiếng nổ chát chúa dội lên chỉ cách vài thước. Thấy cảm giác là lạ, tôi đưa tay lên vuốt mặt, giật mình nhìn lại bàn tay đầy mồ hôi và nước biển giò đã pha lẫn màu máu đỏ. Máu của những nạn nhân qủa lựu đạn vừa nổ giữa đám người đang chen lấn để vào bên trong. Ngước mắt nhìn, thành tàu đã dính bầy nhầy những mảnh da thịt tả tơi, những ngón tay lẫn ngón chân rời rã. Tiếng kêu gào vang dội, bị át dần bởi tiếng sóng lẫn những tiếng nổ ầm ì. Hình như một mảnh đạn nào đã đi sát qua trán tôi và để lại một vết sướt rịn máu, rát cả một bên mặt khi chạm phải những giọt nước biển đang bắn lên tung tóe.
Không tìm được người thủy thủ cầm máy, tôi rời cửa ram chạy trở ngược lên sân mũi. Leo lên pháo tháp, tôi giật vội chiếc mũ truyền tin trên đàu anh liên lạc viên để báo cáo thẳng với hạm trưởng trên đài chỉ huy về tình hình hỗn loạn, không còn kiểm soát được. Với khoảng cách xa bờ và cơn biển động, sự hiện diện của tàu tại vị trí này chỉ gây thêm nhiều thương vong, mà số người lên được không có là bao, tôi đề nghị ông tìm một giải pháp khác. Đang băn khoăn chờ đợi câu trả lời, thì đầu tàu bỗng bật tung lên cao theo một cơn sóng lớn. Không chịu nổi những đợt sóng gió hung hãn, liên tục quật vào hai bên chiến hạm, sợi dây cáp ny lông to bằng cổ tay cột vào bờ để giữ đầu tàu, đã bị giật đứt. Với sức đàn hồi khủng khiếp, khúc dây bật lại, uốn éo phóng ngược trở lên tàu như một con xà vương vĩ đại, thân dây chạm vào sàn sắt của tàu, nẹt thành những tia lửa ngoằn ngoèo như ánh chớp trong đêm mưa.
Tôi bỗng nghe một tiếng nổ thật to và thật gần, từ ngay trong chiếc mũ liên lạc đang đội rồi mắt tối sầm lại, không còn biết gì nữa. Mở choàng mắt ra, tôi ngạc nhiên thấy mình đang nằm trên sàn tàu ướt lạnh, cổ và vai đau như gãy, chiếc mũ liên lạc lủng lẳng, đu đưa theo sợi dây đen lòng thòng dính vào ổ cắm của ụ súng cao hơn bốn thước phiá trên. Một hạ sĩ quan sân mũi đang đỡ tôi đứng dậy.
Hạm Trưởng đã ra lệnh cho hai máy lùi, đóng cửa và kéo neo sau để rút tàu ra. Tôi ôm đầu trong cái ê ẩm còn sót lại, bùi ngùi nhìn sự tuyệt vọng của đám người đang tận lực cố lội đến chiến hạm. Tàu lạnh lùng lùi dần trong những tiếng la hét, cầu cứu, nguyền rủa. Chỉ còn một biện pháp cuối là cập cầu. Trong cơn biển động, chúng tôi hướng mũi qua phải, dập dềnh đi về phiá cầu tàu ở cánh trái BTL Sư Đoàn. Đám người trên bãi cũng bắt đầu chuyển hướng theo.
Tàu tiến đến cầu ở một góc 30 độ. Những trái độn bên tả hạm được thả xuống. Cách cầu khoảng chục thước, chúng tôi ném dây mũi và hai dây tả hạm đồng thời gọi loa yêu cầu những người lính đang đứng chật trên cầu để tròng đầu dây vào những cọc sắt cột tàu, trong lúc anh em sân mũi chuẩn bị để thả hạm kiều, một chiếc cầu thang sắt với khoảng hơn một thước bề ngang. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, người lính nắm được đầu dây thay vì móc vào cọc sắt cột tàu thì đã phóng xuống, đu mình theo dây để cố leo lên tàu trước một mình. Hai người lính với hai đầu dây khác cũng phóng theo. Họ đong đưa trên dây, đạp chân vào thành tàu ngoi ngóp leo lên. Sóng nhồi, tả hạm của tàu đập từng hồi vào thành cầu. Những trái độn nhỏ bé không đủ làm giảm sức va chạm và chẳng mấy phút sau những người lính vội vã này đã tuột tay, rơi thẳng xuống biển. Tôi không nhìn theo để khỏi phải chứng kiến cảnh tượng các thân xác người đang bị thành tàu ép nghiến vào những cây gỗ chân cầu theo từng cơn sóng đẩy đưa.
Cuối cùng chúng tôi cũng cột được một dây mũi và một dây lái. Biển đang trong cơn nước lớn, thành tàu cao hơn mặt cầu quá nhiều. Chiếc hạm kiều (cầu thang) thả xuống vừa chạm đất thì đám người đã ồ ạt, xô đẩy, dành nhau để lên tàu. Đầu hạm kiều phiá trên chưa kịp cột lại. Một cơn sóng lớn đẩy tàu nhích ra ngoài, chiếc hạm kiều chỉ mới được đặt ghé hai đầu đã bật ra, rơi ùm xuống biển, mang theo một đám người trên đó. Chúng tôi vội vàng đẩy chiếc hạm kiều thứ hai nhỏ hơn bằng gỗ xuống thay. Với sự chen lấn hỗn loạn, dưới trọng lượng của số người cố đạp lên nhau để leo lên hạm kiều, chỉ vài phút sau chiềc cầu thang gỗ cũng lại chung số phận hẩm hiu, lật theo xuống biển. Chỉ còn lại một chiếc hạm kiều nhỏ xíu cuối cùng chúng tôi cũng phải mang ra nốt. Hạm kiều quá nhỏ, bề ngang chỉ đủ cho từng người một, lại gây thêm náo loạn trong đám đông bên dưới, đang chờ đợi trong cái điên cuồng của những con thú bị dồn đến chân tường. Chúng tôi phải tung hết những tấm lưới đổ bộ đan hình mắt cá xuống thành tả hạm để cho họ leo lên. Lưới đổ bộ dành cho những người lính đã được huấn luyện từ quân trường, chỉ để leo xuống đã là một việc khó khăn. Nhưng trong lúc này, dường như sự sợ hãi đã làm mọi người điên dại, họ bất kể sự nguy hiểm trước mắt, xô đẩy nhau để bám víu lấy bất cứ một cơ hội mong manh nào có thể đem họ ra khỏi vùng điạ ngục kinh hoàng.
Những tiếng la hét thất thanh ở phiá sau lái làm tôi chạy vội xuống. Một cảnh tượng khiến tôi lạnh người, sửng sốt. Trên sợi dây cáp ny-lông đong đưa, nối từ sau lái xuống cầu tàu, một người con gái với hai chân quặp vào dây, mặt ngửa lên trời, hai tay cô đang lần từng gang, bò dần về phiá chiến hạm. Sau lưng là một đưá bé nhỏ như trẻ sơ sinh, được quấn chặt vào người cô bằng một tấm khăn trắng trải giường. Đưá bé không động đậy, không biết là còn sống hay đã chết. Cô gái chỉ còn cách tàu chừng ba thước, nhưng phần cuối dây lại là khoảng cách có độ dốc nhiều nhất, cô ngưng lại thở hổn hển như đã kiệt sức. Một nhân viên sau lái, nối tay với một nhân viên khác, chân đạp vào thành tàu chồm hẳn ra phiá ngoài chờ đợi. Những nhân viên chung quanh, đầy vẻ khẩn trương, hoà giọng hô từng hồi khuyến khích: "Ráng lên … Tới rồi… Ráng lên !!" Như đáp lại sự khích lệ, cô gái trườn lên, vừa đúng lúc người thủy thủ chờ đợi chồm tới, chụp được cái cổ tay gầy guộc. Tôi thở ra một hơi thật dài như không biết đã nín thở từ lúc nào, rồi chạy vội về sân mũi.
Vừa đúng lúc để nghe lệnh Hâm Trưởng qua anh thủy thủ giữ máy cho rút hạm kiều và tháo dây rời bến, nhường chỗ cho một chiếc hải vận hạm (lọai 400 nhỏ hơn) vào thay thế. Trời đã tờ mờ sáng. Trong ánh sáng nhợt nhạt, những nét đau đớn, tuyệt vọng trên khuôn mặt đám người hốt hoảng còn lại trên cầu tàu hiện ra thật gần. Ngôn ngữ không còn tác dụng gì với những người đang chìm sâu trong nỗi kinh hoàng, chúng tôi phải dành giật để kéo lại chiếc hạm kiều duy nhất. Nhân viên sân mũi, đã chặt dây cột tàu bằng buá phòng tai để chiến hạm có thể tách bến. HQ505 chỉ đón được một số nhỏ vì sự hỗn loạn của cuộc di tản thiếu tổ chức và hoàn toàn vô trật tự. Quanh tôi, những người vừa leo lên được đang nằm ngồi ngả nghiêng đầy bong tàu. Anh em thủy thủ đoàn, những gương mặt hốc hác sau một đêm dài không ngừng nghỉ, tiếp tục làm việc, xếp đặt chỗ ở tạm và săn sóc những người bị thương. Trong cái đau nhức và mỏi mệt, với thần kinh căng thẳng của gần suốt 24 tiếng liên tục, tôi vào phòng ngủ thiếp đi lúc nào không biết, cho đến khi Cần đánh thức tôi dậy đi ca. Tàu trực chỉ Đà Nẵng theo lệnh của BTL Vùng I Duyên Hải.
Đà Nẵng
Qua khỏi cù lao Chàm, tàu đổi hướng tiến về phía cửa Đà Nẵng. Chiến hạm bắt đầu đong đưa như chiếc võng. Những làn sóng ngang, đẩy dài, nhẹ nhàng, êm ái như ru ngủ, nhưng cũng chính là những cơn sóng hành hạ các tay đi biển thê thảm nhất (như những cô thiếu nữ mang dáng vẻ dụt dè – dễ làm bé cái nhầm – của miền Trung!) Thêm hai lần đổi cấp, tàu đã nằm trên trục thẳng vào bãi ủi Trịnh Minh Thế, ngang trường trung học Sao Mai.
Đà Nẵng với HQ505 có thật nhiều kỷ niệm. Nhiệm sở ủi bãi, từ pháo tháp sân mũi, những khung cảnh thân thương của dãy phố chợ quen thuộc chạy dần qua hữu hạm. Bến đò vẫn tấp nập với những chiếc tam bản, nước ngập gần đến mí, đưa đón khách sang sông. Với những chiến hạm lớn như 505, vào cửa Đà Nẵng tuy không khó, nhưng cần phải có một chút kinh nghiệm và chính xác. Ngang bến đò, gần giữa dòng sông là một cồn cát lớn, nằm chìm dưới mặt nước. Để tránh mắc cạn, tàu phải đi sát vào bến chợ, chỗ mà những con đò nhỏ nườm nượp ra vào. HQ505 đã có dịp nằm phơi nắng trên cồn cát một lần trước đó vì quá cẩn thận, tránh bến đò hơi xa.
Tàu cập bến, những người di tản đã xuống. Sau khi chia nhiệm sở cho nhân viên, tôi chở Tăng, cậu em trai, ra thăm ông anh lớn, con nuôi bố mẹ tôi, ở gần bên chợ Mới. Bước vào nhà, tôi đã thấy có điều bất thường. Ông anh đầy vẻ khẩn trương xin tôi đưa gia đình lên tàu để vào Sài Gòn trước. Ông ở trong binh chủng Quân Nhu với cậu con lớn là pilot trực thăng của Không Quân vùng Một đóng tại Đà Nẵng quyết định ở lại đến giờ chót! Tôi chưa kịp có dịp cho cậu em thưởng thức món bún bò giò heo độc đáo của Đà Nẵng, thì đã phải vội vàng thu xếp để đưa cả bảy người trong gia đình anh tôi về chiến hạm.
Trở lại bến, tôi ngạc nhiên trước cảnh huyên náo, đông đúc khác thường của căn cứ chuyển vận nơi tàu đang đậu vào chiều hôm ấy. Từng nhóm, từng gia đình đứng ngồi rải rác khắp nơi, hành trang bên mình như chuẩn bị ra đi. Cửa chiến hạm đóng kín, hạm kiều để lên xuống đã được cất đi tự lúc nào. Mở hé cánh cửa đổ bộ cho tôi và gia đình ông anh lên tàu, nhân viên trực phải vất vả ngăn cản những người khác trên bến đang tấn lên chen lấn, muốn uà vào theo. Tàu phải rời bến ngay trong đêm để di chuyển ra cửa Đà Nẵng, trước BTL/HQ Vùng Một Duyên Hải chờ lệnh. Chưa có lệnh cho di tản và tàu còn nguyên 2000 tấn đạn từ lúc ra đi, chúng tôi chỉ có thể cho một số quân nhân, người quen và thân nhân của các anh em cơ hữu lên tàu, trước khi rời bến Trịnh Minh Thế, trong sự ngỡ ngàng, thất vọng của những người đợi chờ trên bến.
Ra đến cửa Đà Nẵng thì trời đã sáng, tàu thả trôi chờ lệnh. Một chiếc ghe đầy ắp dân cặp vào bên hữu hạm và có ai vừa quăng chiếc cầu thang dây xuống cho người trên ghe leo lên. Lập tức cả hàng chục chiếc ghe khác ùn ùn kéo tới. Hai máy tiến một, HQ505 chậm chạp dời chỗ để tránh các ghe dân, càng lúc càng xông đến nhiều hơn, táo bạo hơn. Từ đài chỉ huy, đang bận rộn quan sát các tàu bè qua lại tới tấp trước mũi, tôi bỗng nghe tiếng kêu ơi ới: "Cường ơi, thằng em mày kẹt lại dưới ghe đàng sau kià!" Bố khỉ, thì ra thằng em tôi đã leo xuống "làm công tác xã hội" giúp người dưới ghe từ lúc nào. Tàu chạy, Tăng còn kẹt lại, may mà Cần trông thấy. Tôi phải ra lệnh ngưng máy để chờ cho chiếc ghe cặp trở lại và cho thằng em tôi leo lên. Chiều xuống, chúng tôi được lệnh về Cam Ranh.
Cam Ranh
Tại bến quân vận Cam Ranh, bên cạnh HQ505 còn thêm một dương vận hạm và một hải vận hạm mà tôi không nhớ số. Đám bạn trên chiếc hải vậm hạm cho biết là cả tướng Tr., Tư Lệnh Vùng Một, và tướng L., Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, cũng có mặt trên đó. Từ lúc ấy tôi bắt đầu suy tư nhiều về tình hình cuộc chiến và số phận chung của miền Nam. Càng ưu tư hơn khi nhớ lại mẩu chuyện mà một người Thiếu Úy trẻ TQLC lên tàu ở Đà Nẵng đã kể lại rằng đơn vị anh đang hành quân thì có lệnh rút lui, từ đó VC chỉ bám theo bắn sẻ và pháo kích, gây thật nhiều tổn thất. Anh đã thất lạc đơn vị, lên tàu chỉ với đôi chân trần và bộ quân phục rách nát dính trên người khi đến hỏi xin tôi đôi dép đi tạm. Thêm vào đó, Hiền, cậu con lớn ông anh tôi ở Đà Nẵng, trước khi gửi vợ con lên tàu đã thủ thỉ rằng hắn chưa đi được vì vừa bị chỉ định xử lý thường vụ trông coi phi trường Đà Nẵng. Thêm một dấu hỏi thật lớn với một SQ phi công trực thăng ở cấp bậc Đại Úy. Chuyện gì đã, đang và sắp xảy ra??!!
Tưởng được về Sài Gòn nhưng chúng tôi lại có chỉ thị đem số đạn dược trở ra Thuận An, Huế. Trước tin đó, chị dâu tôi và đám cháu quyết định xuống Cam Ranh để tìm đường bộ về Sài Gòn trước. Một quyết định mà tôi đã đồng ý và ân hận thật nhiều chỉ một ngày sau đó, ngày mà chúng tôi phải rút khỏi bãi để ra thả neo ở bên ngoài vì tình hình Cam Ranh bỗng trở nên rối loạn. Quân trường HQ Cam Ranh có lệnh di tản trong đêm hôm trước. Từng đoàn dân chúng lại lũ lượt kéo nhau ra bãi biển. Không còn chiến hạm HQ nào trên bến, họ tìm cách để ra những chiếc xà lan trần trụi cột ở những chiếc phao nổi bên ngoài với hi vọng là sẽ được những chiếc tàu kéo của quân vận lôi đi. Trên tàu đã gần hết thức ăn tươi, tôi theo mấy chú em ẩm thực vào bờ đi chợ bằng chiếc tàu đổ bộ LCVP nhỏ. Dặn mấy chú ẩm thực cố đi thật nhanh, nếu không tình hình rối loạn có thể sẽ không cho phép chúng tôi đón họ lên trở lại. Tôi chờ trên chiếc LCVP với cái hi vọng mong manh và bất thành là được thấy gia đình chị dâu tôi trở lại bến. Nửa tiếng sau chúng tôi rời bãi sau khi khổ sở từ chối những lời nải nỉ khẩn khoản xin theo của những người trên bến dù đã hết sức giải thích rằng chúng tôi sẽ trở ra vùng điạ đàu khói lửa, thay vì xuôi xuống phiá Nam như họ nghĩ. Trên đường trở lại chiến hạm, tôi ngạc nhiên nhìn thấy vài con cá mập lội lập lờ gần bãi một cách khác thường, có phải là chúng đã đánh hơi thấy mùi máu người đâu đây hay chăng?! HQ505 trở đầu ra cửa Cam Ranh, tiếp tục chuyến công tác ngược về phiá bắc.
Phan Thiết
Hai ngày sau, đang trên hải trình về hướng Thuận An, với Đà Nẵng nằm xa bên tả hạm, chúng tôi lại được gọi trở ngược về Phan Thiết. Lý do: có tin máy bay VC từ hướng Hòn Cọp đã bay vào đột kích?? Trở về ngang cù lao Chàm, hạm trưởng cho lệnh thực tập tác xạ, bắn vào những hòn đá nhỏ xa bên ngoài cù lao. Hơn hai năm đi biển trên LST, mà có lẽ kể cả từ lúc lãnh tàu, lần đầu tiên những khẩu đại bác 40 ly được xử dụng đến. Chả trách mà tài thiện xạ của chúng tôi đã rủ nhau đi chơi chỗ nào mất biệt!
Đến bên ngoài Phan Thiết, HQ505 thả trôi vài hải lý cách bờ biển. Cuộc điện đàm với giới chức liên hệ trên bờ về việc đổ đạn không có câu trả lời dứt khoát. Hạm trưởng quyết định vào tận nơi thảo luận. Tôi và ba nhân viên nữa tháp tùng ông, xuống LCVP rời chiến hạm. Hơn nửa giờ luồn lỏi theo con sông nhỏ, chúng tôi vào tận trung tâm thành phố và cột tàu ở chân cầu đối diện Bộ Chỉ Huy Tỉnh. Bên trong chúng tôi được tiếp bởi một ông Thiếu Tá bộ binh, ông cho biết là VC đã xâm nhập vào trong thành phố, số đạn nếu đổ xuống có thể chỉ để lại cho VC dùng mà thôi. Với tin này, HT. Nh. và tôi rời BCH trở về nơi ba nhân viên chiến hạm đang chờ đợi. Ngần ngừ trước khi leo vào LCVP, cả nhóm đang thèm được một tô mì ở quán chợ ngay bên cạnh, nhưng trong tiếng súng mỗi lúc càng nhiều và rõ hơn chúng tôi đành vuốt bụng xuống LCVP trở về chiến hạm.
Tuy Hoà
Không xuống đạn ở Phan Thiết, chúng tôi có chỉ thị đưa vào Tuy Hòa. Một quyết định quá muộn màng. Từ xa chúng tôi đã quan sát được phi trường Tuy Hoà vật vã dưới trận mưa pháo kích. Những trái đạn rót ra tận biển, tuy thưa thớt nhưng đủ đe doạ để giữ chiến hạm nằm lại ngoài tầm tác xạ, với 2000 tấn đạn chở trên tàu chỉ cần lãnh một trái pháo, HQ505 sẽ nổ tung thành những mảnh vụn và biến mất không còn một dấu vết nào. Công điện đến, chúng tôi được gọi nhập chung với số chiến hạm có mặt trong vùng để cùng tiến vào Cà Ná,
Phan Rang, Cà Ná – Mũi Sừng Trâu
Điạ danh có tên trên hải đồ là Mũi Sừng Trâu hay Mũi Dinh. Đúng như tên đặt, vịnh Cà Ná nằm sâu hẳn vào trong, với những dãy núi thấp xếp thành vòng cung chạy dài ra hai bên như hai cái sừng, như hai cánh tay trần ôm hờ hững cả một vùng nước xanh thơ mộng. Cà Ná là bãi biển nên thơ nhất của vùng Hai duyên hải. Biển êm, trong xanh với cát trắng nõn nà. Vốc lên, trong lòng bàn tay, những hạt cát tròn nhỏ theo nhau chảy qua kẽ hở thành những dòng sữa trắng mịn màng. Chỉ có cái thiên nhiên, thơ mộng của bãi biển Thuận An ở Huế mới có thể so sánh được với Cà Ná của Phan Rang.
Buổi sáng hôm ấy bốn chiến hạm HQVN trong nhiệm sở tác chiến theo hàng một tiến vào Cà Ná. Đi đầu là hộ tống hạm HQ11, theo sau là dương vận hạm HQ503, kế đến là chiếc hải vận hạm HQ402, và sau cùng là HQ505. Trên đường vào, chúng tôi vẫn duy trì liên lạc truyền tin với các chiến hạm và đơn vị bạn trên bờ. Mọi việc tiến hành trôi chảy. Trong ống dòm từ chiến hạm, chúng tôi có thể nhìn thấy những khẩu đại bác 105 ly của pháo binh bạn đặt trên núi liên tục bắn vào phiá trong yểm trợ. Khi chiến hạm tiên phong, HQ11, vượt qua khỏi Mũi Sừng Trâu trên đường tiến vào trong vịnh, thì HQ505 mất liên lạc với đơn vị trên bờ.
Khi chiến hạm thứ ba, HQ402, vừa tiến qua khỏi Mũi Sừng Trâu và HQ505 còn cách phía sau chừng hai hải lý, thì bỗng nhiên một loạt đại pháo nổ tung khắp nơi trên vùng biển trước mặt chúng tôi. Từng cột nước lớn bung lên, theo sau bằng những tiếng nổ nặng nề. Trên pháo tháp trước mũi tàu, từ chiếc mũ liên lạc với đài chỉ huy, tôi nghe tiếng HT Nh. vội vã ra lệnh cho hai máy ngưng, rồi hai máy lùi một. Chiếc 505 vẫn dùng dằng tiến về phiá trước như con ngựa bất kham. Chỉ một vài phút ngắn ngủi trước khi chiến hạm ngưng hẳn mà tôi tưởng như dài vô tận, như thời gian đã đứng lại, ngừng trôi. Thân tàu rung bần bật từng hồi như tàu lá chuối trong cơn mưa lũ. Thần kinh căng thẳng, các mạch máu trên đầu như đánh nhịp theo từng viên đại pháo nổ tung trên biển, làm dựng lên những cột nước trắng xóa, đang di chuyển dần về phiá chiến hạm.
Chiếc HQ505 ngưng hẳn rồi chậm chạp lùi dần. Thân tàu vẫn rung bần bật với tiếng máy gầm giận dữ, trong màn khói mịt mù toả ngược lên bong, từ những ống thoát hai bên thành chiến hạm phiá sau lái. Tàu ra xa dần, khỏi tầm những viên đại pháo đang tiếp tục rót xuống. Chúng tôi nghe tin hai chiến hạm HQ11 và HQ503 trúng đạn. HQ11 đang tập tễnh trở ra nhưng HQ503 thì đã bất khiển dụng.
Mãi đến sáng hôm sau, khi bắt đầu quay trở về Vũng Tàu theo chỉ thị, chúng tôi biết thêm là HQ503 đã được HQ402 dòng ra bên ngoài để kéo về Sài Gòn. Tin sơ khởi cũng cho biết chúng tôi bị tấn công bởi đại pháo 130 và hoả tiễn 122 ly của VC từ Quốc Lộ 1 chạy sát bên vịnh, đài chỉ huy 503 trúng đạn, ba SQ và một Th.S. giám lộ tử thương tại chỗ, hạm trưởng HQ503 bị thương ở đầu. HQ11 cũng có một số thương vong khi đạn đại pháo trực xạ xuyên từ thành tàu bên này qua hẳn bên kia. Với những biến động lịch sử liên tiếp xảy ra trong những tuần sau đó, tôi đã không có dịp để biết thêm và ngay cả đi đưa đám thằng bạn cùng ở trong Cư Xá Đô Thành đã tử trận trên chiếc 503 ngày hôm đó.
Cặp cầu Vũng Tàu, những người di tản trên chiến hạm đã xuống hết. Số đạn lôi đi khắp miền Trung không chỗ thả cũng được cho xuống bến. Tôi để Tăng đi xe đò trở về Sài Gòn. Thằng em chưa hề biết mùi nhà binh, tưởng được đi du lịch miền Trung, hoá ra chỉ được nếm mùi bom đạn và chứng kiến những thảm cảnh tàn khốc, phi nhân của cuộc chiến và thiếu chút nữa thì chính nó cũng trở thành một nạn nhân chiến cuộc nếu con nhà Cần không nhìn thấy kịp lúc còn sót lại trên ghe ở cửa Đà Nẵng. Điều an ủi là dường như cậu em tôi trở về trong mối tình vưà chớm nở với một nàng nữ sinh lên tàu cùng gia đình từ ĐN.
Phan Thiết
Lấy thêm dầu nước, đi chợ xong, HQ505 rời Vũng Tàu trong Lực Lượng Giải Phóng Miền Trung dưới quyền tư lệnh mặt trận của Phó Đề Đốc HCM. HQ505 được lệnh ra Phan Thiết với nhiệm vụ di tản sư đoàn 22, BCH tại Bình Định (?). Đến bờ biển Phan Thiết, theo tiêu lệnh hải hành do hạm trưởng viết đêm hôm trước tôi cho tàu vào cách Hòn Bà hai hải lý về hướng Bắc lúc sáu giờ sáng và cho nhân viên thông báo với hạm trưởng. Lên đài chỉ huy, giật mình vì tàu đã ở khá gần bờ biển, ông vội vàng ra lệnh cho tàu ra xa hơn để tránh khỏi tầm tác xạ từ phía bờ biển. Thì ra ông muốn vào cách Hòn Bà hai hải lý về hướng Đông, nhưng có lẽ vì mệt mỏi nên đã viết lầm. May mà ông viết lộn qua hướng Bắc, chứ nếu thành hướng Tây, tức là ngay sát bờ biển, tôi ở cái tuổi háo động và hăng tiết vịt ngày ấy, chắc cũng phom phom dắt tàu vô chơi liền. Tàu ủi bãi còn được mà, sợ đếch gì !
Chờ bên ngoài hơn một tiếng thì một số ghe đánh cá đưa dân từ phiá Phan Thiết cập vào chiến hạm. Chúng tôi thả thang dây cho họ leo lên. Trong số những ngưòi đầu tiên từ ghe đến, có một người Đại Úy bộ binh, ông xin gặp hạm trưởng và yêu cầu chúng tôi vào đón Chuẩn Tướng Đ.(?), Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, đang chờ trên bãi. Nhìn vào bãi biển bằng ống dòm chúng tôi nhận ra tín hiệu của tấm gương nhỏ phản chiếu lấp lánh, nơi chuẩn tướng Đ. đang đứng cùng khoảng chục quân nhân khác. Không thể vào tận nơi, chúng tôi điều đình với một chiếc ghe vừa có người lên tàu, để vào đón, đổi lấy đầy hầm dầu cặn cho ghe khi hoàn tất. Chủ ghe đồng ý và trở vào phiá có tín hiệu. Trong lúc ghe trên đường vào, thì bãi biển bỗng náo động với những viên đạn đại bác bắn ra từ phiá trong nổ tung trên cát. Người trên bãi chạy toán loạn khắp phiá. Chuẩn tướng Đ. và đoàn tuỳ tùng di chuyển ngược lên phiá Bắc, nhưng chỉ vài phút sau, trên bãi biển, từ sau hàng dương, đã xuất hiện hai chiếc xe tăng, trông như là loại T54. Một trong hai chiếc này cùng với đám bộ binh tùng thiết VC chả mấy chốc đã theo kịp chuẩn tướng Đ, và trong ống dòm, tôi ngậm ngùi quan sát hình ảnh cuối cùng của vị chuẩn tướng bị địch quân bắt dẫn đi khuất dần vào bên trong.
Với sự hiện diện của hai chiếc chiến xa VC, mọi người trên bãi chạy ngược vào trong, bãi biển vắng hoe. Chúng tôi đã rút ra xa khỏi tầm đạn pháo. Sau khi báo cáo tình hình, chúng tôi có lệnh trở về Sài Gòn. Một niềm vui bất chợt. Trên đường trở ra từ Phan Thiết tôi thấy còn một hộ tống hạm, hình như HQ13 với hạm trưởng S., cũng vừa có mặt trong vùng.
Sài Gòn
Tàu cập bến Tân Cảng bên cầu xa lộ. Vưà cột dây, thả hạm kiều xong tôi đã có người thăm ngay. Một người bà con làm việc tại Tân Cảng lên cho biết là anh tôi, nhà văn Nguyễn Đình Thiều, mới qua đời trong một cơn đau tim bất chợt. Đang trong cái hớn hở trở lại Sài Gòn tôi bỗng buồn rũ xuống. Chỉ mới ba tuần của một chuyến công tác, sao quá nhiều biến cố. Tôi không ngờ rằng cuộc đời cuả cả hàng triệu người Việt Nam đang đi vào một giai đoạn khắc nghiệt nhất của khúc quanh lịch sử ngay trong những ngày sau đó. Trên đường về từ Tân Cảng, thành phố vẫn tưng bừng, nhộn nhịp một cách thật xa lạ đối với tôi. Anh em tôi về đến, cả nhà ai cũng mừng. Với tin những chiến hạm bị trúng đạn, mấy tuần nay, gia đình tôi đã liên tục ra vào BTL/HQ để dò hỏi tin tức của HQ505.
Chỉ mấy ngày sau, tin thất thủ của các tỉnh miền Trung, cao nguyên Ban Mê Thuột với những mẩu chuyện thảm khốc, thương tâm và hình ảnh cuộc di tản kinh hoàng, được mệnh danh là di tản chiến thuật, đã liên tiếp dội về. Đài BBC, đài VOA với những bài bình luận bi quan về tình hình chiến sự, quốc hội Mỹ cắt giảm ngân sách viện trợ, các cơ quan Mỹ chuẩn bị rời Việt Nam. Sài Gòn bỗng lên cơn sốt. Câu chuyện đầu môi của mọi người là ra đi. Nhưng đi đâu?! Đi bằng cách nào?! Có lẽ ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ, hầu như không ai có câu trả lời!! Trong cơn sốt ấy, HQ505 lại có lệnh đi công tác Phú Quốc.
Với hình ảnh đau thương của chuyến công tác vừa qua còn hằn rõ trong ký ức. Tinh thần chung của thủy thủ đoàn xuống thật thấp. Từ lúc nhận lệnh công tác, chúng tôi đã đôi lần thảo luận với hạm trưởng Nh. để cho phép anh em được đưa gia đình đi theo. Với tin một hạm trưởng loại 800 bị an ninh giữ điều tra vì đưa thân nhân xuống tàu, hạm trưởng do dự nhiều nhưng cuối cùng ông đồng ý. Chúng tôi thông báo cho tất cả nhân viên để đưa thân nhân lên chiến hạm. Mỗi người được phát một tờ đơn trống đã có sẵn chữ ký và dấu mộc chiến hạm để có thể điền tên những người đi theo với lý do dè dặt là xin quá giang ra Phú Quốc tìm thân nhân thất lạc. Tờ giấy cần thiết để đưa gia đình vào cổng Tân Cảng dưới sự kiểm soát của Quân Vận và Quân Cảnh bộ binh.
Đa số anh em nhà ở Sài Gòn đã đưa gia đình lên tàu. Điều không may là ngày khởi hành của chúng tôi bị hoãn lại bốn hôm. Khi HQ505 rời Sài Gòn một số nhân viên đã đem gia đình trở về vì sự thiếu thốn phương tiện trên tàu trong những ngày trì hoãn chờ đợi tại bến, vì những tin lạc quan tếu về giải pháp chính trị với thành phần thứ ba!! Kể cả những ông anh tôi trong quân đội đã quyết định ở lại vì không muốn bỏ đơn vị cho đến “giờ thứ 25” và tin tưởng vào bộ Tổng Tham Mưu không bỏ rơi chiến sĩ!! Cái lầm lẫn đáng phục nhưng phải trả bằng hơn mười năm đói khổ lầm than bên cạnh cái chết trong các trại cải tạo heo hút trên miền thượng du Bắc Việt.
Tàu 505 rời bến Tân Cảng vào lúc 14:00H trưa ngày 26 tháng Tư năm 1975. Chúng tôi dàn chào dọc theo hữu hạm, cũng với hồi còi và tay chào kính thường lệ khi qua trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Không ai biết rằng mình đang chào vĩnh biệt Sài Gòn trong bộ quân phục tiểu lễ trắng nghiêm chỉnh và thân thương, chào lần cuối trong cái kiêu hùng của những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam ra đi thi hành nhiệm vụ.
Vũng Tàu
Buổi tối chúng tôi thả neo bên ngoài cửa Vũng Tàu chờ đợi. Cũng vào đêm đó, kho đạn thành Tuy Hạ trúng pháo kích. Đạn nổ liên tục, cháy sáng rực một góc trời. Sáng hôm sau, ngày 27 tháng Tư, hai chiếc tàu quân vận LCM bắt đầu chuyển ra những máy móc, dụng cụ cùng một số chuyên viên của đài phát thanh Mẹ Việt Nam đặt tại Vũng Tàu mà chúng tôi có nhiệm vụ đưa về Phú Quốc để tái phối trí. Đến trưa, tàu HQ từ Vũng Tàu bỗng lũ lượt kéo ra, duyên đoàn 33 di tản. Một số lên HQ505, một số khác đi thẳng về Sài Gòn. Cần định theo một chiếc tàu dầu về đón thêm gia đình nhưng lại thôi vì không biết có trở ra được không. Tối đến chúng tôi nghe tin Sài Gòn bị pháo kích.
Sáng 28, từng đoàn trực thăng của Đệ Thất Hạm Đội từ ngoài khơi ào ạt bay qua, hướng về phía Sài Gòn. Ghe chở dân và lính của đủ mọi binh chủng từ Vũng Tàu tuá ra HQ505 càng lúc càng đông. Một chiếc trực thăng của KQ đáp xuống bong tàu. Người pilot và gia đình xuống xin đi. Rồi chiếc trực thăng thứ hai đáp xuống, không còn chỗ đáp cho chiếc thứ ba. Số người chạy ra HQ505 tăng lên dần. Chiến hạm chỉ khởi hành với 10 ngày lương thực cho thuỷ thủ đoàn, tôi theo chiếc LCVP vào Vũng Tàu đi mua thêm thực phẩm. Cách bờ không xa lắm, tiếng súng nổ trên bờ trở nên dữ dội hơn. Vài viên đạn súng cối rơi ra biển, chúng tôi phải quay trở lại.
Tàu đánh cá mang cờ Công Giáo từ phiá Phước Hải theo nhau kéo từng đoàn ra khơi, nơi có dáng các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội. Một số ghe máy không đủ mạnh cập vào HQ505, mọi người lên xong, ghe được gài máy thả trôi để nhường chỗ cho những chiếc khác. Những chiếc ghe mà bình thường là cả một số vốn đầu tư thật lớn, nuôi sống gia đình ngư dân, giờ bỏ trôi lềnh bềnh đầy biển. Tôi và Cần với tánh tò mò cố hữu, xin HT cho xuống một chiếc ghe lớn để tìm thêm thực phẩm. Leo lưới đổ bộ xuống ghe, nhìn quanh chả còn gì, chỉ vài chai bia lăn lóc trong một góc. Mở nắp uống một ngụm, bia đắng ngắt, tôi đưa chai lên chọc mấy tên bạn đang đứng trên đài chỉ huy, rồi quăng xuống biển. Cần táy máy vô ga cho ghe chạy một vòng nhỏ rồi hai thằng mới chịu leo lên. Chúng tôi vẫn chưa hết tánh nghịch ngợm trẻ con, nhưng vì lỡ sanh vào thời loạn nên phải đốt giai đoạn để làm người lớn bất đắc dĩ (làm SQ nên phải ra cái đều đứng đắn để còn chỉ huy, chỉ hoét mà thôi!!)
Tình hình thị xã Vũng Tàu càng trở nên hỗn loạn hơn. HQ505 nhận được chỉ thị ngắn ngủi từ PĐĐ Đ. trên máy truyền tin cho Zulu Tango – vận chuyển tự do (đi đâu tùy ý). Chúng tôi nhìn nhau bỡ ngỡ. Tan hàng rồi sao?! Trong những băn khoăn, HQ505 rời Vũng Tàu với cả ngàn người lánh nạn, lên đường đi Phú Quốc như công tác đã ấn định. Hoàn toàn không biết tình hình bên ngoài, chúng tôi bàn nhau sẽ lên Phú Quốc, sát nhập với bất cứ lực lương nào còn sót lại, tiếp tục nỗ lực phản công.
Khuya 29 rạng ngày 30 tháng Tư, HQ505 lầm lũi tiến vào Phú Quốc, dự trù ủi bãi lúc trời sáng. Qua máy phát thanh, tình hình hầu như đã tuyệt vọng. Trên mọi đài chúng tôi chỉ còn nghe được lời chiêu dụ của Chuẩn Tướng H. kêu gọi các anh em binh sĩ buông súng, Hải Quân, Không Quân đem tàu và máy bay về hàng sẽ được khoan hồng… Có tiếng máy bay văng vẳng trên đầu, chúng tôi vội vã làm tối chiến hạm vì không còn biết đâu là bạn, đâu là thù.
Khoảng 1 giờ sáng, một chiếc PCF hấp tấp cặp vào. Gia đình Trung Tá. H. thuộc căn cứ HQ Phú Qưốc và một số anh em Hải Quân lên 505, chiếc PCF qua mũi chạy trở vào. Vài phút sau, trên máy truyền tin, ông Tr.Tá H. gọi hỏi thăm gia đình và cho biết là VC đã liên lạc, yêu cầu bàn giao căn cứ vào sáng hôm sau! Anh em HQ nào có phương tiện đang tìm cách rời căn cứ, riêng ông Đại Tá Tư Lệnh đã biến đi từ sớm. Thế là hết, hòn đảo ở cái chỏm cuối cùng của miền Nam cũng đã mất, chúng tôi không còn đất dung thân. Trên đường quay ra hải phận quốc tế, HQ505 vớt thêm được một số dân chúng và anh em binh sĩ ra từ Phú Quốc và các vùng duyên hải. Trên máy truyền tin chúng tôi được biết một số chiến hạm hẹn nhau bên ngoài đảo Côn Sơn. HQ505 chuyển hướng đi về Côn Đảo.
Chiến hạm lại lâm vào một tình thế nghiêm trọng mới. Một số anh em cơ hữu của chiến hạm không có gia đình trên tàu, giờ quyết định trở về, và muốn trở về bằng cả chiếc HQ505. Có lẽ họ tin vào những lời chiêu dụ khoan hồng đã phát lải nhải suốt đêm. Tin đồn từ những người tị nạn trên tàu cho biết là một nhóm anh em cơ hữu bàn việc phá máy và cướp tàu. Không thể không phòng bị, dù có thể chỉ là tin thất thiệt hay hăm doạ vu vơ, tôi bàn riêng với vài anh em cơ khí đã cương quyết ra đi để chuẩn bị, chia phiên canh gác hầm máy. Riêng tôi, Cần và một vài SQ cùng ý hướng cũng để ý canh chừng cho nhau trong những lúc đi ca, nhất là khi có vài SQ từ chối lên phiên. Tôi không ngờ rằng thời thế đã thay đổi cả tình huynh đệ chi binh, cũng may là chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.
Sáng 30 tháng Tư, một chiếc tàu đánh tôm khá lớn với khả năng chở được cả trăm người cặp vào 505. Sau khi mọi người đã lên hết, chúng tôi thuyết phục được những người muốn trở về để xử dụng chiếc tàu này làm phương tiện. Chúng tôi bơm đầy dầu, tiếp tế nước uống và thực phẩm, cũng như chuyển xuống tàu nhỏ những bao bố tiền Việt, gồm lương và tiền chợ chiến hạm chưa dùng đến, cùng với số tiền đóng góp bởi những người tị nạn trên tàu đã quyết định ra đi và biết rằng những tờ giấy bạc này sẽ không còn giá trị gì với họ.
Con tàu nhỏ tháo dây. Những người bạn 505 giờ đứng trên hai chiếc tàu với hai lộ trình cách biệt, chúng tôi vẫy tay giã từ trong những giòng lệ ngập ngừng và những miệng cười gượng gạo. Tôi nhớ mãi hình ảnh Hạ Sĩ Nhất H., chuyên hớt tóc cho anh em trên chiến hạm. Anh vẫn thỉnh thoảng nấu mì từ những bịch mì vụn đem theo hay để dành cơm nguội, với những miếng khô cá thiều ngọt bùi hoặc khô cá sặc đậm đà hương vị miền Tây, mời tôi ăn những lúc xuống ca vào nửa đêm. Ba bốn đứa chia nhau từng bốc cơm nguội, khô cá, rồi vấn từng điếu thuốc từ những bánh thuốc rê những lúc tôi không còn điếu Salem trưởng giả nào sót lại. Anh dơ tay lên mũ chào tôi bằng cái chào nhà binh với đôi mắt buồn vời vợi khi hai chiếc tàu từ từ tách ra xa.
Trưa mùng 2 tháng 5, Côn Sơn đã nằm trong tầm mắt. Từ xa, chúng tôi mừng khấp khởi khi thấy dáng quen thuộc của cả chục chiến hạm HQVN đủ loại. Điều quái lạ là các chiến hạm dường như không di chuyển theo một đội hình nào. Chiếc thả trôi, chiếc đi ngược, chiếc chạy xuôi. Đến gần hơn chúng tôi mới rõ là những chiến hạm này đã hoàn toàn bỏ trống. Cùng lúc ấy chúng tôi bắt liên lạc với một khu trục hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, họ cho biết đang trên đường về Subic Bay và sẵn sàng hộ tống chúng tôi đến nơi. Họ cũng cho biết thêm là một số chiến hạm Hải Quân VN đã lên đường đi Subic ngày hôm trước sau khi họp nhau bên ngoài Côn Sơn để dồn người qua những chiến hạm còn trong tình trạng khả dụng.
Trên đường đi Subic Bay chúng tôi được tiếp tế thêm thực phẩm nên tình trạng chung của cả ngàn người trên tàu cũng tương đối thoải mái hơn so với những ngày trước đó khi tàu không còn đủ cơm cho tất cả mọi người. Biển lặng, gió êm, cuộc hành trình đến Phi Luật Tân tương đối ít biến cố, ngoại trừ môt cụ già và một em bé đã qua đời trên chiến hạm vì sưng phổi mà chúng tôi buộc phải thủy táng. Cái khổ đau của mất mát, chia ly, cũng xen lẫn với cái vui nho nhỏ cuả niềm hy vọng mới, sự chào đời của một em bé gái được bố mẹ đặt tên là Nha Trang, kỷ niệm nơi em sinh ra trong sự trìu mến đỡ đần của những người lính biển dương vận hạm Nha Trang HQ505, trong cái nâng niu của những bàn tay chai lì, gân guốc nhưng tình cảm tràn đầy như biển cả, trầm lặng nhưng thủy chung và nồng nàn như những dòng nước ấm luân lưu trong lòng Thái Bình Dương.
oOo
Tháng 4 năm 75 cũng chỉ vỏn vẹn với 30 ngày, nhưng những ấn tượng sâu đậm đến với tôi trong những ngày công tác đã hằn sâu vào tận cùng tư tưởng, làm nhạt nhoà hẳn những gì trong ký ức của cả suốt 24 năm trước đó. Có lẽ chỉ những triết gia mới có thể đem một ý nghiã, một triết lý nào đó đến cho những gì chúng tôi đã trải qua trong chuỗi ngày ngắn ngủi ấy. Những biến cố tháng 4 đã xóa mờ cái vô tư của một thanh niên, cái nhiệt tình của người Sĩ Quan trẻ, cái chất lính ở trong tôi. Dù dưới bất cứ một lý tưởng nào, tôi không thể chỉ nhìn vào chiến tranh với con mắt đơn thuần của một quân nhân. Tôi tưởng như mình vừa sống qua thêm một đời người, thêm một lần để nhận thức cái thực chất phù du, bất định của cuộc đời.
Và một buổi sáng đầu tháng 5 mà tôi không còn nhớ ngày, HQ505 đến Subic Bay. Trước khi vào vịnh, người Sĩ Quan liên lạc Hoa Kỳ yêu cầu chúng tôi hạ cờ! Từ sân sau đài chỉ huy, với hồi còi lảnh lót, cô đơn, lá cờ vàng ba sọc đỏ được từ từ kéo xuống. Ngước nhìn lá cờ chậm chậm hạ thấp dần, mắt tôi bỗng mờ đi. Cúi mặt để giấu những giọt nước mắt đang chảy dài xuống ngực áo nhà binh bạc màu. Thêm một lần nữa, tôi lại khóc trước lá quốc kỳ. Trước đây tôi khóc trong cái xúc động nhưng hãnh diện của lần đầu tiên được nhìn thấy lá cờ vàng kéo lên phất phới, oai hùng trong tiếng nhạc quốc thiều, trên sân cơ bản thao diễn của quân trường OCS bên bờ biển Newport. Bây giờ, tôi không biết vì sao mình đang khóc! Cho số phận của Việt Nam. Cho những người đã nằm xuống. Cho những người còn ở lại. Cho chính mình và cho những người quanh mình vừa chính thức bước vào cuộc đời di tản. Cho ngày hôm qua đã mất, ngày hôm nay tủi hận và ngày mai mịt mù như làn sương khói đang vất vưởng che mờ cửa vịnh ...
Nguyễn Nhật Cường
Can Nguyen chuyen
Can Nguyen chuyen
No comments:
Post a Comment