Sunday, November 1, 2020

PHỤC VỤ HẠM ĐỘI DƯỚI QUYỀN HQ ĐẠI TÁ NGUYỄN XUÂN SƠN - Song Nam Nguyễn Trường Yên

Đề Đốc Jame B. Wilson, Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, kiêm Cố Vấn Truỏng; HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư Lệnh Hạm Đội; HQ Thiếu Tá Lê Văn Thự và HQ Đại Tá Warren C. Hamm, Cố Vấn Trưởng Hạm Đội.

Từ thuở 14, 15 tuổi, với máu giang hồ vặt trong người,tôi thường đạp xe ra bến Bạch Đằng nhìn những chiến hạm nghỉ ngơi trên sông nước với nhiều mộng mơ, cha mẹ, anh chị em trong nhà thường nhìn tôi như kẻ không thực tế, viển vông.

Tôi gia nhập Hải Quân vào tháng 9 năm 1964, sau kỳ thi tuyển, thủ tục giấy tờ, khám sức khoẻ, lãnh quân trang, tạm trú tại trại Bạch Đằng 2, chúng tôi đươc hải vận hạm Hậu Giang (HQ 406) chở ra Nha Trang để nhập trường, theo truyền thống của hải quân, dựa theo tên của các chòm sao, khoá 15 được đặt tên là đệ nhị Song Nam.

Mãn khoá tháng 6 năm 1966, đứng cuối danh sách được đi thực tập trên các chiến hạm thuộc đệ thất hạm đội Hoa Kỳ đang hoạt động tại vịnh Bắc Việt và ngoài khơi bờ biển miền nam Việt Nam, mỗi chiến hạm nhận 2 tân thiếu uý của Song Nam 2, trong thời gian này tôi và bạn cùng khoá Nguyễn anh Minh được thăm Phi Luật Tân, Đài Loan và Nhật Bản khi chiến hạm nghỉ bến để sửa chữa và tiếp vận.

Trở lại Việt Nam, được thuyên chuyển xuống trục lôi hạm Bạch Đằng 2 (HQ 116), do HQ Đại Úý Trịnh Tiến Hùng, Thủ Khoa Khóa 8 SQHQ/NT chỉ huy, Trên chiến hạm có anh bạn cùng khoá Đặng Trọng Đính. Anh Đính là bạn học của tôi thời trung học. Loại chiến hạm “trục lôi” là ác mộng của những “vua say sóng” vì độ lắc và nhẩy sóng. Trong quân trường khi thực tập hải nghiệp, tôi và Đính cùng vài anh em khác được xếp vào loại “ vua say sóng”. Trong hơn một năm trên HQ 116, chúng tôi đã rất nhiều lần “ nấu chè cho cá ăn “, nhưng rồi những cơn say sóng cũng bớt dần đi.

Cuối năm 1967, được thuyên chuyển tới Giang Đoàn 51 Tuần Thám, đơn vị đầu tiên được trang bị giang tốc đỉnh (PBR) của Hải Quân Hoa Kỳ chuyển giao. Chúng tôi được huấn luyện rất kỹ lưỡng, đi thực tập hơn 2 tháng trên những PBR đang hoạt động trên sông Đồng Nai, Lòng Tào và Soài Rạp. Chỉ Huy Trưởng GĐ 51 TT là HQ Thiếu tá Trần Văn Lâm (K. 5 SQHQ/NT). Sau hơn một năm bồng bềnh trên sông nước, tôi được thuyên chuyển tới Tuần Duyên Hạm Phú Quí (HQ 617) giữ chức vụ Hạm Phó cho HQ Đại Úy Ninh Đức Thuận (K. 13 SQHQ/NT). Sau chuyến công tác đầu tiên tại Vùng 4 Duyên Hải, về tới Sài Gòn, tôi được lệnh trình diện BTL/HQ phòng Quân Huấn, làm thủ tục xuất ngoại lãnh tầu, tôi được bổ xung vào thủy thủ đoàn nhận lãnh Dương Vận Hạm Nha Trang (HQ 505) do HQ Thiếu Tá Lê Thuần Phong (K. 6 SQHQ/NT) chỉ huy, cùng với Dương Vận Hạm Quy Nhơn (HQ 504), hạm trưởng là HQ Trung Tá Phan Phi Phụng (K. 5 SQHQ/NT). Hai chiến hạm được chuyển giao tại San Diego, California.

Sau hơn 10 tháng phục vụ trên HQ 505, tôi được chỉ định giữ chức vụ hạm phó của Trợ Chiến Hạm Nguyễn Ngọc Long (HQ 230) với Hạm Trưởng Phạm trọng Quỳnh (K. 11 SQHQ/NT) sau đó là Hạm Trưởng Bùi Trọng Kim (K. 9 SQHQ/NT).Tháng 4 năm 1971 tôi được thăng cấp Đại Úy. Vào tháng 7 cùng năm tôi được chỉ định giữ chức vụ hạm trưởng tuần duyên hạm Hòn Trọc (HQ 618) thay thế HQ Đại Úy Đoàn Hồng Hải (K. 14 SQHQ/NT). Được đảm nhận chức vụ hạm trưởng tuần duyên hạm (PGM), chiến hạm nhỏ nhất trong hạm đội mà sĩ quan chỉ huy chiến hạm được danh xưng là hạm trưởng và mang dấu hiệu chỉ huy chiến hạm, đối với tôi đó là chức vụ hãnh diện nhất cho một sĩ quan hải quân.

Vào thời gian này. Tư Lệnh Hạm Đội là HQ Đại Tá Nguyễn Thanh Châu (K. 3 SQHQ/NT) ), Tư Lệnh Phó HQ Đại Tá Bùi Kim Nguyệt (K. 3 SQHQ/NT), HQ Trung Tá Nhan Chấn Toàn ( K. 3 SQHQ/NT) Chỉ Huy Trưởng Hải Đội 1 tuần duyên bao gồm các trợ chiến hạm (LSSL), giang pháo hạm (LSIL) và tuần duyên hạm (PGM).

Trong thời gian làm hạm trưởng HQ 618, chiến hạm thường công tác tại các vùng duyên hải, thời gian ít nhất 2 tới 3 tháng. Vì chiến hạm nhỏ nên nhu cầu căn bản về đời sống rất hạn chế, nhất là nước để uống và nấu nướng; còn việc tắm giặt thì là chuyện trong mơ, mỗi lần nghỉ bến chúng tôi phải lên căn cứ hoặc nhà bạn bè để làm việc này. Ngày qua ngày, tôi đã phục vụ HQ 618 hơn một năm. Tháng 8 năm 1972, HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn ( K. 4 SQHQ/NT) thay thế Đại Tá Châu trong chức vụ Tư Lệnh Hạm Đội; H Q Đại Tá Nguyễn Bá Trang (K. 4 SQHQ/NT) thay thế Đại Tá Nguyệt giữ chức vụ Tư Lệnh Phó. Trong mấy tháng đầu, Đại Tá Sơn thường thăm nhiều chiến hạm không thông báo trước, không cần có mặt hạm trưởng. Vào một buổi trưa khoảng hơn 12 giờ,tôi đang sửa soạn rời chiến hạm để về nhà, lúc đó tầu tôi cập vị trí ngoài cùng của cầu E, nhìn qua mấy chiến hạm cập bên trong thấy vị Tân Tư Lệnh Hạm Đội đang hỏi han vị sĩ quan trực của một chiến hạm, tôi ở lại tầu chờ ông xuống. Tôi và hạm phó HQ Trung Úy Nguyễn văn Tao (K.19 SQHQ/NT) đứng ở hạm kiều chào ông. Khi thấy tôi ông hỏi ‘”Giờ này sao hạm trưởng vẫn còn ở tầu?” Tôi trả lời có vài việc cần giải quyết. Sau đó ông đi thăm tất cả mọi chỗ, từ phòng ngủ sĩ quan, hạ sĩ quan, đoàn viên, kho đạn, kho sơn, khi xuống hầm máy ông hỏi chiến hạm có gì hư hỏng, xin sửa chữa, tôi trả lời xong, ông rút trong túi áo một cuốn sổ, nhìn vào để xem lời báo cáo của tôi ra sao.

This image has an empty alt attribute; its file name is tuan-duyen-ham-hon-troc-hq618.jpg

Tầu nhỏ “ đi dăm phút đã về chốn cũ “, khi lên đài chỉ huy ông có vẻ hài lòng và hỏi tôi khóa mấy, chỉ huy chiến hạm được bao lâu… Sau khi biết tôi đã ở HQ 618 gần 14 tháng, ông nói là đã tới thời điểm tôi thuyên chuyển qua tầu khác; trước khi rời chiến hạm ông bắt tay tôi và nói ông rất hài lòng khi thăm HQ 618.

Vài ngày sau được lệnh trình diện TL/Hạm Đội, gặp Đại Tá Sơn thấy mặt ông không vui, Ông hỏi tôi có biết số điểm thường niên của tôi năm 1972 do Đại Tá Châu phê điểm trước khi rời khỏi hạm đội được bao nhiêu không? Tôi trả lời không biết; điểm thường niên tổng cộng của tôi khi chỉ huy HQ 618 là 69 ½. Đại Tá Sơn cho biết, luật mới của bộ Tổng Tham Mưu, nếu đơn vị trưởng có điểm phê thường niên dưới 70, đơn vị tới sẽ không được giữ chức vụ đơn vị trưởng vì thiếu khả năng. Đại Tá Sơn hỏi tôi có chuyện gì xẩy ra khi chỉ huy chiến hạm? Tôi bị Đại Tá Nguyệt TLP/Hạm Đội phạt 4 ngày trọng cấm với tội danh “ Tự ý cho cho nhân viên làm việc theo “sự vụ ngày thứ bẩy“ hay nói khác đi đã tự ý cho nhân viên làm việc có nửa ngày . Tôi đã làm việc này trong vòng hai tuần lễ, cho nhân viên làm việc buổi sáng, buổi trưa chi đội hoặc phân đội không trực được về nhà nghỉ sau chuyến công tác gần 90 ngày. Sau khi nghe tôi trình bầy, Đại Tá Sơn nói đây là quyền của hạm trưởng sao lại phạt, nhưng ông nói vì mới nhận chức được hơn 2 tháng, hơn nữa các vị tiền nhiệm đều là khóa đàn anh, ông không làm gì hơn được về lệnh phạt này.

Trong khoảng thời gian phục vụ trên HQ 618, tôi chưa bao giờ gặp Đại Tá Châu; ông không biết mặt tôi. Khi nhận quyền chỉ huy chiến hạm, với quân phục tiểu lễ lên trình diện Tư Lệnh Hạm Đội, ông đang bận; tôi qua gặp Đại Tá Nguyệt Tư Lệnh Phó, ông hỏi “ mày khoá mấy,ở Hạm Đội bao lâu” Đây cũng là lần duy nhất tôi gặp vị TLP/Hạm Đội. Sau này, mỗi khi cần đến, tôi đều gặp Trung Tá Toàn CHT Hải Đội Tuần Duyên.

Chừng 2, 3 ngày sau, tôi được lệnh lên gặp Đại Tá Sơn. Ông cho biết sẽ chỉ cho tôi làm một việc, không được nói cho ai nghe. tôi làm như không biết mình bị phê điểm xấu, gửi đơn thỉnh nguyện lên Đô Đốc Tư Lệnh Hải Quân xin tiếp tục phục vụ chiến hạm, kính chuyển với ý kiến của Tư Lệnh Hạm Đội.

Chừng một tuần lễ sau, lại trình diện TL Hạm Đội, ông cho biết là Đô Đốc TL/HQ Trần Văn Chơn đã chấp thuận thỉnh nguyện, phê vào đơn của tôi “ chấp thuận cho lên tầu lớn hơn “. Theo Đại Tá Sơn với thủ bút của TL/HQ, việc phê điểm thường niên của tôi không còn hiệu lực.

Một tuần lễ sau khi HQ 618 vào tiểu kỳ, tôi được chỉ định làm hạm trưởng tạp dịch cho HQ 490 thay thế HQ Đại Úy Từ Thiện Hay ( K.13 SQHQ/NT) vì lý do sức khoẻ. Sau hơn một tháng tạp dịch, trở lại HQ 618, nhận được lệnh chỉ định chức vụ hạm trưởng trợ chiến hạm Đoàn Ngọc Tảng ( HQ 228 ) thay thế HQ thiếu tá Phạm Thành ( K.13 SQHQ/NT). Tôi bàn giao chức vụ hạm trưởng cho HQ Đại Úy Nguyễn văn Thành (K.15 SQHQ/NT).

Lễ bàn giao HQ 228 được cử hành trọng thể do chính TL Hạm Đội HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn chủ toạ, quân phục đại lễ. Hạm trưởng Phạm Thành đã bàn giao quyền chỉ huy chiến hạm đúng như nghi thức trong hải quy.

Sau một năm phục vụ trên HQ 228, tôi được thuyển lên hải vận hạm Tiền Giang (HQ 405) thay thế HQ Trung Tá Nguyễn Như Phú ( K.16 VBQG/Đà Lạt, theo học K.13 SQHQ /NT). HQ 405 tham dự hành quân Trần Hưng Đạo 48, chở địa phương quân thuộc tiểu khu Phước Tuy chiếm đóng 5 hải đảo tại vùng Trường Sa để tái xác nhận chủ quyền của VNCH tại quần đảo này. Sau 11 tháng trên HQ 405, tôi được thuyên chuyển lên hộ tống hạm Chi Lăng 2 (HQ 08) thay thế HQ Thiếu Tá Lê Quang Lập (K.11 SQHQ/NT ), lúc đó HQ 08 đang công tác tại Đà Nẵng, Tư lệnh Hải Quân vùng 1 duyên hải, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chủ toạ lễ bàn giao tại cầu tầu Tiên Sa, nối tiếp bởi hai chuyến tuần dương mùa gió đông bắc dài lê thê.

Giữa tháng Tư năm 1975, sau hơn hai tháng công tác vất vả tại vùng 1 và vùng 2 duyên hải, HQ 08 không có đủ thời gian để bảo trì và tu bổ, chiến hạm bị hư hỏng nhiều, phải về Vũng Tầu cập HQ 802 để xin sửa chữa, trình diện sĩ quan chỉ huy chiến thuật, HQ Trung Tá Lê Thuần Phong, chỉ huy trưởng hải đội chuyển vận của hạm đội cũng là “ ông hạm cũ” của tôi trên HQ 505. Trung Tá Phong cho tôi biết sau khi HQ Trung Tá Nguyễn Văn Lộc (K/11 SQHQ/NT) hạm trưởng HQ 503 bị thương tại mặt trận Phan Rang, TL Hạm Đội có ý định thuyên chuyển tôi lên HQ 503 thay thế hạm trưởng Lộc, nhưng niên trưởng Phong đã cản ông về ý định này vì tôi quá kém thâm niên, trong khi hạm trưởng các hộ tống hạm khác thâm niên hơn tôi rất nhiều. Đại Tá Sơn trả lời là ông cần người tin cậy , không cần thâm niên, ‘’Ông hạm cũ “ Lê Thuần Phong của tôi đã mất năm ngoái tại Toronto (Canada).

Kính thưa niên trưởng Sơn. Tôi định viết bài này với ý định chỉ phổ biến trong tương lai, nhưng khi nói chuyện này với vài bạn cùng khoá và một niên trưởng khoá 11, người đã phục vụ dưới quyền chỉ huy của niên trưởng trên HQ 09 sau khi từ Mỹ về, tất cả đều nói tôi nên viết để niên trưởng đọc; có bạn thân cùng khóa còn dùng bạch văn với tôi: “ Để niên trưởng Sơn đọc, ông ấy sẽ chỉnh mày, nếu mày viết sai sự thật “ .

Kính thưa niên trưởng Sơn, Niên trưởng đã chỉ huy một đại đơn vị gần 70 chiến hạm, chắc ông không nhớ nhiều về những chuyện tôi kể trong bài này vì còn phải quan tâm tới quá nhiều chuyện quan trọng hơn, nhưng tôi tin tưởng ở số mạng và định mệnh, nếu niên trưởng không giữ chức vụ Tư Lệnh Hạm Đội hoặc nhận chức trễ hơn vài tháng, rất có thể binh nghiệp của tôi đã qua một bước ngoặt khác vì chuyện “phê điểm xấu”.

Tôi viết bài này để ôn lại những lại những kỷ niệm buốn vui trong 11 năm binh nghiệp, và cũng để cám ơn vị TL Hạm Đội khả kính, tuy không họ hàng quen biết, đã giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh khó khăn. Âu cũng là định mệnh.

Song Nam Nguyễn trường Yên


Posted by bienxua on 

Song Nam Nguyễn Trường Yên
New Jersey, USA – October 2020

Ghi chú: Được tự do trích đăng và phổ biến rộng rãi trên báo chí & các diễn đàn điện tử – Cám ơn.


___________________________________________

PHỤ ĐÍNH Email của Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn
Date: Sun, Oct 18, 2020 at 6:10 PM
gửi Hạm Trưởng Nguyễn Trường Yên Dear Anh Yên Đọc bài viết của anh, tôi cảm nhận như đang lên giải ngân hà và có nhiều tiền nữ chào đón. Thật ra là vào những ngày tháng xa xưa ấy, trong lúc hành xử trách nhiệm, những gì anh em mình trải nghiệm với nhau đều là hệ quả của sự tương kính, không bị chi phối bởi những chuyện loại ruồi bu. Bây giờ anh nhắc lại thì tôi thấy vui vui, vui vì ngày xưa tôi có đem lại cho anh em sự hài lòng trong công vụ. Những gì anh ghi lại trong bài viết này thì ra là những chuyện mà tôi cho là có thật. Nay nhờ trí nhớ còn bén nhọn của anh mà tôi nhận được những giây phút vui vui trong những ngày tháng cuối đời. Cám ơn Anh Yên.

Nguyễn Xuân Sơn

https://i2.wp.com/camtran11.6te.net/hqpict/nx%20son%20aus.jpg

Nguồn: http://camtran11.6te.net/hqtext/ayen-nxs.html

TVQ chuyen


No comments:

NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI CAO TUỔI NÊN TRÁNH.

Con người khi về già, các bộ phận trong cơ thể đều lão hóa, yếu đi. Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổ...