Saturday, November 7, 2020

Tám năm sau tôi trở lại rừng U Minh Thượng và kinh Cán Gáo – Phan Hữu Niệm

Tôi rời bịnh viện hạm HQ400 để đi nhận Liên Đoàn 1 Thủy Bộ đang hoạt động vùng rừng U Minh Thượng.  Trước khi vào Bộ chỉ huy đóng ở Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô, tôi phải dừng lại Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi để trình diện Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, đang nắm giữ chức Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ.

Tôi rời bịnh viện hạm HQ400 để đi nhận Liên Đoàn 1 Thủy Bộ đang hoạt động vùng rừng U Minh Thượng.  Trước khi vào Bộ chỉ huy đóng ở Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô, tôi phải dừng lại Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi để trình diện Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, đang nắm giữ chức Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ.
Khi gặp tôi, câu hỏi đầu tiên của ông là:
      – Anh nghĩ sao mà xin xuống đây ?
Tôi trả lời ngay:
      – Thưa Đô Đốc, tôi không xin xuống đây.  Đây là lệnh của phòng Tổng Quản Trị, BTL/HQ.
Tuy nhiên với kinh nghiệm tại các đơn vị Hải Thuyền gần ba năm, chắc tôi sẽ làm được những gì do BTL/HQ giao phó.
Phó Đề Đốc Mình nói tiếp:
      – Bộ Chỉ huy của anh hiện đang đóng tại Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô, và vùng hoạt động của anh là vùng rừng U Minh Thượng.
      – Thưa Đô Đốc, như vậy thì chừng nào tôi phải đi Xẻo Rô ?
– Anh có thể đi hôm nay hay ngày mai.  Khi nào anh muốn đi, cho tôi biết, để kêu tàu ra đón anh.
      – Vậy thì Đô Đốc cho tôi rời đây 9 giờ sáng ngày mai.
      – Được, ngày mai hai tàu của giang đoàn 70 hay 71 Thủy Bộ sẽ đón anh tại Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi lúc 9:00 giờ sáng.
      – Anh có cần muốn biết thêm gì trước khi vào trong đó ?
      – Thưa Đô Đốc, tại Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô có đơn vị Bộ Binh
nào đóng gần đó không ?
      – Có, Trung Đoàn 32 hay Trung Đoàn 33 Bộ Binh đóng phía trong
một tí, khoảng giữa Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô và chi khu An Biên.
   – Thưa Đô Đốc, các đơn vị Bộ Binh đóng gần, mình có bị áp lực địch mạnh hơn hay thong thả hơn ?
      – Cái đó còn tùy.  Tuy nhiên, nếu chúng ta biết dựa nhau làm việc
thì cả hai bên đều có phần thong thả hơn.

Sau khi ông ta cho biết tình hình an ninh tại Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô cũng như tình hình địch trong rừng U Minh Thượng xong, tôi xin phép rút lui.
Sau đó tôi ghé sang phòng của Thiếu Tá Trần Ngọc Liên, Chì Huy Trưởng Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi để thăm anh ta và biết qua Tiền Doanh, vì đơn vị này cũng nằm trong đơn vị 211.1 của tôi.  Sau khi chuyện trò xong, Thiếu Tá Liên chở tôi đi một vòng để biết qua tình hình thị trấn Rạch Giá.
Sáng hôm sau hai chiếc Alfa của Giang Đoàn 71 Thủy Bộ có mặt tại cầu tàu Tiền Doanh Rạch Sỏi lúc 8:30H.  Đại Úy Dương Văn Tèo đi vào khu nhà sĩ quan độc thân tìm tôi.
Gặp tôi, sau khi chào hỏi, Đại Úy Tèo hỏi:
      – Chừng nào Chỉ Huy Trưởng muốn rời đây ?
      – Từ đây vào đó bao lâu ?  Tôi hỏi.
      – Dạ, chừng 40 phút.
      – Như vậy, cho anh em ăn cơm trưa xong, chúng ta sẽ rời đây, khoảng 12:30 H.
      – À, Thiếu Tá Bạch có ra đây sáng nay không ?
      – Thưa không, ông đang kiểm tra tàu bè để trình diện Chỉ Huy Trưởng.

   Đúng 12:30H, Đại Úy Tèo tim tôi và hướng dẫn lên tàu.  Chiếc Alfa thứ nhất thì đang bềnh bồng trên cảng, chiếc thứ hai vẫn còn cột dây tại cầu tàu chờ tôi.
   Đại Úy Tèo và tôi vừa bước chân lên tàu thi Đại Úy Tèo hỏi anh Thuyền Trưởng:
      – Tàu sẵn sàng rời bến đuoc chưa ?
      – Da, sẵn sàng rồi.  Chừng nào Chỉ Huy Trưởng muốn rời bến ?
      – Ngay bây giờ..  Bảo chiếc Alfa kia chạy trước, anh chạy sau.
Anh Thuyền Trưởng rồ máy, rồi nhấc ống liên hợp của chiếc mày truyền tin
PRC-25 gọi tàu bạn đang lềnh bềnh bên ngoài, và ra lệnh cho tàu đó đi trước.
Khi hai tàu ra giữa dòng kinh Rạch Sỏi thì chúng hướng về sông Cái Bé, hướng đông, ở cuối kinh Rạch Sỏi.  Tôi đến thăm hỏi anh thuyền trưởng:
      – Anh ở tàu này bao lâu rồi ?  Từ đây đi vào căn cứ Xẻo Rô mất bao lâu ?
      – Da, em ở tàu này đã hai năm rồi.  Từ đây vào căn cứ chừng 40 phút.
      – Trên đường đi từ đây vào trong đó, có tàu nào tuần tiễu không ?
      – Dạ có, hai chiếc Tango tuần tiễu trên đoạn sông Cái Bé và kinh
Tắc Cậu.
      – Hôm nay các anh nấu cơm trên tàu ăn, hay đi ăn hàng quán bên ngoài ?
      – Da, ăn trên tàu cho đỡ tốn.  Mỗi lần đi ra tiệm tốn kém nhiều lắm, nhất là tiền la ve.
      – Đừng uống la ve, hay uống ít lại thì làm sao tốn kém nhiều được.
      – Dạ, đã đi nhậu mà không có bia thì mất ngon đi nhiều.  Hơn nữa đời linh luôn gắn bó với la ve mà Chỉ huy trưởng.
      – Hồi trước tôi cũng nghĩ như anh vậy, nhưng sau đó tôi giảm bớt lại, thấy đỡ hơn.
Cái đỡ thứ nhất là không bị say sưa hay ngầy ngật sau khi uống.  Cái đỡ thứ hai là tiết kiệm để vợ con có tiền mua sắm ăn mặc.
      –   Tụi em sống nay chết mai thì nhậu nhiều đỡ phải lo nghĩ, và khi đi hành quân đỡ phải thắc mắc là lâu hay mau.
– Em ở trên tàu mà có la ve uống bất cứ lúc nào là em ở bao lâu cũng được.
–  Anh nói nghe cũng có lý ! nhưng phải nghĩ đến hoàn cảnh vợ con nữa chứ !
Nói xong tôi quay sang Đại Úy Tèo nói:      
–  Anh liên lạc với Thiếu Tá Bạch, nói, tôi cần gặp ông ta và Thiếu Tá Bùi Tỵ  khi tôi vào đến căn cứ.
     Khi tàu đi qua kinh Tắc Cậu, tôi thấy con kinh quá hẹp, nên sau khi tàu qua khỏi kinh, đến sông Cái Lớn, tôi bảo Đại Úy Tèo cho tàu quay trở lại kinh Tắc Cậu một lần nữa để xem địa hình của con kính cũng như nhà của dân hai bên bờ con kinh có nhiều không.
Vi tàu phải quay lại kinh Tắc Cậu nên phải mất một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến căn cứ Hải Quân Xẻo Rô.  Tàu chưa cập vào ponton mà tôi đã thấy Thiếu Tá Bạch và Thiếu tá Tỵ đứng trên ponton cầu chờ tôi.
Sau khi bắt tay, Thiếu Tá Tỵ nói:
      – Mời Chỉ Huy Trưởng vào phòng của Chỉ huy trưởng luôn, và chúng ta có thể nói chuyện tại đó.
Phòng ngủ dành cho tôi là một lô cốt làm bằng cọc sắt, chung quanh cũng như nóc lô cốt là 4 lớp bao cát, trông rất kiên cố.
Lô cốt nầy có hai phòng.  Phòng bên ngoài, khi mới bước vào là phòng họp hành quân, phòng bên trong nhỏ hơn, dùng làm phòng ngủ.
Chúng tôi ngồi tại phòng hành quân nghỉ ngơi và nói chuyện tình hình đơn vị.
Thiếu Tạ Tỵ, Chỉ huy Trường Căn Cứ Xẻo Rô gọi la ve từ câu lạc bộ lên mời uống.  Tôi hỏi qua tình hình hai giang đoàn 70 và 71 Thủy Bộ, cũng như an ninh và sự phòng thủ của Căn Cứ.  Thiếu Tạ Ty nói:
      – Kể từ khi có hai Trung Đoàn 32 và 33 về đây, chúng tôi ít bị Việt cộng quấy rối.  Đại Tá Sảnh, Trung đoàn trưởng TĐ/33/BB và ban chỉ huy hành quân nhẹ của ông ta thường ở trong căn cứ này.
Tôi nhận chức và sau một thời gian ở đây, một hôm Đại Tá Sảnh hỏi Thiếu Tạ Tỵ,
muốn mượn một phòng trống để sinh hoạt với sĩ quan ban đêm.  Thiếu Tá Tỵ trả lời:
      – Ở đây chỉ có phòng của Thiếu Tá Niệm là an toàn để ban tham mưu của Đại Tá sinh hoạt, nhưng nếu nói chuyện lớn, không biết ông ta có ngủ được không ?  Đại Tá thử hỏi ông ta xem sao ?
Đại Tá Sảnh hỏi tôi, tôi đồng ý cho mượn căn phòng hành quân bên ngoài.
     Ông Thiếu tá Tỵ của căn cứ Hải quân Xẻo Rô có cái đặc biệt là hình như ông ta muốn xa lánh nơi ồn ào náo nhiệt, thích nơi yên tỉnh, nên sĩ quan ai cũng muốn ở gần Bộ Tư Lệnh hay phục vụ trên các chiến hạm.  Nhưng Thiếu tá Tỵ, hết ở giang đoàn 75 Thủy Bộ (làm chỉ huy Trưởng), mà trước đó tôi đã gặp ông ta tại Năm Căn, khi ông đem chiến đỉnh đi hộ tống bịnh viện hạm HQ400 của tôi từ cửa sông Năm Căn vào BTL/HQ/V5DH, ở ngay tại Năm Căn.  Sau khi rời giang đoàn 75, ông lại vào tận Xẻo Rô, một nơi khỉ ho cò gáy để phục vụ cho Hải quân.  Không biết khi ông ta trình diện Đô Đốc Hoàng Cơ Minh, ông có được ông Minh hỏi như ông ta đã hỏi tôi không ?  “Tại sao anh xin xuống đơn vị này ?”.  Chưa hết, khi sang Mỹ, ai cũng muốn đến vùng thủ đô tị nạn của người Việt để ở, riêng vợ chồng ông ta, đi mãi cho đến vùng biên giới Mỹ Mễ để sống.  Gần đây,  hômThứ Năm, ngày 4 tháng 3, 2013, hai vợ chồng ông ta từ Texas sang Washington DC để xem hoa anh đào, chúng tôi gặp nhau tại tiệm ăn Hương việt, trong khu Eden center, tôi đề nghị anh ta, nên đi gặp thầy tướng số hay tử vi nào giỏi, chấm cho một lá số, xem là con gì, mà lúc nào anh ta cũng bị ở xa mọi người ? 
Tuy chọc anh ta như vậy, chứ sự thật, phần tôi thì cũng chẳng khá hơn anh ta bao nhiêu.  Vì hồi mới ra trường, khóa tôi, ai nấy đều được gởi đi phục vụ chiến hạm, Bộ Tư Lệnh, hay các giang đoàn có căn cứ gần thành phố lớn.  Riêng tôi, thì phải đến một đơn vị nằm trong khu vực Đặc Khu Rừng Sát, đó là đội 33 Hải Thuyền, một đơn vị vừa mới bị Việt cộng lấy mất một ghe chủ lực.  Còn những tháng ngày trước 30 tháng 4, 1975, tôi cũng ở nơi xa xôi hẻo lánh như anh ta, đó là Liên đoàn 1 Thủy Bộ, mà Bộ chỉ huy nằm tại Xẻo Rô, trong căn cứ của anh ta.
Tôi phụ trách Liên đoàn 1 Thủy Bộ kiêm Chỉ huy Trưởng 211.1,  nên trong vùng hoạt động của tôi, ngoài hai giang đoàn cơ hữu là giang đoàn 70 và 71, tôi còn phụ trách thêm Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô và Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi.

Đơn vị tôi trách nhiệm vùng rừng U Minh Thượng, vùng này là một vùng sình lầy trải dài dọc theo hai bên con kinh Cán Gáo, chạy từ đông sang tây.
Kinh Cán Gáo xuất phát từ thượng nguồn,ở sâu trong rừng U Minh Thượng về phía đông, chảy về hướng tây, phía sông Cái Lớn.  Hai bên con kinh Cán Gáo này có những con kinh nhỏ từ hai bên rừng sình chảy ra, nhập vào kinh Cán Gáo.  Tôi không biết, ban đầu tìm ra những con kinh này, người xưa tại sao không đặt tên những con kinh nhỏ hai bên kinh Cán Gáo, bắt đầu kinh Thứ Nhất là kinh từ thượng nguồn, mà họ đặt ngược lại, kinh Thứ Nhất bắt đầu từ hạ nguồn, nghĩa là, kinh Thứ Nhất bắt đầu từ sông Cái Lớn tại Xẻo Rô, chạy sâu mãi và ngược dòng, cho đến kinh Thứ 11.  Nơi này có một làng nhỏ, tên là Gò Quao.  Hằng ngày có ghe buôn chở người và hàng hóa từ kinh Thứ 11 ra đến những vùng dọc theo hai bên kinh Cán Gáo.  Phía tây sông Cái Lớn là sông Cái Bé.  Hai con sông này thông thương với nhau bằng một con rạch nhỏ, gọi là rạch Tắc Cậu.  Thuyền bè theo rạch Tắc Cậu qua sông Cái Bé ,rồi đến kinh Rạch sỏi, để đổ người và hàng hóa xuống trạm chót này, trạm Rạch Sỏi..  Tại đây, hàng hóa chuyển ra chợ Rạch Giá hay các tỉnh lân cận bằng xe đò.
Hết kinh Thứ 11, vùng rừng U Minh Thượng nối tiếp với khu rừng khác về phía đông bắc, có cái tên na ná như trên, đó là rừng U Minh Hạ.  Vùng này thuộc khu vực tỉnh Cà Mau, mà Bộ chỉ Huy vùng 5 Duyên Hải đóng tại Năm Căn.  Các chiến hạm từ biển muốn vào Bộ Chỉ Huy vùng 5 Duyên Hải (BCH/V5DH) phải mất chừng nửa tiếng hải hành, và phải có hộ tống của giang đoàn đang hoạt động tại đây.
Hai vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ giống nhau, vì cả hai đều là rừng tràm và là rừng sình lầy. 

Hai Trung Đoàn 32 và 33.
Hai Trung Đoàn 32 va 33 hoạt động ở vùng này thường phối hợp với Hải quân mỗi khi hành quân.  Vì thế mỗi khi hai trung đoàn này vào đây hoạt động,  Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô tương đối vững tâm hơn về mặt an ninh.  Ngay bên ngoài căn cứ là chợ Xẻo Rô.  Nhưng cái chợ lớn hơn ở vùng này là chợ Kiên An, vì Kiên An là quận lỵ .
Tôi ở căn cứ Hải Quân Xẻo Rô chừng ba tháng thì Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh dời Bộ Tư Lệnh của ông từ Rạch Sỏi về Bình Thủy, vì thế Bộ Chi huy 211.1 của tôi được lệnh dời về Rạch Sỏi, nằm trong phạm vi của Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi.  Khi ấy hai giang đoàn 70 va 71 cũng dời về đây, và không khí Tiền Doanh Rạch Sỏi trở nên nhộn nhịp hơn.  Tại đây tôi thường xuyên liên lạc với quận Rạch Sỏi và tỉnh Kiên Giang để theo dõi tin tức và phối hợp hành quân.
     Đến tối 29 tháng 4, 1975, lợi dụng tình hình Sài Gòn lộn xộn, Việt cộng đem quân tấn công Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi.  Chúng pháo kích vào Tiền Doanh, làm chết hai và làm ba nhân viên khác của Tiền Doanh bị thương.   Chúng tôi ứng trực cho đến sáng, rồi tôi thành lập haì Trung đội với trang bị hỏa lực đầy đủ, đưa ra ngoài để đẩy lùi địch xa Tiền Doanh chừng một cây số. 
     Trong lúc đang theo dõi tình hình hai bên ở bên ngoài Tiền Doanh, Trung úy Nghĩa, sĩ quan hành quân của Liên Đoàn chạy ra báo cáo cho tôi rằng, Sài Gòn đã đầu hàng.  Tôi vội chạy vào phòng truyền tin, thì nghe tiếng của Đại Tướng Dương Vân Mình kêu gọi quân nhân buông súng.
Tôi liền triệt thối hai trung đội bên ngoài trở về đơn vị.
Mặt khác tôi gọi điện thoại về Bình Thủy để xin chỉ thị của Đại Tá Nguyễn Bá Trang, Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ, nhưng tôi chỉ gặp được Trung Tá Nguyễn Văn Hoa,  xử lý thuờng vụ Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ.  Ông ta cho biết, Đại tá Trang đã rời Bình Thủy, xuống Cần Thơ, thay thế Đô Đốc Thăng.  Tôi hỏi Trung Tá Hoa, với tình hình hiện tại, xin ông cho chỉ thị.  Ông bảo tôi theo lệnh địa phương.  Tôi nói với ông rằng, từ trước đến nay, chúng tôi chỉ theo lệnh của Hải Quân, đâu có đơn vị bộ binh hay địa phương nào ra lệnh cho chúng tôi.  Trung Tá Hoa nói, bây giờ thì cứ theo lệnh họ đi.  Gác máy, tôi gọi Trung Tả Trổ, tỉnh trưởng Kiên Giang, để biết thêm tin tức và tình hình vùng 4 chiến thuật thế nào?  Ông ta yêu cầu tôi chờ, để ông hỏi lại Tư Lệnh vùng 4 chiến thuật, rồi cho biết sâu.  Chừng năm phút sau, ông ta gọi lại và cho tôi biết rằng, lệnh của quân khu 4 là tử thủ.

This image has an empty alt attribute; its file name is luc-luong-dac-nhiem-thuy-bo-hqvnch..jpg


Tôi nghĩ, như vậy là không ổn rồi.  Sài Gòn đầu hàng, Vùng 4 tử thủ (?)
Tôi vội tập họp các vị Chỉ Huy Trưởng các đơn vị của tôi: Giang đoàn 70 TB, Giang đoàn 71 TB, Tiền doanh yểm trợ Rạch Sỏi để thông báo quyết định của tôi.  Sau khi hỏi qua ý kiến từng người, tôi yêu cầu các đơn vị cho tất cả nhân viên lên tàu, sẵn sàng đợi lệnh.
Mặt khác tôi lên máy nói chuyện với Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô, yêu cầu ông ta cho tất cả nhân viên lên tàu và tìm thêm vài chiếc ghe, chở họ ra biển khi có lệnh.  Tôi cũng cho ông ta biết là tôi sẽ đón tất cả nhân viên của căn cứ tại cửa sông Cái Lớn.
Tôi dặn tất cả sĩ quan đừng tiết lộ cuộc dỉ chuyển của chúng tôi cho tỉnh Kiên Giang và quận Kiên Thành biết, vì chúng tôi có thể bị rắc rối nếu họ biết.  Chúng tôi kéo nhau ra biển, và trên đường từ sông Rạch Sỏi ra biển, tôi cho các vị Chỉ Huy Trưởng biết rằng, hể có B40 nào từ các nhà lầu hai bên bờ sông bắn ra tàu, thi triệt hạ ngay các nhà lầu đó.
Tối hôm đó đoàn tàu chúng tôi ra đến cửa sông Cái Lớn.  Chúng tôi gặp đoàn tàu của Căn Cứ Hải Quân Xẻo Rô, dừng lại giữa sông, để chuyến gia đình và nhân viên của căn cứ Xẻo Rô sang các tiểu đỉnh của hai giang đoàn 70 và 71 Thủy Bộ.
     Khi chuyển quân xong, tôi cho đoàn tàu trực chỉ Hòn Tre, hậu cứ của Duyên Đoàn 43 Hải Thuyền.  Khoảng 3 giờ sáng chúng tôi tới đảo Hòn Tre, nhưng vì không biết tình hình trên Hòn Tre như thế nào, chúng tôi đưa tàu lên phía bắc Hòn Tre, neo tại đây, chờ sáng hôm sau, tùy theo tình hình mà quyết định.

Sáng hôm sau chúng tôi liên lạc được với đài kiểm báo Hòn Nam Du (đài kiểm báo của vùng 4 Duyên hải).  Nơi đây cho biết, chiều hôm trước, tất cả tàu bè và các đơn vị Hải Quân cơ động đã đến Côn Sơn, và tất cả sẽ khởi hành đi Guam khi có lệnh.  Tôi nhờ đài kiểm báo liên lạc với đoàn tàu, chờ chúng tôi ra đến nơi mới khởi hành có được không ?
Đài kiểm báo nói họ sẽ cố gắng liên lạc, khi nào được sẽ báo cho chúng tôi biết.  Tuy là yêu cầu của tôi như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng,  họ sẽ không thể nào đợi chúng tôi được, vì thời gian mà các chiến đĩnh của chúng tôi khởi hành từ Hòn Tre cho khi đến được Côn đảo, ít nhất cũng phải mất 36 giờ.  Họ không thể nào chờ đợi với một thời gian quá đài như vậy được.  Vì thế tôi cho đoàn giang đỉnh của tôi cập vào cầu tàu của Duyên Đoàn 43 để nghỉ ngơi.  Các du kich Việt Cộng địa phương tuy thấy chúng tôi vào, nhưng không làm gì hơn là để chúng tôi đi lại tự do trên bờ.
      Khoảng 3 giờ chiều thì đoàn ghe tàu của Đại Tá Nguyễn Văn May, Tư lệnh Vùng 5 Duyên Hải ở Năm Căn cũng kéo đến Hòn Tre.  Tuy tôi có gặp ông để chào và hỏi thăm sức khỏe cũng như tình hình, nhưng không để cập đến lý do vì sao ông kéo đoàn ghe tàu đến đây.
   Đến khoảng 5 giờ chiều, Việt cộng tại đây ra lệnh cho các đơn vị Hải Quân chạy theo họ, để vào Kiên An.  Họ chạy trước, Hải Quân chúng tôi chạy theo sau, kể cả đoàn ghe tàu của Đại Tá May.  Khi đoàn tàu đi được chừng 5 hải lý, tôi dặn anh thuyền trưởng chiếc tàu LCM-8 , tàu của Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi, mà tôi đang đi, hãy tìm chỗ nào cạn, ủi tàu vào đó, rồi gọi máy báo cáo cho tụi Việt Cộng biết là tàu mình bị mắc cạn.   Vì nhiều tàu quá, chúng cũng chả thèm chú ý đến tàu của tôi mắc cạn.  Chúng bảo, khi nào tàu tôi ra khỏi cạn thì chạy vào Kiên An sau.
Gác mũi LCM-8 lên cạn nghỉ một đêm,  sáng hôm sau, lúc 6 giờ, tôi cho tàu lùi khỏi cạn và chạy vào bến tàu Rạch Giá.  Tôi bỏ tàu tại cầu tầu, và cho tất cả nhân viên, ai nấy về với gia đình của mình. không cần phải báo cáo với Việt Cộng ở Kiên An.  Theo tôi nghĩ, vào Kiên An, thế nào họ cũng giam giữ chúng tôi vài tuần để chờ lệnh cấp trên của họ.
     Khi đó trên tàu của tôi, có một nhân viên thuộc Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi, anh Thuợng Sĩ Liêm, có gia đình tại Rạch Giá, anh ta mời chúng tôi ghé nhà anh ta nghỉ ngơi trước khi về Sài Gòn hay quê quán các nơi.  Gia đình tôi và gia đình anh Liên, Chỉ Huy Trưởng Tiền Doanh Yểm trợ Rạch Sỏi, kéo nhau đến nhà anh Liêm nghỉ ngơi một ngày một đêm.  Sáng hôm sau chúng tôi từ giả gia đình anh Liêm, ra bến xe mua vé xe đò về Sài Gòn.
   Tại Sài Gòn tôi có một căn nhà tại cư xá Thanh Đa, nên chúng tôi về ở tạm nơi đó, theo dõi tin tức.  Sau đó tôi bung ra chợ Trời Huỳnh Thúc Kháng, Sài Gòn, đón mua đồ đạt mà người dân đô thành mang ra chợ Trời bán.  Tôi đón họ dọc đường để mang đến chợ Trời bán lại kiếm lời.  Có hôm tôi đến chợ Bà Chiểu, Gia Định.  Tại đây, tôi làm quen được với hai anh bán chợ Trời khá lâu ở đây, nhờ một ít đồ dùng có sẵn, tôi cho hai anh ta.  Hôm sau tôi trở lại đứng bên cạnh hai anh để bán những mặt hàng tôi mua được.  Thấy tôi có nhiều hàng mà không có nơi bày hàng, hai anh mỗi người thu hẹp chỗ mình đứng, nhường cho tôi một chỗ tuy hẹp, nhưng tương đối cũng có thể bày hàng ra bán được.  Hai anh cũng rất vui sau khi tôi có chỗ và cho thêm đồ dùng cho hai anh.  Tuy ban đầu chỗ của tôi đứng rất hẹp, nhưng vài ngày sau thì tôi cũng có một chỗ rộng bằng chỗ như hai anh.
    

Khi có chỗ bán ở chợ Bà Chiểu rồi, hằng ngày tôi ra đó đứng mua và bán hàng kiếm tiền sinh sống, không phải xuống chợ Trời ở Sài Gòn nữa.  Làm được chừng hai tuần lễ, tôi kiếm được trên một trăm ngàn đồng (tiền lúc bấy giờ).  Sau đó tôi bỏ chợ Trời, đi trình diện tại trường Trung học Tabert theo thông cáo trên đài phát thanh của chính phủ Việt cộng, để đi học tập cải tạo.  Tuy là đi trình diện để ở tù, nhưng mỗi người khi đến trình diện phải đóng trước tiền ăn hai tháng.
Tổng số tiền tôi kiếm được khi buôn bán ngoài chợ Trời bằng hai tháng tiền lương của tôi trước đó.  Nhưng khi đến trình diện đi tù, tôi không biết sau đó với số tiền như vậy, bà xã tôi và bốn đứa bé sinh sống bằng cách nào ?
Sau khi trình diện, mọi quân nhân phải ngủ ở đó ít nhất từ một đến ba đêm, vì thời gian ấn định cho trình diện là ba ngày, đó là những ngày 13, 14, và 15 tháng 6, 1975.  Ban đầu, bàn tính ngày đi trình diện với bà xã, chúng tôi nói, nên đi trình diện ngày 13 cho đỡ rắc rối.  Nhưng khi đến ngày 13, tôi không đi được vì không nở chia tay với vợ con, nên tự hẹn lại với mình là ngày hôm sau sẽ đi trình diện.
Đến ngày 14, tôi cũng không thể rời nhà được, vì vợ con.  Hơn nữa, đi kỳ này không biết là phải xa gia đình bao lâu ?  Cũng có thể là không bao giờ trở lại với gia đình.  Ở thêm với gia đình cho đến thời hạn chót, ngày 15, tôi mới vát xách vải bố đến trình diện, vào cái giờ gần như trong số những người đến trình diện sau chót.  Vì trình diện ngày cuối nên tôi chỉ phải ngủ tại trường Tabert một đêm thôi.

Sáng hôm sau tất cả chúng tôi, những quân nhân trình diện tại đây được Việt cộng lùa lên xe molotova, chở tất cả ra Long Giao, một vùng đất đỏ, lau sậy, mà các đơn vị bộ binh của chúng ta trú đóng trước đây bỏ lại.  Nơi đây có những dãy nhà tương đối có thể tạm trú mưa nắng nên rất tiện cho bọn chúng quản lý chúng tôi.
Việc nấu nướng cho ăn uống thì chúng bắt chúng tôi phải tự làm lấy.  Hằng ngày họ lùa chúng tôi ra những bãi lau sậy bắt nhổ.  Ban đầu chúng tôi không ai ngờ được là chúng tôi sẽ nhổ được những bụi lau sậy ấy bằng tay, vì nhiều cụm lau sậy rộng từ hai đến ba thước, chiều cao phủ khỏi đầu người.  Thân lau sậy lớn bằng ngón tay.  Thế mà trong vài tuần lễ, cảnh rừng rú của lau sậy không còn nữa.
Rồi chúng đi tìm cuốc xẻng, bắt chúng tôi đi cuốc đất, vun luống,trồng khoai mì, khoai lang, bắp.  Nghĩa là những thứ gì ăn được chúng đều bắt chúng tôi làm.
     Sau vài tuần lễ chúng bắt đầu bắt chúng tôi học tập, cái gọi là mười bài học tập cơ bản, nói về Mỹ Ngụy và cuộc chiến tranh thần thánh của chúng về chống Mỹ cứu nước.
     Ở Long Giao được sáu tháng, chúng di chuyển chúng tôi về Suối Máu, Tân Hiệp.
Nơi đây có những dãy nhà tôn của Việt Nam Cộng Hòa để lại, có hàng rào kẻm gai, và phân thành từng khu, chúng dễ kiểm soát được chúng tôi, không sợ chúng tôi trốn.  Về Suối Máu lẽ dĩ nhiên phải tiếp tục học tập mười bài cải tạo mà chúng đã đưa ra.
    

Trong thời gian đó, những vùng ở phía tây Bảy Hiền, có những trại mà thành phần sĩ quan chúng tôi bị giam giữ tại đó, họ tìm cách trốn trại.  Nhưng không trốn được, họ bị bắt lại, bị xử án.  Có người bị xử bắn tại chỗ   Có người bị xử tử hình nhưng chưa đem ra hành quyết.  Có người bị xử án tù.  Có lẽ chúng thấy trại Suối Máu giữ tù an toàn hơn, nên họ di chuyển số tù trên đó về trại Suối Máu, nhốt chung với chúng tôi.  Khi đưa về Suối Máu, có hai anh bị án tù, một anh bị kêu án xử tử.  Chúng tôi coi đó là một đòn hăm dọa, dằn mặt tù cải tạo tại đây.  Khi đó họgọi mỗi nhà mà chúng tôi bị giam giữ với cái tên họ thường dùng là “lán”.  Tôi ,anh Trần Hữu Khánh, và anh Nguyễn Phú Bá, cả hai là khóa 11 Hải quân, ở lán 10.  Tôi nằm giữa, anh Khánh và anh Bá nằm hai bên.  Còn anh Nguyễn Văn Bảo (khóa 12), anh Trần Thế Diệp (khóa 11),  Thiếu tá Lý Anh Kiệt, làm ở hải tiếp vụ trước kia, ở lán 9.  Anh Nguyễn Khương Ninh (khóa 12), tôi không nhớ anh ta ở lán nào.  Nhưng khi đó, Ninh được chỉ định phục vụ nhà bếp.

Nguồn: http://songnam.centerblog.net/45-T%C3%81M-N%C4%82M-SAU-T%C3%94I-TR%E1%BB%9E-L%E1%BA%A0I-R%E1%BB%AANG-U-MINH-Phan-H%E1%BB%AFu-Ni%E1%BB%87m



Posted by bienxua on 


No comments: